Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
HƯỚNG DẪN
- Vào mùa đông ở nước ta (tháng XI đến tháng IV), có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc và Tín phong Bán cầu Bắc.
- Gió mùa Đông Bắc:
+ Khối khí lạnh từ cao áp phương Bắc thổi vào nước ta theo hướng đông bắc, gọi là gió mùa Đông Bắc, hoạt động ở miền Bắc nước ta; khi đi về phía nam, gió bị suy yếu và bị chặn lại ở dãy Bạch Mã, chỉ có những đợt có cường độ mạnh mới thổi qua được.
+ Tác động đến chế độ nhiệt: Với tính chất lạnh khô, gió này làm nền nhiệt ở miền Bắc hạ thấp, có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C. Ở Đông Bắc, các thung lũng giữa các cánh cung núi hút gió mạnh làm nhiệt độ thấp nhất; dãy Hoàng Liên Son ngăn không cho gió này xâm nhập trực tiếp vào Tây Bắc, phải xâm nhập theo thung lũng sông Hồng, sông Đà từ đồng bằng Bắc Bộ lên, nên cùng một độ cao, nhiệt độ ở Tây Bắc cao hơn ở Đông Bắc. Càng đi về phía nam, gió mùa Đông Bắc bị suy yếu và biến tính, nên không còn lạnh như ở Bắc Bộ nữa.
+ Tác động đến chế độ mưa: Nửa đàu mùa đông, gió mùa Đông Bắc thổi qua lục địa Trung Hoa rộng lớn, khi đi vào nước ta gây thời tiết hanh khô cho Bắc Bộ; khi vào miền Trung, gặp dãy Trường Sơn Bắc, gây mưa cho khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế.
- Tín phong Bán cầu Bắc: Tín phong Bán cầu Bắc (còn gọi là Tín phong Đông Bắc) hoạt động quanh năm trên phạm vi cả nước, tính chất của gió này là nóng, khô và tương đối ổn định.
+ Ở miền Bắc, Tín phong Đông Bắc thổi xen kẽ với gió mùa Đông Bắc, mạnh lên khi gió mùa Đông Bắc suy yếu, gây nên thời tiết khô ấm giữa những ngày đông lạnh giá.
+ Ở miền Nam, Tín phong Đông Bắc thống trị, gây nên một mùa khô sâu sắc ở Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Ở Trung Bộ: Tín phong Đông Bắc gặp dãy Trường Sơn gây mưa cho vùng ven biển Trung Bộ.
HƯỚNG DẪN
- Nước ta nằm ở vị trí tiếp giáp giữa lục địa và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và Địa Trung Hải, nên có tài nguyên khoáng sản phong phú.
- Vị trí nước ta nằm trên đường di lưu và di cư của nhiều loài động, thực vật (luồng từ Hoa Nam và Himalaya xuống, luồng từ Ấn Độ và Mianma sang, luồng từ Inđônêxia - Malaixia lên) nên tài nguyên sinh vật phong phú.
- Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới Bán cầu Bắc, nên có nền nhiệt độ cao, tổng số giờ nắng lớn; lại nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió Tín phong và gió mùa châu Á, khu vực gió mùa điển hình nhất trên thế giới, nên có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.
HƯỚNG DẪN
- Miền khí hậu phía Nam phân hoá thành 3 vùng khí hậu: Vùng khí hậu Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
- Trong mỗi vùng khí hậu, cần phân tích (trình bày, so sánh, giải thích...) về:
+ Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình năm; tháng nhiệt độ cực đại, cực tiểu; biên độ nhiệt độ trung bình năm, biến trình nhiệt.
+ Chế độ mưa: lượng mưa trung bình năm; tháng mưa cực đại, cực tiểu; sự phân mùa mưa, khô.
HƯỚNG DẪN
- Tác động đến khí hậu:
+ Làm tăng độ ẩm của các khối khí qua biển, mang lại cho nước ta lượng mưa và độ ẩm lớn.
+ Làm giảm thời tiết khắc nghiệt.
+ Làm cho khí hậu nước ta mang nhiều đặc tính hải dương, điều hoà hơn.
- Tác động đến địa hình: Làm cho địa hình ven biển nước ta rất đa dạng (vịnh cửa sông, bờ biển mài mòn, tam giác châu có bãi triều rộng, cồn cát, vũng vịnh nước sâu...).
