K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
14 tháng 11 2023

Đoạn văn tham khảo:

Dù ở bất kì giai đoạn nào của lịch sử, trọng dụng người tài vẫn luôn là việc cần thiết. Hiền tài là những con người có học thức, trí tuệ, giỏi giang hơn người và nhân cách tốt đẹp. Trọng dụng người tài không chỉ có ý nghĩa với bản thân người đó mà còn đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Từ xưa đến nay, nhờ có những bậc hiền tài như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh,.... chúng ta mới được sống trong một đất nước hoà bình, thịnh vượng như hiện tại. Nếu không có tri thức và không biết vận dụng tri thức một cách đúng đắn, con người và xã hội sẽ không thể phát triển. Những người tài giỏi luôn biết đưa ra những phương án, cách giải quyết hiệu quả, có được những phương pháp tối ưu, thúc đẩy sự  phát triển của xã hội. Không những thế, họ còn có khả năng nắm bắt thời thế, tiếp thu những xu hướng và sáng tạo ra những cái mới. Vì vậy, trọng dụng người tài vừa giúp họ cảm thấy được tôn trọng mà ra sức cống hiến, vừa là tấm gương, động lực để những người khác cùng noi theo.  

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
30 tháng 1 2024

Đoạn văn tham khảo

      Bác Hồ của chúng ta từng nói "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không. Dân tộc Việt Nam có bước đến đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu được hay không? Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Câu nói của Bác không chỉ thể hiện niềm tin vào thế hệ tương lai của đất nước mà còn giúp chúng ta thấy được trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Sự nỗ lực, cố gắng học hỏi của chúng ta ngày hôm nay sẽ là những trái ngọt cống hiến cho đất nước trong tương lai. "Cống hiến" là việc đóng góp sức lực, tài năng, trí tuệ của bản thân để đóng góp cho công cuộc phát triển chung của cộng đồng, xã hội. Trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, có rất nhiều những tấm gương đáng quý về sự cống hiến, càng đáng quý hơn khi sự cống hiến ấy được thực hiện một cách âm thầm, không phô trương, đó là những chiến sĩ công an chấp nhận sự nguy hiểm "nằm vùng" nhằm triệt phá những băng đảng tội phạm, đó là những thầy cô giáo rời xa quê hương để lên những vùng cao để "mang đến con chữ" cho trẻ em nghèo nơi đây. Tất cả những cống hiến ấy đều thật đẹp, thật ý nghĩa biết bao. Mỗi một cống hiến dù lớn hay nhỏ đều góp phần tích cực vào quá trình dựng xây, hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương cống hiến hết mình thì vẫn có những con người sống ích kỉ, chỉ biết mưu cầu lợi ích cá nhân mà không biết cống hiến cho cuộc sống chung. Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta hãy cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức để có thể cống hiến một phần sức lực nhỏ bé để dựng xây quê hương, đất nước.

26 tháng 2 2022

Lắng nghe những giai điệu ngày xuân vang vọng khắp các đại lộ, phố huyện, ta biết rằng Tết sắp về trên mảnh đất Việt Nam. Lắng nghe tiếng hát của chàng nghệ sĩ ve sầu giữa nắng trời mùa hạ, ta chạnh lòng nhận ra lại một mùa chia tay. Khi vấp ngã, đớn đau, ta lắng nghe những lời an ủi chân thành như được truyền thêm sức mạnh. Hay giữa tiếng ồn ào, huyên náo của ngoại cảnh, ta thấy bình yên khi lắng nghe những rung động tinh vi của trái tim. Cuộc sống luôn ẩn giấu trùng trùng điệp điệp bao thanh âm giản đơn mà diệu kì đến lạ. Bởi vậy, việc lắng nghe có ý nghĩa rất quan trọng. Như trong “Hiểu về trái tim” có viết: “Chữ “lắng nghe” có ý nghĩa rất hay. Phải “lắng” thì mới “nghe” được. Cho nên, “lắng” là ngõ vào của “nghe”. Không “lắng” thì không thể “nghe” trọn vẹn. “Lắng” chính là sự im lặng sâu sắc của con tim. Hãy tập lắng nghe bằng chính con tim mình”.

