K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

* Tình hình Liên Xô sau Chiến tranh:

- Bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ hai với tư thế của người chiến thắng, nhưng Liên Xô vẫn phải chịu những tổn thất hết sức nặng nề.

+ Hơn 27 triệu người chết, 1710 thành phố, hơn 70 000 làng mạc, gần 32 000 nhà máy, xí nghiệp với 65 000 km đường sắt bị tàn phá.

+ Riêng lãnh thổ đất nước thuộc phần châu Âu hầu như hoang tàn, đổ nát.

+ Chiến tranh đã làm cho nền kinh tế Liên Xô phát triển chậm lại tới 10 năm.

* Công cuộc khôi phục kinh tế:

- Từ đầu năm 1946, Đảng và Nhà nước Xô viết đã đề ra kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế đất nước với kế họach 5 năm lần thứ tư (1946 - 1950).

- Với khí thế của người chiến thắng, các tầng lớp nhân dân Liên Xô đã sôi nổi thi đua, lao động quên mình để thực hiện kế hoạch.

- Kết quả: kế hoạch 5 năm lần thứ tư được hoàn thành thắng lợi, vượt mức trước thời hạn 9 tháng. Các chỉ tiêu chính đều vuợt mức kế hoạch dự định.

+ Năm 1950, sản xuất công nghiệp tăng 73% (kế hoạch dự định tăng 48%), hơn 6 000 nhà máy được khắc phục và xây dựng mới đã đi vào hoạt động.

+ Nông nghiệp vượt mức trước chiến tranh.

+ Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

+ Khoa học - kĩ thuật có sự phát triển vượt bậc. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mĩ.

Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945)

Chiến tranh thế giới thứ hai đã diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu (mặt trận phía Tây); mặt trận Xô - Đức (mặt trận phía Đông); mặt trận Bắc Phi; mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và mặt trận trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng, trong đó, mặt trận chủ yếu, quyết định đối với toàn bộ tiến trình của Chiến tranh thế giới thứ hai là mặt trận Xô – Đức.

 Hồng quân Xô Viết tổ chức phản công phát xít Đức ở Mặt trận phía Tây Mát-xcơ-va

Từ 1939 đến 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đại thể đã trải qua 5 giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất: từ 1-9-1939 (ngày Đức tấn công Ba Lan, mở đầu đại chiến) đến 22-6-1941 (ngày phát xít Đức tấn công Liền Xô).

2. Giai đoạn thứ hai: từ 22-6-1941 đến 19-11-1942 (ngày mở đầu cuộc phản công ở Xtalingrat).

3. Giai đoạn thứ ba: từ 19-11-1942 đến 24-12-1943 (ngày mở đầu cuộc tổng phản công của Hồng quân Liên Xô trên khắp các mặt trận).

4. Giai đoạn thứ tư: từ 24-12-1943 đến 9-5-1945 (ngày phát xít Đức đầu hàng, chiến tranh kết thúc ở châu Âu).

5. Giai đoạn thứ năm:từ 9-5-1945 đến 14-8-1945 (ngày Phát xít Nhật đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt).

I. Giai đoạn thứ nhất (1-9-1939 đến 22-6-1941):

l. Đức tấn công Ba Lan và bước khởi đầu của chiến tranh thế giới (9-1939 đến 4 - 1940).

Ngày 1-9-1939, không tuyên chiến, quân Đức tràn vào Ba Lan. Để tấn công Ba Lan, Đức đã có sự chuẩn bị từ lâu và đưa vào Ba Lan một lực lượng to lớn; 70 sư đoàn (trong đó có 7 sư đoàn xe tăng và 6 sư đoàn cơ giới, với hơn 3000 máy bay). Trong khi đó, Ba Lan thiếu chuẩn bị về tinh thần và vật chất. Một bộ phận lớn quân đội Ba Lan lại tập trung ở biên giới phía Đông để chống Liên Xô, trong khi đó Đức có ưu thế tuyệt đối về quân số và trang bị. Chúng lại lợi dụng yếu tố bất ngờ và thực hiện chiến thuật ''đánh chớp nhoáng'', dùng xe tăng và máy bay thọc sâu, bao vây, khiến cho Ba Lan không chống đỡ nổi.

Từ ngày 12 đến 16-9, vòng vây của Đức xiết chặt chung quanh Vacxava và quân Đức tiếp tục tiến về phía Đông chiếm Bret-Litôp, Lubơlin và Lvốp. Bọn phản động cầm quyền Ba Lan không đủ sức chỉ đạo về quốc phòng. Sau những đòn thất bại đầu tiên, chúng đều hèn nhát bỏ trốn sang Rumani. Nhưng nhân dân Ba Lan không chịu hạ khí giới. Những đảng viên cộng sản từ trong tù hay trong bí mật ra lãnh đạo cuộc chiến đấu bảo vệ Vacxava. Họ chiến đấu rất anh dũng, đập tan1 sư đoàn thiết giáp Đức tiến vào thành phố, nhưng không thể nào cứu vãn nổi. Vacxava tan hoang trong khói lửa cuối cùng đã bị thất thủ. Nước Ba Lan bị Đức thôn tính. Trong khi đó, một cuộc “chiến tranh kì quặc” đã diễn ra ở phía Tây nước Đức.

Liên quân Pháp, Anh dàn trận ở Bắc Pháp dọc theo biên giới Đức, nhưng không tấn công Đức và cũng không có một hành động quân sự nào để đỡ đòn cho Ba Lan. Hiện tượng ''tuyên'' mà không ''chiến'' (được các nhà báo Mĩ gọi là ''cuộc chiến tranh kì quặc'', người Pháp gọi là cuộc chiến tranh “buồn cười”, còn người Đức gọi là chiến tranh ''ngồi'') kéo dài suốt trong 8 tháng (từ 9-1939 đến 4-1940). Trong suốt thời gian này, quân đội hai bên hầu như chỉ ngồi trong chiến lũy nhìn sang nhau, thỉnh thoảng quân Pháp mở những cuộc tiến công nhỏ có tính chất “tượng trưng” rồi lại trở về vị trí cũ. Sở dĩ có hiện tượng này là do giới cầm quyền Anh, Pháp vẫn còn ảo tưởng về một sự thỏa hiệp với Hítle. Đồng thời cũng do Bộ tổng tư lệnh liên quân, đứng đầu là tướng Pháp Gamơlanh, đã quyết định áp dụng chiến thuật phòng ngự, mong dựa vào phòng tuyến Maginô kiên cố để đánh bại quân địch.

Mùa xuân năm 1940, Quốc hội Pháp và Anh đã nhận ra sai lầm trong đường lối mềm yếu này. Họ quyết định đưa ra những nhân vật cứng rắn lên cầm đầu chính phủ: Râynô lập chính phủ mới ở Pháp (tháng 3) và Sơcsin trở thành Thủ tướng Anh (tháng 5), nhưng đó là sự thay đổi quá muộn.

Cùng thời gian này, vào ngày 17-9-1939, theo sự thỏa thuận với Đức (qua ''Biên bản mật'' ngày 24-9), quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan và tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây để thu hồi lãnh thổ của đế quốc Nga bị mất vào những năm 1918 – 1920. Miền Đông Ba Lan vốn là một phần lãnh thổ của Tây Ucraina và Tây Bêlarút bị trao cho Ba Lan năm 1920, nay sáp nhập trở lại với hai nước Cộng hòa Xô viết này trong Liên bang Xô viết (11-1939).

Ngày 18-9, Liên Xô lên án ba nước Ban Tích là không giữ vai trò trung lập. Dưới sức ép về quân sự, lãnh đạo ba nước Ban Tích phải lần lượt đến Mátxcơva và kí những hiệp ước không xâm lược với Liên Xô: Extônia, ngày 28-9, Látvia ngày 5-10, Litva ngày 10 -10. Đó là những hiệp ước tương trợ Extônia và Litva nhượng cho Liên Xô những căn cứ hải quân và không quân. Cả ba nước chấp nhận cho Liên Xô quyền đóng quân trên đất của họ. Thành phố Vilna và khu vực Vilna được trả lại cho Litva (27-10). Tháng 6-1940, quân Đội Liên Xô tiến vào ba nước Ban Tích, gây áp lực lật đổ các chính phủ tư sản ở đây. Các chính phủ mới được thành lập dưới sự kiểm soát của Dekanôzôp ở Litva, của Vichinsk ở Latvia và của Jđanôp ở Extônia. Ngày 14-7, bầu cử được tiến hành. Các Quốc hội mới kêu gọi sáp nhập các nước Ban Tích vào Liên Xô. Tháng 8-1940, Xô viết tối cao Liên Xô chấp nhận ba nước Ban Tích vào thành phần của Liên bang Xô viết.

Ngày 28-11, Liên Xô hủy bỏ hiệp ước không xâm lược năm 1932 và ngày hôm sau Liên Xô cắt quan hệ ngoại giao với Phần Lan. Chiến tranh Xô - Phần bùng nổ và diễn ra ác liệt trong suốt mùa đông băng giá (11-1939 đến 3-1940). Kết quả theo hiệp ước Matxcơva ngày 12-3-1940, Phần Lan phải nhường vĩnh viễn eo đất Carêli để Liên Xô thành lâp nước Cộng hòa Xô viết Carêli của mình và biên giới Phần Lan - Liên Xô được lùi xa Lêningrát thêm 150 km nữa. Ngoài ra, Phần Lan còn phải cho Liên Xô thu cảng Hănggô trong 30 năm với số tiền 8 triệu mác Phần Lan.

Betxarabia và Bắc Bucôvina là vùng tranh chấp lâu dài giữa Nga với Rumani mà Rumani chiếm được năm 1918. Xtalin gửi tối hậu thư cho Rumani đòi:

- Vùng Betxarabia mà Nga chưa bao giờ chịu mất, phải trả về cho Nga.

- Sáp nhập vùng Bắc Bucôvina mà dân cư ở đó về mặt lịch sử và về mặt ngôn ngữ gắn bó với nước Cộng hòa Xô viết Ucraina.

Trước tình hình đó, chính phủ Rumani kêu gọi sự giúp đỡ của Đức và Italia, nhưng hai nước từ chối và Rumani đành nhượng bộ. Thế là Betxarabia và Bắc Bucôvina trở thành một bộ phận thuộc nước Cộng hòa Xô viết Mônđavia của Liên Xô (8-1940).

Tính chung, Liên Xô đã lập thêm 5 nước Cộng hòa Xô viết Liên bang, mở rộng lãnh thổ 2 nước Cộng hòa Xô viết, đưa tổng số nước Cộng hòa của Liên Xô lên tới 16. Số dân mới gia nhập Liên Xô là 23 triệu người (13 triệu ở Ba Lan cũ, 10 triệu ở Rumani và trong các nước Ban Tích) Biên giới phía tây của Liên Xô được đẩy lùi thêm từ 200 - 300km.

2. Đức đánh chiếm các nước Bắc Âu và Tây Âu

Cuộc ''Chiến tranh kì quặc'' đã giúp cho nước Đức phát xít mạnh lên. Lợi dụng thời gian hưu chiến suốt mùa đông 1939 – 1940, Đức phát triển bộ binh lên tới 136 sư đoàn, xe tăng - 10 sư đoàn, máy bay - 4 vạn chiếc. Thực lực của Đức khi đó tăng lên chừng gấp đôi thời kì trước khi đánh Ba Lan. Trong khi đó thì các chính phủ Anh, Pháp do theo đuổi những âm mưu chống Liên Xô đã không nghĩ đến củng cố sự phòng của đất nước. Trong những tháng ấy, sản xuất vật liệu chiến tranh của Anh và Pháp không tăng; một phần vũ khí và quân trang làm ra lại gửi sang Phần Lan.

Lập trường mù quáng chống Liên Xô làm cho giới thống trị các nước Anh và Pháp trở nên thiển cận. Mặc dầu nguy cơ tấn công của Đức vào các nước phương Tây ngày càng rõ và họ biết điều đó nhưng giới thống trị Anh, Pháp vẫn không thay đổi chính sách; họ vẫn tiếp tục hi vọng rằng “Hítle sẽ quyết định hướng đội quân về phía Đông chống Nga”. Tướng Đờ Gôn đã viết trong hồi kí: ''Phải nói rằng một số giới muốn nhìn kẻ thù ở Xtalin hơn là Hítle. Họ lo lắng đến những biện pháp để đánh nước Nga – hoặc giúp Phần Lan, hoặc ném bom Bacu hoặc đổ bộ ở Xtambun nhiều hơn cách làm sao để thắng đế chế Đức''.

Trong khi đó thì Đức đang chuẩn bị tỉ mỉ kế hoạch đánh các nước Tây Âu. Gián điệp của Đức len lỏi khắp các nước mà chúng sẽ xâm chiếm.

Ngày 9-4-1940, quân Đức tràn vào Đan Mạch. Vua và chính phủ không kháng cự, ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí. Cùng ngày, quân Đức đổ bộ lên tất cả các cảng lớn của Na Uy. Nhân dân Na Uy kháng chiến rất dũng cảm. Chiến sự đã diễn ra ác liệt ở nhiều nơi. Nhưng bọn tay sai của Hítle ở Na Uy đã phản bội Tổ quốc. Na uy bị đánh bại. Quân Anh, Pháp sang cứu bị đánh bật ra biển.

Ngày 10-5, vào 5 giờ 30 sáng, quân Đức tràn vào Bỉ, Hà Lan, Lucxembua và Pháp. Mặt trận chính phía Tây bây giờ mới chính thức diễn ra. Lực lượng hai bên không chênh lệch nhau lắm. Đức ném vào cuộc tấn công 136 sư đoàn (kẻ cả dự bị). Quân Đồng minh có 130 sư đoàn (91 sư đoàn Pháp, Anh - 10 sư đoàn, Bỉ 22, Hà Lan – 9 và Ba Lan – 1). Nhưng Đức có nhiều máy bay và xe tăng hơn. Kế hoạch tác chiến của Đức lại dựa trên sự tấn công bất ngờ, sự thiếu chuẩn bị về tâm lý của đối phương, và chiến thuật tốc chiến tốc thắng, dùng máy bay và xe tăng tiến nhanh, thọc sâu, chia cắt và bao vây đối phương.

Ngày 10-5, quân của Phôn Bốc vượt qua sông Mơdơ (Mense), đồng thời nhảy dù xuống chiếm các sân bay, các đầu mối giao thông và các cứ điểm quan trọng của Hà Lan và Bỉ.

Ngày 15-5, quân đội Hà Lan phải đầu hàng, Chính phủ Hà Lan chạy sang Luân Đôn. Ngày 27-5, đến lượt Bỉ đầu hàng vô điều kiện.

Trong khi đó, quân của Phôn Runxtét vượt qua Lucxembua, đánh bại đạo quân thứ 9 của Pháp do tướng Coráp chỉ huy, chọc thủng phòng tuyến của Pháp trên một khu vực rộng 90km giữa Xơđăng và Namuya. Phòng tuyến Maginô (Ligue Maginot) mà Pháp vẫn thường khoe khoang đã trở nên vô tác dụng. Những binh đoàn xe tăng của tướng Klaixtơ (Kleist) đang tiến vế hướng Pari.

Ngày 5-6, quân Đức tiến về phía Pari như báo tãp. Giai cấp thống trị Pháp hèn nhát đã nghĩ đến chuyện đầu hàng. Một số tên phản bội và chủ trương đầu hàng đã được bổ sung vào chính phủ (như Thống chế Pêtanh). Ngày 10-6, Chính phủ bỏ Pari chạy về Tua.

Cùng ngày đó, Italia tuyên chiến với Anh và Pháp và tấn công vào Đông Nam nước Pháp. Từ lâu, Italia vẫn dòm ngó một phần lãnh thổ Pháp và một số thuộc địa của Pháp. Khi thấy Pháp đang nguy ngập, sắp thua, ltalia vội vàng nhẩy vào để ''dính máu ăn phần''. Sự tham chiến của Italia cũng làm cho tình hình của Pháp thêm nghiêm trọng.

Trong thời gian này, ở Tua đã diễn ra cuộc thương lượng giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Anh và Anh muốn biến Pháp thành một tỉnh của Anh. Ngày 16-6, Sớcsin đưa ra đề nghị về việc kí kết ''liên minh không thể hủy bỏ'' giữa Anh và Pháp, theo đó thì Anh và Pháp sẽ trở thành một quốc gia thống nhất với một hiến pháp thống nhất và những cơ quan chính và những cơ quan chính quyền trung ương thống nhất. Chính phủ Pháp chia làm 2 nhóm: một nhóm do Râynô cầm đầu sẵn sàng giao nước Pháp cho đế quốc Anh, một nhóm do Pêtanh cầm đầu muốn đầu hàng phát xít Đức và cho rằng ''thà làm một tỉnh quốc xã còn hơn là một xứ tự trị của Anh''. Không có một nhân vật nào trong Chính phủ chấp nhận một chương trình đấu tranh cho tự do và độc lập của nước Pháp như đề nghị của Đảng Cộng sản Pháp.

Đa số thành viên trong chính phủ Pháp chấp nhận sự đầu hàng. Ngày 17-6, Râynô từ chức, Pêtanh lên cầm đầu chính phủ xin hàng Đức, Italia với những điều kiện nhục nhã. Theo hiệp định đình chiến kí ở Rơtôngđơ (Rethondes), Đức có tất cả quyền hành của một cường quốc chiếm đóng: 3/4 nước Pháp bị chiếm đóng, trong đó có Pari, tất cả vùng công nghiệp của đất nước (nơi sản xuất 98% gang và thép); vùng Andát và Loren sáp nhập vào Đức, nước Pháp bị tước vũ trang chỉ để lại một ít cho Chính phủ Pháp duy trì trật tự) và phải nuôi quân đội chiếm đóng, Chính phủ Pháp đóng ở Visi chỉ là bù nhìn tay sai của bọn phát xít chiếm đóng. Nền Cộng hòa Pháp bị thủ tiêu, thay thế bằng chế độ độc tài quân sự do Pêtanh cầm đầu, tự phong làm Quốc trưởng. Nhân dân Pháp bị đói, rét trong khi hàng trăm chuyến tầu chở đầy những của cải của Pháp đưa sang Đức.

Nguyên nhân tấn thảm kịch của nước Pháp là do sự phản bội của giai cấp tư sản thống trị ở Pháp. Nhân dân Pháp không được động viên bảo vệ Tổ quốc, trái lại còn bị đàn áp, cấm đoán.

Nhưng nhân dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã phản đối đường lối đầu hàng của giai cấp tư sản, mở rộng cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Đức và Đảng Cộng sản Pháp đứng ra tổ chức lực lượng kháng chiến bên trong nước Pháp.

Trong khi đó, Đờ Gôn (lúc này đang công cán ở Anh), đã không chịu đầu hàng và tích cực tập hợp một số người Pháp ở hải ngoại. Ngày 27-10-1940, Đờ Gôn thành lập ''Chính phủ Pháp tự do'', mưu dựa vào lực lượng Anh, Mĩ đã giải phóng đất nước.

3. Đức tấn công Anh

Tháng 7-1940, Hítle đề ra kế hoạch ''Sư tử biển'' nhằm đổ bộ lên Anh. Kế hoạnh ''Sư tử biển'' nhằm hai mục đích: dọanước Anh để từ đó tạo điều kiện cần thiết cho việc thỏa hiệp với Anh; che đây việc bị mất tập trung quân chuẩn bị tấn công Liên Xô, đánh lạc hướng dư luận thế giới.

Tháng 8-1940, cuộc tấn công bằng không quân của Đức vào nước Anh được bắt đầu với tên gọi ''Cuộc đấu tranh giành nước Anh''. Trong những trận không chiến ác liệt, ưu thế thuộc về Đức vì Đức có nhiều máy bay hơn. Tuy nhiên, Anh cũng có nhiều lợi thế. Hồi đó ở bờ Biển Đông, Anh đã có mạng lưới rađa, tuy chưa hoàn thiện lắm, nhưng đã giúp cho quân Anh sớm phát hiện được những máy bay địch đang đến gần bờ biển Anh. Không quân Anh chiến đấu trên mảnh đất mình nên cũng có lợi thế. Cả hai bên đều thiệt hại nặng nề. Đức chuyển sang ném bom ban đêm. Thủ đô Luân Đôn bị hàng vạn tấn bom tàn phá dữ dội. Ngoài ra, Đức phong tỏa chặt chẽ hải phận bằng ''Chiến tranh tầu ngầm'', đánh đắm đất nhiều tầu chiến của Anh. Tình hình của Anh càng thêm nghiêm trọng.

Anh cầu cứu Mĩ. Mĩ định lợi dụng cơn hoạn nạn của Anh, thông qua “sự giúp đỡ” để biến đế quốc Anh thành bạn đồng minh đàn em của mình.

Lợi dụng tỉnh hình thiếu vũ khí của Anh sau vụ Đoongkéc, Mĩ hứa sẽ giúp vũ khí cho Anh nhưng với những điều kiện nặng nề: Anh phải giao cho Mĩ những căn cứ rất quan trọng về chiến lược ở Đại Tây Dương cùng những phát minh khoa học kĩ thuật mới nhất của Anh (như rađa, những công trình nghiên cứu về bom nguyên tử của các nhà bác học Anh, Pháp v. v…).

Để đổi lại, Mĩ đã giao cho Anh gần l triệu khẩu súng trường thời kì những năm 1917 – 1918 với 50 chiếc khu trục hạm rất cũ kĩ.

Như vậy, trong khi ủng hộ Anh, Mĩ vẫn coi Anh là địch thủ đế quốc chủ nghĩa và cố làm suy yếu Anh đến mức tối đa. Đó là tính chất của sự hợp tác Anh – Mĩ.

4. Cuộc xâm lược phát xít ở Bancăng và Trung Cận Đông

Ngày 27-9-1940, Đức Italia và Nhật đã kí hiệp ước đồng minh quân sự và chính trị ở Béclin. Hiệp ước này, như lời thú nhận của Thủ tướng Nhật Cônôiê trong tập hồi kí của ông, ''trước hết nhằm chống Liên Xô''. Nhưng nó không những chỉ chống Liên Xô mà còn chống cả Anh, Mĩ. Hiệp ước đề ra không úp mở việc phân chia thế giới: Đức, Italia ở châu Âu; Nhật ở Viễn Đông.

Đức đã lợi dụng những mâu thuẫn giữa các nước Bancăng để chiếm đóng các nước Bancăng (như để lôi kéo Hung về phía mình, Đức đã lợi dụng sự bất mãn của Hung). Ở Hội nghị Viên tháng 8-1940, Đức và Italia đã đứng ra với danh nghĩa ''trọng tài'', quyết định cắt một vùng đất lớn của Rumani là Tơranxinvania giao cho Hung và hứa với Rumani sẽ ''đền bù'' bằng đất đai của Liên Xô. Đức lại giúp bọn tay sai ở Rumani làm chính biến, đưa những phần tử chống Liên Xô lên nắm chính quyền, do tướng Antônexcô cầm đầu. Với sự thỏa thuận của Antônexcô, ngày 7-10-1940, quân đội Đức kéo vào Rumani. Sau đó, lần lượt Hunggari, Rumani và Xlôvakia đều tuyên bố tham gia Hiệp ước Béclin (ll-1940).

Tháng 3-1941, chính phủ phát xít Bungari đã phản bội nhân dân khi tham gia hiệp ước Béclin và để cho quân đội Đức vào chiếm đóng.

Thế là cuối năm 1940, đầu năm 1941, các nước Xlôvakia, Hunggari, Rumani, Bungari đã trở thành ''chư hầu'' của Đức và không tốn một viên đạn, quân đội Đức đã chiếm đóng tất cả những căn cứ quan trọng trên các nước đó, lập thành một vành đai bao vây miền Tây Liên Xô và bao vây miền Đông Bắc Hi Lạp và Nam Tư.

Đối với hai nước Hi Lạp và Nam Tư, bọn phát xít Đức - Italia khuất phục bằng vũ lực. Phát xít Italia cũng muốn đi trước Đức trong việc xâm chiếm vùng Bancăng.

Ngày 28-10-1940, phát xít Italia bất ngờ tấn công Hi Lạp từ phía Anbani, không báo trước cho Đức và cũng không được sự thỏa thuận của Đức, 20 vạn quân Italia hùng hổ kéo vào Hi Lạp, dự định chiếm thủ đô Aten sau mấy tiếng đồng hồ. Nhưng một tuần lễ sau, quân Italla vẫn không đi quá l0 cây số. Đầu tháng, quân Hi Lạp có quân Anh trợ lực bắt đầu phản công và quét sạch quân Italia ra khỏi Hi Lạp. Hi Lạp còn chiếm luôn cả Anbani thuộc Italia.

Lúc này Italia cũng đang thua liên tiếp ở châu Phi. Khi chiến tranh ở châu Phi mới bắt đầu, Italia đã lợi dụng tình hình khó khăn và mắc kẹt của Anh, Pháp ở Tây Âu để xâm chiếm các thuộc địa của Anh, Pháp ở châu Phi. Quân Italia đã chiếm Xômali thuộc Anh, Kênia, Xuđăng và vượt biên giới Libi tiến vào đất Ai Cập. Nhưng, ngày 9-10-1940, quân Anh đột ngột chuyển sang tấn công ở Bắc Phi, đẩy lùi quân Italia, và đến hè 1941, đã chiếm được tất cả các thuộc địa của Italia ở Đông Phi, kể cả Êtiôpi mà Italia mới chiếm trước chiến tranh.

Trong suốt thời gian đó, trước tình hình khó khăn của Italia, Đức vẫn không giúp đỡ gì cho bạn đồng minh. Đức muốn trừng phạt Italia về tội “không nghe lời”, làm cho Italia suy yếu để phải phục tùng mình.

Đức cũng muốn khuất phục Chính phủ Nam Tư như kiểu khuất phục các nước Bancăng khác. Nhưng nhân dân Nam Tư đã nổi dậy khởi nghĩa, lập chính phủ mới, kí hiệp ước thân thiện và không xâm phạm với Liên Xô ngày 5-4-1941. Trước tình hình đó. Hítle phải ra lệnh hoãn lui việc thực hiến kế hoạch Bacbarôxa và quyết định đè bẹp Nam Tư và Hi Lạp trước.

Đêm 6-4-1941, không quân Đức dội bom xuống thủ đô Nam Tư và 56 sư đoàn Đức cùng chư hầu tràn vào Nam Tư. Chính phủ Nam Tư không dám chống cự, bỏ chạy sang Ai Cập. Cùng ngày đó, quân Đức cũng mở cuộc tấn công vào Hi Lạp. Quân đội Hi Lạp phải đầu hang, Quân đội Anh cũng bị đánh bật xuống biển (một vụ Đoong Kéc thứ hai).

Nam Tư và Hi Lạp bị chiếm đóng. Đức lập nên ở đó những chính phủ bù nhìn và cắt một phần quan trọng đất đai của hai nước này chia cho các nước chư hầu khác như Italia, Hunggari, Bungari.

Việc phát xít Đức chiếm bán đảo Bancăng là một biện pháp chiến lược quân sự quan trọng để tấn công Liên Xô. Nhưng hi vọng của bọn Hítle đã hoàn toàn không thực hiện được. Phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở Nam Tư và Hi Lạp, đã biến cuộc chiếm đóng các nước Bancăng thành một cuộc chiến tranh dằng dai và đẫm máu. Cuộc chiến tranh này đã cản trở bọn Hítle tận dụng tiềm lực của các nước này trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô .

II. Giai đoạn thứ hai (22-6-1941 đến 19-11-1942): Phe phát xít tấn công Liên Xô, mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn thế giới.

l. Đức tấn công Liên Xô

Ngày 22-6-1941, vào 3 giờ 30 sáng, không tuyên chiến và cũng không đưa ra một yêu sách gì, phát xít Đức bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến biển Ban Tích, chà đạp thô bạo lên hiệp ước không xâm phạm Xô -Đức kí kết năm 1939.

Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô là bộ phận quan trọng nhất trong kế hoạch chinh phục toàn cầu của đế quốc Đức, đã được Hítle và giai cấp tư sản Đức chuẩn bị kĩ lưỡng từ lâu. Sau khi thôn tính xong 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2, dân số 142 triệu người, phát xít Đức đã chiếm được những vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quân sự và lực lượng trở nên rất hùng mạnh. Đánh chiếm hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh), phát xít Đức không vấp phải trở ngại hoặc tổn thất gì đáng kể, cho nên binh lính Đức rất kiêu căng ngạo mạn, tự cho mình là ''đạo quân bách chiến, bách thắng''. Chính trong bối cảnh thuận lợi này, phát xít Đức đã tiến đánh Liên Xô với mục tiêu nhằm độc chiếm kho tài nguyên vô tận của Liên Xô và tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa, kẻ thù số l của chủ nghĩa phát xít.

Theo “kế hoạch Bacbarôxa”, được thảo ra từ thang 6-1940, Hítle đã huy động 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3.712 xe tăng, 47.260 khẩu pháo, 4.950 máy bay…chia ra làm 3 đạo quân, đặt dưới quyền tổng chỉ huy của thống chế của thống chế Phôn Bơraosit (Von Brauchitsch), tiến đánh theo 3 hướng chiến lược:

- Đạo phía Bắc do thống chế Phôn Lép (Von Leeb) chỉ huy, gồm 2 tập đoàn bộ binh, 1 tập đoàn xe tăng và 1 không đội, tiến từ Đông Phổ qua Ban Tích hướng tới Lêningrát.

- Đạo trung tâm do thống chế Phôn Bốc (Von Bock) chỉ huy, gồm 2 tập đoàn quân bộ binh, 2 tập đoàn xe tăng và 1 không đội, từ Đông Bắc Vacxava hướng tới Minxcơ, Xmôlenxcơ và Mátxcơva.

- Đạo phía Nam do Chuẩn thống chế Phôn Runxtét (Von Rundsted) chỉ huy gồm 3 tập đoàn quân bộ binh, 1 tập đoàn xe tăng và 1 không đội từ vùng Liubơlin hướng tới Gitơmia, Kiép, sau đó tới Đônbát.

Chiến lược của Đức dựa trên yếu tố bất ngờ, tiến hành chọc thủng phòng tuyến Liên Xô ở nhiều chỗ bằng những múi nhọn thọc sâu xe tăng, chặn đứng sự rút lui của Hồng quân về phía Đông rồi tiến tới tiêu diệt Hồng quân bằng những trận hợp vây đồng thời ở nhiều điểm. Dự kiến của ''kế hoạch Bacbarôxa'' sẽ ''đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng trước khi kết thúc chiến tranh với Anh'' (chỉ thị số 21 của Hítle). Hítle dự tính sẽ ''đánh quỵ nước Nga'' trong vòng từ l tháng rưỡi đến 2 tháng.

Đi đôi với kế hoạch xâm lược về quân sự là kế hoạch cướp bóc tài nguyên và tàn sát người Nga một cách man rợ. Chỉ thị ngày 12-5-1941 của Bộ chỉ huy tối cao Đức bắt sĩ quan, binh lính Đức phải tuân theo:

“Hãy nhớ và thực hiện:

- Không có thần kinh, trái tim và sự thương xót - anh được chế tạo từ sắt, thép Đức…

- Hãy tiêu diệt trong mình mọi sự thương xót và đau khổ hãy giết bất kì người Nga nào và không được dừng lại, dù trước mặt anh là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai.

- Chúng ta phải bắt thế giới đầu hàng…anh là người Đức, và là người Đức phải tiêu diệt mọi sự sống cản trở con đường của anh''.

2. Cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Mátxcơva và Xtalingrát

Trước lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước. “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!” ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nhân dân Liên Xô đã nhất tề đứng dậy, già trẻ, trai gái, triệu người như một, xông thẳng tới quân thù xâm lược. Trong những điều kiện rất khó khăn, bất lợi do yếu tố bất ngờ và so sánh lực lượng quân chênh lệch gây nên, quân và dân Liên Xô đã phải trải qua những cuộc chiến đấu mở đầu hết sức gay go, quyết liệt với những hi sinh và tổn thất nặng nề.

Trước tiên là những trận chiến đấu để bảo vệ biên giới của Tổ quốc, lúc này Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô không còn cách nào khác, ngoài việc thực hiện phòng ngự về chiến lược, nhằm những mục đích:

- “Kìm chân quân phát xít thật lâu trên các tuyến phòng ngự để tranh thủ thời gian nhiều nhất đưa các lực lượng từ phía sau tới và thành lập các lực lượng dự bị mới, điều động và triển khai các lực lượng đó trên các hướng quan trọng nhất.

- Gây cho địch những thiệt hại lớn nhất, làm cho chúng mỏi mệt vàhao hụt và do đó phần nào làm cân bằng so sánh lực lượng.

- Đảm bảo thực hiện các biện pháp của Đảng và Chính phủ trong việc di chuyển nhân dân và các mục tiêu công nghiệp vào phía sâu trong nước, tranh thủ thời gian để chuyển sản xuất công nghiệp sang phục vụ nhu cầu chiến tranh.

- Tích luỹ tối đa các lực lượng và chuyển sang phản công để đập tan toàn bộ kế hoạch chiến tranh của bọn Hítle''.

Những trận chiến đấu bảo vệ biên giới đã diễn ra hết sức dũng cảm, oanh liệt. Quân và dân Xô viết đã giữ từng tấc đất, từng ngôi nhà trong những điều kiện hết sức chênh lệch về quân số và vũ khí.

Mặc dù phải thực hiện những cuộc rút lui để bảo toàn lực lượng, thậm chí phải mở những ''đường máu'' vượt qua những vòng vây của quân địch với tổn thất khá nặng nề, nhưng Hồng quân đã kìm chân được bước tiến của kẻ thù, làm cho chúng không thực hiện được ý đồ sẽ kết thúc cuộc chiến đấu ở biên giới trong vòng ''nửa giờ đồng hồ'' như kế hoạch đã định. Nhờ đó, Hồng quân có thời gian và điều kiện để tổ chức lực lượng, củng cố tuyến phòng ngự theo chiều sâu.

Đến giữa tháng 7, mặt trận biên giới coi như kết thúc, và quân đội phát xít Đức ngày càng tiến sâu vào nội địa Liên Xô. Đến tháng 9-1941, đạo quân phía Bắc của Phôn Lép đã tiến sát tới Lêningrát, bao vây thành phố này; ở mặt trận trung tâm, quân của Phôn Bốc tiến đến Xmôlenxcơ; ở phía Nam, quân Đức chiến Kiép, tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Chiến tuyến càng mở rộng ra, quân đội Đức càng gặp nhiều khó khăn và càng bị tổn thất nặng nề hơn trước. Riêng trong 2 tháng đầu của cuộc chiến tranh ở Liên Xô, lục quân Đức đã mất gần 40 vạn người (trong khi đó, suốt từ tháng 6 đến tháng 12-1941, trên tất cả các mặt trận khác, chúng chỉ tổn thất có 9000 tên). Đến lúc này, cái giá mà bọn phát xít đã phải trả không chỉ là sự thiệt hại nặng nề về người và vũ khí, mà quan trọng hơn là sự phá sản của chiến lược ''chiến tranh chớp nhoáng'' và sự sụp đổ bước đầu của danh hiệu ''đạo quân bách chiến, bách thắng'' đã được nẩy sinh đầu tiên ngay từ tướng lĩnh cao cấp và binh sĩ Đức.

Tháng 10-1941, Bộ chỉ huy Đức tập trung mọi sức lực để mở cuộc tấn công vào hướng Mátxcơva với hi vọng chiếm được thủ đô Mátxcơva sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với kết cục của chiến tranh. Với mật danh là "bão táp'', kế hoạch đánh chiếm Viadơma- Mátxcơva và Brianxcơ Mátxcơva rồi sau đó đánh vu hồi từ phía bắc và phía nam để trong một thời gian ngắn có thể chiếm được Mátxcơva. Để đạt mục đích chiến lược đó, Hítle đã huy động 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng và cơ giới (khoảng hơn 1 triệu quân) và gần 1000 máy bay vào trận đánh Mátxcơva, với ưu thế hơn hẳn quân đội Liên Xô (bộ binh hơn l,25 lần, xe tăng-2,2 lần, đại bác và súng cối-2,l lần, máy bay-l,7 lần) Hítle chắc tin ở thắng lợi mĩ mãn. Trong nhật lệnh ngày 2-10-1941, ngày mở đầu cuộc tấn công Mátxcơva, Hítle tuyên bố phải tiêu diệt kẻ thù ''trước khi mùa đông tới” và điên cuồng quyết định ngày 7-l1-1941 sẽ ''chiếm xong Mátxcơva và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường''. Trong hội nghị các tướng lĩnh, Hítle tuyên bố sẽ biến Mátxcơva ''thành một cái hồ lớn bao phủ vĩnh viễn thủ đô của dân tộc Nga''. Hítle còn ra lệnh cho Bộ chỉ huy đạo quân Trung tâm ''phải bao vây thành phố thế nào để không một người lính Nga nào, không một người dân nào, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con có thế bỏ chạy'' và ''phải hủy diệt nhân dân và thành phố Mátxcơva''. Ngoài ra, Hítle thậm chí còn thành lập một đội đặc biệt để phá hủy điện Cremli.

Trong tháng 10 và 11, quân đội phát xít ào ạt mở 2 đợt tấn công đại quy mô vào Mátxcơva. Nhờ ưu thế về lực lượng và vũ khí, quân Đức đã chiếm được Ôriôn, bao vây Tula, và có nơi đã tiến vào sát cạnh Mátxcơva 20 kilômét. Một nguy cơ hiểm nghèo đang đè nặng trái tim mọi người dân Xô viết và toàn nhân loại tiến bộ. Nhưng, trong những giờ phút nguy kịch đó Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn bình tĩnh giữ vững tay lái. Trung ương Đảng kêu gọi toàn dân Liên Xô hãy hoàn thành nhiệm vụ vinh quang trước Tổ quốc: Không cho quân thù tới Mátxcơva! Hội đồng quốc phòng nhà nước do Xtalin đứng đầu ở lại Mátxcơva, trực tiếp lãnh đạo việc bảo vệ thủ đô. Tướng G.K.Giucốp được chỉ định làm Tổng chỉ huy bảo vệ Mátcơva”. Đáp lời kêu gọi của Đảng, nhân dân Mátxcơva đã biến thủ đô và các vùng ven thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Hàng chục vạn người Mátxcơva ngày đêm làm việc để xây dựng những phòng tuyến bao quanh thành phố.

Theo sáng kiến của nhân dân, thủ đô đã thành lập 12 sư đoàn dân quân với nhiều tổ xung kích đánh xe tăng. Sáng 7-11, kỉ niệm lần thứ 24 ngày Cách mạng tháng Mười, tại Hồng trường đã diễn ra một cuộc duyệt binh đặc biệt. Những đơn vị duyệt binh, với vũ khí và đạn dược sẵn sàng, diễu qua Hồng trường rồi tiến thẳng ra mặt trận, mặc dù quân thù đang ở ngay sát chân thành Mátxcơva.

Trong đợt tấn công ác liệt và đẫm máu tháng 10, quân phát xít Đức tiến được từ 230 đến 250 kilômét, nhưng lực lượng của chúng bị tổn thất nghiêm trọng, kế hoạch thôn tính Mátxcơva trong giữa tháng 10 bị đổ vỡ, và đến cuối tháng l0, cuộc tấn công đã bị chặn đứng lại. Sau khi chấn chỉnh, bổ sung lại lực lượng, ngày 15-ll, bộ chỉ huy quân Đức lại mở đợt tấn công thứ hai vào Mátxcơva, nhưng tất cả các mũi đột phá của địch đều lần lượt bị bẻ gẫy. Đến đầu tháng 12, cuộc tấn công của quân Đức buộc phải ngừng lại vì lúc này lực lượng của chúng đã bị tổn thất quá nặng nề (nhiều đại đội chỉ còn 20 đến 30 tên), tinh thần binh lính sa sút hẳn, ngay nhiều tên tướng Đức cũng không còn tin sẽ chiếm được Mátxcơva nữa.

Ngày 6-12, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công ở Mátxcơva và sau hai tháng chiến đấu, đã đẩy lùi quân đội phát xít Đức ra xa Mátxcơva có nơi đến 400 kilômét. Kế hoạch đánh chiếm Mátxcơva của Hítle đã sụp đổ tan tành. Trong cuộc chiến đấu ở Mátxcơva, phát xít Đức đã bị thiệt hại tổng cộng hơn nửa triệu quân, 1300 xe tăng, 2500 đại bác, trên 15.000 ô tô và nhiều phương tiện kĩ thuật khác.

Với chiến thắng Mátxcơva, lần đầu tiên sau 6 tháng chiến tranh, Hồng quân đã làm cho các đơn vị chủ lực của phát xít Đức phải chịu những tồn thất nặng nề nhất. Tướng Đức Vét Phôn thú nhận: ''Quân đội Đức, trước đây được coi là không thể bị đánh bại, nay sắp bị tiêu diệt''. Thất bại ở Mátxcơva còn làm cho nội bộ hàng ngũ quân phát xít hoang mang, tan rã, các tướng lĩnh cao cấp đổ lỗi cho nhau. Hítle cách chức Tổng tư lệnh lục quân Phôn Bơraosít, cách chức Phôn Bốc - tư lệnh đạo quân trung tâm, tướng Guđêrian - Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 2 và hàng chục tướng lĩnh khác. Chiến thắng Mátxcơva đã củng cố lòng tin của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít.

Cũng trong những thời điểm khó khăn nhất này của đất nước (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11-1941), nhân dân Liên Xô đã tiến hành một cuộc di chuyển khổng lồ chưa từng có trong lịch sử: 1500 xí nghiệp lớn (chủ yếu là những xí nghiệp quốc phòng) và 10 triệu dân gồm cụ già, phụ nữ và trẻ em đã được di chuyển về phía Đông. Việc di chuyển, khôi phục và phát triển ngành sản xuất công nghiệp trong những năm chiến tranh, về quy mô củng như ý nghĩa của nó đối với vận mệnh của Tổ quốc Xô viết, “cũng trọng đại ngang với các chiến dịch vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc”.

Mùa hè năm 1942, lợi dụng lúc chưa có Mặt trận thứ hai ở châu Âu, Hítle một lần nữa lại dốc toàn lực lượng tung vào mặt trận Xô - Đức. Nhận thấy khó có thể đánh chiếm Mátxcơva bằng một cuộc tấn công trực diện, Bộ chỉ huy Đức quyết định chuyển trọng tâm tiến công xuống phía nam, cụ thể là khu vực sông Vonga và Cápcadơ, nhằm đánh chiếm vùng dầu lửa và vựa lúa mì lớn nhất của Liên Xô, rồi sau đó sẽ đánh chiếm Mátxcơva từ phía sau.

Tháng 7-1942, Hítle mở cuộc tấn công lớn nhằm chiếm bằng được Xtalingrát (nay là Vongagrat).

Nhờ tập trung ưu thế hơn hẳn về lực lượng, đến giữa tháng 8-1942 quân phát xít Đức đã tiến đến khu vực lân cận thành phố Xtalingrát. Ngày 21-8, quân đội Liên Xô buộc phải chuyển từ tuyến phòng ngự bên ngoài Xtalingrát vào tuyến bên trong. Từ 13-9, cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong thành phố Xtalingrát lúc này trở thành cái“nút sống”của Liên Xô và quyết tâm của Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô là phải giữ cho được Xtalingrát bằng bất cứ giá nào. Với khẩu hiệu “không lùi một bước'', các chiến sĩ Xô viết bảo vệ Xtalingrát đã chiến đấu bền bỉ tới giọt máu cuối cùng để giữ vững từng vị trí, từng tấc đất của thành phố. Mỗi ngày đêm quân đội Liên Xô phải đánh lui khoảng từ 12-15 đợt tấn công ác liệt của kẻ thù. Nhưng cuối cùng, Xtalingrát không những vẫn hiên ngang đứng vững mà còn giáng trả liên tục, làm cho quân thù bị tổn thất nặng nề. Từ tháng 7 đến hết tháng 11, trong các trận chiến đấu ở sông Đông, sông Vonga và ở Xtalingrát, quân phát xít Đức bị thiệt hại hơn 60 vạn người, hơn 1000 xe tăng, hơn 2000 pháo cối, và gần 1400 máy bay. Tới lúc này, do bị tổn thất quá nặng nề, quân đội Đức không còn lực lượng dự bị để triển khai các cuộc tiến công nữa và đã lâm vào một tinh thế hết sức nguy khốn.

3. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Mĩ, Nhật tham chiến

Lợi dụng khi phát xít Đức tấn công Liên Xô và các nước tư bản châu Âu bị bại trận, Nhật Bản quyết định ''Nam tiến'', đánh vào khu vực ảnh hưởng của các nước Mĩ, Anh, Pháp. Ngày 7-12-1941, vào 7 giờ 55 phút giờ địa phương, các máy bay trên tầu sân bay Nhật cất cánh oanh tạc dữ dội các tầu chiến và sân bay Mĩ ở cảng Trân Châu. Tham gia trận tập kích này còn có 12 tầu ngầm Nhật. Cuộc tập kích bất ngờ và dữ dội của hạm đội Nhật đã gây cho hạm đội Mĩ những tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử hải quân Mĩ: trong số 8 tầu chủ lực, 5 chiếc bị đánh chìm tại chỗ, số còn lại bị trọng thương; hạm đội Mĩ còn bị thiệt hại 19 tầu chiến khác và 177 máy bay, hơn 3000 binh lính và sĩ quan Mĩ bị thiệt mạng.

Thiệt hại của Nhật rất nhỏ: 29 máy bay, l tầu ngầm và 5 tầu ngấm nhỏ. Tổng thống Mĩ Rudơven và các nhà lãnh đạo quân đội Mĩ coi cuộc tập kích cảng Trân Châu là một sự kiện nhục nhã nhất trong lịch sự quân đội Mĩ.

Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương cũng là ngày bất hạnh đối với hạm đội Anh. Ngày 8-12, ham đội Anh, gồm 2 tầu bọc sắt và 4 tầu ngư lôi, rời cảng Xingapo để lên đường tấn công các tầu vận tải của Nhật. Sáng ngày l0-12, máy bay Nhật đã tấn công và đánh chìm cả 2 tầu bọc sắt của Anh. Hạm đội Mĩ và hạm đội Anh đã bị đánh bại, từ đây hạm đội Nhật làm chủ Thái Bình Dương.

Ngày 8-12-1941, Mĩ và Anh tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 11-12, Mĩ tuyên chiến với Đức và Italia. Cùng ngày, Đức, Italia tuyên chiến với Mĩ.

Từ cuối năm 1941 đến tháng 5-1942 là giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản đã thắng lớn trong giai đoạn này. Anh - Mĩ bị đánh bật ra khỏi Thái Bình Dương, mất hết các thuộc địa Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Ngày 7-12-1941, quân Nhật từ Đông Dương kéo vào Thái Lan. Sau khi đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Mã Lai, quân Nhật từ phía bắc đánh tập hậu Xingapo. Mười vạn quân Anh ở Xingapo không hề chống cự và tháo chạy. Ngày 15-2-1942, Xingapo thất thủ.

Ngày 31-12-1941, quân Nhật bắt đầu tấn công Inđônêxia, thuộc địa của Hà Lan. Đến đầu tháng 3-1942, các đảo chủ yếu của Inđônêxia thuộc Hà Lan (Xumatra, Giava v.v…) đã rơi vào tay quân Nhật. Chiếm được Inđônêxia, quân Nhật đã mở được cánh cửa đi vào Ấn Độ Dương.

Hầu như đồng thời với cuộc đổ bộ lên Bắc Mã Lai, quân Nhật cũng đã tiến hành cuộc tấn công đánh chiếm quần đảo Philíppin. Ngày 7-12-1941, quân Nhật đổ bộ lên phía bắc đảo Luyxông. Cho tới khoảng đầu tháng 5-1942, quân Nhật chiếm được toàn bộ lãnh thổ Philippin.

Trong thời gian hơn 5 tháng sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, quân Nhật đã củng cố được trận địa của chúng ở Đông Dương và Thái Lan, chiếm Mã Lai và Xingapo, chiếm những đảo của Inđônêxia một phần Tân Ghinê, chiến Miến Điện, Philippin, Hồng Công, các quần đảo thuộc Nam Thái Bình Dương (Guam, Wake, Tân Britanya, Salômông), từ Miến Điện tiến lên tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhật Bản đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 3.800.000 km2 với 150 triệu dân (nếu tính cả phần đất Trung Quốc mà chúng đã chiếm được trước kia, thì đến mùa hè 1942 quân Nhật đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 7 triệu km2 với số dân khoảng 500 triệu).

Sau khi đánh chiếm được một vùng rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, những nhược điểm về quân sự của Nhật Bản cũng bắt đầu bộc lộ. Những hạn chế về số quân, tiếp tế hậu cần làm cho quân Nhật gặp rất nhiều khó khăn trong các vùng mới chiếm đóng. Trong khi đó, lưu lượng tinh nhuệ chủ yếu của quân đội Nhật lại phải án ngữ dọc biên giới Liên Xô - Trung Quốc để chuẩn bị cuộc chiến tranh phong Liên Xô trong tương lai, (ngày 13-4-1941) với thời hạn 5 năm, nhưng bọn quân phiệt Nhật chỉ chờ dịp để tấn công xâm lược Liên Xô. Vì vậy, trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, mùa hè năm 1942 các mũi tấn công của quân Nhật đã chững lại.

Tháng 5-1942, tại vùng biển San hô (Corail) giữa Ôxtrâylia và quần đảo Salômông, đã diễn ra trận đánh lớn giữa hải quân Mĩ và hải quân Nhật. Thiệt hại của hai bên là tương đương. Nhưng hạm đội Nhật đã bị đánh bại. Tiếp đó, tại vùng biển quần đảo Mituây (Midway), đầu tháng 6-1942, quân Nhật lại bị một thất bại mới trong cuộc đụng độ với hải quân Mĩ, Anh. Thiệt hại của Nhật trong trận này là mất 4 tầu sân bay, l tầu tuần tiễu và l số lớn máy bay. Trận Mituây chứng tỏ ưu thế thuộc về phía Mĩ – Anh. Tuy vậy, trong suốt 2 năm 1942 và 1943, phía Mĩ-Anh vẫn không tiến hành cuộc phân công thực sự để đánh bại lực lượng Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Các trận đánh chỉ diễn ra một cách rất hạn chế trên vùng biển và đất liền tại các quần đảo Salômông và Tân Ghinê. Ý đồ của các chính phủ Mĩ, Anh là né tránh chiến tranh lớn với Nhật Bản và chờ đợi một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản với Liên Xô.

4. Chiến sự ở Bắc Phi

Từ tháng 11-1940 đến tháng 9-1941, một trận giao chiến đã diễn ra ở Bắc Phi giữa quân Anh và quân của tướng Rômmen. Lúc đầu Đức chú trọng đến mặt trận Libi vì Đức muốn chiếm kênh Xuyê và cắt đứt những đường giao thông chính của Anh với các thuộc địa quân Đức đuổi quân Anh đến biên giới Ai Cập. Quân Anh bị thua liên tiếp.

Nhưng tình hình đã thay đổi sau thất bại của quân Đức trước Mátxcơva. Bấy giờ, mặt trận Xô - Đức thu hút tất cả lực lượng của Đức và buộc Đức ít chú ý đến các mặt trận khác. Mặt trân Libi trở nên thứ yếu.

Lúc này, đế quốc Mĩ lại coi việc chiếm Bắc Phi là mục tiêu quan trọng trước mắt (bởi Mĩ muốn chiếm những nguồn dầu hỏa ở Cận Đông và hất cẳng Anh, Pháp ở đây). Do vậy, F.Rudơven dự định đổ bộ lên Bắc Phi.

Trước ý đồ của Mĩ, Chính phủ Anh vội vàng quyết định mở cuộc tiến công ở Bắc Phi để giành lại các vị trí của mình trước khi quân Mĩ kéo đến. Tình hình càng thêm thuận lợi, bởi vì cuộc chiến đấu ác liệt ở mặt trận Xô - Đức đã cầm chân tất cả lực lượng của Đức ở đây. Đức còn buộc phải điều một phần quân ớ Bắc Phi sang mặt trận Liên Xô. Mùa thu 1942, quân đoàn thứ 8 của Anh ở Bắc Phi gồm 7 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn thiết giáp và 7 lữ đoàn chiến xa đã mở cuộc tiến công. Quân Đức có 4 sư đoàn khá yếu và 11 sư đoàn Italia.

Ngày 23-10, quân Anh tấn công bất ngờ ở vùng En Alamen (El Alamein). Quân Đức và ltalia phải rút lui nhanh chóng. Trong 14 ngày, quân Anh tiến được 850 cây số.

5. Mặt trận Đồng minh chống phát xít ra đời

Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, hầu hết các nước trên thế giới đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến, vận mệnh của tất cả các dân tộc sẽ do cuộc chiến tranh này định đoạt. Việc thành lập một liên minh quốc tế đã trở thành nguyện vọng và đòi hỏi bức thiết của tất cả các lực lượng tiến bộ, dân chủ và hòa bình trên thế giới.

Ngày 15-8, Tổng thống Mĩ và Thủ tướng Anh đã gửi một bức thông điệp chung cho Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, trong đó đề nghị tổ chức tại Mátxcơva một hội nghị để bàn về việc cung cấp cho nhau những nguyên liệu và vật tư chiến tranh. Chính phủ Liên Xô đã chấp nhận đề nghị đó. Hội nghị đã được tiến hành ở Mátxcơva từ ngày 29-9 đến ngày 1-10-1941. Văn kiện hội nghị được kí kết ngày 1-11-1941 quy định sự giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế trong những năm sắp tới giữa Liên Xô và Anh, Mĩ.

Cuối năm 1941, sự cần thiết hình thành chính thức một mặt trận đồng minh chống phát xít trên phạm vi thế giới càng trở nên bức thiết và những điều kiện để thành lập mặt trận đó đã đầy đủ. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong trận Mátxcơva đã nâng cao vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế và nhân dân thế giới đòi hỏi phải liên minh với Liên Xô. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, nước Mĩ đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến, vì không còn một dân tộc nào có thể đứng ngoài cuộc chiến tranh, trận tuyến chống phát xít trên thế giới đã rõ rang. Ngày 1-1-1942, tại Oasinhtơn đã kí kết bản“Tuyên bố Liên hợp quốc'' của 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mĩ và Anh. Bản Tuyên bố quy định:

- Các chính phủ cam kết dốc toàn bộ sức mạnh quân sự và kinh tế của đất nước vào cuộc chiến tranh chống bọn phát xít và tay sai của chúng.

- Mỗi chính phủ cam kết hợp tác với các chính phủ tham gia bản tuyên bố chung, không được kí hiệp định đình chiến hay hòa ước riêng với các nước thù địch.

- Bất cứ nước nào có đóng góp vào cuộc đấu tranh chiến thắng chủ nghĩa phát xít đều có thể tham gia bản tuyên bố trên''.

Bản tuyên bố chung của 26 nước ngày 1-1-1942 đã đánh dấu sự hình thành Mặt trận Đồng minh chống phát xít trên phạm vi toàn thế giới.

Để củng cố Mặt trận Đồng minh chống phát xít, tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba nước Liên Xô và Anh, Mĩ, tháng 5-1942, Chính phủ Liên Xô đã cử ngoại trưởng Môlôtốp sang Luân Đôn và Oasinhtơn để đàm phán với các nhà lãnh đạo hai nước Anh, Mĩ. Ngày 26-5-1942, tại Luân Đôn đã kí kết một hiệp ước giữa Anh và Liên Xô về việc liên minh chống nước Đức Hítle cùng bọn tay sai ở châu Âu, và việc tương trợ lẫn nhau sau chiến tranh. Ngày 11-7-1942, tại Oasinhtơn đã kí kết Hiệp ước Liên Xô - Mĩ về những nguyên tắc tương trợ trong quá trình chiến tranh chống xâm lược.

Như vậy, nhờ cố gắng của Liên Xô, Mặt trận Đồng minh chống phát xít toàn thế giới, mà nòng cốt là liên minh Liên Xô - Mĩ - Anh, cuối cùng đã được thành lập. Sự tồn tại của Mặt trận Đồng minh đã có một ý nghĩa tích cực, to lớn trong việc đoàn kết và hợp đồng chiến đấu giữa các lực lượng chống phát xít trên toàn thế giới để chiến thắng kẻ thù.

III. Giai đoạn thứ ba (19-11-1942 đến 24-12-1943): Chiến thắng Xtalingrát và bước chuyển biến căn bản trong tiến trình Chiến tranh thế giới thứ hai

1. Trận phản công Xtalingrát

Quân đội Liên Xô vừa tiến hành phòng ngự nhằm tiêu hao địch, vừa xây dựng những đơn vị mới để phản công, tiêu diệt hoàn toàn quân Đức ở mặt trận Xtalingrát. Sau một thời gian khẩn trương hoàn thành mọi mặt chuẩn bị, ngày 19-11-1942, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công ở Xtalingrát.

Mở đầu, pháo binh Liên Xô tấn công bằng những đòn sấm sét xuống đầu quân thù. Từ các bàn đạp ở hữu ngạn sông Đông (khu vực Xiraphimôvich và Clétxcaia) và từ khu vực Ivanốpca đến bắc hồ Bacmanxắc, sau 3 ngày tấn công như vũ bão, Hồng quân từ 2 phía đã nhanh chóng chọc thủng trận địa quân địch và hợp điểm ở dải đất Calat ngày 23-11, hoàn thànhxuất sắc việc khép chặt vòng vây lực lương cơ bản của địch ởXtalingrát. Đối với phát xít Đức, nếu đạo quân lớn của chúng bị tiêu diệt ở Xtalingrátthì có nguy cơ chuyển thành tai họa lớn về chiến lược, cho nên Hítle vội vã điều quân từ các khu vực khác và một phần từ Pháp sang để thành lập đạo quân mới ''Sông Đông'' do Thống chế Manxtainơ chỉ huy. Đạo quân “Sông Đông” có nhiệm vụ giải tỏa cho đạo quân Paolút đang bị vây hãm ở Xtalingrát. Từ cuối tháng l1 đến hết tháng 12-1942, tại mặt trận Xtalingrát đã diễn ra cuộc đọ sức hết sức gay go, khốc liệt giữa hai phía - phía “liều mạng” bằng mọi cố gắng để giải vây cho đồng bọn, và phía Hồng quân tập trung sự nỗ lực vào đánh tan đạo quân của Manxtainơ và thít chặt thêm vòng vây ở Xtalingrát. Theo lệnh của Bộ chỉ huy tối cao, ngày l0-l-1943, Hồng quân nổ súng mở đầu cuộc tiến công tiêu diệt đạo quân phát xít bị bao vây ở Xtalingrát. Sau những đòn tấn công sấm sét của Hồng quân; mặc dù cố gắng chống cự ngoan cố, ngày 2-2-1943, đạo quân Đức tinh nhuệ bậc nhất gồm 330. 000 tên hoàn toàn bị tiêu diệt, trong đó 2/3 bị chết, 1/3 bị cầm tù cùng với tên Thống chế tổng tư lệnh Phôn Paolút và 24 viên tướng. Tính từ ngày 19-11-1942 đến 2-2-1943, trên mạt trận sông Đông - sông Voga và Xtalingrát, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 32 sư đoàn và 3 lữ đoàn quân Đức, tiêu hao nặng 16 sư đoàn (bị mất từ 50% đến 75% quân số), tổng cộng gần l,5 triệu người, 3500 xe tăng và pháo tự hành, 12000đại bác và cối, gần 3000 máy bay v.v… Sự tổn thất nặng nề này đã gây nên những hậu quả tai hại đến tình hình chiến lược chung và làm rung chuyển tận gốc bộ máy chiến tranh của phát xít Hitle.

Trận Xtalingrát đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự cũng như về ý nghĩa xoay chuyển toàn cục của nó. Chiến thắng Xtalingrát mở đầu bước ngoặt căn bàn của cuộc chiến tranh chống phát xít - từ đó, quân đội phát xít không thể nào phục hồi như cũ nữa, buộc phải chuyển từ tấn công sang phòng ngự.

Sau chiến thắng Xtalingrát, quân đội Xô viết tiếp tục tiến công lên một mặt trận rộng lớn từ Lêningrát đến biển Adốp, giải phóng Cuốcxcơ, Bengrốt, Khacốp, Vôrôxilốpgrát, giải vây Lêningrát. Trong 4 tháng 20 ngày với những điều kiện khó khăn của mùa đông, quân đội Xô viết đã tiến về phía tây 600 kilômét, và ở một số khu vực tới 700 kilômét, đánh đuổi kẻ thù ra khỏi những vùng có tầm quan trọng lớn về kinh tế và chiến lược.

2. Hoạt động của Anh, Mĩ ở Bắc Phi

Giới cầm quyền Mĩ dư định kế hoạch đổ bộ lên Bắc Phi để chiếm đoạt các thuộc địa ở đây và mở đường đi tới các nguồn dầu lửa ở Cận Đông.

Lợi dụng lúc quân Đức đang bị sa lầy ở Xtalingrát và bị thua ở En Alamen, liên quân Mĩ - Anh đã đổ bộ lên Bắc Phi ngày 8-11-1942. Phơrăngcô (phát xít Tây Ban Nha) đã báo trước cho Đức biết về cuộc đổ bộ này, nhưng Đức không làm gì được bởi vì lúc ấy trận Xtalingrát đang ở độ gay go nhất.

Quân Đồng minh gồm ba đạo quân dưới quyền tổng chỉ huy của Aixenhao (Eisenhower). Một đạo quân Mĩ từ Hoa Kì sang đổ bộ lên bờ biền Marốc thuộc Pháp. Hai đạo quân khác (gồm các đơn vị Anh và Mĩ) từ Anh sang đổ bộ gần Ôrăng và gần Angiê. Đáclăng (Darlan), tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Phi của Chính phủ Pêtanh, đã kí kết với Aixenhao ngừng mọi cuộc kháng cự. Điều đó đã giúp cho liên quân Mĩ - Anh xâm chiến nhanh chóng Angiêri; Marốc và một phần Tuynidi.

Quân Đức ở trong tình thế tuyệt vọng, bị kẹp giữa hai gọng kìm: phía đông, quân Anh từ Ai Cập đánh sang, tiến rất nhanh sau trận thắng ở En Alamen; phía tây, liên quân Mĩ - Anh đổ bộ, đã chiếm được Marốc, Angiêri. Quân đội của Rommen phải lui về Tuynidi.

Mãi đến ngày 20-3-1943, sau khi quân đội Xô viết đã chiến thắng oanh liệt ở Xtalingrát, quân Mĩ và Anh mới mở lại cuộc tấn công ở Bắc Phi.

Quân Đức bị đại bại ở mặt trận Liên Xô không đủ sức chống đỡ nữa, bị quân Mĩ – Anh dồn lên khu vực Đông Bắc Tuynidi và phải hạ khí giới (ngày 12-5-1943). Chiến sự ở Bắc Phi chấm dứt.

3. Chủ nghĩa phát xít Italia sụp đổ

Sau khi quân đội phát xít bị thất bại ở Xtalingrát, sự khủng hoảng trong khối phát xít đã bắt đầu.

Công nghiệp và vận tải của Đức lâm vào tình trạng khó khăn đến cùng cực; nguyên liệu, nhiên liêu và nhân lực thiếu thốn. Tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Hàng thường dùng hầu như không có, phải dùng nhiều loại “thế phẩm” bằng các chất hóa học để thay thế.

Tình hình ở Italia lại càng khó khăn hơn: 10 sư đoàn tinh nhuệ của Italia đã bị đè bẹp ở mặt trận Liên Xô, với khoảng 20 vạn quân bị tiêu diệt. Italia mất hết các thuộc địa Hạm đội Địa Trung Hải của Italia đã bị thiệt hại nặng.

Cuộc tấn công mùa hè 1943 của quân đội Liên Xô đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ở Italia. Đảng Cộng sản Italia đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào chống phát xít mạnh mẽ. Những cuộc bãi công lớn do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã nổ ra từ mùa xuân 1943, làm rung động nước Italia.

Trước tình hình đó, ngày 10-7-1943 (sau hai tháng chuẩn bị), quân Đồng minh mới từ Bắc Phi tấn công lên đất ltalia. Aixenhao, Tổng tư lệnh lục quân đồng minh, cho quân đổ bộ lên đảo Xixilia và chiếm Xyracuđơ dễ dàng. Tinh thần quân Italia rất bạc nhược, chỉ còn quân Đức rút được phần lớn lực lương về nam Italia, nhưng mất Xixilia là một thất bại lớn của phe quốc xã.

Chính quyền phát xít Italia tan rã. Ngày 25-7, vua Víchto Emmanuel (Victor Emmanuel) tống giam Mútxôlini đưa thống chế Bađôgơliô thuộc phái chủ hòa lập nội các mới. Ngày 3-9, Bađôgơliô kí hiệp định đình chiến với Đồng minh ở Xixilia. Phát xít Italia sụp đổ, đeo thêm một gánh nặng mới cho Hítle.

Trái với dự tính của Mĩ, Anh, quân Đức đã đối phó kịch liệt. Ngày 12-9, Mútxôlini được phát xít Đức cứu thoát để tổ chức lại lực lượng, và lập lại chính phủ phát xít ở miền Bắc Italia, gọi là nền ''cộng hòa Xa lô'' (Salo, thực ra chỉ là tên đầy tớ ngoan ngoãn của Hítle). Hơn 30 sư đoàn Đức được điều sang Italia. Quân Đức dựa vào địa thế hiểm trở chống cự kéo dài hơn 2 năm, mãi tới năm 1945 mới chịu khuất phục hẳn.

4. Hội nghị cấp cao Têhêran

Tháng 10 -1943, Hội nghị các ngoại trưởng Liên Xô, Mĩ, Anh đã họp ở Mátxcơva, thông qua nhiều quyết định quan trọng về việc tổ chức thế giới sau chiến tranh. Hội nghị đã ra những tuyên bố về nước Italia, nước Áo, về vấn đề tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và về sự hợp tác giữa các nước Đồng minh sau chiến tranh. Hội nghị Mátxcơva cũng chuẩn bị điều kiện cho cuộc gặp gỡ của những người đứng đầu ba nước lớn ở Têhêran.

Ngày 23-11-1943, Hội nghị Têhêran giữa những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh khai mạc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Xtalin, Rudơven và Sớcsin. Trong hội nghị này, Sớcsin lại định đưa ra ýđồ đổ bộ lên châu Âu qua Bancăng nhưng bị Liên Xô và cả Mĩ bác bỏ. Do đấu tranh của Liên Xô, vấn đề Mặt trân thứ hai ở châu Âu đã được giải quyết tốt. Những người đứng đầu ba cường quốc đã đi tới chỗ thỏa thuận về phạm vi và thời hạn của các chiến dịch đánh từ các phía: đông, tây và nam lại. Quân đội Anh và Mĩ phải đổ bộ lên châu Âu qua miền Bắc và Nam nước Pháp trước ngày 1-5-1944.

Hội nghị Têhêran đã bàn đến vấn đề tương lai của nước Đức. Đai biểu Mĩ - Anh đề nghị phân chia nước Đức. Liên Xô đã giữ lập trường của mình là đòi phải tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Đức.

Hội nghị Têhêran cũng thông qua bản tuyên bố về Iran, xác nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran. Đồng thời hội nghị đã thảo luận những vấn đề về Ba Lan, xác nhận biên giới phía đông và phía tây của Ba Lan.

Những quyết định của Hội nghị Têhêran đã có ý nghĩa quốc tế to lớn. Hi vọng của bọn phát xít về việc chia rẽ liên minh chống phát xít đã không được thực hiện. Âm mưu của chúng định kí hòa ước riêng rẽ với Mĩ, Anh để tránh khỏi phải đầu hàng đã bị thất bại.

IV. Giai đoạn thứ tư (24-12-1943 đến 9-5-1945): Những thắng lợi quyết định của phe đồng minh chống phát xít – chủ nghĩa phát xít Hítle bị tiêu diệt.

l. Mặt trận Xô - Đức

Như thế, từ 19-11-1942, thời điểm quân đội Liên Xô bắt đầu chuyển sang chiến lược phản công (phản công cục bộ, kế tiếp nhau trên các khu vực quan trọng nhất), gần 2/3 lãnh thổ Xô viết bị chiếm đã được giải phóng, quân Đức bị tiêu diệt 1 triệu 80 vạn người. Bước sang năm 1944, các lực lượng vũ trang Xô viết đã vượt quân Đức l,3 lần về quân số, 1,7 lần về máy bay (quân Đức và quân các nước chư hầu có ở mặt trận Xô - Đức gần 5 triệu quân, 54.500 pháo và cối, 54.000 xe tăng và hơn 3.000 máy bay) và ưu thế về số lượng đó lại được tăng thêm về mặt chất lượng vũ khí, đặc biệt quan trọng là tinh thần chiến đấu của quân đội, nghệ thuật chỉ huy chiến dịch, chiến thuật và chiến lược ngày càng cao của các cấp chỉ huy. Tỉnh hình này cho phép Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô có thể triển khai cuộc tổng tấn công đồng loạt trên khắp các mặt trận từ Lêningrát đến tận Crưm, mở đầu từ ngày 24-12-1943.

Ở mặt trận phía bắc,tháng 1 và 2-1944, Hồng quân mở cuộc tấn công lớn vào Lêningrát và Nôpgôrốt, giải phóng Lêningrát và tiến tới sát biên giới Extônia. Tiếp theo, hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban Tích, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới Xô - Phần và buộc Phần Lan phải kí hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19-9-1944.

Ởmặt trận Ucraina,trong năm 1944, Hồng quân đã mở l0 trận tấn công có tính chất tiêu diệt vào quân đội phát xít. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra hết sức ác liệt vì phần lớn lực lượng quân Đức tập trung ở vùng này (96 sư đoàn với 70% tổng số các sư đoàn xe tăng và các sư đoàn cơ giới của phát xít Đức ở mặt trận Liên Xô). Kết quả, Hồng quân đã đánh tan 66 sư đoàn địch và giải phóng hoàn toàn Ucraina.

Từ tháng 3 đến tháng 5-1944, quân đội Xô viết giải phóng Ôđétxa và Crưm.

Một trong những trận đánh lớn nhất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là chiến dịch giải phóng Bêlarut (mang mật danh kế hoạch ''Bagiatiôn''), mở ngày 23-6-1944. Trong chiến dịch này, đạo quân “Trung tâm” của phát xít Đức bị đánh tan tác và mất hơn 30 sư đoàn. Bêlalut được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Rumani, Bungari, Nam Tư, Anbani và một phần đáng kế lãnh thổ Tiệp Khắc, Hunggari và Áo.

2. Mĩ - Anh mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu

Mĩ - Anh cứ khất lần mãi việc mở Mặt trận thứ hai. Cho đến khi chiến tranh bước vào giai đoạn cuối cùng, lúc ấy Mĩ - Anh mới vội vàng mở Mặt trận thứ hai, đổ bộ lên Bắc Pháp. Đó là ngày 6-6-1944.

Ở Tây Âu, Đức chỉ đề có 60 sư đoàn, và ở Noócmăngđi (là vùng quân Đồng minh đổ bộ), Đức chỉ có 9 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp do thống chế Rommen chỉ huy. Quân đội Đức ở Tây Âu phần nhiều là binh lính già yếu và trang bị kém. Ở khu vực đổ bộ, lúc đầu Đức chỉ có 300 máy bay, sau tăng lên 600.

Về phía Mĩ và Anh cho đến lúc này vẫn chưa tham gia chiến tranh một cách nghiêm túc, do vậy, họ đã chuẩn bị được những lực lượng lớn: 36 sư đoàn dành cho việc đổ bộ ở Bắc Pháp (chưa kể l0 sư đoàn đổ bộ ở Nam Pháp và 40 sư đoàn dự trữ). Tham gia vào việc đổ bộ có những hạm đội chiến tranh và những tầu buôn của Anh, Mĩ, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Pháp và Hi Lạp, tổng cộng là 6.483 tầu và một lực lượng không quân rất lớn - gồm 13.068 máy bay các loại.

Cuộc đổ bộ được bắt đầu vào 1 giờ 30 sáng ngày 6-6. Tại khu vực đổ bộ dài 80 cây số chỉ có hai sư đoàn Đức thuộc quân đoàn thứ 7. Để đảm bảo sự bất ngờ, người ta chọn một khu vực mà quân Đức không ngờ tới, từ sông Viarơ đến sông Oócnơ.

Mặc dầu có những điều kiện thuận lợi đó, quán Mĩ và Anh vãn tiến rất chậm, trung bình mỗi ngày 4 cây số. Không quân của Mĩ, Anh oanh tạc rất dữ dội (số bom được thả trong nửa năm 1944 nhiều hơn cả số bom ném từ đầu chiến tranh đến bấy giờ).

Đức cũng tăng cường oanh tạc vào lãnh thổ Anh. Từ ngày 13-6-1944, Đức bắt đầu sử dụng các loại máy bay U1 và V2, nên đã gây cho Anh nhiều thiệt hại.

Phong trào khởi nghĩa vũ trang của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo nổi lên trên khắp nước Pháp, giải phóng nhiều vùng rộng lớn trước khi quân Đồng minh tới. Vào giữa tháng 8, công nhân Pari bãi công, sau đó chuyển thành khởi nghĩa, giải phóng thủ đô Pari ngày 19-8. Pêtanh, Lavan và các bộ trưởng khác của chính phủ Visi bỏ trốn sang Đức. Nhân dân Pari đã làm chủ được thành phố. Sau đó ngày 25-8, quân đội Đồng minh mới tiến vào Pari, đi đầu là quân của tướng Lơcơléc. Chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa Pháp, do Đờ Gôn đứng đầu, được thành lập ở Pari.

Nước Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít Đức. Tiếp theo sau, quân Mĩ, Anh tiếp tục giải phóng nhiều nước Tây Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Lucxembua, Italia và tiến vào miền Trung nước Đức, gặp Hồng quân Liên Xô ở bên bờ sông Enbơ.

Việc quân đội Mĩ - Anh mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu tuy muộn nhưng kể từ ngày bắt đầu chiến tranh, nước Đức mới bị ép ở giữa hai mặt trận Đông - Tây.

3. Hội nghị tam cường Ianta và Pốtxdam

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn cuối, hội nghị những người đứng đầu ba cường quốc trong mặt trặn Đồng minh chống phát xít là Liên Xô, Mĩ, Anh họp tại Ianta (Crưm) từ ngày 4 đến 12-2-1945. Tại hội nghị, những vị đứng đầu 3 cường quốc đã thỏa thuận về kế hoạch quân sự chung nhằm đánh bại phát xít Đức, buộc Đức phải đầu hàng vô điều kiện; về mục đích tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức, xây dựng những bảo đảm thật sự để cho nước Đức sẽ không bao giờ có khả năng phá hoại hòa bình; về việc phân chia khu vực chiếm đóng của quân đội Đồng minh ở Đức sau ngày Đức đầu hàng; về chính sách thống nhất những quy chế sau chiến tranh của nước Đức và về những nguyên tắc buộc Đức phải bồi thường chiến tranh. Hội nghị đã quyết định thành lập một tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc) để duy trì hòa bình và an ninh thế giới dựa trên nền tảng sự nhất trí giữa 5 cường quốc: Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Hội nghị đã thỏa thuận rằng từ 2 đến 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật với điều kiện giữ nguyên trạng nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ và khôi phục lại những quyền lợi của nước Nga bị mất trong chiến tranh Nga – Nhật (1904). Hội nghị đã ra ''tuyên bố về châu Âu giải phóng'', trong đó nêu rõ sự thỏa thuận về chính sách và những hành động chung nhằm giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế của châu Âu giải phóng, phù hợp với những nguyên tắc dân chủ.

Sau khi phát xít Đức đầu hàng không điều kiện, hội nghị những người đứng đầu ba nước lớn Liên Xô, Mĩ, Anh họp ở Pốtxđam (Đức) từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội đồng ngoại trưởng (gồm đại biểu Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc), có nhiệm vụ chuẩn bị những hòa ước sẽ kí với Đức và các nước đồng minh của Đức.

Hội nghị quy định các nước Đồng minh cần phải thực hiện một chính sách chung trong khu vực mình chiếm đóng, nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc chũ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức, giải giáp nước Đức và biến nước Đức thành một nước dân chủ, hòa bình, thống nhất. Hội nghị quyết định phải thủ tiêu tất cả những tổ chức quân sự, nửa quân sự và phát xít ở Đức, những dự trữ quân sự cũng như mọi ngành công nghiệp có thể sản xuất ra vũ khi. Các nước Đồng minh sẽ kiểm soát các ngành sản xuất kim khí, máy móc, hóa chất và chỉ để phát triển những ngành kinh tế hòa bình, phục vụ nhu cầu của nhân dân Đức. Để giải quyết những vấn đề chung cho toàn nước Đức, một ''Hội đồng giám sát'' được thành lập bao gồm các tổng chỉ huy quân đội bốn khu vực chiếm đóng. Hội nghị quyết định xóa bỏ các tập đoàn tư bản lũng đoạn Đức là lực lượng chủ đạo của chủ nghĩa quân phiệt Đức, bắt Đức phải bồi thường chiến tranh, đền bù thiệt hại cho các nước bị Đức xâm lược (Liên Xô bị tổn thất nhiều nhất, được nhận gần 50% tổng số bồi thường - khoảng 10 tỉ đô la).

4. Trận công phá Béclin

Ngày 16-4-1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béclin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hítle.

Trên đường vào Béclin, phát xít Đức đã bố trí hơn 90 sư đoàn (trong đó có 14 sư đoàn xe tăng và cơ giới) với quán số trên 1 triệu người, 10.000 pháo và cối: 1500xe tăng và pháo tự hành, 3 000 máy bay chiến đấu và trong thành phố Béclin: chúng đã lập được đội dân quân phòng vệ 20 vạn người. Để tiến hành chiến dịch đánh chiếm Béclin, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã huy động lực lượng của 2 phương diện quân (PDQ Bêlarut-1 và PDQ Ucraina-1) với 68 sư đoàn bộ binh, 3155 xe tăng và pháo tự hành, khoảng 2200 đại bác và súng cối và đã phải tiến hành công tác chuẩn bị chiến dịch trên một quy mô to lớn và mức độ căng thẳng chưa từng thấy.

5 giờ sáng 16-4-1945, sau 30 phút cho pháo bắn cực mạnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa phòng ngự của quân Đức, 140 đèn chiếu đặt mỗi cái cách nhau 200 mét đồng loạt bật sáng lên với hơn 100 tỉ nến chiếu sáng làm lóa mắt quân địch, bộ binh và xe tăng Hồng quân tiến lên vượt qua trận địa phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Quân Đức buộc phải lùi về cố thủ các điểm cao Dêêlốp, bức tường thành án ngữ con đường tiến vào Béclin. Cuộc chiến đấu tại những điểm cao Dêêlốp đã diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Đến sáng 18-4, Hồng quân mới chiếm được vị trí quan trọng này. Ngày 19-4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béclin. Ngày 21-4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béclin. Nhưng càng tiến vào các khu vực ở giữa thành phố cuộc kháng cự của quân phát xít càng ngoan cố, quyết liệt, chúng dựa vào các ngôi nhà nhiều tầng, những đường ngầm thông giữa các khu phố để ngăn cản bước tiến của Hồng quân. Trước nguy cơ Béclin sắp thất thủ, Hítle tung ra khẩu hiểu đầy kích động: ''Trao Béclin cho quân Mĩ và Anh tốt hơn là để nó lọt vào tay quân Nga!'' và ''Các sĩ quan Đức phải dốc mọi cố gắng làm cho quân Nga không chiếm nổi Béclin. Nếu như phải đầu hàng thì chỉ đầu hàng quân Mĩ. Như con thú dữ, đến lúc sắp chết, bọn phát xít Hítle vẫn lồng lộn, điên cuồng kháng cự, chúng tụ lại, bám từng ngôi nhà, từng tầng gác, mái nhà.

