Cách viết bài văn nghị luận văn phân tích đánh giá chủ đề của một tác phẩm thơ
Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
* Giống nhau: Liên hệ, mở rộng, so sánh với thực tiễn đời sống và suy nghĩ của bản thân
- Xác định các luận điểm trong bài viết và lựa chọn các dẫn chứng cụ thể, sinh động
- Triển khai bài viết đảm bảo sáng rõ ý kiến và hệ thống luận điểm
* Khác nhau:
- Bài văn nghị luận phân tích, đánh giá tác phẩm thơ
+ Chỉ ra giá trị của các yếu tố hình thức trong việc thể hiện nội dung, chủ đề của các tác phẩm thơ
+ Suy nghĩ, nhận xét về những thành công và hạn chế của tác giả về những giá trị và sự tác động của tác phẩm thơ đối với người đọc
- Bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
+ Tìm hiểu đề; xem lại các tác phẩm đã học liên quan đến vấn đề xã hội đặt ra của đề bài.
Phương pháp giải:
Sau quá trình học tập, tự rút ra những lưu ý cho bản thân.
Lời giải chi tiết:
Bài học | Một số điều thu nhận được |
Cách đọc một văn bản thơ. | - Đọc dựa vào mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ. - Đọc diễn cảm. - Để ý các dấu hiệu nghệ thuật như vần, nhịp, thanh, thể thơ, các biện pháp tu từ,... |
Cách sắp xếp trật tự từ trong câu. | - Đảm bảo đúng ngữ pháp và lô-gíc ngữ nghĩa. - Giúp câu văn, bài văn của mình hay và tránh lặp từ cũng như thừa từ. |
- Cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng. - Cách giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học. | - Giới thiệu rõ ràng tác phẩm sẽ phân tích, đánh giá. - Xác định rõ, đúng đối tượng viết và người nghe. - Hiểu được các sự kiện chính có trong tác phẩm. - Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm. - Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm. - Có lí lẽ thuyết phục và bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm. |
Cách nghe người khác trình bày ý kiến, quan điểm và trao đổi, nhận xét, đánh giá về các ý kiến đó. | - Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến vấn đề sẽ được nghe. - Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép. - Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá. - Đưa ra những lời nhận xét, thắc mắc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng. |
Bài học | Một số điều thu nhận được |
Cách đọc một văn bản thơ. | - Đọc dựa vào mạch cảm xúc và cảm hứng chủ đạo của bài thơ. - Đọc diễn cảm. - Để ý các dấu hiệu nghệ thuật như vần, nhịp, thanh, thể thơ, các biện pháp tu từ,... |
Cách sắp xếp trật tự từ trong câu. | - Đảm bảo đúng ngữ pháp và lô-gíc ngữ nghĩa. - Giúp câu văn, bài văn của mình hay và tránh lặp từ cũng như thừa từ. |
- Cách viết một văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật và tác dụng của chúng. - Cách giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm văn học. | - Giới thiệu rõ ràng tác phẩm sẽ phân tích, đánh giá. - Xác định rõ, đúng đối tượng viết và người nghe. - Hiểu được các sự kiện chính có trong tác phẩm. - Phân tích, đánh giá chủ đề của tác phẩm. - Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm. - Có lí lẽ thuyết phục và bằng chứng tin cậy lấy từ tác phẩm. |
Cách nghe người khác trình bày ý kiến, quan điểm và trao đổi, nhận xét, đánh giá về các ý kiến đó. | - Tìm hiểu về các kiến thức liên quan đến vấn đề sẽ được nghe. - Chuẩn bị giấy, bút để ghi chép. - Ghi chép ngay những thắc mắc, những câu hỏi muốn trao đổi với người nói về bài đánh giá. - Đưa ra những lời nhận xét, thắc mặc, trao đổi của mình với người nói bằng một giọng điệu nhẹ nhàng và thái độ tôn trọng. |
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ yêu cầu của một bài viết phân tích, đánh giá chủ đề và nghệ thuật tác phẩm trữ tình
- Tìm ý và lập dàn ý chi tiết.
- Tham khảo ngữ liệu.
- Viết bài.
- Sửa lỗi (nếu có).
Lời giải chi tiết:
Dàn ý
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật trong bài thơ Sang thu (Hữu Thỉnh).
2. Thân bài
a. Chủ đề
Bài thơ thể hiện những cảm xúc, những rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày hạ mạt thô sơ giữa thời khói lửa.
b. Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật
* Khổ 1: Tín hiệu của sự chuyển mùa
- Dấu hiệu “hương ổi” → mang đậm hương vị miền quê.
- Động từ mạnh “phả” → gợi liên tưởng cho người đọc về màu vàng ươm, hương thơm nồng nàn của “hương ổi” tỏa ra những cuối hạ, đầu thu đang phả vào trong “gió se”.
- Dấu hiệu “sương thu” kết hợp từ láy tượng hình “chùng chình” → gợi những bước đi chầm chậm sang của mùa thu.
* Khổ 2: Quang cảnh trời đất khi vào thu
- Từ láy “dềnh dàng” → dòng chảy không còn vội vã, như muốn đi chậm lại để tận hưởng những vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của mùa thu.
- Nhân hóa “chim vội vã” → đối lập với sự “dềnh dàng” của dòng sông, những đàn chim đang hối hả đi tìm thức ăn và bay về phương Nam xa xôi để tránh rét.