Cuộc sống là thế giới thanh âm với những nốt nhạc đa hình đa sắc. Liệu trong xứ sở ấy, “lắng nghe” là gì? Lắng nghe bao gồm hai hành động “lắng” và “nghe”. “Lắng” là để trái tim chẳng còn những đợt sóng lòng dao động, để trí tuệ trầm tư mà ngẫm suy, nghĩ ngợi thấu đáo. “Lắng” đưa ta đến với miền đất “vô ngôn” nhưng không “vô tâm”. Ví như việc áp vào tai chiếc vỏ ốc nơi biển khơi, bạn trở nên im lặng sâu sắc từ tận cõi lòng để nghe chân thành và rõ ràng tiếng biển cả dịu êm, rì rào, tiếng đại dương thì thầm, ngân nga.

“Lắng” còn là sống chậm lại giữa dòng người hối hả, là trái tim khẽ đập nhẹ nhàng và đôi chân rảo bước bên vệ đường để lắng nghe cuộc sống. Và “lắng” là con thuyền đưa ta đến với “nghe”, là ngõ vào của “nghe”. Chỉ khi ta “lắng lòng” sâu sắc thì mới có thể “nghe” trọn vẹn. “Lắng nghe” là tận tâm, tận lòng thấu hiểu và tôn trọng những gì người đối diện đang nói để từ đó có những thái độ, cử chỉ giao tiếp thuận tình.

“Lắng nghe” là mở rộng lòng mình để rót vào trong ta bản hòa ca và tiếng vọng của thiên nhiên cuộc sống, là đón nhận cuộc giao thoa giữa xúc cảm, lí trí và tiếng nói bản thể của chính mình. Chữ “lắng nghe” có ý nghĩa rất hay, còn sự lắng nghe là nghệ thuật quan trọng giúp ta thấu suốt được nguồn tâm của mình, của người và của đời.

Chương trình “Quà tặng cuộc sống” vẫn luôn mở đầu với những nhạc điệu quen thuộc: “Hãy lắng nghe những câu chuyện nhỏ để thấy trái tim ta biết yêu thương…”. Phải chăng câu hát muốn dâng lên cho đời một ý nghĩa sâu sắc, ta lắng nghe ai đó nghĩa là ta đang yêu thương họ chân thành. Bạn lắng nghe để hiểu những người xung quanh nhiều hơn, rồi bạn sẽ thương họ nhiều hơn. Đó không phải là một sự cố gắng hay một sự miễn cưỡng mà là bản năng. Khi bạn hiểu đủ sâu, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy yêu thương họ thật nhiều.

Khi lắng nghe với tâm hồn rộng mở là lúc ta cho phép âm thanh cuộc sống đi vào đời mình và để trái tim được trầm mình trong thác suối yêu thương. Ta lắng nghe nghĩa là ta được sống trong yêu thương và cũng vọng lên những tiếng yêu thương, thứ âm thanh có sức chữa lành và lan toả. Lắng nghe trọn vẹn còn có giá trị hơn cả những lời an ủi bâng quơ. Bởi khi con người ta rơi vào hố sâu tuyệt vọng, tự mình gặm nhấm những niềm đau nỗi sầu quá lâu, cảm giác được trút hết cả cõi lòng mình ra cho một người thành thực để tâm đã là quá đủ nhẹ nhõm.

Đặc biệt, trong nhịp vận động hối hả của dòng chảy thời gian, giữa vô vàn những điều trái khuáy và đau khổ, tuyệt vọng, rối trí, niềm vui thì ít trái ngang thì nhiều, người ta lại càng giữ lấy những tâm sự trong “ốc đảo” của riêng mình. Và lắng nghe là cử chỉ ân cần của trái tim, là quán nhỏ bên đại lộ cuộc đời để nhân loại có dịp ngồi lại mà gắn kết, thấu hiểu và yêu thương nhau hơn.

Sức mạnh của lắng nghe sẽ là nấc thang nâng bước chân của ta tiến gần hơn tới sự thành công. Ta càng đón nhận những âm thanh xung quanh, càng mở lòng với những phận đời và phận người thì mới càng chiêm nghiệm, thấu hiểu được những khía cạnh của cuộc sống, càng biết cách sống sao cho ý nghĩa. Mỗi lần lắng nghe là mỗi lần ta tiếp thu được tri thức, học hỏi được kinh nghiệm nhiều hơn. Khi bạn toàn tâm toàn ý lắng nghe ai đó, đôi lúc bạn có thể nhận ra “chuyện của mình” trong chính “chuyện của người” và đúc rút được những bài học quý giá cho bản thân từ câu chuyện của người khác.

