K
Khách
Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Các câu hỏi dưới đây có thể giống với câu hỏi trên
9 tháng 12 2018
Trong đấu tranh chống giai cấp tư sản để đòi quyền lợi, giai cấp công nhân có nhiều hình thức đấu tranh như mít tinh, biểu tình, cách mạng,...Sự khác nhau đó là do tùy ở từng nơi và suy nghĩ chung của họ về cách đấu tranh đòi quyền lợi.
N
1 tháng 10 2021
Câu 1:
Bởi vì giai cấp tư sản bóc lột sức lao động và áp bức cuộc sống của giai cấp vô sản \(\Rightarrow\) giai cấp vô sản đứng dậy đấu tranh chống giai cấp tư sản.
Câu 2:
Một số hình thức: bãi công, đập phá máy móc, mít tinh biểu tình, khởi nghĩa vũ trang... Cho ta thấy được sự tiến bộ vượt bậc của phong trào đấu tranh công nhân qua từng giai đoạn.
28 tháng 10 2021
C. Cuộc đấu tranh có cùng một mục đích chống sự áp bức của chủ nghĩa tư bản.
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN
Dù tôi có đưa ra ít ví dụ hơn nữa, thì mọi người vẫn phải đồng ý với tôi rằng: công nhân Anh không thể cảm thấy hạnh phúc trong tình cảnh của họ, cái tình cảnh mà ở đó, cả cá nhân cũng như toàn bộ giai cấp đều không thể sống, cảm giác và suy nghĩ như con người. Vì thế, công nhân phải đấu tranh, để thoát khỏi cái tình cảnh chỉ xứng với súc vật ấy, để có được một tình cảnh tốt hơn, hợp với con người hơn. Và họ không thể làm thế, nếu không tấn công vào lợi ích của giai cấp tư sản, lợi ích đó chính là ở chỗ bóc lột công nhân. Nhưng giai cấp tư sản lại bảo vệ lợi ích của mình, với tất cả sức mạnh mà tài sản và chính quyền của chúng cho phép. Khi công nhân vừa mới tỏ ra muốn thoát khỏi tình cảnh hiện tại, thì lập tức người tư sản trở thành kẻ thù công khai của họ.
Hơn nữa, công nhân lúc nào cũng thấy giai cấp tư sản coi họ như đồ vật và tài sản của chúng, chỉ điều này cũng đủ làm cho công nhân trở thành kẻ thù của giai cấp tư sản. Tôi đã đưa ra hàng trăm ví dụ, và có thể đưa ra hàng trăm ví dụ nữa, để chứng minh rằng: trong điều kiện hiện nay, chỉ nhờ có việc căm thù và chống lại giai cấp tư sản, thì công nhân mới cứu vãn được phẩm giá con người của mình. Công nhân Anh có năng lực chống lại sự bạo ngược của bọn hữu sản một cách cực kì mãnh liệt; đó là nhờ họ tự giáo dục mình, đúng hơn là nhờ họ không được giáo dục, cũng như nhờ dòng máu nóng của người Ireland hòa trộn bên trong họ.
Công nhân Anh không còn là người Anh theo nghĩa thông thường: không phải thứ con buôn luôn tính toán như đồng bào tư sản của mình, anh ta giàu tình cảm hơn nhiều; ở anh ta, tính khí lạnh lùng của người miền Bắc đã bị át đi, bởi lòng nhiệt tình sôi nổi đã phát triển và chi phối anh ta, mà không bị trở ngại. Việc rèn luyện lí trí đã phát triển mạnh mẽ tính ích kỉ của người tư sản Anh, đã khiến sự ích kỉ trở thành nét tiêu biểu của y, làm cho toàn bộ tình cảm của y chỉ tập trung vào việc chạy đua kiếm tiền; công nhân không có sự rèn luyện lí trí ấy, thế nên nhiệt tình của họ cũng mạnh mẽ và kịch liệt như ở người nước ngoài. Ở công nhân, những đặc trưng dân tộc của người Anh đã mất đi.
Như ta đã thấy, ngoài việc đấu tranh chống lại tình cảnh của mình, thì công nhân không có chỗ nào khác để biểu lộ nhân cách của mình nữa; thế nên đương nhiên là chính trong sự phản kháng ấy, công nhân đã biểu hiện những điều tốt đẹp nhất, cao quí nhất, nhân đạo nhất. Ta sẽ thấy là toàn bộ lực lượng và hoạt động của công nhân đều nhằm vào hướng này, và cả những cố gắng để có được một nền giáo dục xứng đáng với con người đều có quan hệ trực tiếp với điểm ấy. Dĩ nhiên, ta phải nói đến một vài hành vi cá biệt có tính bạo lực, thậm chí là thô bạo, nhưng không bao giờ nên quên rằng: ở Anh đang diễn ra một cuộc chiến tranh xã hội công khai; và nếu giai cấp tư sản thích dùng chiêu bài hòa bình, thậm chí là bác ái, để tiến hành cuộc chiến ấy một cách đạo đức giả, thì chỉ có vạch trần sự thật, lột bỏ cái mặt nạ đạo đức giả ấy, mới có lợi cho công nhân; bởi vậy, ngay cả những hành động bạo lực dữ dội nhất của công nhân, để chống lại giai cấp tư sản và tay sai của nó, cũng chỉ là biểu hiện công khai, không che đậy, của cái mà giai cấp tư sản đã làm một cách kín đáo và lén lút đối với công nhân.
Công nghiệp phát triển chưa được bao lâu, thì cuộc đấu tranh của công nhân chống giai cấp tư sản đã nổ ra, và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ở đây tôi không thể nói tỉ mỉ về ý nghĩa lịch sử của những giai đoạn ấy đối với sự phát triển của nhân dân Anh; đấy là chủ đề của một tác phẩm khác. Tôi chỉ thuật lại những sự kiện cần thiết, để nói rõ tình cảnh của giai cấp vô sản Anh.
Hình thức đầu tiên, thô sơ và ít hiệu quả nhất của sự đấu tranh là phạm tội. Công nhân phải sống nghèo khổ, bần cùng, lại thấy đời sống của kẻ khác khá hơn mình; anh ta không hiểu: tại sao mình lao động cho xã hội nhiều hơn bọn nhà giàu ăn không ngồi rồi, mà phải chịu thiếu thốn như thế. Và sự đói khổ đã thắng lòng tôn kính cổ truyền của anh ta đối với quyền sở hữu, do đó anh ta ăn cắp. Ta đã thấy: cùng với sự phát triển của công nghiệp, những vụ phạm tội ngày càng tăng, số người bị bắt hàng năm tăng theo cùng tỉ lệ với số hàng bông được tiêu dùng.
Công nhân đã sớm nhận ra là làm thế thì chẳng ích gì. Việc phạm tội chỉ là hành động đơn thương độc mã chống lại chế độ xã hội hiện tồn, với tư cách cá nhân; mà xã hội có thể dùng mọi sức mạnh để đối phó, và áp đảo kẻ địch đơn độc bằng ưu thế tuyệt đối. Hơn nữa, trộm cắp là hình thức đấu tranh thô sơ và vô ý thức nhất; thế nên riêng một việc đó không thể trở thành biểu hiện chung của dư luận công nhân, dù họ vẫn ngầm tán thành. Sự chống đối của giai cấp công nhân đối với giai cấp tư sản chỉ bắt đầu, khi công nhân dùng bạo lực để chống lại việc sử dụng máy móc, việc này đã xảy ra ở buổi đầu của cách mạng công nghiệp. Những nhà phát minh đầu tiên, như Arkwright và những người khác, đã bị thứ bạo lực ấy hãm hại, còn máy móc của họ thì bị phá hủy; về sau lại nổ ra nhiều cuộc nổi dậy chống sử dụng máy móc, nó hầu như giống hệt với những cuộc bạo loạn của công nhân in vải hoa ở Bohemia tháng Sáu 1844: máy móc và công xưởng đều bị phá hủy.
Hình thức phản kháng ấy cũng có tính cô lập, bị hạn chế ở những khu vực cá biệt, chỉ nhằm vào một mặt của các quan hệ xã hội hiện hành. Hơn nữa, ngay khi công nhân vừa giành được thắng lợi chốc lát, thì toàn bộ sức nặng của quyền lực xã hội liền đè lên những kẻ phạm tội không có gì tự vệ, và mặc sức trừng phạt họ, còn máy móc thì lại vẫn được dùng. Phải tìm ra một hình thức đấu tranh mới.