Nhưng vòng vây của Hôgng quân mỗi ngày càng khép chặt lại. Mỗi đợt tấn công của bộ binh và xe tăng quân đội Xô viết đều được pháo binh và không quân yểm hộ bằng những đòn tập kích hỏa lực mạnh như vũ bão. Mười một nghìn khẩu pháo các cỡ cứ theo thời gian nhất định lại đồng loạt nã đạn vào trận địa quân địch. Tính từ 21-4 đến hết ngày 2-5-1945, (thời gian chiến đấu trong thành phố) pháo binh Xô viết đã bắn vào Béclin l.800.000 phát đại bác, trong đó có những loại pháo hạng nặng chuyên dùng cho các pháo đài được chở đến bằng đường sắt để bắn vào trung tâm Béclin (mỗi viên đạn có trọng lượng nửa tấn). Hệ thống phòng ngự Béclin đã tan thành bụi khói. Chiều 30-4-1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh luỹ cuối cùng của bọn phát xít Hítle. Trận đánh chiếm nhà Quốc hội là một trận đẫm máu. Chiều 30-4, trong thế cùng Hítle và Gơben đã tự sát. 15 giờ ngày 30-4, cờ đỏ đã cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội. Ngày 2-5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béclin. Quân phát xít Hítle còn lại hơn 7 vạn người (không kể số bị thương) đã đầu hàng không điều kiện.

Tiêu diệt một đạo quân địch đông gần 1 triệu người và đánh chiếm thủ đô của nước Đức phát xít mà chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 16 ngày đêm, trận Béclin đã đi vào lịch sử như một trong những chiến công oanh liệt nhất, một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội Xô viết trong cuộc chiến tranh chống phát xít, giải phóng nhân loại. Tại trận đánh lịch sử này, quân đội Xô viết đã phải gánh chịu những tồn thất to lớn: gần 300.000 chiến sĩ Xô viết đã hi sinh hoặc bị thương, bị mất tích.

Ngày 9-5-1945, lễ kí kết văn kiện đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức đã được tiến hành trọng thể tại Béclin. Trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức-Câyten đã kí vào văn bản đầu hàng không điều kiện.

Cuộc chiến tranh khốc liệt ở châu Âu đã kết thúc, phát xít Đức và phe lũ bị tiêu diệt hoàn toàn.

V. Giai đoạn thứ năm (9-5-1945 đến 14-8-1945): Nhật Bản đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

l. Cuộc phản công của quân Mĩ - Anh ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương

Ở chiến trường châu Á – Thái Bình Dương, sau trận thắng ở Guađancanan (từ tháng 8-1942 đến tháng 1-1943), Mĩ chuyển sang phản công trên toàn chiến trường. Mở đầu là việc tái chiếm quần đảo Salômông bằng chiến thuật “nhảy cóc” (từ tháng 1 đến tháng 11-1943). Ở khu vực chung Thái Bình Dương, quân Mĩ lần lượt chiếm các đảo Ginbe (11-1943) và Mácsan (2-1944). Dùng chiến thuật “nhảy cừu”, quân Mĩ đánh vào đảo Saipan để chiếm quần đảo Marian tháng 6-944, hải quân Nhật bị thiệt hại mất 3 tàu sân bay và hơn 400 máy bay. Ở Tây Nam Thái Bình Dương, quân Mĩ đánh chiếm lại Tân Ghinê (từ tháng 9-1943 đến tháng 7-1944). Chiến cuộc giành lại Philippin được bắt đầu bằng cuộc đổ bộ vào đảo Lâycơ, diệt 7 vạn quân Nhật (tháng 10-tháng 12-1944). Chủ lực hải quân Nhật bị tiêu diệt nặng nề trong trận hải chiến ở vùng biển Philippin: mất 4 tầu sân bay, 4 thiết giáp hạm, 14 tầu tuần tiễu, 32 tầu phóng ngư lôi và 11 tầu ngầm; về phía Mĩ, mất 4 tầu sân bay, 6 tầu chống ngư lôi, 3 tầu phóng ngư lôi, 1 tầu vận tải và 7 tầu ngầm. Đây là trận hải chiến lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai và qua trận này lực lượng hải quân Nhật hầu như bị kiệt quệ. Cuộc chiến đấu ở Philippin kéo dài tới 4-1945, Mĩ mới thu được thắng lợi, diệt 20 vạn quân Nhật.

Tại Đông Nam Á, đầu năm 1943, nhằm phối hợp với cuộc tấn công của Mĩ ở Thái Bình Dương, liên quân Anh - Ấn và liên quân Mĩ - Hoa đã tiến vào Miến Điện, còn quân Nhật tràn qua biên giới Ấn Độ. Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Ấn Độ từ tháng 3 đến tháng 7-1944 đã bị đánh bại, một nửa trong số 15 vạn quân tham chiến bị tiêu diệt. Quân Đồng minh tiếp tục tấn công ở Miến Điện, đến ngày 2-5-1945 giải phóng được thủ đô Rangun và 3 tháng sau, quét sạch quân Nhật khỏi nước này (diệt 20 vạn quân Nhật).

Những trận đánh cuối cùng của Mĩ ở Thái Bình Dương là đánh chiếm đảo Ivôgima (tháng 2 đến tháng 3-1945) và đảo Ôkinaoa (25-3-1945) nằm ở cửa ngõ đi vào Nhật Bản. Đảo Ôkinaoa là một pháo đài rất kiên cố, án ngữ cửa ngõ đi vào đất Nhật (cách đất Nhật 600km), có quan hệ “sinh tử’ đến vận mệnh đế quốc Nhật nên quân Nhật chống cự rất kịch liệt. Ở đây quân Nhật chỉ có 8 vạn người. Mĩ đã phải huy động 45 vạn quân, 1317 tầu chiến, 1727 máy bay. Qua 3 tháng chiến đấu ác liệt, ngày 21-6-1945, quân Mĩmới chiếm được Ôkinaoa, nhưng phải chịu thiệt hại nặng nề (riêng máy bay đã mất hơn 1000 chiếc).

Ngoài ra, từ mùa thu 1944, máy bay Mĩ đã tiến hành ném bom ác liệt ở 70 thành phố Nhật, như Ôsaka, Nagôya, Yôkôhama … và nhất là thủ đô Tôkiô bị tàn phá nặng nề (riêng cuộc ném bom napan đêm 9-3-1945 đã giết chết hàng vạn người).

2. Liên Xô tham chiến. Nhật Bản đầu hàng không điều kiện

Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, do đã kí với Nhật ''Hiệp ước trung lập'' (13-4-1941), Liên Xô đã đứng ngoài cuộc chiến. Tại Hội nghị Ianta, theo đề nghị của Mĩ, Anh, Liên Xô đã chấp thuận tham gia chiến tranh chống Nhật 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô, với lực lượng 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5500 xe tăng, 3900 máy bay, 2600 phân và ham đội Thái Bình Dương, đã mở cuộc tấn công như vũ bão vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản (gồm 70 vạn quân chủ lực Nhật và hơn 30 vạn quân ngụy của “Mãn Châu Quốc”, Nội Mông, Tuy Viễn…) đóng trải ra trên một trận tuyến kéo dài hơn 4500 km từ Bắc Triều Tiên, Đông – Bắc Trung Quốc tới Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin với việc giao thông, vận chuyển hết sức khó khăn.

Trước khi Liên Xô tiến quân đánh Nhật, ngày 6-8, Mĩ thả bom nguyên tử xuống Hirôsima và ngày 9-8, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagadaki, hủy diệt 2 thành phố này và làm chết hàng chục vạn thường dân vô tội (theo thống kê của Nhật Bản, số người chết ở Hirôsima là 247.000 người và Nagadaki - 200.000 người, chưa kể những người bị nhiễm xạ chết sau này).

3 giờ sáng ngày 10-8, Chính phủ Nhật gửi cho Mĩ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng theo Tuyên cáo Pốtxđam (công bố ngày 26-7-1945, kêu gọi Nhật Bản đầu hàng nhưng Nhật khước từ). Liên Xô, Mĩ, Anh, Trung Quốc đã buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh. Tuy thế, Bộ tư lệnh đạo quân Quan Đông không chịu đầu hàng, vẫn tiếp tục chống cự quyết liệt với quân đội Liên Xô. Ngày 18-8, Hồng quân mới đổ bộ lên được quần đảo Curin và ngày 20-8, đánh chiếm các thành phố lớn ở Đông Bắc Trung Quốc (Cáp Nhĩ Tân, Cát Lâm, Trường Xuân); ngày 23-8, chiếm Đại Liên và Lữ Thuận. Ngày 19-8, viên tư lệnh đạo quân Quan Đông chấp nhận đầu hàng. Nhưng ở một số nơi, quân đội Liên Xô vẫn phải tiếp tục chiến đấu khoảng 2 tuần lễ nữa mới đánh bại hoàn toàn quân địch (giết 8 vạn quân, bắt 60 vạn tù binh Nhật, trong đó có Tư lệnh đạo quân Quan Đông và 148 tướng lĩnh khác).

Có thể nói rằng việc đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật là kết quả của cả một quá trình chiến đấu nhiều năm của các nước Đồng minh và nhân dân các nước bị Nhật thống trị, còn việc buộc Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện ngày 14-8-1945 là do những nhân tố sau đây:

Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít Đức và ltalia ở châu Âu đã làm cho Nhật mất đi một chỗ dựa và đặt Nhật vào thế tuyệt vọng.

Sự thất bại trên các đảo Thái Bình Dương, ở Đông Nam Á; sự thiệt hại nặng nề về hải quân, không quân trong những trận hải chiến với Mĩ; việc oanh tạc liên tiếp, dữ dội của không quân Mĩ kéo dài nhiều tháng xuống 70 thành phố lớn của Nhật (kể cả thủ đô Tôkiô); việc Mĩ chiếm được đảo Ôkinaoa, cửa ngõ đi vào Nhật Bản; 2 quả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hirôsima và Nagadaki, dù là một tội ác man rợ nhưng cũng đã gay ra tâm lí hoảng sợ và làm suy sụp tinh thần của giới cầm quyền Nhật Bản.

Việc Liên Xô tham chiến ở Viễn Đông và xuất kích với một lực lượng rất hùng hậu đã đặt Nhật Bản vào một thế thất bại hoàn toàn không tránh khỏi được.

Ở Trung Quốc, quân giải phóng nhân dân đã chuyển sang tổng phản công và ở nhiều nước Đông Nam Á khác, phong trào chống Nhật đang lên sôi sục (Việt Nam, Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện).

- Sức ép của nhân dân Nhật Bản và áp lực của phái “chủ hàng” trong nội bộ giới cầm quyền Nhật.

3. Kết cục của Chiến tranh thế giới thứ hai

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người (bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại).

Tội phạm gây nên cuộc chiến tranh đẫm máu và đau thương là bọn phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, nhưng chúng có thể gây ra chiến tranh được là vì có những thế lực “dung dưỡng”, “thỏa hiệp” với chúng.

Bảng so sánh hai cuộc chiến tranh thế giới:

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Chiến tranh thế giới thứ hai

- Những nước tuyên bố tình trạng chiến tranh

36

76

- Số người bị động viên vào quân đội (triệu người)

74

110

- Số người chết (triệu người)

13,6

60

- Số người bị thương và tàn tật (triệu người)

20

90

- Chi phí quân sự trực tiếp (tỉ đô la)

208

1384

- Thiệt hại về vật chất (tỉ đô la)

388

4000

 

Số người chết ở 10 nước tham chiến chủ yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai (cả quân nhân và thường dân)

Nước

Tổng số người chết

Tỉ lệ % so với dân số năm 1939

Liên Xô

27.000.000

16,2%

Trung Hoa

13500.000

2,2%

Đức

5.600.000

7%

Ba Lan

5.000.000

14%

Nhật Bản

2.200.000

3%

Nam Tư

1.500.000

10%

Pháp

630.000

1,5%

Italia

480.000

1,2%

Anh

382.000

1%

300.000

0,3%

“Kẻ gieo gió, phải gặt bão”, chiến tranh kết thúc với sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, sự sụp đổ của chính những kẻ đã gây ra chiến tranh. Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít có ý nghĩa lịch sử trọng đại, làm thay đổi căn bản tính hình thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc đụng đầu và sự thử thách quyết liệt, toàn diện giữa hai thế lực tiến bộ và phản động trên phạm vi toàn thế giới, mở ra một thời kì mới của lịch sử thế giới hiện đại.

Sơ kết lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

1. Nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

Nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945 là cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp rộng lớn, quyết liệt, phức tạp giữa một bên là nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô), các dân tộc bị áp bức, giai cấp công nhân và nhân dân các nước với một bên là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa phát xít và các thế lực phản động khác nhằm giành bốn mục tiêu lớn:hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.Mặt khác, đây cũng là cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa các cường quốc nhằm tranh giành phân chia phạm vi thế lực và thiết lập một trật tự thế giới có lợi cho mình như sự thiết lập và sụp đổ của“Hệ thống Vecxai – Oasinhtơn”sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (từ 1918 đến 1945).

2. Những vấn đề chính yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

Từ 1917 đến 1945, lịch sử thế giới hiện đại bao gồm những vấn đề chính yếu sau đây:

- Chủ nghĩa xã hội được xác lập đầu tiên ở nuột nước, nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản

Để thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nhân dân Liên Xô đã phải trải qua những chặng đường cách mạng khó khăn, gian khổ với biết bao hi sinh và tổn thất. Cuộc Cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng; cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Nga và đưa nước Nga lên con đường xã hội chủ nghĩa; cuộc đấu tranh chống nội loạn và can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc (1918 - 1920) nhằm bảo vệ cách mạng; công cuộc xây dựng chế độ mới trong những năm 1921-1941 dẫn đến bước đầu xây dựng được những nền móng của chủ nghĩa xã hội; cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941 - 1945 đánh bại chủ nghĩa phát xít, không chỉ bảo vệ được Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nhân loại. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới, có nền văn hóa - giáo dục và khoa học, kĩ thuật tiên tiến vào hàng đầu thế giới. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhân dân Liên Xô đã đánh bại mọi cuộc tấn công thù địch của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động luôn chiếm ưu thế gấp bội vẽ sức mạnh kinh tế và quân sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những thành tựu và thắng lợi kì diệu này, nhưng cơ bản nhất là do tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (tuy lúc này có tồn tại những sai lầm, thiếu sót).

Sự tồn tại và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên – Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết là nét nổi bật ở thời kì này, có ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới tiến trình của lịch sử thế giới.

- Bước chuyển biến của cách mạng thế giớitừ sau Cách mạng tháng Mười Nga

Trước Cách mạng tháng Mười, cách mạng thế giới đang lâm vào tình trạng khó khăn. Ở các nước tư bản Âu - Mĩ, phong trào công nhân lại bất đồng về tư tưởng, không thống nhất về đường lối cách mạng, bị chia rẽ về tổ chức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, phong trào giải phóng dân tộc lâm vào cuộc khủng hoảng, chưa tìm ra con đường và phương pháp cách mạng để đi đến thắng lợi; giữa phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc hầu như không có mối liên quan gì. Cách mạng tháng Mười, bằng lí luận và thực tiễn thắng lợi của mình, đã thúc đẩy và dẫn tới bước chuyển biến mới của cách mạng thế giới về nội dung, đường lỗi và phương pháp phát triển. Ở nhiều nước, các Đảng Cộng sản ra đời đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo cách mạng đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, tứccon đường xã hội chủ nghĩa.Phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trở nên gắn bó, phối hợp mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thủ chung là chủ nghĩa đế quốc. Bước chuyển biến mới này đã thúc đẩy cách mạng thế giới không ngừng phát triển: cao trào cách mạng 1918 - 1923; cao trào cách mạng những năm khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933; phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít những năm 1936 - 1939; cuộc chiến tranh chống phát xít những năm 1939 - 1945. Quá trình phát triển này là bước tập dượt và chuẩn bị cơ sở cho thắng lợi của cách mạng thế giới những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

-Chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên toàn thế giới

Cách mạng tháng Mười đã đánh đổ chủ nghĩa tư bản ở một khâu quan trọng của nó là đế quốc Nga, chiếm 1/6 diện tích trái đất. Cũng từ đó, một xã hội mới ra đời – xã hội xã hội chủ nghĩa mà mỗi bước phát triển của nó đều gây nên một sự tương phản đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Mặt khác, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất không chỉ để lại những tổn thất nặng nề về của cải, sinh mạng, làm cho tất cả các nước thắng trận và bại trận đều bị suy yếu (trừ Mĩ) nhưng nghiêm trọng hơn, dẫn đến sự phân chia lại thế giới theo ''hệ thống Vecxai – Oasinhtơn”, làm nảy sinh những mâu thuẫn mới hết sức sâu sắc giữa các đế quốc, tư đó dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ hai (từ 1918 đến 1945). Chủ nghĩa tư bản không có những thời kì ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế kéo dài như trước đây nữa mà chỉ có một thời gian ngắn ngủi trong những năm 1924 - 1929, rồi sau đó lâm vào cuộc khủng hoàng kinh tế thế giới 1929 - 1933 dẫn tới sự lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít ở nhiều nước: Italia, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bungari, Hunggari… Kết quả, chủ nghĩa đế quốc đã phân thành hai khối đế quốc đối lập, “hệ thống Vecxai – Oasinhtơn” bị phá vỡ. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, kết thúc một thời kì phát triển của lịch sử thế giới hiện đại.

- Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh gây nên tổn thất về người và của khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Kể từ khi Liên Xô tham chiến, chiến tranh mang tính chất chính nghĩa nhằm giải phóng nhân loại khỏi thảm họa phát xít, vì thế thắng lợi của chiến tranh đã dẫn đến những biến chuyển căn bản về tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

3. Xu thế phát triển của lịch sử thế giới hiện đại

Từ 1917 đến 1945, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội (lúc này Liên Xô là đại diện) với chủ nghĩa tư bản, cũng như cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trong phạm vi từng nước và trên phạm vi toàn thế giới đã diễn ra gay gắt, quyết liệt. Tuy lúc đầu ở thế yếu và nằm trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội đã không ngừng lớn mạnh và ngày càng phát huy ảnh hưởng của nó đối với thế giới. Phong trào cách mạng thế giới đã chuyển sang thời kì phát triển mới, đặt nền móng cho thắng lợi to lớn ở giai đoạn sau này. Chủ nghĩa tư bản đã mất đi một khâu quan trọng và địa vị của nó bị suy giảm nhiều so với trước kia.

Thắng lợi của cuôc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sang một thời kì mới.Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945)

Chiến tranh thế giới thứ hai đã diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu (mặt trận phía Tây); mặt trận Xô - Đức (mặt trận phía Đông); mặt trận Bắc Phi; mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và mặt trận trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng, trong đó, mặt trận chủ yếu, quyết định đối với toàn bộ tiến trình của Chiến tranh thế giới thứ hai là mặt trận Xô – Đức.

 Hồng quân Xô Viết tổ chức phản công phát xít Đức ở Mặt trận phía Tây Mát-xcơ-va

Từ 1939 đến 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đại thể đã trải qua 5 giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất: từ 1-9-1939 (ngày Đức tấn công Ba Lan, mở đầu đại chiến) đến 22-6-1941 (ngày phát xít Đức tấn công Liền Xô).

2. Giai đoạn thứ hai: từ 22-6-1941 đến 19-11-1942 (ngày mở đầu cuộc phản công ở Xtalingrat).

3. Giai đoạn thứ ba: từ 19-11-1942 đến 24-12-1943 (ngày mở đầu cuộc tổng phản công của Hồng quân Liên Xô trên khắp các mặt trận).

4. Giai đoạn thứ tư: từ 24-12-1943 đến 9-5-1945 (ngày phát xít Đức đầu hàng, chiến tranh kết thúc ở châu Âu).

5. Giai đoạn thứ năm:từ 9-5-1945 đến 14-8-1945 (ngày Phát xít Nhật đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt).

I. Giai đoạn thứ nhất (1-9-1939 đến 22-6-1941):

l. Đức tấn công Ba Lan và bước khởi đầu của chiến tranh thế giới (9-1939 đến 4 - 1940).

Ngày 1-9-1939, không tuyên chiến, quân Đức tràn vào Ba Lan. Để tấn công Ba Lan, Đức đã có sự chuẩn bị từ lâu và đưa vào Ba Lan một lực lượng to lớn; 70 sư đoàn (trong đó có 7 sư đoàn xe tăng và 6 sư đoàn cơ giới, với hơn 3000 máy bay). Trong khi đó, Ba Lan thiếu chuẩn bị về tinh thần và vật chất. Một bộ phận lớn quân đội Ba Lan lại tập trung ở biên giới phía Đông để chống Liên Xô, trong khi đó Đức có ưu thế tuyệt đối về quân số và trang bị. Chúng lại lợi dụng yếu tố bất ngờ và thực hiện chiến thuật ''đánh chớp nhoáng'', dùng xe tăng và máy bay thọc sâu, bao vây, khiến cho Ba Lan không chống đỡ nổi.

Từ ngày 12 đến 16-9, vòng vây của Đức xiết chặt chung quanh Vacxava và quân Đức tiếp tục tiến về phía Đông chiếm Bret-Litôp, Lubơlin và Lvốp. Bọn phản động cầm quyền Ba Lan không đủ sức chỉ đạo về quốc phòng. Sau những đòn thất bại đầu tiên, chúng đều hèn nhát bỏ trốn sang Rumani. Nhưng nhân dân Ba Lan không chịu hạ khí giới. Những đảng viên cộng sản từ trong tù hay trong bí mật ra lãnh đạo cuộc chiến đấu bảo vệ Vacxava. Họ chiến đấu rất anh dũng, đập tan1 sư đoàn thiết giáp Đức tiến vào thành phố, nhưng không thể nào cứu vãn nổi. Vacxava tan hoang trong khói lửa cuối cùng đã bị thất thủ. Nước Ba Lan bị Đức thôn tính. Trong khi đó, một cuộc “chiến tranh kì quặc” đã diễn ra ở phía Tây nước Đức.

Liên quân Pháp, Anh dàn trận ở Bắc Pháp dọc theo biên giới Đức, nhưng không tấn công Đức và cũng không có một hành động quân sự nào để đỡ đòn cho Ba Lan. Hiện tượng ''tuyên'' mà không ''chiến'' (được các nhà báo Mĩ gọi là ''cuộc chiến tranh kì quặc'', người Pháp gọi là cuộc chiến tranh “buồn cười”, còn người Đức gọi là chiến tranh ''ngồi'') kéo dài suốt trong 8 tháng (từ 9-1939 đến 4-1940). Trong suốt thời gian này, quân đội hai bên hầu như chỉ ngồi trong chiến lũy nhìn sang nhau, thỉnh thoảng quân Pháp mở những cuộc tiến công nhỏ có tính chất “tượng trưng” rồi lại trở về vị trí cũ. Sở dĩ có hiện tượng này là do giới cầm quyền Anh, Pháp vẫn còn ảo tưởng về một sự thỏa hiệp với Hítle. Đồng thời cũng do Bộ tổng tư lệnh liên quân, đứng đầu là tướng Pháp Gamơlanh, đã quyết định áp dụng chiến thuật phòng ngự, mong dựa vào phòng tuyến Maginô kiên cố để đánh bại quân địch.

Mùa xuân năm 1940, Quốc hội Pháp và Anh đã nhận ra sai lầm trong đường lối mềm yếu này. Họ quyết định đưa ra những nhân vật cứng rắn lên cầm đầu chính phủ: Râynô lập chính phủ mới ở Pháp (tháng 3) và Sơcsin trở thành Thủ tướng Anh (tháng 5), nhưng đó là sự thay đổi quá muộn.

Cùng thời gian này, vào ngày 17-9-1939, theo sự thỏa thuận với Đức (qua ''Biên bản mật'' ngày 24-9), quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan và tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây để thu hồi lãnh thổ của đế quốc Nga bị mất vào những năm 1918 – 1920. Miền Đông Ba Lan vốn là một phần lãnh thổ của Tây Ucraina và Tây Bêlarút bị trao cho Ba Lan năm 1920, nay sáp nhập trở lại với hai nước Cộng hòa Xô viết này trong Liên bang Xô viết (11-1939).

Ngày 18-9, Liên Xô lên án ba nước Ban Tích là không giữ vai trò trung lập. Dưới sức ép về quân sự, lãnh đạo ba nước Ban Tích phải lần lượt đến Mátxcơva và kí những hiệp ước không xâm lược với Liên Xô: Extônia, ngày 28-9, Látvia ngày 5-10, Litva ngày 10 -10. Đó là những hiệp ước tương trợ Extônia và Litva nhượng cho Liên Xô những căn cứ hải quân và không quân. Cả ba nước chấp nhận cho Liên Xô quyền đóng quân trên đất của họ. Thành phố Vilna và khu vực Vilna được trả lại cho Litva (27-10). Tháng 6-1940, quân Đội Liên Xô tiến vào ba nước Ban Tích, gây áp lực lật đổ các chính phủ tư sản ở đây. Các chính phủ mới được thành lập dưới sự kiểm soát của Dekanôzôp ở Litva, của Vichinsk ở Latvia và của Jđanôp ở Extônia. Ngày 14-7, bầu cử được tiến hành. Các Quốc hội mới kêu gọi sáp nhập các nước Ban Tích vào Liên Xô. Tháng 8-1940, Xô viết tối cao Liên Xô chấp nhận ba nước Ban Tích vào thành phần của Liên bang Xô viết.

Ngày 28-11, Liên Xô hủy bỏ hiệp ước không xâm lược năm 1932 và ngày hôm sau Liên Xô cắt quan hệ ngoại giao với Phần Lan. Chiến tranh Xô - Phần bùng nổ và diễn ra ác liệt trong suốt mùa đông băng giá (11-1939 đến 3-1940). Kết quả theo hiệp ước Matxcơva ngày 12-3-1940, Phần Lan phải nhường vĩnh viễn eo đất Carêli để Liên Xô thành lâp nước Cộng hòa Xô viết Carêli của mình và biên giới Phần Lan - Liên Xô được lùi xa Lêningrát thêm 150 km nữa. Ngoài ra, Phần Lan còn phải cho Liên Xô thu cảng Hănggô trong 30 năm với số tiền 8 triệu mác Phần Lan.

Betxarabia và Bắc Bucôvina là vùng tranh chấp lâu dài giữa Nga với Rumani mà Rumani chiếm được năm 1918. Xtalin gửi tối hậu thư cho Rumani đòi:

- Vùng Betxarabia mà Nga chưa bao giờ chịu mất, phải trả về cho Nga.

- Sáp nhập vùng Bắc Bucôvina mà dân cư ở đó về mặt lịch sử và về mặt ngôn ngữ gắn bó với nước Cộng hòa Xô viết Ucraina.

Trước tình hình đó, chính phủ Rumani kêu gọi sự giúp đỡ của Đức và Italia, nhưng hai nước từ chối và Rumani đành nhượng bộ. Thế là Betxarabia và Bắc Bucôvina trở thành một bộ phận thuộc nước Cộng hòa Xô viết Mônđavia của Liên Xô (8-1940).

Tính chung, Liên Xô đã lập thêm 5 nước Cộng hòa Xô viết Liên bang, mở rộng lãnh thổ 2 nước Cộng hòa Xô viết, đưa tổng số nước Cộng hòa của Liên Xô lên tới 16. Số dân mới gia nhập Liên Xô là 23 triệu người (13 triệu ở Ba Lan cũ, 10 triệu ở Rumani và trong các nước Ban Tích) Biên giới phía tây của Liên Xô được đẩy lùi thêm từ 200 - 300km.

2. Đức đánh chiếm các nước Bắc Âu và Tây Âu

Cuộc ''Chiến tranh kì quặc'' đã giúp cho nước Đức phát xít mạnh lên. Lợi dụng thời gian hưu chiến suốt mùa đông 1939 – 1940, Đức phát triển bộ binh lên tới 136 sư đoàn, xe tăng - 10 sư đoàn, máy bay - 4 vạn chiếc. Thực lực của Đức khi đó tăng lên chừng gấp đôi thời kì trước khi đánh Ba Lan. Trong khi đó thì các chính phủ Anh, Pháp do theo đuổi những âm mưu chống Liên Xô đã không nghĩ đến củng cố sự phòng của đất nước. Trong những tháng ấy, sản xuất vật liệu chiến tranh của Anh và Pháp không tăng; một phần vũ khí và quân trang làm ra lại gửi sang Phần Lan.

Lập trường mù quáng chống Liên Xô làm cho giới thống trị các nước Anh và Pháp trở nên thiển cận. Mặc dầu nguy cơ tấn công của Đức vào các nước phương Tây ngày càng rõ và họ biết điều đó nhưng giới thống trị Anh, Pháp vẫn không thay đổi chính sách; họ vẫn tiếp tục hi vọng rằng “Hítle sẽ quyết định hướng đội quân về phía Đông chống Nga”. Tướng Đờ Gôn đã viết trong hồi kí: ''Phải nói rằng một số giới muốn nhìn kẻ thù ở Xtalin hơn là Hítle. Họ lo lắng đến những biện pháp để đánh nước Nga – hoặc giúp Phần Lan, hoặc ném bom Bacu hoặc đổ bộ ở Xtambun nhiều hơn cách làm sao để thắng đế chế Đức''.

Trong khi đó thì Đức đang chuẩn bị tỉ mỉ kế hoạch đánh các nước Tây Âu. Gián điệp của Đức len lỏi khắp các nước mà chúng sẽ xâm chiếm.

Ngày 9-4-1940, quân Đức tràn vào Đan Mạch. Vua và chính phủ không kháng cự, ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí. Cùng ngày, quân Đức đổ bộ lên tất cả các cảng lớn của Na Uy. Nhân dân Na Uy kháng chiến rất dũng cảm. Chiến sự đã diễn ra ác liệt ở nhiều nơi. Nhưng bọn tay sai của Hítle ở Na Uy đã phản bội Tổ quốc. Na uy bị đánh bại. Quân Anh, Pháp sang cứu bị đánh bật ra biển.

Ngày 10-5, vào 5 giờ 30 sáng, quân Đức tràn vào Bỉ, Hà Lan, Lucxembua và Pháp. Mặt trận chính phía Tây bây giờ mới chính thức diễn ra. Lực lượng hai bên không chênh lệch nhau lắm. Đức ném vào cuộc tấn công 136 sư đoàn (kẻ cả dự bị). Quân Đồng minh có 130 sư đoàn (91 sư đoàn Pháp, Anh - 10 sư đoàn, Bỉ 22, Hà Lan – 9 và Ba Lan – 1). Nhưng Đức có nhiều máy bay và xe tăng hơn. Kế hoạch tác chiến của Đức lại dựa trên sự tấn công bất ngờ, sự thiếu chuẩn bị về tâm lý của đối phương, và chiến thuật tốc chiến tốc thắng, dùng máy bay và xe tăng tiến nhanh, thọc sâu, chia cắt và bao vây đối phương.

Ngày 10-5, quân của Phôn Bốc vượt qua sông Mơdơ (Mense), đồng thời nhảy dù xuống chiếm các sân bay, các đầu mối giao thông và các cứ điểm quan trọng của Hà Lan và Bỉ.

Ngày 15-5, quân đội Hà Lan phải đầu hàng, Chính phủ Hà Lan chạy sang Luân Đôn. Ngày 27-5, đến lượt Bỉ đầu hàng vô điều kiện.

Trong khi đó, quân của Phôn Runxtét vượt qua Lucxembua, đánh bại đạo quân thứ 9 của Pháp do tướng Coráp chỉ huy, chọc thủng phòng tuyến của Pháp trên một khu vực rộng 90km giữa Xơđăng và Namuya. Phòng tuyến Maginô (Ligue Maginot) mà Pháp vẫn thường khoe khoang đã trở nên vô tác dụng. Những binh đoàn xe tăng của tướng Klaixtơ (Kleist) đang tiến vế hướng Pari.

Ngày 5-6, quân Đức tiến về phía Pari như báo tãp. Giai cấp thống trị Pháp hèn nhát đã nghĩ đến chuyện đầu hàng. Một số tên phản bội và chủ trương đầu hàng đã được bổ sung vào chính phủ (như Thống chế Pêtanh). Ngày 10-6, Chính phủ bỏ Pari chạy về Tua.

Cùng ngày đó, Italia tuyên chiến với Anh và Pháp và tấn công vào Đông Nam nước Pháp. Từ lâu, Italia vẫn dòm ngó một phần lãnh thổ Pháp và một số thuộc địa của Pháp. Khi thấy Pháp đang nguy ngập, sắp thua, ltalia vội vàng nhẩy vào để ''dính máu ăn phần''. Sự tham chiến của Italia cũng làm cho tình hình của Pháp thêm nghiêm trọng.

Trong thời gian này, ở Tua đã diễn ra cuộc thương lượng giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Anh và Anh muốn biến Pháp thành một tỉnh của Anh. Ngày 16-6, Sớcsin đưa ra đề nghị về việc kí kết ''liên minh không thể hủy bỏ'' giữa Anh và Pháp, theo đó thì Anh và Pháp sẽ trở thành một quốc gia thống nhất với một hiến pháp thống nhất và những cơ quan chính và những cơ quan chính quyền trung ương thống nhất. Chính phủ Pháp chia làm 2 nhóm: một nhóm do Râynô cầm đầu sẵn sàng giao nước Pháp cho đế quốc Anh, một nhóm do Pêtanh cầm đầu muốn đầu hàng phát xít Đức và cho rằng ''thà làm một tỉnh quốc xã còn hơn là một xứ tự trị của Anh''. Không có một nhân vật nào trong Chính phủ chấp nhận một chương trình đấu tranh cho tự do và độc lập của nước Pháp như đề nghị của Đảng Cộng sản Pháp.

Đa số thành viên trong chính phủ Pháp chấp nhận sự đầu hàng. Ngày 17-6, Râynô từ chức, Pêtanh lên cầm đầu chính phủ xin hàng Đức, Italia với những điều kiện nhục nhã. Theo hiệp định đình chiến kí ở Rơtôngđơ (Rethondes), Đức có tất cả quyền hành của một cường quốc chiếm đóng: 3/4 nước Pháp bị chiếm đóng, trong đó có Pari, tất cả vùng công nghiệp của đất nước (nơi sản xuất 98% gang và thép); vùng Andát và Loren sáp nhập vào Đức, nước Pháp bị tước vũ trang chỉ để lại một ít cho Chính phủ Pháp duy trì trật tự) và phải nuôi quân đội chiếm đóng, Chính phủ Pháp đóng ở Visi chỉ là bù nhìn tay sai của bọn phát xít chiếm đóng. Nền Cộng hòa Pháp bị thủ tiêu, thay thế bằng chế độ độc tài quân sự do Pêtanh cầm đầu, tự phong làm Quốc trưởng. Nhân dân Pháp bị đói, rét trong khi hàng trăm chuyến tầu chở đầy những của cải của Pháp đưa sang Đức.

Nguyên nhân tấn thảm kịch của nước Pháp là do sự phản bội của giai cấp tư sản thống trị ở Pháp. Nhân dân Pháp không được động viên bảo vệ Tổ quốc, trái lại còn bị đàn áp, cấm đoán.

Nhưng nhân dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã phản đối đường lối đầu hàng của giai cấp tư sản, mở rộng cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Đức và Đảng Cộng sản Pháp đứng ra tổ chức lực lượng kháng chiến bên trong nước Pháp.

Trong khi đó, Đờ Gôn (lúc này đang công cán ở Anh), đã không chịu đầu hàng và tích cực tập hợp một số người Pháp ở hải ngoại. Ngày 27-10-1940, Đờ Gôn thành lập ''Chính phủ Pháp tự do'', mưu dựa vào lực lượng Anh, Mĩ đã giải phóng đất nước.

3. Đức tấn công Anh

Tháng 7-1940, Hítle đề ra kế hoạch ''Sư tử biển'' nhằm đổ bộ lên Anh. Kế hoạnh ''Sư tử biển'' nhằm hai mục đích: dọanước Anh để từ đó tạo điều kiện cần thiết cho việc thỏa hiệp với Anh; che đây việc bị mất tập trung quân chuẩn bị tấn công Liên Xô, đánh lạc hướng dư luận thế giới.

Tháng 8-1940, cuộc tấn công bằng không quân của Đức vào nước Anh được bắt đầu với tên gọi ''Cuộc đấu tranh giành nước Anh''. Trong những trận không chiến ác liệt, ưu thế thuộc về Đức vì Đức có nhiều máy bay hơn. Tuy nhiên, Anh cũng có nhiều lợi thế. Hồi đó ở bờ Biển Đông, Anh đã có mạng lưới rađa, tuy chưa hoàn thiện lắm, nhưng đã giúp cho quân Anh sớm phát hiện được những máy bay địch đang đến gần bờ biển Anh. Không quân Anh chiến đấu trên mảnh đất mình nên cũng có lợi thế. Cả hai bên đều thiệt hại nặng nề. Đức chuyển sang ném bom ban đêm. Thủ đô Luân Đôn bị hàng vạn tấn bom tàn phá dữ dội. Ngoài ra, Đức phong tỏa chặt chẽ hải phận bằng ''Chiến tranh tầu ngầm'', đánh đắm đất nhiều tầu chiến của Anh. Tình hình của Anh càng thêm nghiêm trọng.

Anh cầu cứu Mĩ. Mĩ định lợi dụng cơn hoạn nạn của Anh, thông qua “sự giúp đỡ” để biến đế quốc Anh thành bạn đồng minh đàn em của mình.

Lợi dụng tỉnh hình thiếu vũ khí của Anh sau vụ Đoongkéc, Mĩ hứa sẽ giúp vũ khí cho Anh nhưng với những điều kiện nặng nề: Anh phải giao cho Mĩ những căn cứ rất quan trọng về chiến lược ở Đại Tây Dương cùng những phát minh khoa học kĩ thuật mới nhất của Anh (như rađa, những công trình nghiên cứu về bom nguyên tử của các nhà bác học Anh, Pháp v. v…).

Để đổi lại, Mĩ đã giao cho Anh gần l triệu khẩu súng trường thời kì những năm 1917 – 1918 với 50 chiếc khu trục hạm rất cũ kĩ.

Như vậy, trong khi ủng hộ Anh, Mĩ vẫn coi Anh là địch thủ đế quốc chủ nghĩa và cố làm suy yếu Anh đến mức tối đa. Đó là tính chất của sự hợp tác Anh – Mĩ.

4. Cuộc xâm lược phát xít ở Bancăng và Trung Cận Đông

Ngày 27-9-1940, Đức Italia và Nhật đã kí hiệp ước đồng minh quân sự và chính trị ở Béclin. Hiệp ước này, như lời thú nhận của Thủ tướng Nhật Cônôiê trong tập hồi kí của ông, ''trước hết nhằm chống Liên Xô''. Nhưng nó không những chỉ chống Liên Xô mà còn chống cả Anh, Mĩ. Hiệp ước đề ra không úp mở việc phân chia thế giới: Đức, Italia ở châu Âu; Nhật ở Viễn Đông.

Đức đã lợi dụng những mâu thuẫn giữa các nước Bancăng để chiếm đóng các nước Bancăng (như để lôi kéo Hung về phía mình, Đức đã lợi dụng sự bất mãn của Hung). Ở Hội nghị Viên tháng 8-1940, Đức và Italia đã đứng ra với danh nghĩa ''trọng tài'', quyết định cắt một vùng đất lớn của Rumani là Tơranxinvania giao cho Hung và hứa với Rumani sẽ ''đền bù'' bằng đất đai của Liên Xô. Đức lại giúp bọn tay sai ở Rumani làm chính biến, đưa những phần tử chống Liên Xô lên nắm chính quyền, do tướng Antônexcô cầm đầu. Với sự thỏa thuận của Antônexcô, ngày 7-10-1940, quân đội Đức kéo vào Rumani. Sau đó, lần lượt Hunggari, Rumani và Xlôvakia đều tuyên bố tham gia Hiệp ước Béclin (ll-1940).

