Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Bài làm
Theo nhịp tuần hoàn của thiên nhiên, mùa hè đi qua, nhường chỗ cho mùa thu. Những chiếc lá vàng xoay xoay trong gió thu se lạnh. Những cây hoa sữa bung từng chùm hoa trắng muốt như bông tuyết…Mùa thu đến, khẽ khàng nhưng mang bao nhiêu là niềm vui của trẻ thơ chúng tôi. Tết Trung thu- Tết của thiếu nhi. Thật là hồi hộp và háo hức!
Buổi chiều hôm ấy, cả nhà tôi đã tràn ngập không khí đón Tết Trung thu. Mẹ lụi cụi nấu nướng xôi chè. Ba tôi đang trang trí lại mảnh sân nhỏ trước nhà. Hai anh em chúng tôi thì tíu tít ngắm nghía lồng đèn. Mấy bạn trong xóm í ới gọi nhau khoe lồng đèn làm tôi càng háo hức mong cho chiều xuống thật nhanh.
Khi ông mặt trời mệt mỏi lặn xuống dãy núi phía tây thì cũng là thời khắc bắt đầu của đêm Trung thu. Màn đêm nhẹ nhàng phủ xuống khắp xóm làng. Dãy núi mờ xa như khoác chiếc áo choàng đen tím thẫm. Bầu trời xanh trong. Gió khẽ lay động những tàu chuối sau nhà. Kìa! Từ phía sau lũy tre làng, mặt trăng từ từ nhô lên. Lũ trẻ chúng tôi đều hướng mắt về cái vầng ánh sáng kỳ ảo ấy.Trăng tròn như quả bóng .Ôi! Thật là huyền ảo! Trăng tỏa ánh sáng mát dịu xuống khắp xóm làng. Ánh trăng xuyên qua kẽ lá. Mảnh sân con trước nhà tôi sáng rõ như thắp điện. Không biết chú Cuội và chị Hằng trên cung trăng có nhìn thấy chúng tôi ? Tôi băn khoăn khi nghĩ đến chú Cuội đang ngồi bên gốc đa nhìn xuống trần gian mà chẳng làm sao về nhà. Chắc chú Cuội nhớ nhà lắm! Thương chú Cuội quá!
Bỗng có tiếng trống thình thình từ phía khu sinh hoạt văn hóa của làng. Tôi vội vàng dắt em tôi chạy về phía đó. Chao ôi! Cả một đoàn múa lân đang biểu diễn giữa bãi đất trống. Hình như cả làng đều đổ xô ra đây. Mọi người đứng chen chúc nhau. Mặt ai cũng rạng rỡ. Trong tiếng trống sôi động, con lân múa những động tác thật uyển chuyển. Lúc thì lân cúi xuống, quỳ lạy rồi bất ngờ tung người lên cao uốn lượn dũng mãnh…Lúc thì lân lại mềm mại di chuyển như một dãi lụa đang tung bay trong gió. Chú Tễu chạy tới chạy lui xung quanh lân. Ông Địa lại cầm chiếc quạt giấy quạt phành phạnh. Tiếng reo hò, cổ vũ không ngớt. Mấy đứa trẻ con cười ré lên khi ông Địa đến gần chúng trêu chọc. Tôi say sưa ngắm nhìn tất cả với một niềm say mê lạ kỳ. Không thể không thán phục tài múa lân của các anh trong đội lân. Không thể nhịn được cười trước cái vẻ ngộ nghĩnh và đáng yêu của chú Tễu và ông Địa. Thật là tuyệt vời!
Khi đội lân biểu diễn xong thì mọi người tụ tập ngồi xung quanh bãi đất trống. Ở giữa bãi đất dựng một khán đài nhỏ, có treo đèn nhấp nháy, lồng đèn đủ kiểu dáng, màu sắc…Mâm cỗ được bày biện đủ thứ hoa quả, bánh trái đặt trang trọng trên một chiếc bàn lớn giữa khán đài. Một bác lớn tuổi lên khán đài giới thiệu chương trình đêm Trung thu. Các tiết mục văn nghệ thật đặc sắc. Nào là đơn ca, tốp ca, độc tấu đàn tranh, sáo…Diễn viên toàn là người trong làng. Nhiều cô bác lớn tuổi cũng góp vui văn nghệ bên cạnh các tiết mục của các bạn thiếu nhi. Tôi say sưa theo từng điệu múa, tiếng đàn, giọng hát…Chao ôi là vui!
Lũ trè con chúng tôi hào hứng nhất là tiết mục phá cỗ. Chúng tôi cầm lồng đèn đi tung tăng quanh khán đài. Nào lồng đèn ông sao, lồng đèn con cá, con thỏ, lồng đèn du thuyền…Cái nào cũng thắp nến rực rỡ…Nổi bật nhất là chiếc lồng đèn ngôi sao của anh Nam- nó to bằng cả cái nia. Vừa đi, chúng tôi vừa hát vang: Tết Trung thu rước đèn đi chơi…
Các cô bác chia bánh kẹo, hoa quả cho chúng tôi. Đứa nào cũng hớn hở vì được nhiều quà bánh. Em tôi cười tít mắt vì nó được một chiếc bánh dẻo thơm phức.Thật là hạnh phúc!