Bên cạnh đó, biết lắng nghe, con người có thể thấy được những nhận xét, đánh giá của người khác về bản thân, có cái nhìn khách quan, toàn diện về chính mình từ đó phát huy điểm mạnh, hạn chế, khắc phục những thiếu sót. Đồng thời, khi ta lắng nghe, ta có thể thấu hiểu nhau hơn, nhận ra được tính cách của nhau và gắn kết, tạo lập những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững.

Lắng nghe còn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết xung đột, mâu thuẫn bởi khi ta thực sự chú tâm và lắng nghe một cách chân thành thì chính sự thành tâm ấy tựa như dòng nước mát lành xoa dịu cơn tức giận của đôi bên, tránh được những hành động, lời nói nhất thời hồ đồ, nông cạn ngốc nghếch. Kỹ năng lắng nghe sẽ đưa bạn thoát mình ra khỏi chiếc kén của sự vô minh và cất cao đôi cánh bay đến ngưỡng cửa của sự trưởng thành, chín chắn và thấu đáo, sáng suốt và khôn ngoan. Nhà báo Mỹ Frank Tyger từng nói: “Hãy học cách lắng nghe. Cơ hội có thể gõ cửa rất khẽ khàng.”

“Luôn luôn lắng nghe. Luôn luôn thấu hiểu” – câu khẩu hiệu của Prudential. Lắng nghe để thấu hiểu cuộc đời, để những đôi tay ấm áp tìm đến những bàn tay hao gầy mà nắm lấy. Nhờ lắng nghe, con người có thể gìn dưỡng cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong thời điểm mưa, bão, lũ lụt dồn dập ập tới nhấn chìm dải đất gánh vác hai đầu Tổ quốc, khúc ruột miền Trung tang thương. Chớp mắt, nát tan bao cảnh đời, bao kiếp người vùi chôn nơi sâu thẳm cơn nước lạnh lẽo, biết bao tiếng kêu đau thương, tiếng khóc ai oán của người dân miền trung đang vang vọng.

Nhưng miền Trung không cô độc, lẻ loi đâu, nhân dân cả nước vẫn luôn ở bên, lắng nghe miền Trung để rồi cùng rưng rưng nước mắt, cùng chung tiếng nấc nghẹn ngào. Từ ấy, ta thấy tình người trên đỉnh lũ, người dân mọi miền đồng cảm, sẻ chia, quyên góp vật chất, “truyền lửa” bằng những lời động viên, nâng đỡ tinh thần những người đang sống chung với lũ. Phải chân thành “nghe” thì ta mới biết rằng có một miền đất đang oằn mình trong lũ, đang vững lòng trụ vững trong hoạn nạn. Phải “lắng” từ tận trái tim, tận cõi lòng thì ta mới thấu hiểu trọn vẹn những mất mát, thương đau mà tê tái lòng người, để xót xa, đồng cảm và đáp lại tiếng gọi khẩn khiết giữa cơn lũ.

Trong cuộc triển lãm về chủ đề Covid-19, sách ảnh “Sài Gòn mùa Covid-19” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong phản ánh một thành phố năng động, nghĩa tình bỗng dưng trầm lắng, nhẹ nhàng hơn. Có lẽ trong những ngày giản cách xã hội, người ta dần ly khai khỏi cái ồn ào của phố xá sầm uất giữa dòng người vội vã, để “nghe” về những “người hùng áo trắng”, chiếc máy ATM gạo, cửa hàng 0 đồng, các hoạt động thiện nguyện… Và ta “lắng” để thầm cảm ơn những hy sinh, cảm nhận được ánh nắng ban mai của “tình người” cứ mạnh mẽ và ấm áp trong cái không gian tĩnh lặng đến nao lòng. Lắng nghe giúp nhân loại hiểu được nhiều thứ, bồi đắp những tình cảm tốt đẹp cho mảnh đất tâm hồn và xóa mờ đi nét vằn vệt, loang lổ, trầy xước, khổ đau.

“Kẻ thành công phải biết lắng nghe” của tác giả Mark Goulston đang là một trong những cuốn sách bán chạy trên thị trường. Ngay chính tựa đề tiếng việt của quyển sách đã ẩn chứa một ý nghĩa đúng đắn: Lắng nghe chính là kim chỉ nam dẫn lối ta vươn lên thành những người cự phách. Phải kể đến cô học trò Nguyễn Ngọc Khanh, thủ khoa khối D trong kì thi đại học năm 2020 với điểm số đáng ngưỡng mộ vô cùng. Cô nữ sinh Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã chuyên tâm lắng và nghe rất nhiều. Cô lắng nghe những lời giảng dạy của thầy cô nơi giảng đường, lắng nghe những góp ý của gia đình và bạn bè.

Từ ấy, cô nàng dành thời gian để suy ngẫm đủ điều, và bắt đầu hành động sáng suốt, sửa chữa những khuyết điểm của bản thân. Một doanh nghiệp lớn như Viettel cũng luôn hăng hái trên chuyến đi tìm kiếm, thu thập ý kiến khách hàng qua chương trình “Lắng nghe để phát triển” được tổ chức suốt 5 năm liền. Để từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ, đưa ra những sản phẩm mới, ưu việt hơn và đáp ứng yêu cầu khách hàng tốt hơn.

Thoát khỏi tiếng ồn ào của động cơ, tiếng còi tàu thúc giục vào ga hay tiếng chuyện trò của dòng người rong ruổi trên đường đời, ta sẽ trở nên bình tâm hơn khi được lắng nghe giai điệu của thiên nhiên, đất trời. Đó là tiếng hát trầm bổng đắm say của loài chim khi sắc rạng đông ửng hồng bao phủ lấy bầu trời, là tiếng gió luồn qua kẽ lá, tiếng mưa rơi vội vã trước hiên nhà. Đắm mình trong bao la đất trời, mỗi khoảnh khắc ta chú ý lắng nghe, có bản nhạc sao mà tha thiết và nhiệm màu được đan dệt từ đủ loại âm thanh. Đó là tiếng thì thầm của cỏ, tiếng du dương của rừng thông, tiếng róc rách của mạch nước âm ỉ dưới vách núi, nhịp điệu cần mẫn của bầy ong, đàn bướm trên vạt mẫu đơn và từng vùng hoa hướng dương hay Chỉ khi “lắng” lòng ta mới “nghe” thấy giọng nói thiên nhiên, vẫn đang thủ thỉ cùng con người, mới thấy tâm mình tĩnh lặng, bình yên.

Trước khi lắng nghe đời, lắng nghe người, hãy cho phép đôi tai hướng vào con tim, hãy quay về với hơi thở của bạn để lắng nghe con người bên trong “tiểu vũ trụ” của bạn. Những tiếng động của ngoại cảnh vốn huyên náo, dễ được thu hút hơn những thanh âm ngự trị ở bên trong ta. Ấy vậy mà, những nốt nhạc chất chứa trong lòng lại là chất liệu của cuộc sống, là những “tiếng vô thanh” làm nên bài ca độc nhất vô nhị của mỗi con người. Đó là những chuyển động của cảm xúc, những khát khao thầm kín hay những gợn sóng của con tim.

Đó cũng có thể là tiếng cười hoan hỉ, hạnh phúc hay tiếng nói của trái tim bị tổn thương, của tương quan tan vỡ… đòi hỏi được chở che, được chữa lành. Ai đó từng nói rằng, muốn biết bạn là ai, cách khả dĩ là hãy lắng nghe chân thành tiếng lòng của mình. Lắng nghe tiếng nói bản thể của mình để biết rằng mình là ai, tâm tư, nguyện vọng của mình là gì, để thấu hiểu mình và sống đúng với con người thật của mình.

Con người ta mất 3 năm để học nói nhưng phải trải qua biết bao thăng hoa, trầm lặng, chiêm nghiệm bao trang viết của cuốn sách “cuộc đời” thì mới học được cách lắng nghe trọn vẹn. Một bước, hai bước… cuộc trường chinh vạn dặm chiếm lĩnh nghệ thuật lắng nghe luôn bắt đầu từ những bước đi nhỏ nhặt nhưng phải vững vàng. Lắng nghe không chỉ hạn hẹp trong phạm vi của đôi tai mà còn là dùng trái tim để cảm nhận. Muốn lắng nghe trọn vẹn, ta hãy cất đi những nôn nóng suy tư, xóa tan bao phiền não giận hờn, những kinh nghiệm cũ kỹ về người ấy đang chế ngự trong tâm.

Chúng ta bắt đầu đón nhận và chấp nhận họ, trân trọng, tìm hiểu, ghi nhận từng lời họ nói ra. Ta thanh lọc tâm ý, đi vào bên trong nội tâm của tha nhân với khao khát được thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành, đồng cảm với những nỗi niềm của họ. Có thể nói chỉ nghe thôi chưa đủ, hãy nghe theo hướng tích cực, chủ động, nghĩa là phải có sự phản hồi thái độ. Nếu bạn đồng tình với đối phương, đừng tiếc chi một cái gật đầu tán thành, cái vỗ vai thấu cảm hay ánh nhìn trìu mến. Và có khi bạn chẳng thể ủng hộ với những suy nghĩ, phát ngôn của ai đó, hãy mạnh dạn đáp trả thông minh, quyết đoán để phản biện và đưa ra chính kiến, tư tưởng của bản thân. Lắng nghe cũng cần phải biết “gạn đục khơi trong”.