Khi đó, nghị viện cũ (trước khi cải cách), do đảng Tory nắm, đã thông qua một đạo luật để giúp công nhân; nó sẽ chẳng bao giờ được Hạ viện sau này thông qua, khi mà dự luật cải cách đã thừa nhận sự đối lập giữa tư sản với vô sản, và đưa giai cấp tư sản lên hàng thống trị. Được thông qua năm 1824, nó đã xóa bỏ mọi đạo luật trước kia cấm công nhân liên kết lại để bảo vệ lợi ích của mình. Thế là công nhân cóquyền lập hội, một quyền mà trước kia chỉ quí tộc và tư sản mới có. Thực ra thì trong công nhân vẫn thường có những hội bí mật, nhưng chúng không thể có thành tích gì đáng kể. Như ở Scotland, theo Symons ("Nghề thủ công và thợ thủ công", tr. 137 và các trang sau), năm 1812 đã có tổng bãi công của thợ dệt ở Glasgow, do một hội bí mật tổ chức. Năm 1822 lại có bãi công, có hai công nhân, vì không chịu vào hội nên đã bị coi là phản bội giai cấp mình; họ đều bị tạt acid sulfuric vào mặt, do đó bị mù. Năm 1818, hội thợ mỏ ở Scotland đã đủ mạnh để tiến hành tổng bãi công. Mỗi hội viên của hội này đã thề trung thành và giữ bí mật, có danh sách hội viên, quĩ hội, sổ sách và các chi hội địa phương. Nhưng tính chất bí mật của toàn bộ hoạt động đã gây trở ngại cho sự phát triển của các hội ấy. Đến năm 1824, công nhân có quyền tự do lập hội, thì những hội ấy lan rộng rất nhanh trên khắp nước Anh, và có ảnh hưởng lớn. Trong mọi ngành lao động đều thành lập các công liên như thế, với chủ trương công khai là bảo vệ từng công nhân riêng lẻ, chống sự bạo ngược và nhẫn tâm của giai cấp tư sản. Mục đích của những công liên ấy là: qui định tiền lương, thương lượng với giới chủ trên tư cách là một lực lượng, điều chỉnh tiền lương theo lợi nhuận của chủ, tăng lương khi có thể, và giữ một mức lương bằng nhau cho một nghề ở mọi nơi. Do đó, họ thường đấu tranh đòi các nhà tư bản thực hiện một mức lương chung, và tuyên bố bãi công với người nào không chấp nhận mức đó. Thứ nữa, công liên hạn chế việc tuyển thợ học việc, để giữ vững nhu cầu về nhân công của bọn tư bản, từ đó giữ vững tiền lương; cố gắng hết sức chống các thủ đoạn hạ thấp tiền lương của chủ xưởng, như việc dùng máy móc và công cụ mới, v.v.; cuối cùng là giúp tiền cho công nhân thất nghiệp. Việc này được tiến hành trực tiếp bằng tiền quĩ, hoặc gián tiếp bằng việc cấp một cái thẻ xác nhận là "người trong hội" cho mỗi công nhân; người có thẻ đó, khi đi từ nơi này tới nơi khác, sẽ được bạn cùng nghề giúp đỡ và chỉ cho nơi nào dễ tìm việc. Cảnh sống lang thang đó của công nhân được gọi là "the tramp", còn anh công nhân đi lang thang ấy được gọi là tramper. Để đạt những mục đích nói trên, công liên cử một chủ tịch và một thư kí ăn lương, vì rõ ràng là không chủ xưởng nào thuê những người ấy; và lập một ban chấp hành, để thu hội phí hàng tuần, đảm bảo rằng số tiền ấy được dùng đúng với mục đích của công liên. Khi có thể và có lợi, các công liên ở từng khu liên kết thành một liên hiệp công liên, có tổ chức hội nghị đại biểu định kì. Trong vài trường hợp riêng biệt, người ta đã thử tập hợp mọi công nhân của một ngành vào một công liên lớn của cả nước Anh; cũng có nhiều lần, đầu tiên là vào năm 1830, người ta đã thử lập một liên hiệp công nhân thống nhất toàn quốc, đồng thời mỗi ngành nghề vẫn giữ tổ chức riêng của mình. Nhưng các liên hiệp ấy không tồn tại lâu, thậm chí rất ít được thành lập; vì phải có một cao trào đặc biệt rộng khắp, thì chúng mới có thể ra đời và hoạt động hiệu quả.
Để thực hiện mục đích của mình, các công liên thường dùng những biện pháp sau: nếu có một vài chủ xưởng không thừa nhận mức lương do công liên qui định, thì công liên cử một đoàn đại biểu tới gặp họ, hoặc gửi cho họ một đơn thỉnh nguyện (ta thấy là công nhân biết coi trọng quyền lực chuyên chế tuyệt đối của chủ xưởng trong vương quốc nhỏ của y). Nếu làm thế không có kết quả, thì công liên ra lệnh đình công: tất cả công nhân giải tán về nhà. Nếu chỉ có một vài chủ xưởng không chịu theo mức lương do công liên đề xuất, thì cuộc bãi công đó (gọi là turn-out hoặc strike) chỉ là cục bộ; nếu tất cả các chủ xưởng trong một ngành đều làm thế, thì cuộc bãi công trở thành tổng bãi công. Đó là những thủ đoạn hợp pháp của công liên: chỉ là hợp pháp nếu cuộc bãi công được báo trước, thực tế thì không phải lúc nào cũng thế. Nhưng nếu có công nhân chưa tham gia công liên, hoặc rút khỏi công liên vì lợi ích trước mắt mà chủ xưởng ban cho, thì biện pháp hợp pháp ấy rất ít kết quả. Đặc biệt là với các cuộc bãi công cục bộ, chủ xưởng rất dễ tuyển dụng những con chiên ghẻ ấy (gọi là knobstick1), và vô hiệu hóa các nỗ lực của những công nhân công liên. Các hội viên công liên thường đe dọa, chửi mắng, đánh đập, và dùng các biện pháp hành hung khác; tóm lại là uy hiếp bằng mọi cách, để đối phó với bọn knobstick. Do đó bọn này kiện đến tòa án, và vì kẻ bảo vệ pháp luật lại là giai cấp tư sản đang nắm chính quyền; thế nên chỉ cần có một hành vi phạm pháp, chỉ cần có một hội viên công liên bị xử tội, là lực lượng của công liên hầu như bị phá vỡ.