Trăng đã lên cao từ lúc nào. Trăng như chiếc đĩa bạc lơ lửng giữa bầu trời . Tiếng cười nói đã bớt xôn xao. Mọi người lục tục kéo nhau về. Lũ trẻ con chúng tôi xách lồng đèn và quà bánh rồng rắn dẫn nhau về. Ánh nến từ lồng đền hắt xuống mặt đường soi rõ cả bước chân. Một cảm giác nuối tiếc cứ lởn vởn trong tâm trí tôi.
Về đến nhà, hai anh em tôi lại ngỡ ngàng trước vẻ đẹp lung linh của mảnh sân trước nhà. Những ngọn đèn nhấp nháy treo ngang dọc trên giàn hoa như ngàn ngôi sao. Một chiếc lồng đền ông sao còn to hơn cả lồng đèn anh Nam lơ lửng trên cây mận. Một mâm cỗ nào chè, xôi, bánh nướng, bánh dẻo được mẹ đặt giữa sân. Niềm vui sướng, háo hức lúc nãy tưởng tan biến, nào ngờ lại dâng lên trong lòng tôi. Ba mẹ tôi dịu dàng chia quà cho hai anh em tôi. Cả nhà tôi ngồi trò chuyện, ăn bánh, uống nước trong ánh sáng dịu mát của vầng trăng . Không khí gia đình đầm ấm đem lại cho tôi cảm giác thật bình yên. Tôi ngước nhìn lên bầu trời, bắt gặp vầng trăng tròn trịa . Chú Cuội sẽ buồn biết mấy khi không được về thăm nhà nơi trần gian này. Còn tôi, tôi hạnh phúc hơn chú Cuội nhiều lắm, vì tôi đã được đón một đêm Trung thu thật vui vẻ.
Đêm rằm tháng tám với Tết Trung thu đã để lại ấn tượng khó quên trong tôi. Chúng tôi đã có những giờ phút thật tuyệt vời của trẻ thơ. Cám ơn mùa thu, cám ơn đêm Trung thu!
# Chúc bạn học tốt #
Cảm nghĩ về đêm trăng trung thu
Đêm trung thu, đó là một đêm trăng tròn nhưng lại chẳng yên tĩnh và nên thơ như mọi ngày rằm trong năm. Đêm trung thu sẽ nhộn nhịp những người xuống phố, đi dạo hoặc đi chơi đâu đó là những tiếng trống lân từ đâu vọng lại, nhà thì mở cửa đón chào như đón chờ sự may mắn, nhà thì lại đóng cửa làm sao cho ít tiếng ồn nhất có lẽ vì sợ một em bé mới vài tuổi sẽ bị giật mình và sợ hãi vì tiếng trống và cả tạo hình của những người trong đoàn lân. Tuy nói vậy nhưng chắc rằng đêm trung thu của mỗi nhà của mỗi quê hương sẽ khác nhau và có sự đặc biệt nào đó. Thật vậy đêm trăng trung thu tại quê em là một đêm trung thu rất khác biệt.
Sự khác biệt đó được thể hiện qua hành động, con người và cả nơi sống, địa điểm. Quê em là một vùng đất nông thôn nhỏ bé với những đồng ruộng bao quanh, nhà cách nhà với khoảng cách của những đồng ruộng bao la, nơi đó có những bãi cỏ xanh mát êm dịu như tự nhiên tạo ra để dành cho những chú trâu ngoài đồng khi đã vất vả sẽ được ăn no vậy, những đống rơm được chất cao , màu vàng đó hòa vào cái nắng đẹp đến lạ kì. Đêm trăng trung thu tại quê em có thể nhìn thấy cả một bầu trời rộng với ánh trăng tỏa sáng như chiếm luôn cả ánh sáng của những vì sao làm những vì sao nhỏ chỉ có thể để lại một vài chấm mờ nhạt trên bầu trời cũng như ánh sáng đó đẩy lùi cả những đám mây làm trời trong và đẹp tựa như đêm đó chỉ có mỗi ánh trăng thôi vậy. Trên mặt trăng em nhìn rõ cả hình ảnh của chú cuội cùng hằng nga bên gốc cây đa phải chăng hai người họ đang trên cung trăng đó nhìn ngắm xuống mặt đất, nhìn ngắm vùng quê em vui hội trăng rằm. Quê em chẳng có tiếng trống hay lân, chẳng có những nơi để vui chơi nhộn nhịp mà chỉ có tiếng cười nói của xóm làng tụ họp cùng nhau ăn trung thu, có những chiếc bánh được sẽ chia truyền tay nhau cho lũ trẻ, dưới ánh trăng sáng và hài hòa ấy cả đám học trò nhỏ cùng nhau chạy trên những con đê ra tới bãi cỏ xanh mát ấy, chúng cùng nhau nằm xuống mặt đất nhìn lên bầu trời nói cho nhau những ước nguyện, những mong ước mà chúng cất giữ bao lâu và đang trên bước đường thực hiện những ước mơ đó. Chúng cùng nhau chơi những trò chơi dân gian nào trốn tìm nào đuổi bắt và ánh trăng như ánh đèn soi sáng cả vùng nông thôn nhỏ . Những ngày bình thường sẽ chẳng có những cuộc họp mặt như vậy vào ban đêm cũng bởi vì vùng nông thôn này sẽ chẳng có ánh sáng, ánh đèn điện để chiếu rọi những con đê hay bãi cỏ mà thay vào đó và một màu đen của màng đêm đâu đó là những ánh đèn nhỏ của những người câu cá về đêm hay đi thăm ruộng đồng. Đêm trung thu cảnh vật đều yên bình, con người gắn bó với con người, chia sẽ cho nhau từng miếng bánh trung thu để rồi những ngày tháng đó để lại trong tâm trí em là những kí ức tươi đẹp và yên bình mỗi khi nhớ về.
