Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Các thi sĩ đến với thiên nhiên bằng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và đầy mến yêu. Không ai quên thế giới Bồng Lai tiên cảnh trong thơ Lý Bạch, núi rừng hữu tình trong thơ Nguyễn Trãi, làng quê mộc mạc đơn sơ trong thơ Nguyễn Khuyến. Và cũng không ai quên trong phong trào Thơ Mới (1930 – 1945) từng có một tiếng reo "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu, một tình cảm mênh mang với "Tràng giang" của Huy Cận và một nỗi niềm hẫng hụt, chơi vơi với "Đây thôn Vĩ Giạ" của Hàn Mặc Tử.
Thiên nhiên chớm vào mùa thu trên đất Bắc trong "Đây mùa thu tới" thật đẹp mà cũng thật buồn – một vẻ đẹp, một nét buồn rất mới, rất khác so với thơ ca trung đại.
Nếu như cảm quan nghệ thuật của thi ca trung đại là: lấy thiên nhiên làm chuẩn mực vẻ đẹp cho con người – như Nguyễn Du đã từng tả Thúy Vân: "Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang. Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” (Truyện Kiều) – thì với Xuân Diệu – "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" – con người là vẻ đẹp chuẩn mực cho thiên nhiên:
"Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng."
Chưa ai có một cách so sánh lạ như Xuân Diệu. Cây liễu đẹp như người thiếu nữ đứng xõa tóc "chịu tang". Mỗi sợi tóc là một sợi buồn, mỗi nhành liễu là một sợi tóc. Từ cổ chí kim, không có nỗi buồn nào thấm thía đau đớn bằng nỗi buồn chịu tang. Bao nhiêu nước mắt rơi xuống mà nỗi buồn chẳng vơi. Rặng liễu với những sợi tơ liễu được kết bằng những lá liễu dài gối lên nhau "hàng hàng" rủ xuống như "lệ" giăng mắc đầy một khoảng trời làm nỗi buồn chớm thu như càng tăng thêm, thấm thía hơn. Và trong nỗi buồn ấy còn gợi lên một nỗi đau mất mát:
"Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh"
Ngày lại ngày trôi qua, thu về, cảnh vật biến đổi, cây cối xơ xác trơ trụi, khẳng khiu như đang run rẩy, khẽ rùng mình trong gió se se lạnh: "Đã nghe rét mướt luồn trong gió". Cảm nhận về cái rét đến trong gió của Xuân Diệu là một cảm nhận mới. Thiên nhiên xôn xao, cựa mình – điều ấy thể hiện qua nghệ thuật sử dụng phụ âm “r” (rụng/rũa/run rẩy/rung rinh) và phụ âm "m" (mỏng manh) – không giống thiên nhiên trong thơ cổ mang nét tĩnh lặng, ngay cả khi "Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo" (Mùa thu câu cá – Nguyễn Khuyến) thì cả không gian thiên nhiên thu vẫn chủ yếu là tĩnh lặn Cùng với "lá vàng" trong thơ Nguyễn Khuyến, ai cũng biết bức tranh "Mùa thu vàng" của danh họa Lê-vi-tan, nhưng không đâu có một màu vàng mới và độc đáo như màu vàng của đất trời vào thu trong "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu. Đó không phải là những đốm vàng nhỏ mà là cả một "không gian vàng" – một màu vàng "mơ phai" rất riêng rất khó lẫn. Đó là màu vàng của "cái hồn thu qua sắc lá" (Tạ Đức Hiền) làm mùa thu bớt buồn và thêm thi vị, thêm đáng yêu. "Mùa thu tới!" – Xuân Diệu đã nhận được bức thông điệp của mùa thu và đã reo lên sung sướng: "Đây mùa thu tới! Mùa thu tới!". Giai điệu rộn rã của tiếng reo khiến ta cảm giác hình như Xuân Diệu đang hát lên tiếng hát khát vọng giao cảm với cuộc đời. Bước chân đến với trời thu của thi sĩ đầy "giục giã", "vội vàng".
Cùng mang vẻ đẹp buồn truyền thống, nhưng nếu như thiên nhiên trong "Đây mùa thu tới" đẹp thướt tha, thì thiên nhiên trong "Tràng giang" lại mang vẻ đẹp hùng vĩ rợn ngợp của "trời rộng", "sông dài”:
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song"
…
"Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu"
Thiên nhiên ở đây đậm sắc màu cổ điển. Dòng sông mênh mang, chảy dài giữa không gian vắng lặng, bát ngát. Những con sóng gối lên nhau lớp lớp không bao giờ dừng như nỗi buồn miên man không dứt. Song song với con thuyền buông trôi, thụ động phó mặc cho cuộc đời, không một chút hi vọng là biểu hiện của nỗi buồn chia lìa, li biệt. Bao nhiêu ngả nước, bấy nhiêu ngả sầu, cảnh ở đây rất sầu: từ "con thuyền", "cành củi khô" đến "nước", "sóng" và cả "bờ xanh", "bãi vàng”, "bến cô liêu" đều mang nỗi sầu lớn. Nỗi "buồn điệp điệp" triền miên lan tỏa xuyên suốt bài thơ và cồn cào, day dứt nhất ở hình ảnh cuối bài:
"Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà"
Nỗi buồn của Huy Cận miên man không dứt như sóng nước mênh mông bất tận, theo sóng nước lan tỏa rất xa, buồn hơn nhiều so với Thôi Hiệu (Đời Đường – Trung Quốc): "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?). Từ nỗi buồn đằng dặc ấy, vẻ đẹp hiện lên là vẻ đẹp mênh mang đất trời. Không gian mở rộng ra mọi chiều cả về độ dài – rộng, cao – sâu. Đó là cái đẹp lặng lẽ, rợn ngợp của không gian sông nước quen thuộc, gần gũi được Huy Cận dựng lên bằng hình ảnh đơn sơ, thành những nét vẽ tinh tế, giàu màu sắc cổ điển mà vẫn mới. Thấm đượm trong cảnh là một linh hồn "mang mang thiên cổ sầu" và một cái gì như thể là linh hồn ngàn xưa của dân tộc vẫn còn vương vấn nơi bãi rộng sông dài với "bến cô liêu", với "bèo dạt", "mây", "cánh chim", "bóng chiều", với "khói hoàng hôn" với tình quê đậm đà, da diết cháy trong lòng thi nhân.
