K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

14 tháng 12 2016

Mở bài.
Lòng yêu nước là truyền thống vô cùng quý báu của nhân dân ta, được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mỗi khi giặc ngoại xâm có ý định xâm lấn chủ quyền, tinh thần yêu nước ấy lại nổi lên một cách mạnh mẽ như lời của Bác: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta). Ngày nay, tinh thần ấy vẫn luôn được phát huy và thể hiện một cách mạnh mẽ. Đó phải chăng là tình cảm tốt đẹp vô ngần đã ngấm vào máu thịt của nhân dân Việt Nam ta biết bao nhiêu thế hệ?

Thân bài.
Học sinh cần đảm bảo các ý sau:
- Giải thích khái niệm: Lòng yêu nước là sự biểu hiện mối quan hệ tình cảm tích cực của mỗi công dân với đất nước. Lòng yêu nước từ xưa đến nay đã được đề cập đến trong thơ, văn, trong lịch sử,… với những cử chỉ, biểu hiện cao đẹp từ những điều đơn giản nhất là việc yêu gia đình, yêu quê hương đến lớn hơn là những hành động thiết thực đứng lên cầm súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
- Biểu hiện: Lòng yêu nước là tình cảm mang tính truyền thống của người VN. Khi đất nước có chiến tranh, lòng yêu nước thể hiện ở lòng căm thù giặc, ý chí bất khuất kiên cường chống giặc ngoại xâm, ý thức về chủ quyền dân tộc. Chúng ta không còn cảm thấy xa lạ trước những tấm gương đứng lên đánh giặc giúp nước, sự thôi thúc người lính cầm súng mà coi nhẹ cái chết, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Khi đất nước hòa bình, lòng yêu nước thể hiện ở tình yêu thiên nhiên, con người, lòng tự hào dân tộc. Đất nước hòa bình không phải con người không có cơ hội bộc lộ lòng yêu nước của mình, điều quan trọng là tấm lòng luôn hướng về đất nước, có những hành động thiết thực thể hiện ước muốn đất nước ngày một đẹp giàu.
- Trong thời hiện đại, là thời kì của kinh tế thị trường, hội nhập…, con người Việt Nam vừa tiếp nối truyền thống cha ông, thể hiện lòng yêu nước trong ý thức bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của dân tộc; vừa có ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa, những giá trị tinh thần của dân tộc như phong tục, tập quán, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; thể hiện ý thức tự tôn dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực; xây dựng đất nước giàu mạnh để có thể tự hào sánh vai các cường quốc trên thế giới; bảo vệ danh dự con người Việt Nam trước cộng đồng quốc tế...
- Bàn luận vấn đề:
* Yêu nước nhưng không cố chấp, bảo thủ (ta về ta tắm ao ta…). Yêu nước không đồng nghĩa với những hành động bài ngoại, cố thủ với những thói quen, tập tục cần thay đổi.
* Có lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc nhưng không bằng lòng với những gì đang có. Xã hội biến đổi từng ngày, mỗi người cần ý thức luôn luôn duy trì và phát triển đất nước, làm cho đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác dạy.
* Yêu nước nhưng không che giấu, chấp nhận những thói hư tật xấu của người Việt, phải đấu tranh để đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Mỗi dân tộc bên cạnh những nét đẹp về truyền thống văn hóa cũng không tránh khỏi những thiếu sót và sai lầm, điều quan trọng là cần nhận thức rõ tình thế của đất nước, hiện trạng những vấn đề nan giải của dân tộc để tìm cách giải quyết.
- Liên hệ bản thân: Học để góp phần xây dựng đất nước ngày mai; giữ gìn bản sắc dân tộc trong mọi lĩnh vực, mọi mối quan hệ...
Kết bài.
Đất nước là của nhân dân, hành động của mỗi người dân sẽ quyết định đến sự tồn vong của một đất nước. Một công dân Việt Nam có những hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước của mình sẽ làm cho đất nước có thêm niềm tin về sự phát triển phồn thịnh, đất nước cần thật nhiều con người như vậy.