- Động từ “vắt” được dùng để miêu tả hình ảnh đám mây mùa hạ: đám mây được đặt ngang trên bầu trời, buông thõng xuống, gợi sự tinh nghịch, dí dỏm, chủ động.
* Khổ 3: Cảm nhận và suy nghĩ của nhà thơ về cuộc đời
- Các từ ngữ vẫn còn, đã vơi dần, cũng bớt bất ngờ được dùng rất hay để miêu tả về thời lượng và sự xuất hiện của sự vật nắng, mưa, sấm.
- Nắng, sấm, mưa: hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những biến đổi, những khó khăn, thử thách trong cuộc đời con người.
- Hàng cây đứng tuổi: ẩn dụ cho những con người từng trải, được tôi luyện qua những gian lao, thử thách của cuộc đời.
3. Kết bài: Khẳng định lại giá trị của bài thơ.
Bài viết chi tiết
Một mùa thu đầy lãng mạn và trữ tình đã trở thành đề tài quen thuộc trong những trang thi ca. Hữu Thỉnh – một cây bút trưởng thành từ quân đội, với những lời thơ nhẹ nhàng, sâu lắng đã mang đến cho độc giả bao cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời. Bằng sự sáng tạo, tâm hồn nhạy cảm trước sự vật, sự tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ, tác giả đã vẽ nên một bức tranh Sang thu thật quen thuộc và cũng thật mới lạ.
Sang thu với chủ đề về thiên nhiên mùa thu kết hợp cùng cảm hứng chủ đạo là những cảm xúc, những rung động tâm hồn trước cảnh vật thiên nhiên trong những ngày hạ mạt thô sơ giữa thời khói lửa. Bên cạnh đó, là những nét độc đáo trong nghệ thuật, cách sử dụng từ ngữ sáng tạo, hình ảnh ẩn dụ, nhân hóa để làm nổi bật lên chủ thể trữ tình được nói đến trong bài – mùa thu.
Nếu Xuân Diệu lấy sắc “mơ phai” của lá để báo hiệu thu tới thì Hữu Thỉnh cảm nhận qua “hương ổi”, một mùi hương quen thuộc với miền quê Việt Nam: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se. Động từ mạnh “phả” mang nghĩa bốc mạnh, tỏa ra thành luồng. Người nghệ sĩ ấy không tả mà chỉ gợi liên tưởng cho người đọc về màu vàng ươm, hương thơm nồng nàn của “hương ổi” tỏa ra những cuối hạ, đầu thu đang phả vào trong “gió se”.
Dấu hiệu tiếp theo là hình ảnh sương thu khi Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về. Sương thu đã được nhân hóa qua từ láy tượng hình “chùng chình” diễn tả những bước đi rất thơ, rất chầm chậm để mang mùa thu đến với nước nhà. Chữ “se” hiệp vần với “về” tạo nên những nhịp thơ nhẹ nhàng, thơ mộng, gợi cảm như chính cảm giác mà mùa thu mang đến vậy. Khổ thơ đầu được Hữu Thỉnh cảm nhận ở đa giác quan, thể hiện một cách sáng tạo những đặc trưng, dấu hiệu thu đến nơi quê nhà thanh bình.
Không gian nghệ thuật của bức tranh Sang thu được mở rộng, ở chiều cao, độ rộng của bầu trời với cánh chim bay và đám mây trôi, ở chiều dài của dòng sông qua khổ thơ thứ hai:
Sóng được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây màu hạ
Vắt nửa mình sang thu
Nước sông màu thu trên miền đất Bắc trong xanh, êm đềm, tràn đầy nên mới “dềnh dàng”, nhẹ trôi mãi như đang cố tình chảy chậm lại để được cảm nhận rõ nhất những nét đẹp của thiên nhiên tiết trời khi vào thu. Đối lập với sự “dềnh dàng” ấy là sự “vội vã” của những đàn chim đang bay về phương Nam tránh rét. Những đàn chim ấy khiến ta liên tưởng đến đàn ngỗng trời mà thi sĩ Nguyễn Khuyến đã nhắc đến trong Thu vịnh: Một tiếng trên không ngỗng nước nào? Dòng sông, cánh chim, đám mây mùa thu đều được nhân hóa. Tác giả sử dụng động từ “vắt” để miêu tả cho mây. Đám mây như được đặt ngang trên bầu trời, buông thõng xuống, gợi sự tinh nghịch, dí dỏm, chủ động. Bốn câu thơ đã khắc họa những biến chuyển tinh tế của cảnh vật từ mùa hè sang mùa thu. Mỗi cảnh vật lại có một đặc trưng riêng nhưng tất cả đã làm cho bức tranh mùa thu thêm thi vị hơn.
Những dư âm của mùa hạ vẫn còn: đó là ánh nắng, là những cơn mưa, là tiếng sấm giòn. Tuy nhiên, tất cả đã trở nên dịu dàng hơn, hiền hòa hơn, không còn bất ngờ và gắt gỏng nữa. Đồng thời, những suy ngẫm của tác giả về cuộc đời cũng được gửi gắm qua những câu từ nhẹ nhàng ấy.