Lịch sử của các công liên ấy là một chuỗi dài những thất bại của công nhân, có xen kẽ vài thắng lợi cá biệt. Dĩ nhiên là mọi cố gắng ấy đều không thay đổi được qui luật kinh tế, quyết định mức lương theo quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Vì vậy công liên đành chịu bất lực trước những nguyên nhân quan trọng nhất tác động đến mối quan hệ ấy. Khi có khủng hoảng thương nghiệp, thì công liên phải tự động hạ mức lương xuống, hoặc bị giải tán hoàn toàn; khi nhu cầu lao động tăng nhiều, thì nó cũng không thể đòi lương cao hơn mức mà sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản qui định. Nhưng với những nguyên nhân ít quan trọng hơn, có tính cục bộ, thì công liên có thế lực thực sự. Nếu không ngại cuộc đấu tranh tập trung của số đông công nhân, thì chủ xưởng đã hạ dần mức lương xuống để thu lời thêm; hơn nữa, việc cạnh tranh với các chủ xưởng khác cũng buộc y phải làm vậy, thế nên tiền lương sẽ mau chóng hạ xuống mức tối thiểu. Sự cạnh tranh đó giữa các chủ xưởng với nhau trong điều kiện bình thường có thể bị hạn chế do sự đấu tranh của công nhân. Mỗi chủ xưởng đều biết rằng mỗi lần hạ tiền lương, nếu không phải vì những hoàn cảnh mà các chủ xưởng khác cũng phải chịu, thì đều dẫn tới bãi công; mà bãi công thì chắc chắn là thiệt cho y, vì khi đó tư bản mà y bỏ vào kinh doanh sẽ không sinh lời được, máy móc thì bị han rỉ. Đồng thời, y cũng không chắc là có hạ được tiền lương hay không; mà y lại biết rõ là nếu mình thành công, thì kẻ cạnh tranh sẽ bắt chước ngay, sẽ hạ giá sản phẩm của họ, và lợi nhuận mà y hi vọng sẽ không còn nữa. Ngoài ra, khi khủng hoảng kết thúc, dĩ nhiên là các công liên có thể đòi tăng lương nhanh hơn so với khi không có ai can thiệp. Khi mà cạnh tranh chưa bắt chủ xưởng phải tăng lương thì họ sẽ không tăng, nhưng vì có công liên nên khi thị trường khá lên thì bản thân công nhân sẽ đòi tăng lương; họ có thể lợi dụng việc bọn chủ xưởng đang thiếu nhân công, và tổ chức bãi công để buộc chúng phải tăng lương. Nhưng như tôi đã nói, công liên lại bất lực trước những nguyên nhân tương đối quan trọng ảnh hưởng đến thị trường lao động. Với tình hình như thế, đói khát buộc công nhân phải dần trở lại làm việc, trong bất kì điều kiện nào; và chỉ cần vài người làm thế là lực lượng của công liên đã bị phá vỡ, vì khi trên thị trường vẫn còn một lượng hàng hóa dự trữ, chính là các knobstick ấy, thì giai cấp tư sản có thể thoát khỏi các hậu quả nghiêm trọng nhất của sự gián đoạn sản xuất. Quĩ của công liên rất mau hết vì nhiều người cần được giúp đỡ, những chủ hàng bán lẻ dần cũng dần không bán chịu với lãi cao nữa, và sự túng thiếu buộc công nhân lại phải chui đầu vào cái ách của giai cấp tư sản. Nhưng các chủ xưởng, chính vì lợi ích của họ (tất nhiên là do sự đấu tranh của công nhân nên điều này mới thành lợi ích của họ), cũng cần tránh những cuộc hạ lương không cần thiết; còn công nhân thì thấy rõ rằng mỗi lần hạ lương, dù là do tình hình thị trường gây ra, cũng làm xấu thêm tình cảnh của họ, nên họ hết sức đề phòng điều ấy; vì thế, hầu hết các cuộc bãi công đều kết thúc bằng thất bại của công nhân. Ai đó sẽ hỏi: sao công nhân lại bãi công, khi mà biện pháp ấy rõ ràng là vô ích như thế? Đơn giản vì công nhân có nghĩa vụ chống lại việc hạ tiền lương, thậm chí là chống lại tính tất yếu của việc hạ tiền lương đó; vì họ nhất định phải tuyên bố rằng: là con người, họ sẽ không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, mà chính hoàn cảnh mới phải chịu khuất phục trước bản thân con người họ; vì sự im lặng của công nhân tức là thỏa hiệp với hoàn cảnh, tức là thừa nhận rằng giai cấp tư sản có quyền bóc lột công nhân trong thời kì thương nghiệp phồn vinh, còn trong thời kì thất bát thì có quyền bỏ mặc công nhân chết đói. Chừng nào công nhân chưa mất hết nhân cách thì họ còn phải đấu tranh chống lại điều đó, và họ đấu tranh như thế mà không dùng cách nào khác; vì họ là những người Anh, những người thực tiễn, họ đấu tranh bằng hành động; chứ không như những người Đức ưa lí luận, chỉ cần cho kháng nghị của mình vào biên bản, đưa vào ad acta2, rồi về nhà ngủ, và bản kháng nghị cũng ngủ yên, như chính người kháng nghị. Sự kháng nghị tích cực của người Anh dĩ nhiên là có hiệu lực: nó hạn chế được lòng tham của giai cấp tư sản trong một phạm vi nhất định, làm cho sự đấu tranh của công nhân chống quyền lực vô hạn về xã hội và chính trị của giai cấp có của không bị lắng xuống; nó cũng chứng minh rõ cho công nhân rằng: để đập tan thế lực của giai cấp tư sản, thì ngoài công liên và bãi công ra, công nhân cần có gì đó hơn thế nữa. Nhưng ý nghĩa thực sự của các công liên, và những cuộc bãi công do chúng tổ chức, là ở chỗ: đó là những cố gắng đầu tiên của công nhân để tiêu diệt cạnh tranh. Điều đó nghĩa là công nhân đã hiểu rằng: sự thống trị của giai cấp tư sản chỉ xây dựng được trên sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, trên sự chia rẽ của giai cấp vô sản, trên sự đối lập giữa những loại công nhân này với những loại công nhân khác. Và chính vì công liên cố gắng chống lại cạnh tranh, sợi dây thần kinh sống còn của chế độ xã hội hiện tại; nên chế độ xã hội ấy mới coi nó là nguy hiểm đến thế, dù sự cố gắng kia vẫn còn phiến diện và hạn chế. Để tiến công giai cấp tư sản, cùng với đó là toàn thể chế độ xã hội hiện tại, công nhân không thể nhằm vào chỗ nào hiểm yếu hơn chỗ ấy. Khi công nhân không cạnh tranh với nhau nữa, khi tất cả đều quyết tâm không để giai cấp tư sản bóc lột mình nữa, thì vương quốc của chế độ tư hữu đến ngày tận số. Tiền lương chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu, vào tình hình ngẫu nhiên trên thị trường lao động; đó là vì cho đến bây giờ, công nhân vẫn để người ta coi mình là những sự vật, có thể đem mua bán. Khi nào công nhân quyết tâm không để người ta mua bán họ nữa, khi nào họ thấy rõ giá trị của lao động đúng ra là gì; khi công nhân không còn là đồ vật nữa, mà là con người, không chỉ có sức lao động mà còn có ý chí; thì lúc ấy, toàn bộ kinh tế chính trị học hiện đại, và qui luật tiền lương, sẽ tận số. Tất nhiên, nếu công nhân chỉ muốn tiêu diệt sự cạnh tranh lẫn nhau, thì qui luật tiền lương rồi sẽ lại có hiệu lực dần. Nhưng công nhân không muốn từ bỏ phong trào từ trước đến nay của mình, họ không muốn khôi phục sự cạnh tranh lẫn nhau; vậy thì họ không thể dừng lại ở đó, họ phải tiến lên. Tính tất yếu bắt họ phải tiêu diệt sự cạnh tranh nói chung, chứ không chỉ tiêu diệt một phần của sự cạnh tranh, và họ sẽ làm vậy. Công nhân đã ngày càng hiểu rõ là cạnh tranh mang lại cho họ những tai hại gì, họ còn hiểu hơn giai cấp tư sản rằng cạnh tranh giữa những người hữu sản cũng dẫn đến khủng hoảng thương nghiệp, do đó cũng có hại cho công nhân, thế nên cũng phải tiêu diệt sự cạnh tranh ấy. Họ sẽ mau chóng hiểu rằng mình phải làm việc đó như thế nào.