Tháng 3-1941, chính phủ phát xít Bungari đã phản bội nhân dân khi tham gia hiệp ước Béclin và để cho quân đội Đức vào chiếm đóng.

Thế là cuối năm 1940, đầu năm 1941, các nước Xlôvakia, Hunggari, Rumani, Bungari đã trở thành ''chư hầu'' của Đức và không tốn một viên đạn, quân đội Đức đã chiếm đóng tất cả những căn cứ quan trọng trên các nước đó, lập thành một vành đai bao vây miền Tây Liên Xô và bao vây miền Đông Bắc Hi Lạp và Nam Tư.

Đối với hai nước Hi Lạp và Nam Tư, bọn phát xít Đức - Italia khuất phục bằng vũ lực. Phát xít Italia cũng muốn đi trước Đức trong việc xâm chiếm vùng Bancăng.

Ngày 28-10-1940, phát xít Italia bất ngờ tấn công Hi Lạp từ phía Anbani, không báo trước cho Đức và cũng không được sự thỏa thuận của Đức, 20 vạn quân Italia hùng hổ kéo vào Hi Lạp, dự định chiếm thủ đô Aten sau mấy tiếng đồng hồ. Nhưng một tuần lễ sau, quân Italla vẫn không đi quá l0 cây số. Đầu tháng, quân Hi Lạp có quân Anh trợ lực bắt đầu phản công và quét sạch quân Italia ra khỏi Hi Lạp. Hi Lạp còn chiếm luôn cả Anbani thuộc Italia.

Lúc này Italia cũng đang thua liên tiếp ở châu Phi. Khi chiến tranh ở châu Phi mới bắt đầu, Italia đã lợi dụng tình hình khó khăn và mắc kẹt của Anh, Pháp ở Tây Âu để xâm chiếm các thuộc địa của Anh, Pháp ở châu Phi. Quân Italia đã chiếm Xômali thuộc Anh, Kênia, Xuđăng và vượt biên giới Libi tiến vào đất Ai Cập. Nhưng, ngày 9-10-1940, quân Anh đột ngột chuyển sang tấn công ở Bắc Phi, đẩy lùi quân Italia, và đến hè 1941, đã chiếm được tất cả các thuộc địa của Italia ở Đông Phi, kể cả Êtiôpi mà Italia mới chiếm trước chiến tranh.

Trong suốt thời gian đó, trước tình hình khó khăn của Italia, Đức vẫn không giúp đỡ gì cho bạn đồng minh. Đức muốn trừng phạt Italia về tội “không nghe lời”, làm cho Italia suy yếu để phải phục tùng mình.

Đức cũng muốn khuất phục Chính phủ Nam Tư như kiểu khuất phục các nước Bancăng khác. Nhưng nhân dân Nam Tư đã nổi dậy khởi nghĩa, lập chính phủ mới, kí hiệp ước thân thiện và không xâm phạm với Liên Xô ngày 5-4-1941. Trước tình hình đó. Hítle phải ra lệnh hoãn lui việc thực hiến kế hoạch Bacbarôxa và quyết định đè bẹp Nam Tư và Hi Lạp trước.

Đêm 6-4-1941, không quân Đức dội bom xuống thủ đô Nam Tư và 56 sư đoàn Đức cùng chư hầu tràn vào Nam Tư. Chính phủ Nam Tư không dám chống cự, bỏ chạy sang Ai Cập. Cùng ngày đó, quân Đức cũng mở cuộc tấn công vào Hi Lạp. Quân đội Hi Lạp phải đầu hang, Quân đội Anh cũng bị đánh bật xuống biển (một vụ Đoong Kéc thứ hai).

Nam Tư và Hi Lạp bị chiếm đóng. Đức lập nên ở đó những chính phủ bù nhìn và cắt một phần quan trọng đất đai của hai nước này chia cho các nước chư hầu khác như Italia, Hunggari, Bungari.

Việc phát xít Đức chiếm bán đảo Bancăng là một biện pháp chiến lược quân sự quan trọng để tấn công Liên Xô. Nhưng hi vọng của bọn Hítle đã hoàn toàn không thực hiện được. Phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở Nam Tư và Hi Lạp, đã biến cuộc chiếm đóng các nước Bancăng thành một cuộc chiến tranh dằng dai và đẫm máu. Cuộc chiến tranh này đã cản trở bọn Hítle tận dụng tiềm lực của các nước này trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô .

II. Giai đoạn thứ hai (22-6-1941 đến 19-11-1942): Phe phát xít tấn công Liên Xô, mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn thế giới.

l. Đức tấn công Liên Xô

Ngày 22-6-1941, vào 3 giờ 30 sáng, không tuyên chiến và cũng không đưa ra một yêu sách gì, phát xít Đức bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến biển Ban Tích, chà đạp thô bạo lên hiệp ước không xâm phạm Xô -Đức kí kết năm 1939.

Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô là bộ phận quan trọng nhất trong kế hoạch chinh phục toàn cầu của đế quốc Đức, đã được Hítle và giai cấp tư sản Đức chuẩn bị kĩ lưỡng từ lâu. Sau khi thôn tính xong 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2, dân số 142 triệu người, phát xít Đức đã chiếm được những vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quân sự và lực lượng trở nên rất hùng mạnh. Đánh chiếm hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh), phát xít Đức không vấp phải trở ngại hoặc tổn thất gì đáng kể, cho nên binh lính Đức rất kiêu căng ngạo mạn, tự cho mình là ''đạo quân bách chiến, bách thắng''. Chính trong bối cảnh thuận lợi này, phát xít Đức đã tiến đánh Liên Xô với mục tiêu nhằm độc chiếm kho tài nguyên vô tận của Liên Xô và tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa, kẻ thù số l của chủ nghĩa phát xít.

Theo “kế hoạch Bacbarôxa”, được thảo ra từ thang 6-1940, Hítle đã huy động 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3.712 xe tăng, 47.260 khẩu pháo, 4.950 máy bay…chia ra làm 3 đạo quân, đặt dưới quyền tổng chỉ huy của thống chế của thống chế Phôn Bơraosit (Von Brauchitsch), tiến đánh theo 3 hướng chiến lược:

- Đạo phía Bắc do thống chế Phôn Lép (Von Leeb) chỉ huy, gồm 2 tập đoàn bộ binh, 1 tập đoàn xe tăng và 1 không đội, tiến từ Đông Phổ qua Ban Tích hướng tới Lêningrát.

- Đạo trung tâm do thống chế Phôn Bốc (Von Bock) chỉ huy, gồm 2 tập đoàn quân bộ binh, 2 tập đoàn xe tăng và 1 không đội, từ Đông Bắc Vacxava hướng tới Minxcơ, Xmôlenxcơ và Mátxcơva.

- Đạo phía Nam do Chuẩn thống chế Phôn Runxtét (Von Rundsted) chỉ huy gồm 3 tập đoàn quân bộ binh, 1 tập đoàn xe tăng và 1 không đội từ vùng Liubơlin hướng tới Gitơmia, Kiép, sau đó tới Đônbát.

Chiến lược của Đức dựa trên yếu tố bất ngờ, tiến hành chọc thủng phòng tuyến Liên Xô ở nhiều chỗ bằng những múi nhọn thọc sâu xe tăng, chặn đứng sự rút lui của Hồng quân về phía Đông rồi tiến tới tiêu diệt Hồng quân bằng những trận hợp vây đồng thời ở nhiều điểm. Dự kiến của ''kế hoạch Bacbarôxa'' sẽ ''đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng trước khi kết thúc chiến tranh với Anh'' (chỉ thị số 21 của Hítle). Hítle dự tính sẽ ''đánh quỵ nước Nga'' trong vòng từ l tháng rưỡi đến 2 tháng.

Đi đôi với kế hoạch xâm lược về quân sự là kế hoạch cướp bóc tài nguyên và tàn sát người Nga một cách man rợ. Chỉ thị ngày 12-5-1941 của Bộ chỉ huy tối cao Đức bắt sĩ quan, binh lính Đức phải tuân theo:

“Hãy nhớ và thực hiện:

- Không có thần kinh, trái tim và sự thương xót - anh được chế tạo từ sắt, thép Đức…

- Hãy tiêu diệt trong mình mọi sự thương xót và đau khổ hãy giết bất kì người Nga nào và không được dừng lại, dù trước mặt anh là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai.

- Chúng ta phải bắt thế giới đầu hàng…anh là người Đức, và là người Đức phải tiêu diệt mọi sự sống cản trở con đường của anh''.

2. Cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Mátxcơva và Xtalingrát

Trước lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước. “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!” ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nhân dân Liên Xô đã nhất tề đứng dậy, già trẻ, trai gái, triệu người như một, xông thẳng tới quân thù xâm lược. Trong những điều kiện rất khó khăn, bất lợi do yếu tố bất ngờ và so sánh lực lượng quân chênh lệch gây nên, quân và dân Liên Xô đã phải trải qua những cuộc chiến đấu mở đầu hết sức gay go, quyết liệt với những hi sinh và tổn thất nặng nề.

Trước tiên là những trận chiến đấu để bảo vệ biên giới của Tổ quốc, lúc này Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô không còn cách nào khác, ngoài việc thực hiện phòng ngự về chiến lược, nhằm những mục đích:

- “Kìm chân quân phát xít thật lâu trên các tuyến phòng ngự để tranh thủ thời gian nhiều nhất đưa các lực lượng từ phía sau tới và thành lập các lực lượng dự bị mới, điều động và triển khai các lực lượng đó trên các hướng quan trọng nhất.

- Gây cho địch những thiệt hại lớn nhất, làm cho chúng mỏi mệt vàhao hụt và do đó phần nào làm cân bằng so sánh lực lượng.

- Đảm bảo thực hiện các biện pháp của Đảng và Chính phủ trong việc di chuyển nhân dân và các mục tiêu công nghiệp vào phía sâu trong nước, tranh thủ thời gian để chuyển sản xuất công nghiệp sang phục vụ nhu cầu chiến tranh.

- Tích luỹ tối đa các lực lượng và chuyển sang phản công để đập tan toàn bộ kế hoạch chiến tranh của bọn Hítle''.

Những trận chiến đấu bảo vệ biên giới đã diễn ra hết sức dũng cảm, oanh liệt. Quân và dân Xô viết đã giữ từng tấc đất, từng ngôi nhà trong những điều kiện hết sức chênh lệch về quân số và vũ khí.

Mặc dù phải thực hiện những cuộc rút lui để bảo toàn lực lượng, thậm chí phải mở những ''đường máu'' vượt qua những vòng vây của quân địch với tổn thất khá nặng nề, nhưng Hồng quân đã kìm chân được bước tiến của kẻ thù, làm cho chúng không thực hiện được ý đồ sẽ kết thúc cuộc chiến đấu ở biên giới trong vòng ''nửa giờ đồng hồ'' như kế hoạch đã định. Nhờ đó, Hồng quân có thời gian và điều kiện để tổ chức lực lượng, củng cố tuyến phòng ngự theo chiều sâu.

Đến giữa tháng 7, mặt trận biên giới coi như kết thúc, và quân đội phát xít Đức ngày càng tiến sâu vào nội địa Liên Xô. Đến tháng 9-1941, đạo quân phía Bắc của Phôn Lép đã tiến sát tới Lêningrát, bao vây thành phố này; ở mặt trận trung tâm, quân của Phôn Bốc tiến đến Xmôlenxcơ; ở phía Nam, quân Đức chiến Kiép, tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Chiến tuyến càng mở rộng ra, quân đội Đức càng gặp nhiều khó khăn và càng bị tổn thất nặng nề hơn trước. Riêng trong 2 tháng đầu của cuộc chiến tranh ở Liên Xô, lục quân Đức đã mất gần 40 vạn người (trong khi đó, suốt từ tháng 6 đến tháng 12-1941, trên tất cả các mặt trận khác, chúng chỉ tổn thất có 9000 tên). Đến lúc này, cái giá mà bọn phát xít đã phải trả không chỉ là sự thiệt hại nặng nề về người và vũ khí, mà quan trọng hơn là sự phá sản của chiến lược ''chiến tranh chớp nhoáng'' và sự sụp đổ bước đầu của danh hiệu ''đạo quân bách chiến, bách thắng'' đã được nẩy sinh đầu tiên ngay từ tướng lĩnh cao cấp và binh sĩ Đức.

Tháng 10-1941, Bộ chỉ huy Đức tập trung mọi sức lực để mở cuộc tấn công vào hướng Mátxcơva với hi vọng chiếm được thủ đô Mátxcơva sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với kết cục của chiến tranh. Với mật danh là "bão táp'', kế hoạch đánh chiếm Viadơma- Mátxcơva và Brianxcơ Mátxcơva rồi sau đó đánh vu hồi từ phía bắc và phía nam để trong một thời gian ngắn có thể chiếm được Mátxcơva. Để đạt mục đích chiến lược đó, Hítle đã huy động 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng và cơ giới (khoảng hơn 1 triệu quân) và gần 1000 máy bay vào trận đánh Mátxcơva, với ưu thế hơn hẳn quân đội Liên Xô (bộ binh hơn l,25 lần, xe tăng-2,2 lần, đại bác và súng cối-2,l lần, máy bay-l,7 lần) Hítle chắc tin ở thắng lợi mĩ mãn. Trong nhật lệnh ngày 2-10-1941, ngày mở đầu cuộc tấn công Mátxcơva, Hítle tuyên bố phải tiêu diệt kẻ thù ''trước khi mùa đông tới” và điên cuồng quyết định ngày 7-l1-1941 sẽ ''chiếm xong Mátxcơva và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường''. Trong hội nghị các tướng lĩnh, Hítle tuyên bố sẽ biến Mátxcơva ''thành một cái hồ lớn bao phủ vĩnh viễn thủ đô của dân tộc Nga''. Hítle còn ra lệnh cho Bộ chỉ huy đạo quân Trung tâm ''phải bao vây thành phố thế nào để không một người lính Nga nào, không một người dân nào, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con có thế bỏ chạy'' và ''phải hủy diệt nhân dân và thành phố Mátxcơva''. Ngoài ra, Hítle thậm chí còn thành lập một đội đặc biệt để phá hủy điện Cremli.

Trong tháng 10 và 11, quân đội phát xít ào ạt mở 2 đợt tấn công đại quy mô vào Mátxcơva. Nhờ ưu thế về lực lượng và vũ khí, quân Đức đã chiếm được Ôriôn, bao vây Tula, và có nơi đã tiến vào sát cạnh Mátxcơva 20 kilômét. Một nguy cơ hiểm nghèo đang đè nặng trái tim mọi người dân Xô viết và toàn nhân loại tiến bộ. Nhưng, trong những giờ phút nguy kịch đó Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn bình tĩnh giữ vững tay lái. Trung ương Đảng kêu gọi toàn dân Liên Xô hãy hoàn thành nhiệm vụ vinh quang trước Tổ quốc: Không cho quân thù tới Mátxcơva! Hội đồng quốc phòng nhà nước do Xtalin đứng đầu ở lại Mátxcơva, trực tiếp lãnh đạo việc bảo vệ thủ đô. Tướng G.K.Giucốp được chỉ định làm Tổng chỉ huy bảo vệ Mátcơva”. Đáp lời kêu gọi của Đảng, nhân dân Mátxcơva đã biến thủ đô và các vùng ven thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Hàng chục vạn người Mátxcơva ngày đêm làm việc để xây dựng những phòng tuyến bao quanh thành phố.

Theo sáng kiến của nhân dân, thủ đô đã thành lập 12 sư đoàn dân quân với nhiều tổ xung kích đánh xe tăng. Sáng 7-11, kỉ niệm lần thứ 24 ngày Cách mạng tháng Mười, tại Hồng trường đã diễn ra một cuộc duyệt binh đặc biệt. Những đơn vị duyệt binh, với vũ khí và đạn dược sẵn sàng, diễu qua Hồng trường rồi tiến thẳng ra mặt trận, mặc dù quân thù đang ở ngay sát chân thành Mátxcơva.

Trong đợt tấn công ác liệt và đẫm máu tháng 10, quân phát xít Đức tiến được từ 230 đến 250 kilômét, nhưng lực lượng của chúng bị tổn thất nghiêm trọng, kế hoạch thôn tính Mátxcơva trong giữa tháng 10 bị đổ vỡ, và đến cuối tháng l0, cuộc tấn công đã bị chặn đứng lại. Sau khi chấn chỉnh, bổ sung lại lực lượng, ngày 15-ll, bộ chỉ huy quân Đức lại mở đợt tấn công thứ hai vào Mátxcơva, nhưng tất cả các mũi đột phá của địch đều lần lượt bị bẻ gẫy. Đến đầu tháng 12, cuộc tấn công của quân Đức buộc phải ngừng lại vì lúc này lực lượng của chúng đã bị tổn thất quá nặng nề (nhiều đại đội chỉ còn 20 đến 30 tên), tinh thần binh lính sa sút hẳn, ngay nhiều tên tướng Đức cũng không còn tin sẽ chiếm được Mátxcơva nữa.

Ngày 6-12, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công ở Mátxcơva và sau hai tháng chiến đấu, đã đẩy lùi quân đội phát xít Đức ra xa Mátxcơva có nơi đến 400 kilômét. Kế hoạch đánh chiếm Mátxcơva của Hítle đã sụp đổ tan tành. Trong cuộc chiến đấu ở Mátxcơva, phát xít Đức đã bị thiệt hại tổng cộng hơn nửa triệu quân, 1300 xe tăng, 2500 đại bác, trên 15.000 ô tô và nhiều phương tiện kĩ thuật khác.

Với chiến thắng Mátxcơva, lần đầu tiên sau 6 tháng chiến tranh, Hồng quân đã làm cho các đơn vị chủ lực của phát xít Đức phải chịu những tồn thất nặng nề nhất. Tướng Đức Vét Phôn thú nhận: ''Quân đội Đức, trước đây được coi là không thể bị đánh bại, nay sắp bị tiêu diệt''. Thất bại ở Mátxcơva còn làm cho nội bộ hàng ngũ quân phát xít hoang mang, tan rã, các tướng lĩnh cao cấp đổ lỗi cho nhau. Hítle cách chức Tổng tư lệnh lục quân Phôn Bơraosít, cách chức Phôn Bốc - tư lệnh đạo quân trung tâm, tướng Guđêrian - Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 2 và hàng chục tướng lĩnh khác. Chiến thắng Mátxcơva đã củng cố lòng tin của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít.

Cũng trong những thời điểm khó khăn nhất này của đất nước (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11-1941), nhân dân Liên Xô đã tiến hành một cuộc di chuyển khổng lồ chưa từng có trong lịch sử: 1500 xí nghiệp lớn (chủ yếu là những xí nghiệp quốc phòng) và 10 triệu dân gồm cụ già, phụ nữ và trẻ em đã được di chuyển về phía Đông. Việc di chuyển, khôi phục và phát triển ngành sản xuất công nghiệp trong những năm chiến tranh, về quy mô củng như ý nghĩa của nó đối với vận mệnh của Tổ quốc Xô viết, “cũng trọng đại ngang với các chiến dịch vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc”.

Mùa hè năm 1942, lợi dụng lúc chưa có Mặt trận thứ hai ở châu Âu, Hítle một lần nữa lại dốc toàn lực lượng tung vào mặt trận Xô - Đức. Nhận thấy khó có thể đánh chiếm Mátxcơva bằng một cuộc tấn công trực diện, Bộ chỉ huy Đức quyết định chuyển trọng tâm tiến công xuống phía nam, cụ thể là khu vực sông Vonga và Cápcadơ, nhằm đánh chiếm vùng dầu lửa và vựa lúa mì lớn nhất của Liên Xô, rồi sau đó sẽ đánh chiếm Mátxcơva từ phía sau.

Tháng 7-1942, Hítle mở cuộc tấn công lớn nhằm chiếm bằng được Xtalingrát (nay là Vongagrat).

Nhờ tập trung ưu thế hơn hẳn về lực lượng, đến giữa tháng 8-1942 quân phát xít Đức đã tiến đến khu vực lân cận thành phố Xtalingrát. Ngày 21-8, quân đội Liên Xô buộc phải chuyển từ tuyến phòng ngự bên ngoài Xtalingrát vào tuyến bên trong. Từ 13-9, cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong thành phố Xtalingrát lúc này trở thành cái“nút sống”của Liên Xô và quyết tâm của Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô là phải giữ cho được Xtalingrát bằng bất cứ giá nào. Với khẩu hiệu “không lùi một bước'', các chiến sĩ Xô viết bảo vệ Xtalingrát đã chiến đấu bền bỉ tới giọt máu cuối cùng để giữ vững từng vị trí, từng tấc đất của thành phố. Mỗi ngày đêm quân đội Liên Xô phải đánh lui khoảng từ 12-15 đợt tấn công ác liệt của kẻ thù. Nhưng cuối cùng, Xtalingrát không những vẫn hiên ngang đứng vững mà còn giáng trả liên tục, làm cho quân thù bị tổn thất nặng nề. Từ tháng 7 đến hết tháng 11, trong các trận chiến đấu ở sông Đông, sông Vonga và ở Xtalingrát, quân phát xít Đức bị thiệt hại hơn 60 vạn người, hơn 1000 xe tăng, hơn 2000 pháo cối, và gần 1400 máy bay. Tới lúc này, do bị tổn thất quá nặng nề, quân đội Đức không còn lực lượng dự bị để triển khai các cuộc tiến công nữa và đã lâm vào một tinh thế hết sức nguy khốn.

3. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Mĩ, Nhật tham chiến

Lợi dụng khi phát xít Đức tấn công Liên Xô và các nước tư bản châu Âu bị bại trận, Nhật Bản quyết định ''Nam tiến'', đánh vào khu vực ảnh hưởng của các nước Mĩ, Anh, Pháp. Ngày 7-12-1941, vào 7 giờ 55 phút giờ địa phương, các máy bay trên tầu sân bay Nhật cất cánh oanh tạc dữ dội các tầu chiến và sân bay Mĩ ở cảng Trân Châu. Tham gia trận tập kích này còn có 12 tầu ngầm Nhật. Cuộc tập kích bất ngờ và dữ dội của hạm đội Nhật đã gây cho hạm đội Mĩ những tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử hải quân Mĩ: trong số 8 tầu chủ lực, 5 chiếc bị đánh chìm tại chỗ, số còn lại bị trọng thương; hạm đội Mĩ còn bị thiệt hại 19 tầu chiến khác và 177 máy bay, hơn 3000 binh lính và sĩ quan Mĩ bị thiệt mạng.

Thiệt hại của Nhật rất nhỏ: 29 máy bay, l tầu ngầm và 5 tầu ngấm nhỏ. Tổng thống Mĩ Rudơven và các nhà lãnh đạo quân đội Mĩ coi cuộc tập kích cảng Trân Châu là một sự kiện nhục nhã nhất trong lịch sự quân đội Mĩ.

Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương cũng là ngày bất hạnh đối với hạm đội Anh. Ngày 8-12, ham đội Anh, gồm 2 tầu bọc sắt và 4 tầu ngư lôi, rời cảng Xingapo để lên đường tấn công các tầu vận tải của Nhật. Sáng ngày l0-12, máy bay Nhật đã tấn công và đánh chìm cả 2 tầu bọc sắt của Anh. Hạm đội Mĩ và hạm đội Anh đã bị đánh bại, từ đây hạm đội Nhật làm chủ Thái Bình Dương.

Ngày 8-12-1941, Mĩ và Anh tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 11-12, Mĩ tuyên chiến với Đức và Italia. Cùng ngày, Đức, Italia tuyên chiến với Mĩ.

Từ cuối năm 1941 đến tháng 5-1942 là giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản đã thắng lớn trong giai đoạn này. Anh - Mĩ bị đánh bật ra khỏi Thái Bình Dương, mất hết các thuộc địa Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Ngày 7-12-1941, quân Nhật từ Đông Dương kéo vào Thái Lan. Sau khi đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Mã Lai, quân Nhật từ phía bắc đánh tập hậu Xingapo. Mười vạn quân Anh ở Xingapo không hề chống cự và tháo chạy. Ngày 15-2-1942, Xingapo thất thủ.

Ngày 31-12-1941, quân Nhật bắt đầu tấn công Inđônêxia, thuộc địa của Hà Lan. Đến đầu tháng 3-1942, các đảo chủ yếu của Inđônêxia thuộc Hà Lan (Xumatra, Giava v.v…) đã rơi vào tay quân Nhật. Chiếm được Inđônêxia, quân Nhật đã mở được cánh cửa đi vào Ấn Độ Dương.

Hầu như đồng thời với cuộc đổ bộ lên Bắc Mã Lai, quân Nhật cũng đã tiến hành cuộc tấn công đánh chiếm quần đảo Philíppin. Ngày 7-12-1941, quân Nhật đổ bộ lên phía bắc đảo Luyxông. Cho tới khoảng đầu tháng 5-1942, quân Nhật chiếm được toàn bộ lãnh thổ Philippin.

Trong thời gian hơn 5 tháng sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, quân Nhật đã củng cố được trận địa của chúng ở Đông Dương và Thái Lan, chiếm Mã Lai và Xingapo, chiếm những đảo của Inđônêxia một phần Tân Ghinê, chiến Miến Điện, Philippin, Hồng Công, các quần đảo thuộc Nam Thái Bình Dương (Guam, Wake, Tân Britanya, Salômông), từ Miến Điện tiến lên tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhật Bản đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 3.800.000 km2 với 150 triệu dân (nếu tính cả phần đất Trung Quốc mà chúng đã chiếm được trước kia, thì đến mùa hè 1942 quân Nhật đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 7 triệu km2 với số dân khoảng 500 triệu).

Sau khi đánh chiếm được một vùng rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, những nhược điểm về quân sự của Nhật Bản cũng bắt đầu bộc lộ. Những hạn chế về số quân, tiếp tế hậu cần làm cho quân Nhật gặp rất nhiều khó khăn trong các vùng mới chiếm đóng. Trong khi đó, lưu lượng tinh nhuệ chủ yếu của quân đội Nhật lại phải án ngữ dọc biên giới Liên Xô - Trung Quốc để chuẩn bị cuộc chiến tranh phong Liên Xô trong tương lai, (ngày 13-4-1941) với thời hạn 5 năm, nhưng bọn quân phiệt Nhật chỉ chờ dịp để tấn công xâm lược Liên Xô. Vì vậy, trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, mùa hè năm 1942 các mũi tấn công của quân Nhật đã chững lại.

Tháng 5-1942, tại vùng biển San hô (Corail) giữa Ôxtrâylia và quần đảo Salômông, đã diễn ra trận đánh lớn giữa hải quân Mĩ và hải quân Nhật. Thiệt hại của hai bên là tương đương. Nhưng hạm đội Nhật đã bị đánh bại. Tiếp đó, tại vùng biển quần đảo Mituây (Midway), đầu tháng 6-1942, quân Nhật lại bị một thất bại mới trong cuộc đụng độ với hải quân Mĩ, Anh. Thiệt hại của Nhật trong trận này là mất 4 tầu sân bay, l tầu tuần tiễu và l số lớn máy bay. Trận Mituây chứng tỏ ưu thế thuộc về phía Mĩ – Anh. Tuy vậy, trong suốt 2 năm 1942 và 1943, phía Mĩ-Anh vẫn không tiến hành cuộc phân công thực sự để đánh bại lực lượng Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Các trận đánh chỉ diễn ra một cách rất hạn chế trên vùng biển và đất liền tại các quần đảo Salômông và Tân Ghinê. Ý đồ của các chính phủ Mĩ, Anh là né tránh chiến tranh lớn với Nhật Bản và chờ đợi một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản với Liên Xô.

4. Chiến sự ở Bắc Phi

Từ tháng 11-1940 đến tháng 9-1941, một trận giao chiến đã diễn ra ở Bắc Phi giữa quân Anh và quân của tướng Rômmen. Lúc đầu Đức chú trọng đến mặt trận Libi vì Đức muốn chiếm kênh Xuyê và cắt đứt những đường giao thông chính của Anh với các thuộc địa quân Đức đuổi quân Anh đến biên giới Ai Cập. Quân Anh bị thua liên tiếp.

Nhưng tình hình đã thay đổi sau thất bại của quân Đức trước Mátxcơva. Bấy giờ, mặt trận Xô - Đức thu hút tất cả lực lượng của Đức và buộc Đức ít chú ý đến các mặt trận khác. Mặt trân Libi trở nên thứ yếu.

Lúc này, đế quốc Mĩ lại coi việc chiếm Bắc Phi là mục tiêu quan trọng trước mắt (bởi Mĩ muốn chiếm những nguồn dầu hỏa ở Cận Đông và hất cẳng Anh, Pháp ở đây). Do vậy, F.Rudơven dự định đổ bộ lên Bắc Phi.

Trước ý đồ của Mĩ, Chính phủ Anh vội vàng quyết định mở cuộc tiến công ở Bắc Phi để giành lại các vị trí của mình trước khi quân Mĩ kéo đến. Tình hình càng thêm thuận lợi, bởi vì cuộc chiến đấu ác liệt ở mặt trận Xô - Đức đã cầm chân tất cả lực lượng của Đức ở đây. Đức còn buộc phải điều một phần quân ớ Bắc Phi sang mặt trận Liên Xô. Mùa thu 1942, quân đoàn thứ 8 của Anh ở Bắc Phi gồm 7 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn thiết giáp và 7 lữ đoàn chiến xa đã mở cuộc tiến công. Quân Đức có 4 sư đoàn khá yếu và 11 sư đoàn Italia.

Ngày 23-10, quân Anh tấn công bất ngờ ở vùng En Alamen (El Alamein). Quân Đức và ltalia phải rút lui nhanh chóng. Trong 14 ngày, quân Anh tiến được 850 cây số.

5. Mặt trận Đồng minh chống phát xít ra đời

Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, hầu hết các nước trên thế giới đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến, vận mệnh của tất cả các dân tộc sẽ do cuộc chiến tranh này định đoạt. Việc thành lập một liên minh quốc tế đã trở thành nguyện vọng và đòi hỏi bức thiết của tất cả các lực lượng tiến bộ, dân chủ và hòa bình trên thế giới.

Ngày 15-8, Tổng thống Mĩ và Thủ tướng Anh đã gửi một bức thông điệp chung cho Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, trong đó đề nghị tổ chức tại Mátxcơva một hội nghị để bàn về việc cung cấp cho nhau những nguyên liệu và vật tư chiến tranh. Chính phủ Liên Xô đã chấp nhận đề nghị đó. Hội nghị đã được tiến hành ở Mátxcơva từ ngày 29-9 đến ngày 1-10-1941. Văn kiện hội nghị được kí kết ngày 1-11-1941 quy định sự giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế trong những năm sắp tới giữa Liên Xô và Anh, Mĩ.

Cuối năm 1941, sự cần thiết hình thành chính thức một mặt trận đồng minh chống phát xít trên phạm vi thế giới càng trở nên bức thiết và những điều kiện để thành lập mặt trận đó đã đầy đủ. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong trận Mátxcơva đã nâng cao vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế và nhân dân thế giới đòi hỏi phải liên minh với Liên Xô. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, nước Mĩ đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến, vì không còn một dân tộc nào có thể đứng ngoài cuộc chiến tranh, trận tuyến chống phát xít trên thế giới đã rõ rang. Ngày 1-1-1942, tại Oasinhtơn đã kí kết bản“Tuyên bố Liên hợp quốc'' của 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mĩ và Anh. Bản Tuyên bố quy định:

- Các chính phủ cam kết dốc toàn bộ sức mạnh quân sự và kinh tế của đất nước vào cuộc chiến tranh chống bọn phát xít và tay sai của chúng.

- Mỗi chính phủ cam kết hợp tác với các chính phủ tham gia bản tuyên bố chung, không được kí hiệp định đình chiến hay hòa ước riêng với các nước thù địch.

- Bất cứ nước nào có đóng góp vào cuộc đấu tranh chiến thắng chủ nghĩa phát xít đều có thể tham gia bản tuyên bố trên''.

Bản tuyên bố chung của 26 nước ngày 1-1-1942 đã đánh dấu sự hình thành Mặt trận Đồng minh chống phát xít trên phạm vi toàn thế giới.

Để củng cố Mặt trận Đồng minh chống phát xít, tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba nước Liên Xô và Anh, Mĩ, tháng 5-1942, Chính phủ Liên Xô đã cử ngoại trưởng Môlôtốp sang Luân Đôn và Oasinhtơn để đàm phán với các nhà lãnh đạo hai nước Anh, Mĩ. Ngày 26-5-1942, tại Luân Đôn đã kí kết một hiệp ước giữa Anh và Liên Xô về việc liên minh chống nước Đức Hítle cùng bọn tay sai ở châu Âu, và việc tương trợ lẫn nhau sau chiến tranh. Ngày 11-7-1942, tại Oasinhtơn đã kí kết Hiệp ước Liên Xô - Mĩ về những nguyên tắc tương trợ trong quá trình chiến tranh chống xâm lược.

Như vậy, nhờ cố gắng của Liên Xô, Mặt trận Đồng minh chống phát xít toàn thế giới, mà nòng cốt là liên minh Liên Xô - Mĩ - Anh, cuối cùng đã được thành lập. Sự tồn tại của Mặt trận Đồng minh đã có một ý nghĩa tích cực, to lớn trong việc đoàn kết và hợp đồng chiến đấu giữa các lực lượng chống phát xít trên toàn thế giới để chiến thắng kẻ thù.

III. Giai đoạn thứ ba (19-11-1942 đến 24-12-1943): Chiến thắng Xtalingrát và bước chuyển biến căn bản trong tiến trình Chiến tranh thế giới thứ hai

1. Trận phản công Xtalingrát

Quân đội Liên Xô vừa tiến hành phòng ngự nhằm tiêu hao địch, vừa xây dựng những đơn vị mới để phản công, tiêu diệt hoàn toàn quân Đức ở mặt trận Xtalingrát. Sau một thời gian khẩn trương hoàn thành mọi mặt chuẩn bị, ngày 19-11-1942, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công ở Xtalingrát.

Mở đầu, pháo binh Liên Xô tấn công bằng những đòn sấm sét xuống đầu quân thù. Từ các bàn đạp ở hữu ngạn sông Đông (khu vực Xiraphimôvich và Clétxcaia) và từ khu vực Ivanốpca đến bắc hồ Bacmanxắc, sau 3 ngày tấn công như vũ bão, Hồng quân từ 2 phía đã nhanh chóng chọc thủng trận địa quân địch và hợp điểm ở dải đất Calat ngày 23-11, hoàn thànhxuất sắc việc khép chặt vòng vây lực lương cơ bản của địch ởXtalingrát. Đối với phát xít Đức, nếu đạo quân lớn của chúng bị tiêu diệt ở Xtalingrátthì có nguy cơ chuyển thành tai họa lớn về chiến lược, cho nên Hítle vội vã điều quân từ các khu vực khác và một phần từ Pháp sang để thành lập đạo quân mới ''Sông Đông'' do Thống chế Manxtainơ chỉ huy. Đạo quân “Sông Đông” có nhiệm vụ giải tỏa cho đạo quân Paolút đang bị vây hãm ở Xtalingrát. Từ cuối tháng l1 đến hết tháng 12-1942, tại mặt trận Xtalingrát đã diễn ra cuộc đọ sức hết sức gay go, khốc liệt giữa hai phía - phía “liều mạng” bằng mọi cố gắng để giải vây cho đồng bọn, và phía Hồng quân tập trung sự nỗ lực vào đánh tan đạo quân của Manxtainơ và thít chặt thêm vòng vây ở Xtalingrát. Theo lệnh của Bộ chỉ huy tối cao, ngày l0-l-1943, Hồng quân nổ súng mở đầu cuộc tiến công tiêu diệt đạo quân phát xít bị bao vây ở Xtalingrát. Sau những đòn tấn công sấm sét của Hồng quân; mặc dù cố gắng chống cự ngoan cố, ngày 2-2-1943, đạo quân Đức tinh nhuệ bậc nhất gồm 330. 000 tên hoàn toàn bị tiêu diệt, trong đó 2/3 bị chết, 1/3 bị cầm tù cùng với tên Thống chế tổng tư lệnh Phôn Paolút và 24 viên tướng. Tính từ ngày 19-11-1942 đến 2-2-1943, trên mạt trận sông Đông - sông Voga và Xtalingrát, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 32 sư đoàn và 3 lữ đoàn quân Đức, tiêu hao nặng 16 sư đoàn (bị mất từ 50% đến 75% quân số), tổng cộng gần l,5 triệu người, 3500 xe tăng và pháo tự hành, 12000đại bác và cối, gần 3000 máy bay v.v… Sự tổn thất nặng nề này đã gây nên những hậu quả tai hại đến tình hình chiến lược chung và làm rung chuyển tận gốc bộ máy chiến tranh của phát xít Hitle.

Trận Xtalingrát đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự cũng như về ý nghĩa xoay chuyển toàn cục của nó. Chiến thắng Xtalingrát mở đầu bước ngoặt căn bàn của cuộc chiến tranh chống phát xít - từ đó, quân đội phát xít không thể nào phục hồi như cũ nữa, buộc phải chuyển từ tấn công sang phòng ngự.

Sau chiến thắng Xtalingrát, quân đội Xô viết tiếp tục tiến công lên một mặt trận rộng lớn từ Lêningrát đến biển Adốp, giải phóng Cuốcxcơ, Bengrốt, Khacốp, Vôrôxilốpgrát, giải vây Lêningrát. Trong 4 tháng 20 ngày với những điều kiện khó khăn của mùa đông, quân đội Xô viết đã tiến về phía tây 600 kilômét, và ở một số khu vực tới 700 kilômét, đánh đuổi kẻ thù ra khỏi những vùng có tầm quan trọng lớn về kinh tế và chiến lược.

2. Hoạt động của Anh, Mĩ ở Bắc Phi

Giới cầm quyền Mĩ dư định kế hoạch đổ bộ lên Bắc Phi để chiếm đoạt các thuộc địa ở đây và mở đường đi tới các nguồn dầu lửa ở Cận Đông.

Lợi dụng lúc quân Đức đang bị sa lầy ở Xtalingrát và bị thua ở En Alamen, liên quân Mĩ - Anh đã đổ bộ lên Bắc Phi ngày 8-11-1942. Phơrăngcô (phát xít Tây Ban Nha) đã báo trước cho Đức biết về cuộc đổ bộ này, nhưng Đức không làm gì được bởi vì lúc ấy trận Xtalingrát đang ở độ gay go nhất.

Quân Đồng minh gồm ba đạo quân dưới quyền tổng chỉ huy của Aixenhao (Eisenhower). Một đạo quân Mĩ từ Hoa Kì sang đổ bộ lên bờ biền Marốc thuộc Pháp. Hai đạo quân khác (gồm các đơn vị Anh và Mĩ) từ Anh sang đổ bộ gần Ôrăng và gần Angiê. Đáclăng (Darlan), tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Phi của Chính phủ Pêtanh, đã kí kết với Aixenhao ngừng mọi cuộc kháng cự. Điều đó đã giúp cho liên quân Mĩ - Anh xâm chiến nhanh chóng Angiêri; Marốc và một phần Tuynidi.

Quân Đức ở trong tình thế tuyệt vọng, bị kẹp giữa hai gọng kìm: phía đông, quân Anh từ Ai Cập đánh sang, tiến rất nhanh sau trận thắng ở En Alamen; phía tây, liên quân Mĩ - Anh đổ bộ, đã chiếm được Marốc, Angiêri. Quân đội của Rommen phải lui về Tuynidi.

