K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

29 tháng 8 2016

“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn*

Ta hiểu lời dạy trên như thế nào?

Câu tục ngữ là một lời khuyên thật giản dị, nêu lên hai chất liệu hết sức gần gũi và quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Đó là “gỗ” và “nước sơn”. Gỗ là chất liệu dùng để tạo nên vật dụng như tủ, bàn, ghế… Còn “nước sơn” là chất liệu dùng để quét bên ngoài nhằm làm tăng thêm vẻ đẹp của đồ vật. Muốn có một đồ vật bền ta nên chú ý đến chất gỗ bên trong, đừng vì màu sắc hào nhoáng bên ngoài mà dễ bị nhầm lẫn. Qua kinh nghiệm trong cuộc sống, ông bà ta đã kết luận “gỗ tốt” hơn hẳn “nước sơn” đẹp. Từ nghĩa thực ấy, câu tục ngữ muốn khuyên chúng ta nên thận trọng hơn trong cách nhìn và thực tế hơn trong cách sống, không nên dựa vào hình thức bên ngoài mà phải chú ý quan tâm đến chất lượng, phẩm giá bên trong để phán xét vấn đề. Thật vậy, thực chất bên trong của sự vật, cũng như đạo đức, năng lực của con người phải có giá trị hơn hẳn cái hình thức dáng vẻ hào nhoáng bên ngoài. Và lời khuyên ấy là một bài học quý báu cho mỗi chúng ta.

 

 

Trong thực tế của cuộc sống, mỗi sự vật, mỗi con người thì giữa hình thức và nội dung, giữa vẻ bên ngoài và thực chất bên trong không phải lúc nào cũng thống nhất nhau. Thường những vật có chất lượng kém thường được mang một hình thức thật hấp dẫn. Cái tủ, cái bàn làm bằng gỗ xấu thì luôn có một lớp sơn sặc sỡ bên ngoài bao phủ. Cũng như người độc ác, bất tài thường được che giấu bởi lớp vỏ bên ngoài thật lịch sự, sang trọng… Đúng trước những trường hợp ấy phải tình táo và sáng suốt để nhận định đánh giá, để không bị nhầm lẫn. Và nếu phải chọn lựa thì ta nên lấy nội dung, chất lượng bên trong làm chuẩn, làm thước đo để đánh giá. Là vật dụng ta chú ý đến chất gỗ, là con người ta nên quan tâm đến đạo đức, trình độ năng lực của người ấy. Có như vậy, ta mới không hối tiếc sau này. Bởi lẽ, hình thức bền ngoài không thể bền lâu, rồi cũng sẽ tàn phai theo năm tháng, còn cái trường tồn vững chắc vẫn là cái cốt lõi bên trong. Ngoài ra, câu tục ngữ còn giúp ta một phương châm ở đời, đó là lo tu dưỡng rèn luyện bản thân: Đừng mải mê chạy theo hình thức mà quên đi cái giá trị của con người là phẩm hạnh, là tài năng, trí tuệ. Đây là một lời giáo dục thật đúng đắn để giúp chúng ta vững vàng hơn trong cuộc sống.

Tóm lại, câu tục ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã giúp cho ta một bài học kỉnh nghiệm về cách nhận định đánh giá đồ vật hoặc con người. Hiểu đúng, vận dụng đúng lời khuyên dạy trên chúng ta sẽ ít vấp phải sai lầm. Cũng từ bài học này giúp ta biết cách rèn luyện, tu dưỡng bản thân để tự nâng cao phẩm chất của một người học sinh; đồng thời ta cũng thấy rõ hơn mối quan hệ hỗ tương giữa hai mặi nội dung và hình thức để ta phấn đấu vươn lên thành người toàn diện, giúp ích cho đất nước quê hương.