- Tác động đến các hệ sinh thái vùng ven biển: Làm cho các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có.
+ Hệ sinh thái rùng ngập mặn có diện tích rộng và năng suất sinh học cao.
+ Các hệ sinh thái trên đất phèn, hệ sinh thái rừng trên các đảo... đa dạng, phong phú.
HƯỚNG DẪN
- Thời gian: từ tháng XI - IV.
- Hướng: đông bắc.
- Nguồn gốc: từ cao áp Xibia.
- Tính chất: lạnh khô.
- Hoạt động (phạm vi, thời gian):
+ Gió mùa Đông Bắc xâm nhập trực tiếp vào vùng Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, xâm nhập vào Tây Bắc theo các thung lũng sông và thổi về phía nam. Khi di chuyển về phía nam, gió mùa Đông Bắc suy yếu dần, bớt lạnh hơn và hầu như bị chặn lại ở dãy Bạch Mã; chỉ có những đợt có cường độ mạnh thì mới vượt qua được dãy núi này, nhưng đã bị biến tính mạnh, hầu như không còn lạnh nữa.
+ Nửa đầu mùa đông (khoảng tháng XI - I): Gió Đông Bắc thổi qua lục địa Trung Hoa rộng lớn, khi vào nước ta gây nên thời tiết lạnh khô ở Bắc Bộ. Từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế do gặp dãy Trường Sơn Bắc, nên gây mưa lớn.
+ Nửa sau mùa đông (khoảng tháng II - IV): Gió Đông Bắc bị lệch qua biển được tăng cường ẩm, khi thổi vào nước ta gây nên thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn ở vùng ven biển và các đồng bằng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
- Tác động đến khí hậu nước ta:
+ Gây ra một mùa đông lạnh ở miền Bắc, có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C; đồng thời đó cũng là mùa khô, nhưng không khô hạn lắm, do có mưa phùn.
+ Gây ra sự phân hóa về nhiệt và mưa ở miền Bắc và cả nước.
HƯỚNG DẪN
- Miền khí hậu phía Bắc phân hoá thành 4 vùng khí hậu: vùng khí hậu Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Trung và Nam Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
- Trong mỗi vùng khí hậu, cần phân tích (trình bày, so sánh, giải thích...) về:
+ Chế độ nhiệt: nhiệt độ trung bình năm; tháng nhiệt độ cực đại, cực tiểu; biên độ nhiệt độ trung bình năm, biến trình nhiệt.
+ Chế độ mưa: lượng mưa trung bình năm; tháng mưa cực đại, cực tiểu; sự phân mùa mưa khô.
HƯỚNG DẪN
Địa hình núi nước ta chia thành 4 vùng: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam. Địa hình đồi gồm bán bình nguyên và đồi trung du. Mỗi vùng địa hình có những đặc điểm khác nhau.
a) Vùng núi Đông Bắc
- Nằm ở tả ngạn sông Hồng.
- Địa hình núi thấp chiếm phần lớn diện tích của vùng.
- Hướng núi chủ yếu là vòng cung (Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều); ngoài ra, còn có hướng tây bắc - đông nam (dãy Con Voi, Tam Đảo...).
- Có các khu vực rõ rệt:
+ Vùng thượng nguồn sông Chảy là những đỉnh núi cao trên 2000m. Giáp biên giới Việt Trung là các khối núi đá vôi đồ sộ (ở Hà Giang, Cao Bằng) cao trên 1000m.
+ Trung tâm là vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình 500 - 600m.
b) Vùng núi Tây Bắc
- Nằm giữa sông Hồng và sông Cả.
- Cao nhất nước.
- Hướng núi: tây bắc - đông nam.
- Có 3 dải địa hình song song:
+ Phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn cao và đồ sộ, được coi là nóc nhà của Việt Nam, trong đó đỉnh Phanxipăng cao 3143m.
+ Phía tây là địa hình núi trung bình của các dãy núi chạy dọc biên giới Việt - Lào (Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao...).
+ Ở giữa thấp hơn là các dãy núi, sơn nguyên và cao nguyên từ Phong Thổ đến Mộc Châu (Tả Phình, Sín Chải, Sơn La, Mộc Châu...), tiếp nối là những đồi núi đá vôi ở Ninh Bình - Thanh Hóa.
c) Vùng núi Trường Sơn Bắc
- Phía nam sông Cả tới dãy Bạch Mã.