Đêm trung thu quê em là như thế đó, bình yên, cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, nói ra những tâm sự hay ước mong của bản thân, cùng nhau chơi những trò chơi dân gian, chẳng có những tiếng trống nhộn nhịp, chẳng có những tiếng pháo hoa đầy màu sắc cũng chẳng có những màng biểu diễn đẹp mắt, tất cả chỉ có thế nhưng lại thấm đượm tình quê, ghi mãi trong tâm hồn em một dấu ấn thật đặc biệt, dấu ấn, kỉ niệm của đêm trăng trung thu quê em.
~ Học tốt ~
Câu 1.
- Bài làm 1 :
Cốm - nhắc tới món ăn thanh nhã mang đậm những hương vị đồng quê như thế này chúng ta không thể không nghĩ tới hình ảnh của Hà Nội với những ngọn gió heo may mỗi khi thu về.
Còn gì vui và hạnh phúc hơn khi được cầm trên tay những thứ quà quý giá ấy ngày còn nhỏ xíu, mỗi lần đi chợ, tôi thường bảo mẹ phải mua cho mình những gói cốm được bọc bằng lá sen.
Lúc đó chưa biết được những ý nghĩa thực sự của những chiếc lá sen bọc bên ngoài những hạt cốm xanh mướt mà chỉ biết rằng nếu như cốm mà được đượm hương thơm của những lá sen thì không còn gì tuyệt với bằng Có lẽ vì cũng hiểu được điều đó mà nhà văn Thạch Lam đã viết lên tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường và nổi bật trong tác phẩm là đoạn trích” một thứ quà của lúa non – cốm”.
“Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy, khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc nếp đầu tiên làm trĩu thân lúa còn tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của bong lúa non không? Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời. ”
Chỉ với một số những câu văn mở đầu mà chúng ta đã cảm nhận được cái nét thanh nhã của những hạt gạo, rồi qua biết bao những bàn tay làm ra, mới có thể thành những hạt cốm xanh mượt như ngày hôm nay. Những hạt cốm được tạo nên bởi những tinh hoa của đất, của trời. Tất cả nhưng điều đó càng làm cho những hạt cốm tuy nhỏ bé nhưng chúng lại mang trong mình rất nhiều giá trị mà chinh bản thân chúng ta cũng không thể ngờ tới. Những cơn gió mang theo những hương thơm nồng nàn với những nét thanh tao và dịu nhẹ của đất trời Hà Nội. Những cơn gió ấy mang theo những nét đặc trưng đượm mùi hương sen của Hà nội.
Và nhắc tới món Cốm - một trong những đặc trưng văn hóa của Hà Nội thì tại nơi đây Cốm làng Vòng có thể coi là một trong những món ăn mang nhiều tinh hoa của văn hóa nghệ thuật nhất. Cốm làng Vòng không những mang tới cho những người đam mê ẩm thực bằng màu sắc tinh tế với những sắc xanh dịu nhẹ mà còn gây đam mê bởi mùi hương quyện cùng mùi lá sen. Chúng ta phải cảm nhận một cách cẩn thận mới thấy mùi hương ấy lan tỏa trong không gian, một mùi hương đặc trưng mà chúng ta chỉ cần được thưởng thức một lần là sẽ nhớ mãi không quên.
Để làm ra được những hạt cốm tinh tế, người làm cốm - cũng có thể được coi là những nghệ nhân làm cốm đa bỏ vào đó rất nhiều những công sức mà không phải ai cũng có thể làm ra được những hạt cốm. Cốm chia làm hai loại là cốm dẻo và cốm giòn. Mỗi loại cốm lại có những cách thưởng thức khác nhau. Nhưng nếu như là người Hà Nội thì chúng ta sẽ biết ăn cốm là một nghệ thuật. nếu như chỉ ăn cốm một mình thì sẽ không thể cảm nhận được hết những hương vị nồng nàn lúa non của cốm. Nhưng chỉ cần kết hợp cốm với những loại quả như hồng chín hay những quả chuối ngự thì lập tức hương vị sẽ trở nên khác biệt. Những hương vị ấy không chỉ làm cho con người có được những sắc hương mà còn làm cho lòng người cảm thấy ấm áp- đó là những hương vị của quà quê. Cách ăn này không chỉ có ít người biết mà đó đã trở thành một thói quen của nhưng người hay ăn cốm. Có thể tưởng tượng ra cảnh mỗi buổi sớm đầy sương mai và gió lạnh, chúng ta lại được cầm trên tay những gói cốm vẫn còn ấm nóng, vừa mới được lấy ra rồi bọc vào trong những chiếc lá sen to bản, xanh thẫm. Mùa hương lúa mới, mùi dừa nồng đượm lại hòa cùng với mùi của lá sen tại thành mùi thơm rất đặc biệt- mùi Cốm làng Vòng. Và người ta cùng không dùng thìa, dùng đũa để xúc cốm và phải dùng tay, bốc từng vốc nhỏ. Có như vậy thì hương vị có mới được tròn vẹn.
Cuộc sống ngày nay nhiều những bộn bề công việc gia đình. Để tìm được những gánh hàng rong mang những gói cốm cũng là một việc không phải dễ dàng. Thế nên, chúng ta cần phải có những biện pháp để bảo tồn những đặc sản mang cả ý nghĩa văn hóa một thời như Cốm để tất cả chúng ta có thể tìm được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.
- Bài làm 2 :
Hà Nội mảnh đất văn hóa, với nhiều sản vật quý hiếm làm nên hồn cốt ngàn năm của mảnh đất này. Với Hà Nội ta có thể nhắc đến Phở, chả cá Lã Vọng,… và không thể không nhắc đến cốm làng Vòng. Đây là giá trị văn hóa truyền thống được chắt lọc qua sản vật và con người, là niềm tự hào của mỗi địa phương. Vẻ đẹp, sự tinh túy của cốm cũng như con người Hà Thành đã được phản ánh một cách đầy tinh tế qua tùy bút “Một thứ quà của lúa non: cốm” của nhà văn Thạch Lam.
Bằng vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc, Thạch Lam đã nói về nguồn gốc của Cốm. Cảm xúc được khơi gợi từ hương sen thanh nhã trên hồ, hương lá sen như báo trước một thứ quà “thanh nhã và tinh khiết” – cốm. Cốm được làm bằng thứ thóc nếp còn non, tức là trong vỏ xanh có “một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị của cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại” và khi bông lúa non ấy chính là nguyên liệu làm nên những hạt cốm thơm ngon. Cốm chính là sự kết tinh những gì thanh nhã và tinh khiết nhất của đất trời. Đoạn văn nói về nguồn gốc của cốm sử dụng ngôn từ hết sức tinh tế, giàu sức biểu cảm, thấm đượm cảm xúc trữ tình. Đọc từng câu văn của Thạch Lam ta có cảm tưởng như đang được hít hà mùi hương tinh khiết của cốm.
Cách chế biến cốm cũng thật cầu kì, khe khắt. Để làm ra những hạt cốm thơm ngon, dẻo mềm phải đợi đến “lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được người ta gặt mang về”, cùng với những bí kíp gia truyền để tạo ra cốm. Một thức ăn dân dã những tưởng được chế biến đơn giản mà hóa ra lại cầu kì, công phu đến như vậy. Và cốm chỉ ngon nhất khi làm ở làng Vòng, cốm ở đây nổi tiếng gần xa:
Kẻ Đô làm kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Cách thức cốm đến với mọi người cũng thật duyên dáng, lịch thiệp, gắn liền với những “cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ, với cái dấu hiệu đặc biệt là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng…”. Vẻ đẹp của con người đã tôn lên vẻ đẹp của cốm.
Bởi vậy mà cách thức thưởng thức cốm cũng thật đặc biệt. Ăn cốm phải cảm thụ bằng nhiều giác quan, phải ăn thong thả mà ngẫm nghĩ để cảm nhận được mùi thơm phức của lúa (thính giác), chất ngọt dịu dàng, thanh khiết của cốm (vị giác) và màu xanh non của cốm (thị giác). Cốm là thức ăn chơi không giành cho những người vội vã. Cốm vốn là thứ quà bình dị, không có gì cầu kì, ấy vậy mà bằng cái nhìn thấu đáo, tác giả có thái độ văn hóa khi thưởng thức cốm.
Cốm không chỉ là một thứ quà đơn thuần mà qua những dòng bình luận của Thạch Lam ta còn thấy được những giá trị, ý nghĩa sâu sắc của cốm trong văn hóa dân tộc. Cốm làm quà sêu tết, làm đồ lễ trong các lễ cưới. Sự hài hòa màu sắc giữa cốm và màu đỏ của hồng còn gì đẹp đẽ và ý nghĩa hơn trong những ngày này: “màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già” “không bao giờ có hai màu lại hoài hợp hơn được nữa”. Cốm góp phần làm nên nhân duyên tốt đẹp cho con người. Cốm là một món quà thiêng liêng, một điểm rất khác biệt của quê hương, đất nước, mang giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam.
Trong bài tùy bút Thạch Lam đã sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, so sánh. Lời văn giàu chất thơ, nhẹ nhàng, êm ái mà sâu sắc, tinh tế, nhạy cảm và trân trọng.
Bài tùy bút đã cho thấy cốm là đặc sản của dân tộc, là món quà của đồng quê mà trời đất ban tặng cho con người. Qua đó ta còn thấy được tấm lòng trân trọng, đau đáu giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc của Thạch Lam.