 

29 tháng 12 2016

Bài làm

Sự đánh giá là một trong những hoạt động phổ biến. Từ xưa đến nay, khi gặp bất cứ một sự vật, sự việc hay một người nào đó, ta luôn đánh giá. Đáng giá việc đó tốt hay xấu, người đó tốt hay xấu. Để làm được điều này tốt nhất, chúng ta luôn đặt ra những tiêu chí. Và không thể phủ nhận tầm quan trọng của những bài học, những kinh nghiệm được đúc kết của thế hệ đi trước để lại. Những kinh nghiệm ấy thường được chuyển hóa thành những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao…. Và nổi bật trong đó là câu tục ngữ: "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

Cũng như các câu tục ngữ khác, thế hệ đi trước đều lựa chọn sử dụng những hình ảnh, từ ngữ hết sức gần gũi, dễ hiểu với người nông dân, người lao động. Đây là đặc thù của văn học dân gian thời xưa. Cũng chính bởi đặc thù này mà nó luôn được người dân lựa chọn để lưu truyền suốt từ đời này qua đời khác. Không ai có thể phủ nhận những hiệu quả tuyệt vời mà nó đem lại. Trong câu tục ngữ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", họ đã sử dụng hai hình ảnh mang tính trình tự để diễn tả. Đó là "gỗ" và "nước sơn". Hai hình ảnh này là hai hình ảnh mang tính trình tự bởi lẽ, đây là hai giai đoạn của một công việc thuộc ngành mộc. Trước khi hoàn thành một món đồ gỗ, bước đầu tiên chính là chọn gỗ, và bước cuối cùng chính là phủ lên sản phẩm đó một lớp "nước sơn". "Nước sơn" là một lớp áo của lõi gỗ ẩn dưới. "Nước sơn" giúp cho sản phẩm đẹp hơn trong mắt người nhìn. Cũng chính bởi đặc điểm này mà câu nói mới đạt được trình độ diễn đạt sâu sắc. "Nước sơn" như một lớp áo cho lõi gỗ được đẹp hơn, nhưng nó cũng có thể che giấu đi những điểm xấu của lõi gỗ. Điều này ngụ ý cho những thứ bề ngoài, ở bên ngoài có thể hào nhoáng giúp cho bản chất bên trong đẹp hơn, hoàn nhảo hơn. Nhưng cái vẻ bên ngoài ấy có thể che giấu những điều xấu xa của bản chất bên trong. Chính vì thế mà vẻ bề ngoài không bao giờ phản ánh đúng bản chất bên trong. Bên ngoài có rực rỡ bao nhiêu nhưng bên trong thối nát thì cũng không bao giờ giữ được giá trị lâu. Giá trị có được là từ bản chất bên trong. Cho nên bản chất bên trong sẽ được coi trọng hơn là cái hào nhoáng bên ngoài. Chính vì vậy mới "tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Cái bản chất bên trong tốt luôn được coi trọng hơn cái đẹp của hào nhoáng bên ngoài. Đây chính là bào học quí báu của thế hệ đi trước để lại cho chúng ta. Một sự việc mà chỉ có bề nổi, không có phần sâu xa bên trong thì sự việc đó sẽ không được lâu bền. Một con người mà chỉ được cái vỏ mà rỗng thì sẽ chẳng được coi trọng. Đối với con người, như thế nào là có vẻ đẹp của bản chất bên trong? Mặc dù đã trải qua nhiều thế hệ, trải qua nhiều tiêu chí thế nào là đẹp khác nhau, nhưng tựu chung lại vẫn bao gồm một số tiêu chí cơ bản. Như, người đó phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý chí nghị lực, có cách hành xử văn minh lịch sự, có học thức,… Một tấm lòng tốt luôn đáng giá ngàn vàng hơn vẻ bề ngoài lộng lẫy. Đẹp bên ngoài mà xấu bên trong thì sớm muộn cũng bị bài trừ tẩy chay, thậm chí sẽ có thể bị gán mác giả tạo, xấu xa. Vì vậy, không gì khác là bạn hãy tu dưỡng phẩm chất