- Khu vực núi núi thấp.
- Gồm các dãy núi song song và so le nhau theo hướng tây bắc - đông nam.
- Đặc điểm hình thái:
+ Hẹp ngang; có hai sườn không đối xứng. Sườn Đông Trường Sơn hẹp và dốc, có nhiều nhánh núi nằm ngang chia cắt đồng bằng duyên hải Trung Bộ.
+ Hai đầu nâng cao (phía bắc là vùng núi Tây Nghệ An và phía nam là vùng núi Tây Thừa Thiên Huế), thấp trũng ở giữa (vùng đá vôi Quảng Bình và vùng đối thấp Quảng Trị); cuối cùng là dãy Bạch Mã đâm ngang ra biển.
d) Vùng núi Trường Sơn Nam: Gồm các khối núi và cao nguyên
- Từ phía nam dãy Bạch Mã trở vào.
- Trường Sơn Nam
+ Khối núi Kon Tum và khối núi cực Nam Trung Bộ được nâng cao, đồ sộ; có những đỉnh núi cao trên 2000m như: Ngọc Lĩnh (2598m), Ngọc Krinh (2025m), Bi Doup (2287m, Lang Biang (2167m)... Nối giữa hai khối núi này là vùng núi thấp kéo dài từ Bình Định đến Phú Yên.
+ Hai sườn đối xứng nhau rõ rệt: Phía tây thoải về phía các cao nguyên Tây Nguyên, phía đông dốc chênh vênh bên dải đồng bằng hẹp ven biển.
+ Hướng núi: Khối núi Kon Tum (hướng tây bắc - đông nam) liền với mạch núi từ Bình Định đến Phú Yên (hướng bắc nam), nối với khối núi cực Nam Trung Bộ (hướng đông bắc - tây nam) tạo thành một vòng cung lưng lồi về phía Biển Đông.
- Cao nguyên
+ Cao nguyên badan xếp tầng với độ cao khác nhau: Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Mơ Nông, Di Linh, Lâm Viên (độ cao 500 - 800 - 1000 và trên 1000m).
+ Bán bình nguyên xen đồi ở phía tây và khoảng liền kề giữa các cao nguyên với nhau.
e) Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du
- Nằm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng.
- Bán bình nguyên Đông Nam Bộ gồm các bậc thềm phù sa cổ, độ cao khoảng 100m và bề mặt phủ badan với độ cao chừng 200m.
- Địa hình đồi trung du phần nhiều là các thềm phù sa cổ bị chia cắt do tác động của dòng chảy. Dải đồi trung du rộng nhất nằm ở rìa Đồng bằng sông Hồng và thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển miền Trung.
HƯỚNG DẪN
(TBg - viết tắt của vịnh Tây Bengan, một vịnh ở Bắc Ấn Độ Dương ở vùng biển Ấn Độ)
- Thời gian: đầu mùa hạ (khoảng tháng V, VI và đầu tháng VII).
- Hướng: tây nam.
- Nguồn gốc: từ cao áp Bắc Ấn Độ Dưong.
- Tính chất: nóng ẩm.
- Hoạt động và tác động:
+ Xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên.
+ Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt - Lào, tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần nam của khu vực Tây Bắc, trở nên khô nóng (gió phơn Tây Nam hay gọi là gió Tây hoặc gió Lào).
HƯỚNG DẪN
- Gió mùa Đông Bắc từ cao áp Xibia thổi đến nước ta trong khoảng thời gian từ tháng XI đến tháng IV, gây nên mùa đông lạnh ở miền Bắc (từ dãy Bạch Mã ra) nước ta, có 3 tháng nhiệt độ dưới 18°C. Gió này lạnh khô, khi đến nước ta gây ra thời tiết lạnh khô vào nửa đầu mùa đông; nửa sau mùa đông thổi lệch qua biển trở nên lạnh ẩm, có mưa phùn ở vùng ven biển và các đồng bằng ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Như vậy, gió mùa Đông Bắc gây ra một mùa đông lạnh, ít mưa ở miền Bắc.