Không cần chứng minh rằng công liên đã góp phần tăng cường mạnh mẽ lòng căm thù và phẫn nộ của công nhân đối với giai cấp có của. Thế nên trong các thời kì đặc biệt sôi động, thì từ các công liên ấy, bất kể những người lãnh đạo có đồng ý hay không, đã xuất hiện một số hành động cá biệt; chỉ có thể được giải thích bằng sự thù ghét cực độ, và lòng say sưa man dại vô bờ. Trong đó có trường hợp đổ acid sulfuric làm bỏng người, đã nói tới ở trên; và hàng loạt những sự việc khác, mà tôi chỉ kể ra vài vụ. Trong phong trào công nhân mãnh liệt năm 1831, Ashton, một chủ xưởng trẻ ở Hyde, gần Manchester, đã bị bắn chết vào một buổi tối ở ngoài đồng, và không tìm ra hung thủ. Không nghi ngờ gì nữa, đó là một hành vi báo thù của công nhân. Các vụ đốt xưởng và âm mưu gây nổ rất thường thấy. Ngày thứ sáu, 29 tháng Chín 1843, có người mưu toan gây nổ xưởng cưa của ông Padgin ở phố Howard, thuộc Sheffield. Vật dụng là một ống sắt nhồi đầy thuốc nổ và bịt kín, gây thiệt hại khá lớn. Ngày hôm sau, 30 tháng Chín, ở Shales Moor, gần Sheffield, có một vụ tương tự, ở xưởng làm dao giũa Ibbetson. Ông Ibbetson bị công nhân ghét vì tích cực tham gia các phong trào tư sản, trả lương thấp, chuyên môn thuê knobstick, và lợi dụng đạo luật về người nghèo để đạt lợi riêng (ở cuộc khủng hoảng năm 1842, y bắt công nhân phải nhận lương thấp, báo cho cơ quan trợ giúp người nghèo biết tên những người không chấp nhận hạ lương, nói là họ có thể có công việc mà không muốn làm, do đó họ không đáng được giúp đỡ). Vụ nổ gây thiệt hại khá lớn, và tất cả các công nhân tới xem vụ việc đều chỉ tiếc là "không nổ tung cả xí nghiệp cho rồi". Ngày thứ sáu, 6 tháng Mười 1843, có vụ mưu đốt công xưởng Ainsworth & Crompton ở Bolton nhưng không gây được thiệt hại; đó là lần thứ ba hoặc thứ tư mưu đốt công xưởng ấy, trong một thời gian rất ngắn. Trong phiên họp của hội đồng thành phố Sheffield, ngày thứ tư, 10 tháng Giêng 1844, ủy viên cảnh sát đã trình ra một quả tạc đạn bằng gang, chứa bốn pound thuốc nổ, có ngòi đã đốt nhưng bị tắt, được tìm thấy trong xưởng của ông Kitchen ở phố Earl, thuộc Sheffield. Chủ nhật, 20 tháng Giêng 1844, nhà máy xẻ gỗ Bentley & White ở Bury (Lancashire) bị nổ do một gói thuốc nổ ném vào, thiệt hại khá nặng. Ngày thứ năm, 1 tháng Hai 1844, xưởng làm bánh xe Soho ở Sheffield bị đốt cháy sạch. Trong bốn tháng đã có sáu vụ như thế, tất cả đều do lòng căm thù cực độ của công nhân đối với chủ gây nên. Dưới chế độ xã hội như thế nào, mới có thể xảy ra những vụ đó, thì chẳng cần nói nữa. Những chuyện này đủ chứng tỏ rằng ở Anh, cuộc chiến tranh xã hội đã nổ ra và đang được tiến hành, ngay cả trong thời kì thương nghiệp phồn vinh, như cuối năm 1843. Thế mà giai cấp tư sản Anh vẫn chưa tỉnh ngộ! Nhưng ồn ào nhất là vụ án về cái gọi là Thugs3* ở Glasgow, mà tòa án bồi thẩm của thành phố ấy đã xét xử từ ngày 3-11 tháng Giêng 1838. Qua cuộc thẩm vấn, người ta thấy rằng công liên công nhân kéo sợi, thành lập từ năm 1816, đã có được sự đoàn kết và lực lượng thật hiếm có. Hội viên công liên phải thề phục tùng quyết định của đa số. Mỗi khi có bãi công, sẽ xuất hiện một ban chấp hành bí mật, mà đa số hội viên không biết, có toàn quyền sử dụng quĩ của công liên. Ban chấp hành ấy treo thưởng cho những vụ ám sát knobstick và chủ xưởng đáng căm thù, cũng như những vụ đốt xưởng. Ví dụ, một xưởng đã bị công nhân đốt sạch vì thuê các knobstick nữ vào làm, thay cho công nhân kéo sợi nam; mẹ của một trong những thiếu nữ ấy, tên là McPherson, đã bị giết, hai hung thủ được công liên xuất tiền đưa sang Mĩ. Ngay từ năm 1820, một knobstick tên là McQuarry bị bắn bị thương, công liên đã thưởng cho người bắn 15 Bảng. Sau đó là một người tên là Graham bị bắn bị thương, người bắn được 20 Bảng, nhưng lại bị bắt và bị đi đày chung thân. Sau cùng, tháng Năm 1837, tại vài xưởng ở Oatbank và Mile End đã xảy ra rối loạn vì bãi công, có chừng một tá knobstick bị đánh đau; tháng Bẩy cùng năm đó, vụ việc vẫn chưa yên, một knobstick tên là Smith bị đánh chết. Bấy giờ, ban chấp hành bị bắt và bị thẩm vấn; chủ tịch và các ủy viên cốt cán bị truy tố vì tội tham gia những tổ chức phi pháp, hành hung knobstick, đốt công xưởng của James và Francis Wood, bị kết tội và chịu án đi đày bảy năm. Những người Đức lương thiện chúng ta sẽ nói gì về chuyện này?4*
Giai cấp có của, đặc biệt là bộ phận công nghiệp của nó, vì tiếp xúc trực tiếp với công nhân, nên chống các công liên kịch liệt nhất; chúng không ngừng ra sức dùng rất nhiều luận điểm để chứng minh với công nhân rằng công liên là vô dụng, theo kinh tế chính trị học thì những luận điểm ấy hoàn toàn đúng, nhưng chính vì thế mà chúng lại là sai trên một mặt khác, và chúng hoàn toàn vô hiệu đối với tư tưởng của công nhân. Chính cái nhiệt tình đó của giai cấp tư sản đã chứng tỏ rằng việc này rất có quan hệ với lợi ích của chúng; không nói đến những tổn thất trực tiếp do bãi công gây nên, thì tình hình là thế này: cái gì chui vào túi chủ xưởng tất là phải móc từ túi công nhân ra. Dù công nhân không hiểu rõ rằng công liên có thể hạn chế phần nào cuộc đua hạ tiền lương của bọn chủ, nhưng họ biết rằng sự tồn tại của công liên là có hại cho kẻ địch của mình, là các chủ xưởng, thế nên họ không rời bỏ công liên. Trong chiến tranh, bên này bị hại thì bên kia được lợi, và vì giữa công nhân với chủ xưởng đang có chiến tranh, nên họ cũng hành động như bọn vua chúa chí tôn, khi chúng túm tóc nhau. Kẻ địch điên cuồng nhất của công liên, vượt xa mọi nhà tư sản khác, cũng lại là ông bạn của chúng ta, bác sĩ Ure. Ông ta tức đến sùi bọt mép khi nói đến "tòa án bí mật" của thợ kéo sợi bông, đội ngũ công nhân lớn mạnh nhất; cái tòa án cho rằng mình có thể làm bó tay bất kì tên chủ xưởng nào không tuân lệnh, "do đó làm cho những người đã bao năm nuôi nấng công nhân bị phá sản". Ông ta còn nói đến cái thời "mà đầu óc phát minh và quả tim sôi động của công nghiệp sẽ bị nô dịch bởi những kẻ bề dưới không vâng lời". Ôi, Menenius Agrippa5 hiện đại ơi! Tiếc rằng công nhân Anh không dễ bị chuyện ngụ ngôn làm cho yên lòng như những người bình dân La Mã! Cuối cùng, Ure còn kể một câu chuyện lí thú sau: trước kia, có thời những thợ kéo sợi thô trên máy mule đã lạm dụng bừa bãi sức mạnh của họ. Tiền lương cao không khiến họ biết ơn chủ xưởng, và lo trau dồi trí tuệ (tất nhiên là trong những môn khoa học không có hại, thậm chí có lợi cho giai cấp tư sản); trái lại, nó làm cho họ trở nên ngạo mạn, và cho phép họ bỏ tiền ra, để cổ vũ tinh thần nổi loạn trong những cuộc bãi công hoàn toàn vô lối, đang nổ ra liên tiếp trong các công xưởng. Khi những sự kiện bất hạnh ấy xảy ra ở Hyde, Dukinfield và các vùng lân cận, những chủ xưởng ở đó sợ sự cạnh tranh của người Pháp, người Bỉ và người Mĩ cướp mất thị trường, đã tìm đến xưởng chế tạo máy của Sharp, Robert và công ti; xin ông Sharp trổ tài phát minh của mình, làm ra một máy mule tự động, để "cứu nền sản xuất khỏi sự nô dịch cay đắng, cũng như sự hủy diệt sắp tới".
