K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

4 tháng 3 2019

1. Mở bài:

Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Thân bài:

a. Giải thích:

Giải thích cụm từ "nhà văn của lịch sử tâm hồn con người" từ đó khẳng định thành công nổi bật trong các sáng tác của Kim Lân là nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật.

b. Chứng minh:

  • Nêu khái quát vai trò và các hình thức miêu tả nội tâm nhân vật trong tác phẩm tự sự.
  • Giới thiệu ngắn gọn nội dung đoạn trích truyện trước đó.
  • Làm sáng tỏ tài năng miêu tả tâm lý của nhà văn qua đoạn truyện từ khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi nghe tin cải chính: (Học sinh bám sát các sự việc sau nhưng chú ý làm rõ tài năng miêu tả tâm lý nhân vật, tránh phân tích chung chung, không bám sát yêu cầu của đề bài):

Ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân càng tỏ ra sâu sắc khi đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách để làm bộc lộ chiều sâu tâm trạng của nhân vật. Đó là tình huống ông Hai đột ngột nghe tin dữ: Làng chợ Dầu của ông theo giặc lập tề. Khi nghe tin đột ngột ấy, ông sững sờ, cổ họng nghẹn ắng, da mặt tê rân rân, ông lặng đi, tưởng không thở được. Những biểu lộ qua hình dáng bên ngoài được chọn lựa hết sức cô đúc đã có khả năng gợi tả những khoảnh khắc đau đớn trong tâm tư của ông Hai lúc này.

Từ lúc ấy, trong tâm trí ông chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm, nó thành một nỗi ám ảnh day dứt. Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, rồi tủi thân khi nhìn đàn con.

Suốt mấy ngày sau, ông Hai không dám đi đâu, chỉ quẩn quanh ở nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài.

Tác giả đã sử dụng lời độc thoại nội tâm, hình thức câu văn, giọng điệu... để diễn tả cụ thể nỗi ám ảnh nặng nề biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai cùng với nỗi đau xót, tủi hổ của ông trước cái tin làng mình theo giặc.

Ông bị đẩy vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng khi mà mụ chủ nhà muốn đuổi gia đình ông đi. Mối mâu thuẫn trong nội tâm và tình thế của nhân vật dường như đã thành sự bế tắc, đòi hỏi phải được giải quyết nên sau cuộc đấu tranh nội tâm, ông Hai đã dứt khoát lựa chọn: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Câu văn với mười ba từ nhỏ bé mà chất chứa được hết nỗi đau nhân thế và sự đời éo le. Mười ba từ nhỏ bé mà ghi lại được nhịp máu trong tim, gói cả hơi thở trong lồng ngực và kết đọng tình cảm nồng thắm với đất nước của ông Hai. Một câu văn giản dị mà có sức ngân tỏa ngàn đời.

Đoạn truyện bộc lộ một cách cảm động tâm trạng của ông Hai, đó là đoạn ông trò chuyện với đứa con út. Qua hình thức độc thoại, nhà văn diễn tả rất cảm động nỗi lòng sâu xa, bền chặt, chân thành của ông Hai – một người nông dân với quê hương, đất nước, với cách mạng và kháng chiến.

Kết thúc truyện là sự việc ông chủ tịch làng ông lên cải chính cái tin làng chợ Dầu theo giặc. Ông Hai như trút được gánh nặng trong lòng, ông vui mừng đến tột độ. Những chi tiết miêu tả về gương mặt, giọng nói, hành động, cử chỉ của ông Hai lúc này, đã "nói" được với chúng ta nhiều điều về tình yêu làng, yêu nước sâu đậm trong trái tim người nông dân hiền lành, chất phác.

c. Khái quát và nâng cao:

  • Khái quát nghệ thuật của đoạn truyện phân tích:

Đặt nhân vật ông Hai vào một tình huống thử thách, sử dụng nhiều thủ pháp: khi thì thông qua hành vi, biểu hiện bên ngoài để diễn tả tâm lý, khi thì khéo léo kết hợp hành động với ngôn ngữ thoại, có khi tâm lý lại bộc lộ một cách trực tiếp với những đối thoại nội tâm bên cạnh lời kể của tác giả, nhờ đó, nhà văn đã miêu tả rất cụ thể, gợi cảm các diễn biến nội tâm qua các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ... đặc biệt, diễn tả rất đúng và gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh, day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc người nông dân và thế giới tinh thần của họ. Ông xứng đáng với sự tôn vinh: Nhà văn của lịch sử tâm hồn con người.

  • Khái quát nội dung của đoạn truyện phân tích:

Miêu tả sinh động diễn biến tâm trạng của ông Hai từ khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi nghe tin cải chính, nhà văn đã cho ta hiểu được tình yêu làng vốn đã có sẵn trong máu thịt những người nông dân như ông Hai. Tình yêu ấy nay được mở rộng hơn trong tình yêu nước. Đó cũng là một sự chuyển biến trong nhận thức và tình cảm của người nông dân từ sau Cách mạng. Truyện Làng vì thế còn là câu chuyện nói về lòng yêu nước, về tinh thần kháng chiến của những người nông dân.

  • Liên hệ, mở rộng đến một số tác phẩm khác và nâng cao vấn đề

Qua truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân muốn gửi lời nhắn nhủ đến với người cầm bút về quan điểm và cách nhìn người nông dân: Nông dân là lực lượng cơ bản của cách mạng, những con người hiền lành, chất phác trong đời sống hàng ngày nhưng rất giàu lòng yêu nước, đặc biệt là khi đất nước lâm nguy, họ sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc. Vì thế, người nghệ sỹ, khi viết về họ, cần có thái độ tôn trọng, yêu mến, cần khai thác ở họ những phương diện tốt đẹp để từ đó động viên, khích lệ họ tham gia xây dựng và bảo vệ làng quê, tổ quốc.

Nhà văn cũng kín đáo gửi đến bạn thông điệp: Ai cũng sinh ra từ một làng quê, vậy nên mỗi người cần yêu quê hương, đất nước, nếu không sẽ không lớn nổi thành người.

3. Kết bài:

Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

8 tháng 4 2021

hỏi mà nhiều thế:

Hình ảnh người nông dân từ lâu đã đi vào nền văn học dân tộc, nó trở thành đề tài, khơi nguồn cảm hứng cho biết bao nhiêu người nghệ sĩ. Nếu như trước cách mạng tháng tám, ta bắt gặp hình ảnh chị Dậu quẩn quanh trong cái đói, cái nghèo qua truyện ngắn "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố; hình ảnh Chí Phèo tha hóa, biến chất từ người lương thiện trở thành thằng côn đồ, lưu manh, con quỷ dữ của làng Vũ Đại trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao ... thì sau cách mạng, nhà văn Kim Lân cũng góp một hình ảnh người nông dân vào trong đề tài ấy với thiên truyện ngắn mang tên: "Làng" (1948). Thế nhưng, Kim Lân không khai thác cái nghèo, cái đói, sự tha hóa về nhân tính, nhân hình của họ giống như các nhà văn trước đó, mà ông lại đi vào diễn tả sự hòa quyện giữa tình yêu làng và tình yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân. Điều đó, được Kim Lân thể hiện rất thành công qua hình tượng nhân vật ông Hai, để rồi từ đó ông Hai trở thành bức tượng đài biểu tượng cho người nông dân trong thời đại mới – thời đại cách mạng và kháng chiến.

Trước hết, ông Hai hiện lên là một người nông dân yêu nước, yêu làng, luôn tự hào về quê hương, bản quán, nơi chôn rau cắt rốn của mình.Tình cảm đó, được thể hiện ở cái tính thích khoe về làng, hãnh diện về làng của ông. Đi đến đâu, ông cũng khoe với mọi người, làng ông giàu đẹp, làng ông có truyền thống cách mạng. Vì thế, mỗi lần kể về làng, ông kể với một thái độ say mê, khuôn mặt biến chuyển, đôi mắt thì háo hức, ông có thể nói với bất cứ ai về cái đề tài vô tận đó. Kể cả khi ông nói, người nghe có muốn nghe hay không, ông cũng mặc kệ, bất chấp cứ say sưa mà nói. Vậy mà giờ đây, ông Hai lại phải xa quê, xa làng, đưa cả gia đình đi tản cứ theo lệnh. "Ông nằm vật trên giường, bắt tay lên trán nghĩ ngợi vẩn vơ. Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến cái ngày làm việc cùng anh em...", ông nhớ tới cái ngày tháng cùng bạn bè, anh em trong làng, trong xóm đào hào, đắp ụ, công việc bộn bề, mải mê làm, ông "chẳng còn kịp nghĩ gì đến vợ con nhà cửa nữa"... Và đằng sau cái nỗi nhớ ấy, người đọc thấy được sự gắn bó thiết tha cùng tình cảm yêu mến chân thành của ông Hai với xóm, với làng. Tình cảm ấy, thật khiến chúng ta nhớ tới câu ca dao xưa:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Và, ở ông Hai cũng vậy, tất cả mọi thứ gắn liền với làng Chợ Dầu, ông đều khắc ghi, đều nhớ ở trong tận đáy lòng: "Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá". Và càng nhớ, ông lại càng muốn tìm hiểu, muốn nghe ngóng về tình hình của làng. Vì vậy, ngày nào cũng thế, ở nơi tản cư, cứ mỗi sáng việc làm đầu tiên là ông vào phòng thông tin mà nghe, mà đọc báo, hi vọng sẽ biết chút ít về làng, về kháng chiến. Cho nên khi biết được toàn những tin tốt lành về cách mạng, "ruột gan ông cứ múa cả lên, vui quá!"... Như vậy, đến đây chúng ta thấy được nỗi nhớ quê hương da diết, cháy bỏng của nhân vật ông Hai và ông luôn dõi theo từng bước đi của cách mạng, của kháng chiến. Đó là nét tâm lí điển hình, thường thấy và vốn có của người nông dân đối với làng quê, đất nước, niềm mong mỏi được trở về làng, trở về nơi quê cha đất tổ cũng đồng nghĩa với niềm mong mỏi tổ quốc sạch bóng ngoại xâm.

