(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
Đành lòng Sinh mới quyết lòng hồi trang(1).
Rạng ra gửi đến xuân đường(2),
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia(3).
Tiễn đưa một chén quan hà(4),
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình(5).
Sông Tần(6) một dải xanh xanh,
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan(7).
Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời.
Nàng rằng: "Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Dễ lòa yếm thắm, trôn kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng(8)!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng(9),
Đến nhà, trước liệu nói sòng(10) cho minh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
Lại mang những việc tày trời đến sau.
Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy!
Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi bữa này năm sau!"
Người lên ngựa, kẻ chia bào(11),
Rừng phong(12), thu đã nhuốm màu quan san(13).
Dặm hồng(14) bụi cuốn chinh an(15),
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
(Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002, trang 120 - 122)
Vị trí đoạn trích: Sau khi thành thân, Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về gặp Hoạn Thư - vợ cả, để trình bày về việc chàng đã cưới vợ lẽ. Đoạn trích trên tái hiện khung cảnh tiễn biệt giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều.
Chú thích:
(1) Hồi trang: Về quê.
(2) Xuân đường: Người cha.
(3) Ninh gia: Về thăm nhà.
(4) Chén quan hà: Chén rượu tiễn biệt.
(5) Xuân đình: Nơi sum họp, vui vẻ. Cao đình: Nơi từ biệt nhau (xuất phát từ câu thơ cổ: Cao đình tương biệt xứ, nghĩa là chỗ từ biệt nhau ở cao đình).
(6) Sông Tần: Sông ở đất Tần Xuyên, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
(7) Dương Quan: Tên một cửa ải ở biên giới tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc.
(8) Dễ lòa ... khó lòng: Việc Thúc Sinh lấy Thúy Kiều làm vợ lẽ không thể nào giấu kín được.
(9) Đèo bòng: Vương vít tình duyên.
(10) Nói sòng: Nói thẳng, không quanh co, giấu giếm.
(11) Chia bào: Thường khi li biệt người ta hay nắm lấy áo nhau, thể hiện tình cảm quyến luyến.
(12) Phong: Một loại cây, đến mùa thu thì sắc lá hóa đỏ.
(13) Quan san: Quan ải, núi non, thường chỉ sự xa xôi, cách trở.
(14) Dặm hồng: Dặm đường đi giữa bụi hồng.
(15) Chinh an: Việc đi đường xa.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Văn bản thuộc thể loại nào?
Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Câu 4. Cảm hứng chủ đạo trong văn bản là gì? Từ đó, em hãy đề xuất một nhan đề cho văn bản này.
Câu 5. Thúy Kiều đã dặn dò với Thúc Sinh những gì? Những lời dặn dò đó cho thấy Thúy Kiều là người phụ nữ như thế nào?