Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
a) Chú lính được cấp ngựa để làm gì ?
- Chú lính được cấp ngựa đế đi làm một công việc gấp.
b) Chú sử dụng con ngựa như thế nào ?
- Chú sử dụng con ngựa theo cách sau : chú không cưỡi mà cứ vừa đi vừa đánh roi cho ngựa chạy và chạy theo sau nó.
c) Vì sao chú cho rằng chạy như thế nhanh hơn cưỡi ngựa ?
- Khi nhiều người ngạc nhiên hỏi chú sao không cưỡi ngựa thì chú trả lời là chạy bộ cỏ sáu cẳng nhất định phải nhanh hơn là cưỡi ngựa chỉ có bốn cẳng.
Gieo trồng là công việc nhà nông, họ phải chăm bón cây lúa để lúa tốt, lúa đem lại mùa vàng bội thu, no ấm. Thế nhưng, cấy trồng và chăm sóc lúa không có kĩ thuật thì sẽ dẫn đến kết quả xấu. Chúng ta hãy suy ngẫm câu chuyện Kéo cây lúa lên. Chuyện thế này:
Có một chàng ngốc ra thăm đồng. Thấy ruộng nhà mình lúa xấu hơn ruộng bên, anh ta bèn lấy tay kéo cây lúa nhà mình lên cho cao hơn cây lúa nhà người, về nhà, anh ta khoe với vợ:
— Lúa nhà ta xấu quá. Hôm nay, tôi đã kéo nó lên cao hơn lúa ở ruộng bên rồi.
Chị vợ ra đồng xem sao thì thấy lúa nhà mình đã héo rũ. Thật là một câu chuyện khôi hài về việc làm của chàng ngốc nọ.
Hằng ngày, em được nghe hoặc chứng kiến rất nhiều câu chuyện. Mỗi câu chuyện đã để lại cho em một bài học sâu sắc. Câu chuyện "không nỡ nhìn" mà cô giáo đã kế cũng làm em suy nghĩ. Chuyện như thế này:
Trong suốt chuyến đi xe buýt đông người, có anh thanh niên đang ngồi lấy hai tay ôm mặt. Một bà cụ đứng cạnh bên thấy thế liền hỏi:
– Cháu nhức đầu à? Cần xoa dầu không? Cụ có mang theo dầu đây.
Anh thanh niên liền nói khẽ:
– Không ạ! Cháu không nỡ ngồi nhìn các cụ già và phụ nữ phải đứng.
Câu chuyện đã nói lên sự thờ ơ, lãnh đạm của anh thanh niên nọ. Anh thiếu quan tâm đến cụ già, không nhường ghế cho cụ già, nhưng lại giả nhân, giả nghĩa. Câu chuyện cũng thể hiện lòng nhân ái của cụ già trên xe. Tuy không được anh thanh niên nhường ghế nhưng cụ rất quan tâm đến anh thanh niên. Cụ như một tấm gương sáng cho anh thanh niên nọ và mọi người cùng đi trên xe noi theo.
Ông Vương Hi Chi là một nhà thư pháp nổi tiếng của Trung Quốc ngày xưa. ông thường đi du ngoạn khắp nơi để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Có lần, ông ngồi nghỉ chân dưới một gốc cây thì gặp một bà cụ bán quạt cũng vừa đến để ngồi nghỉ chân. Gặp ông, bà than thở:
– Quạt bán ế quá ! Chắc cả nhà chiều nay không có cơm ãn. Nói xong, bà thiu thiu ngủ. Trong lúc bà cụ ngủ thì ông Vương Hi Chi đã lặng lẽ viết chữ đề thơ vào từng chiếc quạt. Bà cụ thức dậy thấy quạt của mình có viết mực lem luốc nên bắt đền ông Vương. Nào ngờ những chiếc quạt "lem luốc" ấy được mọi người đến xem và tranh nhau mua rất đông. Chỉ một lát đã bán hết và bán với giá rất cao. Có lẽ ai cũng muốn có chiếc quạt mà trên đó chính tay Vương Hi Chi đã đề thơ, viết chữ. Mọi người hâm mộ tài năng của ông Vương, còn bà lão bán quạt luôn nghĩ ông Vương là một vị thần tiên đã giúp bà bán hết gánh quạt.
Học tập là một việc cần thiết của mỗi con người. Không học thì không có kiến thức, thậm chí không biết chữ. Sẽ như thế nào khi ta không biết đọc, không biết viết hoặc không biết làm tính giải toán. Câu chuyện "Tôi cũng như bác" sẽ giúp chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc học tập đối với con người. Chuyện kể rằng:
Một nhà văn già ra ga mua vé. Ông muốn đọc bản thông báo của nhà ga, nhưng không mang theo kính nên ông không đọc được.
Thấy có người đứng bên cạnh, nhà văn liền nói
:
– Phiền bác đọc giúp tôi tờ thông báo này.