Nhưng có một sự kiện bất ngờ đã xảy ra với ông, từ phòng thông tin bước ra đang rất phấn khởi, náo nức vì những tin vui của kháng chiến, gặp người tản cư, nghe họ nhắc tới tên làng, ông Hai quay phát lại, lắp bắp hỏi, hi vọng được nghe những tin tốt lành về làng, nào ngờ lại hay tin: cả làng chợ Dầu theo giặc. Trước tin dữ ấy, ông Hai sững sờ chết lặng “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như không thở được”. Từ niềm vui, niềm tin hi vọng, ông Hai rơi xuống vực thẳm đau buồn, xót xa, tuyệt vọng. Ông cố gắng trấn tĩnh bản thân và tìm cách lảng ra về, muốn che giấu đi tâm trạng ấy nhưng nỗi tủi hổ, bẽ bàng, lo lắng khiến ông “cúi gằm mặt mà đi”, còn văng vẳng tiếng chửi “giống Việt gian bán nước”.

Khi về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, rồi tủi thân khi nhìn đàn con nhỏ: “nước mắt ông lão cứ giàn ra”. Những dòng độc thoại nội tâm trong ông thể hiện nỗi day dứt, đau đớn: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?...”. Ông căm giận lũ người theo giặc, phản bội làng nước, ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Nhưng sau đó, ông lại cảm thấy “ngờ ngợ” như lời của mình không được đúng lắm. Niềm tin và nỗi thất vọng đang giằng xé trong ông. “Ông kiểm điểm từng người trong óc” thấy họ đều là những người có tinh thần kháng chiến, một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy được. Trong hoàn cảnh giặc giã thì tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp; còn phản bội là điều xấu xa ô nhục nhất. Vì thế từ khi nghe tin làng mình theo giặc, nó đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt trong tâm trí của ông, khiến ông ba bốn hôm nay không dam bước chân ra đến ngoài. Suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng binh tình. “Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói xa xa ông cũng chột dạ”, lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng người ta đang để ý , đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”; cứ thoáng nghe những tiếng Tây, cam nhông , Việt gian là ông lại lủi thủi ra một góc nhà nín thít… “Thôi lại chuyện ấy rồi!”. Ông luôn thu mình lại, cảm thấy xấu hổ, đau xót và dường như cảm thấy chính mình cũng có tội vậy. Ông rời vào tình trạng tuyệt vọng khi mà bà chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi vì “nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng chợ Dầu khỏi vùng này, không cho ở nữa”. Ông Hai không biết đi đâu, cũng không thể quay lại trở về làng vì về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, “về làng tức là chụy quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Trong ông Hai diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt và dứt khoát lựa chọn theo cách của mình “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tình yêu nước đã bao trùm lên tình yêu làng. Song ông không thể vứt bỏ tình yêu làng nên ông Hai càng đau xót, tủi hổ. Trong tâm trạng bị dồn nén, không biết giải tỏa như thế nào, ông Hai chỉ còn biết trút lòng mình với đứa con nhỏ. Cuộc đối thoại giữa ông và đứa con trai đã bộc lộ thật cảm động tấm lòng gắn bó sâu sắc với làng quê, với đất nước và với kháng chiến của ông Hai. Ông nói với con mà như tự nói với chính mình, tự mình oan, tự chiêu tuyết cho mình. Đoạn thoại, vừa chất chứa nỗi đau đớn, xót xa, lại vừa thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt với kháng chiến, với cách mạng, với cụ Hồ.