Thiên nhiên được khúc xạ qua tâm hồn thi sĩ, mang nỗi buồn của nhà thơ. Cái đẹp thực, đẹp ảo của cảnh là cái đẹp trong sự thảng thốt của tác giả. Nỗi buồn mênh mang từ hoàn cảnh của nhà thơ là nỗi buồn gắn với thiên nhiên. Trong "Tràng giang", "nỗi buồn thấm trong từng câu chữ", đầy như dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy.
Trong "Đây mùa thu tới" nỗi buồn tỏa ra từ niềm cô đơn, quạnh vắng, còn trong "Đây thôn Vĩ Giạ" nỗi buồn lại nhè nhẹ cất lên từ ý thức bị lãng quên của nhà thơ. Nhưng khác với "Đây mùa thu tới" và "Tràng giang", "Đây thôn Vĩ Giạ" là một bài thơ "có bước nhảy cảm xúc" (Vũ Quần Phương), có sự chuyển đổi cảm xúc rất nhanh, rất nhuần nhị, tinh tế. Bài thơ có ba khổ thì mỗi khổ là một câu hỏi gắn với tâm trạng khác nhau của Hàn Mặc Tử, gắn với những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên xứ Huế thơ mộng. Ở khổ một, thi sĩ đang vui sướng "nhìn nắng hàng cau nắng mới lên", ngắm "vườn ai mướt quá xanh như ngọc" thật đẹp đẽ của thôn Vĩ Giạ. Đó là vẻ đẹp nguyên sơ – thánh thiện, vẻ đẹp tươi tắn, rạng rỡ, trinh nguyên của xứ Huế hiện lên rõ nét trong dòng hoài niệm của Hàn Mặc Tử. Đến khổ thứ hai, cảm xúc của thi nhân chợt lắng xuống thoáng buồn:
"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay"
"Đây mùa thu tới" nói về nỗi buồn tàn lụi, chia lìa: "Hơn một loài hoa đã rụng cành, trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh" với cách nói phiếm định: "hơn một" đệm màu sắc văn hóa phương Tây, đầy mới mẻ. "Tràng giang" nói về nỗi buồn li biệt của cảnh: "Con thuyền xuôi mái nước song song" mang dấu ấn cổ điển. Và "Đây thôn Vĩ Giạ" cùng nói về nỗi buồn lẻ loi, tan tác: "Gió theo lối gió mây đường mây, dòng nước buồn thiu hoa bắp lay" nhưng không đơn giản chỉ có thế mà còn là nỗi buồn xa cách, bị lãng quên. Dòng sông Hương lững lờ trôi là dòng "sông trăng" chất chở nỗi buồn nhẹ nhàng, man mác của lòng người. Từ cái đẹp trinh nguyên của xứ Huế mộng mơ thực tại, dòng liên tưởng của Hàn Mặc Tử hướng về một cái dẹp mờ ảo của cảnh vật trong sự chia cách. Cũng như nỗi buồn của Xuân Diệu trong "Đây mùa thu tới", nỗi buồn của Hàn Mặc Tử ở đây cũng thật lặng lẽ, nhẹ nhàng chứ không phải triền miên, dữ dội như sóng của Huy Cận trong "Tràng giang".
Với thể thơ thất ngôn truyền thống, nhìn chung, nỗi buồn của thơ Xuân Diệu là nỗi "buồn không nói", của thơ Huy Cận là nỗi "buồn điệp điệp", của thơ Hàn Mặc Tử là nỗi "buồn thiu”. Thiên nhiên trong cả ba bài thơ đều đẹp và buồn bởi thiếu một tình người. Tình người mà ở mỗi bài thơ được thi nhân nhắc đến là để xoa dịu nỗi buồn bị quên lãng ("Đây thôn Vĩ Giạ"); xóa cô đơn, rợn ngợp trong lòng, tìm đến một tình quê ấm áp ("Tràng giang"); xóa cái lạnh của lòng người, tìm đến một tình yêu, một khát vọng giao cảm với thiên nhiên, với cuộc đời ("Đây mùa thu tới"). Các nhà thơ có sự cảm nhận tinh tế về thiên nhiên cũng như đã biểu hiện một cách sâu sắc thế giới tâm trạng, cảm xúc của mình trước thiên nhiên đó.
Thiên nhiên trong thơ mới là một đóng góp về mặt tư tưởng văn hóa của người Việt Nam. Điều đó đã chứng tỏ một tình yêu quê hương đất nước của các nhà thơ mới nói chung và của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử nói riêng.
Khi nhắc đến “ông hoàng thơ tình” thì chắc chắn người đọc sẽ nghĩ ngay đến Xuân Diêu, một hồn thơ nồng nàn, say đắm, cuồng nhiệt trong tình yêu. Những vần thơ của ông chính là nỗi lòng của chính mình. Bài thơ “Vội vàng” là một điệp khúc tình yêu say đắm, nồng nàn của một người đang yêu. Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ này khiến cho người đọc như hòa chung vào nhịp đập đó.
Bài thơ được cất lên với giọng điệu say đắm, nồng nàn và căng tràn sự sống của thiên nhiên. Qua con mắt của nhân vật trữ tình, cảnh sắc mùa xuân hiện lên thật tươi mới, trong lành:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si.
Tiếng lòng của nhân vật trữ tình như đang reo vui cùng với cảnh sắc thiên nhiên rộn ràng, tưng bừng. Tháng Giêng luôn là tháng khiến tâm trạng con người vui tươi, tràn đầy nhiệt huyết, và đặc biệt trong tình yêu thì đây chính là thời điểm đượm nồng, đắm say nhất. Nhân vật trữ tình đã gọi tháng giêng là “tháng mật” gợi lên sự ngọt ngào và nồng nàn. Với điệp từ “này đây” như đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Sự xinh đẹp của thiên nhiên dường như khiến cho nhân vật trữ tình xôn xao đến khó tả.
Những hình ảnh đẹp “đồng nội xanh rì” và “cành tơ phơ phất” khiến cho khúc hát mùa xuân như dậy sóng ở trong lòng.