"Mấy tháng sau, một chiếc máy được chế tạo xong, hình như nó có đủ cả trí tuệ, cảm giác và sự khéo léo của một công nhân thành thạo; dù còn trong trứng nước, cái máy ấy đã biểu hiện một nguyên lí làm việc mới; và khi đã hoàn chỉnh, nó sẽ sẵn sàng đảm nhận chức năng của một thợ kéo sợi lành nghề. Thế là con người sắt (công nhân gọi nó như thế), theo mệnh lệnh của Minerva, đã sinh ra từ tay của Prometheus hiện đại. Vật sáng tạo này có sứ mệnh khôi phục trật tự giữa các giai cấp công nghiệp, và đảm bảo sự thống trị của người Anh ở ngành đó. Tin tức về cái kì công kiểu Hercules ấy đã gây sợ hãi trong công liên, và dù chưa ra khỏi nôi, vật sáng tạo kì diệu đó đã bóp chết con Hydra vô chính phủ".
Tiếp đó, Ure chứng minh rằng việc phát minh cái máy có thể in cùng lúc 4-5 màu là do vụ bạo động của công nhân in vải hoa gây ra, sự ương bướng của công nhân hồ sợi ở công xưởng dệt thì dẫn tới sự ra đời của một cái máy hồ sợi hoàn thiện hơn, và một số sự kiện tương tự nữa6*. Chỉ trước đó mấy trang, chính ông Ure ấy còn cố sức chứng minh dài dòng rằng việc sử dụng máy móc là có lợi cho công nhân! Nhưng không chỉ có một mình Ure; trong báo cáo về công xưởng, chủ xưởng Ashworth và nhiều người khác cũng không bỏ qua cơ hội nào để thể hiện lòng phẫn nộ của họ đối với công liên. Đối với mọi phong trào mà mình không hiểu được, những nhà tư sản thông minh ấy, cũng như một số chính phủ, liền đổ tội cho ảnh hưởng của những kẻ cổ động có dụng ý xấu; những kẻ âm mưu, mị dân, hay phàn nàn, và bọn thanh niên. Họ khẳng định: các nhà hoạt động của công liên phải quan tâm đến việc cổ động, vì họ sống nhờ vào tiền lương của công liên; làm như rằng không phải chính giai cấp tư sản đã bắt công liên phải trả lương cho những người ấy, vì các chủ xưởng chẳng chịu thuê họ bao giờ!
Những cuộc bãi công xảy ra rất nhiều là minh chứng rõ nhất về việc cuộc chiến tranh xã hội đã lan tràn trên toàn nước Anh đến mức nào. Không có tuần nào, thậm chí hầu như không có ngày nào là không xảy ra bãi công ở nơi nào đó; khi thì vì tiền công giảm, khi thì vì chủ xưởng không chịu tăng lương, khi thì vì chủ xưởng thuê knobstick, khi thì vì chủ xưởng không ngừng đánh chửi hay cư xử ác nghiệt, khi thì vì việc sử dụng máy mới, và hàng trăm nguyên nhân khác. Những cuộc bãi công ấy mới chỉ là những trận đánh nhỏ ở tiền tiêu, thỉnh thoảng mới trở thành những trận chiến tương đối lớn; dù chưa giải quyết được gì, nhưng chúng đã chứng minh rõ ràng rằng, trận đánh quyết định giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản đang đến gần. Bãi công là trường học quân sự của công nhân, ở đó, họ đã chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vĩ đại, mà nay đã trở thành không thể tránh khỏi; bãi công là tuyên ngôn của từng ngành trong nền công nghiệp, về việc tham gia phong trào công nhân to lớn; nếu đọc hết các số của tờ "Northern Star" trong một năm, tờ báo duy nhất đăng tin về mọi phong trào của giai cấp vô sản, thì có thể thấy rằng tất cả công nhân ở thành phố và nông thôn đã họp thành công liên, và thỉnh thoảng đã tổng bãi công để phản kháng sự thống trị của giai cấp tư sản. Với tính chất là trường học đấu tranh thì không có gì hơn được bãi công; ở đó, lòng dũng cảm đặc biệt của người Anh càng được phát huy. Ở lục địa người ta thường cho rằng: người Anh, nhất là công nhân, đều nhát gan, và họ không thể làm cách mạng; đó là vì người Anh dường như đã yên phận dưới chế độ tư sản, không như người Pháp lúc nào cũng sẵn sàng nổi loạn. Ý kiến đó hoàn toàn sai. Về dũng cảm thì công nhân Anh không kém bất kì ai; họ cũng sôi nổi như người Pháp, nhưng họ đấu tranh bằng cách khác. Người Pháp có bản tính chính trị, họ đấu tranh chống những tệ hại xã hội theo kiểu chính trị. Còn người Anh coi chính trị chỉ là để phục vụ lợi ích riêng của xã hội tư sản, thế nên họ không đấu tranh chống chính phủ, mà trực tiếp chống giai cấp tư sản; và lúc này, cuộc đấu tranh ấy chỉ có thể có hiệu quả bằng cách thức hòa bình. Do công nghiệp đình đốn và tiếp đó là nghèo khổ; nên năm 1834, ở Lyon đã nổ ra cuộc khởi nghĩa, đòi thành lập nước cộng hòa; còn năm 1842, ở Manchester đã nổ ra cuộc tổng bãi công, đòi Hiến chương nhân dân và tăng lương. Nhưng so với khởi nghĩa, bãi công cũng đòi hỏi dũng cảm, thậm chí là dũng cảm hơn nhiều; và còn cần quyết tâm to lớn và kiên quyết hơn nhiều, điều ấy rất rõ ràng. Thật thế, với các công nhân đã từng trải qua và hiểu rõ cảnh nghèo khổ, thì việc họ và vợ con đối mặt với việc đó; cùng nhau chịu đựng đói rét, thiếu thốn hàng tháng ròng, mà vẫn kiên định, không lay chuyển; đó không phải là chuyện nhỏ. Công nhân Anh thà chịu chết dần vì đói, hàng ngày phải nhìn vợ con đói khổ, biết chắc là sau này giai cấp tư sản sẽ báo thù, họ thà chịu tất cả chứ không cúi đầu dưới ách áp bức của giai cấp có của; chết chóc hoặc tù đày, những thứ đe dọa những người cách mạng Pháp, đã là cái gì so với các việc kia! Sau đây ta sẽ thấy một ví dụ về lòng dũng cảm ngoan cường không gì thắng được của công nhân Anh, chỉ đến khi phản kháng đã trở thành vô ích và vô nghĩa, thì họ mới đầu hàng trước bạo lực. Chính trong cái tinh thần kiên nhẫn điềm tĩnh ấy, trong sự quyết tâm bền bỉ để vượt qua hàng trăm thử thách mỗi ngày ấy, công nhân Anh đã tỏ rõ cái khía cạnh quí nhất của tính cách họ. Những con người đã chịu đựng nhiều đến thế để bẻ gãy sự phản kháng của một tên tư sản độc nhất, thì cũng có thể bẻ gãy lực lượng của toàn bộ giai cấp tư sản. Nhưng ngoài các việc đó, công nhân Anh cũng rất nhiều lần tỏ ra dũng cảm. Cuộc bãi công năm 1842 không thu được nhiều kết quả hơn, một phần vì công nhân bị giai cấp tư sản ép phải làm việc đó; một phần vì họ chưa nhận thức rõ, cũng như chưa đoàn kết nhất trí, về mục đích của bãi công. Nhưng ở những trường hợp khác, khi đã có mục đích xã hội rõ ràng, thì họ tỏ ra rất dũng cảm. Chưa nói đến cuộc khởi nghĩa năm 1839 ở Wales, thì vào tháng Năm 1843, khi tôi đang ở Manchester, tại đây đã nổ ra một cuộc chiến thực sự. Một nhà máy gạch (Pauling & Henfrey) tăng kích cỡ viên gạch, và tất nhiên là bán viên gạch lớn hơn với giá cao hơn, nhưng không tăng lương; công nhân đòi tăng lương bị cự tuyệt nên họ đình công, công liên cũng tuyên bố tẩy chay hãng ấy. Nhưng chủ xưởng đã bỏ nhiều công sức để thuê knobstick, cũng như công nhân ở các vùng lân cận. Đối với những người ấy, lúc đầu công liên chỉ đe dọa. Để bảo vệ nhà máy, công ti thuê mười hai tên đã từng đi lính hoặc làm cảnh sát, và phát súng cho chúng. Vì đe dọa không có hiệu quả nên một đêm, vào mười giờ, một toán công nhân gạch, bố trí thành đội hình chiến đấu, với hàng đầu có súng, đã tấn công nhà máy, vốn chỉ nằm cách trại lính bộ binh gần 400 bước7*. Công nhân tiến vào khu vực nhà máy, thấy bọn bảo vệ là bắn ngay, giẫm nát gạch phơi ở đất, xô đổ những đống gạch khô, gặp cái gì cũng phá hủy; họ lọt vào một ngôi nhà, đập phá mọi đồ đạc, và đánh vợ của một đốc công ở đó. Lúc này, bọn bảo vệ nấp sau một hàng rào, được che chắn, và có thể bắn mà không bị vướng gì. Những người tấn công dừng lại trước một lò gạch đang bị đốt, ánh lửa chiếu vào họ rất rõ; thế nên họ trở thành bia đỡ đạn cho địch, còn bản thân họ chỉ bắn hú họa. Tuy thế hai bên vẫn bắn nhau hơn nửa giờ, cho đến lúc công nhân hết đạn, và đạt được mục đích của cuộc tấn công, là phá hết những gì có thể trong nhà máy. Bấy giờ quân đội đến, công nhân rút về Eccles (cách Manchester ba dặm). Lúc sắp đến Eccles thì họ điểm danh theo số hiệu của mỗi người trong toán, để rồi giải tán, đúng ra là chỉ để rơi vào tay bọn cảnh sát từ bốn phía ập lại. Số người bị thương hẳn là rất nhiều, nhưng người ta chỉ biết số người bị bắt thôi. Một công nhân trúng ba viên đạn vào đùi, chân và vai; mà vẫn lê đi được hơn bốn dặm. Những người đó đã tỏ ra rằng họ cũng có dũng khí cách mạng và không sợ súng đạn. Khi một đám quần chúng tay không tấc sắt, mà chính họ cũng không biết mình muốn gì, đã bị bao vây ở một bãi chợ, chỉ có mấy tên long kị binh và cảnh sát đứng giữ các lối ra cũng đủ để trấn áp, như việc đã xảy ra năm 1842, thì điều đó không hề chứng minh được rằng quần chúng thiếu dũng cảm; vì lúc ấy, dù không có bọn tay sai của chính quyền nhà nước, tức là chính quyền tư sản, thì quần chúng cũng không làm nên gì cả. Ở đâu mà nhân dân có mục tiêu rõ ràng, thì họ tỏ ra có đầy đủ dũng khí; ví dụ cuộc tấn công vào xưởng Birley, sau này người ta phải dùng cả pháo binh để bảo vệ xưởng ấy.
Nhân đây, xin có vài lời về tính thiêng liêng của pháp luật ở Anh. Với người tư sản, dĩ nhiên pháp luật là thần thánh, vì pháp luật ấy là do nó đặt ra, được ban bố với sự đồng ý của nó, để bảo vệ và làm lợi cho nó. Người tư sản hiểu rằng, ngay cả khi có một đạo luật cá biệt gây hại cho nó, thì toàn bộ hệ thống pháp luật vẫn là để bảo vệ lợi ích của nó; và trên hết là tính thiêng liêng của pháp luật, tính bất khả xâm phạm của trật tự, vốn được một nhóm người trong xã hội qui định một cách tích cực theo ý chí của mình, và được một nhóm người khác chấp nhận một cách tiêu cực, đó vẫn là trụ cột vững chắc nhất cho địa vị xã hội của nó. Người tư sản Anh thấy bản thân mình được thể hiện trong pháp luật cũng như trong thượng đế, thế nên nó coi pháp luật là thần thánh; đối với nó, cái dùi cui của cảnh sát, thực chất là cái dùi cui của nó, có sức xoa dịu lạ thường. Nhưng với công nhân thì tất nhiên không phải thế. Công nhân biết rất rõ và đã trải nghiệm nhiều lần rằng, pháp luật đối với anh ta chỉ là cái roi của giai cấp tư sản, thế nên chỉ khi bị bắt buộc thì anh ta mới gọi đến pháp luật. Thật buồn cười là có người cho rằng công nhân Anh sợ cảnh sát, khi mà tuần nào ở Manchester cũng có vụ cảnh sát bị đánh, thậm chí năm ngoái còn có âm mưu tấn công một đồn cảnh sát, vốn được bảo vệ bằng cửa sắt và cửa chớp dày. Trong cuộc bãi công năm 1842, cảnh sát có được uy lực, như đã nói ở trên, thì chỉ là vì chính công nhân đã do dự.
Vì công nhân không tôn trọng pháp luật, mà chỉ khi nào không đủ sức thay đổi pháp luật thì mới đầu hàng nó; nên tất nhiên là ít ra họ cũng muốn kiến nghị sửa đổi pháp luật, và muốn lấy pháp luật vô sản thay cho pháp luật tư sản. Pháp luật vô sản ấy chính là Hiến chương Nhân dân (People's Charter), về hình thức, đó là một văn kiện chính trị thuần túy, đòi cải tổ Hạ viện theo nguyên tắc dân chủ. Phong trào Hiến chương là biểu hiện tập trung của cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Với các công liên và các cuộc bãi công, sự đấu tranh ấy vẫn luôn bị phân tán; đó chỉ là những công nhân cá biệt, hoặc các bộ phận công nhân, chống lại một người tư sản cá biệt. Nếu cuộc đấu tranh có trở thành phổ biến, thì cũng hiếm khi là do sự tự giác của công nhân; và khi công nhân đã có chủ ý làm điều đó, thì cơ sở của sự tự giác ấy là phong trào Hiến chương. Trong phong trào Hiến chương, toàn bộ giai cấp công nhân đứng lên chống giai cấp tư sản, tấn công trước hết vào chính quyền của giai cấp tư sản, tấn công vào thành trì pháp chế mà giai cấp tư sản dùng để bảo hộ mình. Phong trào Hiến chương xuất phát từ Đảng dân chủ, đảng này phát triển từ những năm 1780, ở trong và đồng thời với giai cấp vô sản, mạnh lên trong thời kì Cách mạng Pháp, và sau khi kí hòa ước thì trở thành Đảng "cấp tiến". Bấy giờ trung tâm chủ yếu của nó là Birmingham và Manchester, còn trước kia là London. Đảng ấy liên minh với phái tư sản tự do, và buộc bọn đầu sỏ trong nghị viện cũ thông qua dự luật cải cách; từ đó, nó ngày càng được củng cố, trở thành chính đảng của công nhân, đối lập với giai cấp tư sản. Năm 1835, một ủy ban của Tổng hội liên hiệp công nhân (General Working Men's Association) ở London, do William Lovett đứng đầu, đã thảo ra Hiến chương Nhân dân gồm "sáu điểm" sau đây: 1) phổ thông đầu phiếu cho mọi đàn ông thành niên, có tinh thần lành mạnh và không phạm tội; 2) nghị viện được bầu lại hàng năm; 3) có phụ cấp cho nghị sĩ, để cho người không có tài sản cũng có thể làm đại biểu; 4) bỏ phiếu kín để ngăn ngừa sự mua chuộc và đe dọa của giai cấp tư sản; 5) phân chia khu bầu cử cho bình đẳng để bảo đảm quyền đại biểu bình đẳng; 6) thủ tiêu sự hạn chế tư cách đại biểu (vốn chỉ là thuần túy hình thức, và chỉ dành quyền ứng cử cho những người có địa sản ít nhất là 300 Bảng) để cho mỗi cử tri đều có quyền ứng cử. Sáu điểm ấy chỉ nói đến cơ cấu của Hạ viện, thoạt nhìn thì hiền lành, nhưng vẫn đủ để quét sạch Hiến pháp Anh, gồm cả Nữ hoàng và Thượng viện. Cái gọi là thành phần quân chủ và thành phần quí tộc vẫn tồn tại trong Hiến pháp, chỉ là vì giai cấp tư sản thấy có lợi khi duy trì nó làm bù nhìn; hiện nay, hai thành phần ấy đều chỉ tồn tại trên bề ngoài. Nhưng nếu Hạ viện được dư luận cả nước ủng hộ, nếu nó biểu hiện cho ý chí của toàn dân, chứ không chỉ của giai cấp tư sản; thì nó sẽ thu được toàn bộ quyền lực về mình, còn đám quân chủ và quí tộc thì sẽ mất nốt cái hào quang thần thánh cuối cùng trên đầu họ. Công nhân Anh không tôn kính gì những thượng nghị sĩ và Nữ hoàng, còn giai cấp tư sản lại coi những người này như thần thánh, dù trên thực tế thì rất ít quan tâm đến ý kiến của họ. Về chính trị, những người theo phái Hiến chương ở Anh đi theo chủ nghĩa cộng hòa, dù họ hầu như không dùng hoặc rất ít dùng từ đó; dù đồng tình với các đảng cộng hòa ở các nước, nhưng họ thích tự xưng là người dân chủ. Họ không chỉ là những người cộng hòa đơn thuần, và chủ nghĩa dân chủ của họ cũng không chỉ hạn chế ở mặt chính trị.
Bắt đầu xuất hiện từ năm 1835, phong trào Hiến chương chủ yếu được truyền bá trong công nhân, nhưng chưa cách biệt hẳn với giai cấp tiểu tư sản cấp tiến. Chủ nghĩa cấp tiến công nhân vẫn sát cánh với chủ nghĩa cấp tiến tư sản. Hiến chương là khẩu hiệu chung của họ; hàng năm, họ cùng nhau tổ chức "hội nghị quốc dân", hình như còn thành lập chung một đảng. Giai cấp tiểu tư sản lúc đó đang có tâm lí rất hiếu chiến và bạo lực, do thất vọng với kết quả của dự luật cải cách, và do sự đình đốn của thương nghiệp trong những năm 1837-1839; thế nên họ rất thích sự cổ động mãnh liệt của phái Hiến chương. Ở nước Đức thì người ta không thể nào hình dung ra tính chất quyết liệt của sự cổ động ấy. Người ta kêu gọi nhân dân cầm vũ khí, thậm chí kêu gọi khởi nghĩa; người ta cũng chế tạo giáo mác, hệt như ở thời Cách mạng Pháp trước kia. Trong phong trào năm 1838, có một giáo sĩ thuộc phái Giám lí, tên là Stephens, nói với cư dân Manchester như sau:
"Đừng sợ lực lượng của chính phủ, đừng sợ binh sĩ, lưỡi lê và đại bác của những kẻ áp bức các anh; các anh có trong tay một vũ khí có sức mạnh hơn tất cả những cái đó, một vũ khí mà lưỡi lê và đại bác không làm gì được. Một đứa trẻ mười tuổi cũng sử dụng được vũ khí đó. Chỉ cần vài que diêm và một nắm cỏ khô tẩm hắc ín là đủ rồi! Tôi muốn xem, nếu người ta dùng vũ khí đó một cách dũng cảm, thì chính phủ và mấy chục vạn binh sĩ của nó sẽ làm gì để chống lại!"8*
Nhưng cùng lúc đó, tính chất xã hội đặc biệt của phong trào Hiến chương của công nhân cũng được lộ rõ. Trong cuộc mít-tinh có 20 vạn người tham dự ở Kersall Moor, mà chúng tôi từng gọi là "Núi thánh" của Manchester, giáo sĩ Stephens ấy lại nói rằng:
"Các bạn, phong trào Hiến chương không phải là một vấn đề chính trị, để giành quyền bầu cử cho các bạn, v.v.; phong trào Hiến chương là vấn đề bát đĩa; Hiến chương tức là ở tốt, ăn ngon, lương cao, ngày lao động ngắn".
Vì vậy, phong trào chống đạo luật mới về người nghèo và đòi dự luật mười giờ có mối liên hệ hết sức gần gũi với phong trào Hiến chương. Trong mọi cuộc mít-tinh thời ấy đều có mặt Oastler, người thuộc đảng Tory; và ngoài đơn thỉnh nguyện của quốc dân (đã được thông qua ở Birmingham), đòi thực hiện Hiến chương Nhân dân, còn có hàng trăm đơn thỉnh nguyện về việc cải thiện tình cảnh xã hội của công nhân. Năm 1839, sự cổ động vẫn sôi nổi; cuối năm ấy, khi phong trào vừa mới dịu xuống một ít, thì Bussey, Taylor và Frost vội vàng tổ chức khởi nghĩa đồng loạt ở miền Bắc Anh, Yorkshire và Wales. Vì kế hoạch của Frost bị kẻ phản bội tố giác, nên ông buộc phải phát động khởi nghĩa non, và bị đàn áp. Những người tổ chức khởi nghĩa ở miền Bắc đã kịp rút lui khi biết về thất bại của Frost. Hai tháng sau, tháng Giêng 1840, ở Yorkshire đã nổ ra mấy cuộc gọi là bạo động cảnh sát (spy-outbreak), như tại Sheffield và Bradford, sau đó phong trào dần lắng xuống. Trong khi đó, giai cấp tư sản tập trung vào các dự án thực tế hơn, có lợi hơn cho họ, đó là xóa bỏ các đạo luật ngũ cốc. Hiệp hội chống đạo luật ngũ cốc đã được thành lập ở Manchester, do đó mà sự liên minh giữa giai cấp tư sản cấp tiến và giai cấp vô sản bị suy yếu. Công nhân sớm hiểu rằng việc bỏ đạo luật ngũ cốc có lợi rất ít cho họ, mà lại có lợi rất lớn cho giai cấp tư sản, thế nên dự án đó của giai cấp tư sản không được họ ủng hộ. Và rồi cuộc khủng hoảng năm 1842 nổ ra. Công tác cổ động lại sôi nổi như năm 1839. Nhưng lần này giai cấp tư sản công nghiệp giàu có cũng tham gia, vì họ bị thua lỗ rất lớn trong khủng hoảng. Hiệp hội do các chủ xưởng Manchester tổ chức năm xưa, nay gọi là Đồng minh chống đạo luật ngũ cốc, đã có tính chiến đấu và cấp tiến rất cao. Báo chí và những người cổ động của họ đã sử dụng ngôn ngữ cách mạng công khai; một lí do chính của việc này là từ năm 1841, Đảng bảo thủ lên nắm chính quyền. Y như phái Hiến chương trước kia, bây giờ Đồng minh cũng kêu gọi khởi nghĩa; và công nhân, những người chịu đau khổ nhất trong cuộc khủng hoảng, cũng không ngồi yên; cái đơn thỉnh nguyện năm ấy, với 3 triệu rưỡi người kí tên, đã chứng tỏ điều đó. Tóm lại, nếu hai đảng cấp tiến ấy trước kia có hơi tách khỏi nhau, thì nay lại liên minh với nhau. Ngày 15 tháng Hai 1842, trong hội nghị liên tịch ở Manchester, Đảng tự do và phái Hiến chương soạn thảo một lá đơn thỉnh nguyện, yêu cầu xóa bỏ các đạo luật ngũ cốc và thực hiện Hiến chương; ngày hôm sau, hai đảng đã thông qua lá đơn ấy. Mùa xuân và mùa hè đi qua, việc cổ động vẫn quyết liệt, và tình hình nghèo khổ ngày càng tăng. Giai cấp tư sản quyết tâm lợi dụng khủng hoảng, sự thiếu thốn do khủng hoảng gây ra, và tình hình náo động ở nhiều nơi, để đạt mục đích: xóa bỏ các đạo luật ngũ cốc. Lúc này những người thuộc đảng Tory đang nắm chính quyền, nên giai cấp tư sản dường như vứt bỏ cả lòng yêu quí pháp luật của mình: họ muốn có cách mạng, nhưng lại muốn mượn tay công nhân làm. Họ muốn công nhân thò tay vào lửa lấy hạt dẻ cho họ, và vì họ mà chịu bỏng tay. Khẩu hiệu"tháng thần thánh", do phái Hiến chương đề ra năm 1839, để kêu gọi tổng bãi công, nay lại có ở khắp nơi; nhưng lần này không phải công nhân muốn nghỉ việc, mà là chủ xưởng muốn đóng cửa nhà máy, đưa công nhân về nông thôn, đẩy họ đến những lãnh địa của bọn quí tộc, để bắt nghị viện và chính phủ của đảng bảo thủ phải bỏ thuế ngũ cốc. Tất nhiên là việc đó có thể đưa đến khởi nghĩa, nhưng giai cấp tư sản vẫn nấp trong bóng tối, và có thể ngồi chờ kết quả, nếu thất bại thì cũng không hại đến mình. Cuối tháng Bẩy, tình hình thị trường bắt đầu khá lên, không thể trì hoãn nữa; để khỏi lỡ thời cơ, ba công ti ở Stalybridge liền hạ lương, trong khi tình hình kinh tế đang khá lên (xem báo cáo về thương nghiệp của Manchester và Leeds cuối tháng Bẩy và đầu tháng Tám). Họ tự động làm thế, hay đã có thỏa thuận với các chủ xưởng khác, đặc biệt là với Đồng minh; cái đó tôi không rõ. Nhưng không lâu sau, hai công ti đã rút lui, còn công ti thứ ba, tên là William Bailey & Anh em, thì vẫn không lay chuyển và đáp lại lời phàn nàn của công nhân rằng "nếu họ không thích thế thì họ nên đi dạo chơi một thời gian". Câu châm biếm ấy khiến công nhân la ó phẫn nộ; họ rời công xưởng, tỏa ra khắp thành phố để kêu gọi tất cả công nhân bãi công. Chỉ sau mấy giờ, tất cả các xưởng đều ngừng việc, từng đoàn công nhân kéo đến Mottram Moor để mít-tinh. Đó là ngày 5 tháng Tám. Ngày 8 tháng Tám, 5000 người kéo đến Ashton và Hyde, khiến cho mọi công xưởng và mỏ than đều đóng cửa, và tổ chức mít-tinh ở nhiều nơi; nhưng họ không nói về việc xóa bỏ đạo luật ngũ cốc, như giai cấp tư sản hi vọng, mà họ nói về "tiền công phải chăng cho một ngày lao động phải chăng" (a fair day's wages for a fair day's work). Ngày 9 tháng Tám, họ đến Manchester, và không gặp ngăn trở gì từ phía chính quyền (vì chính quyền toàn là người của Đảng tự do); mọi công xưởng ở đó đều dừng việc. Ngày 11 tháng Tám, họ đến Stockport; khi tới nhà tế bần, đứa con cưng của giai cấp tư sản, thì lần đầu tiên họ bị kháng cự. Cùng hôm ấy, ở Bolton đã nổ ra tổng bãi công và nhiều vụ náo động, mà chính quyền cũng không ngăn trở gì; cuộc khởi nghĩa mau chóng lan rộng đến mọi khu công nghiệp, trừ ngành gặt hái và thực phẩm, còn thì mọi công việc đều dừng lại. Nhưng các công nhân khởi nghĩa vẫn bình tĩnh. Không phải là tự họ muốn vùng lên, mà họ bị bắt buộc: trừ một người, đảng viên đảng Tory ở Manchester, tên là Birley, còn thì các chủ xưởng đều làm trái với thói quen của họ, và không chống lại bãi công. Sự việc đã nổ ra, nhưng công nhân không có mục đích rõ ràng. Thực ra họ có nhất trí ở một việc là không lí gì lại xông vào lửa đạn để bảo vệ lợi ích của bọn chủ xưởng chống đạo luật ngũ cốc, nhưng về các mặt khác, thì một số người đòi thực hiện Hiến chương, một số khác cho rằng việc đó còn quá sớm, và chỉ đòi khôi phục mức lương của năm 1840. Toàn bộ cuộc nổi dậy vì thế mà thất bại. Nếu ngay từ đầu, nó đã là cuộc khởi nghĩa tự giác và kiên quyết của công nhân, thì nhất định nó đã thắng lợi rồi. Nhưng quần chúng bị bọn chủ xua ra đường phố trái với ý muốn của họ, không có mục đích rõ rệt, nên đã không làm được gì. Trong khi đó, giai cấp tư sản chẳng thèm nhúc nhích gì để thực hiện những thỏa thuận ngày 15 tháng Hai, và đã sớm hiểu ra rằng công nhân không muốn làm công cụ cho họ; còn cái hành vi tiền hậu bất nhất, mà họ đã thể hiện trong việc né tránh con đường "hợp pháp", thì đang gây nguy hiểm cho bản thân họ; thế nên họ liền quay về lập trường tôn trọng pháp luật, chạy về phía chính phủ, chống lại những công nhân mà chính họ đã xúi giục rồi sau đó ép phải khởi nghĩa. Giai cấp tư sản, và tay sai trung thành của họ, gia nhập các đội cảnh sát đặc biệt; đến các nhà buôn người Đức ở Manchester cũng tham gia, tay cầm can, mồm ngậm xì-gà, họ đi diễu một cách hoàn toàn vô ích trên các phố; ở Preston họ ra lệnh bắn vào nhân dân, thế là cuộc khởi nghĩa tự phát của nhân dân đột nhiên phải đối mặt không chỉ với lực lượng vũ trang của chính phủ, mà còn với toàn bộ giai cấp có của. Công nhân, vốn không có mục đích rõ ràng, nên đã dần giải tán, và cuộc khởi nghĩa kết thúc mà không có hậu quả gì nghiêm trọng. Sau đó, giai cấp tư sản còn làm nhiều điều bỉ ổi khác: để tự bào chữa, họ tỏ ra ghê tởm những hành động bạo lực của nhân dân, thái độ ấy chẳng ăn khớp gì với những lời lẽ cách mạng của chính họ hồi mùa xuân; họ đổ hết tội lỗi cho những "kẻ xúi giục" thuộc phái Hiến chương v.v., dù chính họ còn làm nhiều hơn cả phái Hiến chương trong việc gây ra khởi nghĩa; họ trở lại lập trường cũ của mình về tính thiêng liêng của pháp luật, với sự vô liêm sỉ cực độ. Phái Hiến chương hầu như hoàn toàn không tham gia chuẩn bị khởi nghĩa, họ chỉ làm cái việc mà chính giai cấp tư sản đang sửa soạn làm, tức là lợi dụng tình thế, nhưng họ lại bị truy tố và xử tội; giai cấp tư sản thì không mất gì, hơn nữa, trong thời kì đình công, họ còn có thể bán hết hàng tồn kho để thu lợi.
Kết quả của cuộc khởi nghĩa này là giai cấp vô sản tách hẳn ra khỏi giai cấp tư sản. Phái Hiến chương trước nay thì không che giấu rằng họ sẵn sàng dùng mọi biện pháp để thực hiện Hiến chương của mình, thậm chí là cách mạng. Còn giai cấp tư sản lúc này đột nhiên hiểu rằng bất kì cuộc biến chuyển bằng bạo lực nào cũng là nguy hiểm cho mình; họ không muốn nghe về "lực lượng vật chất" nữa, mà chỉ muốn dùng "lực lượng tinh thần" để đạt mục đích của mình; như thể là "lực lượng tinh thần" thì khác hẳn với việc "trực tiếp hoặc gián tiếp đe dọa sử dụng lực lượng vật chất". Đó là một điểm chia rẽ, nhưng về sau nó đã bị thủ tiêu, do lời tuyên bố của phái Hiến chương (phái này ít ra cũng đáng tin ngang với giai cấp tư sản tự do) rằng họ cũng không cần đến lực lượng vật chất. Điểm chia rẽ thứ hai, và là điểm chủ chốt, giúp cho phong trào Hiến chương đến được sự thuần khiết của nó, là vấn đề xóa bỏ đạo luật ngũ cốc. Giai cấp tư sản cấp tiến quan tâm đến việc ấy, còn giai cấp vô sản thì không. Thế là Đảng Hiến chương trước kia liền chia làm hai; những nguyên tắc chính trị của hai đảng ấy, trên lời nói thì y hệt nhau, nhưng trên thực tế thì khác hẳn nhau, đến mức không thể điều hòa nổi. Tại hội nghị quốc dân Birmingham tháng Giêng 1843, ông Sturge, đại biểu của