Mãi đến ngày 20-3-1943, sau khi quân đội Xô viết đã chiến thắng oanh liệt ở Xtalingrát, quân Mĩ và Anh mới mở lại cuộc tấn công ở Bắc Phi.

Quân Đức bị đại bại ở mặt trận Liên Xô không đủ sức chống đỡ nữa, bị quân Mĩ – Anh dồn lên khu vực Đông Bắc Tuynidi và phải hạ khí giới (ngày 12-5-1943). Chiến sự ở Bắc Phi chấm dứt.

3. Chủ nghĩa phát xít Italia sụp đổ

Sau khi quân đội phát xít bị thất bại ở Xtalingrát, sự khủng hoảng trong khối phát xít đã bắt đầu.

Công nghiệp và vận tải của Đức lâm vào tình trạng khó khăn đến cùng cực; nguyên liệu, nhiên liêu và nhân lực thiếu thốn. Tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Hàng thường dùng hầu như không có, phải dùng nhiều loại “thế phẩm” bằng các chất hóa học để thay thế.

Tình hình ở Italia lại càng khó khăn hơn: 10 sư đoàn tinh nhuệ của Italia đã bị đè bẹp ở mặt trận Liên Xô, với khoảng 20 vạn quân bị tiêu diệt. Italia mất hết các thuộc địa Hạm đội Địa Trung Hải của Italia đã bị thiệt hại nặng.

Cuộc tấn công mùa hè 1943 của quân đội Liên Xô đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ở Italia. Đảng Cộng sản Italia đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào chống phát xít mạnh mẽ. Những cuộc bãi công lớn do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã nổ ra từ mùa xuân 1943, làm rung động nước Italia.

Trước tình hình đó, ngày 10-7-1943 (sau hai tháng chuẩn bị), quân Đồng minh mới từ Bắc Phi tấn công lên đất ltalia. Aixenhao, Tổng tư lệnh lục quân đồng minh, cho quân đổ bộ lên đảo Xixilia và chiếm Xyracuđơ dễ dàng. Tinh thần quân Italia rất bạc nhược, chỉ còn quân Đức rút được phần lớn lực lương về nam Italia, nhưng mất Xixilia là một thất bại lớn của phe quốc xã.

Chính quyền phát xít Italia tan rã. Ngày 25-7, vua Víchto Emmanuel (Victor Emmanuel) tống giam Mútxôlini đưa thống chế Bađôgơliô thuộc phái chủ hòa lập nội các mới. Ngày 3-9, Bađôgơliô kí hiệp định đình chiến với Đồng minh ở Xixilia. Phát xít Italia sụp đổ, đeo thêm một gánh nặng mới cho Hítle.

Trái với dự tính của Mĩ, Anh, quân Đức đã đối phó kịch liệt. Ngày 12-9, Mútxôlini được phát xít Đức cứu thoát để tổ chức lại lực lượng, và lập lại chính phủ phát xít ở miền Bắc Italia, gọi là nền ''cộng hòa Xa lô'' (Salo, thực ra chỉ là tên đầy tớ ngoan ngoãn của Hítle). Hơn 30 sư đoàn Đức được điều sang Italia. Quân Đức dựa vào địa thế hiểm trở chống cự kéo dài hơn 2 năm, mãi tới năm 1945 mới chịu khuất phục hẳn.

4. Hội nghị cấp cao Têhêran

Tháng 10 -1943, Hội nghị các ngoại trưởng Liên Xô, Mĩ, Anh đã họp ở Mátxcơva, thông qua nhiều quyết định quan trọng về việc tổ chức thế giới sau chiến tranh. Hội nghị đã ra những tuyên bố về nước Italia, nước Áo, về vấn đề tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và về sự hợp tác giữa các nước Đồng minh sau chiến tranh. Hội nghị Mátxcơva cũng chuẩn bị điều kiện cho cuộc gặp gỡ của những người đứng đầu ba nước lớn ở Têhêran.

Ngày 23-11-1943, Hội nghị Têhêran giữa những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh khai mạc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Xtalin, Rudơven và Sớcsin. Trong hội nghị này, Sớcsin lại định đưa ra ýđồ đổ bộ lên châu Âu qua Bancăng nhưng bị Liên Xô và cả Mĩ bác bỏ. Do đấu tranh của Liên Xô, vấn đề Mặt trân thứ hai ở châu Âu đã được giải quyết tốt. Những người đứng đầu ba cường quốc đã đi tới chỗ thỏa thuận về phạm vi và thời hạn của các chiến dịch đánh từ các phía: đông, tây và nam lại. Quân đội Anh và Mĩ phải đổ bộ lên châu Âu qua miền Bắc và Nam nước Pháp trước ngày 1-5-1944.

Hội nghị Têhêran đã bàn đến vấn đề tương lai của nước Đức. Đai biểu Mĩ - Anh đề nghị phân chia nước Đức. Liên Xô đã giữ lập trường của mình là đòi phải tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Đức.

Hội nghị Têhêran cũng thông qua bản tuyên bố về Iran, xác nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran. Đồng thời hội nghị đã thảo luận những vấn đề về Ba Lan, xác nhận biên giới phía đông và phía tây của Ba Lan.

Những quyết định của Hội nghị Têhêran đã có ý nghĩa quốc tế to lớn. Hi vọng của bọn phát xít về việc chia rẽ liên minh chống phát xít đã không được thực hiện. Âm mưu của chúng định kí hòa ước riêng rẽ với Mĩ, Anh để tránh khỏi phải đầu hàng đã bị thất bại.

IV. Giai đoạn thứ tư (24-12-1943 đến 9-5-1945): Những thắng lợi quyết định của phe đồng minh chống phát xít – chủ nghĩa phát xít Hítle bị tiêu diệt.

l. Mặt trận Xô - Đức

Như thế, từ 19-11-1942, thời điểm quân đội Liên Xô bắt đầu chuyển sang chiến lược phản công (phản công cục bộ, kế tiếp nhau trên các khu vực quan trọng nhất), gần 2/3 lãnh thổ Xô viết bị chiếm đã được giải phóng, quân Đức bị tiêu diệt 1 triệu 80 vạn người. Bước sang năm 1944, các lực lượng vũ trang Xô viết đã vượt quân Đức l,3 lần về quân số, 1,7 lần về máy bay (quân Đức và quân các nước chư hầu có ở mặt trận Xô - Đức gần 5 triệu quân, 54.500 pháo và cối, 54.000 xe tăng và hơn 3.000 máy bay) và ưu thế về số lượng đó lại được tăng thêm về mặt chất lượng vũ khí, đặc biệt quan trọng là tinh thần chiến đấu của quân đội, nghệ thuật chỉ huy chiến dịch, chiến thuật và chiến lược ngày càng cao của các cấp chỉ huy. Tỉnh hình này cho phép Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô có thể triển khai cuộc tổng tấn công đồng loạt trên khắp các mặt trận từ Lêningrát đến tận Crưm, mở đầu từ ngày 24-12-1943.

Ở mặt trận phía bắc,tháng 1 và 2-1944, Hồng quân mở cuộc tấn công lớn vào Lêningrát và Nôpgôrốt, giải phóng Lêningrát và tiến tới sát biên giới Extônia. Tiếp theo, hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban Tích, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới Xô - Phần và buộc Phần Lan phải kí hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19-9-1944.

Ởmặt trận Ucraina,trong năm 1944, Hồng quân đã mở l0 trận tấn công có tính chất tiêu diệt vào quân đội phát xít. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra hết sức ác liệt vì phần lớn lực lượng quân Đức tập trung ở vùng này (96 sư đoàn với 70% tổng số các sư đoàn xe tăng và các sư đoàn cơ giới của phát xít Đức ở mặt trận Liên Xô). Kết quả, Hồng quân đã đánh tan 66 sư đoàn địch và giải phóng hoàn toàn Ucraina.

Từ tháng 3 đến tháng 5-1944, quân đội Xô viết giải phóng Ôđétxa và Crưm.

Một trong những trận đánh lớn nhất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là chiến dịch giải phóng Bêlarut (mang mật danh kế hoạch ''Bagiatiôn''), mở ngày 23-6-1944. Trong chiến dịch này, đạo quân “Trung tâm” của phát xít Đức bị đánh tan tác và mất hơn 30 sư đoàn. Bêlalut được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Rumani, Bungari, Nam Tư, Anbani và một phần đáng kế lãnh thổ Tiệp Khắc, Hunggari và Áo.

2. Mĩ - Anh mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu

Mĩ - Anh cứ khất lần mãi việc mở Mặt trận thứ hai. Cho đến khi chiến tranh bước vào giai đoạn cuối cùng, lúc ấy Mĩ - Anh mới vội vàng mở Mặt trận thứ hai, đổ bộ lên Bắc Pháp. Đó là ngày 6-6-1944.

Ở Tây Âu, Đức chỉ đề có 60 sư đoàn, và ở Noócmăngđi (là vùng quân Đồng minh đổ bộ), Đức chỉ có 9 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp do thống chế Rommen chỉ huy. Quân đội Đức ở Tây Âu phần nhiều là binh lính già yếu và trang bị kém. Ở khu vực đổ bộ, lúc đầu Đức chỉ có 300 máy bay, sau tăng lên 600.

Về phía Mĩ và Anh cho đến lúc này vẫn chưa tham gia chiến tranh một cách nghiêm túc, do vậy, họ đã chuẩn bị được những lực lượng lớn: 36 sư đoàn dành cho việc đổ bộ ở Bắc Pháp (chưa kể l0 sư đoàn đổ bộ ở Nam Pháp và 40 sư đoàn dự trữ). Tham gia vào việc đổ bộ có những hạm đội chiến tranh và những tầu buôn của Anh, Mĩ, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Pháp và Hi Lạp, tổng cộng là 6.483 tầu và một lực lượng không quân rất lớn - gồm 13.068 máy bay các loại.

Cuộc đổ bộ được bắt đầu vào 1 giờ 30 sáng ngày 6-6. Tại khu vực đổ bộ dài 80 cây số chỉ có hai sư đoàn Đức thuộc quân đoàn thứ 7. Để đảm bảo sự bất ngờ, người ta chọn một khu vực mà quân Đức không ngờ tới, từ sông Viarơ đến sông Oócnơ.

Mặc dầu có những điều kiện thuận lợi đó, quán Mĩ và Anh vãn tiến rất chậm, trung bình mỗi ngày 4 cây số. Không quân của Mĩ, Anh oanh tạc rất dữ dội (số bom được thả trong nửa năm 1944 nhiều hơn cả số bom ném từ đầu chiến tranh đến bấy giờ).

Đức cũng tăng cường oanh tạc vào lãnh thổ Anh. Từ ngày 13-6-1944, Đức bắt đầu sử dụng các loại máy bay U1 và V2, nên đã gây cho Anh nhiều thiệt hại.

Phong trào khởi nghĩa vũ trang của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo nổi lên trên khắp nước Pháp, giải phóng nhiều vùng rộng lớn trước khi quân Đồng minh tới. Vào giữa tháng 8, công nhân Pari bãi công, sau đó chuyển thành khởi nghĩa, giải phóng thủ đô Pari ngày 19-8. Pêtanh, Lavan và các bộ trưởng khác của chính phủ Visi bỏ trốn sang Đức. Nhân dân Pari đã làm chủ được thành phố. Sau đó ngày 25-8, quân đội Đồng minh mới tiến vào Pari, đi đầu là quân của tướng Lơcơléc. Chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa Pháp, do Đờ Gôn đứng đầu, được thành lập ở Pari.

Nước Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít Đức. Tiếp theo sau, quân Mĩ, Anh tiếp tục giải phóng nhiều nước Tây Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Lucxembua, Italia và tiến vào miền Trung nước Đức, gặp Hồng quân Liên Xô ở bên bờ sông Enbơ.

Việc quân đội Mĩ - Anh mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu tuy muộn nhưng kể từ ngày bắt đầu chiến tranh, nước Đức mới bị ép ở giữa hai mặt trận Đông - Tây.

3. Hội nghị tam cường Ianta và Pốtxdam

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn cuối, hội nghị những người đứng đầu ba cường quốc trong mặt trặn Đồng minh chống phát xít là Liên Xô, Mĩ, Anh họp tại Ianta (Crưm) từ ngày 4 đến 12-2-1945. Tại hội nghị, những vị đứng đầu 3 cường quốc đã thỏa thuận về kế hoạch quân sự chung nhằm đánh bại phát xít Đức, buộc Đức phải đầu hàng vô điều kiện; về mục đích tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức, xây dựng những bảo đảm thật sự để cho nước Đức sẽ không bao giờ có khả năng phá hoại hòa bình; về việc phân chia khu vực chiếm đóng của quân đội Đồng minh ở Đức sau ngày Đức đầu hàng; về chính sách thống nhất những quy chế sau chiến tranh của nước Đức và về những nguyên tắc buộc Đức phải bồi thường chiến tranh. Hội nghị đã quyết định thành lập một tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc) để duy trì hòa bình và an ninh thế giới dựa trên nền tảng sự nhất trí giữa 5 cường quốc: Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Hội nghị đã thỏa thuận rằng từ 2 đến 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật với điều kiện giữ nguyên trạng nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ và khôi phục lại những quyền lợi của nước Nga bị mất trong chiến tranh Nga – Nhật (1904). Hội nghị đã ra ''tuyên bố về châu Âu giải phóng'', trong đó nêu rõ sự thỏa thuận về chính sách và những hành động chung nhằm giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế của châu Âu giải phóng, phù hợp với những nguyên tắc dân chủ.

Sau khi phát xít Đức đầu hàng không điều kiện, hội nghị những người đứng đầu ba nước lớn Liên Xô, Mĩ, Anh họp ở Pốtxđam (Đức) từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội đồng ngoại trưởng (gồm đại biểu Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc), có nhiệm vụ chuẩn bị những hòa ước sẽ kí với Đức và các nước đồng minh của Đức.

Hội nghị quy định các nước Đồng minh cần phải thực hiện một chính sách chung trong khu vực mình chiếm đóng, nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc chũ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức, giải giáp nước Đức và biến nước Đức thành một nước dân chủ, hòa bình, thống nhất. Hội nghị quyết định phải thủ tiêu tất cả những tổ chức quân sự, nửa quân sự và phát xít ở Đức, những dự trữ quân sự cũng như mọi ngành công nghiệp có thể sản xuất ra vũ khi. Các nước Đồng minh sẽ kiểm soát các ngành sản xuất kim khí, máy móc, hóa chất và chỉ để phát triển những ngành kinh tế hòa bình, phục vụ nhu cầu của nhân dân Đức. Để giải quyết những vấn đề chung cho toàn nước Đức, một ''Hội đồng giám sát'' được thành lập bao gồm các tổng chỉ huy quân đội bốn khu vực chiếm đóng. Hội nghị quyết định xóa bỏ các tập đoàn tư bản lũng đoạn Đức là lực lượng chủ đạo của chủ nghĩa quân phiệt Đức, bắt Đức phải bồi thường chiến tranh, đền bù thiệt hại cho các nước bị Đức xâm lược (Liên Xô bị tổn thất nhiều nhất, được nhận gần 50% tổng số bồi thường - khoảng 10 tỉ đô la).

4. Trận công phá Béclin

Ngày 16-4-1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béclin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hítle.

Trên đường vào Béclin, phát xít Đức đã bố trí hơn 90 sư đoàn (trong đó có 14 sư đoàn xe tăng và cơ giới) với quán số trên 1 triệu người, 10.000 pháo và cối: 1500xe tăng và pháo tự hành, 3 000 máy bay chiến đấu và trong thành phố Béclin: chúng đã lập được đội dân quân phòng vệ 20 vạn người. Để tiến hành chiến dịch đánh chiếm Béclin, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã huy động lực lượng của 2 phương diện quân (PDQ Bêlarut-1 và PDQ Ucraina-1) với 68 sư đoàn bộ binh, 3155 xe tăng và pháo tự hành, khoảng 2200 đại bác và súng cối và đã phải tiến hành công tác chuẩn bị chiến dịch trên một quy mô to lớn và mức độ căng thẳng chưa từng thấy.

5 giờ sáng 16-4-1945, sau 30 phút cho pháo bắn cực mạnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa phòng ngự của quân Đức, 140 đèn chiếu đặt mỗi cái cách nhau 200 mét đồng loạt bật sáng lên với hơn 100 tỉ nến chiếu sáng làm lóa mắt quân địch, bộ binh và xe tăng Hồng quân tiến lên vượt qua trận địa phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Quân Đức buộc phải lùi về cố thủ các điểm cao Dêêlốp, bức tường thành án ngữ con đường tiến vào Béclin. Cuộc chiến đấu tại những điểm cao Dêêlốp đã diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Đến sáng 18-4, Hồng quân mới chiếm được vị trí quan trọng này. Ngày 19-4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béclin. Ngày 21-4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béclin. Nhưng càng tiến vào các khu vực ở giữa thành phố cuộc kháng cự của quân phát xít càng ngoan cố, quyết liệt, chúng dựa vào các ngôi nhà nhiều tầng, những đường ngầm thông giữa các khu phố để ngăn cản bước tiến của Hồng quân. Trước nguy cơ Béclin sắp thất thủ, Hítle tung ra khẩu hiểu đầy kích động: ''Trao Béclin cho quân Mĩ và Anh tốt hơn là để nó lọt vào tay quân Nga!'' và ''Các sĩ quan Đức phải dốc mọi cố gắng làm cho quân Nga không chiếm nổi Béclin. Nếu như phải đầu hàng thì chỉ đầu hàng quân Mĩ. Như con thú dữ, đến lúc sắp chết, bọn phát xít Hítle vẫn lồng lộn, điên cuồng kháng cự, chúng tụ lại, bám từng ngôi nhà, từng tầng gác, mái nhà.

Nhưng vòng vây của Hôgng quân mỗi ngày càng khép chặt lại. Mỗi đợt tấn công của bộ binh và xe tăng quân đội Xô viết đều được pháo binh và không quân yểm hộ bằng những đòn tập kích hỏa lực mạnh như vũ bão. Mười một nghìn khẩu pháo các cỡ cứ theo thời gian nhất định lại đồng loạt nã đạn vào trận địa quân địch. Tính từ 21-4 đến hết ngày 2-5-1945, (thời gian chiến đấu trong thành phố) pháo binh Xô viết đã bắn vào Béclin l.800.000 phát đại bác, trong đó có những loại pháo hạng nặng chuyên dùng cho các pháo đài được chở đến bằng đường sắt để bắn vào trung tâm Béclin (mỗi viên đạn có trọng lượng nửa tấn). Hệ thống phòng ngự Béclin đã tan thành bụi khói. Chiều 30-4-1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh luỹ cuối cùng của bọn phát xít Hítle. Trận đánh chiếm nhà Quốc hội là một trận đẫm máu. Chiều 30-4, trong thế cùng Hítle và Gơben đã tự sát. 15 giờ ngày 30-4, cờ đỏ đã cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội. Ngày 2-5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béclin. Quân phát xít Hítle còn lại hơn 7 vạn người (không kể số bị thương) đã đầu hàng không điều kiện.

Tiêu diệt một đạo quân địch đông gần 1 triệu người và đánh chiếm thủ đô của nước Đức phát xít mà chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 16 ngày đêm, trận Béclin đã đi vào lịch sử như một trong những chiến công oanh liệt nhất, một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội Xô viết trong cuộc chiến tranh chống phát xít, giải phóng nhân loại. Tại trận đánh lịch sử này, quân đội Xô viết đã phải gánh chịu những tồn thất to lớn: gần 300.000 chiến sĩ Xô viết đã hi sinh hoặc bị thương, bị mất tích.

Ngày 9-5-1945, lễ kí kết văn kiện đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức đã được tiến hành trọng thể tại Béclin. Trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức-Câyten đã kí vào văn bản đầu hàng không điều kiện.

Cuộc chiến tranh khốc liệt ở châu Âu đã kết thúc, phát xít Đức và phe lũ bị tiêu diệt hoàn toàn.

V. Giai đoạn thứ năm (9-5-1945 đến 14-8-1945): Nhật Bản đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

l. Cuộc phản công của quân Mĩ - Anh ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương

Ở chiến trường châu Á – Thái Bình Dương, sau trận thắng ở Guađancanan (từ tháng 8-1942 đến tháng 1-1943), Mĩ chuyển sang phản công trên toàn chiến trường. Mở đầu là việc tái chiếm quần đảo Salômông bằng chiến thuật “nhảy cóc” (từ tháng 1 đến tháng 11-1943). Ở khu vực chung Thái Bình Dương, quân Mĩ lần lượt chiếm các đảo Ginbe (11-1943) và Mácsan (2-1944). Dùng chiến thuật “nhảy cừu”, quân Mĩ đánh vào đảo Saipan để chiếm quần đảo Marian tháng 6-944, hải quân Nhật bị thiệt hại mất 3 tàu sân bay và hơn 400 máy bay. Ở Tây Nam Thái Bình Dương, quân Mĩ đánh chiếm lại Tân Ghinê (từ tháng 9-1943 đến tháng 7-1944). Chiến cuộc giành lại Philippin được bắt đầu bằng cuộc đổ bộ vào đảo Lâycơ, diệt 7 vạn quân Nhật (tháng 10-tháng 12-1944). Chủ lực hải quân Nhật bị tiêu diệt nặng nề trong trận hải chiến ở vùng biển Philippin: mất 4 tầu sân bay, 4 thiết giáp hạm, 14 tầu tuần tiễu, 32 tầu phóng ngư lôi và 11 tầu ngầm; về phía Mĩ, mất 4 tầu sân bay, 6 tầu chống ngư lôi, 3 tầu phóng ngư lôi, 1 tầu vận tải và 7 tầu ngầm. Đây là trận hải chiến lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai và qua trận này lực lượng hải quân Nhật hầu như bị kiệt quệ. Cuộc chiến đấu ở Philippin kéo dài tới 4-1945, Mĩ mới thu được thắng lợi, diệt 20 vạn quân Nhật.

Tại Đông Nam Á, đầu năm 1943, nhằm phối hợp với cuộc tấn công của Mĩ ở Thái Bình Dương, liên quân Anh - Ấn và liên quân Mĩ - Hoa đã tiến vào Miến Điện, còn quân Nhật tràn qua biên giới Ấn Độ. Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Ấn Độ từ tháng 3 đến tháng 7-1944 đã bị đánh bại, một nửa trong số 15 vạn quân tham chiến bị tiêu diệt. Quân Đồng minh tiếp tục tấn công ở Miến Điện, đến ngày 2-5-1945 giải phóng được thủ đô Rangun và 3 tháng sau, quét sạch quân Nhật khỏi nước này (diệt 20 vạn quân Nhật).

Những trận đánh cuối cùng của Mĩ ở Thái Bình Dương là đánh chiếm đảo Ivôgima (tháng 2 đến tháng 3-1945) và đảo Ôkinaoa (25-3-1945) nằm ở cửa ngõ đi vào Nhật Bản. Đảo Ôkinaoa là một pháo đài rất kiên cố, án ngữ cửa ngõ đi vào đất Nhật (cách đất Nhật 600km), có quan hệ “sinh tử’ đến vận mệnh đế quốc Nhật nên quân Nhật chống cự rất kịch liệt. Ở đây quân Nhật chỉ có 8 vạn người. Mĩ đã phải huy động 45 vạn quân, 1317 tầu chiến, 1727 máy bay. Qua 3 tháng chiến đấu ác liệt, ngày 21-6-1945, quân Mĩmới chiếm được Ôkinaoa, nhưng phải chịu thiệt hại nặng nề (riêng máy bay đã mất hơn 1000 chiếc).

Ngoài ra, từ mùa thu 1944, máy bay Mĩ đã tiến hành ném bom ác liệt ở 70 thành phố Nhật, như Ôsaka, Nagôya, Yôkôhama … và nhất là thủ đô Tôkiô bị tàn phá nặng nề (riêng cuộc ném bom napan đêm 9-3-1945 đã giết chết hàng vạn người).

2. Liên Xô tham chiến. Nhật Bản đầu hàng không điều kiện

Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, do đã kí với Nhật ''Hiệp ước trung lập'' (13-4-1941), Liên Xô đã đứng ngoài cuộc chiến. Tại Hội nghị Ianta, theo đề nghị của Mĩ, Anh, Liên Xô đã chấp thuận tham gia chiến tranh chống Nhật 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô, với lực lượng 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5500 xe tăng, 3900 máy bay, 2600 phân và ham đội Thái Bình Dương, đã mở cuộc tấn công như vũ bão vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản (gồm 70 vạn quân chủ lực Nhật và hơn 30 vạn quân ngụy của “Mãn Châu Quốc”, Nội Mông, Tuy Viễn…) đóng trải ra trên một trận tuyến kéo dài hơn 4500 km từ Bắc Triều Tiên, Đông – Bắc Trung Quốc tới Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin với việc giao thông, vận chuyển hết sức khó khăn.

Trước khi Liên Xô tiến quân đánh Nhật, ngày 6-8, Mĩ thả bom nguyên tử xuống Hirôsima và ngày 9-8, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagadaki, hủy diệt 2 thành phố này và làm chết hàng chục vạn thường dân vô tội (theo thống kê của Nhật Bản, số người chết ở Hirôsima là 247.000 người và Nagadaki - 200.000 người, chưa kể những người bị nhiễm xạ chết sau này).

3 giờ sáng ngày 10-8, Chính phủ Nhật gửi cho Mĩ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng theo Tuyên cáo Pốtxđam (công bố ngày 26-7-1945, kêu gọi Nhật Bản đầu hàng nhưng Nhật khước từ). Liên Xô, Mĩ, Anh, Trung Quốc đã buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh. Tuy thế, Bộ tư lệnh đạo quân Quan Đông không chịu đầu hàng, vẫn tiếp tục chống cự quyết liệt với quân đội Liên Xô. Ngày 18-8, Hồng quân mới đổ bộ lên được quần đảo Curin và ngày 20-8, đánh chiếm các thành phố lớn ở Đông Bắc Trung Quốc (Cáp Nhĩ Tân, Cát Lâm, Trường Xuân); ngày 23-8, chiếm Đại Liên và Lữ Thuận. Ngày 19-8, viên tư lệnh đạo quân Quan Đông chấp nhận đầu hàng. Nhưng ở một số nơi, quân đội Liên Xô vẫn phải tiếp tục chiến đấu khoảng 2 tuần lễ nữa mới đánh bại hoàn toàn quân địch (giết 8 vạn quân, bắt 60 vạn tù binh Nhật, trong đó có Tư lệnh đạo quân Quan Đông và 148 tướng lĩnh khác).

Có thể nói rằng việc đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật là kết quả của cả một quá trình chiến đấu nhiều năm của các nước Đồng minh và nhân dân các nước bị Nhật thống trị, còn việc buộc Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện ngày 14-8-1945 là do những nhân tố sau đây:

Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít Đức và ltalia ở châu Âu đã làm cho Nhật mất đi một chỗ dựa và đặt Nhật vào thế tuyệt vọng.

Sự thất bại trên các đảo Thái Bình Dương, ở Đông Nam Á; sự thiệt hại nặng nề về hải quân, không quân trong những trận hải chiến với Mĩ; việc oanh tạc liên tiếp, dữ dội của không quân Mĩ kéo dài nhiều tháng xuống 70 thành phố lớn của Nhật (kể cả thủ đô Tôkiô); việc Mĩ chiếm được đảo Ôkinaoa, cửa ngõ đi vào Nhật Bản; 2 quả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hirôsima và Nagadaki, dù là một tội ác man rợ nhưng cũng đã gay ra tâm lí hoảng sợ và làm suy sụp tinh thần của giới cầm quyền Nhật Bản.

Việc Liên Xô tham chiến ở Viễn Đông và xuất kích với một lực lượng rất hùng hậu đã đặt Nhật Bản vào một thế thất bại hoàn toàn không tránh khỏi được.

Ở Trung Quốc, quân giải phóng nhân dân đã chuyển sang tổng phản công và ở nhiều nước Đông Nam Á khác, phong trào chống Nhật đang lên sôi sục (Việt Nam, Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện).

- Sức ép của nhân dân Nhật Bản và áp lực của phái “chủ hàng” trong nội bộ giới cầm quyền Nhật.

3. Kết cục của Chiến tranh thế giới thứ hai

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người (bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại).

Tội phạm gây nên cuộc chiến tranh đẫm máu và đau thương là bọn phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, nhưng chúng có thể gây ra chiến tranh được là vì có những thế lực “dung dưỡng”, “thỏa hiệp” với chúng.

Bảng so sánh hai cuộc chiến tranh thế giới:

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Chiến tranh thế giới thứ hai

- Những nước tuyên bố tình trạng chiến tranh

36

76

- Số người bị động viên vào quân đội (triệu người)

74

110

- Số người chết (triệu người)

13,6

60

- Số người bị thương và tàn tật (triệu người)

20

90

- Chi phí quân sự trực tiếp (tỉ đô la)

208

1384

- Thiệt hại về vật chất (tỉ đô la)

388

4000

 

Số người chết ở 10 nước tham chiến chủ yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai (cả quân nhân và thường dân)

Nước

Tổng số người chết

Tỉ lệ % so với dân số năm 1939

Liên Xô

27.000.000

16,2%

Trung Hoa

13500.000

2,2%

Đức

5.600.000

7%

Ba Lan

5.000.000

14%

Nhật Bản

2.200.000

3%

Nam Tư

1.500.000

10%

Pháp

630.000

1,5%

Italia

480.000

1,2%

Anh

382.000

1%

300.000

0,3%

“Kẻ gieo gió, phải gặt bão”, chiến tranh kết thúc với sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, sự sụp đổ của chính những kẻ đã gây ra chiến tranh. Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít có ý nghĩa lịch sử trọng đại, làm thay đổi căn bản tính hình thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc đụng đầu và sự thử thách quyết liệt, toàn diện giữa hai thế lực tiến bộ và phản động trên phạm vi toàn thế giới, mở ra một thời kì mới của lịch sử thế giới hiện đại.

Sơ kết lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

1. Nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

Nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945 là cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp rộng lớn, quyết liệt, phức tạp giữa một bên là nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô), các dân tộc bị áp bức, giai cấp công nhân và nhân dân các nước với một bên là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa phát xít và các thế lực phản động khác nhằm giành bốn mục tiêu lớn:hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.Mặt khác, đây cũng là cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa các cường quốc nhằm tranh giành phân chia phạm vi thế lực và thiết lập một trật tự thế giới có lợi cho mình như sự thiết lập và sụp đổ của“Hệ thống Vecxai – Oasinhtơn”sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (từ 1918 đến 1945).

2. Những vấn đề chính yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

Từ 1917 đến 1945, lịch sử thế giới hiện đại bao gồm những vấn đề chính yếu sau đây:

- Chủ nghĩa xã hội được xác lập đầu tiên ở nuột nước, nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản

Để thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nhân dân Liên Xô đã phải trải qua những chặng đường cách mạng khó khăn, gian khổ với biết bao hi sinh và tổn thất. Cuộc Cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng; cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Nga và đưa nước Nga lên con đường xã hội chủ nghĩa; cuộc đấu tranh chống nội loạn và can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc (1918 - 1920) nhằm bảo vệ cách mạng; công cuộc xây dựng chế độ mới trong những năm 1921-1941 dẫn đến bước đầu xây dựng được những nền móng của chủ nghĩa xã hội; cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941 - 1945 đánh bại chủ nghĩa phát xít, không chỉ bảo vệ được Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nhân loại. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới, có nền văn hóa - giáo dục và khoa học, kĩ thuật tiên tiến vào hàng đầu thế giới. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhân dân Liên Xô đã đánh bại mọi cuộc tấn công thù địch của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động luôn chiếm ưu thế gấp bội vẽ sức mạnh kinh tế và quân sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những thành tựu và thắng lợi kì diệu này, nhưng cơ bản nhất là do tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (tuy lúc này có tồn tại những sai lầm, thiếu sót).

Sự tồn tại và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên – Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết là nét nổi bật ở thời kì này, có ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới tiến trình của lịch sử thế giới.

- Bước chuyển biến của cách mạng thế giớitừ sau Cách mạng tháng Mười Nga

Trước Cách mạng tháng Mười, cách mạng thế giới đang lâm vào tình trạng khó khăn. Ở các nước tư bản Âu - Mĩ, phong trào công nhân lại bất đồng về tư tưởng, không thống nhất về đường lối cách mạng, bị chia rẽ về tổ chức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, phong trào giải phóng dân tộc lâm vào cuộc khủng hoảng, chưa tìm ra con đường và phương pháp cách mạng để đi đến thắng lợi; giữa phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc hầu như không có mối liên quan gì. Cách mạng tháng Mười, bằng lí luận và thực tiễn thắng lợi của mình, đã thúc đẩy và dẫn tới bước chuyển biến mới của cách mạng thế giới về nội dung, đường lỗi và phương pháp phát triển. Ở nhiều nước, các Đảng Cộng sản ra đời đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo cách mạng đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, tứccon đường xã hội chủ nghĩa.Phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trở nên gắn bó, phối hợp mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thủ chung là chủ nghĩa đế quốc. Bước chuyển biến mới này đã thúc đẩy cách mạng thế giới không ngừng phát triển: cao trào cách mạng 1918 - 1923; cao trào cách mạng những năm khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933; phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít những năm 1936 - 1939; cuộc chiến tranh chống phát xít những năm 1939 - 1945. Quá trình phát triển này là bước tập dượt và chuẩn bị cơ sở cho thắng lợi của cách mạng thế giới những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

-Chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên toàn thế giới

Cách mạng tháng Mười đã đánh đổ chủ nghĩa tư bản ở một khâu quan trọng của nó là đế quốc Nga, chiếm 1/6 diện tích trái đất. Cũng từ đó, một xã hội mới ra đời – xã hội xã hội chủ nghĩa mà mỗi bước phát triển của nó đều gây nên một sự tương phản đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Mặt khác, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất không chỉ để lại những tổn thất nặng nề về của cải, sinh mạng, làm cho tất cả các nước thắng trận và bại trận đều bị suy yếu (trừ Mĩ) nhưng nghiêm trọng hơn, dẫn đến sự phân chia lại thế giới theo ''hệ thống Vecxai – Oasinhtơn”, làm nảy sinh những mâu thuẫn mới hết sức sâu sắc giữa các đế quốc, tư đó dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ hai (từ 1918 đến 1945). Chủ nghĩa tư bản không có những thời kì ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế kéo dài như trước đây nữa mà chỉ có một thời gian ngắn ngủi trong những năm 1924 - 1929, rồi sau đó lâm vào cuộc khủng hoàng kinh tế thế giới 1929 - 1933 dẫn tới sự lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít ở nhiều nước: Italia, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bungari, Hunggari… Kết quả, chủ nghĩa đế quốc đã phân thành hai khối đế quốc đối lập, “hệ thống Vecxai – Oasinhtơn” bị phá vỡ. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, kết thúc một thời kì phát triển của lịch sử thế giới hiện đại.

- Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh gây nên tổn thất về người và của khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Kể từ khi Liên Xô tham chiến, chiến tranh mang tính chất chính nghĩa nhằm giải phóng nhân loại khỏi thảm họa phát xít, vì thế thắng lợi của chiến tranh đã dẫn đến những biến chuyển căn bản về tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

3. Xu thế phát triển của lịch sử thế giới hiện đại

Từ 1917 đến 1945, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội (lúc này Liên Xô là đại diện) với chủ nghĩa tư bản, cũng như cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trong phạm vi từng nước và trên phạm vi toàn thế giới đã diễn ra gay gắt, quyết liệt. Tuy lúc đầu ở thế yếu và nằm trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội đã không ngừng lớn mạnh và ngày càng phát huy ảnh hưởng của nó đối với thế giới. Phong trào cách mạng thế giới đã chuyển sang thời kì phát triển mới, đặt nền móng cho thắng lợi to lớn ở giai đoạn sau này. Chủ nghĩa tư bản đã mất đi một khâu quan trọng và địa vị của nó bị suy giảm nhiều so với trước kia.

Thắng lợi của cuôc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sang một thời kì mới.v

Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945)

Chiến tranh thế giới thứ hai đã diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu (mặt trận phía Tây); mặt trận Xô - Đức (mặt trận phía Đông); mặt trận Bắc Phi; mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và mặt trận trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng, trong đó, mặt trận chủ yếu, quyết định đối với toàn bộ tiến trình của Chiến tranh thế giới thứ hai là mặt trận Xô – Đức.

 Hồng quân Xô Viết tổ chức phản công phát xít Đức ở Mặt trận phía Tây Mát-xcơ-va

Từ 1939 đến 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đại thể đã trải qua 5 giai đoạn:

1. Giai đoạn thứ nhất: từ 1-9-1939 (ngày Đức tấn công Ba Lan, mở đầu đại chiến) đến 22-6-1941 (ngày phát xít Đức tấn công Liền Xô).

2. Giai đoạn thứ hai: từ 22-6-1941 đến 19-11-1942 (ngày mở đầu cuộc phản công ở Xtalingrat).

3. Giai đoạn thứ ba: từ 19-11-1942 đến 24-12-1943 (ngày mở đầu cuộc tổng phản công của Hồng quân Liên Xô trên khắp các mặt trận).

4. Giai đoạn thứ tư: từ 24-12-1943 đến 9-5-1945 (ngày phát xít Đức đầu hàng, chiến tranh kết thúc ở châu Âu).

5. Giai đoạn thứ năm:từ 9-5-1945 đến 14-8-1945 (ngày Phát xít Nhật đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt).

I. Giai đoạn thứ nhất (1-9-1939 đến 22-6-1941):

l. Đức tấn công Ba Lan và bước khởi đầu của chiến tranh thế giới (9-1939 đến 4 - 1940).

Ngày 1-9-1939, không tuyên chiến, quân Đức tràn vào Ba Lan. Để tấn công Ba Lan, Đức đã có sự chuẩn bị từ lâu và đưa vào Ba Lan một lực lượng to lớn; 70 sư đoàn (trong đó có 7 sư đoàn xe tăng và 6 sư đoàn cơ giới, với hơn 3000 máy bay). Trong khi đó, Ba Lan thiếu chuẩn bị về tinh thần và vật chất. Một bộ phận lớn quân đội Ba Lan lại tập trung ở biên giới phía Đông để chống Liên Xô, trong khi đó Đức có ưu thế tuyệt đối về quân số và trang bị. Chúng lại lợi dụng yếu tố bất ngờ và thực hiện chiến thuật ''đánh chớp nhoáng'', dùng xe tăng và máy bay thọc sâu, bao vây, khiến cho Ba Lan không chống đỡ nổi.

Từ ngày 12 đến 16-9, vòng vây của Đức xiết chặt chung quanh Vacxava và quân Đức tiếp tục tiến về phía Đông chiếm Bret-Litôp, Lubơlin và Lvốp. Bọn phản động cầm quyền Ba Lan không đủ sức chỉ đạo về quốc phòng. Sau những đòn thất bại đầu tiên, chúng đều hèn nhát bỏ trốn sang Rumani. Nhưng nhân dân Ba Lan không chịu hạ khí giới. Những đảng viên cộng sản từ trong tù hay trong bí mật ra lãnh đạo cuộc chiến đấu bảo vệ Vacxava. Họ chiến đấu rất anh dũng, đập tan1 sư đoàn thiết giáp Đức tiến vào thành phố, nhưng không thể nào cứu vãn nổi. Vacxava tan hoang trong khói lửa cuối cùng đã bị thất thủ. Nước Ba Lan bị Đức thôn tính. Trong khi đó, một cuộc “chiến tranh kì quặc” đã diễn ra ở phía Tây nước Đức.