Người kia lúng túng đáp :
– Xin lỗi. Tôi cũng như bác thôi. Tôi không đọc được. Lúc nhỏ tôi không học nên bây giờ đang chịu mù chữ.
Giá như người kia biết đọc thì đâu phải lúng túng trước một việc nhỏ như thế.
Một người ngồi viết thư cho bạn ngay trong bưu điện. Bỗng anh ta thấy người ngồi bên cạnh đang ghé mắt đọc trộm thư của mình đang viết. Bực mình, anh ta bèn viết thêm vào bức thư: "Xin lỗi. Mình không thể viết tiếp được nữa, vì hiện giờ có người đang xem trộm thư ".
Người ngồi bên cạnh kêu lên :
– Không đúng ! Tôi có đọc trộm thư của anh đâu ?
Đọc trộm thư của người khác là không tốt. Tự ý xem thư của người khác là thiếu lịch sự. Chúng ta cần tôn trọng chủ nhân của những bức thư đấy các bạn ạ !
Lương Định Của là một nhà khoa học lớn, ông đã lai tạo được nhiều giống lúa mới cho nước ta.
Một lần, người bạn của ông ở nước ngoài gửi về Viện nghiên cứu của ông mười hạt giống. Giữa lúc trời rét đậm mà phòng thí nghiệm lại không đủ tiện nghi, sợ những hạt giống sẽ chết vì rét, ông đem mười hạt giống chia làm hai phần, mỗi phần năm hạt. Ông gieo trong phòng thí nghiệm năm hạt, còn năm hạt còn lại ông ngâm vào nước ấm, gói vào khăn. Mỗi tối, ông đem ủ trong người, trùm chăn ngủ để hơi ấm làm cho thóc nảy mầm.
Kết quả như ông dự đoán, năm hạt giống gieo trong phòng thí nghiệm đã nảy mầm rồi chết vì rét. Chỉ có năm hạt thóc của ông Lương Định Của ủ ấm trong người là giữ được mầm xanh, chúng sinh sôi nảy nở rồi trở thành triệu hạt thóc ngoài cánh đồng.
Phạm Ngũ Lão là một tướng giỏi thời nhà trần. Ông có tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Thời trai trẻ của ông cũng thật đáng khâm phục. Câu chuyện kể về ông như sau :
Một buổi sáng, bên vệ đường làng Phù ủng có một chàng trai ngồi đan sọt. Chàng mải miết với công việc và đăm chiêu suy nghĩ về việc nước nên không hề hay biết những cảnh vật xung quanh mình. Giữa lúc ấy, đoàn quân đưa kiệu Trần Hưng Đạo đi ngang qua làng. Lối hẹp, quân đông võng xe chật đường, loa phát thanh náo nhiệt. Thế nhưng, chàng trai vẫn ngồi điềm nhiên đan sọt. Quân mở đường giận quá bèn lấy giáo đâm vào đùi chàng trai, máu chảy lai láng nhưng chàng trai vẫn không hay biết.
Kiệu Hưng Đạo Vương đến gần. Lúc ấy, chàng trai mới sực tỉnh và vội đứng dậy vái chào. Hưng Đạo Vương hỏi:
– Đùi bị đâm chảy máu thế kia ngươi không biết sao ?
Chàng trai đáp :
– Tôi đang mải nghĩ mấy câu trong sách Binh thư nên không để ý, xin Đại vương xá cho.
Trần Hưng Đạo hỏi tên, chàng trai xưng Phạm Ngũ Lão. Hỏi đến chiến thuật dùng binh, chàng trai trả lời trôi chảy. Hưng Đạo tỏ lòng mến trọng người tài, đưa theo về kinh đô. Sau đó, Phạm Ngũ Lão cầm quân đánh giặc và lập được chiến công lớn.
Khôn ngoan là vốn quý của con người. Nếu không khôn ngoan thì làm việc gì cũng khó thành công thậm chí còn hỏng việc. Câu chuyện Giấu cày sẽ cho chúng ta thấy được tác hại của việc "thiếu đi sự khôn ngoan của con người ta". Chuyện kể rằng:
Có một anh nông dân đang cày ruộng. Đến trưa, vợ anh ta đến gọi về ăn cơm. Thấy vợ gọi riết quá, anh ta trả lời thật to:
– Để tôi giấu cái cày vào bụi cây này đã !
Về nhà, anh nông dân bị vợ trách :
– Ông giấu cày mà la to như thế, kẻ gian nó biết chỗ, lấy cày đi thì sao ?
Cơm nước xong, anh nông dân ra ruộng. Quả nhiên cày mất rồi. Anh ta liền chạy một mạch về nhà. Nhìn trước, nhìn sau chẳng thấy ai, anh ta ghé sát vào tai vợ thì thào :
– Nó lấy mất rồi !
Lời nhận định của người vợ thật không sai. Còn anh ta thì nên rút kinh nghiệm cho việc giấu cày của mình.