đạo đức thật tốt trước khi tô vẽ những thứ bên ngoài. Rất nhiều bạn nữ tôi quen, sáng nào trước khi ra đường cũng phải dành ra một khoảng thời gian rất lâu để trang điểm. Đương nhiên tôi không cho đó là xấu. Vệc trang điểm đơn giản là để mình đẹp hơn, tự tin hơn. Nhưng điều tôi đáng nói đến chính là cách hành xử của họ. Gương mặt xinh đẹp, trang phục hàng hiệu hợp thời trang nhưng lại không văn minh, nói tục chửi bậy nơi công cộng… Còn rất nhiều hành động thiếu văn minh khác nữa. Đơn cử như một anh chàng khác, tóc tai vuốt keo dựng đứng, ăn mặc khá gọn gàng nhưng lại cư xử thô lỗ với người lớn tuổi, không biết giúp đỡ người khác. Tôi có một người bạn, vẻ ngoài của cô ấy không mấy bắt mắt. Nhưng cô ấy rất tốt bụng, vui vẻ, hòa đồng nên được mọi người yêu mến, gần gũi. Điều này chẳng tốt hơn là một cô gái đẹp mà chảnh chọe, khó chịu, không hòa đồng hay sao? hơn nữa, vẻ đẹp bên ngoài có thể bị phai nhòa theo thời gian, nhưng vẻ đẹp tâm hồn là trường tồn mãi mãi. Vẻ đẹp tâm hồn chính là dấu ấn của riêng bạn trong mắt người khác. Nó sẽ là dư âm còn đọng mãi trong tâm trí của người đối diện. Đó là về con người. Còn sự vật, sự việc cũng như vậy. Trước khi bạn quyết định một điều gì đó, hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, đánh giá vấn đề thật đúng đắn. Đừng 'trông mặt mà bắt hình dong". Mặc dù câu nói này đã có từ rất lâu, nhưng không phải ai cũng vận dụng tốt câu nói này. Tôi có thể lấy một ví dụ cụ thể mà đang là vấn đề nóng bỏng hiện nay. Đó là "bẫy" đa cấp biến tướng. Hình thức kinh doanh này là một ví dụ điển hình cho việc "nước sơn che mất bản chất". Bản chất của đa cấp biến tướng là lừa đảo, làm cho những người chưa nằm trong mạng lưới hiểu không đúng về bản chất xấu xa của mình. Chiêu trò giới thiệu những người trẻ tuổi thành đạt, thu nhập hàng trăm, hàng nghìn đô la một tháng đã làm lu mờ con mắt sáng suốt của những người đến đây với ý muốn tìm hiểu công việc. Những nhân viên bảnh bao vest đen, sơ mi trắng lịch sự văn minh nhưng lại chẳng có gì ngoài sự tin tưởng mù quáng vào mạng lưới kinh doanh đa cấp biến tướng. Họ đã bị cái hào nhoáng bên ngoài che mắt. Cứ ngày ngày đến một cái văn phòng đông người như một cái hội chợ, nghe những người được giới thiệu là thành đạt từ hệ thống giảng giải, nói điều trên trời dưới đất mà trong lòng lo lắng tiền nhà, tiền ăn chưa có mà tiền lương thì không thấy có đồng bạc nào. Nhưng họ vẫn cứ bị cái hào nhoáng ấy làm cho mù quáng với một sự tin tưởng giấc mộng ngày mai mình sẽ giàu Giấc mơ đổi đời mà không phải làm gì thật là vi diệu trong mắt những con người đó. Thật không thể tin nổi! Tại sao những người có chính kiến bản thân lại dễ bị sa vào cái "bẫy" của bọn chúng như thế! Đơn giản là bởi họ vẫn chưa áp dụng được bài học "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" vào cuộc sống của mình.

Khép lại câu truyện đánh giá về một sự vật sự việc, con người. Câu nói "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Nó là sản phẩm của trí tuệ, của kinh nghiệm cha anh. Chính vì vậy, hãy vận dụng nó vào cuộc sống của bản thân. Hãy rèn luyện, tích lũy kiến thức để mình là một con người "tốt gỗ" chứ không đơn thuần chỉ là "tốt nước sơn".