Giọng điệu ở 4 câu thơ cất lên như tiếng reo vui rộn ràng và tươi mới của tâm hồn một người đang yêu đứng giữa trời đất bao la, rộng lớn.
Và cảm xúc tinh khôi, mới mẻ đó đã dồn nét, cất lên thành lòng ham muốn:
Tôi sung sướng nhưng vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
Niềm sung sướng, hân hoan của mùa xuân, của tình yêu đã khiến cho nhân vật trữ tình hân hoan. Nhưng dường như chợt nhận ra điều gì đó mà nhân vật đã bỗng dưng chững lại vì từ “nhưng” khiến cho giọng thơ trở nên lắng lại. Bỗng nhiên chuyển sang giai đoạn “vội vàng một nửa”. Tứ thơ đã khiến người đọc nhận ra tâm trạng dửng dưng, chưng hửng của nhân vật trữ tình. Tại sao không vui hết đi mà lại phải vội vàng một nửa. Có lẽ bước chuyển mình của thời gian khiến cho nhân vật trữ tình thấy nuối tiếc, sợ thời gian trôi đi không trở lại.
Lúc này, nhân vật “tôi” đã xuất hiện mà cảm thấy chênh vênh khi nghĩ đến mùa xuân trôi đi, rồi mùa xuân lại lại. Thời gian tàn khốc cướp mất đi mùa xuân, vô tình cướp mất đi tình yêu đang căng tràn nhựa sống.
Đây là một thái độ sống rất tích cực, nó có thể đánh thức trái tim của mỗi con người, nhất là tuổi trẻ. Hãy cố gắng sống và tận hưởng cuộc sống tươi mới khi còn có thể, vì thời gian trôi đi không bao giờ quay trở lại.
Ở những câu thơ tiếp theo, giọng thơ trở nên gấp gáp và chính tâm trạng của nhân vật “tôi” cũng vội vàng, cuống quýt. Thời gian đã khiến cho nhân vật trữ tình sợ, lo lắng;
Chẳng bao giờ! Ôi chẳng bao giờ nữa
Mau đi thôi, màu chưa ngả chiều hôm
Đến đây chúng ta đã thực sự nhận ra cảm xúc, tâm trạng của nhân vật “tôi”. Thái độ sống vội vàng, sống nhanh chóng, sống cho cả ngày mai. Dường như ‘tôi” đang bất lực với chính cuộc sống hiện tại vì chẳng thể giữ nổi những điều tốt đẹp nữa.
Có lẽ vì thế ở những câu thơ cuối, chúng ta nhận ra khát khao mãnh liệt, cháy bỏng của nhân vật trữ tình:
Ta muốn ôm cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều.
Điệp từ ‘ta” được điệp lại ở đầu mỗi câu thơ khiến cho giọng thơ trở nên gấp gáp. Khao khát của “ta” được dồn nén từ bấy lâu nay đến giờ đã vỡ òa ra. Những hình ảnh tươi đẹp của mùa xuân đang căng tràn như vậy nhưng nhân vật trữ tình lại nghĩ đến cảnh mọi thứ vội tan biến theo thời gian. Đây chính là một ý thức về thời gian rất mới, tiến bộ và hiện đại, đánh thức được suy nghĩ của thế hệ trẻ sau này.
Như vậy qua bài thơ “Vội vàng” Xuân Diệu đã khiến người đọc phải say, phải vội vàng, cuống quýt cùng nhân vật trữ tình. Có lẽ đó chính là thông điệp của Xuân Diệu về cảm thức thời gian.
Niềm say mê thiên nhiên, say mê cuộc sống của Xuân Diệu được thể hiện đầy đủ nhất, cao độ nhất có lẽ là ở bài thơ Vội vàng. Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Hoài Thanh nhận xét: Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh đời, sống vội vàng, sống cuống quýt… Đây là nhận xét tinh tế và chính xác bởi khi đặt tên bài thơ là Vội vàng, Xuân Diệu đã tỏ ra rất hiểu mình. Có thể coi bài thơ này là tuyên ngôn về lẽ sống của nhà thơ.
Xuân Diệu yêu cuộc sống tha thiết, nồng nàn. Theo nhà thơ, cuộc sống là tất cả những lạc thú vật chất, tinh thần cùng với những gì trần tục và thanh cao của nó. Bài thơ Vội vàng cho người đọc thấy thi nhân đang trải lòng mình ra mà viết và bày tỏ cho hết tình cảm chân thành đối với cuộc đời.
Bàn về lẽ sống của Xuân Diệu, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng lẽ sống vội vàng của nhà thơ bắt nguồn từ nhận thức về thời gian vô hạn và kiếp người hữu hạn. Cái đáng quý nhất của con người là cuộc sống cho nên phải tranh thủ chớp lấy từng khoảnh khắc để sống. Ý kiến khác cho rằng Xuân Diệu yêu tha thiết, yêu say đắm cuộc sống nên rất sợ mất nó. Trong khi yêu, Xuân Diệu đã cảm thấy tình yêu đang mất nên luôn ở trong tâm trạng hoảng hốt, lo âu, chợt vui, chợt buồn. Chính vì vậy nên dù là yêu cảnh hay yêu người, Xuân Diệu cũng đều ngấu nghiến, vồ vập, vội vàng.
“Cái tôi” của tác giả trong bài thơ này được thể hiện ở hai trạng thái đối lập mà thống nhất của tâm hồn: lúc mãnh liệt đến cuồng si, lúc lại da diết, lắng sâu. Đọc kĩ bài thơ, chúng ta sẽ nhận ra diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình: lúc phơi phới yêu đời, lúc sôi nổi, cuồng nhiệt như núi lửa phun trào, lúc lại bâng khuâng, lo lắng.