Có lẽ, nếu không nhận được tin cải chính thì cả đời ông Hai sẽ chết dần, chết mòn trong nỗi đau đớn, tủi hổ, bẽ bàng về cái làng của mình mất. Những sau đó, chính quyền làng ông đã lên cải chính cái tin làng chợ Dầu theo giặc. Nhận được tin, ông Hai như sống lại, niềm vui tràn ngập trong ông: quần áo chỉnh tề, mặt tươi vui, rạng rỡ hẳn lên, mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy, nói bô bô, mua quà cho các con…. Đặc biệt là hành động ông chạy đi khoe với tất cả mọi người cái tin vui ấy. Niềm vui sướng, hạnh phúc dâng trào khiến ông cứ múa tay lên mà khoe. Và lạ thay, câu đầu tiên ông khoe không phải là việc làng ông không theo giặc mà là “Tây nó đốt nhà tôi rồi… đốt nhẵn!”. Với người nông dân, căn nhà là cả cơ nghiệp của họ mà cả đời họ làm lụng vất vả mới có được. Nhưng ông Hai không hề tiếc căn nhà của mình bởi nó là minh chứng khẳng định làng ông không theo giặc và trên hết là nó như là sự “đóng góp” của gia đình ông với kháng chiến. Điều đó, một lần nữa càng khẳng định rõ ràng hơn tình yêu làng, tình yêu nước và sự trung thành với kháng chiến ở ông Hai.

Đến đây, chúng ta thấy được sức sáng tạo độc đáo của Kim Lân trong nghệ thuật tạo tình huống, thực sự gay cấn, kịch tính với những thử thách của nội tâm nhân vật, từ đó bộc lộ chiều sâu đời sống bên trong, tình cảm, tư tưởng của nhân vật. Tác giả đã miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc, tinh tế, rất cụ thể, gợi cảm qua thế giới nội tâm với các ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ. Đặc biệt, nhà văn đã diễn tả rất đúng, rất ấn tượng về sự ám ảnh day dứt trong tâm trạng nhân vật. Điều đó chứng tỏ Kim Lân am hiểu sâu sắc con người và những nét tâm lí vôn có của người nông dân Việt Nam sau lũy tre làng.

Quả đúng như nhà văn Ra – xun Gam – za – tôp đã từng nói: "Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương, chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người"; có nghĩa là con người có thể rời xa quê hương về mặt khoảng không vũ trụ, địa lí nhưng trong sâu thẳm trái tim, tâm hồn mỗi người, quê hương vẫn luôn tồn tại. Điều đó thật đúng với nhân vật ông Hai, một người nông dân xa làng đi tản cư nhưng luôn đau đáu một nỗi nhớ làng, yêu nước. Qua nhân vật ông Hai, người đọc thấy được tài năng khắc họa hình tượng nhân vật của nhà văn Kim Lân, thật độc đáo, thật sống động, mang đậm yếu tố thời đại kháng chiến cách mạng: lòng yêu làng, yêu nước, trung thành với kháng chiến, với dân tộc. Ông Hai trở thành bức tượng bài bất tử, biểu tượng cho người nông dân Việt Nam trong cuộc trường kì của cách mạng dân tộc.

8 tháng 4 2021

Đọc truyện ngắn “Làng” của Kim Lân, ta cảm nhận được tình yêu làng quê và tình yêu đất nước của ông Hai, tình yêu ấy lại càng được bộc lộ sâu sắc và rõ nét nhất khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu làm Việt gian cho Tây.

Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc

Cái tin dữ làng ấy làm Việt gian đến với ông quá đột ngột khiến ông sững sờ, bàng hoàng và sửng sốt: “Cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”, cơ mà những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại còn “vừa ở dưới đấy lên” thì khiến ai nghi ngờ được.

Nỗi bất hạnh bỗng chốc đổ sụp xuống đầu ông, dường như không thể tin nổi vào cái tin quá nỗi đau lòng ấy, cái làng Dầu kháng chiến mà ngày đêm ông nhớ nhung giờ đây đã theo Tây ư? Băn khoăn nghi ngờ, ông chỉ dám lấp lửng hỏi lại và đến khi được xác nhận thông tin, ông đau đớn như chết đi một nửa.

Về đến nhà, ông nằm vật ra giường, tủi thân nhìn đàn con, “nước mắt ông lão cứ giàn ra”, bao nhiêu điều tự hào về quê hương giờ chỉ còn là nỗi xấu hổ uất ức. Ông lão căm phẫn rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái going Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.

Ông cảm thấy như chính mình cũng đang mang nỗi nhục của một kẻ bán nước theo Tây. Phải yêu quê hương lắm, ông mới khổ tâm đau xót đến như thế, phải gắn bó máu thịt với quê hương lắm thì ông mới có cảm giác nhục nhã đến thế này. Cái tin làng Dầu theo giặc đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt, vò xé tâm can ông Hai.