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Nắng, mưa, sấm, những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa: mùa hạ - mùa thu được Hữu Thỉnh cảm nhận một cách tinh tế. Các từ ngữ “vẫn còn, đã vơi dần, bớt bất ngờ” gợi tả rất hay thời lượng và sự hiện hữu của sự vật, của thiên nhiên như nắng thu, mưa thu, tiếng sấm buổi đầu thu. Mùa hạ như còn níu giữ. Nắng, mưa, sấm mùa hạ như còn vương vấn hàng cây và đất trời. Nhìn cảnh vật sang thu buổi giao mùa, từ ngoại cảnh ấy mà nhà thơ suy ngẫm về cuộc đời. “Sấm" và “hàng cây đứng tuổi" là những ẩn dụ tạo nên tính hàm nghĩa của bài " Sang thu”. Nắng, mưa, sấm là những biến động của thiên nhiên, còn mang ý nghĩa tượng trưng cho những thay đổi, biến đổi, những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Hình ảnh ‘‘hàng cây đứng tuổi'' là một ẩn dụ nói về lớp người đã từng trải, được tôi luyện trong nhiều gian khổ, khó khăn.
Sang thu Là một bài thơ hay của Hữu Thỉnh. Bao cảm xúc dâng đầy trong những vần thơ đẹp, hữu tình, nên thơ. Nhà thơ không sử dụng bút màu vẽ nên những cảnh thu, sắc thu rực rỡ. Chỉ là một số nét chấm phá, tả ít mà gợi nhiều nhưng tác giả đã làm hiện lên cái hồn thu thanh nhẹ, trong sáng, êm đềm, mênh mang... đầy thi vị.
Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn từng nhận định: “Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng thơ cất lên từ sự hủy diệt để hướng về sự sống”. Quả đúng là như vậy đọc thơ Hàn Mặc Tử ta luôn thấy một tấm lòng khao khát yêu đời, khao khát sống. Một trong số đó là bài thơ “Mùa xuân chín”. Bài thơ được rút trong tập “Đau thương” (1938) – được coi là “tiếng thơ thuộc loại trong trẻo nhất của Hàn Mặc Tử”, trong trẻo song cũng đầy bí ẩn, đau thương.
“Mùa xuân chín” gây ấn tượng với bạn đọc bởi chính nhan đề của nó. Bởi lẽ, đọc thơ của Hàn Mặc Tử, ta luôn thấy một sự u huyền, mơ mộng, kì bí, đượm buồn và đau thương với những hình ảnh đặc trưng là “máu”, “trăng” và “rượu”. Thế nhưng, “mùa xuân chín” lại mang đến một cảm giác hoàn toàn mới lạ, một không gian tràn đầy sức sống của cảnh xuân và tình xuân. “Chín” vốn là tính từ để chỉ trạng thái của quả cây khi đã đến giai đoạn thu hoạch, ngọt ngào, căng mọng và thơm mát. Với ý nghĩa đó, Hàn Mặc Tử đã tạo nên một “mùa xuân chín” – một mùa xuân tràn đầy sức sống, viên mãn và tròn đầy. Mùa xuân đang ở độ tươi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, căng tràn nhựa sống nhất.
Mạch thơ là dòng tâm tư bất định với những chuyển kênh bất chợt. Về thời gian, tác giả đang say đắm trong thời khắc hiện tại với cảnh xuân tươi đẹp phô bày trước mắt, bỗng sực nhớ về quá khứ xa căm với khung cảnh làng quê thân thương. Về cảnh sắc, bức tranh xuân đang từ ngoại cảnh (mái nhà tranh, giàn thiên lí, sóng cỏ xanh tươi,...) thoắt biến thành tâm cảnh ( người con gái dánh thóc dọc bờ sông trắng). Về cảm xúc, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ dòng tâm tư của bản thân với nhiều bước ngoặt: từ niềm say mê, rạo rực đến trạng thái bâng khuâng, xao xuyến rồi buồn thương da diết. Có thể thấy, mạch thơ không đi theo một chiều mà luôn vận động vô cùng linh hoạt, phong phú. Đó chính là phong cách thơ độc đáo của chàng thi sĩ họ Hàn.
Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên tươi mới, ngập tràn ánh sáng, ngập tràn sắc xuân:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.
Thiên nhiên mùa xuân hiện ra ngập tràn sắc vàng của nắng hoà trong làn sương khói mờ ảo, huyền bí. Cách kết hợp từ “khói mơ tan” khiến ta hình dung những làn khói sương như đang hoà tan trong nắng tạo nên một khung cảnh đẹp như mơ. Sắc vàng của nắng càng trở nên rực rỡ với hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy bỗng nhà thơ bắt gặp tiếng “sột soạt” của “gió trêu tà áo biếc”. Biện pháp đảo ngữ và nhân hoá đã được nhà thơ sử dụng thật tài tình. “Sột soạt” được đảo lên đầu câu nhằm nhấn mạnh của động của cảnh vật. Gió như đang trêu đùa cùng tà áo biếc đón xuân sang, khiến không khí mùa xuân trở nên sôi động, vui tươi, đầy hứng khởi. Từ mái nhà tranh, nhà thơ di chuyển điểm nhìn đến “giàn thiên lí”. Dấu chấm đặt giữa câu thơ như một sự ngập ngừng, ngắt quãng. Bởi đó là khoảnh khắc thi nhân giật mình nhận ra “bóng xuân sang”. Mùa xuân được hữu hình hoá, có thể quan sát bằng thị giác. Bóng của mùa xuân nhẹ nhàng bước tới như thể đang đứng trước mặt nhà thơ, khiến con người ngỡ ngàng mà chiêm ngưỡng cái sắc xuân tươi đẹp ấy.