- Vào đầu mùa hạ, gió Tây Nam TBg từ Bắc Ấn Độ Dương xâm nhập trực tiếp và gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt - Lào, tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần nam của khu vưc Tây Bắc, gây ra hiện tượng phơn khô nóng, tạo nên mùa khô ở Duyên hải Nam Trung Bộ.
- Giữa và cuối mùa hạ, gió mùa Tây Nam (Tín phong Bán cầu Nam) hoạt động mạnh lên. Khi vượt qua vùng biển Xích đạo, khối khí này trở nên nóng ẩm hơn, thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Hoạt động của gió mùa Tây Nam cùng với dải hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc và mưa vào tháng IX cho Trung Bộ.
Như vậy, gió mùa đã làm cho miền Bắc có một mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều; miền Nam và Tây Nguyên có một mùa mưa và một mùa khô rõ rệt (do tác động của Tín phong Bán cầu Bắc); Duyên hải miền Trung có mùa mưa lệch sang thu đông.
HƯỚNG DẪN
a) Độ cao địa hình
- 3/4 diện tích địa hình Việt Nam là đồi núi, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp (85% địa hình cao dưới 1000m), nên khí hậu chủ yếu của nước ta là nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình năm trên 20°C.
- Do độ cao địa hình, nên khí hậu nước ta phân hóa thành 3 đai cao: đai nhiệt đới gió mùa (độ cao trung bình đến 600 - 700m ở miền Bắc và đến 900 - 1000m ở miền Nam); đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi (độ cao đến 2600m); đai ôn đới gió mùa trên núi (từ 2600m trở lên, chỉ có ở miền Bắc).
- Những đỉnh núi cao đón gió là những nơi mưa nhiều của nước ta (Móng Cái, các núi dọc biên giới Việt - Trung, dãy Bạch Mã, Ngọc Lĩnh, cực Nam Trung Bộ...). Nơi địa hình thấp, trũng, khuất gió có lượng mưa rất thấp (Móng Cái, thung lũng sông Ba...).
b) Hướng địa hình
- Hướng vòng cung:
+ Các cánh cung núi Đông Bắc mở rộng về phía bắc và phía đông đón gió mùa Đông Bắc trực tiếp, làm cho nền nhiệt độ ở đây vào mùa đông thấp nhất nước ta, có 3 tháng nhiệt độ xuống dưới 18°C.
+ Cánh cung Đông Triều thẳng góc với hướng gió Đông Nam vào mùa hạ, gây mưa ở sườn đón gió và ít mưa ở vùng khuất gió (Cao Bằng, Lạng Sơn).
- Hướng tây bắc - đông nam:
+ Dãy Hoàng Liên Sơn cao chắn gió mùa Đông Bắc, chặn sự xâm nhập trực tiếp gió này vào Tây Bắc, làm cho những nơi có cùng độ cao với Đông Bắc đều có nhiệt độ cao hơn.
+ Các dãy núi ở biên giới Việt - Lào cùng với gió Tây Nam đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Nam Tây Bắc và cả ở đồng bằng Bắc Bộ vào đầu mùa hạ.
+ Dãy núi Trường Sơn cùng với gió Tây Nam đầu mùa hạ đã gây nên hiện tượng phơn khô nóng ở Duyên hải miền Trung và gây mưa nhiều cho Tây Nguyên (ở sườn đông của Trường Sơn Nam). Về mùa đông, dãy Trường Sơn cùng với gió mùa Đông Bắc gây mưa cho Duyên hải miền Trung (nhất là khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế), gây hiện tượng phơn ở Tây Nguyên.
+ Nơi núi nhô ra sát biển (mũi Dinh, bán đảo Cam Ranh) đã chặn cả gió mùa Tây Nam về mùa hạ và gió Đông Bắc về mùa đông, làm cho khu vực khuất gió (Phan Rang) lượng mưa rất nhỏ (khoảng chừng 500- 600mm).
+ Dãy Bạch Mã chặn gió mùa Đông Bắc, là nguyên nhân chủ yếu tạo sự phân hóa khí hậu về mùa đông ở hai miền Bắc và Nam nước ta: miền Bắc có một mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp và ít mưa; cùng trong thời gian đó, miền Nam là mùa khô rõ rệt, nhiệt độ tương đối cao.