Bài thơ đã miêu tả rất sinh động trạng thái và hoạt động của nhiều cây cối, loài vật trước và trong cơn mưa. Em hãy tìm hiểu:
a) Hình dáng, trạng thái, hoạt động của mỗi loài lúc sắp mưa và trong cơn mưa. Tìm những động từ và tính từ miêu tả nhận xét về việc sử dụng các từ ấy.
b) Nêu các trường hợp sử dụng phép nhân hoá để miêu tả thiên nhiên trong bài thơ. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp ấy trong một số trường hợp đặc sắc.
a. Cảnh vật quen thuộc trong đời sống hằng ngày được tác giả đưa vào bài thơ trở nên rất sinh động thông qua nghệ thuật miêu tả hình dáng, trạng thái, hoạt động của mỗi loài.
Đây là khung cảnh lúc trời sắp mưa: Những con mối-Bay ra-Mối trẻ-Bay cao - Mối già- Bay thấp - Gà con - Rối rít tìm nơi - Ân nấp. Nhịp điệu thơ khẩn trương, gấp gáp như báo hiệu một cơn mưa lớn đang kéo đến gần. Động từ bay được lặp lại nhiều lần, các tính từ trẻ, già, cao, thấp, rối rít có tác dụng gợi tả, gợi hình đặc biệt. Người đọc như được chứng kiến tận mắt khung cảnh sinh động đó.
Từ hình ảnh cây cỏ gà lay động trước gió, tác giả hình dung ra: cỏ gà rung tai nghe; còn những cành tre bị gió thổi mạnh thì được nhân hoá: Bụi tre tần ngần gỡ tóc.
Trời chuyển mưa giông, mây đen vần vũ, gió thổi ù ù như tiếng cối xay lúa. Trời bắt đầu mưa. Mưa rơi Lộp bộp trên tàu cau, tàu chuối. Mưa nặng hạt hơn. Đất trời trắng xoá. Mưa to, gió lớn. Sau những ngày tháng khô hạn, đất gặp nước sủi bọt, bong bóng nổi đầy sân. Chú Cóc sung sướng nhảy chồm chồm, sấm chớp đì đùng, chó sợ hãi sủa inh ỏi. Cây bưởi, cây na trong vườn hả hê đón những hạt mưa đầu mùa mát rượi.
b. Nét nổi bật nhất trong nghệ thuật miêu tả của bài thơ là phép nhân hoá được sử dụng rộng rãi và tài tình: ông trời, Mặc áo giáp đen, Ra trận, Muôn nghìn cây mía, Múa gươm, Kiến, Hành quân, Đầy đường... Những đám mây đen che phủ bầu trời trông giống như lớp áo giáp uy nghi của một dũng tướng khi ra trận. Còn Muôn nghìn cây mía lá nhọn sắc quay cuồng trong cơn gió mạnh được nhà thơ hình dung như những lưỡi gươm đang múa loang loáng trong tay các chiến binh. Kiến nối đuôi nhau đi thành từng đàn như một đoàn quân đang hành quân ra trận.
Cách miêu tả của Trần Đăng Khoa thật lạ lùng, đặc sắc. Từ cây bưởi trĩu quả: Hàng bưởi đu đưa, Bế lũ con, Đầu tròn, Trọc lốc... đến cảnh: Chớp, Rạch ngang trời, Khô khốc, Sấm, Ghé xuống sân, Khanh khách, Cười, Cây dừa, Sải tay, Bơi, Ngọn mùng tơi, Nhảy múa... đều được miêu tả bằng trí tưởng tượng phong phú, bay bổng của trẻ thơ.
Bài thơ không chỉ miêu tả cơn mưa với sấm chớp, gió mưa... mà còn miêu tả hoạt động của vạn vật và con người. Thông qua đó, người đọc hình dung ra đầy đủ cảnh tượng một cơn mưa rào mùa hạ và tác động của nó đối với vạn vật trên mặt đất.