Vội vàng tuy là bài thơ trữ tình nhưng nó lại chứa đựng một triết lí sống cụ thể. Kết cấu bài thơ có thể chia làm hai phần, được phân cách bằng câu thơ ngắn: "Ta muốn ôm". Phần trên nghiêng về trình bày những lí lẽ vì sao lại phải sống vội vàng ? Thái độ sống ấy xuất phát từ nhận thức và quan niệm về hạnh phúc trần gian, thời gian và tuổi trẻ. Theo Xuân Diệu thì cuộc sống trần thế giống như một thiên đường kì thú với bao nguồn hạnh phúc dành cho con người. Nhưng những cảnh sắc ấy chỉ thực sự mang vẻ đẹp thần tiên trong buổi xuân thì của nó và con người chỉ tận hưởng được những lạc thú khi còn trẻ; trong khi đó tuổi trẻ lại vô cùng ngắn ngủi. Thời gian có thể cướp đi tất cả. Vậy chỉ có một cách là chạy đua với thời gian, là phải vội vàng mà sống. Đây là một triết lí tích cực và tiến bộ.
Phần dưới của bài thơ thể hiện những hành động vội vàng của nhân vật trữ tình trong khi hưởng thụ vẻ đẹp của đời. Nội dung cảm xúc thể hiện rõ ở những hành động vồ vập, ở trạng thái chếnh choáng của một “cái tôi” đang muốn tận hưởng thật nhiều hương sắc của khu vườn trần thế.
Hai phần này chuyển tiếp rất tự nhiên về cảm xúc và rất chặt chẽ về luận lí. Nó khiến cho bài thơ liền mạch và hoàn Chỉnh, giống như một dòng chảy ào ạt, tự nhiên của tâm trạng. Đây chính là thành công đáng kể của bài thơ.
Bốn câu ngũ ngôn mở đầu đoạn hai nêu lên ý tưởng táo bạo, dị thường đến mức như nghịch lí:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Nhà thơ muốn đoạt quyền của tạo hóa, đảo ngược quy luật tự nhiên. Muốn tắt nắng đi, muốn buộc gió lại, cái ham muốn lạ lùng ấy hé mở cho chúng ta thấy lòng yêu bồng bột, vô bờ của nhà thơ đối với con người, cuộc sống, với thế giới thắm sắc đượm hương đang trải rộng trước mắt. Dường như Xuân Diệu đã chỉ cho chúng ta thấy rõ cái nghiệt ngã của tạo hóa để rồi sau đó từ từ lí giải lẽ sống vội vàng của mình.
Trước hết, thiên nhiên và cuộc sống được Xuân Diệu cảm nhận theo một cách riêng. Với nhà thơ, đây là một thiên đường trên mặt đất. Cái thiên đường đầy hương sắc đó hiện ra trong bài thơ vừa như một khu vườn tình ái
của vạn vật đương buổi xuân thì, vừa như một người tình đầy quyến rũ. Xuân Diệu cảm nhận thiên nhiên mà thực chất là tình tự với thiên nhiên.Xung quanh nhà thơ, cảnh vật tưng bừng, rạo rực một sức sống đang lên, đầy hấp dẫn, lôi cuốn, khiến không ai có thể thờ ơ:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi buổisáng , thần Vui hằng gõ cửa;
Tất cả tình và cảnh trong đoạn thơ này được tác giả miêu tả rất cụ thể: Tuần tháng mật của ong bướm, muôn hoa xuân nở rộ khoe sắc, khoe hương trên đồng nội xanh rì. Chồi non, lộc nõn cành tơ phơ phất, khúc tình si rộn rã của yến anh, ánh sáng chớp hàng mi. Đoạn thơ như tiếng reo vui hồn nhiên của đứa trẻ ngây thơ lạc vào khu vườn đầy hương sắc, rộn rã, tưng bừng bàn nhạc đủ mọi thanh âm. Đối với Xuân Diệu, mỗi ngày mới là một niềm vui mới và cuộc đời tưởng như là chuỗi vui vô tận: Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa.
Điệp từ này đây lặp lại tới năm lần, như nhấn mạnh từng nét đẹp của vườn xuân, như giới thiệu sự phong phú bất tận của thiên nhiên với niềm hào hứng lạ thường, để rồi đi đến một so sánh rất độc đáo: Tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Xuân Diệu có lối diễn tả tinh tế bằng sự chuyển đổi cảm giác, ông không nói tháng giêng đẹp mà nói tháng giêng ngon để đặc tả một sức sống mơn mởn, non tơ, quyến rũ. Là thi sĩ của tình yêu nên Xuân Diệu thấy giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và vẻ đẹp thiếu nữ đương xuân có những nét tương đồng.
Hai khổ thơ liên kết chặt chẽ với nhau. Thi sĩ muốn tắt nắng đi, muốn buộc gió lại chính là để lưu giữ mãi mãi hương sắc của vườn xuân trần thế. Nhưng tiếc thay, vẻ đẹp ấy chỉ rực rỡ lúc xuân thì, mà xuân thì lại vô cùng ngắn ngủi. Nhà thơ đang hân hoan đón nhận vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hóa ban cho
muôn loài thì bỗng chốc niềm vui tan biến, thay vào đó là nỗi ngậm ngùi trước hiện thực phũ phàng:
Xuân đương tới; nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Theo quan niệm của nhà thơ thì mùa xuân, tuổi trẻ và tình yêu là những gì đẹp nhất, “là những phần ngon nhất của cuộc đời”. Thiên nhiên đẹp nhất lúc xuân sang; đời người đẹp nhất tuổi xuân thì; tình yêu đẹp nhất khi đi đôi với tuổi trẻ. Nhưng trớ trêu thay là tạo hóa – đấng vô hình sáng tạo ra cái đẹp và cũng lạnh lùng huỷ diệt cái đẹp. Mùa xuân và tuổi trẻ đều vô cùng ngắn ngủi. Thời gian sẽ cuốn trôi hết thảy: Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già. Cho nên con người phải vội vàng tận hưởng mọi sắc màu cùng hương thơm, mật ngọt của đời.
Xưa nay, quan niệm về thời gian gắn liền với sự tuần hoàn của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nghĩa là thời gian được hình dung như một vòng tròn quay liên tục hết một vòng lại trở về điểm xuất phát, cứ trở đi trở lại mãi mãi như thế. Mà đã là vòng tuần hoàn thì những thời khắc, thời đoạn của nó có ra đi rồi cũng sẽ quay trở về. (Xuân đi thì xuân sẽ quay lại). Quan niệm đó xuất phát từ cái nhìn, lấy quy luật vũ trụ làm thước đo thời gian.
