K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

24 tháng 6 2019

HƯỚNG DẪN

- Miền khí hậu phía Bắc phân hoá thành 4 vùng khí hậu: vùng khí hậu Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung và Nam Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

- Trong mỗi vùng khí hậu, cần phân tích (trình bày, so sánh, giải thích...) về:

+ Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình năm; tháng nhiệt độ cực đại, cực tiểu; biên độ nhiệt độ trung bình năm, biến trình nhiệt.

+ Chế độ mưa: lượng mưa trung bình năm; tháng mưa cực đại, cực tiểu; sự phân mùa mưa khô.

4 tháng 6 2018

HƯỚNG DẪN

- Miền khí hậu phía Nam phân hoá thành 3 vùng khí hậu: Vùng khí hậu Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

- Trong mỗi vùng khí hậu, cần phân tích (trình bày, so sánh, giải thích...) về:

+ Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình năm; tháng nhiệt độ cực đại, cực tiểu; biên độ nhiệt độ trung bình năm, biến trình nhiệt.

+ Chế độ mưa: lượng mưa trung bình năm; tháng mưa cực đại, cực tiểu; sự phân mùa mưa, khô.

22 tháng 3 2019

HƯỚNG DẪN

a) Chế độ nhiệt

- Nhiệt độ trung bình năm:

+ Tăng dần từ Bắc vào Nam (Hà Nội: 23,5°C; Huế: 25,2°C; TP. Hồ Chí Minh: 27,1°C).

+ Nguyên nhân: Càng vào nam, càng gần Xích đạo hơn. Mặt khác, Hà Nội chịu tác động của gió mùa Đông Bắc mạnh nhất, Huế chịu tác động yếu hơn, TP. Hồ Chí Minh không chịu tác động của gió mùa Đông Bắc.

- Tháng có nhiệt độ cao nhất và thấp nhất:

+ Ở Hà Nội và Huế là tháng VII, do vị trí gần chí tuyến, có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh gần nhau hơn và Mặt Trời lên thiên đỉnh tại chí tuyến Bắc vào ngày 22/6. TP. Hồ Chí Minh có nhiệt độ cao nhất vào tháng IV, liên quan đến thời gian Mặt Trời lên thiên đỉnh và trùng với mùa khô. Nhiệt độ tháng thấp nhất ở Hà Nội và Huế là tháng I, TP. Hồ Chí Minh là tháng XII, liên quan đến thời gian Mặt Trời lên thiên đỉnh tại chí tuyến Nam và TP, Hồ Chí Minh gần chí tuyến Nam hơn Hà Nội và Huế.

+ Nhiệt độ tháng VII cao nhất ở Huế, tiếp đến là Hà Nội, thấp nhất ở TP. Hồ Chí Minh, chủ yếu do ở Huế và Hà Nội chịu tác động cửa gió phơn Tây Nam khô nóng, trong đó Huế chịu tác động mạnh hơn nhiều so với Hà Nội.

+ Nhiệt độ tháng I thấp nhất ở Hà Nội, tiếp đến là Huế, cao nhất ở TP. Hồ Chí Minh, liên quan đến hoạt động của gió mùa Đông Bắc ở phía bắc nước ta.

- Biên độ nhiệt:

+ Giảm dần từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh (Hà Nội: 12,5°C; Huế: 9,4°C; TP. Hồ Chí Minh: 3,2°C).

+ Nguyên nhân: về mùa hạ, nhiệt độ tương đối đồng nhất trong cả nước. Về mùa đông, ở phía bắc chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, trong đó Hà Nội chịu tác động mạnh hơn ở Huế, phía nam không chịu tác động của gió mùa Đông Bắc, nền nhiệt độ ở phía nam cao hơn; từ đó biên độ nhiệt càng vào nam càng nhỏ hơn

- Biến trình nhiệt: Hà Nội và Huế có một cực đại, liên quan đến vị trí gần chí tuyến, hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh gần nhau. TP. Hồ Chí Minh có hai cực đại, liên quan đến thời gian hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh xa nhau (tháng IV và tháng VIII).

b) Chế độ mưa

- Tổng lượng mưa năm:

+ Lớn nhất ở Huế, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh, thấp nhất là Hà Nội.