Từ điểm nhìn cận cảnh, Hàn Mạc Tử đưa tầm mắt ra xa với cái nhìn viễn cảnh. Không gian mùa xuân được rộng mở với “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. “Sóng” được kết hợp với thảm có xanh mướt khiến bạn đọc hình dung từng lớp cỏ như nối tiếp nhau, trải dài bất tận, sức sống dường như đang căng tràn một cách mãnh liệt. Ý thơ làm ta nhớ đến một câu thơ trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Cùng diễn tả một không gian mùa xuân với thảm cỏ xanh mướt trải dài bất tận nhưng cái độc đáo của Hàn Mặc Tử là cách nói “sóng cỏ” gợi ra một sự uyển chuyển, nhẹ nhàng mà mượt mà của những lớp cỏ xuân. Phải chăng sức sống cuộn trào từ bên trong, tạo thành những đợt sóng và kết lại tạo nên một “mùa xuân chín”!
Từ cảnh thu, Hàn Mạc Tử bỗng chuyển sang tình thu, bức tranh ngoại cảnh trở về với bức tranh tâm cảnh. Phải chăng, nhà thơ dùng cảnh mở đầu là để nói tình, tả tình? Một cái tình nồng hậu, thiết tha với con người và cuộc đời. Hoà cùng với không khí tươi vui của mùa xuân, ta thấy được cái náo nức trong lòng người:
“Bao cô thôn nữ hát trên đồi
-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
“Xuân xanh” là một ẩn dụ để chỉ những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Tuổi xuân của họ tươi đẹp, rực rỡ như mùa xuân của đất trời. Chính vì vậy, niềm vui của những cô thôn nữ hoà trong không khí mùa xuân chính là tình xuân. Cái ửng của nắng phải chăng chính là đôi má ửng hồng của các cô gái khi “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Niềm vui của họ là tình yêu đôi lứa, là sự gắn kết trong hôn nhân đến bạc đầu. “Mùa xuân chín” không chỉ là tiết trời xuân mà còn là tình xuân. Cái “chín” trong tình yêu chính là kết quả nên vợ nên chồng. Niềm hạnh phúc của những cô gái được thể hiện trong “tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi”. Hàn Mặc Tử đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thật tài tình. “Tiếng ca” vốn được cảm nhận bằng thính giác, nay được hữu hình hoà trong trạng thái “vắt vẻo”, cảm nhận bằng thị giác. Tiếng hát ca say sưa của con người như có sức hút, cao vút đến lưng chừng núi thể hiện niềm thiết tha yêu đời mãnh liệt. Dư âm của tiếng hát dường như còn ngập ngừng mà “vắt vẻo lưng chừng núi” tạo nên một âm thanh vang vọng khắp không gian. Xuân tình từ thiên nhiên lây lan, giao ứng với xuân tình trong lòng người, cả hai nhập vào nhau trong cùng một tiếng hát. Là tiếng hát của những cô thôn nữ mà cũng là tiếng hát của nước mây. Thiên nhiên và con người đồng ca, đồng vọng hay tiếng hát trong lòng thiên nhiên đang cất lên qua lời hát của con người.
Từ âm thanh cao vút, hổn hển như lời của nước mây bỗng trở thành những lời thầm thì nhỏ bé:
“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”
Câu thơ phảng phất tính tượng trưng, siêu thực trong thơ Hàn Mạc Tử. Đại từ “ai” xuất hiện như “bóng ai đậu bến sông trăng đó” (Đây thôn Vĩ Dạ) đầy bí ẩn. “Tiếng ca” vốn vang xa khắp núi rừng nay thu lại chỉ dành cho “ai”. Đó có thể là người thương, cũng có thể là với chính bản thân mình. Để rồi, khi tâm tình, sẻ chia, con người có thể lắng nghe được những “ý vị và thơ ngây” trong lòng mình. Tuy nhiên, câu thơ cũng mang theo nỗi buồn, niềm nuối tiếc của người thi sĩ trước “mùa xuân chín”. Bởi “xuân chín” rồi cũng là lúc “xuân tàn”, cái đẹp rồi cũng sẽ tàn phai. “Đám xuân xanh ấy” rồi cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Tuổi xuân tươi đẹp của người thiếu nữ rồi cũng có điểm kết. Ta thấy dâng lên trong lòng nhà thơ một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, muốn níu giữ cái hương sắc tươi đẹp của cuộc đời. Để rồi, kết thúc bài thơ, Hàn Mặc Tử hoá thân trong một người “khách xa”, bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình:
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
-Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
Trước “mùa xuân chín”, lòng “khách xa” bỗng trào dâng nỗi nhớ làng quê thân thương. Nhớ làn nắng ửng, nhớ đôi mái nhà tranh, nhớ tà áo biếc và nhớ cả giàn thiên lý. Đó là một không gian làng quê mộc mạc, giản dị, gần gũi mà chan chứa nghĩa tình. Và trong không gian ấy, hình ảnh người chị gánh thóc trở thành trung tâm của nỗi nhớ. “Chị ấy” là một cách nói phiếm chỉ. Đó có thể là một người dân lao động bình thường nơi thôn quê của tác giả, cũng có thể là một người thân quen gần gũi, hoặc cũng có thể là cô người yêu của thi nhân. Thế nhưng, dù hiểu theo cách nào, ta cũng thấy một niềm yêu quý và trân trọng của tác giả đối với “chị”. Người con gái xuất hiện trong nét đẹp lao động với tư thế gánh thóc, hoà cùng ánh nắng vàng bên bờ sông trắng. Một khung cảnh hiện lên thật thơ mộng, lãng mạn biết bao! Ta có thể thấy ánh nắng xuân lúc này càng trở nên long lanh, lấp lánh hơn trong dòng hồi tưởng của người khách xa quê.