Nỗi tủi hổ khiến ông không dám ló mặt ra đường, suốt mấy ngày ông chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ tưởng như người ta đang để ý, đang bàn tán đến cái “chuyện ấy”. Hễ thấy đám đông nhắc đến hai từ “Việt gian”, “cam-nhông” là ông lại lủi vào một góc nhà đên nom khổ sở, tội nghiệp.

Nhưng chính vào lúc này, tình yêu làng trong con người ông lại được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Nỗi đau đớn dằn vặt đến tận cùng vì cái tin làng Dầu theo Tây đã khiến ông rơi vào cuộc xung đột nội tâm giữa việc chọn làng quê hay tổ quốc.

Đã có lúc ông thoáng nghĩ: “Hay là quay trở về làng”, nhưng ngay lập tức ông phản đối luôn: “về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ lại cụ Hồ” để rồi ông lại quyết định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Như vậy, tình yêu làng quê dẫu có mãnh liệt, thiết tha đến đâu cũng không thể nào mạnh hơn tình yêu tổ quốc. Và với ông Hai, việc yêu nước đã chi phối bao trùm lên tình yêu làng.

Cảm thấy đau khổ, ông Hai không biết tâm sự với ai ngoài đứa con nhỏ. Dù ông thù cái làng Dầu bán nước nhưng thẳm sâu trong trái tim ông, ông vẫn còn yêu làng, vẫn gắn bó máu thị với làng. Và vẫn muốn khắc sâu vào trái tim bé nhỏ của con tình cảm với làng, với kháng chiến, với cụ Hồ.

Đó chính là tấm lòng chung thủy trước sau như một của ông. Ông vẫn tin rằng: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông”, “cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Sự trung thành của ông với lãnh tụ, với kháng chiến cũng là lòng trung thành của triệu triệu người dân Việt Nam. Đó là một tình cảm hết sức sâu sắc, kiên định và không thay đổi.

Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người để cùng bình luận, tham khảo nhé. Đến với kho văn hay bạn sẽ được khám phá thêm nhiều điều về văn học Việt Nam và Thế giới.

13 tháng 12 2023

Một tác phẩm văn học có giá trị khi nó nói lên được tiếng nói của con người, ngợi ca và bảo vệ con người. Nam Cao từng nói: Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than. Phải chăng các nhà văn, nhà thơ luôn tạo ra những nét riêng biệt cho mình bằng việc xây dựng lên những hình tượng nhân vật độc đáo mang tâm tư của tác giả. Ông Hai chính là nỗi niềm của nhà văn Kim Lân gửi gắm. Đặc biệt những nỗi niềm ấy được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc.

 

Kim Lân quê ở Bắc Ninh. Sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ học hết tiểu học, vừa làm vừa viết văn. Năm 1944 Kim Lân tham gia Hội văn hoá cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động phục vụ kháng chiến và hoạt động cách mạng. Ông có sở trường viết các truyện ngắn về nông thôn và người nông dân. Ông có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật, văn phong giản dị nhưng hấp dẫn, ngôn ngữ sống động, rất gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày mang đậm màu sắc nông thôn phong tục tập quán làng quê Bắc Bộ. Giáo sư Phong Lê nhận xét: Nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít.

Truyện ngắn Làng được Kim Lân sáng tác trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, được đăng trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Có thể nói linh hồn của truyện ngắn Làng là nhân vật ông Hai, Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp một vẻ riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường và những điều tốt đẹp của họ - lòng yêu làng, yêu nước - được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp.

Khi nghe tin làng mình theo giặc, ông Hai sững sờ, xấu hổ, uất ức "cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. ông Lão lặng đi tưởng như không thở được". Từ tâm trạng vui mừng, ông Hai rơi xuống vực thẳm của sự tuyệt vọng, đau đớn, tủi hổ vì cái tin ấy tới quá bất ngờ. Khi trấn tĩnh được tinh thần của mình, ông cố gắng tìm những lý do để chứng minh cái tin ấy là sai sự thật. Nhưng rồi những người xung quanh ông khiến ông một lần nữa rơi vào đau khổ. Câu khẳng định "vừa ở dưới ấy lên" của những người tản cư khiến ông không thể không tin. Niềm tự hào của ông về làng bao nhiêu thì bây giờ nó chỉ còn là đống đổ nát khi nghe cái tin động trời ấy

 

Từ khi ấy, trong tâm trí ông Hai chỉ còn câu chuyện đó xâm chiếm, nó trở thành một nỗi ám ảnh day dứt đối với ông lão tội nghiệp. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông chỉ biết "cúi gằm mặt mà đi". Về tới nhà ông nằm vật ra giường rồi tủi thân nhìn lũ con của mình "nước mắt ông cứ dàn ra". Bao nhiêu niềm tự hào về quê hương sụp đổ. Ông cảm thấy bản thân như đang mang nỗi nhục của một tên bán nước theo giặc và các con ông cũng mang tiếng sinh ra trong làng bán nước.