+ Mưa nhiều nhất ở Huế do tác động của gió mùa Đông Bắc gặp địa hình dãy Trường Sơn chắn gió, dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp và bão, gió mùa Tây Nam...

+ TP. Hồ Chí Minh có mưa nhiều hơn Hà Nội, do mưa suốt trong cả mùa mưa và hoạt động kéo dài của gió mùa Tây Nam đã làm cho mùa mưa dài thêm, đến hết tháng XI mới kết thúc. Ở Hà Nội, đầu mùa mưa lượng mưa ít do ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam khô nóng và chủ yếu mưa dông nhiệt, lượng mưa không lớn; giữa và cuối mùa mưa nhiều nhưng mùa mưa kết thúc trước TP. Hồ Chí Minh 1 tháng. Tuy ở Hà Nội về mùa đông có mưa phùn, nhưng lượng mưa không đáng kể.

- Tháng mưa cực đại ở Hà Nội là tháng VIII, ở TP. Hồ Chí Minh là tháng IX, liên quan đến thời gian hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới. Ở Huế, mưa nhiều vào tháng X liên quan đến tác động của các nhân tố gây mưa như: gió mùa Đông Bắc gặp bức chắn địa hình, dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp, bão...; trong đó, có nhiều nhân tố hoạt động cùng lúc gây mưa rất lớn, ví dụ: vừa có áp thấp, gió mùa Tây Nam, vừa có gió mùa Đông Bắc... trong cùng một thời gian.

- Mùa mưa:

+ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có mùa mưa từ tháng V - X, do tác động của gió mùa mùa hạ, đặc biệt là gió mùa Tây Nam và dải hội tụ nhiệt đới. TP. Hồ Chí Minh có mùa mưa kéo dài thêm 1 tháng, liên quan đến hoạt động kéo dài của gió mùa Tây Nam ở đây.

+ Huế có mùa mưa lệch về thu đông (tháng VIII - XII), do đầu mùa hạ có hoạt động của gió phơn Tây Nam khô nóng; cuối mùa do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gặp địa hình chắn gió gây mưa.

10 tháng 6 2018

HƯỚNG DẪN

- Vào mùa đông ở nước ta (tháng XI đến tháng IV), có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc và Tín phong Bán cầu Bắc.

- Gió mùa Đông Bắc:

+ Khối khí lạnh từ cao áp phương Bắc thổi vào nước ta theo hướng đông bắc, gọi là gió mùa Đông Bắc, hoạt động ở miền Bắc nước ta; khi đi về phía nam, gió bị suy yếu và bị chặn lại ở dãy Bạch Mã, chỉ có những đợt có cường độ mạnh mới thổi qua được.

+ Tác động đến chế độ nhiệt: Với tính chất lạnh khô, gió này làm nền nhiệt ở miền Bắc hạ thấp, có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C. Ở Đông Bắc, các thung lũng giữa các cánh cung núi hút gió mạnh làm nhiệt độ thấp nhất; dãy Hoàng Liên Son ngăn không cho gió này xâm nhập trực tiếp vào Tây Bắc, phải xâm nhập theo thung lũng sông Hồng, sông Đà từ đồng bằng Bắc Bộ lên, nên cùng một độ cao, nhiệt độ ở Tây Bắc cao hơn ở Đông Bắc. Càng đi về phía nam, gió mùa Đông Bắc bị suy yếu và biến tính, nên không còn lạnh như ở Bắc Bộ nữa.

+ Tác động đến chế độ mưa: Nửa đàu mùa đông, gió mùa Đông Bắc thổi qua lục địa Trung Hoa rộng lớn, khi đi vào nước ta gây thời tiết hanh khô cho Bắc Bộ; khi vào miền Trung, gặp dãy Trường Sơn Bắc, gây mưa cho khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.