Như vậy, bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử có sự hài hoà của sắc xuân, tình xuân. Không chỉ mùa xuân chín mà lòng người cũng “chín” với khát khao giao cảm với cuộc đời, “chín” với tình yêu và nỗi nhớ. Một nét đặc trưng tiêu biểu làm nên sự độc đáo của “Mùa xuân chín” cũng như ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử chính là sự kết hợp tài tình giữa cái cổ điển và cái hiện đại. Trước hết, ta bắt gặp thơ Hàn Mặc Tử có những điểm giao thoa với thể thơ Đường luật, tạo nên một nét thơ phảng phất phong vị cổ điển, trang trọng. “Mùa xuân chín” được sáng tác theo thể thơ bảy chữ, ngắt nhịp 4/3. Thất ngôn và ngắt nhịp 4/3 là đặc trưng tiêu biểu của thơ Đường luật. Ngoài ra, cách gieo vần cuối những câu thơ 1, 2, 4 cũng là một điểm giao thoa với thể thơ Đường luật. Đó là những yếu tố làm nên phong vị cổ điển trong thơ Hàn Mặc Tử. Về tính hiện đại, thi sĩ họ Hàn là người chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của thơ tượng trưng siêu thực đó là tạo nên những hình ảnh huyền ảo, kì bí, thậm chí là ma mị bằng những kết hợp từ mới mẻ, độc đáo thông qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Có thể thấy ngòi bút của Hàn Mạc Tử đã đạt đến trình độ điêu luyện trong việc sáng tạo nên những kết hợp từ ngữ mới: mùa xuân chín, bóng xuân sang, đám xuân xanh, tiếng ca vắt vẻo, nghe ra ý vị và thơ ngây. Tất cả những gì trừu tượng, không thể cảm nhận bằng mắt thường đã được nhà thơ hữu hình hoá một cách thật tài tình, độc đáo. Những nét thơ mới lạ tạo nên tính hiện đại rất riêng trong thơ Hàn Mặc Tử. Hoà cùng với dòng phát triển của Thơ mới trong thời bấy giờ, thơ Hàn Mặc Tử đã tạo ra một lối rẽ riêng - tinh tế, độc đáo và mới lạ.
Bài viết tham khảo
Khi nói đến tình mẫu tử trong thơ, tôi nghĩ ngay đến bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư. Nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình trong bài thơ không phải là sự đau đớn, buồn thương da diết, nhưng lại cho thấy được tâm trạng hồi tưởng rất thật về hình ảnh người mẹ.
Chủ đề trong bài thơ Nắng mới là nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình. Người mẹ được hiện lên trong nỗi nhớ với những hình ảnh gần gũi, giản dị mà lại đẹp đẽ có phần lấp lánh: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi; Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa. Tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh người mẹ trong thơ văn. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy hình ảnh người mẹ hiện lên một cách nhẹ nhàng, không khắc khổ, lam lũ. Không phải vì chủ thể trữ tình trong bài thơ này không nhớ mẹ, không yêu thương mẹ. Tình cảm ấy được thể hiện qua những từ ngữ như: não nùng, chập chờn, nhớ, chửa xóa mờ. Mới chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ nhưng giản thị thôi đã khiến con người ta phải não nùng, chập chờn thì những hình ảnh khắc khổ, lam lũ sẽ khiến con người ta phải cảm thương đến nhường nào!
Sự chập chờn trong nỗi nhớ cho thấy đây là một nỗi nhớ thường trực, rất khó nguôi ngoai, hết kỉ niệm này, lại đến kỉ niệm khác hiện về. Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của người con qua từ ngữ, nhà thơ Lưu Trọng Lư còn thể hiện nỗi nhớ ấy qua cách ngắt nhịp ở khổ thơ đầu. Cách ngắt nhịp chủ yếu của cả khổ thơ là 2/2/3 hoặc 2/5 thì lại xuất hiện một câu thơ được ngắt theo nhịp 3/4 như sự xen vào, như một sự chập chờn. Ở đây, ta thấy được hình thức nghệ thuật trong bài thơ đã góp phần thể hiện chủ đề của nó.
Như vậy, có thể thấy bài thơ Nắng trưa là một bài thơ hay, hay cả về nội dung lẫn hình thức. Đọc xong bài thơ, tôi cũng bỗng nghĩ đến mẹ mình, muốn đỡ đần mẹ để hình ảnh của mẹ luôn là sự vui tươi, nhẹ nhàng, đẹp đẽ, thanh thoát
Đề 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm truyện.
Bài viết tham khảo
Văn bản Lời má năm xưa là một trong những văn bản hay và đầy ý nghĩa khi nói về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.