Song, ta cũng chỉ là khách trọ của tửu lầu “nhân gian”. Bởi thế, có đôi lần bơ vơ giữa dòng đời, hãy dành ra một “khoảng lặng” cho riêng mình để lắng nghe thật sâu, thật kĩ và thật rõ ràng tiếng vĩ cầm cất lên từ trái tim. Lắng nghe chính mình để hiểu, để thương chính mình thì mới có khả năng nghe và thấu hiểu được người khác. Shakespeare từng nói: “Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến”. Người ta cốt chỉ nghĩ sao cho mình được phát biểu nhiều hơn, chứ chưa bao giờ nghĩ cách làm sao cho mình được lắng nghe nhiều hơn cả. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói.

Đáp lại sự ồn ào bằng một sự ồn ào hơn chính là “tử huyệt” khiến bạn chẳng thể phát triển, chẳng thể nhìn thấy những “lỗ hổng” của bản thân mà chắp vá, khắc phục. Thế giới này sẽ thật buồn nếu ai cũng giữ kín những tâm tư, muôn vàn điều muốn nói nhưng lại cố chấp chẳng chịu hé môi nửa lời. Họ chọn cô độc với “chiếc tai nghe” của bản thân và từ chối sự hữu hình của những âm vang cuộc đời. Thế giới này còn buồn hơn nếu như một người khao khát được nói mà xung quanh đều đồng loạt chẳng thèm quan tâm, không ai muốn dừng chân và hỏi xem đối phương phải chăng đang muốn tâm sự. Hình như ai cũng bận rộn với bộn bề lo toan, với cuộc sống tất bật của riêng mình mà quên lãng việc lắng nghe lẫn nhau.

Có những người lớn tuổi vì không được sự lắng nghe của con cháu, nên phải nương tựa vào bàn trà và thú chơi cây cảnh để tâm sự, giải bày. Có những đứa trẻ dần thu mình trong góc tối vì chẳng có ai lắng nghe tiếng nói khe khẽ, những mong ước và tâm tư của họ. Bởi một số người lớn bận rộn đến vô tâm, cố chấp đến mù quáng với ý nghĩ “chỉ vì tốt cho con”, “trẻ con thì biết cái gì”. Có những sự nghiệp suy tàn vì không chịu lắng nghe người khác, vì chỉ nghe những lời giả dối, xu nịnh mà phớt lờ bao lời khuyên chân thành. Có những cuộc hôn nhân kết thúc bằng “tờ li hôn” chứ chẳng phải viễn cảnh “răng long đầu bạc” chỉ vì không ai chịu ngồi lại mà lắng nghe ai cả.

Đâu đó trên thế giới này, từ phố xá sầm uất đến triền đê lộng gió, từ những người đang ngao du nơi lưng đồi “tuổi trẻ” đến những người chậm rãi đón lấy ngọn gió già nua và trong những vận hội, biến cố, đều có điều gì đó đáng để nhân loại lắng nghe. Mỗi khoảnh khắc trong chốn kia hay chỗ nọ đều vang vọng âm thanh nhẹ êm lẫn những tiếng động huyên náo.

Giữa sự đời muôn trùng hình sắc, muôn điệu âm hưởng, sống tròn đầy là biết lắng nghe. Bởi lẽ, lắng nghe là cử chỉ sâu đậm, là nhịp cầu diệu kì kết nối người với người, để trái tim sưởi ấm trái tim, để tâm hồn ôm lấy những điệu hồn đồng điệu. Yêu thương gửi gắm trong hai chữ “lắng nghe” và đoá hoa thành công cũng bừng nở khi hứng lấy giọt nắng mang tên “lắng nghe”.

Nhận ra ý nghĩa sáng ngời đằng sau hai chữ “lắng nghe”, tôi thiết nghĩ bản thân nên sống chậm lại, dành thời gian để ghé qua quán nhỏ bên đại lộ cuộc đời, cho cõi lòng những khoảnh khắc lắng đọng, để nghe thật trọn vẹn, đắm chìm trong những rung cảm trước thanh âm của người, của đời và của chính mình.

(Nguồn: Âu Dương Nhật Hạ)

 
11 tháng 5 2023
 

Ai cũng từng trải qua tuổi trẻ, trải qua giai đoạn nhiệt huyết sục sôi với những ước mơ, lí tưởng và cả những nông nổi, sai lầm để dần trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Có thể thấy tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất của đời người, là thời điểm mà chúng ta dám nghĩ, dám làm và có đủ thủ thời gian, sức lực, đam mê để hiện thực những giấc mơ của mình.

Cái sục sôi của nhiệt huyết và chút "ngông cuồng" của tuổi trẻ mang đến cho chúng ta nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để vượt qua mọi khó khăn, nắm bắt cơ hội cho bản thân. Nguồn năng lượng căng tràn không bao giờ cạn của tuổi trẻ giúp chúng ta nỗ lực hết mình, phấn đấu hết minh cho những mục đích cao đẹp, khẳng định giá trị của bản thân trong cuộc đời. Tuổi trẻ mang đến cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời nhất để dần "lớn lên", đó có thể là thành công, là những vấp ngã, là những sai lầm khiến chúng ta ngượng ngùng khi nhắc lại, thế nhưng tất cả những trải nghiệm ấy đã giúp chúng ta chín chắn hơn trong nhận thức, hành động, tôi rèn một con người trưởng thành trong tương lai.

Tạo hóa rất công bằng khi ban cho mỗi người một thời tuổi trẻ, vì vậy chúng ta hãy tận dụng để sống thật ý nghĩa để tuổi trẻ không trôi qua vô nghĩa qua kẽ tay.

8 tháng 7 2023

Để sống một cuộc đời có ý nghĩa, con người không thể thiếu đi những khát vọng chân chính. Khát vọng chính là mong muốn  hướng tới những điều lớn lao, tốt đẹp với sự thôi thúc mãnh liệt đến từ sâu thẳm trái tim con người. Nó đem đến một mục đích sống cao đẹp, trở thành động lực giúp ta vượt qua khó khăn trên đường đời. Đồng thời, nó cũng nâng ta lên khỏi những cái tầm thường, vươn tới cái cao cả, thuần khiết hơn, trở thành nền tảng quan trọng để có thể kiến tạo nên lợi ích cho gia đình và xã hội. Thử hỏi, cách đây hơn một trăm năm, nếu người thanh niên Nguyễn Tất Thành không vì khát vọng giành lại độc lập cho dân tộc thì biết đến bao giờ chúng ta mới được sống trong hòa bình như ngày hôm nay? Và nếu không có những con người dám ước mơ, dám thực hiện như Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có lẽ thương hiệu ô tô Made in Vietnam 100% sẽ chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Con người biết khát vọng là con người biết phấn đấu. Đừng vì sự tự ti mà không dám thực hiện khát vọng nhưng cũng đừng vì muốn đạt được khát vọng của mình mà giẫm đạp lên mọi giá trị đạo đức. Hãy xây dựng cho mình một khát vọng cao cả và nỗ lực hết sức để biến nó thành hiện thực. Bởi nếu cuộc đời này là bầu trời rộng lớn, khát vọng chính là đôi cánh giúp ta có thể bay xa....(Xem chi tiết ở đây nha: https://toploigiai.vn/viet-doan-van-noi-ve-khat-vong-song)

3 tháng 4 2020

Tham khảo!

Được khẳng định từ thế kí XV trong tác phẩm Bồi kí để danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba, tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia của Thân Nhân Trung là một trong những tư tường lớn đã được kiểm nghiệm qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong sự phát triển mạnh mẽ và cũng hết sức phức-tạp hiện nay, tư tưởng này đang được tiếp tục đề cao chú trọng.

   Tư tưởng của Thân Nhân Trung cho rằng : "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yểu, rồi xuống thấp". Chính vì thế "bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ. vun trồng nguyên khí" là việc đầu tiên đã, đang và cần phải làm của nhà nước. Như vậy, theo Thân Nhân Trung hiền tài có vai trò quyết định" đến sự thịnh - suy của đất nước, hiền tài chính là khí chất làm nên sự sống còn sự phát triển của xã hội, của quốc gia; một nước muốn mạnh thì điều trước tiên cần quan tâm chú trọng là bổi dượng, chăm chú, đãi ngộ hiền tài.