- Bài làm 3 :
Trong những năm 30 của thế kỉ XX, trên văn đàn Việt Nam xuất hiện một hiện tượng mới lạ của văn học: Thạch Lam. Là thành viên của Tự sự văn đoàn nhưng khác với những người anh của mình, Thạch Lam không khai thác đề tài từ những tình yêu trai gái lãng mạn, mà hướng ngòi bút của mình vào thế giới của những điều bình dị, mộc mạc, gần gũi với cuộc sống con người. Là một cây bút tinh tế, nhạy cảm, văn Thạch Lam đem đến cho người đọc những rung cảm đẹp về cuộc sống và con người.
Từ một cây bút sở trường về truyện ngắn, vốn đã nổi tiếng trên văn đàn bởi những truyện ngắn giàu chất thơ, Thạch Lam đặt chân lên một miền đất mới của văn chương và gặt hái được nhiều thành công vang dội bằng tập tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường.
Tập tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường viết về những nét sinh hoạt, những thứ quà bình dị, những phố phường, cửa hiệu., ở Hà Nội trước năm 1945. Đây là một sáng tác có giá trị rất lớn về văn hoá, phong tục và chứa đựng cả tấm lòng yêu mến quê hương đất nước, những quan niệm cần trân trọng. “Một thứ quà của lúa non: Cốm” là một sáng tác trong tập tuỳ bút ấy.
Cốm là một thứ quà bình thường và phổ biến trong dân dã. Nhưng đã mấy ai như Thạch Lam, lại có con mắt tinh tường và sự cảm nhận sâu sắc đến thế.
Mạch cảm xúc của bài văn bắt đầu từ hương thơm của lá sen, trong làn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ. Hương thơm ấy gợi nhắc đến hương vị của cốm, thứ quà đặc biệt của lúa non. Một cảm giác thật tinh tế. Cảm giác ấy càng tinh tế hơn khi nhà văn mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả hương vị nồng nàn và thanh khiết của cánh đồng lúa, của lúa non:
Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá, nhủ báo trước mùa về của một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Các bạn có ngửi thấy khi đi qua những cánh đồng xanh, mà hạt thóc đầu tiên làm trĩu thân lúa non tươi, ngửi thấy cái mùi thơm mát của lúa non không. Trong cái vỏ xanh kín, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ. Dưới ánh nắng, giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của trời.
Một đoạn văn thật hay và thấm đượm cảm xúc trữ tình, gợi lên cho người đọc cái tình quê bâng khuâng, man mác.
Cốm là một thứ quà thanh nhã và tinh khiết. Nhưng để có thứ quà ấy, còn nhờ đến bàn tay khéo léo của con người. Ngòi bút Thạch Lam đã khéo dẫn dắt người đọc đến chiêm ngưỡng tài hoa của những người làm cốm. Nhà văn không đi sâu miêu tả công việc làm cốm, mà chỉ lưu ý rằng đó là một nghệ thuật với một loạt cách chế biến, những cách thức làm truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn. Trong cảm xúc của Thạch Lam, hình ảnh những cô gái hàng cốm làng Vòng hiện ra xiết bao thân thương, trìu mến.
Từ cái cảm nhận về hương cốm và sự hình thành hạt cốm từ những gì tinh tuý của thiên nhiên và sự khéo léo của con người, mạch cảm xúc của Thạch Lam chuyển sang ca ngợi giá trị của Cốm:
Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dăng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam.
Một giá trị đặc sắc chứa đựng trong những hạt cốm bình dị, khiêm nhường mà không phải ai cũng nhận thấy. Phải yêu quê hương đất nước, yêu những sản vật của quê hương đất nước nhiều như Thạch Lam mới có thể phát hiện ra cái chân giá trị ấy của cốm.
Những dòng bình luận của Thạch Lam về giá trị của việc dùng cốm làm lễ vật sêu tết đem đến cho người đọc một cảm nhận mới mẻ, giúp ta hiểu ra được cái ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong tục lệ giản dị này. Một nét đẹp văn hoá cần phải giữ gìn. Chỉ tiếc cho những kẻ không có học, học đòi bắt chước người ngoài. Một sự phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía.
Ở đoạn cuối cùng của bài tuỳ bút, Thạch Lam chuyển sang bàn luận về sự thưởng thức cốm. Trong chúng ta mấy ai đã nghĩ tới việc phải ăn món quà bình dị đó như thế nào? Với Thạch Lam, ăn Cốm vốn là thưởng thức những giá trị kết tinh ở đó, vì thế: Ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu cả lại trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.
Chao ôi, cảm quan nghệ thuật của Thạch Lam mới tinh nhạy làm sao, khiến ta không thể không ngẫm suy.
Bài tuỳ bút kết thúc bằng một lời đề nghị hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chắt chiu mà vuốt ve. Phải, nên trân trọng cái lộc của Trời, cái khéo của người và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Sự thưởng thức... sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn, và cái vui cũng sẽ được tươi sáng hơn nhiều lắm.
Một lời đề nghị thật đẹp, thật thiết tha của một ân tình sâu nặng với thứ quà của lúa non.
Để biểu đạt ý tưởng và cảm xúc, Thạch Lam rất chú ý tới việc sử dụng những từ ngữ chọn lọc tinh tế, những câu văn giàu nhịp điệu, những hình ảnh giàu chất thơ. Vì thế bài tuỳ bút trở thành một sáng tác nghệ thuật khá đặc sắc, thấm đượm chất trữ tình.