Văn bản gợi lại câu chuyện tuổi ấu thơ của một chàng trai khi còn là một cậu bé đã lỡ bắn một con chim thằng chài bên bến sông. Nhờ có sự khuyên bảo của má, anh đã vớt nó về, băng bó chữa trị vết thương rồi cố gắng cứu sống nó, nhưng sự áy náy và ân hận về hành động này vẫn còn và đi theo anh đến mãi sau này. Từ chi tiết đó ta thấy được sự giáo dục của những người lớn trong gia đình là vô cùng quan trọng. Người mẹ chính là người đã cứu sống chú chim chài một cách gián tiếp. Nhờ lời nói và sự thấu hiểu, tình yêu thương và lòng vị tha bao dung bà đã giúp con mình hiểu rằng cần phải yêu thương và quý mến các loài vật trên cuộc sống này dù là những loài nhỏ bé nhất
Văn bản không chỉ mang tới những giá trị đặc sắc về mặt nội dung mà còn sâu sắc về cả phương diện nghệ thuật. Văn bản bộc lộ tâm trạng ăn năn, hối hận và day dứt của nhân vật “tôi” khi nhớ lại hành động mình đã làm với chú chim thằng chài, từ đó cho thấy cậu bé là một người giàu tình cảm, giàu lòng trắc ẩn và lương thiện. Qua văn bản tác giả cũng cung cấp cho người đọc thông tin về loài chim thằng chài (chim bói cá) một loài chim với nhiều phẩm chất tốt đẹp biết hi sinh và giúp đỡ đồng loại, biết tự lập từ rất sớm. Tác giả đã khắc họa hình ảnh người má của nhân vật tôi (người đã thực sự cứu sống chú chim thằng chài trong cơn nguy kịch) với sự lương thiện, thông minh, sâu sắc và thấu hiểu của một người mẹ đã thức tỉnh đứa con ngây dại của mình. Qua đó cho thấy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên là mối quan hệ gần gũi, gắn bó thân thiết và khuyến khích con người nên biết gìn giữ, bảo vệ môi trường
Có thể thấy văn bản Lời má năm xưa là một văn bản hay có giá trị về cả phương diện nội dung và nghệ thuật.
Đề 2: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một màn kịch mà bạn đã học hoặc đã đọc.
Bài viết tham khảo
Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật chèo nói riêng và của nghệ thuật kịch hát Việt Nam nói chung. Sự đặc sắc của Thị Mầu lên chùa là sự đặc sắc đến từ chủ đề, nội dung và hình thức nghệ thuật biểu hiện.
Cái hay trong chủ đề của trích đoạn Thị Mầu lên chùa nằm ở chỗ, Thị Mầu đã say mê và tìm cách ve vãn tiểu Kính Tâm. Nghĩa là, giữa lề lỗi, lễ giáo phong kiến đè nặng lên người con gái, lại có một Thị Mầu dám khát vọng và thể hiện tình yêu của mình ra bên ngoài. Thị Mầu chính là một sự đặc sắc, sự đối lập với Thị Kính. Cái hay nữa ở đây là, Thị Mầu lại đi thích tiểu Kính Tâm! Thật ngược đời, tréo ngoe. Nhưng dù tréo ngoe như vậy thì trích đoạn này cũng tràn đầy sự vui vẻ, đặc sắc so với những màn khác trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Quan điểm của tác giả dân gian, như một cách để cởi trói cho người phụ nữ trong lễ giáo phong kiến, khỏi những lề lối của vòng cương tỏa, đã được gửi gắm qua nhân vật Thị Mầu.
Nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật của trích đoạn này được thể hiện rõ nhất chính là ở sự biểu hiện. Nói cách khác là nghệ thuật sân khấu. Nếu chỉ soi xét về kịch bản của Thị Mầu lên chùa, ta sẽ thấy được những điểm đáng chú ý. So với nghệ thuật Tuồng, ngôn ngữ trong Chèo dễ hiểu hơn, gần gũi với tiếng nói của nhân dân. Đó là những lời nói, điệu hát mà có thể sử dụng, chèn thêm được cả lục bát, mang nặng tâm tình người Việt.
Cái hay của chèo còn khác biệt với kịch nói ở chỗ đó là có những tiếng đế. Tiếng đế này là sự tương tác của khán giả, là một sự cộng hưởng, cùng tác giả. Giới hạn giữa sân khấu và khán giả ở đây bị thu hẹp. Trong khi đó, ở kịch nói mà cụ thể là ảnh hưởng từ phương Tây, khán giả không được quyền lên tiếng, đồng sáng tạo với vở kịch diễn. Điều này cũng đã được thể hiện trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa.
Có thể thấy, những nét đặc sắc trong nghệ thuật chèo đã được thể hiện khá rõ trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa. Những sự đặc sắc ấy đến từ chủ đề nghe có phần trái ngược (một cô gái đi ve vãn chú tiểu), đến từ sự biểu hiện của loại hình kịch hát. Kịch nói là sự ảnh hưởng, du nhập của phương Tây trong quá trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Thế nhưng, kịch hát vẫn có những hấp dẫn riêng, không chỉ vì đó là cái truyền thống, mà còn ở chính nghệ thuật của nó.
Một trong những tác phẩm truyện mà tôi đã đọc và ấn tượng mạnh là "To Kill a Mockingbird" của Harper Lee. Đây là một cuốn tiểu thuyết kinh điển và được coi là một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất của thế kỷ 20. Dưới đây là một phân tích và đánh giá về chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm này:
Chủ đề:
"To Kill a Mockingbird" khám phá chủ đề phân biệt chủng tộc, công lý và trưởng thành. Tác phẩm tập trung vào câu chuyện của Scout Finch, một cô bé sống ở thị trấn nhỏ Maycomb, Alabama và chứng kiến sự bất công và phân biệt chủng tộc trong xã hội. Chủ đề công lý và trưởng thành xuất hiện qua việc Scout và anh trai Jem tìm hiểu về sự đối đầu với bất công và học cách đối mặt với nó.