   Có thể nói tư tưởng của Thân Nhân Trung là một tư tưởng hết sức đúng đắn và tiến bộ. Hiền tài là những người tài cao, học rộng lại đức độ, đó là những người vừa có trí tuệ lại vừa có nhân cách đáng trọng. Tài năng, trí tuệ sáng suốt của họ sẽ tạo nên những giá trị, những thành quả, những sản phẩm mới cho con người, cho xã hộ,  góp phần cài biến xã hội, thúc đẩy xã hội vận động, họ là những người có khả năng phán đoán, suy xét thấu đáo, có tầm nhìn xa trông rộng cho nên có thể vạch ra nhưng đường hướng quan trọng cần thiết cho sự vận động của xã hội trong tương lai... Để xây đựng một đất nước giàu mạnh về mọi mặt cần thiết phải có những con người tài giỏi, những cá nhân có năng lực, có tài, có trí tuệ thực sự. Bên cạnh tài năng thì dức độ, nhân cách của họ sẽ giúp họ biết sử dụng cái tài của mình vào những mục đích tốt đẹp, họ sẽ tạo ra những giá trị hữu ích cho cuộc sống. Trong một xã hội  không thiếu những cá nhân có tài, nhưng trong sô' đó không phải ai cũng là  hiền tài. Có nhiều người có tài nhưng lại thiếu đức. Những người này thường đem cái tài của mình phục vụ cho lợi ích cá nhân; không quan tâm, thậm chí đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng. Trái lại, người hiền tài bao giờ cũng biết suy nghĩ về lợi ích chung của cộng đồng, về những giá trị chân chính đích thực cho con người. Chính vì thế những gì mà họ tạo ra bao giờ cũng đem lại những tác động tích cực, lành mạnh cho sự phát triển, sự tiến bộ chung của cả xã hội. Xã hội, đất nước ngày càng đi lên, ngày càng cường thịnh là nhờ sự đóng góp-của hiền tài. Như vậy, rõ ràng hiền tài chính là "nguyên khí" của một quốc gia, có vai trò quyết định tới sự thịnh - suy của một đất nước. Một xã hội, một đất nước càng nhiều hiền tài thì càng phát triển nhanh chóng ; một xã hội, một đất nước mà thiếu vắng hiền tài thì sẽ rất khó bền vững, khó có được sự ổn định và phát triển.

   Tư tưởng của Thân Nhân Trung không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của hiền tài đối với quốc gia mà còn nêu cao sự cần thiết của việc quan tâm đến hiền tài. Đất nước nào, xã hội nào cũng có những người hiền tài, tuy nhiên những người hiền tài đó có được phát huy hết những gì mà họ có hay không còn phụ thuộc vào việc có trọng dụng hay không và trọng dụng của xã hôi, đất nước đó. Một đất nước, một xã hội muốn phát triển cần thiết phải chăm lo bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài, cần trân trọng, tôn vinh những cống hiến, những đóng góp của họ, cần bào vệ, phát huy những giá trị quý giá mà họ đã đem lai cho xã hội, cần tạo một mối trường trong sạch, lành mạnh để người hiền tài được phát huy hết tiềm năng, Cần có sự quan tâm đãi ngộ kịp thời, đúng đắn với người hiền tại.  Có như vậy thì hiền tài mới ngày càng dồi dào và đất nước mới thực sự hưng thịnh. Ngược lại, có hiền tài mà không trọng dụng, thậm chí còn tìm cách huý hoại thì hiến tài cạn kiệt, không còn những người tài đức đế kiến tạo đất nước, xã hội lâm vào suy thoái. ,trì trệ, quốc gia tất sẽ đi đến chỗ suy yếu. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng lịch sử. Chăm lo đến hiền tài là việc cần làm đầu tiên không chỉ của riêng một nhà nước, một xã hội nào mà là của mọi nhà nước, mọi xã hội.

   Hiền tài không phải tự nhiên mà có. Những người hiền tài có một phần nhỏ là tư chất bẩm sinh, phần lớn là nhờ tu dưỡng, rèn luyện không ngừng trong quá trình sống. Vì thế, bản thân những người tài đức trong  xã hội phải luôn thấy rõ vai trò của mình đối với đất nước, từ đó mà liên tục trau dồi bản than, phát huy tận độ mọi tiềm năng, cống hiến hết mình cho xã hội trong mọi hoàn cảnh, xứng đáng với sự kì vọng của cộng đổng. Mọi cá nhân trong xã hội phải luôn ra sức rèn luyện, phấn đấu để thành người tài đức góp phần xây dựng đất nước. Đất nước phát triển thì cuộc sống của mỗi cá nhân cũng sẽ được đảm bảo.

   Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, yêu cầu phát triển đất  nước càng đặt ra một cách bức thiết. Để sánh vai cùng các nước mạnh trong khú vực và trẽn thế giới, chúng ta cần có nhiều hơn nữa những người tài đức. Chính bởi vậy tư tường của Thân Nhân Trung thêm một lần nữa cần được khẳng định tính đúng đắn và tiến bộ của nó. Đó chính là kim chi nam không chỉ của một thời đại để xây dựng một quốc gia phồn vinh, thịnh vượng thực sự.

Chúc bạn học tốt nha!

13 tháng 12 2021

Một người muốn đạt được thành công thì phải tự hoàn thiện bản thân mình về tài năng và phẩm chất đạo đức, và một trong những nhân tố không thể thiếu quyết định thành công của con người đó chính là kỹ năng sống. Tất cả những vấn đề nêu trên là hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu kỹ năng sống. Nếu không có kỹ năng sống, con người sẽ không thể tồn tại và phát triển được trong xã hội đầy hiểm nguy và khắc nghiệt này, bởi vậy, bạn cần phải ngay lập tức học hỏi kỹ năng sống cho bản thân mình. Tham gia một khóa đào tạo kỹ năng sống nếu bạn là một người có điều kiện, nếu kinh tế của bạn không cho phép thì chúng ta vẫn có thể tự học. Chúng ta có thể trải nghiệm thực tế và luyện tập hoặc tìm hiểu trên những trang web chuyên dạy về kỹ năng sống, lắng nghe lời khuyên từ những người có kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Và một lưu ý nữa là các kiến thức về khoa học kĩ thuật học được ở trên lớp cũng rất quan trọng trong việc giúp bạn lật ngược tình thế vào những lúc khó khăn đấy, vì vậy đừng coi thường việc tiếp thu kiến thức từ những môn học mà bạn cho là khô khan và tiêu tốn thì giờ nhé. Nếu bạn chưa tự tin về khả năng xử lý tình huống của mình thì cũng đừng sợ phải tham gia vào những điều mới mẻ bởi chúng ta cũng có thể học được từ những việc mà mình chưa thử, vấp ngã và sai lầm sẽ giúp chúng ta ghi nhớ sâu hơn những bài học cuộc sống, có được những kinh nghiệm quý báu góp thêm hành trang cho kĩ năng sống của mình. Kỹ năng sống rất quan trọng với con người, vì vậy, mọi người phải luôn không ngừng học tập và cảnh giác cao độ trước những tình huống có thể gặp phải trong cuộc sống. Cuộc sống là không ngừng vận động và chẳng biết khi nào hiểm nguy sẽ ghé thăm cuộc đời chúng ta vì vậy tự chuẩn bị hành trang cho mình là một việc hoàn toàn thiết thực để tồn tại và tự tin hơn trong cuộc sống.

HQ
Hà Quang Minh
Giáo viên
31 tháng 1 2024

Đoạn văn tham khảo

Hình ảnh những người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc hiện lên như một bức tượng đài bất tử tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, bản thân họ có 2 lựa chọn: Thứ nhất là tiếp tục cuộc sống làm nông, mặc cho kẻ thù đàn áp nô dịch mà vẫn sống sót; hai là đứng lên chống lại kẻ thù, đánh đuổi chúng và có thể sẽ phải hy sinh tính mạng. Họ đã chọn phương án hai, lựa chọn đứng lên chống Pháp bằng những gì mình đang có. Lòng yêu nước của họ đã thôi thúc họ phải hành động bởi người dân đều đang sống trong lầm than, cơ cực, họ không chịu được cảnh đất nước mình bị giày xéo, và họ đã hành động. Và chính hành động ấy đã thể hiện tinh thần quả cảm, anh dũng của họ với đất nước. Mặc cho họ biết rằng hiện thực tàn khốc nhất đang chờ họ. Bởi phia bên kia là vũ khí hiện đại với “đạn nhỏ, đạn to”, “tàu thiếc, tàu đồng” với đội quân xâm lược nhà nghề, vậy mà vũ khí để họ dùng chống lại chỉ là “một manh áo vải”, “một ngọn tầm vông”, chỉ có “dao phay” và chỉ là những “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”.  Đó cũng chính là đại diện tiêu biểu cho truyền thống yêu nước từ ngàn đời nay của nhân dân ta. Thế hệ sau và mai sau đều sẽ biết ơn, trân trọng sự hi sinh của họ và cũng sẽ nhìn vào đó mà thêm yêu quý hòa bình và độc lập của đất nước, để từ đó ý thức được trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ nó của mình.