Suốt mấy hôm liền ông không dám ra ngoài, chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng tình hình bên ngoài. "Một đám đông túm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến cái chuyện ấy...". Ông lão nghèo khổ rơi vào sự bế tắc, tuyệt vọng khi nghĩ tới tương lai của gia đình ông. Ông không biết đi đâu, về đâu, về làng thì không được vì về làng lúc này là đồng nghĩa với theo tấy, phản bội kháng chiến, bán nước. Ở lại nơi ngụ cư lúc này cũng không được vì chủ nhà đã đánh tiếng xua đuổi ông. Ông không còn biết đi đâu vì tới đâu người ta nghe tiếng dân Chợ Dầu phản bội.

Tình yêu làng và yêu nước trong ông Hai luôn song hành cùng nhau. Nhưng đứng trước tình thế đặc biệt ấy, ông buộc phải lựa chọn. Sự lựa chọn đó chẳng hề dễ dàng. Chợ Dầu vốn đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc đời ông nhưng Cách mạng lại là nguồn ánh sáng cứu cả dân tộc ra khỏi lầm than, trong đó có cả gia đình ông.

Sau một hồi suy nghĩ, ông đã đưa đến một quyết định: "Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù". Điều đó chứng tỏ, dù tình yêu làng có thiết tha tới đâu nhưng không thể so sánh  được với tình yêu nước. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, khi được đưa vào tình thế bắt buộc lựa chọn, họ sẽ hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích dân tộc, lợi ích chung lên hàng đầu.

 

Đàn ông chính là những người cô đơn nhất, khi họ gặp phải những chuyện buồn rầu họ chẳng biết nương tựa vào ai để chia sẻ. Ông Hai cũng vậy, chẳng có ai có thể hiểu được nỗi lòng của ông lúc này, ông đành gửi gắm tâm sự với đứa con út. Ông bày tỏ tấm lòng sâu lặng với Làng Dầu, bày tỏ tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cụ Hồ. Đó là một cuộc trò chuyện đầy xúc động, những suy nghĩ đối lập nhau cứ luôn quanh quẩn trong đầu ông, yêu quê, nhớ quê thật nhưng khi nghe tin quê hương theo giặc thì trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào cụ Hồ, tin tưởng vào cách mạng. Chính niềm tin ấy đã giúp ông vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy. Cuộc trò chuyện với con trai, nhưng thực chất là cuộc độc thoại nội tâm của ông Hai, ông đang tự an ủi mình, tự nhắc nhở mình luôn vững tin vào cách mạng.

 Nếu như lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao được xây dựng là hình ảnh điển hình cho người nông dân Việt Nam trước Cách Mạng Tháng Tám thì ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân lại đại diện cho hình ảnh người nông dân sau Cách mạng tháng Tám. Cái làng đối với người nông dân có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần. Nó gắn bó mật thiết với họ từ lúc sinh ra tới khi nhắm mắt. Tình yêu quê hương được hình thành tự nhiên, ăn sâu vào tâm thức những người nông dân như ông Hai. Chính vì vậy có thể hiểu làng quan trọng như thế nào đối với ông Hai, xa quê chính là nỗi buồn nhất của họ, nhưng vì việc nước nên họ phải tạm xa quê. Tác phẩm cho ta thấy tài năng của Kim Lân qua cách tạo tình huống truyện đặc sắc, miêu tả tâm lý, diễn biến nội tâm tinh tế và phong phú, qua đó góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm: tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân.

Qua diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng mình theo giặc, Kim Lân đã làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước thiết tha, sâu lặng của nhân vật. Tình yêu làng gắn với tình yêu nước đây chính là điểm mới về tình yêu nước của người nông dân sau cách mạng.

2 tháng 1 2023

tk: I. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về bản thân: mọi người thường gọi tôi là ông Hai, tôi ở cái làng chợ Dầu từ lúc sinh ra.

II. Thân bài

Kể lại tâm trạng của bản thân khi ở nơi tản cư: nhớ làng, phấn chấn khi ở phòng thông tin bước ra.Kể lại tâm trạng của bản thân từ khi nghe được tin dữ: làng Chợ Dầu là Việt gian (Miêu tả nội tâm, đối thoại, độc thoại, nghị luận...)Kể lại tâm trạng của bản thân khi nghe được tin cải chính.