Văn Thạch Lam quả là làm cho tâm hồn người ta phong phú và thanh sạch hơn.
Câu 2. ( Bn tự vt )
#Ứng Lân
1.
Trong các loài cây trên đất nước Việt Nam, cây nào cũng có vẻ đẹp và ý nghĩa riêng của có. Nhưng với tôi, có lẽ cây bàng là người bạn vô cùng thân thiết. Tôi yêu bàng như một sinh thể sống bởi bàng là chứng nhân cho biết bao kỉ niệm vui buồn thời thơ ấu của tôi.
Từ khi biết nô đùa, chạy nhảy cùng lũ bạn gần nhà, tôi đã thấy cây bàng đứng sừng sững ở đầu làng gần khu chợ nhỏ từ bao giờ. Nhìn từ xa, cây bàng như một chiếc ô khổng lồ. Thân cây to, nổi lên những u, những cục sần sùi. Bà tôi bảo đó là mắt của bàng. Rễ cây bám sâu vào trong lòng đất vững vàng qua mưa gió.
Các bạn cùng lứa tuổi với tôi thường ngắm màu đỏ của hoa phượng để đón chờ hè tới. Nhưng tôi lại thích ngắm sự đổi thay kì diệu của những mầm chồi non của bàng chuyển dần thành lá – với tôi, đó là sự báo hiệu của ngày hè. Mùa hè, bàng khoác trên mình chiếc áo màu xanh. Những tán lá như những chiếc lọng xanh mát rượi che đi cái nắng oi ả trong buổi trưa hè. Dưới gốc bàng là cả một kho cổ tích của lũ trẻ con xóm nhỏ. Bọn trẻ chúng tôi thường lấy lá bàng làm những chú trâu chọi, nghênh nghênh đôi sừng nhọn hoắt, sáp vào nhau trong tiếng hò reo náo nhiệt. Những đêm trăng sáng mất điện, chúng tôi lại rủ nhau chơi trò "rồng rắn" quanh gốc bàng cổ thật vui...
Gốc bàng xù xì, rễ toả ra nhiều phía nên bao nhiêu sinh lực bàng dành hết cho lá, cho cành, cho những chùm hoa trắng nhỏ li ti kết thành trái. Bàng hứng nắng trên đầu để gốc mát quanh năm, để ánh nắng trưa hè lọc qua lung linh huyền ảo. Trong tán lá bàng xanh ấy là thế giới riêng của những chú chim sẻ, chim sâu bé nhỏ. Đứng dưới gốc bàng nghe tiếng kêu lích chích của chung rộ lên thật vui tai.
Tạm biệt mùa hè, bàng đón thu sang với làn sương mỏng cùng ánh nắng thu hanh hao để những chiếc lá xanh của mình chuyển dần sang màu vàng. Rồi một ngày gió heo may se lạnh, những cơn mưa thưa dần, đó cũng là lúc quanh gốc bàng đã lác đác rụng những quả bàng chín. Lũ trẻ xóm tôi, cứ đi học về là lại đến bên cây bàng tìm hái bàng để ăn. Với chúng tôi, bàng chín là một món đặc sản ngon tuyệt. Bàng chín ăn có vị ngòn ngọt, chua chua, hơi chan chát... Nếu ai đã cầm trái bàng chín trên tay, chắc chắn sẽ không thể nào quên được mùi thơm dịu toả ra từ lớp vỏ vàng bóng. Đập vỡ hạt ra bạn sẽ thấy nhân trái bàng màu trắng đục, ăn thơm béo lạ thường. Phải chăng rễ bàng đã phải cần mẫn, vất vả chắt chiu màu mỡ trong lòng đất mẹ để chúng tôi có được những trái, nhân ngon, ngọt lành đến vậy!
Lá bàng từ màu vàng nhạt, sậm dần rồi chuyển sang nhuộm màu đỏ sẫm. Đó là lúc bàng gửi những tấm thiệp hồng đầu đông cho con người, cho cây cỏ. Từng cơn gió bấc thổi mạnh, lá bàng lìa khỏi cành bay vào không gian như nuối tiếc điều gì đó rồi nhẹ nhàng đáp xuống cỏ. Đông đã đến thật rồi! Bàng trút lá, cành cây trơ trụi khẳng khiu giữa mùa đông buốt giá. Nhiều hôm mưa phùn, gió bấc, tôi thấy thương cây bàng vô cùng và thầm hỏi: "Bàng ơi, trời lạnh lắm, bạn có rét nhiều không?". Lá bàng khô rơi xào xạc trên lối mòn như trả lời: "Cám ơn bạn, mình không sao đâu. Thu qua, đông tới, và rồi xuân sẽ lại sang, chúng tôi quen rồi bạn ạ!"
Giã từ những ngày đông giá rét, xuân về, cây bàng khoác lên mình những đốm lửa màu xanh. Rồi những đốm lửa màu xanh ấy cứ lớn dần, lớn dần,... Bàng cựa mình rung rinh hé mắt nhìn bầu trời xanh thẳm. Và kì diệu thay, chỉ vài ba hôm không để ý, bàng đã hoàn toàn đổi khác với tấm áo choàng xanh non tươi mới. Cây xoè rộng tán, đung đưa lá cành vẫy gọi chim chóc trở về tụ họp hót ríu ran. Lũ trẻ con chúng tôi lại nô đùa vui vẻ dưới gốc bàng, ngước lên nhìn cây bàng đổi thay sắc áo và mong đợi một mùa hè với bao kỉ niệm tuyệt vời...