Liên quân Pháp, Anh dàn trận ở Bắc Pháp dọc theo biên giới Đức, nhưng không tấn công Đức và cũng không có một hành động quân sự nào để đỡ đòn cho Ba Lan. Hiện tượng ''tuyên'' mà không ''chiến'' (được các nhà báo Mĩ gọi là ''cuộc chiến tranh kì quặc'', người Pháp gọi là cuộc chiến tranh “buồn cười”, còn người Đức gọi là chiến tranh ''ngồi'') kéo dài suốt trong 8 tháng (từ 9-1939 đến 4-1940). Trong suốt thời gian này, quân đội hai bên hầu như chỉ ngồi trong chiến lũy nhìn sang nhau, thỉnh thoảng quân Pháp mở những cuộc tiến công nhỏ có tính chất “tượng trưng” rồi lại trở về vị trí cũ. Sở dĩ có hiện tượng này là do giới cầm quyền Anh, Pháp vẫn còn ảo tưởng về một sự thỏa hiệp với Hítle. Đồng thời cũng do Bộ tổng tư lệnh liên quân, đứng đầu là tướng Pháp Gamơlanh, đã quyết định áp dụng chiến thuật phòng ngự, mong dựa vào phòng tuyến Maginô kiên cố để đánh bại quân địch.

Mùa xuân năm 1940, Quốc hội Pháp và Anh đã nhận ra sai lầm trong đường lối mềm yếu này. Họ quyết định đưa ra những nhân vật cứng rắn lên cầm đầu chính phủ: Râynô lập chính phủ mới ở Pháp (tháng 3) và Sơcsin trở thành Thủ tướng Anh (tháng 5), nhưng đó là sự thay đổi quá muộn.

Cùng thời gian này, vào ngày 17-9-1939, theo sự thỏa thuận với Đức (qua ''Biên bản mật'' ngày 24-9), quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông Ba Lan và tiến hành cuộc chiến tranh ở biên giới phía Tây để thu hồi lãnh thổ của đế quốc Nga bị mất vào những năm 1918 – 1920. Miền Đông Ba Lan vốn là một phần lãnh thổ của Tây Ucraina và Tây Bêlarút bị trao cho Ba Lan năm 1920, nay sáp nhập trở lại với hai nước Cộng hòa Xô viết này trong Liên bang Xô viết (11-1939).

Ngày 18-9, Liên Xô lên án ba nước Ban Tích là không giữ vai trò trung lập. Dưới sức ép về quân sự, lãnh đạo ba nước Ban Tích phải lần lượt đến Mátxcơva và kí những hiệp ước không xâm lược với Liên Xô: Extônia, ngày 28-9, Látvia ngày 5-10, Litva ngày 10 -10. Đó là những hiệp ước tương trợ Extônia và Litva nhượng cho Liên Xô những căn cứ hải quân và không quân. Cả ba nước chấp nhận cho Liên Xô quyền đóng quân trên đất của họ. Thành phố Vilna và khu vực Vilna được trả lại cho Litva (27-10). Tháng 6-1940, quân Đội Liên Xô tiến vào ba nước Ban Tích, gây áp lực lật đổ các chính phủ tư sản ở đây. Các chính phủ mới được thành lập dưới sự kiểm soát của Dekanôzôp ở Litva, của Vichinsk ở Latvia và của Jđanôp ở Extônia. Ngày 14-7, bầu cử được tiến hành. Các Quốc hội mới kêu gọi sáp nhập các nước Ban Tích vào Liên Xô. Tháng 8-1940, Xô viết tối cao Liên Xô chấp nhận ba nước Ban Tích vào thành phần của Liên bang Xô viết.

Ngày 28-11, Liên Xô hủy bỏ hiệp ước không xâm lược năm 1932 và ngày hôm sau Liên Xô cắt quan hệ ngoại giao với Phần Lan. Chiến tranh Xô - Phần bùng nổ và diễn ra ác liệt trong suốt mùa đông băng giá (11-1939 đến 3-1940). Kết quả theo hiệp ước Matxcơva ngày 12-3-1940, Phần Lan phải nhường vĩnh viễn eo đất Carêli để Liên Xô thành lâp nước Cộng hòa Xô viết Carêli của mình và biên giới Phần Lan - Liên Xô được lùi xa Lêningrát thêm 150 km nữa. Ngoài ra, Phần Lan còn phải cho Liên Xô thu cảng Hănggô trong 30 năm với số tiền 8 triệu mác Phần Lan.

Betxarabia và Bắc Bucôvina là vùng tranh chấp lâu dài giữa Nga với Rumani mà Rumani chiếm được năm 1918. Xtalin gửi tối hậu thư cho Rumani đòi:

- Vùng Betxarabia mà Nga chưa bao giờ chịu mất, phải trả về cho Nga.

- Sáp nhập vùng Bắc Bucôvina mà dân cư ở đó về mặt lịch sử và về mặt ngôn ngữ gắn bó với nước Cộng hòa Xô viết Ucraina.

Trước tình hình đó, chính phủ Rumani kêu gọi sự giúp đỡ của Đức và Italia, nhưng hai nước từ chối và Rumani đành nhượng bộ. Thế là Betxarabia và Bắc Bucôvina trở thành một bộ phận thuộc nước Cộng hòa Xô viết Mônđavia của Liên Xô (8-1940).

Tính chung, Liên Xô đã lập thêm 5 nước Cộng hòa Xô viết Liên bang, mở rộng lãnh thổ 2 nước Cộng hòa Xô viết, đưa tổng số nước Cộng hòa của Liên Xô lên tới 16. Số dân mới gia nhập Liên Xô là 23 triệu người (13 triệu ở Ba Lan cũ, 10 triệu ở Rumani và trong các nước Ban Tích) Biên giới phía tây của Liên Xô được đẩy lùi thêm từ 200 - 300km.

2. Đức đánh chiếm các nước Bắc Âu và Tây Âu

Cuộc ''Chiến tranh kì quặc'' đã giúp cho nước Đức phát xít mạnh lên. Lợi dụng thời gian hưu chiến suốt mùa đông 1939 – 1940, Đức phát triển bộ binh lên tới 136 sư đoàn, xe tăng - 10 sư đoàn, máy bay - 4 vạn chiếc. Thực lực của Đức khi đó tăng lên chừng gấp đôi thời kì trước khi đánh Ba Lan. Trong khi đó thì các chính phủ Anh, Pháp do theo đuổi những âm mưu chống Liên Xô đã không nghĩ đến củng cố sự phòng của đất nước. Trong những tháng ấy, sản xuất vật liệu chiến tranh của Anh và Pháp không tăng; một phần vũ khí và quân trang làm ra lại gửi sang Phần Lan.

Lập trường mù quáng chống Liên Xô làm cho giới thống trị các nước Anh và Pháp trở nên thiển cận. Mặc dầu nguy cơ tấn công của Đức vào các nước phương Tây ngày càng rõ và họ biết điều đó nhưng giới thống trị Anh, Pháp vẫn không thay đổi chính sách; họ vẫn tiếp tục hi vọng rằng “Hítle sẽ quyết định hướng đội quân về phía Đông chống Nga”. Tướng Đờ Gôn đã viết trong hồi kí: ''Phải nói rằng một số giới muốn nhìn kẻ thù ở Xtalin hơn là Hítle. Họ lo lắng đến những biện pháp để đánh nước Nga – hoặc giúp Phần Lan, hoặc ném bom Bacu hoặc đổ bộ ở Xtambun nhiều hơn cách làm sao để thắng đế chế Đức''.

Trong khi đó thì Đức đang chuẩn bị tỉ mỉ kế hoạch đánh các nước Tây Âu. Gián điệp của Đức len lỏi khắp các nước mà chúng sẽ xâm chiếm.

Ngày 9-4-1940, quân Đức tràn vào Đan Mạch. Vua và chính phủ không kháng cự, ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí. Cùng ngày, quân Đức đổ bộ lên tất cả các cảng lớn của Na Uy. Nhân dân Na Uy kháng chiến rất dũng cảm. Chiến sự đã diễn ra ác liệt ở nhiều nơi. Nhưng bọn tay sai của Hítle ở Na Uy đã phản bội Tổ quốc. Na uy bị đánh bại. Quân Anh, Pháp sang cứu bị đánh bật ra biển.

Ngày 10-5, vào 5 giờ 30 sáng, quân Đức tràn vào Bỉ, Hà Lan, Lucxembua và Pháp. Mặt trận chính phía Tây bây giờ mới chính thức diễn ra. Lực lượng hai bên không chênh lệch nhau lắm. Đức ném vào cuộc tấn công 136 sư đoàn (kẻ cả dự bị). Quân Đồng minh có 130 sư đoàn (91 sư đoàn Pháp, Anh - 10 sư đoàn, Bỉ 22, Hà Lan – 9 và Ba Lan – 1). Nhưng Đức có nhiều máy bay và xe tăng hơn. Kế hoạch tác chiến của Đức lại dựa trên sự tấn công bất ngờ, sự thiếu chuẩn bị về tâm lý của đối phương, và chiến thuật tốc chiến tốc thắng, dùng máy bay và xe tăng tiến nhanh, thọc sâu, chia cắt và bao vây đối phương.

Ngày 10-5, quân của Phôn Bốc vượt qua sông Mơdơ (Mense), đồng thời nhảy dù xuống chiếm các sân bay, các đầu mối giao thông và các cứ điểm quan trọng của Hà Lan và Bỉ.

Ngày 15-5, quân đội Hà Lan phải đầu hàng, Chính phủ Hà Lan chạy sang Luân Đôn. Ngày 27-5, đến lượt Bỉ đầu hàng vô điều kiện.

Trong khi đó, quân của Phôn Runxtét vượt qua Lucxembua, đánh bại đạo quân thứ 9 của Pháp do tướng Coráp chỉ huy, chọc thủng phòng tuyến của Pháp trên một khu vực rộng 90km giữa Xơđăng và Namuya. Phòng tuyến Maginô (Ligue Maginot) mà Pháp vẫn thường khoe khoang đã trở nên vô tác dụng. Những binh đoàn xe tăng của tướng Klaixtơ (Kleist) đang tiến vế hướng Pari.

Ngày 5-6, quân Đức tiến về phía Pari như báo tãp. Giai cấp thống trị Pháp hèn nhát đã nghĩ đến chuyện đầu hàng. Một số tên phản bội và chủ trương đầu hàng đã được bổ sung vào chính phủ (như Thống chế Pêtanh). Ngày 10-6, Chính phủ bỏ Pari chạy về Tua.

Cùng ngày đó, Italia tuyên chiến với Anh và Pháp và tấn công vào Đông Nam nước Pháp. Từ lâu, Italia vẫn dòm ngó một phần lãnh thổ Pháp và một số thuộc địa của Pháp. Khi thấy Pháp đang nguy ngập, sắp thua, ltalia vội vàng nhẩy vào để ''dính máu ăn phần''. Sự tham chiến của Italia cũng làm cho tình hình của Pháp thêm nghiêm trọng.

Trong thời gian này, ở Tua đã diễn ra cuộc thương lượng giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Anh và Anh muốn biến Pháp thành một tỉnh của Anh. Ngày 16-6, Sớcsin đưa ra đề nghị về việc kí kết ''liên minh không thể hủy bỏ'' giữa Anh và Pháp, theo đó thì Anh và Pháp sẽ trở thành một quốc gia thống nhất với một hiến pháp thống nhất và những cơ quan chính và những cơ quan chính quyền trung ương thống nhất. Chính phủ Pháp chia làm 2 nhóm: một nhóm do Râynô cầm đầu sẵn sàng giao nước Pháp cho đế quốc Anh, một nhóm do Pêtanh cầm đầu muốn đầu hàng phát xít Đức và cho rằng ''thà làm một tỉnh quốc xã còn hơn là một xứ tự trị của Anh''. Không có một nhân vật nào trong Chính phủ chấp nhận một chương trình đấu tranh cho tự do và độc lập của nước Pháp như đề nghị của Đảng Cộng sản Pháp.

Đa số thành viên trong chính phủ Pháp chấp nhận sự đầu hàng. Ngày 17-6, Râynô từ chức, Pêtanh lên cầm đầu chính phủ xin hàng Đức, Italia với những điều kiện nhục nhã. Theo hiệp định đình chiến kí ở Rơtôngđơ (Rethondes), Đức có tất cả quyền hành của một cường quốc chiếm đóng: 3/4 nước Pháp bị chiếm đóng, trong đó có Pari, tất cả vùng công nghiệp của đất nước (nơi sản xuất 98% gang và thép); vùng Andát và Loren sáp nhập vào Đức, nước Pháp bị tước vũ trang chỉ để lại một ít cho Chính phủ Pháp duy trì trật tự) và phải nuôi quân đội chiếm đóng, Chính phủ Pháp đóng ở Visi chỉ là bù nhìn tay sai của bọn phát xít chiếm đóng. Nền Cộng hòa Pháp bị thủ tiêu, thay thế bằng chế độ độc tài quân sự do Pêtanh cầm đầu, tự phong làm Quốc trưởng. Nhân dân Pháp bị đói, rét trong khi hàng trăm chuyến tầu chở đầy những của cải của Pháp đưa sang Đức.

Nguyên nhân tấn thảm kịch của nước Pháp là do sự phản bội của giai cấp tư sản thống trị ở Pháp. Nhân dân Pháp không được động viên bảo vệ Tổ quốc, trái lại còn bị đàn áp, cấm đoán.

Nhưng nhân dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã phản đối đường lối đầu hàng của giai cấp tư sản, mở rộng cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Đức và Đảng Cộng sản Pháp đứng ra tổ chức lực lượng kháng chiến bên trong nước Pháp.

Trong khi đó, Đờ Gôn (lúc này đang công cán ở Anh), đã không chịu đầu hàng và tích cực tập hợp một số người Pháp ở hải ngoại. Ngày 27-10-1940, Đờ Gôn thành lập ''Chính phủ Pháp tự do'', mưu dựa vào lực lượng Anh, Mĩ đã giải phóng đất nước.

3. Đức tấn công Anh

Tháng 7-1940, Hítle đề ra kế hoạch ''Sư tử biển'' nhằm đổ bộ lên Anh. Kế hoạnh ''Sư tử biển'' nhằm hai mục đích: dọanước Anh để từ đó tạo điều kiện cần thiết cho việc thỏa hiệp với Anh; che đây việc bị mất tập trung quân chuẩn bị tấn công Liên Xô, đánh lạc hướng dư luận thế giới.

Tháng 8-1940, cuộc tấn công bằng không quân của Đức vào nước Anh được bắt đầu với tên gọi ''Cuộc đấu tranh giành nước Anh''. Trong những trận không chiến ác liệt, ưu thế thuộc về Đức vì Đức có nhiều máy bay hơn. Tuy nhiên, Anh cũng có nhiều lợi thế. Hồi đó ở bờ Biển Đông, Anh đã có mạng lưới rađa, tuy chưa hoàn thiện lắm, nhưng đã giúp cho quân Anh sớm phát hiện được những máy bay địch đang đến gần bờ biển Anh. Không quân Anh chiến đấu trên mảnh đất mình nên cũng có lợi thế. Cả hai bên đều thiệt hại nặng nề. Đức chuyển sang ném bom ban đêm. Thủ đô Luân Đôn bị hàng vạn tấn bom tàn phá dữ dội. Ngoài ra, Đức phong tỏa chặt chẽ hải phận bằng ''Chiến tranh tầu ngầm'', đánh đắm đất nhiều tầu chiến của Anh. Tình hình của Anh càng thêm nghiêm trọng.

Anh cầu cứu Mĩ. Mĩ định lợi dụng cơn hoạn nạn của Anh, thông qua “sự giúp đỡ” để biến đế quốc Anh thành bạn đồng minh đàn em của mình.

Lợi dụng tỉnh hình thiếu vũ khí của Anh sau vụ Đoongkéc, Mĩ hứa sẽ giúp vũ khí cho Anh nhưng với những điều kiện nặng nề: Anh phải giao cho Mĩ những căn cứ rất quan trọng về chiến lược ở Đại Tây Dương cùng những phát minh khoa học kĩ thuật mới nhất của Anh (như rađa, những công trình nghiên cứu về bom nguyên tử của các nhà bác học Anh, Pháp v. v…).

Để đổi lại, Mĩ đã giao cho Anh gần l triệu khẩu súng trường thời kì những năm 1917 – 1918 với 50 chiếc khu trục hạm rất cũ kĩ.

Như vậy, trong khi ủng hộ Anh, Mĩ vẫn coi Anh là địch thủ đế quốc chủ nghĩa và cố làm suy yếu Anh đến mức tối đa. Đó là tính chất của sự hợp tác Anh – Mĩ.

4. Cuộc xâm lược phát xít ở Bancăng và Trung Cận Đông

Ngày 27-9-1940, Đức Italia và Nhật đã kí hiệp ước đồng minh quân sự và chính trị ở Béclin. Hiệp ước này, như lời thú nhận của Thủ tướng Nhật Cônôiê trong tập hồi kí của ông, ''trước hết nhằm chống Liên Xô''. Nhưng nó không những chỉ chống Liên Xô mà còn chống cả Anh, Mĩ. Hiệp ước đề ra không úp mở việc phân chia thế giới: Đức, Italia ở châu Âu; Nhật ở Viễn Đông.

Đức đã lợi dụng những mâu thuẫn giữa các nước Bancăng để chiếm đóng các nước Bancăng (như để lôi kéo Hung về phía mình, Đức đã lợi dụng sự bất mãn của Hung). Ở Hội nghị Viên tháng 8-1940, Đức và Italia đã đứng ra với danh nghĩa ''trọng tài'', quyết định cắt một vùng đất lớn của Rumani là Tơranxinvania giao cho Hung và hứa với Rumani sẽ ''đền bù'' bằng đất đai của Liên Xô. Đức lại giúp bọn tay sai ở Rumani làm chính biến, đưa những phần tử chống Liên Xô lên nắm chính quyền, do tướng Antônexcô cầm đầu. Với sự thỏa thuận của Antônexcô, ngày 7-10-1940, quân đội Đức kéo vào Rumani. Sau đó, lần lượt Hunggari, Rumani và Xlôvakia đều tuyên bố tham gia Hiệp ước Béclin (ll-1940).

Tháng 3-1941, chính phủ phát xít Bungari đã phản bội nhân dân khi tham gia hiệp ước Béclin và để cho quân đội Đức vào chiếm đóng.

Thế là cuối năm 1940, đầu năm 1941, các nước Xlôvakia, Hunggari, Rumani, Bungari đã trở thành ''chư hầu'' của Đức và không tốn một viên đạn, quân đội Đức đã chiếm đóng tất cả những căn cứ quan trọng trên các nước đó, lập thành một vành đai bao vây miền Tây Liên Xô và bao vây miền Đông Bắc Hi Lạp và Nam Tư.

Đối với hai nước Hi Lạp và Nam Tư, bọn phát xít Đức - Italia khuất phục bằng vũ lực. Phát xít Italia cũng muốn đi trước Đức trong việc xâm chiếm vùng Bancăng.

Ngày 28-10-1940, phát xít Italia bất ngờ tấn công Hi Lạp từ phía Anbani, không báo trước cho Đức và cũng không được sự thỏa thuận của Đức, 20 vạn quân Italia hùng hổ kéo vào Hi Lạp, dự định chiếm thủ đô Aten sau mấy tiếng đồng hồ. Nhưng một tuần lễ sau, quân Italla vẫn không đi quá l0 cây số. Đầu tháng, quân Hi Lạp có quân Anh trợ lực bắt đầu phản công và quét sạch quân Italia ra khỏi Hi Lạp. Hi Lạp còn chiếm luôn cả Anbani thuộc Italia.

Lúc này Italia cũng đang thua liên tiếp ở châu Phi. Khi chiến tranh ở châu Phi mới bắt đầu, Italia đã lợi dụng tình hình khó khăn và mắc kẹt của Anh, Pháp ở Tây Âu để xâm chiếm các thuộc địa của Anh, Pháp ở châu Phi. Quân Italia đã chiếm Xômali thuộc Anh, Kênia, Xuđăng và vượt biên giới Libi tiến vào đất Ai Cập. Nhưng, ngày 9-10-1940, quân Anh đột ngột chuyển sang tấn công ở Bắc Phi, đẩy lùi quân Italia, và đến hè 1941, đã chiếm được tất cả các thuộc địa của Italia ở Đông Phi, kể cả Êtiôpi mà Italia mới chiếm trước chiến tranh.

Trong suốt thời gian đó, trước tình hình khó khăn của Italia, Đức vẫn không giúp đỡ gì cho bạn đồng minh. Đức muốn trừng phạt Italia về tội “không nghe lời”, làm cho Italia suy yếu để phải phục tùng mình.

Đức cũng muốn khuất phục Chính phủ Nam Tư như kiểu khuất phục các nước Bancăng khác. Nhưng nhân dân Nam Tư đã nổi dậy khởi nghĩa, lập chính phủ mới, kí hiệp ước thân thiện và không xâm phạm với Liên Xô ngày 5-4-1941. Trước tình hình đó. Hítle phải ra lệnh hoãn lui việc thực hiến kế hoạch Bacbarôxa và quyết định đè bẹp Nam Tư và Hi Lạp trước.

Đêm 6-4-1941, không quân Đức dội bom xuống thủ đô Nam Tư và 56 sư đoàn Đức cùng chư hầu tràn vào Nam Tư. Chính phủ Nam Tư không dám chống cự, bỏ chạy sang Ai Cập. Cùng ngày đó, quân Đức cũng mở cuộc tấn công vào Hi Lạp. Quân đội Hi Lạp phải đầu hang, Quân đội Anh cũng bị đánh bật xuống biển (một vụ Đoong Kéc thứ hai).

Nam Tư và Hi Lạp bị chiếm đóng. Đức lập nên ở đó những chính phủ bù nhìn và cắt một phần quan trọng đất đai của hai nước này chia cho các nước chư hầu khác như Italia, Hunggari, Bungari.

Việc phát xít Đức chiếm bán đảo Bancăng là một biện pháp chiến lược quân sự quan trọng để tấn công Liên Xô. Nhưng hi vọng của bọn Hítle đã hoàn toàn không thực hiện được. Phong trào giải phóng dân tộc ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở Nam Tư và Hi Lạp, đã biến cuộc chiếm đóng các nước Bancăng thành một cuộc chiến tranh dằng dai và đẫm máu. Cuộc chiến tranh này đã cản trở bọn Hítle tận dụng tiềm lực của các nước này trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô .

II. Giai đoạn thứ hai (22-6-1941 đến 19-11-1942): Phe phát xít tấn công Liên Xô, mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn thế giới.

l. Đức tấn công Liên Xô

Ngày 22-6-1941, vào 3 giờ 30 sáng, không tuyên chiến và cũng không đưa ra một yêu sách gì, phát xít Đức bất ngờ mở cuộc tấn công trên khắp biên giới phía Tây của Liên Xô từ Biển Đen đến biển Ban Tích, chà đạp thô bạo lên hiệp ước không xâm phạm Xô -Đức kí kết năm 1939.

Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô là bộ phận quan trọng nhất trong kế hoạch chinh phục toàn cầu của đế quốc Đức, đã được Hítle và giai cấp tư sản Đức chuẩn bị kĩ lưỡng từ lâu. Sau khi thôn tính xong 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2, dân số 142 triệu người, phát xít Đức đã chiếm được những vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, quân sự và lực lượng trở nên rất hùng mạnh. Đánh chiếm hầu như toàn bộ châu Âu tư bản chủ nghĩa (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh), phát xít Đức không vấp phải trở ngại hoặc tổn thất gì đáng kể, cho nên binh lính Đức rất kiêu căng ngạo mạn, tự cho mình là ''đạo quân bách chiến, bách thắng''. Chính trong bối cảnh thuận lợi này, phát xít Đức đã tiến đánh Liên Xô với mục tiêu nhằm độc chiếm kho tài nguyên vô tận của Liên Xô và tiêu diệt chế độ xã hội chủ nghĩa, kẻ thù số l của chủ nghĩa phát xít.

Theo “kế hoạch Bacbarôxa”, được thảo ra từ thang 6-1940, Hítle đã huy động 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3.712 xe tăng, 47.260 khẩu pháo, 4.950 máy bay…chia ra làm 3 đạo quân, đặt dưới quyền tổng chỉ huy của thống chế của thống chế Phôn Bơraosit (Von Brauchitsch), tiến đánh theo 3 hướng chiến lược:

- Đạo phía Bắc do thống chế Phôn Lép (Von Leeb) chỉ huy, gồm 2 tập đoàn bộ binh, 1 tập đoàn xe tăng và 1 không đội, tiến từ Đông Phổ qua Ban Tích hướng tới Lêningrát.

- Đạo trung tâm do thống chế Phôn Bốc (Von Bock) chỉ huy, gồm 2 tập đoàn quân bộ binh, 2 tập đoàn xe tăng và 1 không đội, từ Đông Bắc Vacxava hướng tới Minxcơ, Xmôlenxcơ và Mátxcơva.

- Đạo phía Nam do Chuẩn thống chế Phôn Runxtét (Von Rundsted) chỉ huy gồm 3 tập đoàn quân bộ binh, 1 tập đoàn xe tăng và 1 không đội từ vùng Liubơlin hướng tới Gitơmia, Kiép, sau đó tới Đônbát.

Chiến lược của Đức dựa trên yếu tố bất ngờ, tiến hành chọc thủng phòng tuyến Liên Xô ở nhiều chỗ bằng những múi nhọn thọc sâu xe tăng, chặn đứng sự rút lui của Hồng quân về phía Đông rồi tiến tới tiêu diệt Hồng quân bằng những trận hợp vây đồng thời ở nhiều điểm. Dự kiến của ''kế hoạch Bacbarôxa'' sẽ ''đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng trước khi kết thúc chiến tranh với Anh'' (chỉ thị số 21 của Hítle). Hítle dự tính sẽ ''đánh quỵ nước Nga'' trong vòng từ l tháng rưỡi đến 2 tháng.

Đi đôi với kế hoạch xâm lược về quân sự là kế hoạch cướp bóc tài nguyên và tàn sát người Nga một cách man rợ. Chỉ thị ngày 12-5-1941 của Bộ chỉ huy tối cao Đức bắt sĩ quan, binh lính Đức phải tuân theo:

“Hãy nhớ và thực hiện:

- Không có thần kinh, trái tim và sự thương xót - anh được chế tạo từ sắt, thép Đức…

- Hãy tiêu diệt trong mình mọi sự thương xót và đau khổ hãy giết bất kì người Nga nào và không được dừng lại, dù trước mặt anh là ông già hay phụ nữ, con gái hay con trai.

- Chúng ta phải bắt thế giới đầu hàng…anh là người Đức, và là người Đức phải tiêu diệt mọi sự sống cản trở con đường của anh''.

2. Cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Mátxcơva và Xtalingrát

Trước lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước. “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!” ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nhân dân Liên Xô đã nhất tề đứng dậy, già trẻ, trai gái, triệu người như một, xông thẳng tới quân thù xâm lược. Trong những điều kiện rất khó khăn, bất lợi do yếu tố bất ngờ và so sánh lực lượng quân chênh lệch gây nên, quân và dân Liên Xô đã phải trải qua những cuộc chiến đấu mở đầu hết sức gay go, quyết liệt với những hi sinh và tổn thất nặng nề.

Trước tiên là những trận chiến đấu để bảo vệ biên giới của Tổ quốc, lúc này Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô không còn cách nào khác, ngoài việc thực hiện phòng ngự về chiến lược, nhằm những mục đích:

- “Kìm chân quân phát xít thật lâu trên các tuyến phòng ngự để tranh thủ thời gian nhiều nhất đưa các lực lượng từ phía sau tới và thành lập các lực lượng dự bị mới, điều động và triển khai các lực lượng đó trên các hướng quan trọng nhất.

- Gây cho địch những thiệt hại lớn nhất, làm cho chúng mỏi mệt vàhao hụt và do đó phần nào làm cân bằng so sánh lực lượng.

- Đảm bảo thực hiện các biện pháp của Đảng và Chính phủ trong việc di chuyển nhân dân và các mục tiêu công nghiệp vào phía sâu trong nước, tranh thủ thời gian để chuyển sản xuất công nghiệp sang phục vụ nhu cầu chiến tranh.

- Tích luỹ tối đa các lực lượng và chuyển sang phản công để đập tan toàn bộ kế hoạch chiến tranh của bọn Hítle''.

Những trận chiến đấu bảo vệ biên giới đã diễn ra hết sức dũng cảm, oanh liệt. Quân và dân Xô viết đã giữ từng tấc đất, từng ngôi nhà trong những điều kiện hết sức chênh lệch về quân số và vũ khí.

Mặc dù phải thực hiện những cuộc rút lui để bảo toàn lực lượng, thậm chí phải mở những ''đường máu'' vượt qua những vòng vây của quân địch với tổn thất khá nặng nề, nhưng Hồng quân đã kìm chân được bước tiến của kẻ thù, làm cho chúng không thực hiện được ý đồ sẽ kết thúc cuộc chiến đấu ở biên giới trong vòng ''nửa giờ đồng hồ'' như kế hoạch đã định. Nhờ đó, Hồng quân có thời gian và điều kiện để tổ chức lực lượng, củng cố tuyến phòng ngự theo chiều sâu.

Đến giữa tháng 7, mặt trận biên giới coi như kết thúc, và quân đội phát xít Đức ngày càng tiến sâu vào nội địa Liên Xô. Đến tháng 9-1941, đạo quân phía Bắc của Phôn Lép đã tiến sát tới Lêningrát, bao vây thành phố này; ở mặt trận trung tâm, quân của Phôn Bốc tiến đến Xmôlenxcơ; ở phía Nam, quân Đức chiến Kiép, tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô. Chiến tuyến càng mở rộng ra, quân đội Đức càng gặp nhiều khó khăn và càng bị tổn thất nặng nề hơn trước. Riêng trong 2 tháng đầu của cuộc chiến tranh ở Liên Xô, lục quân Đức đã mất gần 40 vạn người (trong khi đó, suốt từ tháng 6 đến tháng 12-1941, trên tất cả các mặt trận khác, chúng chỉ tổn thất có 9000 tên). Đến lúc này, cái giá mà bọn phát xít đã phải trả không chỉ là sự thiệt hại nặng nề về người và vũ khí, mà quan trọng hơn là sự phá sản của chiến lược ''chiến tranh chớp nhoáng'' và sự sụp đổ bước đầu của danh hiệu ''đạo quân bách chiến, bách thắng'' đã được nẩy sinh đầu tiên ngay từ tướng lĩnh cao cấp và binh sĩ Đức.

Tháng 10-1941, Bộ chỉ huy Đức tập trung mọi sức lực để mở cuộc tấn công vào hướng Mátxcơva với hi vọng chiếm được thủ đô Mátxcơva sẽ có ảnh hưởng quyết định đối với kết cục của chiến tranh. Với mật danh là "bão táp'', kế hoạch đánh chiếm Viadơma- Mátxcơva và Brianxcơ Mátxcơva rồi sau đó đánh vu hồi từ phía bắc và phía nam để trong một thời gian ngắn có thể chiếm được Mátxcơva. Để đạt mục đích chiến lược đó, Hítle đã huy động 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng và cơ giới (khoảng hơn 1 triệu quân) và gần 1000 máy bay vào trận đánh Mátxcơva, với ưu thế hơn hẳn quân đội Liên Xô (bộ binh hơn l,25 lần, xe tăng-2,2 lần, đại bác và súng cối-2,l lần, máy bay-l,7 lần) Hítle chắc tin ở thắng lợi mĩ mãn. Trong nhật lệnh ngày 2-10-1941, ngày mở đầu cuộc tấn công Mátxcơva, Hítle tuyên bố phải tiêu diệt kẻ thù ''trước khi mùa đông tới” và điên cuồng quyết định ngày 7-l1-1941 sẽ ''chiếm xong Mátxcơva và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường''. Trong hội nghị các tướng lĩnh, Hítle tuyên bố sẽ biến Mátxcơva ''thành một cái hồ lớn bao phủ vĩnh viễn thủ đô của dân tộc Nga''. Hítle còn ra lệnh cho Bộ chỉ huy đạo quân Trung tâm ''phải bao vây thành phố thế nào để không một người lính Nga nào, không một người dân nào, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ con có thế bỏ chạy'' và ''phải hủy diệt nhân dân và thành phố Mátxcơva''. Ngoài ra, Hítle thậm chí còn thành lập một đội đặc biệt để phá hủy điện Cremli.

Trong tháng 10 và 11, quân đội phát xít ào ạt mở 2 đợt tấn công đại quy mô vào Mátxcơva. Nhờ ưu thế về lực lượng và vũ khí, quân Đức đã chiếm được Ôriôn, bao vây Tula, và có nơi đã tiến vào sát cạnh Mátxcơva 20 kilômét. Một nguy cơ hiểm nghèo đang đè nặng trái tim mọi người dân Xô viết và toàn nhân loại tiến bộ. Nhưng, trong những giờ phút nguy kịch đó Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn bình tĩnh giữ vững tay lái. Trung ương Đảng kêu gọi toàn dân Liên Xô hãy hoàn thành nhiệm vụ vinh quang trước Tổ quốc: Không cho quân thù tới Mátxcơva! Hội đồng quốc phòng nhà nước do Xtalin đứng đầu ở lại Mátxcơva, trực tiếp lãnh đạo việc bảo vệ thủ đô. Tướng G.K.Giucốp được chỉ định làm Tổng chỉ huy bảo vệ Mátcơva”. Đáp lời kêu gọi của Đảng, nhân dân Mátxcơva đã biến thủ đô và các vùng ven thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Hàng chục vạn người Mátxcơva ngày đêm làm việc để xây dựng những phòng tuyến bao quanh thành phố.

Theo sáng kiến của nhân dân, thủ đô đã thành lập 12 sư đoàn dân quân với nhiều tổ xung kích đánh xe tăng. Sáng 7-11, kỉ niệm lần thứ 24 ngày Cách mạng tháng Mười, tại Hồng trường đã diễn ra một cuộc duyệt binh đặc biệt. Những đơn vị duyệt binh, với vũ khí và đạn dược sẵn sàng, diễu qua Hồng trường rồi tiến thẳng ra mặt trận, mặc dù quân thù đang ở ngay sát chân thành Mátxcơva.

Trong đợt tấn công ác liệt và đẫm máu tháng 10, quân phát xít Đức tiến được từ 230 đến 250 kilômét, nhưng lực lượng của chúng bị tổn thất nghiêm trọng, kế hoạch thôn tính Mátxcơva trong giữa tháng 10 bị đổ vỡ, và đến cuối tháng l0, cuộc tấn công đã bị chặn đứng lại. Sau khi chấn chỉnh, bổ sung lại lực lượng, ngày 15-ll, bộ chỉ huy quân Đức lại mở đợt tấn công thứ hai vào Mátxcơva, nhưng tất cả các mũi đột phá của địch đều lần lượt bị bẻ gẫy. Đến đầu tháng 12, cuộc tấn công của quân Đức buộc phải ngừng lại vì lúc này lực lượng của chúng đã bị tổn thất quá nặng nề (nhiều đại đội chỉ còn 20 đến 30 tên), tinh thần binh lính sa sút hẳn, ngay nhiều tên tướng Đức cũng không còn tin sẽ chiếm được Mátxcơva nữa.

Ngày 6-12, Hồng quân Liên Xô chuyển sang phản công ở Mátxcơva và sau hai tháng chiến đấu, đã đẩy lùi quân đội phát xít Đức ra xa Mátxcơva có nơi đến 400 kilômét. Kế hoạch đánh chiếm Mátxcơva của Hítle đã sụp đổ tan tành. Trong cuộc chiến đấu ở Mátxcơva, phát xít Đức đã bị thiệt hại tổng cộng hơn nửa triệu quân, 1300 xe tăng, 2500 đại bác, trên 15.000 ô tô và nhiều phương tiện kĩ thuật khác.

Với chiến thắng Mátxcơva, lần đầu tiên sau 6 tháng chiến tranh, Hồng quân đã làm cho các đơn vị chủ lực của phát xít Đức phải chịu những tồn thất nặng nề nhất. Tướng Đức Vét Phôn thú nhận: ''Quân đội Đức, trước đây được coi là không thể bị đánh bại, nay sắp bị tiêu diệt''. Thất bại ở Mátxcơva còn làm cho nội bộ hàng ngũ quân phát xít hoang mang, tan rã, các tướng lĩnh cao cấp đổ lỗi cho nhau. Hítle cách chức Tổng tư lệnh lục quân Phôn Bơraosít, cách chức Phôn Bốc - tư lệnh đạo quân trung tâm, tướng Guđêrian - Tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 2 và hàng chục tướng lĩnh khác. Chiến thắng Mátxcơva đã củng cố lòng tin của nhân dân Liên Xô và nhân dân thế giới vào thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít.

Cũng trong những thời điểm khó khăn nhất này của đất nước (từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 11-1941), nhân dân Liên Xô đã tiến hành một cuộc di chuyển khổng lồ chưa từng có trong lịch sử: 1500 xí nghiệp lớn (chủ yếu là những xí nghiệp quốc phòng) và 10 triệu dân gồm cụ già, phụ nữ và trẻ em đã được di chuyển về phía Đông. Việc di chuyển, khôi phục và phát triển ngành sản xuất công nghiệp trong những năm chiến tranh, về quy mô củng như ý nghĩa của nó đối với vận mệnh của Tổ quốc Xô viết, “cũng trọng đại ngang với các chiến dịch vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc”.

Mùa hè năm 1942, lợi dụng lúc chưa có Mặt trận thứ hai ở châu Âu, Hítle một lần nữa lại dốc toàn lực lượng tung vào mặt trận Xô - Đức. Nhận thấy khó có thể đánh chiếm Mátxcơva bằng một cuộc tấn công trực diện, Bộ chỉ huy Đức quyết định chuyển trọng tâm tiến công xuống phía nam, cụ thể là khu vực sông Vonga và Cápcadơ, nhằm đánh chiếm vùng dầu lửa và vựa lúa mì lớn nhất của Liên Xô, rồi sau đó sẽ đánh chiếm Mátxcơva từ phía sau.

Tháng 7-1942, Hítle mở cuộc tấn công lớn nhằm chiếm bằng được Xtalingrát (nay là Vongagrat).

Nhờ tập trung ưu thế hơn hẳn về lực lượng, đến giữa tháng 8-1942 quân phát xít Đức đã tiến đến khu vực lân cận thành phố Xtalingrát. Ngày 21-8, quân đội Liên Xô buộc phải chuyển từ tuyến phòng ngự bên ngoài Xtalingrát vào tuyến bên trong. Từ 13-9, cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong thành phố Xtalingrát lúc này trở thành cái“nút sống”của Liên Xô và quyết tâm của Bộ Tổng tư lệnh Liên Xô là phải giữ cho được Xtalingrát bằng bất cứ giá nào. Với khẩu hiệu “không lùi một bước'', các chiến sĩ Xô viết bảo vệ Xtalingrát đã chiến đấu bền bỉ tới giọt máu cuối cùng để giữ vững từng vị trí, từng tấc đất của thành phố. Mỗi ngày đêm quân đội Liên Xô phải đánh lui khoảng từ 12-15 đợt tấn công ác liệt của kẻ thù. Nhưng cuối cùng, Xtalingrát không những vẫn hiên ngang đứng vững mà còn giáng trả liên tục, làm cho quân thù bị tổn thất nặng nề. Từ tháng 7 đến hết tháng 11, trong các trận chiến đấu ở sông Đông, sông Vonga và ở Xtalingrát, quân phát xít Đức bị thiệt hại hơn 60 vạn người, hơn 1000 xe tăng, hơn 2000 pháo cối, và gần 1400 máy bay. Tới lúc này, do bị tổn thất quá nặng nề, quân đội Đức không còn lực lượng dự bị để triển khai các cuộc tiến công nữa và đã lâm vào một tinh thế hết sức nguy khốn.

3. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, Mĩ, Nhật tham chiến

Lợi dụng khi phát xít Đức tấn công Liên Xô và các nước tư bản châu Âu bị bại trận, Nhật Bản quyết định ''Nam tiến'', đánh vào khu vực ảnh hưởng của các nước Mĩ, Anh, Pháp. Ngày 7-12-1941, vào 7 giờ 55 phút giờ địa phương, các máy bay trên tầu sân bay Nhật cất cánh oanh tạc dữ dội các tầu chiến và sân bay Mĩ ở cảng Trân Châu. Tham gia trận tập kích này còn có 12 tầu ngầm Nhật. Cuộc tập kích bất ngờ và dữ dội của hạm đội Nhật đã gây cho hạm đội Mĩ những tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử hải quân Mĩ: trong số 8 tầu chủ lực, 5 chiếc bị đánh chìm tại chỗ, số còn lại bị trọng thương; hạm đội Mĩ còn bị thiệt hại 19 tầu chiến khác và 177 máy bay, hơn 3000 binh lính và sĩ quan Mĩ bị thiệt mạng.

Thiệt hại của Nhật rất nhỏ: 29 máy bay, l tầu ngầm và 5 tầu ngấm nhỏ. Tổng thống Mĩ Rudơven và các nhà lãnh đạo quân đội Mĩ coi cuộc tập kích cảng Trân Châu là một sự kiện nhục nhã nhất trong lịch sự quân đội Mĩ.

Ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương cũng là ngày bất hạnh đối với hạm đội Anh. Ngày 8-12, ham đội Anh, gồm 2 tầu bọc sắt và 4 tầu ngư lôi, rời cảng Xingapo để lên đường tấn công các tầu vận tải của Nhật. Sáng ngày l0-12, máy bay Nhật đã tấn công và đánh chìm cả 2 tầu bọc sắt của Anh. Hạm đội Mĩ và hạm đội Anh đã bị đánh bại, từ đây hạm đội Nhật làm chủ Thái Bình Dương.

Ngày 8-12-1941, Mĩ và Anh tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày 11-12, Mĩ tuyên chiến với Đức và Italia. Cùng ngày, Đức, Italia tuyên chiến với Mĩ.

Từ cuối năm 1941 đến tháng 5-1942 là giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản đã thắng lớn trong giai đoạn này. Anh - Mĩ bị đánh bật ra khỏi Thái Bình Dương, mất hết các thuộc địa Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.

Ngày 7-12-1941, quân Nhật từ Đông Dương kéo vào Thái Lan. Sau khi đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ Mã Lai, quân Nhật từ phía bắc đánh tập hậu Xingapo. Mười vạn quân Anh ở Xingapo không hề chống cự và tháo chạy. Ngày 15-2-1942, Xingapo thất thủ.

Ngày 31-12-1941, quân Nhật bắt đầu tấn công Inđônêxia, thuộc địa của Hà Lan. Đến đầu tháng 3-1942, các đảo chủ yếu của Inđônêxia thuộc Hà Lan (Xumatra, Giava v.v…) đã rơi vào tay quân Nhật. Chiếm được Inđônêxia, quân Nhật đã mở được cánh cửa đi vào Ấn Độ Dương.

Hầu như đồng thời với cuộc đổ bộ lên Bắc Mã Lai, quân Nhật cũng đã tiến hành cuộc tấn công đánh chiếm quần đảo Philíppin. Ngày 7-12-1941, quân Nhật đổ bộ lên phía bắc đảo Luyxông. Cho tới khoảng đầu tháng 5-1942, quân Nhật chiếm được toàn bộ lãnh thổ Philippin.

Trong thời gian hơn 5 tháng sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, quân Nhật đã củng cố được trận địa của chúng ở Đông Dương và Thái Lan, chiếm Mã Lai và Xingapo, chiếm những đảo của Inđônêxia một phần Tân Ghinê, chiến Miến Điện, Philippin, Hồng Công, các quần đảo thuộc Nam Thái Bình Dương (Guam, Wake, Tân Britanya, Salômông), từ Miến Điện tiến lên tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nhật Bản đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 3.800.000 km2 với 150 triệu dân (nếu tính cả phần đất Trung Quốc mà chúng đã chiếm được trước kia, thì đến mùa hè 1942 quân Nhật đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng 7 triệu km2 với số dân khoảng 500 triệu).

Sau khi đánh chiếm được một vùng rộng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, những nhược điểm về quân sự của Nhật Bản cũng bắt đầu bộc lộ. Những hạn chế về số quân, tiếp tế hậu cần làm cho quân Nhật gặp rất nhiều khó khăn trong các vùng mới chiếm đóng. Trong khi đó, lưu lượng tinh nhuệ chủ yếu của quân đội Nhật lại phải án ngữ dọc biên giới Liên Xô - Trung Quốc để chuẩn bị cuộc chiến tranh phong Liên Xô trong tương lai, (ngày 13-4-1941) với thời hạn 5 năm, nhưng bọn quân phiệt Nhật chỉ chờ dịp để tấn công xâm lược Liên Xô. Vì vậy, trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, mùa hè năm 1942 các mũi tấn công của quân Nhật đã chững lại.

Tháng 5-1942, tại vùng biển San hô (Corail) giữa Ôxtrâylia và quần đảo Salômông, đã diễn ra trận đánh lớn giữa hải quân Mĩ và hải quân Nhật. Thiệt hại của hai bên là tương đương. Nhưng hạm đội Nhật đã bị đánh bại. Tiếp đó, tại vùng biển quần đảo Mituây (Midway), đầu tháng 6-1942, quân Nhật lại bị một thất bại mới trong cuộc đụng độ với hải quân Mĩ, Anh. Thiệt hại của Nhật trong trận này là mất 4 tầu sân bay, l tầu tuần tiễu và l số lớn máy bay. Trận Mituây chứng tỏ ưu thế thuộc về phía Mĩ – Anh. Tuy vậy, trong suốt 2 năm 1942 và 1943, phía Mĩ-Anh vẫn không tiến hành cuộc phân công thực sự để đánh bại lực lượng Nhật Bản trên Thái Bình Dương. Các trận đánh chỉ diễn ra một cách rất hạn chế trên vùng biển và đất liền tại các quần đảo Salômông và Tân Ghinê. Ý đồ của các chính phủ Mĩ, Anh là né tránh chiến tranh lớn với Nhật Bản và chờ đợi một cuộc chiến tranh giữa Nhật Bản với Liên Xô.

4. Chiến sự ở Bắc Phi

Từ tháng 11-1940 đến tháng 9-1941, một trận giao chiến đã diễn ra ở Bắc Phi giữa quân Anh và quân của tướng Rômmen. Lúc đầu Đức chú trọng đến mặt trận Libi vì Đức muốn chiếm kênh Xuyê và cắt đứt những đường giao thông chính của Anh với các thuộc địa quân Đức đuổi quân Anh đến biên giới Ai Cập. Quân Anh bị thua liên tiếp.

Nhưng tình hình đã thay đổi sau thất bại của quân Đức trước Mátxcơva. Bấy giờ, mặt trận Xô - Đức thu hút tất cả lực lượng của Đức và buộc Đức ít chú ý đến các mặt trận khác. Mặt trân Libi trở nên thứ yếu.

Lúc này, đế quốc Mĩ lại coi việc chiếm Bắc Phi là mục tiêu quan trọng trước mắt (bởi Mĩ muốn chiếm những nguồn dầu hỏa ở Cận Đông và hất cẳng Anh, Pháp ở đây). Do vậy, F.Rudơven dự định đổ bộ lên Bắc Phi.

Trước ý đồ của Mĩ, Chính phủ Anh vội vàng quyết định mở cuộc tiến công ở Bắc Phi để giành lại các vị trí của mình trước khi quân Mĩ kéo đến. Tình hình càng thêm thuận lợi, bởi vì cuộc chiến đấu ác liệt ở mặt trận Xô - Đức đã cầm chân tất cả lực lượng của Đức ở đây. Đức còn buộc phải điều một phần quân ớ Bắc Phi sang mặt trận Liên Xô. Mùa thu 1942, quân đoàn thứ 8 của Anh ở Bắc Phi gồm 7 sư đoàn bộ binh, 3 sư đoàn thiết giáp và 7 lữ đoàn chiến xa đã mở cuộc tiến công. Quân Đức có 4 sư đoàn khá yếu và 11 sư đoàn Italia.

Ngày 23-10, quân Anh tấn công bất ngờ ở vùng En Alamen (El Alamein). Quân Đức và ltalia phải rút lui nhanh chóng. Trong 14 ngày, quân Anh tiến được 850 cây số.

5. Mặt trận Đồng minh chống phát xít ra đời

Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, hầu hết các nước trên thế giới đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến, vận mệnh của tất cả các dân tộc sẽ do cuộc chiến tranh này định đoạt. Việc thành lập một liên minh quốc tế đã trở thành nguyện vọng và đòi hỏi bức thiết của tất cả các lực lượng tiến bộ, dân chủ và hòa bình trên thế giới.

Ngày 15-8, Tổng thống Mĩ và Thủ tướng Anh đã gửi một bức thông điệp chung cho Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, trong đó đề nghị tổ chức tại Mátxcơva một hội nghị để bàn về việc cung cấp cho nhau những nguyên liệu và vật tư chiến tranh. Chính phủ Liên Xô đã chấp nhận đề nghị đó. Hội nghị đã được tiến hành ở Mátxcơva từ ngày 29-9 đến ngày 1-10-1941. Văn kiện hội nghị được kí kết ngày 1-11-1941 quy định sự giúp đỡ lẫn nhau về kinh tế trong những năm sắp tới giữa Liên Xô và Anh, Mĩ.

Cuối năm 1941, sự cần thiết hình thành chính thức một mặt trận đồng minh chống phát xít trên phạm vi thế giới càng trở nên bức thiết và những điều kiện để thành lập mặt trận đó đã đầy đủ. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong trận Mátxcơva đã nâng cao vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế và nhân dân thế giới đòi hỏi phải liên minh với Liên Xô. Chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, nước Mĩ đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến, vì không còn một dân tộc nào có thể đứng ngoài cuộc chiến tranh, trận tuyến chống phát xít trên thế giới đã rõ rang. Ngày 1-1-1942, tại Oasinhtơn đã kí kết bản“Tuyên bố Liên hợp quốc'' của 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mĩ và Anh. Bản Tuyên bố quy định:

- Các chính phủ cam kết dốc toàn bộ sức mạnh quân sự và kinh tế của đất nước vào cuộc chiến tranh chống bọn phát xít và tay sai của chúng.

- Mỗi chính phủ cam kết hợp tác với các chính phủ tham gia bản tuyên bố chung, không được kí hiệp định đình chiến hay hòa ước riêng với các nước thù địch.

- Bất cứ nước nào có đóng góp vào cuộc đấu tranh chiến thắng chủ nghĩa phát xít đều có thể tham gia bản tuyên bố trên''.

Bản tuyên bố chung của 26 nước ngày 1-1-1942 đã đánh dấu sự hình thành Mặt trận Đồng minh chống phát xít trên phạm vi toàn thế giới.

Để củng cố Mặt trận Đồng minh chống phát xít, tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba nước Liên Xô và Anh, Mĩ, tháng 5-1942, Chính phủ Liên Xô đã cử ngoại trưởng Môlôtốp sang Luân Đôn và Oasinhtơn để đàm phán với các nhà lãnh đạo hai nước Anh, Mĩ. Ngày 26-5-1942, tại Luân Đôn đã kí kết một hiệp ước giữa Anh và Liên Xô về việc liên minh chống nước Đức Hítle cùng bọn tay sai ở châu Âu, và việc tương trợ lẫn nhau sau chiến tranh. Ngày 11-7-1942, tại Oasinhtơn đã kí kết Hiệp ước Liên Xô - Mĩ về những nguyên tắc tương trợ trong quá trình chiến tranh chống xâm lược.

Như vậy, nhờ cố gắng của Liên Xô, Mặt trận Đồng minh chống phát xít toàn thế giới, mà nòng cốt là liên minh Liên Xô - Mĩ - Anh, cuối cùng đã được thành lập. Sự tồn tại của Mặt trận Đồng minh đã có một ý nghĩa tích cực, to lớn trong việc đoàn kết và hợp đồng chiến đấu giữa các lực lượng chống phát xít trên toàn thế giới để chiến thắng kẻ thù.

III. Giai đoạn thứ ba (19-11-1942 đến 24-12-1943): Chiến thắng Xtalingrát và bước chuyển biến căn bản trong tiến trình Chiến tranh thế giới thứ hai

1. Trận phản công Xtalingrát

Quân đội Liên Xô vừa tiến hành phòng ngự nhằm tiêu hao địch, vừa xây dựng những đơn vị mới để phản công, tiêu diệt hoàn toàn quân Đức ở mặt trận Xtalingrát. Sau một thời gian khẩn trương hoàn thành mọi mặt chuẩn bị, ngày 19-11-1942, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công ở Xtalingrát.

Mở đầu, pháo binh Liên Xô tấn công bằng những đòn sấm sét xuống đầu quân thù. Từ các bàn đạp ở hữu ngạn sông Đông (khu vực Xiraphimôvich và Clétxcaia) và từ khu vực Ivanốpca đến bắc hồ Bacmanxắc, sau 3 ngày tấn công như vũ bão, Hồng quân từ 2 phía đã nhanh chóng chọc thủng trận địa quân địch và hợp điểm ở dải đất Calat ngày 23-11, hoàn thànhxuất sắc việc khép chặt vòng vây lực lương cơ bản của địch ởXtalingrát. Đối với phát xít Đức, nếu đạo quân lớn của chúng bị tiêu diệt ở Xtalingrátthì có nguy cơ chuyển thành tai họa lớn về chiến lược, cho nên Hítle vội vã điều quân từ các khu vực khác và một phần từ Pháp sang để thành lập đạo quân mới ''Sông Đông'' do Thống chế Manxtainơ chỉ huy. Đạo quân “Sông Đông” có nhiệm vụ giải tỏa cho đạo quân Paolút đang bị vây hãm ở Xtalingrát. Từ cuối tháng l1 đến hết tháng 12-1942, tại mặt trận Xtalingrát đã diễn ra cuộc đọ sức hết sức gay go, khốc liệt giữa hai phía - phía “liều mạng” bằng mọi cố gắng để giải vây cho đồng bọn, và phía Hồng quân tập trung sự nỗ lực vào đánh tan đạo quân của Manxtainơ và thít chặt thêm vòng vây ở Xtalingrát. Theo lệnh của Bộ chỉ huy tối cao, ngày l0-l-1943, Hồng quân nổ súng mở đầu cuộc tiến công tiêu diệt đạo quân phát xít bị bao vây ở Xtalingrát. Sau những đòn tấn công sấm sét của Hồng quân; mặc dù cố gắng chống cự ngoan cố, ngày 2-2-1943, đạo quân Đức tinh nhuệ bậc nhất gồm 330. 000 tên hoàn toàn bị tiêu diệt, trong đó 2/3 bị chết, 1/3 bị cầm tù cùng với tên Thống chế tổng tư lệnh Phôn Paolút và 24 viên tướng. Tính từ ngày 19-11-1942 đến 2-2-1943, trên mạt trận sông Đông - sông Voga và Xtalingrát, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 32 sư đoàn và 3 lữ đoàn quân Đức, tiêu hao nặng 16 sư đoàn (bị mất từ 50% đến 75% quân số), tổng cộng gần l,5 triệu người, 3500 xe tăng và pháo tự hành, 12000đại bác và cối, gần 3000 máy bay v.v… Sự tổn thất nặng nề này đã gây nên những hậu quả tai hại đến tình hình chiến lược chung và làm rung chuyển tận gốc bộ máy chiến tranh của phát xít Hitle.

Trận Xtalingrát đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự cũng như về ý nghĩa xoay chuyển toàn cục của nó. Chiến thắng Xtalingrát mở đầu bước ngoặt căn bàn của cuộc chiến tranh chống phát xít - từ đó, quân đội phát xít không thể nào phục hồi như cũ nữa, buộc phải chuyển từ tấn công sang phòng ngự.

Sau chiến thắng Xtalingrát, quân đội Xô viết tiếp tục tiến công lên một mặt trận rộng lớn từ Lêningrát đến biển Adốp, giải phóng Cuốcxcơ, Bengrốt, Khacốp, Vôrôxilốpgrát, giải vây Lêningrát. Trong 4 tháng 20 ngày với những điều kiện khó khăn của mùa đông, quân đội Xô viết đã tiến về phía tây 600 kilômét, và ở một số khu vực tới 700 kilômét, đánh đuổi kẻ thù ra khỏi những vùng có tầm quan trọng lớn về kinh tế và chiến lược.

2. Hoạt động của Anh, Mĩ ở Bắc Phi

Giới cầm quyền Mĩ dư định kế hoạch đổ bộ lên Bắc Phi để chiếm đoạt các thuộc địa ở đây và mở đường đi tới các nguồn dầu lửa ở Cận Đông.

Lợi dụng lúc quân Đức đang bị sa lầy ở Xtalingrát và bị thua ở En Alamen, liên quân Mĩ - Anh đã đổ bộ lên Bắc Phi ngày 8-11-1942. Phơrăngcô (phát xít Tây Ban Nha) đã báo trước cho Đức biết về cuộc đổ bộ này, nhưng Đức không làm gì được bởi vì lúc ấy trận Xtalingrát đang ở độ gay go nhất.

Quân Đồng minh gồm ba đạo quân dưới quyền tổng chỉ huy của Aixenhao (Eisenhower). Một đạo quân Mĩ từ Hoa Kì sang đổ bộ lên bờ biền Marốc thuộc Pháp. Hai đạo quân khác (gồm các đơn vị Anh và Mĩ) từ Anh sang đổ bộ gần Ôrăng và gần Angiê. Đáclăng (Darlan), tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Phi của Chính phủ Pêtanh, đã kí kết với Aixenhao ngừng mọi cuộc kháng cự. Điều đó đã giúp cho liên quân Mĩ - Anh xâm chiến nhanh chóng Angiêri; Marốc và một phần Tuynidi.

Quân Đức ở trong tình thế tuyệt vọng, bị kẹp giữa hai gọng kìm: phía đông, quân Anh từ Ai Cập đánh sang, tiến rất nhanh sau trận thắng ở En Alamen; phía tây, liên quân Mĩ - Anh đổ bộ, đã chiếm được Marốc, Angiêri. Quân đội của Rommen phải lui về Tuynidi.

Mãi đến ngày 20-3-1943, sau khi quân đội Xô viết đã chiến thắng oanh liệt ở Xtalingrát, quân Mĩ và Anh mới mở lại cuộc tấn công ở Bắc Phi.

Quân Đức bị đại bại ở mặt trận Liên Xô không đủ sức chống đỡ nữa, bị quân Mĩ – Anh dồn lên khu vực Đông Bắc Tuynidi và phải hạ khí giới (ngày 12-5-1943). Chiến sự ở Bắc Phi chấm dứt.

3. Chủ nghĩa phát xít Italia sụp đổ

Sau khi quân đội phát xít bị thất bại ở Xtalingrát, sự khủng hoảng trong khối phát xít đã bắt đầu.

Công nghiệp và vận tải của Đức lâm vào tình trạng khó khăn đến cùng cực; nguyên liệu, nhiên liêu và nhân lực thiếu thốn. Tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Hàng thường dùng hầu như không có, phải dùng nhiều loại “thế phẩm” bằng các chất hóa học để thay thế.

Tình hình ở Italia lại càng khó khăn hơn: 10 sư đoàn tinh nhuệ của Italia đã bị đè bẹp ở mặt trận Liên Xô, với khoảng 20 vạn quân bị tiêu diệt. Italia mất hết các thuộc địa Hạm đội Địa Trung Hải của Italia đã bị thiệt hại nặng.

Cuộc tấn công mùa hè 1943 của quân đội Liên Xô đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình ở Italia. Đảng Cộng sản Italia đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào chống phát xít mạnh mẽ. Những cuộc bãi công lớn do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã nổ ra từ mùa xuân 1943, làm rung động nước Italia.

Trước tình hình đó, ngày 10-7-1943 (sau hai tháng chuẩn bị), quân Đồng minh mới từ Bắc Phi tấn công lên đất ltalia. Aixenhao, Tổng tư lệnh lục quân đồng minh, cho quân đổ bộ lên đảo Xixilia và chiếm Xyracuđơ dễ dàng. Tinh thần quân Italia rất bạc nhược, chỉ còn quân Đức rút được phần lớn lực lương về nam Italia, nhưng mất Xixilia là một thất bại lớn của phe quốc xã.

Chính quyền phát xít Italia tan rã. Ngày 25-7, vua Víchto Emmanuel (Victor Emmanuel) tống giam Mútxôlini đưa thống chế Bađôgơliô thuộc phái chủ hòa lập nội các mới. Ngày 3-9, Bađôgơliô kí hiệp định đình chiến với Đồng minh ở Xixilia. Phát xít Italia sụp đổ, đeo thêm một gánh nặng mới cho Hítle.

Trái với dự tính của Mĩ, Anh, quân Đức đã đối phó kịch liệt. Ngày 12-9, Mútxôlini được phát xít Đức cứu thoát để tổ chức lại lực lượng, và lập lại chính phủ phát xít ở miền Bắc Italia, gọi là nền ''cộng hòa Xa lô'' (Salo, thực ra chỉ là tên đầy tớ ngoan ngoãn của Hítle). Hơn 30 sư đoàn Đức được điều sang Italia. Quân Đức dựa vào địa thế hiểm trở chống cự kéo dài hơn 2 năm, mãi tới năm 1945 mới chịu khuất phục hẳn.

4. Hội nghị cấp cao Têhêran

Tháng 10 -1943, Hội nghị các ngoại trưởng Liên Xô, Mĩ, Anh đã họp ở Mátxcơva, thông qua nhiều quyết định quan trọng về việc tổ chức thế giới sau chiến tranh. Hội nghị đã ra những tuyên bố về nước Italia, nước Áo, về vấn đề tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và về sự hợp tác giữa các nước Đồng minh sau chiến tranh. Hội nghị Mátxcơva cũng chuẩn bị điều kiện cho cuộc gặp gỡ của những người đứng đầu ba nước lớn ở Têhêran.

Ngày 23-11-1943, Hội nghị Têhêran giữa những người đứng đầu ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh khai mạc. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Xtalin, Rudơven và Sớcsin. Trong hội nghị này, Sớcsin lại định đưa ra ýđồ đổ bộ lên châu Âu qua Bancăng nhưng bị Liên Xô và cả Mĩ bác bỏ. Do đấu tranh của Liên Xô, vấn đề Mặt trân thứ hai ở châu Âu đã được giải quyết tốt. Những người đứng đầu ba cường quốc đã đi tới chỗ thỏa thuận về phạm vi và thời hạn của các chiến dịch đánh từ các phía: đông, tây và nam lại. Quân đội Anh và Mĩ phải đổ bộ lên châu Âu qua miền Bắc và Nam nước Pháp trước ngày 1-5-1944.

Hội nghị Têhêran đã bàn đến vấn đề tương lai của nước Đức. Đai biểu Mĩ - Anh đề nghị phân chia nước Đức. Liên Xô đã giữ lập trường của mình là đòi phải tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Đức.

Hội nghị Têhêran cũng thông qua bản tuyên bố về Iran, xác nhận chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Iran. Đồng thời hội nghị đã thảo luận những vấn đề về Ba Lan, xác nhận biên giới phía đông và phía tây của Ba Lan.

Những quyết định của Hội nghị Têhêran đã có ý nghĩa quốc tế to lớn. Hi vọng của bọn phát xít về việc chia rẽ liên minh chống phát xít đã không được thực hiện. Âm mưu của chúng định kí hòa ước riêng rẽ với Mĩ, Anh để tránh khỏi phải đầu hàng đã bị thất bại.

IV. Giai đoạn thứ tư (24-12-1943 đến 9-5-1945): Những thắng lợi quyết định của phe đồng minh chống phát xít – chủ nghĩa phát xít Hítle bị tiêu diệt.

l. Mặt trận Xô - Đức

Như thế, từ 19-11-1942, thời điểm quân đội Liên Xô bắt đầu chuyển sang chiến lược phản công (phản công cục bộ, kế tiếp nhau trên các khu vực quan trọng nhất), gần 2/3 lãnh thổ Xô viết bị chiếm đã được giải phóng, quân Đức bị tiêu diệt 1 triệu 80 vạn người. Bước sang năm 1944, các lực lượng vũ trang Xô viết đã vượt quân Đức l,3 lần về quân số, 1,7 lần về máy bay (quân Đức và quân các nước chư hầu có ở mặt trận Xô - Đức gần 5 triệu quân, 54.500 pháo và cối, 54.000 xe tăng và hơn 3.000 máy bay) và ưu thế về số lượng đó lại được tăng thêm về mặt chất lượng vũ khí, đặc biệt quan trọng là tinh thần chiến đấu của quân đội, nghệ thuật chỉ huy chiến dịch, chiến thuật và chiến lược ngày càng cao của các cấp chỉ huy. Tỉnh hình này cho phép Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô có thể triển khai cuộc tổng tấn công đồng loạt trên khắp các mặt trận từ Lêningrát đến tận Crưm, mở đầu từ ngày 24-12-1943.

Ở mặt trận phía bắc,tháng 1 và 2-1944, Hồng quân mở cuộc tấn công lớn vào Lêningrát và Nôpgôrốt, giải phóng Lêningrát và tiến tới sát biên giới Extônia. Tiếp theo, hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban Tích, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới Xô - Phần và buộc Phần Lan phải kí hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19-9-1944.

Ởmặt trận Ucraina,trong năm 1944, Hồng quân đã mở l0 trận tấn công có tính chất tiêu diệt vào quân đội phát xít. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra hết sức ác liệt vì phần lớn lực lượng quân Đức tập trung ở vùng này (96 sư đoàn với 70% tổng số các sư đoàn xe tăng và các sư đoàn cơ giới của phát xít Đức ở mặt trận Liên Xô). Kết quả, Hồng quân đã đánh tan 66 sư đoàn địch và giải phóng hoàn toàn Ucraina.

Từ tháng 3 đến tháng 5-1944, quân đội Xô viết giải phóng Ôđétxa và Crưm.

Một trong những trận đánh lớn nhất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là chiến dịch giải phóng Bêlarut (mang mật danh kế hoạch ''Bagiatiôn''), mở ngày 23-6-1944. Trong chiến dịch này, đạo quân “Trung tâm” của phát xít Đức bị đánh tan tác và mất hơn 30 sư đoàn. Bêlalut được hoàn toàn giải phóng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Rumani, Bungari, Nam Tư, Anbani và một phần đáng kế lãnh thổ Tiệp Khắc, Hunggari và Áo.

2. Mĩ - Anh mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu

Mĩ - Anh cứ khất lần mãi việc mở Mặt trận thứ hai. Cho đến khi chiến tranh bước vào giai đoạn cuối cùng, lúc ấy Mĩ - Anh mới vội vàng mở Mặt trận thứ hai, đổ bộ lên Bắc Pháp. Đó là ngày 6-6-1944.

Ở Tây Âu, Đức chỉ đề có 60 sư đoàn, và ở Noócmăngđi (là vùng quân Đồng minh đổ bộ), Đức chỉ có 9 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp do thống chế Rommen chỉ huy. Quân đội Đức ở Tây Âu phần nhiều là binh lính già yếu và trang bị kém. Ở khu vực đổ bộ, lúc đầu Đức chỉ có 300 máy bay, sau tăng lên 600.

Về phía Mĩ và Anh cho đến lúc này vẫn chưa tham gia chiến tranh một cách nghiêm túc, do vậy, họ đã chuẩn bị được những lực lượng lớn: 36 sư đoàn dành cho việc đổ bộ ở Bắc Pháp (chưa kể l0 sư đoàn đổ bộ ở Nam Pháp và 40 sư đoàn dự trữ). Tham gia vào việc đổ bộ có những hạm đội chiến tranh và những tầu buôn của Anh, Mĩ, Canađa, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Pháp và Hi Lạp, tổng cộng là 6.483 tầu và một lực lượng không quân rất lớn - gồm 13.068 máy bay các loại.

Cuộc đổ bộ được bắt đầu vào 1 giờ 30 sáng ngày 6-6. Tại khu vực đổ bộ dài 80 cây số chỉ có hai sư đoàn Đức thuộc quân đoàn thứ 7. Để đảm bảo sự bất ngờ, người ta chọn một khu vực mà quân Đức không ngờ tới, từ sông Viarơ đến sông Oócnơ.

Mặc dầu có những điều kiện thuận lợi đó, quán Mĩ và Anh vãn tiến rất chậm, trung bình mỗi ngày 4 cây số. Không quân của Mĩ, Anh oanh tạc rất dữ dội (số bom được thả trong nửa năm 1944 nhiều hơn cả số bom ném từ đầu chiến tranh đến bấy giờ).

Đức cũng tăng cường oanh tạc vào lãnh thổ Anh. Từ ngày 13-6-1944, Đức bắt đầu sử dụng các loại máy bay U1 và V2, nên đã gây cho Anh nhiều thiệt hại.

Phong trào khởi nghĩa vũ trang của nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo nổi lên trên khắp nước Pháp, giải phóng nhiều vùng rộng lớn trước khi quân Đồng minh tới. Vào giữa tháng 8, công nhân Pari bãi công, sau đó chuyển thành khởi nghĩa, giải phóng thủ đô Pari ngày 19-8. Pêtanh, Lavan và các bộ trưởng khác của chính phủ Visi bỏ trốn sang Đức. Nhân dân Pari đã làm chủ được thành phố. Sau đó ngày 25-8, quân đội Đồng minh mới tiến vào Pari, đi đầu là quân của tướng Lơcơléc. Chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa Pháp, do Đờ Gôn đứng đầu, được thành lập ở Pari.

Nước Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít Đức. Tiếp theo sau, quân Mĩ, Anh tiếp tục giải phóng nhiều nước Tây Âu khác như Bỉ, Hà Lan, Lucxembua, Italia và tiến vào miền Trung nước Đức, gặp Hồng quân Liên Xô ở bên bờ sông Enbơ.

Việc quân đội Mĩ - Anh mở Mặt trận thứ hai ở Tây Âu tuy muộn nhưng kể từ ngày bắt đầu chiến tranh, nước Đức mới bị ép ở giữa hai mặt trận Đông - Tây.

3. Hội nghị tam cường Ianta và Pốtxdam

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào giai đoạn cuối, hội nghị những người đứng đầu ba cường quốc trong mặt trặn Đồng minh chống phát xít là Liên Xô, Mĩ, Anh họp tại Ianta (Crưm) từ ngày 4 đến 12-2-1945. Tại hội nghị, những vị đứng đầu 3 cường quốc đã thỏa thuận về kế hoạch quân sự chung nhằm đánh bại phát xít Đức, buộc Đức phải đầu hàng vô điều kiện; về mục đích tiêu diệt chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức, xây dựng những bảo đảm thật sự để cho nước Đức sẽ không bao giờ có khả năng phá hoại hòa bình; về việc phân chia khu vực chiếm đóng của quân đội Đồng minh ở Đức sau ngày Đức đầu hàng; về chính sách thống nhất những quy chế sau chiến tranh của nước Đức và về những nguyên tắc buộc Đức phải bồi thường chiến tranh. Hội nghị đã quyết định thành lập một tổ chức quốc tế (Liên hợp quốc) để duy trì hòa bình và an ninh thế giới dựa trên nền tảng sự nhất trí giữa 5 cường quốc: Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc. Hội nghị đã thỏa thuận rằng từ 2 đến 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu, Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật với điều kiện giữ nguyên trạng nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ và khôi phục lại những quyền lợi của nước Nga bị mất trong chiến tranh Nga – Nhật (1904). Hội nghị đã ra ''tuyên bố về châu Âu giải phóng'', trong đó nêu rõ sự thỏa thuận về chính sách và những hành động chung nhằm giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế của châu Âu giải phóng, phù hợp với những nguyên tắc dân chủ.

Sau khi phát xít Đức đầu hàng không điều kiện, hội nghị những người đứng đầu ba nước lớn Liên Xô, Mĩ, Anh họp ở Pốtxđam (Đức) từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội đồng ngoại trưởng (gồm đại biểu Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp, Trung Quốc), có nhiệm vụ chuẩn bị những hòa ước sẽ kí với Đức và các nước đồng minh của Đức.

Hội nghị quy định các nước Đồng minh cần phải thực hiện một chính sách chung trong khu vực mình chiếm đóng, nhằm mục đích tiêu diệt tận gốc chũ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa phát xít Đức, giải giáp nước Đức và biến nước Đức thành một nước dân chủ, hòa bình, thống nhất. Hội nghị quyết định phải thủ tiêu tất cả những tổ chức quân sự, nửa quân sự và phát xít ở Đức, những dự trữ quân sự cũng như mọi ngành công nghiệp có thể sản xuất ra vũ khi. Các nước Đồng minh sẽ kiểm soát các ngành sản xuất kim khí, máy móc, hóa chất và chỉ để phát triển những ngành kinh tế hòa bình, phục vụ nhu cầu của nhân dân Đức. Để giải quyết những vấn đề chung cho toàn nước Đức, một ''Hội đồng giám sát'' được thành lập bao gồm các tổng chỉ huy quân đội bốn khu vực chiếm đóng. Hội nghị quyết định xóa bỏ các tập đoàn tư bản lũng đoạn Đức là lực lượng chủ đạo của chủ nghĩa quân phiệt Đức, bắt Đức phải bồi thường chiến tranh, đền bù thiệt hại cho các nước bị Đức xâm lược (Liên Xô bị tổn thất nhiều nhất, được nhận gần 50% tổng số bồi thường - khoảng 10 tỉ đô la).

4. Trận công phá Béclin

Ngày 16-4-1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béclin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hítle.

Trên đường vào Béclin, phát xít Đức đã bố trí hơn 90 sư đoàn (trong đó có 14 sư đoàn xe tăng và cơ giới) với quán số trên 1 triệu người, 10.000 pháo và cối: 1500xe tăng và pháo tự hành, 3 000 máy bay chiến đấu và trong thành phố Béclin: chúng đã lập được đội dân quân phòng vệ 20 vạn người. Để tiến hành chiến dịch đánh chiếm Béclin, Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô đã huy động lực lượng của 2 phương diện quân (PDQ Bêlarut-1 và PDQ Ucraina-1) với 68 sư đoàn bộ binh, 3155 xe tăng và pháo tự hành, khoảng 2200 đại bác và súng cối và đã phải tiến hành công tác chuẩn bị chiến dịch trên một quy mô to lớn và mức độ căng thẳng chưa từng thấy.

5 giờ sáng 16-4-1945, sau 30 phút cho pháo bắn cực mạnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa phòng ngự của quân Đức, 140 đèn chiếu đặt mỗi cái cách nhau 200 mét đồng loạt bật sáng lên với hơn 100 tỉ nến chiếu sáng làm lóa mắt quân địch, bộ binh và xe tăng Hồng quân tiến lên vượt qua trận địa phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Quân Đức buộc phải lùi về cố thủ các điểm cao Dêêlốp, bức tường thành án ngữ con đường tiến vào Béclin. Cuộc chiến đấu tại những điểm cao Dêêlốp đã diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Đến sáng 18-4, Hồng quân mới chiếm được vị trí quan trọng này. Ngày 19-4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béclin. Ngày 21-4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béclin. Nhưng càng tiến vào các khu vực ở giữa thành phố cuộc kháng cự của quân phát xít càng ngoan cố, quyết liệt, chúng dựa vào các ngôi nhà nhiều tầng, những đường ngầm thông giữa các khu phố để ngăn cản bước tiến của Hồng quân. Trước nguy cơ Béclin sắp thất thủ, Hítle tung ra khẩu hiểu đầy kích động: ''Trao Béclin cho quân Mĩ và Anh tốt hơn là để nó lọt vào tay quân Nga!'' và ''Các sĩ quan Đức phải dốc mọi cố gắng làm cho quân Nga không chiếm nổi Béclin. Nếu như phải đầu hàng thì chỉ đầu hàng quân Mĩ. Như con thú dữ, đến lúc sắp chết, bọn phát xít Hítle vẫn lồng lộn, điên cuồng kháng cự, chúng tụ lại, bám từng ngôi nhà, từng tầng gác, mái nhà.

Nhưng vòng vây của Hôgng quân mỗi ngày càng khép chặt lại. Mỗi đợt tấn công của bộ binh và xe tăng quân đội Xô viết đều được pháo binh và không quân yểm hộ bằng những đòn tập kích hỏa lực mạnh như vũ bão. Mười một nghìn khẩu pháo các cỡ cứ theo thời gian nhất định lại đồng loạt nã đạn vào trận địa quân địch. Tính từ 21-4 đến hết ngày 2-5-1945, (thời gian chiến đấu trong thành phố) pháo binh Xô viết đã bắn vào Béclin l.800.000 phát đại bác, trong đó có những loại pháo hạng nặng chuyên dùng cho các pháo đài được chở đến bằng đường sắt để bắn vào trung tâm Béclin (mỗi viên đạn có trọng lượng nửa tấn). Hệ thống phòng ngự Béclin đã tan thành bụi khói. Chiều 30-4-1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh luỹ cuối cùng của bọn phát xít Hítle. Trận đánh chiếm nhà Quốc hội là một trận đẫm máu. Chiều 30-4, trong thế cùng Hítle và Gơben đã tự sát. 15 giờ ngày 30-4, cờ đỏ đã cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội. Ngày 2-5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béclin. Quân phát xít Hítle còn lại hơn 7 vạn người (không kể số bị thương) đã đầu hàng không điều kiện.

Tiêu diệt một đạo quân địch đông gần 1 triệu người và đánh chiếm thủ đô của nước Đức phát xít mà chỉ diễn ra vẻn vẹn trong 16 ngày đêm, trận Béclin đã đi vào lịch sử như một trong những chiến công oanh liệt nhất, một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội Xô viết trong cuộc chiến tranh chống phát xít, giải phóng nhân loại. Tại trận đánh lịch sử này, quân đội Xô viết đã phải gánh chịu những tồn thất to lớn: gần 300.000 chiến sĩ Xô viết đã hi sinh hoặc bị thương, bị mất tích.

Ngày 9-5-1945, lễ kí kết văn kiện đầu hàng không điều kiện của phát xít Đức đã được tiến hành trọng thể tại Béclin. Trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức-Câyten đã kí vào văn bản đầu hàng không điều kiện.

Cuộc chiến tranh khốc liệt ở châu Âu đã kết thúc, phát xít Đức và phe lũ bị tiêu diệt hoàn toàn.

V. Giai đoạn thứ năm (9-5-1945 đến 14-8-1945): Nhật Bản đầu hàng, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

l. Cuộc phản công của quân Mĩ - Anh ở mặt trận châu Á - Thái Bình Dương

Ở chiến trường châu Á – Thái Bình Dương, sau trận thắng ở Guađancanan (từ tháng 8-1942 đến tháng 1-1943), Mĩ chuyển sang phản công trên toàn chiến trường. Mở đầu là việc tái chiếm quần đảo Salômông bằng chiến thuật “nhảy cóc” (từ tháng 1 đến tháng 11-1943). Ở khu vực chung Thái Bình Dương, quân Mĩ lần lượt chiếm các đảo Ginbe (11-1943) và Mácsan (2-1944). Dùng chiến thuật “nhảy cừu”, quân Mĩ đánh vào đảo Saipan để chiếm quần đảo Marian tháng 6-944, hải quân Nhật bị thiệt hại mất 3 tàu sân bay và hơn 400 máy bay. Ở Tây Nam Thái Bình Dương, quân Mĩ đánh chiếm lại Tân Ghinê (từ tháng 9-1943 đến tháng 7-1944). Chiến cuộc giành lại Philippin được bắt đầu bằng cuộc đổ bộ vào đảo Lâycơ, diệt 7 vạn quân Nhật (tháng 10-tháng 12-1944). Chủ lực hải quân Nhật bị tiêu diệt nặng nề trong trận hải chiến ở vùng biển Philippin: mất 4 tầu sân bay, 4 thiết giáp hạm, 14 tầu tuần tiễu, 32 tầu phóng ngư lôi và 11 tầu ngầm; về phía Mĩ, mất 4 tầu sân bay, 6 tầu chống ngư lôi, 3 tầu phóng ngư lôi, 1 tầu vận tải và 7 tầu ngầm. Đây là trận hải chiến lớn nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai và qua trận này lực lượng hải quân Nhật hầu như bị kiệt quệ. Cuộc chiến đấu ở Philippin kéo dài tới 4-1945, Mĩ mới thu được thắng lợi, diệt 20 vạn quân Nhật.