III. Kết bài: Khẳng định lại tình cảm của ông Hai đối với làng, với kháng chiến, với Cụ Hồ.

2 tháng 1 2023

tk:

Sáng ngày hôm nay vẫn như mọi ngày, tôi nhâm nhi tách trà mới pha, đọc vài trang báo của ngày mới, ngẫm nghĩ lại thời tuổi trẻ sôi nổi cùng xóm làng của mình, những hồi ức đẹp đẽ nhất ẩn sâu trong tâm trí…

Trưa hôm ấy tôi ở nhà một mình. Vợ con đi bán buôn cả, nên tôi đành ra bờ suối dốc sức mà vỡ một vạt đất, dự sẽ dành trồng vài trăm gốc sắn, sang năm mùa đói vẫn có cái mà ăn. Làm sáng giờ chân tay đã rã rời, nằm vật xuống tấm nệm êm ái, tôi lại suy nghĩ vẩn vơ. Nhung nhớ lắm cái ngày còn sống ở làng, cùng anh em đào đường, khuân đá… Tôi nhớ lắm cái làng Chợ Dầu này, là nhớ tha thiết.

Kiên nhẫn chờ đến khi cái lớn về, tôi vội nhắn nhủ nó vài câu chăm nom nhà cửa đã vội chạy đi, như mọi hôm, tôi đi nghe lỏm thông tin từ người khác. Dọc đường cũng có vài người níu tôi lại hỏi thăm, nói vài câu bông đùa khiêu khích, tôi vội chạy đi. Nghe lỏm hả? Nói ra thì cũng chẳng có gì hay ho lắm đâu, thực làm tôi khổ tâm hết sức ấy chứ. Tôi cũng từng học một khóa bình dân học vụ rồi, nhưng vẫn là không thể tự mình đọc nắm nội dung được, đành ngồi đó vờ đọc mà nghe lỏm người khác đọc. Ghét nhất là thứ người cậy ta đây biết lắm chữ, không đọc ra tiếng cho người khác nghe nhờ mấy. Hôm nay hà cớ chi lại may thế, vớ được anh dân quân đọc to phết, tôi nghe được bao nhiêu là thông tin bổ ích ấy chớ.

 

Tôi háo hức ra khỏi phòng thông tin, lại dặn vợ vài điều, ghé quán làm vài điếu thuốc lào mà thong thả uống chè thưởng gió. Rồi bỗng nhiên nhìn thấy vài người trông không giống dân nơi này, mở miệng, tôi thắc mắc, hỏi han.

Biết được họ ở Gia Lâm lên, còn biết giặc vừa nổ súng từ Bắc Ninh đến Chợ Dầu, như thường lệ, tâm trạng lân lân, tôi lại chép miệng ý khoe mẽ: “ Thế ở Chợ Dầu ta giết được bao nhiêu thằng hở bác ? “. Ngờ đâu câu trả lời lại như mũi giáo gắm thẳng vào nơi sâu tối nhất tâm trí tôi: “ Có giết được thằng nào đâu. Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây còn giết gì nữa! “. Là tôi nghe lầm thôi mà phải không ? Không thể nào như vậy được. Khăng khăng ý niệm đó, tôi gặng hỏi lại. Câu trả lời lại như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt yêu cầu tôi thức tỉnh, run run tôi đành vờ đứng dậy than to trời nắng nóng, chạy vội về nhà.

Về đến nhà vẫn không khỏi nghe được những lời cay nghiệt của làng xóm, tôi thương thầm lũ trẻ nhà mình. Chúng là trẻ con của làng Việt gian rồi…

Chiều hôm ấy bà Hai về cũng có vẻ khác thường ngày, làm cho căn nhà bỗng chốc trở nên yên ắng, lạnh lẽo. bọn trẻ cũng im thin thít, không dám đùa giỡn như mọi hôm. Nghĩ lại thì cũng không đúng lắm vì ai trong làng cũng là những người yêu nước thề chống giặc mà. Hơn nữa ai đi bịa chuyện làm gì. Rồi một hồi tôi lại nghĩ đến tương lai của làng Chợ Dầu này, liệu có ai chịu buôn bán với làng Việt gian chứ?

Mấy ngày sau đó tôi đều giam mình trong nhà, tự thân xấu hổ, tủi nhục. Tôi tâm sự cùng con giải bày nỗi lòng. Cuối cùng, tôi cũng quyết định không về làng nữa. “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. Tôi quyết một lòng theo kháng chiến, theo cụ Hồ, một lòng với đất nước. Mình không làm được gì tốt đẹp cho đất nước thì cũng đừng làm chuyện gì tồn hại.

