Thời gian ở Xiêm có ngày Bác đã đi bộ hơn 70km đường rừng. Bác đi quen, sải chân đều, đúng giờ là nghỉ, hết giờ nghỉ lại đi, dù mưa bão, hễ đã định đến đâu là đến bằng được, ít khi lỡ bộ đường vì chủ quan. Ai đi theo Bác mệt mỏi, Bác mách cho cách xoa chân, bóp chân bằng nước tiểu, nấu canh lá lốt rừng ăn cho đỡ đói... Còn đôi chân của Bác thì cứ như là chân thép. Nhưng Bác lại hay thương anh em phải đứng lâu, đi nhiêu. Một lần, các chiến sĩ quân đội được vào thăm Bác, xin Bác được chụp ảnh chung. Bác đồng ý, Bác mời đồng chí nhiếp ảnh tới. Để bảo đảm “ăn chắc”, anh xin phép Bác lấy chân máy ảnh đặt máy lên chụp. Chờ mãi mới mang được chân máy ra. Bác nói: - Chú tìm được chân máy thì chân Bác gãy rồi... Ai nấy đều vui vẻ hẳn lên, quên cả thời gian chờ đợi. Lần khác, nhân dịp Bộ Quốc phòng chiêu đãi Đoàn đại biểu quân sự Liên Xô do Đại tướng P.Batốp dẫn đầu, Bác tới dự. Đồng chí Tổng tham mưu Trưởng quân đội ta đọc diễn văn bằng tiếng Việt một đoạn rồi ngừng. Một cán bộ đối ngoại dịch ra tiếng Nga nên mất nhiều thời gian. Bác quay sang đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng: - Bài dài quá, mình đứng rục cả chân. Đồng chí Văn phân trần: - Thưa Bác, hôm nay có các đại biểu quốc tế, có Ủy ban giám sát đình chiến nên xin phép Bác... Sau đó đồng chí nói riêng với một cán bộ. Đồng chí này viết một tờ giấy nhỏ chuyển tới đồng chí Tổng tham mưu trưởng. Từ đây, chỉ đọc bản tiếng Nga. Cuối cùng đồng chí Tổng tham mưu trưởng mới nói lại bằng tiếng Việt, cám ơn quan khách.... Tiếng vỗ tay chưa dứt, Bác đã cầm một cốc rượu nhanh nhẹn đi chúc những người đứng xunh quanh. Sau đó người cầm cái dĩa, giơ lên nói: - Bắt đầu thôi! Không thì mỏi chân lắm... Thật ra là Bác nói hộ mọi người. Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” |
B. Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh. (Nguyễn Du)