- Tín phong Bán cầu Bắc: Tín phong Bán cầu Bắc (còn gọi là Tín phong Đông Bắc) hoạt động quanh năm trên phạm vi cả nước, tính chất của gió này là nóng, khô và tương đối ổn định.

+ Ở miền Bắc, Tín phong Đông Bắc thổi xen kẽ với gió mùa Đông Bắc, mạnh lên khi gió mùa Đông Bắc suy yếu, gây nên thời tiết khô ấm giữa những ngày đông lạnh giá.

+ Ở miền Nam, Tín phong Đông Bắc thống trị, gây nên một mùa khô sâu sắc ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

+ Ở Trung Bộ: Tín phong Đông Bắc gặp dãy Trường Sơn gây mưa cho vùng ven biển Trung Bộ.

16 tháng 12 2019

HƯỚNG DẪN

- Tổng lượng mưa của Đồng Hới lớn hơn ở Nha Trang. Nguyên nhân chủ yếu do về mùa đông, khi gió mùa Đông Bắc thổi vào nước ta, frông cực bị chặn lại ở dãy Trường Sơn Bắc gây mưa lớn; trong khi ở Nha Trang, Tín phong Bán cầu Bắc tuy có gây mưa khi gặp Trường Sơn Nam, nhưng lượng mưa không lớn.

- Tháng mưa lớn nhất ở Đồng Hới là tháng X, trong khi tháng có lượng mưa lớn nhất ở Nha Trang là tháng XI, liên quan đến sự lùi dần của dải hội tụ nhiệt đới từ bắc vào nam và sự lùi dần của áp thấp và bão.

- Mùa mưa ở Đồng Hới từ tháng VIII - I, ở Nha Trang từ tháng IX - XII. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến các nguyên nhân gây mưa lớn ở hai vùng khí hậu Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ:

+ Đồng Hới gần với vùng khí hậu Trung và Nam Bắc Bộ, nên tháng VIII bắt đầu mùa mưa do chịu ảnh hưởng lan toả của đỉnh mưa ở Trung và Nam Bắc Bộ. Mùa mưa kéo dài sang tháng I đi liền với hoạt động của gió mùa Đông Bắc gặp bức chắn địa hình Trường Sơn Bắc.

+ Nha Trang mưa lớn bắt đầu vào tháng IX là lúc gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Mùa mưa kết thúc vào tháng XII, liên quan đến sự dịch chuyển về phía Nam Bộ của dải hội tụ nhiệt đới và sự kết thúc hoạt động của áp thấp và bão ở khu vực Nam Trung Bộ.

18 tháng 10 2019

HƯỚNG DẪN

- Căn cứ vào bản đồ nhiệt độ trung bình tháng V - X (mùa hạ), nhiệt độ trung bình tháng XI - IV (mùa đông) ở trang 9 (Khí hậu) để làm sáng rõ nhận định nhiệt độ trung bình về mùa hạ ít có sự khác nhau trong cả nước; nhưng về mùa đông, nhiệt độ trung bình của miền khí hậu phía Bắc thấp hơn nhiều so với miền khí hậu phía Nam.

- Mùa hạ: nhiệt độ trung bình không khác nhau nhiều giữa bắc nam, do:

+ Mùa hạ trong cả nước đều chịu tác động của gió Tây Nam TBg và gió mùa Tây Nam, là hai loại gió có nguồn gốc nhiệt ẩm, mang lại nền nhiệt độ tương đối đồng nhất trong phạm vi cả nước.

+ Đồng thời, phần lớn lãnh thổ nước ta về mùa hạ có 2 lần Mặt Trời lên thiên đỉnh (riêng ở Nam Bộ có lần đầu Mặt Trời lên thiên đỉnh sớm hơn vào tháng IV, cũng xem như bước vào thời gian tiếp vào đầu mùa hạ), sự biến động nhiệt độ theo chiều bắc nam về mùa hạ không đáng kể.

- Mùa đông: Tác động của gió mùa Đông Bắc làm cho nền nhiệt độ hạ thấp ở miền Bắc, đặc biệt là ở Bắc Bộ có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C; trong khi đó, từ dãy Bạch Mã trở vào, nền nhiệt độ cao hơn nhiều do ảnh hưởng của Tín phong Bán Cầu Bắc chi phối.