Tôi ôm nỗi lòng suy nghĩ thâu đêm, càng nghĩ càng thấy tủi nhục và căm phẫn. Dù quyết ủng hộ cụ Hồ, Ủng hộ kháng chiến nhưng giờ ai cũng ghét người làng chợ Dầu thì biết phải đi đâu. Trong lúc tột cùng bế tắc thì một buổi sáng sớm, ông chủ tịch xã gọi tôi lên báo tin. Thì ra tất cả đều láo cả, tất cả là lừa dối, là hành động phá hoại lòng tin của kẻ thù. Làng Chợ Dầu không chỉ không phải Việt gian mà còn tích cực tham gia kháng chiến chống giặc cứu nước, tôi như một lần nữa được sống lại. Tôi vô cùng mừng rỡ hăm hở đi đính chính lại, tiếp tục vinh quang mà nói về cái làng mà tôi yêu quý nhất. Cho đến nay tôi vẫn duy trì thói quen đó, như cách tôi kể cho bạn nghe về câu chuyện của mình trong ngày hôm nay.

Tâm trạng ông Hai, trong những ngày nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, được Kim Lân miêu tả:“Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây... ” – cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông.Hay là quay về làng? ...Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay, về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ...
Đọc tiếp

Tâm trạng ông Hai, trong những ngày nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, được Kim Lân miêu tả:

“Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây... ” – cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông.

Hay là quay về làng? ...

Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay, về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ...

Nước mắt ông giàn ra. Về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây (...).

Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. về bây giờ ra ông chịu mất hết à?

Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.”

(Làng – Kim Lân)

Cho câu văn “Vậy là, với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, Kim Lân đã khắc họa thành công nét mới trong tình yêu làng truyền thống của người nông dân kháng chiến.”

 

Lấy câu văn này làm câu chủ đề để phân tích đoạn trích trên, hãy triển khai thành một đoạn văn quy nạp khoảng 10 câu, trong đoạn có sử dụng lời dẫn trực tiếp và một câu ghép, (gạch chân chú thích lời dẫn trực tiếp và câu ghép).

1
23 tháng 11 2019

- Về hình thức: chép chính xác câu chủ đề đã cho để tạo thành đoạn văn có dung lượng khoảng 10 câu (tối thiểu 8 câu, tối đa 12 câu), theo phương pháp quy nạp, có liên kết chặt chẽ, đủ lí lẽ và dẫn chứng, có sử dụng lời dẫn trực tiếp và câu ghép.

- Về nội dung: chỉ phân tích đoạn trích đã cho để làm rõ ý khái quát: ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế (độc thoại nội tâm rất lô-gic, đa dạng kiểu câu, giọng điệu,... ), nét mới trong tình yêu làng truyền thống của người nông dân (yêu làng kháng chiến, đặt tình yêu với đất nước lên trên,...)

- Tham khảo đoạn văn:

Trong đoạn văn được trích từ tác phẩm Làng của Kim Lân, ta thấy lời người đàn bà đi tản cư thông báo về cái tin dữ “cả làng chúng nó Việt gian theo Tây”... đã ám ảnh ông Hai, khiến ông có ý định “Hay là quay về làng?” ... (1). Đây là lời độc thoại nội tâm rất chân thực diễn tả những suy nghĩ, băn khoăn, không muốn rời xa cái làng mà mình vốn luôn hãnh diện, luôn “khoe ” (2). Thế nhưng suy nghĩ sai lầm ấy đã bị dập tắt ngay khi tác giả miêu tả một cách rất tinh tế những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật (3). Bởi ông Hai hiểu rằng quay về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ, là chấp nhận làm nô lệ (4). Rồi ông mường tượng ra quá khứ đen tối và nhục nhã của kiếp sống trước mà còn cảm thấy “rợn cả người” (5). Trong con người ông Hai diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa sáng và tối, được và mất (6). Để rồi người nông dân tản cư ấy đi đến quyết định dứt khoát: “Không thế được! Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù” (7). Thù cái làng mà mình đã từng yêu thương, từng gắn bó như máu thịt, đó là sự hi sinh vì làng đó đã theo Tây phản bội đất nước(8). Điều đó chứng tỏ ông Hai đã đặt tình yêu kháng chiến, yêu lãnh tụ lên trên tất cả. Lòng yêu nước đã bao trùm lên tình cảm làng quê, đây là nét mới, là chuyển biến sâu sắc trong tư tưởng, tình cảm của người nông dân thời kì kháng chiến chống Pháp (9). Vậy là, với ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, Kim Lân đã khắc họa thành công nét mới trong tình yêu làng truyền thống của người nông dân kháng chiến (10).