Xuân Diệu lại quan niệm rằng thời gian như một dòng chảy xuôi chiều một đi không trở lại, mà mỗi một khoảnh khắc trôi qua là sự sống của đời người sẽ vĩnh viễn mất đi một ít. Tức là lấy cái quỹ thời gian hữu hạn của con người để đo đếm thời gian. Thậm chí, lấy quãng ngắn nhất, giàu ý nghĩa nhất trong đời người là tuổi trẻ để làm thước đo. Cách cảm nhận về thời gian như vậy xuất phát từ ý thức sâu xa về giá trị của sự sống cá nhân, mỗi khoảnh khắc đều vô cùng quý giá. Nó quý giá chính vì một khi đã trôi qua là mất đi vĩnh viễn. Quan niệm ấy khiến cho con người phải biết quý từng giây phút của cuộc đời và biết làm cho mỗi khoảnh khắc của đời mình cần phải trànđầy ý nghĩa. Có như thế mới là biết sống. Đây là nguyên nhân sâu xa của thái độ sống vội vàng. Xuân Diệu cảm nhận rằng thời gian và tuổi trẻ một đi không bao giờ trở lại, cho nên đã chua xót phủ nhận: Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Quan niệm này xuất phát từ cái nhìn rất biện chứng về vũ trụ, về thời gian:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Xuân Diệu đồng nhất mùa xuân với tuổi trẻ và tình yêu, cho nên ông ngậm ngùi than: Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. Nhà thơ cảm thấy đời người quá ngắn ngủi trước thời gian và không gian vĩnh cửu:
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Câu thơ như một tiếng thở dài u hoài, tiếc nuối. Quy luật thiên nhiên giờ đây đã trở nên đối kháng với con người:
Lòng tôi rộng… / lượng trời cứ chật,
Xuân vẫn tuần hoàn… / tuổi trẻ chẳng hai lần thấm lại,
Còn trời đất… / chẳng còn tôi mãi.
Vì thế, cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là cảm nhận về sự mất mát. Mỗi khoảnh khắc trôi qua là một phần đời vĩnh viễn mất đi:
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt…
Hai câu thơ này thể hiện rất rõ cách cảm nhận tinh vi về thời gian của Xuân Diệu. Mỗi khoảnh khắc đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ được hình dung như một cuộc chia li vĩnh viễn. Và thời gian được coi như một dòng chảy vô tận của những mất mát, cho nên thời gian thấm đẫm hương vị của chia phôi. Khắp sông núi là những lời than thầm tiễn biệt của vạn vật. Sâu xa hơn là mỗi một sự vật dang ngậm ngùi tiễn biệt một phần đời của chính nó. Tâm trạng phức tạp đã chi phối cách nhìn, cách nghĩ của Xuân Diệu cho nên giữa tươi xanh thi sĩ đã nhìn thấy màu héo úa; giữa hiện tại đã thấp thoáng quá khứ, giữa sum họp dã có mầm mống chia li:
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Cảm nhận của Xuân Diệu về thời gian, không gian thật lạ. Dường như cái chất vui tươi, trẻ trung của thiên nhiên không còn nữa: tháng năm rớm vị chia phôi, sông núi than thầm tiễn biệt, gió xinh hờn vì phải bay đi, chim đứt tiếng reo thi vì sợ độ phai tàn sắp sửa…
Thời gian được cảm nhận bằng khứu giác – mùi tháng năm, thời gian được hình dung là hương hoa – chẳng thế mà thi sĩ cứ muốn buộc gió lại, cho hương đừng bay đi. Nhà thơ đã cảm nhận sự trôi chảy vô tình của thời gian bằng tất cả các giác quan. Mỗi khoảnh khắc thời gian đang lìa bỏ hiện tại để trở thành quá khứ.
Không thể buộc gió, không thể tắt nắng, cũng không thể níu kéo thời gian, thì chỉ có một cách thực tế nhất là chạy đua với thời gian, phải tranh thủ sống, vội vàng mà sống:
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Đó cũng là bi kịch của đời. Dù cuộc đời đầy bi kịch nhưng khu vườn trần thế vẫn hết sức hấp dẫn đối với con người – nhất là những người đa cảm, đa tình như Xuân Diệu. Cho nên thi sĩ càng hối hả, vội vàng tận hưởng khi Mùa chưa ngả chiều hôm (nghĩa là khi tiết xuân và tuổi trè vẫn còn đang độ).Câu thơ não nuột, tuyệt vọng: Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa đã khép lại phần lí giải cho lẽ sống vội vàng của Xuân Diệu và mở ra phần biểu hiện của hành động vội vàng:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu;
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Đoạn thơ như là lời tình tự của thi sĩ với thiên nhiên, với sự sống bằng những cảm xúc và ham muốn mỗi lúc một si mê, cuồng nhiệt. Chỉ có thế mới diễn tả hết được khát vọng sổng mãnh liệt của thi sĩ.Cảm hứng thơ như những đợt sóng đại dương mỗi lúc một dâng cao. Sự kết hợp hài hòa đến mức tài tình giữa âm thanh, hình ảnh, từ ngữ trong đoạn thơ đặc tả sự cuồng nhiệt của tình yêu cuộc sống. Tình yêu ấy làm sống dậy vẻ tươi đẹp, đầy sinh khí của thiên nhiên. Điệp ngữ ta muốn khẳng định khát khao cháy bỏng muốn ôm trọn cả vũ trụ trong vòng tay âu yếm muôn đời. Mỗi lần điệp ngữ đó xuất hiện là lại đi liền với một động thái yêu đương, càng lúc càng mạnh mẽ, đếm say: ôm cả sự sống, riết mây đưa và gió lượn, say cánh bướm với tình yêu, thâu trong một cái hôn nhiều…
Khát khao gắn bó, yêu thương và giao hòa với thiên nhiên, với con người và cuộc sống thôi thúc nhà thơ, đẩy cảm xúc thơ lên tới tột đỉnh. Thi sĩ muốn được thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn tất cả vẻ đẹp của vườn đời đầy hoa thơm trái ngọt:
Cho chuếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Ta thấy Xuân Diệu như con ong đã hút mật no nê, như một tình nhân dang tràn trề hạnh phúc. Niềm khao khát vô biên được tận hưởng hạnh phúc đắm say bộc lộ qua những động từ quyết liệt, táo bạo, gây ấn tượng mạnh với người đọc.
Phải nói rằng cách thể hiện tâm trạng của Xuân Diệu trong bài thớ Vội vàng là rất mới, rất lạ, rất Xuân Diệu, xưa nay chưa từng có. Cách dùng từ ngữ, hình ảnh thật táo bạo. Táo bạo nhưng đặc sắc, tài tình bởi chỉ có thể nói bằng cách ấy mới bày tỏ hết sự nồng nàn say đắm của lòng yêu. Bài thơ như lời giục giã yêu đương, lời kêu gọi tuổi trẻ hãy sống cho sôi nổi và mãnh liệt.
Xuân Diệu yêu đời, tha thiết gắn bó với cuộc sống. Thi sĩ đã hào hứng khẳng định: Sự sống chẳng bao giờ chán nản. Ông thèm hưởng thụ và biết hưởng thụ mọi cái đẹp, cái vui của cuộc sống và qua thơ, ông dâng tặng những của cải tinh thần quý báu đó cho mọi người. Nhà thơ giúp chúng ta khám phá ra chân giá trị của cuộc đời mà nếu sống hời hợt, nông nổi thì khó nhận ra được. Sự sống trong thơ Xuân Điệu phong phú và đa dạng. Đó là mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu; là thế giới muôn hình muôn vẻ, tràn đầy niềm vui và ánh sáng. Chính vì thế, Xuân Diệu và thơ tình Xuân Diệu mãi mãi thuộc về tuổi trẻ – những con người sống để yêu thương.
Tố Hữu trước hết làm thơ phục vụ cho cách mạng, cho lý tưởng của Đảng:
+ Tố Hữu luôn lấy cảm hứng sáng tác từ lý tưởng chiến đấu, vì vậy từ nội dung tới đề tài ông đều hướng tới lý tưởng cách mạng.
+ Tố Hữu xác định nội dung, đề tài, cảm hứng nghệ thuật xuất phát từ những vấn đề liên quan tới đời sống cách mạng, lý tưởng chính trị
+ Thơ Tố Hữu còn là sự kế thừa dòng thơ cách mạng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu…
+ Tác giả tìm tới, gắn liền với khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn.
+ Giọng thơ tác giả thiết tha, ngọt ngào, giọng của tình thương mến trữ tình của người dân Huế
1. Chuẩn bị nói và nghe
a. Chuẩn bị nói
* Lựa chọn đề tài: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của bài thơ “Mùa xuân chín” (Hàn Mặc Tử)
* Tìm ý và sắp xếp ý
- Nội dung:
+ Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, tràn đầy sức sống
+ Cảm xúc trong lòng người: rạo rực trong tình yêu, nuối tiếc trước cái đẹp, nỗi nhớ làng quê
- Nghệ thuật
+ Cổ điển: những điểm tương đồng với thể thơ Đường luật (thể thơ, nhịp điệu, gieo vần)
+ Hiện đại: ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng siêu thực
- Đánh giá về thành công, giá trị, tầm ảnh hưởng của tác phẩm đối với bản thân
* Xác định từ ngữ then chốt
Có thể sử dụng các cụm từ phù hợp với kiểu bài nói này như: Về tác phẩm này, tôi xin tập trung nói về vấn đề, … Ấn tượng nổi bật nhất của tôi về tác phẩm là... Đó là lí do không thể không nói đến khi lí giải sức hấp dẫn của tác phẩm này...
* Phương tiện hỗ trợ
- Chuẩn bị bài trình chiếu Powerpoint với các thông tin chắt lọc (có thể triển khai các luận điểm thành gạch đầu dòng, dùng các kí hiệu để nhấn mạnh những chủ ngữ trọng tâm đã được xác định ở trên), cần cân nhắc về số lượng slide sử dụng. Có thể sử dụng các kênh âm thanh, kênh hình ảnh (lưu ý: hình ảnh phải tương thích với bài thơ đã chọn. Chẳng hạn với bài Mùa xuân xanh, nên chọn minh họa bằng những hình ảnh mùa xuân gắn liền với nông thôn, đồng quê).
- Người nói cũng có thể chuẩn bị văn bản tác phẩm thơ sẽ thuyết trình để cung cấp cho người nghe trước khi trình bày bài nói.
b. Chuẩn bị nghe
- Tìm hiểu trước về vấn đề thảo luận cách sử dụng, xem xét các tri thức ngữ văn, đọc các tài liệu mà người nói có thể đã chuẩn bị và cung cấp.
- Chuẩn bị tâm thế là nghe và đối thoại với người thuyết trình, chú ý theo dõi các người thuyết trình phân tích từ ngữ, hình ảnh, cách sử dụng thao tác phân tích
2. Thực hành nói và nghe
Bài nói mẫu tham khảo:
Chào mọi người, mình là ............... Hôm nay, mình trong vai trò là một nhà báo, mình đến từ toà soạn báo Phong Hoá. Chắc mọi người đều biết đây là tờ báo vô cùng nổi tiếng trong phong trào Thơ mới ở Việt Nam thời bấy giờ. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu với các bạn một nhà thơ với phong cách vô cùng kì bí, độc và lạ, các bạn hãy cùng mình khám phá nhé.
Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn từng nhận định: “Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng thơ cất lên từ sự hủy diệt để hướng về sự sống”. Quả đúng là như vậy đọc thơ Hàn Mặc Tử ta luôn thấy một tấm lòng khao khát yêu đời, khao khát sống. Một trong số đó là bài thơ “Mùa xuân chín”. Bài thơ được rút trong tập “Đau thương” (1938) – được coi là “tiếng thơ thuộc loại trong trẻo nhất của Hàn Mặc Tử”, trong trẻo song cũng đầy bí ẩn, đau thương.