Vì Chúa không thể lúc nào cũng ở bên cạnh ta, nên người đã tạo ra người mẹ. Vì vậy mà mẹ đã đến bên ta, yêu thương và lo lắng cho ta, từ ngày chúng ta còn tấm bé và cho đến sau này. Tôi cũng là người con như bao nhiêu người con khác trên đời, rất yêu thương vị chúa thứ hai, vị chúa không có đôi cánh này, đó chính là mẹ.
Mẹ tôi năm nay đã hơn 40 tuổi, mặc dù ở cái tuổi không quá già nhưng làn da mẹ đã hằn những vết chân chim của thời gian. Có phải những đêm thức trắng bên giường bệnh của ông bà hay nỗi lo cho cả gia đình khiến mẹ già hơn tuổi. Tôi yêu cả nước da rám nắng vì dãi dầu mưa gió và đôi bàn tay chai sần, thô ráp. Ấy vậy mà mẹ lúc nào cũng tươi cười.Nụ cười của mẹ, ngay từ ngày tôi nhận thức được thì nó đã là nụ cười đẹp nhất thế giới, đẹp hơn tất cả các loài hoa. Mẹ tôi rất vui vẻ và hoạt bát, mẹ luôn là người giúp cho tất cả mọi người trong gia đình lấy lại niềm tin, lấy lại năng lượng sau một ngày căng thẳng mệt mỏi. Tôi đã từng nhìn thật sâu vào đôi mắt mẹ, đôi mắt như ẩn chứa cả thế giới cổ tích mơ mộng và nỗi cay đắng cuộc đời mẹ trải qua. Đôi mắt khiến tôi bao lần bận tâm suy nghĩ và cũng khiến tôi hạnh phúc.
Có thể nói rằng ngày bé, nếu như không có mẹ quan tâm tôi đã trở thành một cô gái nhút nhát hay lo sợ và tự tin về bản thân. Vì cha tôi thường rất ít nói, nên người mà tôi thường chia sẻ bao nhiêu tình cảm cảm xúc chính là mẹ. Dù vui hay buồn, khó chịu hay bực tức, tôi đều luôn nói cho mẹ nghe, và mẹ luôn lắng nghe rất chăm chú, luôn khuyên răn tôi mọi chuyện. Tôi lo sợ một ngày không có mẹ bên tôi, tôi sẽ ra sao với những lo lắng, suy tư không người thấu hiểu.
Có những ngày mẹ vắng nhà vì công tác xa, tôi nhớ mẹ da diết, mặc dù tôi đã không còn ngủ với mẹ từ rất lâu rồi, nhưng không thấy bóng dáng của mẹ lòng tôi thấy trống vắng vô cùng, như thiếu đi một cái gì đó to lớn lắm, không thể nào diễn tả được bằng lời. Tối đến cứ ôm gối đi ra đi vào phòng, trông ngóng mẹ về. Chỉ cần thấy bóng mẹ ngoài cổng, lòng đã vui mừng đến muốn khóc, vậy mà chưa bao giờ dám chạy ra ôm lấy mẹ, hỏi mẹ có mệt không, đi có vui không…mà chỉ ôm gối đi vào phòng và vui vẻ yên giấc đến sáng.
Mỗi khi không kìm được cảm xúc của bản thân, đôi khi thấy mình không lễ phép với mẹ, tôi đã cảm thấy vô cùng có lỗi. Đến khi biết mình đã sai, tôi bẽn lẽn đến và ngại ngùng xin lỗi mẹ vì mình đã lỡ vô phép với mẹ, mẹ nghiêm nghị nhìn tôi và răn dạy rằng: “Mẹ tha lỗi cho con, vì mẹ thấy được ở nơi con sự hồi lỗi và ăn ăn, con cũng tự chủ động đến xin lỗi mẹ. Nhưng mẹ muốn con nhờ rằng, chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, thì đừng dùng nó chỉ để xin lỗi người khác vì sai phạm của mình biết không? Lỗi thì phải phạt, chiều nay con phải rửa chén giúp mẹ, biết không?”. Mẹ luôn là vậy, mẹ luôn thưởng phạt phân minh.
Đã một lần trong đời, tôi chưa bao giờ sợ mình mất đi người mẹ thân yêu đến như vậy, chính là một khoảng thời gian mẹ đã ốm rất nặng, đến hai tuần liền mới khỏi. những hoạt động hằng ngày trong gia đình tôi đã bị xáo trộn hết lên, chúng tôi phải vừa tự lo cho bản thân, vừa lo lắng và chăm sóc cho mẹ. Chính vì vậy mà mới hiểu ra mẹ rất quan trọng trong gia đình và mẹ là một nữ siêu nhân. Mẹ vừa có thể chăm sóc chu toàn cho tất cả mọi người trong gia đình và vừa làm tốt công việc của mình ở công ty. Sau khi mẹ khỏi bệnh, tất cả mọi người trong gia đình, không ai bảo ai, đều san sẻ với mẹ tất cả những gì mình có thể làm được, chị em tôi giúp mẹ rửa chén, thái rau, cha tôi giúp mẹ giặt quần áo…mẹ đã cười rất tươi và nói rằng mình bệnh như vậy mà xem ra sướng phải biết.