Những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
Lời kể: Tác phẩm được kể qua góc nhìn của Scout, một cô bé 6 tuổi. Lời kể ngây thơ và chân thực của Scout mang lại một cái nhìn trong trẻo và đáng yêu về thế giới xung quanh.Nhân vật: "To Kill a Mockingbird" có những nhân vật đa chiều và phong phú. Scout, Jem và Dill là những nhân vật trẻ tuổi đáng yêu và tò mò. Atticus Finch, người cha của Scout và Jem, được miêu tả là một người đàn ông công bằng và nhân hậu. Nhân vật Boo Radley mang tính biểu tượng và tạo ra sự căng thẳng và tò mò trong câu chuyện.Môi trường: Maycomb, Alabama được miêu tả chi tiết và tạo nên một bối cảnh xã hội và văn hóa đặc trưng. Môi trường này tạo ra sự phân biệt chủng tộc và bất công, đồng thời cung cấp một nền tảng để khám phá chủ đề chính của tác phẩm.Đánh giá:
"To Kill a Mockingbird" là một tác phẩm truyện xuất sắc với chủ đề phân biệt chủng tộc và công lý được thể hiện qua lời kể ngây thơ và những nhân vật đáng yêu. Tác phẩm này không chỉ khám phá sự bất công xã hội mà còn đặt câu hỏi về lòng nhân hậu và trưởng thành. Cách viết chân thực và môi trường sống động của Harper Lee đã tạo nên một tác phẩm truyện đáng để đọc và suy ngẫm.
Tóm lại, "To Kill a Mockingbird" là một tác phẩm truyện tuyệt vời với chủ đề phân biệt chủng tộc và công lý được thể hiện qua lời kể ngây thơ và những nhân vật đáng y
- Trong bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về một tác phẩm thơ, thực chất của việc phân tích chủ đề là chỉ ra được những đặc sắc nghệ thuật của bài, bao gồm: từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, nhạc điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh,...
- Với các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết hay sử thi, cần tập trung cách xây dựng tình huống truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, lời của người kể chuyện, đối thoại, độc thoại của nhân vật,...
- Với các tác phẩm kịch (chèo, tuồng; bi kịch, hài kịch, chính kịch) thì cần tập trung vào các yếu tố như mâu thuẫn, xung đột, nhân vật, hành động, lời thoại,...
Không biết đã từng có, sẽ còn có bao nhiêu bài viết về Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Vậy điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho bài thơ? Mỗi người sẽ có một cách lý giải không hoàn toàn giống nhau, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhau ở một điểm chung cơ bản là: chính sự chân thành, giản dị của cảm xúc đã làm nên sức sống cho tác phẩm này!
Trước hết cần phải khẳng định rằng, Thanh Hải hoàn toàn có quyền tự hào về cái “tôi” đã sống hết “công suất” từ tuổi 17 đến tuổi 50 của mình. Thông thường, khi con người biết chắc chắn rằng, mình đang sống trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời thì bao giờ người ta cũng tự soát xét lại nhân cách của mình một cách nghiêm khắc nhất. Vì thế, lúc nằm trên giường bệnh, Thanh Hải mới thấm thía nỗi cô đơn, bất lực của một cá nhân khi đang dần dần bị tách ra khỏi cộng đồng, một con người đang bị tước dần quyền làm việc. Chính tình cảm bị nén chặt đã bùng nổ thành khát vọng, thành bệ phóng cho sự sáng tạo. Nếu bản chất của sự sáng tạo là sự bất tử thì đây chính là khoảnh khắc thăng hoa tất cả những gì mà Thanh Hải đã chiêm nghiệm để viết thành bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Và khổ thơ đầu đã xuất hiện thật tự nhiên:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
Khi Thanh Hải viết “Mọc giữa dòng sông xanh / Một bông hoa tím biếc” thì đây không chỉ là ngoại cảnh hay tâm cảnh, mà còn mang dáng dấp của một triết lí sống và sự bất tử. Dòng sông xanh vừa là chính nó và cũng vừa là một hình tượng về thời gian. Đó là dòng chảy vô thủy vô chung, vô tận và lạnh lùng của thời gian. Nó vừa là tác nhân tạo dựng, nâng niu “Một bông hoa tím biếc”, đồng thời cũng là một tác nhân bào mòn, hủy diệt tất cả. “Bông hoa tím biếc” đang hiện hữu kia sẽ trở thành hòai niệm để ngày mai sẽ có một bông hoa khác, cùng loài. Dòng sông thì vĩnh cửu, còn bông hoa dù có rực rỡ đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cũng trở thành dĩ vãng. Cũng như mỗi đời người, dù có chói sáng đến đâu chăng nữa, rốt cuộc vẫn phải ra đi theo quy luật sinh tử của muôn đời.