“Mùa xuân chín” gây ấn tượng với bạn đọc bởi chính nhan đề của nó. Bởi lẽ, đọc thơ của Hàn Mặc Tử, ta luôn thấy một sự u huyền, mơ mộng, kì bí, đượm buồn và đau thương với những hình ảnh đặc trưng là “máu”, “trăng” và “rượu”. Thế nhưng, “mùa xuân chín” lại mang đến một cảm giác hoàn toàn mới lạ, một không gian tràn đầy sức sống của cảnh xuân và tình xuân. “Chín” vốn là tính từ để chỉ trạng thái của quả cây khi đã đến giai đoạn thu hoạch, ngọt ngào, căng mọng và thơm mát. Với ý nghĩa đó, Hàn Mặc Tử đã tạo nên một “mùa xuân chín” – một mùa xuân tràn đầy sức sống, viên mãn và tròn đầy. Mùa xuân đang ở độ tươi đẹp nhất, rạng rỡ nhất, căng tràn nhựa sống nhất.
Mạch thơ là dòng tâm tư bất định với những chuyển kênh bất chợt. Về thời gian, tác giả đang say đắm trong thời khắc hiện tại với cảnh xuân tươi đẹp phô bày trước mắt, bỗng sực nhớ về quá khứ xa căm với khung cảnh làng quê thân thương. Về cảnh sắc, bức tranh xuân đang từ ngoại cảnh (mái nhà tranh, giàn thiên lí, sóng cỏ xanh tươi,...) thoắt biến thành tâm cảnh ( người con gái dánh thóc dọc bờ sông trắng). Về cảm xúc, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ dòng tâm tư của bản thân với nhiều bước ngoặt: từ niềm say mê, rạo rực đến trạng thái bâng khuâng, xao xuyến rồi buồn thương da diết. Có thể thấy, mạch thơ không đi theo một chiều mà luôn vận động vô cùng linh hoạt, phong phú. Đó chính là phong cách thơ độc đáo của chàng thi sĩ họ Hàn.
Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên tươi mới, ngập tràn ánh sáng, ngập tràn sắc xuân:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.
Thiên nhiên mùa xuân hiện ra ngập tràn sắc vàng của nắng hoà trong làn sương khói mờ ảo, huyền bí. Cách kết hợp từ “khói mơ tan” khiến ta hình dung những làn khói sương như đang hoà tan trong nắng tạo nên một khung cảnh đẹp như mơ. Sắc vàng của nắng càng trở nên rực rỡ với hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Trong khung cảnh thanh bình, yên ả ấy bỗng nhà thơ bắt gặp tiếng “sột soạt” của “gió trêu tà áo biếc”. Biện pháp đảo ngữ và nhân hoá đã được nhà thơ sử dụng thật tài tình. “Sột soạt” được đảo lên đầu câu nhằm nhấn mạnh của động của cảnh vật. Gió như đang trêu đùa cùng tà áo biếc đón xuân sang, khiến không khí mùa xuân trở nên sôi động, vui tươi, đầy hứng khởi. Từ mái nhà tranh, nhà thơ di chuyển điểm nhìn đến “giàn thiên lí”. Dấu chấm đặt giữa câu thơ như một sự ngập ngừng, ngắt quãng. Bởi đó là khoảnh khắc thi nhân giật mình nhận ra “bóng xuân sang”. Mùa xuân được hữu hình hoá, có thể quan sát bằng thị giác. Bóng của mùa xuân nhẹ nhàng bước tới như thể đang đứng trước mặt nhà thơ, khiến con người ngỡ ngàng mà chiêm ngưỡng cái sắc xuân tươi đẹp ấy.
Từ điểm nhìn cận cảnh, Hàn Mạc Tử đưa tầm mắt ra xa với cái nhìn viễn cảnh. Không gian mùa xuân được rộng mở với “sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”. “Sóng” được kết hợp với thảm có xanh mướt khiến bạn đọc hình dung từng lớp cỏ như nối tiếp nhau, trải dài bất tận, sức sống dường như đang căng tràn một cách mãnh liệt. Ý thơ làm ta nhớ đến một câu thơ trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” của Nguyễn Du: “Cỏ non xanh tận chân trời”. Cùng diễn tả một không gian mùa xuân với thảm cỏ xanh mướt trải dài bất tận nhưng cái độc đáo của Hàn Mặc Tử là cách nói “sóng cỏ” gợi ra một sự uyển chuyển, nhẹ nhàng mà mượt mà của những lớp cỏ xuân. Phải chăng sức sống cuộn trào từ bên trong, tạo thành những đợt sóng và kết lại tạo nên một “mùa xuân chín”!
Từ cảnh thu, Hàn Mạc Tử bỗng chuyển sang tình thu, bức tranh ngoại cảnh trở về với bức tranh tâm cảnh. Phải chăng, nhà thơ dùng cảnh mở đầu là để nói tình, tả tình? Một cái tình nồng hậu, thiết tha với con người và cuộc đời. Hoà cùng với không khí tươi vui của mùa xuân, ta thấy được cái náo nức trong lòng người:
“Bao cô thôn nữ hát trên đồi
-Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
“Xuân xanh” là một ẩn dụ để chỉ những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Tuổi xuân của họ tươi đẹp, rực rỡ như mùa xuân của đất trời. Chính vì vậy, niềm vui của những cô thôn nữ hoà trong không khí mùa xuân chính là tình xuân. Cái ửng của nắng phải chăng chính là đôi má ửng hồng của các cô gái khi “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Niềm vui của họ là tình yêu đôi lứa, là sự gắn kết trong hôn nhân đến bạc đầu. “Mùa xuân chín” không chỉ là tiết trời xuân mà còn là tình xuân. Cái “chín” trong tình yêu chính là kết quả nên vợ nên chồng. Niềm hạnh phúc của những cô gái được thể hiện trong “tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi”. Hàn Mặc Tử đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thật tài tình. “Tiếng ca” vốn được cảm nhận bằng thính giác, nay được hữu hình hoà trong trạng thái “vắt vẻo”, cảm nhận bằng thị giác. Tiếng hát ca say sưa của con người như có sức hút, cao vút đến lưng chừng núi thể hiện niềm thiết tha yêu đời mãnh liệt. Dư âm của tiếng hát dường như còn ngập ngừng mà “vắt vẻo lưng chừng núi” tạo nên một âm thanh vang vọng khắp không gian. Xuân tình từ thiên nhiên lây lan, giao ứng với xuân tình trong lòng người, cả hai nhập vào nhau trong cùng một tiếng hát. Là tiếng hát của những cô thôn nữ mà cũng là tiếng hát của nước mây. Thiên nhiên và con người đồng ca, đồng vọng hay tiếng hát trong lòng thiên nhiên đang cất lên qua lời hát của con người.