Tôi rất yêu mẹ, tình yêu ấy không có ai có thể thay đổi được nó, đúng hơn là tình yêu dành cho gia đình tôi mà mẹ đã chiếm một vị trí vô cùng to lớn và quan trọng. Tôi biết rằng mẹ tôi ngày một bị thời gian làm tàn phai tuổi thanh xuân tươi đẹp. Nhưng trong trái tim tôi mẹ luôn là người phụ nữ xinh đẹp nhất, vì vậy ngay từ bây giờ tôi phải sống thật tốt để mẹ luôn luôn vui vẻ và tự hào vì người con như tôi.
“Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi
Và mẹ em chỉ có một trên đời”
Tuổi thơ là những ngày tháng rong chơi không lo nghĩ, là những nụ cười trong trẻo ngày nắng, những âm thanh vui vẻ lắng đọng ngày mưa. Tuổi thơ của tôi gói gọn trong một kỉ vật đến giờ vẫn được cất giữ trên vị trí đẹp nhất của tủ kính nơi phòng khách:đó là con gấu bông.
Con gấu bông này tôi được mẹ tặng vào dịp sinh nhật 6 tuổi, khi mà ngày khai trường vào lớp 1 đã cận kề. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác hạnh phúc đến vỡ òa khi bóc từng lớp giấy bọc quà, nhìn thấy chiếc tai gấu lấp ló phía trong bộp bìa carton. Cảm giác nghẹn ngào, xúc động đến mức tôi nhảy cẫng lên hò reo khiến cả nhà nhìn tôi thích thú trêu chọc. Tôi đã thích gấu bông từ rất lâu rồi, khi sang nhà chị họ chơi và thấy chị có một chú gấu Teddy để trên bàn học, tuy nhiên tôi biết gia đình mình không quá khá giả, mẹ và bố phải làm việc vất vả để kiếm tiền trang trải học phí và những lần ốm đau của tôi. Do đó, tôi không hề năn nỉ hay xin bố mẹ mua bất cứ món quà nào cả. Tuy nhiên, có lẽ vì nhìn thấy sự thích thú của tôi với chú gấu bông kia và muốn động viên tôi học tốt nên mẹ đã mua tặng tôi vào ngày sinh nhật món quà tuyệt vời đến vậy.
Tôi rất thích chú gấu mẹ tặng và đặt tên nó là Nhỏ, vì em cũng nhỏ xinh thôi, không quá to, vừa đủ để tôi ôm đi ngủ. Từ khi có chú gấu Nhỏ, tôi luôn mang theo em khi sang nhà hàng xóm chơi trò gia đình, em sẽ là em bé, tôi chăm em, cho em ăn, dỗ dành em khi ngủ... Tôi may áo cho em mặc, làm mọi thứ từ những tờ giấy lịch hay bất kể thứ gì tôi nghĩ ra để em có "một cuộc sống sung túc nhất".
Nhỏ toàn thân có màu nâu xám, đôi mắt đen láy như hai hạt nhãn và chiếc mũi xinh xinh hình tam giác. Tôi luôn cố gắng giữ gìn em, tuy nhiên có một ngày tôi ôm em sang nhà hàng xóm chơi như thường lệ, thì tôi làm em rách bục chỉ ở tay vì bị mắc vào đinh ở trên tường. Tôi lúc đó rất sợ, sợ vì mẹ sẽ trách mắng, lại buồn, buồn vì đây là món quà mẹ tặng, tôi không muốn em bị hỏng chút nào.
Tôi và một chị hàng xóm đã lấy kim chỉ và khâu lại nhưng vẫn bị lòi bông ra ngoài. Tôi càng trở nên lo lắng. Khi mẹ biết chuyện, mẹ đã khâu lại giúp tôi, cười và nói: mẹ rất tự hào khi tôi biết tự khâu lại vì lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng cũng lưu ý tôi không nên quá lo lắng về những chuyện vô tình xảy ra, cứ thoải mái đón nhận và chuyện gì cũng có cách giải quyết. Khi ấy, tôi vẫn chưa hiểu rõ lời mẹ nói, nhưng giờ đây nhớ lại, tôi đã có thể hiểu phần nào. Tôi đã không còn luống cuống khi gặp phải tình huống bất ngờ nữa. Thay vào đó, tôi bình tĩnh hơn và suy nghĩ tìm cách giải quyết, nếu việc nào khó quá, tôi sẽ đi tìm người nào đó có thể giúp mình.
Đó là bài học đầu tiên mẹ dạy tôi - một đứa trẻ nhỏ luôn lo lắng, luôn sợ hãi. Giờ đây, khi tôi đã lớn hơn, em gấu Nhỏ được mẹ cất trên ngăn tủ ở phòng khách, thỉnh thoảng được mẹ mang đi giặt cho đỡ bụi bặm. Mỗi khi nhìn thấy em gấu, tôi luôn tự nhủ với bản thân phải cố gắng, không được làm mẹ phiền lòng, phải mạnh mẽ và luôn bình tĩnh, lạc quan.