Tại Đông Nam Á, đầu năm 1943, nhằm phối hợp với cuộc tấn công của Mĩ ở Thái Bình Dương, liên quân Anh - Ấn và liên quân Mĩ - Hoa đã tiến vào Miến Điện, còn quân Nhật tràn qua biên giới Ấn Độ. Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Ấn Độ từ tháng 3 đến tháng 7-1944 đã bị đánh bại, một nửa trong số 15 vạn quân tham chiến bị tiêu diệt. Quân Đồng minh tiếp tục tấn công ở Miến Điện, đến ngày 2-5-1945 giải phóng được thủ đô Rangun và 3 tháng sau, quét sạch quân Nhật khỏi nước này (diệt 20 vạn quân Nhật).

Những trận đánh cuối cùng của Mĩ ở Thái Bình Dương là đánh chiếm đảo Ivôgima (tháng 2 đến tháng 3-1945) và đảo Ôkinaoa (25-3-1945) nằm ở cửa ngõ đi vào Nhật Bản. Đảo Ôkinaoa là một pháo đài rất kiên cố, án ngữ cửa ngõ đi vào đất Nhật (cách đất Nhật 600km), có quan hệ “sinh tử’ đến vận mệnh đế quốc Nhật nên quân Nhật chống cự rất kịch liệt. Ở đây quân Nhật chỉ có 8 vạn người. Mĩ đã phải huy động 45 vạn quân, 1317 tầu chiến, 1727 máy bay. Qua 3 tháng chiến đấu ác liệt, ngày 21-6-1945, quân Mĩmới chiếm được Ôkinaoa, nhưng phải chịu thiệt hại nặng nề (riêng máy bay đã mất hơn 1000 chiếc).

Ngoài ra, từ mùa thu 1944, máy bay Mĩ đã tiến hành ném bom ác liệt ở 70 thành phố Nhật, như Ôsaka, Nagôya, Yôkôhama … và nhất là thủ đô Tôkiô bị tàn phá nặng nề (riêng cuộc ném bom napan đêm 9-3-1945 đã giết chết hàng vạn người).

2. Liên Xô tham chiến. Nhật Bản đầu hàng không điều kiện

Khi chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, do đã kí với Nhật ''Hiệp ước trung lập'' (13-4-1941), Liên Xô đã đứng ngoài cuộc chiến. Tại Hội nghị Ianta, theo đề nghị của Mĩ, Anh, Liên Xô đã chấp thuận tham gia chiến tranh chống Nhật 3 tháng sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản. Sáng ngày 9-8-1945, Hồng quân Liên Xô, với lực lượng 1,5 triệu quân (3 phương diện quân), 5500 xe tăng, 3900 máy bay, 2600 phân và ham đội Thái Bình Dương, đã mở cuộc tấn công như vũ bão vào đạo quân Quan Đông của Nhật Bản (gồm 70 vạn quân chủ lực Nhật và hơn 30 vạn quân ngụy của “Mãn Châu Quốc”, Nội Mông, Tuy Viễn…) đóng trải ra trên một trận tuyến kéo dài hơn 4500 km từ Bắc Triều Tiên, Đông – Bắc Trung Quốc tới Nam đảo Xakhalin và quần đảo Curin với việc giao thông, vận chuyển hết sức khó khăn.

Trước khi Liên Xô tiến quân đánh Nhật, ngày 6-8, Mĩ thả bom nguyên tử xuống Hirôsima và ngày 9-8, quả bom nguyên tử thứ hai được thả xuống Nagadaki, hủy diệt 2 thành phố này và làm chết hàng chục vạn thường dân vô tội (theo thống kê của Nhật Bản, số người chết ở Hirôsima là 247.000 người và Nagadaki - 200.000 người, chưa kể những người bị nhiễm xạ chết sau này).

3 giờ sáng ngày 10-8, Chính phủ Nhật gửi cho Mĩ, Anh, Trung Quốc và Liên Xô bản đề nghị xin chấp nhận đầu hàng theo Tuyên cáo Pốtxđam (công bố ngày 26-7-1945, kêu gọi Nhật Bản đầu hàng nhưng Nhật khước từ). Liên Xô, Mĩ, Anh, Trung Quốc đã buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng không điều kiện các nước Đồng minh. Tuy thế, Bộ tư lệnh đạo quân Quan Đông không chịu đầu hàng, vẫn tiếp tục chống cự quyết liệt với quân đội Liên Xô. Ngày 18-8, Hồng quân mới đổ bộ lên được quần đảo Curin và ngày 20-8, đánh chiếm các thành phố lớn ở Đông Bắc Trung Quốc (Cáp Nhĩ Tân, Cát Lâm, Trường Xuân); ngày 23-8, chiếm Đại Liên và Lữ Thuận. Ngày 19-8, viên tư lệnh đạo quân Quan Đông chấp nhận đầu hàng. Nhưng ở một số nơi, quân đội Liên Xô vẫn phải tiếp tục chiến đấu khoảng 2 tuần lễ nữa mới đánh bại hoàn toàn quân địch (giết 8 vạn quân, bắt 60 vạn tù binh Nhật, trong đó có Tư lệnh đạo quân Quan Đông và 148 tướng lĩnh khác).

Có thể nói rằng việc đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật là kết quả của cả một quá trình chiến đấu nhiều năm của các nước Đồng minh và nhân dân các nước bị Nhật thống trị, còn việc buộc Nhật Bản phải đầu hàng không điều kiện ngày 14-8-1945 là do những nhân tố sau đây:

Sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít Đức và ltalia ở châu Âu đã làm cho Nhật mất đi một chỗ dựa và đặt Nhật vào thế tuyệt vọng.

Sự thất bại trên các đảo Thái Bình Dương, ở Đông Nam Á; sự thiệt hại nặng nề về hải quân, không quân trong những trận hải chiến với Mĩ; việc oanh tạc liên tiếp, dữ dội của không quân Mĩ kéo dài nhiều tháng xuống 70 thành phố lớn của Nhật (kể cả thủ đô Tôkiô); việc Mĩ chiếm được đảo Ôkinaoa, cửa ngõ đi vào Nhật Bản; 2 quả bom nguyên tử hủy diệt hai thành phố Hirôsima và Nagadaki, dù là một tội ác man rợ nhưng cũng đã gay ra tâm lí hoảng sợ và làm suy sụp tinh thần của giới cầm quyền Nhật Bản.

Việc Liên Xô tham chiến ở Viễn Đông và xuất kích với một lực lượng rất hùng hậu đã đặt Nhật Bản vào một thế thất bại hoàn toàn không tránh khỏi được.

Ở Trung Quốc, quân giải phóng nhân dân đã chuyển sang tổng phản công và ở nhiều nước Đông Nam Á khác, phong trào chống Nhật đang lên sôi sục (Việt Nam, Inđônêxia, Mã Lai, Miến Điện).

- Sức ép của nhân dân Nhật Bản và áp lực của phái “chủ hàng” trong nội bộ giới cầm quyền Nhật.

3. Kết cục của Chiến tranh thế giới thứ hai

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người (bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại).

Tội phạm gây nên cuộc chiến tranh đẫm máu và đau thương là bọn phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, nhưng chúng có thể gây ra chiến tranh được là vì có những thế lực “dung dưỡng”, “thỏa hiệp” với chúng.

Bảng so sánh hai cuộc chiến tranh thế giới:

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Chiến tranh thế giới thứ hai

- Những nước tuyên bố tình trạng chiến tranh

36

76

- Số người bị động viên vào quân đội (triệu người)

74

110

- Số người chết (triệu người)

13,6

60

- Số người bị thương và tàn tật (triệu người)

20

90

- Chi phí quân sự trực tiếp (tỉ đô la)

208

1384

- Thiệt hại về vật chất (tỉ đô la)

388

4000

 

Số người chết ở 10 nước tham chiến chủ yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai (cả quân nhân và thường dân)

Nước

Tổng số người chết

Tỉ lệ % so với dân số năm 1939

Liên Xô

27.000.000

16,2%

Trung Hoa

13500.000

2,2%

Đức

5.600.000

7%

Ba Lan

5.000.000

14%

Nhật Bản

2.200.000

3%

Nam Tư

1.500.000

10%

Pháp

630.000

1,5%

Italia

480.000

1,2%

Anh

382.000

1%

300.000

0,3%

“Kẻ gieo gió, phải gặt bão”, chiến tranh kết thúc với sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, sự sụp đổ của chính những kẻ đã gây ra chiến tranh. Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít có ý nghĩa lịch sử trọng đại, làm thay đổi căn bản tính hình thế giới.

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc đụng đầu và sự thử thách quyết liệt, toàn diện giữa hai thế lực tiến bộ và phản động trên phạm vi toàn thế giới, mở ra một thời kì mới của lịch sử thế giới hiện đại.

Sơ kết lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

1. Nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

Nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945 là cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp rộng lớn, quyết liệt, phức tạp giữa một bên là nước xã hội chủ nghĩa (Liên Xô), các dân tộc bị áp bức, giai cấp công nhân và nhân dân các nước với một bên là chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa phát xít và các thế lực phản động khác nhằm giành bốn mục tiêu lớn:hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.Mặt khác, đây cũng là cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt giữa các cường quốc nhằm tranh giành phân chia phạm vi thế lực và thiết lập một trật tự thế giới có lợi cho mình như sự thiết lập và sụp đổ của“Hệ thống Vecxai – Oasinhtơn”sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (từ 1918 đến 1945).

2. Những vấn đề chính yếu của lịch sử thế giới hiện đại từ 1917 đến 1945

Từ 1917 đến 1945, lịch sử thế giới hiện đại bao gồm những vấn đề chính yếu sau đây:

- Chủ nghĩa xã hội được xác lập đầu tiên ở nuột nước, nằm giữa vòng vây của chủ nghĩa tư bản

Để thiết lập nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, nhân dân Liên Xô đã phải trải qua những chặng đường cách mạng khó khăn, gian khổ với biết bao hi sinh và tổn thất. Cuộc Cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng; cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Nga và đưa nước Nga lên con đường xã hội chủ nghĩa; cuộc đấu tranh chống nội loạn và can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc (1918 - 1920) nhằm bảo vệ cách mạng; công cuộc xây dựng chế độ mới trong những năm 1921-1941 dẫn đến bước đầu xây dựng được những nền móng của chủ nghĩa xã hội; cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại 1941 - 1945 đánh bại chủ nghĩa phát xít, không chỉ bảo vệ được Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nhân loại. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Liên Xô đã vươn lên trở thành một cường quốc công nghiệp đứng thứ hai trên thế giới, có nền văn hóa - giáo dục và khoa học, kĩ thuật tiên tiến vào hàng đầu thế giới. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, nhân dân Liên Xô đã đánh bại mọi cuộc tấn công thù địch của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động luôn chiếm ưu thế gấp bội vẽ sức mạnh kinh tế và quân sự. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những thành tựu và thắng lợi kì diệu này, nhưng cơ bản nhất là do tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (tuy lúc này có tồn tại những sai lầm, thiếu sót).

Sự tồn tại và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên – Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết là nét nổi bật ở thời kì này, có ảnh hưởng và tác động sâu sắc tới tiến trình của lịch sử thế giới.

- Bước chuyển biến của cách mạng thế giớitừ sau Cách mạng tháng Mười Nga

Trước Cách mạng tháng Mười, cách mạng thế giới đang lâm vào tình trạng khó khăn. Ở các nước tư bản Âu - Mĩ, phong trào công nhân lại bất đồng về tư tưởng, không thống nhất về đường lối cách mạng, bị chia rẽ về tổ chức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, phong trào giải phóng dân tộc lâm vào cuộc khủng hoảng, chưa tìm ra con đường và phương pháp cách mạng để đi đến thắng lợi; giữa phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc hầu như không có mối liên quan gì. Cách mạng tháng Mười, bằng lí luận và thực tiễn thắng lợi của mình, đã thúc đẩy và dẫn tới bước chuyển biến mới của cách mạng thế giới về nội dung, đường lỗi và phương pháp phát triển. Ở nhiều nước, các Đảng Cộng sản ra đời đảm nhiệm sứ mạng lãnh đạo cách mạng đi theo con đường Cách mạng tháng Mười đã vạch ra, tứccon đường xã hội chủ nghĩa.Phong trào công nhân ở các nước tư bản, đế quốc và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trở nên gắn bó, phối hợp mật thiết với nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thủ chung là chủ nghĩa đế quốc. Bước chuyển biến mới này đã thúc đẩy cách mạng thế giới không ngừng phát triển: cao trào cách mạng 1918 - 1923; cao trào cách mạng những năm khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933; phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít những năm 1936 - 1939; cuộc chiến tranh chống phát xít những năm 1939 - 1945. Quá trình phát triển này là bước tập dượt và chuẩn bị cơ sở cho thắng lợi của cách mạng thế giới những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

-Chủ nghĩa tư bản không còn là hệ thống duy nhất trên toàn thế giới

Cách mạng tháng Mười đã đánh đổ chủ nghĩa tư bản ở một khâu quan trọng của nó là đế quốc Nga, chiếm 1/6 diện tích trái đất. Cũng từ đó, một xã hội mới ra đời – xã hội xã hội chủ nghĩa mà mỗi bước phát triển của nó đều gây nên một sự tương phản đối lập với hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Mặt khác, cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất không chỉ để lại những tổn thất nặng nề về của cải, sinh mạng, làm cho tất cả các nước thắng trận và bại trận đều bị suy yếu (trừ Mĩ) nhưng nghiêm trọng hơn, dẫn đến sự phân chia lại thế giới theo ''hệ thống Vecxai – Oasinhtơn”, làm nảy sinh những mâu thuẫn mới hết sức sâu sắc giữa các đế quốc, tư đó dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ hai (từ 1918 đến 1945). Chủ nghĩa tư bản không có những thời kì ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế kéo dài như trước đây nữa mà chỉ có một thời gian ngắn ngủi trong những năm 1924 - 1929, rồi sau đó lâm vào cuộc khủng hoàng kinh tế thế giới 1929 - 1933 dẫn tới sự lên cầm quyền của chủ nghĩa phát xít ở nhiều nước: Italia, Đức, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bungari, Hunggari… Kết quả, chủ nghĩa đế quốc đã phân thành hai khối đế quốc đối lập, “hệ thống Vecxai – Oasinhtơn” bị phá vỡ. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, kết thúc một thời kì phát triển của lịch sử thế giới hiện đại.

- Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh gây nên tổn thất về người và của khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Kể từ khi Liên Xô tham chiến, chiến tranh mang tính chất chính nghĩa nhằm giải phóng nhân loại khỏi thảm họa phát xít, vì thế thắng lợi của chiến tranh đã dẫn đến những biến chuyển căn bản về tình hình thế giới có lợi cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

3. Xu thế phát triển của lịch sử thế giới hiện đại

Từ 1917 đến 1945, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội (lúc này Liên Xô là đại diện) với chủ nghĩa tư bản, cũng như cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trong phạm vi từng nước và trên phạm vi toàn thế giới đã diễn ra gay gắt, quyết liệt. Tuy lúc đầu ở thế yếu và nằm trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội đã không ngừng lớn mạnh và ngày càng phát huy ảnh hưởng của nó đối với thế giới. Phong trào cách mạng thế giới đã chuyển sang thời kì phát triển mới, đặt nền móng cho thắng lợi to lớn ở giai đoạn sau này. Chủ nghĩa tư bản đã mất đi một khâu quan trọng và địa vị của nó bị suy giảm nhiều so với trước kia.

Thắng lợi của cuôc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sang một thời kì mới.

mik mất cả buổi tối mới ghi xong nên k nhé

12 tháng 1 2022

A

3 tháng 2 2021

Đêm nay rừng hoang sương muối Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới Đầu súng trăng treo Ba câu thơ cuối của bài thơ vừa thể hiện tình đồng chí của người lính trong chiến đấu vừa gợi lên hình ảnh người lính rấtđẹp, rất lãng mạn. Trong đêm sương muối rét buốt, những người lính phải đứng gác nơi rừng hoang. Trong thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn như vậy, những người lính vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng "chờ giặc tới". Ôi, trong cuộc kháng chiến gian khổ ấy, những người lính lại sát “ánh bên nhau, đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại khó khăn gian khổ. Hình ảnh những người lính hiện lên rất chân thực, rất đẹp. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" vừa là hình ành tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đêm đứng gác về khuya, trăng xuống thấp, những người lính lại đeo súng trên vai nên ta có cảm giác như trăng treo nơi đầu súng. Nhưng cây súng cũng là biểu tượng cho lực lượng chiến đấu bảo vệ hoà bình, trăng là biểu tượng cùa hoà bình. Với hình ảnh "đầu súng trăng treo" là hình ảnh thơ đẹp và lãng mạn, thể hiện hình ảnh của người lính cách mạng, và qua đó cũng chính là thể hiện tình đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng trong chiến đấu gian khổ.

3 tháng 2 2021

Tình cảm gia đình trong chiến tranh là một tình cảm đặc biệt thiêng liêng, bom đạn của chiến tranh tuy ác liệt nhưng không thể chia cách được họ. Tình cảm trong gia đình hiện nay cũng vậy, không có gì chia cắt được

Với hoàn cảnh cảm động giữa cha con ông Sáu và bé Thu, ta thấy được sự chia cắt của chiến tranh đã dẫn đến những bi kịch đau xót ấy. Tình cảm của họ rất lớn lao nhưng chỉ vì chiến tranh mà tình cảm ấy đã bị sứt mẻ, không được bền chặt. Phải đợi cho đến giây phút cao trào nhất thì tình cảm ấy mới được bộc phát từ bé Thu.

Qua đây cho thấy, tình cảm trong chiến tranh hoàn cảnh nhưng rất mãnh liệt và thấm thía. Tuy không đến được đích cuối nhưng để lại những tâm tư sâu lắng. Còn cuộc sống hiện tại đã đầy đủ tiện nghi hơn, thứ tình cảm ấy vẫn luôn tồn đọng nhưng có lẽ không sâu sắc bằng hồi chiến tranh.

18 tháng 3 2021

Em tham khảo nhé ! 

 

Viết về đề tài kháng chiến không thể không kể đến thành công rất vang dội của rất nhiều nhà văn. Nó thậm chí còn trở thành những bằng chứng thép về những tháng ngày đau thương mà hào hùng của cả dân tộc. Những tác phẩm đi sâu bám sát từng diễn biến của cuộc kháng chiến lịch sử gợi cho người đọc biết bao nhiêu liên tưởng.

Thế nhưng có lẽ trong hướng đi chung đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên cái riêng đầy khác biệt. Không đi sâu vào cuộc kháng chiến, không miêu tả cặn kẽ nỗi đau thương mà ông đi vào thứ tình cảm gia đình trong kháng chiến. Một cái riêng trong cái chung đầy vĩ đại ấy đó chính là đứa con tinh thần “chiếc lược ngà”. Câu chuyện tình cha con cảm động trong kháng chiến ấy đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người.

Tình cảm gia đình trong thời chiến có lẽ không được nhiều nhà văn chú trọng bởi lẽ trong những thời khắc cam go đó đi sâu sát vào diễn biến cuộc kháng chiến mới là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng “Chiếc lược ngà” chính là một nốt ngân vang trong bản nhạc hào hùng đó. Nó như xoáy sâu vào nỗi đau chiến tranh đồng thời đó là tiếng lòng của những con người, những số phận về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà giặc đã gieo nên trên mảnh đất Việt Nam.

Tình cảm cha con của ông Sáu và bé Thu chính là thứ tình cảm đại diện trong thời buổi loạn lạc đó. Thứ tình cảm dung dị đặc biệt mà bom đạn không thể vùi lấp được. Ông Sáu xa nhà khi con còn nằm trong bụng mẹ mãi đến năm con gái tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà. Thế nhưng vì vết sẹo trên mặt mà đứa con gái tên Thu không nhận ra cha vì quá khác so với hình. Nó nhất quyết không nhận ông là cha.

Chỉ đến khi ông chào từ biệt mọi người về chiến khu thì đứa con mới nhận ra cha. Tình ca con thức dậy mãnh liệt là lúc hai cha con phải chia ly. Ở chiến khu ông gửi gắm tình yêu thương con bằng việc khắc chiếc lược ngà tặng con song chiếc lược chưa đến tay con cũng là lúc ông hi sinh trong một trận càn lớn của giặc. Trong giờ phút ngắn ngủi đó ông đã kịp trao chiếc lược cho bác Ba nhờ bác chuyển cho con gái.

Viết Chiếc lược ngà nhà văn Nguyễn Quang Sáng không tập trung miêu tả cặn kẽ tình cảm gia đình trong chiến tranh mà chủ yếu tập trung khai thác diễn biến tâm trạng nhân vật. Song nhà văn đã khéo léo lồng ghép để làm bừng sáng tư tưởng cách mạng khát vọng tự do trong đó. Và điều này đòi hỏi nhà văn phải là người có cái nhìn đúng đắn và giàu sức thuyết phục.

Sự yêu thương con nỗi khát khao gặp con khiến người cha không thể kìm nổi xúc động. Không chờ xuồng cập bến ông Sáu đã nhảy tót lên bờ làm chiếc xuồng chòng chành và cất tiếng gọi tha thiết: “Con! Thu”. Người cha không kìm nổi xúc động đến mức run run. Thế nhưng đáp lại tiếng gọi tha thiết ấy đứa con gái đứng ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình, rồi co chạy bỏ chạy. Bỏ mặc người cha lúc này đứng chết sững, mặt sầm lại vô cùng đáng thương, hai tay buông thõng như bị gãy.

Cuộc đời như đang tạo nên cho ông nhiều tình huống dở khóc dở cười. Trong suốt mấy ngày ở nhà ông càng ra sức gần gũi chào hỏi thì con bé càng đẩy ông ra xa. Điều ông mong mỏi chỉ là một tiếng ba thân thương thế nhưng con bé lại chẳng bao giờ chịu gọi. Những lúc như thế ông chỉ nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu và cười vì khổ tâm đến mức không thể khóc nổi. Thế rồi những lúc vì khổ tâm quá không thể kìm chế được ông đã đánh con. Sau đó ông hối hận không thôi. Nỗi mâu thuẫn cứ giằng xé trong lòng người cha tội nghiệp.

Càng đến ngày hết phép cũng là lúc ông càng tuyệt vọng vì có lẽ tiếng cha sẽ mãi mãi chẳng bao giờ được nghe. Nỗi đau của ông cũng chính là nỗi đau của rất nhiều những chiến sĩ bấy giờ. Ngày đêm chiến đấu vì lí tưởng vĩ đại nhưng chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thương gia đình.

Những tưởng người cha khốn khổ ấy sẽ mang nỗi đau đáu đến khi ra chiến trường thì đến phút cuối cùng đứa con gái đã trao cho anh Sáu một tiếng gọi ngọt ngào. Người cha đứng chào mọi người, lặng lẽ đưa mắt nhìn đứa trẻ núp sau cánh cửa anh cũng muốn đến ôm nó lắm nhưng chỉ sợ nó lại chạy đi. Anh chỉ dám nhìn con từ xa và bảo “Ba đi nghen con”. Ai ngờ trong giây phút ấy bé Thu chạy đến gọi “Ba”. Sự ngọt ngào khiến người cha như nín thở, giây phút này anh đã chờ đợi bao lâu. Cái ôm đầy bịn rịn đứa con dường như chẳng nỡ rời xa cha mình. Chỉ khi anh hứa sẽ mang tặng con mình chiếc lược ngà đứa con mới bịn rịn rời lưng cha.

Thế nhưng người cha ấy đã mang theo lời hứa mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mưa bom bão đạn. Trong một trận càn lớn của địch anh Sáu đã hi sinh, trong cái thời khắc ấy khi chẳng còn sức lực để chăng chối điều gì anh chỉ lặng lẽ rút chiếc lược trong túi đưa vào tay bác Ba với mong muốn chuyển đến tay người con gái yêu thương của mình. Chiếc lược được người cha làm nên bởi những nhớ nhung khắc khoải và cả những ân hận trong những lần nỡ xuống tay đánh con mình. Chiếc lược người cha đã cặm cụi làm nên trong những giờ buông súng nghỉ ngơi, thỉnh thoảng lại mang ra chải tóc cho lược thêm bóng. Hình như ở cái giờ phút sinh li tử biệt đó, mọi đau thương đều nhường chỗ cho tình yêu thương, tình phụ tử. Chỉ có tình phụ tử là bất diệt trước mũi tên hòn đạn mà thôi.

Ta không thể phủ nhận một điều rằng hoàn cảnh của anh Sáu trong Chiếc lược ngà là một câu chuyện về tình cha con sâu sắc nhưng nó cũng chỉ là một trong vô số những câu chuyện gia đình cảm động trong hoàn cảnh chiến tranh thời bấy giờ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên một câu chuyện vô cùng ấn tượng, một điểm sáng chói lòa trong bầu trời văn học kháng chiến. Nó thể hiện tình người sâu sắc, tình cảm gia đình bất diệt dù trong mọi hoàn cảnh vẫn sáng ngời bất diệt. Và cũng chỉ có thứ tình cảm dung dị đó mới là động lực bất diệt khiến con người ta chiến đấu quả cảm và anh dũng đến vậy mà thôi.

17 tháng 3 2021

Em tham khảo nhé !

 

Viết về đề tài kháng chiến không thể không kể đến thành công rất vang dội của rất nhiều nhà văn. Nó thậm chí còn trở thành những bằng chứng thép về những tháng ngày đau thương mà hào hùng của cả dân tộc. Những tác phẩm đi sâu bám sát từng diễn biến của cuộc kháng chiến lịch sử gợi cho người đọc biết bao nhiêu liên tưởng.

Thế nhưng có lẽ trong hướng đi chung đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên cái riêng đầy khác biệt. Không đi sâu vào cuộc kháng chiến, không miêu tả cặn kẽ nỗi đau thương mà ông đi vào thứ tình cảm gia đình trong kháng chiến. Một cái riêng trong cái chung đầy vĩ đại ấy đó chính là đứa con tinh thần “chiếc lược ngà”. Câu chuyện tình cha con cảm động trong kháng chiến ấy đã lấy đi nước mắt của không biết bao nhiêu người.

Tình cảm gia đình trong thời chiến có lẽ không được nhiều nhà văn chú trọng bởi lẽ trong những thời khắc cam go đó đi sâu sát vào diễn biến cuộc kháng chiến mới là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng “Chiếc lược ngà” chính là một nốt ngân vang trong bản nhạc hào hùng đó. Nó như xoáy sâu vào nỗi đau chiến tranh đồng thời đó là tiếng lòng của những con người, những số phận về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà giặc đã gieo nên trên mảnh đất Việt Nam.

Tình cảm cha con của ông Sáu và bé Thu chính là thứ tình cảm đại diện trong thời buổi loạn lạc đó. Thứ tình cảm dung dị đặc biệt mà bom đạn không thể vùi lấp được. Ông Sáu xa nhà khi con còn nằm trong bụng mẹ mãi đến năm con gái tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà. Thế nhưng vì vết sẹo trên mặt mà đứa con gái tên Thu không nhận ra cha vì quá khác so với hình. Nó nhất quyết không nhận ông là cha.

Chỉ đến khi ông chào từ biệt mọi người về chiến khu thì đứa con mới nhận ra cha. Tình ca con thức dậy mãnh liệt là lúc hai cha con phải chia ly. Ở chiến khu ông gửi gắm tình yêu thương con bằng việc khắc chiếc lược ngà tặng con song chiếc lược chưa đến tay con cũng là lúc ông hi sinh trong một trận càn lớn của giặc. Trong giờ phút ngắn ngủi đó ông đã kịp trao chiếc lược cho bác Ba nhờ bác chuyển cho con gái.

Viết Chiếc lược ngà nhà văn Nguyễn Quang Sáng không tập trung miêu tả cặn kẽ tình cảm gia đình trong chiến tranh mà chủ yếu tập trung khai thác diễn biến tâm trạng nhân vật. Song nhà văn đã khéo léo lồng ghép để làm bừng sáng tư tưởng cách mạng khát vọng tự do trong đó. Và điều này đòi hỏi nhà văn phải là người có cái nhìn đúng đắn và giàu sức thuyết phục.

Sự yêu thương con nỗi khát khao gặp con khiến người cha không thể kìm nổi xúc động. Không chờ xuồng cập bến ông Sáu đã nhảy tót lên bờ làm chiếc xuồng chòng chành và cất tiếng gọi tha thiết: “Con! Thu”. Người cha không kìm nổi xúc động đến mức run run. Thế nhưng đáp lại tiếng gọi tha thiết ấy đứa con gái đứng ngơ ngác không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình, rồi co chạy bỏ chạy. Bỏ mặc người cha lúc này đứng chết sững, mặt sầm lại vô cùng đáng thương, hai tay buông thõng như bị gãy.

Cuộc đời như đang tạo nên cho ông nhiều tình huống dở khóc dở cười. Trong suốt mấy ngày ở nhà ông càng ra sức gần gũi chào hỏi thì con bé càng đẩy ông ra xa. Điều ông mong mỏi chỉ là một tiếng ba thân thương thế nhưng con bé lại chẳng bao giờ chịu gọi. Những lúc như thế ông chỉ nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu và cười vì khổ tâm đến mức không thể khóc nổi. Thế rồi những lúc vì khổ tâm quá không thể kìm chế được ông đã đánh con. Sau đó ông hối hận không thôi. Nỗi mâu thuẫn cứ giằng xé trong lòng người cha tội nghiệp.

Càng đến ngày hết phép cũng là lúc ông càng tuyệt vọng vì có lẽ tiếng cha sẽ mãi mãi chẳng bao giờ được nghe. Nỗi đau của ông cũng chính là nỗi đau của rất nhiều những chiến sĩ bấy giờ. Ngày đêm chiến đấu vì lí tưởng vĩ đại nhưng chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thương gia đình.

Những tưởng người cha khốn khổ ấy sẽ mang nỗi đau đáu đến khi ra chiến trường thì đến phút cuối cùng đứa con gái đã trao cho anh Sáu một tiếng gọi ngọt ngào. Người cha đứng chào mọi người, lặng lẽ đưa mắt nhìn đứa trẻ núp sau cánh cửa anh cũng muốn đến ôm nó lắm nhưng chỉ sợ nó lại chạy đi. Anh chỉ dám nhìn con từ xa và bảo “Ba đi nghen con”. Ai ngờ trong giây phút ấy bé Thu chạy đến gọi “Ba”. Sự ngọt ngào khiến người cha như nín thở, giây phút này anh đã chờ đợi bao lâu. Cái ôm đầy bịn rịn đứa con dường như chẳng nỡ rời xa cha mình. Chỉ khi anh hứa sẽ mang tặng con mình chiếc lược ngà đứa con mới bịn rịn rời lưng cha.

Thế nhưng người cha ấy đã mang theo lời hứa mãi mãi nằm lại nơi chiến trường mưa bom bão đạn. Trong một trận càn lớn của địch anh Sáu đã hi sinh, trong cái thời khắc ấy khi chẳng còn sức lực để chăng chối điều gì anh chỉ lặng lẽ rút chiếc lược trong túi đưa vào tay bác Ba với mong muốn chuyển đến tay người con gái yêu thương của mình. Chiếc lược được người cha làm nên bởi những nhớ nhung khắc khoải và cả những ân hận trong những lần nỡ xuống tay đánh con mình. Chiếc lược người cha đã cặm cụi làm nên trong những giờ buông súng nghỉ ngơi, thỉnh thoảng lại mang ra chải tóc cho lược thêm bóng. Hình như ở cái giờ phút sinh li tử biệt đó, mọi đau thương đều nhường chỗ cho tình yêu thương, tình phụ tử. Chỉ có tình phụ tử là bất diệt trước mũi tên hòn đạn mà thôi.

Ta không thể phủ nhận một điều rằng hoàn cảnh của anh Sáu trong Chiếc lược ngà là một câu chuyện về tình cha con sâu sắc nhưng nó cũng chỉ là một trong vô số những câu chuyện gia đình cảm động trong hoàn cảnh chiến tranh thời bấy giờ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã tạo nên một câu chuyện vô cùng ấn tượng, một điểm sáng chói lòa trong bầu trời văn học kháng chiến. Nó thể hiện tình người sâu sắc, tình cảm gia đình bất diệt dù trong mọi hoàn cảnh vẫn sáng ngời bất diệt. Và cũng chỉ có thứ tình cảm dung dị đó mới là động lực bất diệt khiến con người ta chiến đấu quả cảm và anh dũng đến vậy mà thôi.

17 tháng 3 2021

Tham khảo nha em:

Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một truyện cảm động về tình cha con của những gia đình Việt Nam mà ở đó "lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành". Trong truyện đoạn cảm động nhất là đoạn "ba ngày nghỉ phép về quê của anh Sáu".

Năm 1946, năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Sáu lên đường theo tiếng gọi của quê hương. Bấy giờ, bé Thu, con gái anh chưa đầy một tuổi. Chín năm đằng đẵng xa quê, xa nhà, anh Sáu vẫn mong có một ngày trở về quê gặp lại vợ con.

Thế rồi, kháng chiến thắng lợi, anh được nghỉ 3 ngày phép về thăm quê, một làng nhỏ bên bờ sông Cửu Long. Về đến nhà, anh tưởng tượng bé Thu - con gái anh sẽ rất vui mừng khi được gặp cha. Giờ đây, nó cũng đã mười tuổi rồi còn gì. Mang một nỗi niềm rạo rực, phấn chấn, anh nôn nóng cho mau về đến nhà.

Không chờ xuồng cập bến, anh đã nhảy lên bờ vừa bước, vừa gọi: "Thu! Con!" thật tha thiết. Ta có thể tưởng tượng nỗi vui sướng của anh như thế nào khi anh vừa bước đi, vừa lom khom người xuống đưa tay chờ con. Thế nhưng ngược lại với những điều anh Sáu mong chờ. Bé Thu tròn mắt nhìn anh ngạc nhiên rồi bỏ chạy. Phản ứng của bé Thu khiến anh Sáu sững sờ, đau khổ. Còn gì đáng buồn hơn khi đứa con mà anh hết lòng thương yêu và khắc khoải từng ngày để được gặp mặt, giờ đây trở nên xa lạ đến mức phũ phàng ấy.

Thế rồi, anh Sáu tìm mọi cách gặp con để làm quen dần vì anh nghĩ rằng khi anh đi nó vừa mấy tháng tuổi nên nó lạ. Anh mong sao nó gọi một tiếng "ba", vào ăn cơm nó chỉ nói trống không "Vô ăn cơm!". Bữa sau, cũng là ngày phép thứ hai, bé Thu trông hộ mẹ nồi cơm để chị Sáu chạy đi mua thức ăn. Trước khi đi, chị Sáu dặn nó có gì cần thì gọi ba giúp cho. Nồi cơm quá to mà bé Thu thì còn nhỏ, vậy mà khi nồi cơm sôi không tìm được cách nào để chắt nước, loay hoay mãi, nó nhìn anh Sáu một lúc rồi kêu lên: "Cơm sôi rồi, chắt nước dùm cái!". Anh Sáu vẫn ngồi im, chờ đợi sự thay đổi của nó. Thế nhưng, nó nghĩ ra cách lấy vá múc ra từng vá nước chứ nhất định không chịu gọi anh Sáu bằng "Ba". Con bé thật đáo để!

Đến bữa ăn cơm, anh Sáu gắp cho bé Thu một cái trứng cá to, vàng bỏ vào chén. Lúc đầu nó để đó rồi bất thần hất cái trứng ra làm cơm đổ tung toé. Giận quá, không kìm được nữa, anh Sáu vung tay đánh vào mông nó. Thế là bé Thu vội chạy ra xuồng mở "lòi tói" rồi bơi qua sông lên nhà bà ngoại.

Phép chỉ còn ngày cuối cùng, anh Sáu phải trở về đơn vị để nhận nhiệm vụ mới. Bao nhiêu mơ ước được hôn, ôm con vào lòng từ bấy lâu nay của anh Sáu giờ chỉ càng làm cho anh thêm đau lòng và gần như anh không còn để ý đến nó nữa.

Thân nhân, họ hàng đến chia tay anh cũng khá đông nên anh cứ bịn rịn mãi. Chị Sáu cũng lo sắp xếp đồ đạc cho chồng, không ai quan tâm bé Thu đang đứng bơ vơ một mình bên cửa nhà. Thì ra nó theo bà ngoại trở về vì bà ngoại sang đây để tiễn chân anh Sáu. Giờ này, trên gương mặt Thu không còn cái vẻ bướng bỉnh, ương ngạnh nữa, mà thoáng một nét buồn trông đến dễ thương. Nó nhìn mọi người, nhìn anh Sáu. Đến lúc mang ba lô và bắt tay với mọi người, anh Sáu mới nhìn quanh tìm bé Thu. Thấy con, dường như mọi việc trong ba ngày phép hiện lên trong anh nên anh chỉ đứng nhìn con với bao nỗi xót xa... Cuối cùng, anh cũng phải nói lên lời chia tay với con mà không hy vọng bé Thu sẽ gọi một tiếng "ba" thiêng liêng ấy. Thật là đột ngột và không ngờ, bé Thu chạy đến bên anh Sáu và tiếng "Ba!" được thốt lên thật cảm động biết nhường nào. Nó ôm chầm thật chặt như không muốn rời ba nữa. Nó khóc, khóc thật nhiều và thét lên những lời khiến mọi người xung quanh đều xúc động: "Không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con!".

Sung sướng, hạnh phúc và cũng thật đau lòng, anh Sáu cũng chỉ biết ôm con và khóc cùng với con. Rồi cũng đến lúc phải chia tay, thật bịn rịn vô cùng. Vừa mới nhận được tiếng "ba" của đứa con thân yêu cũng là lúc phải nghẹn ngào chia tay với con để trở về đơn vị làm tròn trách nhiệm khi đang ở quân ngũ.

Trước kia anh Sáu đã thương con, giờ đây anh càng thương con gấp bội. Bởi lẽ anh đã hiểu lí do vì sao bé Thu quyết định từ chối không gọi anh bằng "ba" từ ba hôm nay.

Làm sao chấp nhận một người xa lạ mà khuôn mặt không giống trong tấm ảnh mà mẹ nó thường ngày vẫn nói với nó đó là "ba" được. Chính vết sẹo quái ác kia đã làm cho bé Thu không nhận anh Sáu, hằn học với anh Sáu. Sau khi hiểu rõ nguyên nhân của vết sẹo hằn trên gương mặt của ba, bé Thu mới thấy hổ thẹn và ăn năn. Tình cảm cha con bỗng dâng đầy, tràn ngập trong lòng em. Tình cảm đó được thể hiện bằng thái độ, cử chỉ dồn dập, gấp rút khi nó gọi và ôm chầm lấy anh Sáu. Ba ngày phép ngắn ngủi nhưng lại rất nặng nề với anh Sáu và bé Thu. Nghịch cảnh này là một trong muôn ngàn nghịch cảnh khác mà đã có biết bao gia đình phải ngậm ngùi vì những ngộ nhận đáng thương. Đó cũng là một sự thật đau lòng của nước Việt Nam ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Chiến tranh đã đi qua nhưng qua tài liệu chúng ta có thể thấy được chiến tranh tàn ác như thế nào và khiến đời sống của chúng ta nhà tan, cửa nát, mất mát và chia li. Đọc truyện ngắn Chiếc lược ngà chúng ta có thể thấy được lòng yêu thương con sau bao nhiêu năm xa cách như thế nào, nó đã làm rung động biết bao trái tim khi đọc qua tác phẩm này.