26 tháng 5 2021

 Căn cứ vào bản đồ nhiệt độ trung bình tháng V - X (mùa hạ), nhiệt độ trung bình tháng XI - IV (mùa đông) ở trang 9 (Khí hậu) để làm sáng rõ nhận định nhiệt độ trung bình về mùa hạ ít có sự khác nhau trong cả nước; nhưng về mùa đông, nhiệt độ trung bình của miền khí hậu phía Bắc thấp hơn nhiều so với miền khí hậu phía Nam.

- Mùa hạ: nhiệt độ trung bình không khác nhau nhiều giữa bắc nam, do:

+ Mùa hạ trong cả nước đều chịu tác động của gió Tây Nam TBg và gió mùa Tây Nam, là hai loại gió có nguồn gốc nhiệt ẩm, mang lại nền nhiệt độ tương đối đồng nhất trong phạm vi cả nước.

+ Đồng thời, phần lớn lãnh thổ nước ta về mùa hạ có 2 lần Mặt Trời lên thiên đỉnh (riêng ở Nam Bộ có lần đầu Mặt Trời lên thiên đỉnh sớm hơn vào tháng IV, cũng xem như bước vào thời gian tiếp vào đầu mùa hạ), sự biến động nhiệt độ theo chiều bắc nam về mùa hạ không đáng kể.

- Mùa đông: Tác động của gió mùa Đông Bắc làm cho nền nhiệt độ hạ thấp ở miền Bắc, đặc biệt là ở Bắc Bộ có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C; trong khi đó, từ dãy Bạch Mã trở vào, nền nhiệt độ cao hơn nhiều do ảnh hưởng của Tín phong Bán Cầu Bắc chi phối.

27 tháng 5 2019

HƯỚNG DẪN

a) Độ cao địa hình

- 3/4 diện tích địa hình Việt Nam là đồi núi, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp (85% địa hình cao dưới 1000m), nên khí hậu chủ yếu của nước ta là nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình năm trên 20°C.

- Do độ cao địa hình, nên khí hậu nước ta phân hóa thành 3 đai cao: đai nhiệt đới gió mùa (độ cao trung bình đến 600 - 700m ở miền Bắc và đến 900 - 1000m ở miền Nam); đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi (độ cao đến 2600m); đai ôn đới gió mùa trên núi (từ 2600m trở lên, chỉ có ở miền Bắc).

- Những đỉnh núi cao đón gió là những nơi mưa nhiều của nước ta (Móng Cái, các núi dọc biên giới Việt - Trung, dãy Bạch Mã, Ngọc Lĩnh, cực Nam Trung Bộ...). Nơi địa hình thấp, trũng, khuất gió có lượng mưa rất thấp (Móng Cái, thung lũng sông Ba...).

b) Hướng địa hình

- Hướng vòng cung:

+ Các cánh cung núi Đông Bắc mở rộng về phía bắc và phía đông đón gió mùa Đông Bắc trực tiếp, làm cho nền nhiệt độ ở đây vào mùa đông thấp nhất nước ta, có 3 tháng nhiệt độ xuống dưới 18°C.

+ Cánh cung Đông Triều thẳng góc với hướng gió Đông Nam vào mùa hạ, gây mưa ở sườn đón gió và ít mưa ở vùng khuất gió (Cao Bằng, Lạng Sơn).

- Hướng tây bắc - đông nam:

+ Dãy Hoàng Liên Sơn cao chắn gió mùa Đông Bắc, chặn sự xâm nhập trực tiếp gió này vào Tây Bắc, làm cho những nơi có cùng độ cao với Đông Bắc đều có nhiệt độ cao hơn.

+ Các dãy núi ở biên giới Việt - Lào cùng với gió Tây Nam đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Nam Tây Bắc và cả ở đồng bằng Bắc Bộ vào đầu mùa hạ.