Thông qua các hình tượng nghệ thuật, chúng ta có thể cảm nhận được ý nghĩa đích thực của cuộc sống, ngay trong mạch cảm xúc buồn nhớ mênh mông, trong tâm tưởng của ông vẫn vang lên những âm thanh reo vui của cuộc sống: “Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời”. Tiếng chim hót là âm thanh của tự nhiên nhưng nó đã cộng hưởng với tiếng reo vui trong tâm hồn của nhà thơ, đó là tiếng reo vui của niềm tự hào về cái “tôi” trọn vẹn và thanh thản. Một bông hoa có thể sẽ tàn nhưng vẻ đẹp của nó thì vẫn còn ám ảnh lâu bền trong tâm trí con người. Một con người có thể sẽ phải ra đi vĩnh viễn, nhưng những đóng góp có giá trị về tinh thần của con người ấy thì có thể sẽ còn mãi với thời gian. Với niềm tự hào chân thành ấy, nhà thơ dường như đã bứt hẳn ra khỏi tâm trạng man mác hư vô để hòa mình vào không khí rộn rã, náo nức của mùa xuân; để cảm nhận và thâu nhận được cái “hồn vía” tưởng như rất vô hình của không gian và thời gian đang thấm đẫm sắc xuân, hương xuân: “Từng giọt long lanh rơi / Tôi đưa tay tôi hứng”. Chúng ta đã từng bất lực trước một “tiếng huyền” trong “Thơ duyên” của Xuân Diệu, một “vị xa xăm” trong “Quê hương” của Tế Hanh, nay có lẽ cũng sẽ bất lực trước “Từng giọt long lanh rơi” của Thanh Hải? Bất lực vì không thể giải thích một cách tường minh xem “tiếng huyền” là tiếng gì, “vị xa xăm” là vị gì và “từng giọt” là giọt gì, nhưng vẫn có thể cảm nhận bằng linh giác, bằng trí tưởng tượng...về cái hay, về vẻ đẹp và sự độc đáo của các hình tượng đa nghĩa này. Nếu “tiếng huyền” là những âm thanh xao xuyến ngân vang trong tâm hồn để trở thành âm hưởng chủ đạo cho “một cõi yêu đương”, “vị xa xăm” là hoài niệm về một thời thăm thẳm thì “từng giọt” có thể là những niềm vui lớn có khả năng làm hồi sinh lòng ham sống của một con người đang ý thức rất sâu sắc về cái chết không sao cưỡng nổi đang đến với mình từ từ, lạnh lùng và tàn nhẫn! Hiểu như thế chúng ta mới có thể đồng cảm và xúc động trước một hành động tha thiết hướng tới sự sống của nhà thơ: “Tôi đưa tay tôi hứng”!
Từ hành động tha thiết hướng tới sự sống ấy, tác giả đã tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, háo hức mà mình từng gắn bó suốt đời:
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...
Đây là niềm vui được bắt nguồn từ niềm tin sắt đá vào tương lai của đất nước:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Đất nước hình thành, tồn tại và phát triển trong chiều dài của “bốn ngàn năm” lịch sử và chiều sâu của những nghĩ suy trăn trở để tỏa sáng “như vì sao” trong kí ức của mỗi con dân đất Việt. Chính “vì sao” ấy là vầng hào quang của quá khứ và cũng là điểm tựa tinh thần cho hiện tại. Như mọi công dân chân chính khác, trong cái “Vất vả và gian lao” của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Cái “tôi” của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường đã hòa vào cái “ta” của “dòng sông xanh” trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái “ta, chúng ta”, tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.
Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỷ (1976 – 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nguyễn Duy “giật mình” trước “đột ngột vầng trăng tròn” thi Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe tiếng chim hót, bông hoa nở...thì đã, đang và sẽ mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu...Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái “tôi” với cái “ta”? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? “Ta làm con chim hót / Ta làm một nhành hoa / Ta nhập vào hòa ca / Một nốt trầm xao xuyến”. Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trong hơn?...Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản “hòa ca” đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một “nốt trầm”. Nhưng một “nốt trầm” ấy phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản “hòa ca” có “nhạc luật” chứ đâu phải là “hòa tan”: một cách vô vị, nhạt nhẽo?
Nếu mùa xuân của đất nước là một mùa xuân lớn thì mùa xuân lớn lại được kết dệt bởi muôn vàn những mùa xuân nhỏ khác, đó là mùa xuân của mỗi đời người:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mỗi đời người lại giống như một dòng suối nhỏ lặng lẽ góp nước cho một dòng sông lớn để dòng sông lớn ấy góp nước cho đại dương. Cái sự “góp nhặt” ấy cứ lặp đi lặp lại tới muôn đời, cho dù là có tự giác hay không tự giác thì nó vẫn cứ diễn ra như vậy, không thể nào khác! Điều quan trọng là ở chỗ sự “góp nhặt” ấy phải kiên trì, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh thăng trầm của cuộc đời để cuối cùng nó vượt lên hoàn cảnh như một đức hi sinh cao cả: “Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc”. Đó chính là phẩm chất cao quý của ý thức tự nguyện hi sinh cái “tôi” cho cái “ta” bao la của mùa xuân đất nước:
Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.
Mùa xuân đẹp quá khiến ta bất giác cất lên lời. Tất cả đều xao xuyến, bồi hồi trong giai điệu buồn của câu “Nam ai” và chất trữ tình của câu “Nam bình”; trong “nhịp phách tiền” rất đỗi thân quen nhưng dường như bỗng trở nên da diết như một lời chào tiễn biệt? Trong cái mênh mông của “Nước non ngàn dặm”, nơi nào mà chẳng thấm đẫm tình bạn, tình người và tình yêu? Nơi nào mà ta chăng lưu luyến, bâng khuâng? Vì thế mà nỗi nhớ nhung cũng mênh mông không bến bờ! Giờ đây, nằm trên giường bệnh, ta dường như đang trôi trong vầng hào quang của hoài niệm...Cuộc đời ồn ào náo động xa dần, mơ hồ, văng vẳng... nhưng dường như càng xa nó càng trở nên cồn cào hơn, tha thiết hơn!