PHẦN I (6.0 điểm)
Mở đầu “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có viết:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018.)
Câu 1. (0.5đ) Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
Câu 2. (1.0đ) Bài thơ xây dựng được hình tượng thơ rất độc đáo – những chiếc xe không kính. Nêu ý nghĩa của việc xây dựng hình tượng thơ này.
Câu 3. (1.0đ) Xét về cấu tạo, “ung dung” là loại từ gì? Vị trí của từ “ung dung” trong câu thơ thứ ba có gì đặc biệt? Điều đó mang lại hiệu quả gì trong việc thể hiện ý thơ?
Câu 4. (3.5đ) Trong khổ thơ thứ hai “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, tác giả Phạm Tiến Duật đã diễn tả một cách cụ thể và gợi cảm những ấn tượng, cảm giác của người lái xe trên chiếc xe không kính.
Lấy câu văn trên làm câu chủ đề, hãy hoàn thành đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch (khoảng 10 - 12 câu), trong đó có sử dụng câu phủ định và phép thế để liên kết câu. (Gạch chân, chú thích rõ câu phủ định và từ ngữ dùng làm phép thế).
Câu 5. (0.5đ) Nêu tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn 9 cùng giai đoạn sáng tác với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, ghi rõ tên tác giả.
Câu 1:
Bài thơ được viết năm 1969, trong thời kì cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra ác liệt, lấy cảm hứng từ hiện thực những chiếc xe tải ngày đêm vận chuyển nhu yếu phẩm chi viện cho miền Nam ruột thịt trên tuyến đường Trường Sơn bị bom giật, bom rung khiến chúng đều không còn cửa kính, Phạm Tiến Duật đã sáng tác bài thơ này.
Câu 2: Ý nghĩa của hình ảnh chiếc xe không kính:
- Hình ảnh tả thực từ những trải nghiệm chiến trường trên tuyến đường Trường Sơn của tác giả
- Gợi lên sự khốc liệt của chiến tranh: Hằng ngày những người lính phải trải qua những giây phút sinh tử cận kề với cái chết trước mưa bom bão đạn của kẻ thù. Và chính những chiếc xe không kính chính là bằng chứng rõ nét nhất cho sự khốc liệt của chiến tranh.
- Làm nổi bật vẻ đẹp của người lính lái xe:
+ Vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, lạc quan, bất chấp hiểm nguy
+ Vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội
+ Tinh thần yêu nước ngời sáng
+ Ý chí quyết tâm tiến lên phía trước vì lí tưởng cách mạng của những người lính cụ Hồ.
Câu 3: Từ "ung dung" là tính từ. Vj trí của từ "ung dung" ở câu ba được đảo lên đầu câu. Điều đó mang lại hiệu quả trong việc thể hiện ý thơ là: nhấn mạnh tư thế ung dung, khoan thai, bình tĩnh khi lái xe của những người chiến sĩ. Đó là tư thế của những người làm chủ hoàn cảnh giữa chiến trường đầy khắc nghiệt.
Câu 4:
Trong khổ thơ thứ hai “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, tác giả Phạm Tiến Duật đã diễn tả một cách cụ thể và gợi cảm những ấn tượng, cảm giác của người lái xe trên chiếc xe không kính. Tác giả gợi lên khó khăn người lính phải đối mặt bằng hình ảnh "gió", "con đường", "sao trời". Những hình ảnh ấy ( từ ngữ dùng làm phép thế ) mang đậm cảm hứng lãng mạn. Điều đặc biệt là đây không chỉ là những hình ảnh thực mà những người lính bắt gặp trên đường mà còn phản chiếu thế giới tâm hồn lãng mạn của người lính ( câu phủ định). Vì chiếc xe không có kính nên khi chạy, những cơn gió lùa vào khiến cho đôi mắt của những người lính phải "xoa mắt đắng", xe không kính nên tầm nhìn của những người lính cũng trở nên rõ ràng hơn "thấy con đường chạy thẳng vào tim", ánh sao và cánh chim cũng như ùa vào buồng lái. Điệp từ "nhìn" làm cho nhịp thơ trở nên hối hả tạo cảm giác thúc giục. Hình ảnh gió, con đường, sao, cánh chim còn thể hiện được phản chiếu trong tâm hồn đầy mộng mơ của những người chiến sĩ. Trong gian khổ, khốc liệt những người lính vẫn nhìn cuộc đời bằng đôi mắt lạc quan, đầy chất trẻ và chất lính. Những khó khăn của hoàn cảnh đều được tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ "hóa giải" bằng những cảm nhận thật độc đáo gây thú vị cho người đọc. Những cơn gió thổi mạnh, sao trời và cánh chim lại trở thành người bạn đồng hành của những người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.
Câu 5: Tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê