(4,0 điểm) Đọc văn bản:
NHỮNG VÙNG TRỜI KHÁC NHAU
Tóm tắt bối cảnh: Lê và Sơn là pháo thủ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Lần đầu gặp gỡ, Lê không có cảm tình với Sơn – một công tử Hà Nội trắng trẻo. Sau ba năm, những ấn tượng đầu tiên về Sơn đã thay đổi. Lê và Sơn trở thành đôi bạn thân. Họ cùng về Nghệ An đóng quân cạnh làng của Lê. Trong một trận chiến đấu, Sơn bị thương nặng phải vào Quân y viện. Khi Sơn trở lại đơn vị, anh được phân công tiếp tục ở lại Nghệ An, còn Lê được điều ra Hà Nội. Phần văn bản sau kể về cảnh hai người bạn chia tay để chuyển đến chiến đấu ở những vùng trời khác nhau.
Một đêm, Lê và Sơn đứng bên nhau rất lâu trên cái gò đất xung quanh ì ầm tiếng sấm và tiếng nước lũ đổ về. Trước mặt hai người chỉ huy, những pháo thủ của đại đội pháo cũ gặp nhau trên mảnh đất miền Tây Quảng Bình đang từ biệt nhau. Đại đội pháo của họ như một gốc cây đã lớn, nhựa cây ứ đầy tỏa ra thành hai nhánh.
Đại đội của Lê đã dàn xe pháo sẵn sàng trên mặt đất theo đội hình hành quân.
Lê ngừng lên ngắm một lần cuối cùng vùng trời quê hương mình, nói với Sơn:
– Mấy hôm nay ngày nào chúng cũng cho máy bay trinh sát…
– Cậu cứ yên tâm. Chúng mình sẽ bảo vệ cái đập nước và vùng trời quê hương của cậu bằng mọi giá…
– Tớ rất tin… Tớ rất tin cậu!
Sau ba năm sống với nhau từ ngày hai người còn ngồi trên hai chiếc ghế sắt của một khẩu 37 cũ kỹ, lần này Lê và Sơn mỗi người nhận một nhiệm vụ. Họ chia nhau tấm giát nằm, vài tấm áo sặc mùi thuốc đạn và chia nhau bầu trời Tổ quốc trên đầu. Tận trong những ý nghĩ sâu kín nhất của Lê, anh đã coi Sơn như một đồng chí thân thiết nhất trong đời lính – “Đi nhá!”. Họ bắt tay nhau, từ biệt nhau chỉ có hai tiếng ấy.
Lê bắt đầu một cuộc hành quân dài. Những thùng xe chất đầy đồ đạc. Bên những nòng pháo chênh chếch chĩa lên trời lại bày ra trước mắt thiên hạ cả cuộc sống bình thường của con nhà lính. Hãy nhìn những người chiến sĩ cao xạ ngồi ngất ngưởng hai bên thành xe; có một trăm người lính thì có một trăm cuộc đời và vùng trời quê khác nhau. Họ đi qua cầu Bùng, cầu Hổ, Hàm Rồng và Nam Định, Phủ Lý, để lại phía sau rất xa những đèo Ngang, Quán Hàu[1], Bãi Hà… Những vùng trời họ đã để lại một nửa tâm hồn ở đấy.
[…] Thế là hôm nay Lê đã đứng dưới bầu trời Hà Nội, cạnh những người đồng đội mới và cũ. Trời gần sáng. Sau lưng Lê, Thủ đô đầy tiếng động như một cái tổ ong vừa thức giấc. Lê tựa lưng vào vách ụ pháo và nhớ lại giấc mơ vừa qua[2]. Phải rồi, Sơn có ra ngoài này đâu? Sơn đang chiến đấu trong vùng trời quê hương của Lê. Ngày nào hai người mới từ biệt nhau trên gò đất trận địa của đại đội Sơn, những ụ pháo ở đấy đắp bằng phù sa sông Lam vàng tươi như nghệ, giữa một bãi sông trồng toàn lạc.
Đất phù sa sông Hồng truyền[3] sang người Lê một cảm giác mát lạnh – “Như thể là mình đã đứng ở đây – Lê chợt nghĩ một cách thú vị – bên cạnh Hà Nội, cái thành phố Thủ đô mà Sơn từng thân thuộc từng gốc cây, từng mảnh tường và cả từng sắc mây trên nóc phố”.
(Nguyễn Minh Châu, Tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu,
NXB Văn học, 2022, tr.33 - 35)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Trong văn bản, quê hương của Lê và quê hương của Sơn gắn với hai dòng sông nào?
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn sau: Đại đội pháo của họ như một gốc cây đa lớn, nhựa cây ứ đầy toả ra thành hai nhánh.
Câu 4. Nêu vai trò của chi tiết Họ chia nhau tấm giát nằm, vài tấm áo sặc mùi thuốc đạn và chia nhau bầu trời Tổ quốc trên đầu trong việc thể hiện nội dung văn bản.
Câu 5. Hai ngữ liệu sau đây có sự tương đồng nào về ý nghĩa?
– Họ đi qua cầu Bùng, cầu Hổ, Hàm Rồng và Nam Định, Phủ Lý, để lại phía sau rất xa những đèo Ngang, Quán Hầu, Bãi Hà… Những vùng trời họ đã để lại một nửa tâm hồn ở đấy.
(Những vùng trời khác nhau – Nguyễn Minh Châu)
– Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Chú thích:
[1] Ngữ liệu nguồn ghi là Hầu.
[2] Giấc mơ Lê gặp lại Sơn tại Hà Nội được nói đến ở phần đầu tác phẩm.
[3] Ngữ liệu nguồn ghi là là chuyền.