+ Dãy núi Trường Sơn cùng với gió Tây Nam đầu mùa hạ đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Duyên hải miền Trung và gây mưa nhiều cho Tây Nguyên (ở sườn đông của Trường Sơn Nam). Về mùa đông, dãy Trường Sơn cùng với gió mùa Đông Bắc gây mưa cho Duyên hải miền Trung (nhất là khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế), gây hiện tượng phơn ở Tây Nguyên.

+ Nơi núi nhô ra sát biển (mũi Dinh, bán đảo Cam Ranh) đã chặn cả gió mùa Tây Nam về mùa hạ và gió Đông Bắc về mùa đông, làm cho khu vực khuất gió (Phan Rang) lượng mưa rất nhỏ (khoảng chừng 500- 600mm).

+ Dãy Bạch Mã chặn gió mùa Đông Bắc, là nguyên nhân chủ yếu tạo sự phân hóa khí hậu về mùa đông ở hai miền Bắc và Nam nước ta: miền Bắc có một mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp và ít mưa; cùng trong thời gian đó, miền Nam là mùa khô rõ rệt, nhiệt độ tương đối cao.

24 tháng 9 2017

HƯỚNG DẪN

a) Chế độ nhiệt

- Nhiệt độ trung bình năm ở Nha Trang cao hơn ở Đà Lạt, do Nha Trang ở độ cao thấp (dưới 200m) hơn rất nhiều so với Đà Lạt (trên 1500m).

- Nhiệt độ tháng cao nhất ở Nha Trang là tháng VI, ở Đà Lạt là tháng V, tương ứng với thời gian Mặt Trời lên thiên đỉnh ở mỗi địa điểm.

- Biên độ nhiệt ở Nha Trang lớn hơn (khoảng 4,8°C) Đà Lạt (khoảng 4,0°C). Nguyên nhân chủ yếu do ở Nha Trang về mùa hạ có gió phơn Tây Nam khô nóng, mùa đông nhiệt độ hạ thấp do gió Đông Bắc qua biển tác động vào. Ở Đà Lạt, mùa hạ nhiệt độ hạ thấp do có mưa, mùa đông không lạnh lắm so với mùa hạ.

- Diễn biến nhiệt trong năm có sự khác nhau: Đà Lạt ở vào vĩ độ địa lí thấp hơn, trong năm có lần Mặt Trời lên thiên đỉnh xa nhau, nên có hai cực đại về nhiệt. Nha Trang có một cực đại và một cực tiểu về nhiệt tương ứng với hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh gần nhau hơn.

b) Chế độ mưa

- Tổng lượng mưa năm ở Đà Lạt lớn hơn ở Nha Trang. Nguyên nhân:

+ Đà Lạt ở độ cao lớn hơn, đồng thời đầu mùa có mưa do gió Tây Nam TBg xâm nhập trực tiếp, giữa và cuối mùa có mưa do tác động của gió mùa Tây Nam.

+ Ở Nha Trang, đầu mùa chịu tác động của gió Tây Nam TBg khô nóng sau khi vượt Trường Sơn Nam tràn xuống; giữa và cuối mùa có mưa do gió mùa Tây Nam, nhưng không phải là sườn đón gió như ở phía Đà Lạt. Tác động của gió Đông Bắc gặp dãy Trường Sơn, áp thấp và bão gây mưa nhiều trong các tháng thu đông, nhưng tổng lượng mưa cả năm vẫn nhỏ hơn ở Đà Lạt.

- Tháng mưa cực đại ở Nha Trang là tháng X, do tác dộng cùng lúc của dải áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc gặp địa hình núi chắn gió, áp thấp và bão. Ở Đà Lạt là vào tháng VII, thởi gian có tác động mạnh của gió mùa Tây Nam.

24 tháng 7 2019

HƯỚNG DẪN

- Thời gian: là loại gió thường xuyên trên Trái Đất, thổi quanh năm ở nước ta.

- Hướng: đông bắc.

- Nguồn gốc: từ cao áp chí tuyến Tây Thái Bình Dương (là cao áp chí tuyến Bán cầu Bắc).

- Tính chất: khô nóng, ổn định, độ ẩm tương đối thấp.

- Hoạt động và tác động:

+ Mùa đông:

• Ở miền Bắc: Tín phong Bán cầu Bắc thổi xen kẽ với gió mùa Đông Bắc; mỗi khi gió mùa Đông Bắc yếu đi, gió này mạnh lên, gây thời tiết ấm áp, hanh khô.

• Ở miền Nam (từ Đà Nẵng trở vào): Tín phong Đông Bắc chiếm ưu thế, gặp địa hình núi chắn gió gây mưa cho vùng ven biển Trung Bộ và là nguyên nhân chính tạo nên mùa khô ở Nam Bộ và Tây Nguyên.

+ Mùa hạ:

• Đầu mùa hạ, Tín phong Bán cầu Bắc hướng đông bắc gặp gió Tây Nam TBg tạo nên dải hội tụ chạy theo hướng kinh tuyến, gây mưa đầu mùa cho cả nước và mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Do gió Tây Nam TBg mạnh hơn đẩy Tín phong Bán cầu Bắc ra xa về phía đông nên miền Bắc ít chịu ảnh hưởng của dải hội tụ này.

• Giữa và cuối mùa hạ, Tín phong Bán cầu Bắc gặp gió mùa Tây Nam tạo nên dải hội tụ nhiệt đới theo hướng vĩ độ, vắt ngang qua lãnh thổ nước ta, gây mưa lớn. Dải hội tụ này lùi dần theo hướng bắc nam nên đỉnh mưa lùi dần từ bắc vào nam.

+ Mùa xuân: Gió Đông Bắc suy yếu, gió Tây Nam chưa mạnh lên, Tín phong Bán cầu Bắc thổi ở rìa Tây Nam của cao áp chí tuyến Tây Thái Bình Dương vào nước ta theo hướng đông nam. Gió này gây ra thời tiết "nồm", độ ẩm lớn, sương mù nhiều, thời tiết ấm, không mưa.

27 tháng 6 2019

HƯỚNG DẪN

a) Khác nhau về nhiệt độ

- Căn cứ vào các bản đồ nhiệt độ, biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa ở các địa điểm thuộc vùng khí hậu Tây Nguyên và vùng khí hậu Nam Trung Bộ để tìm các dẫn chứng về sự khác nhau của hai vùng khí hậu về nhiệt độ trung bình năm; nhiệt độ trung bình tháng cao nhất, thấp nhất; biên độ nhiệt độ trung bình năm; biên trình nhiệt năm (có một cực đại hay hai cực đại, các tháng có nhiệt độ thấp/ cao bất thường...).

- Căn cứ vào các nhân tố tác động đến chế độ nhiệt để giải thích (vị trí địa lí và lãnh thổ, hoàn lưu khí quyển, địa hình với tác động trực tiếp và gián tiếp thông qua sự phối hợp với gió mùa); trong đó cần chú trọng hệ quả gây ra do phối hợp của gió mùa với hướng địa hình (gây phơn khô nóng ở sườn khuất gió); gió mùa đông và độ cao địa hình ở hai khu vực.

b) Khác nhau về mưa

- Căn cứ vào các bản đồ lượng mưa, biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa ở các địa điểm thuộc vùng khí hậu Tây Nguyên và vùng khí hậu Nam Trung Bộ để tìm các dẫn chứng về sự khác nhau của hai vùng khí hậu về lượng mưa trung bình năm (tổng lượng mưa năm), tháng mưa cực đại, sự phân mùa mưa, khô.

- Căn cứ vào các nhân tố tác động đến chế độ mưa để giải thích (vị trí địa lí và lãnh thổ, hoàn lưu khí quyển, địa hình với tác động trực tiếp và gián tiếp thông qua sự phối hợp với gió mùa); trong đó cần chú trọng hệ quả gây ra do phối hợp của gió mùa với hướng địa hình (gây phơn khô nóng ở sườn khuất gió, gây mưa lớn ở sườn đón gió); một số vị trí ít mưa ở Nam Trung Bộ do ở vị trí địa lí khuất gió/song song với hướng gió...