Từ âm thanh cao vút, hổn hển như lời của nước mây bỗng trở thành những lời thầm thì nhỏ bé:
“Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây”
Câu thơ phảng phất tính tượng trưng, siêu thực trong thơ Hàn Mạc Tử. Đại từ “ai” xuất hiện như “bóng ai đậu bến sông trăng đó” (Đây thôn Vĩ Dạ) đầy bí ẩn. “Tiếng ca” vốn vang xa khắp núi rừng nay thu lại chỉ dành cho “ai”. Đó có thể là người thương, cũng có thể là với chính bản thân mình. Để rồi, khi tâm tình, sẻ chia, con người có thể lắng nghe được những “ý vị và thơ ngây” trong lòng mình. Tuy nhiên, câu thơ cũng mang theo nỗi buồn, niềm nuối tiếc của người thi sĩ trước “mùa xuân chín”. Bởi “xuân chín” rồi cũng là lúc “xuân tàn”, cái đẹp rồi cũng sẽ tàn phai. “Đám xuân xanh ấy” rồi cũng “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Tuổi xuân tươi đẹp của người thiếu nữ rồi cũng có điểm kết. Ta thấy dâng lên trong lòng nhà thơ một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến, muốn níu giữ cái hương sắc tươi đẹp của cuộc đời. Để rồi, kết thúc bài thơ, Hàn Mặc Tử hoá thân trong một người “khách xa”, bày tỏ nỗi nhớ nhung của mình:
“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
-Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”.
Trước “mùa xuân chín”, lòng “khách xa” bỗng trào dâng nỗi nhớ làng quê thân thương. Nhớ làn nắng ửng, nhớ đôi mái nhà tranh, nhớ tà áo biếc và nhớ cả giàn thiên lý. Đó là một không gian làng quê mộc mạc, giản dị, gần gũi mà chan chứa nghĩa tình. Và trong không gian ấy, hình ảnh người chị gánh thóc trở thành trung tâm của nỗi nhớ. “Chị ấy” là một cách nói phiếm chỉ. Đó có thể là một người dân lao động bình thường nơi thôn quê của tác giả, cũng có thể là một người thân quen gần gũi, hoặc cũng có thể là cô người yêu của thi nhân. Thế nhưng, dù hiểu theo cách nào, ta cũng thấy một niềm yêu quý và trân trọng của tác giả đối với “chị”. Người con gái xuất hiện trong nét đẹp lao động với tư thế gánh thóc, hoà cùng ánh nắng vàng bên bờ sông trắng. Một khung cảnh hiện lên thật thơ mộng, lãng mạn biết bao! Ta có thể thấy ánh nắng xuân lúc này càng trở nên long lanh, lấp lánh hơn trong dòng hồi tưởng của người khách xa quê.
Như vậy, bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử có sự hài hoà của sắc xuân, tình xuân. Không chỉ mùa xuân chín mà lòng người cũng “chín” với khát khao giao cảm với cuộc đời, “chín” với tình yêu và nỗi nhớ. Một nét đặc trưng tiêu biểu làm nên sự độc đáo của “Mùa xuân chín” cũng như ngòi bút tài hoa của Hàn Mặc Tử chính là sự kết hợp tài tình giữa cái cổ điển và cái hiện đại. Trước hết, ta bắt gặp thơ Hàn Mặc Tử có những điểm giao thoa với thể thơ Đường luật, tạo nên một nét thơ phảng phất phong vị cổ điển, trang trọng. “Mùa xuân chín” được sáng tác theo thể thơ bảy chữ, ngắt nhịp 4/3. Thất ngôn và ngắt nhịp 4/3 là đặc trưng tiêu biểu của thơ Đường luật. Ngoài ra, cách gieo vần cuối những câu thơ 1, 2, 4 cũng là một điểm giao thoa với thể thơ Đường luật. Đó là những yếu tố làm nên phong vị cổ điển trong thơ Hàn Mặc Tử. Về tính hiện đại, thi sĩ họ Hàn là người chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực. Một trong những đặc điểm tiêu biểu của thơ tượng trưng siêu thực đó là tạo nên những hình ảnh huyền ảo, kì bí, thậm chí là ma mị bằng những kết hợp từ mới mẻ, độc đáo thông qua nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Có thể thấy ngòi bút của Hàn Mạc Tử đã đạt đến trình độ điêu luyện trong việc sáng tạo nên những kết hợp từ ngữ mới: mùa xuân chín, bóng xuân sang, đám xuân xanh, tiếng ca vắt vẻo, nghe ra ý vị và thơ ngây. Tất cả những gì trừu tượng, không thể cảm nhận bằng mắt thường đã được nhà thơ hữu hình hoá một cách thật tài tình, độc đáo. Những nét thơ mới lạ tạo nên tính hiện đại rất riêng trong thơ Hàn Mặc Tử. Hoà cùng với dòng phát triển của Thơ mới trong thời bấy giờ, thơ Hàn Mặc Tử đã tạo ra một lối rẽ riêng - tinh tế, độc đáo và mới lạ.
Thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ một thế giới nội tâm mãnh liệt với những cung bậc cảm xúc được đẩy đến tột cùng. Đọc “mùa xuân chín”, ta thấy Hàn Mặc Tử đã mượn bức tranh xuân tươi đẹp, rạo rực, tràn đầy sức sống để bày tỏ cái “xuân chín” trong lòng người. “Chín” trong tình thương, “chín” trong nỗi nhớ về con người, cuộc đời và quê hương. Nổi bật hơn hết là một tấm lòng khát khao giao cảm với cuộc đời, trân trọng cái đẹp và ý thức nâng niu, giữ gìn những gì tinh tuý, đẹp đẽ của cuộc đời. Khao khát ấy trở thành sợi chỉ xuyên suốt trong những sáng tác của Hàn Mặc Tử, tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc, để tư tưởng trong những dòng thơ còn âm vang mãi cho đến hiện tại.
Phần giới thiệu của tôi đến đây là kết thúc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Nếu có câu hỏi và thắc mắc gì, mong mọi người hãy đề đạt. Tôi rất mong có thể trao đổi và lí giải những băn khoăn của mọi người.