Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Hướng dẫn viết đoạn văn nghị luận (Nghị luận xã hội) SVIP
HƯỚNG DẪN VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI
1. Cấu trúc của đoạn văn Nghị luận xã hội (200 chữ)
- Đoạn văn bàn luận về một khía cạnh, một ý nhỏ của vấn đề.
- Ví dụ: Sức mạnh của tình người trong cuộc sống
+ Vấn đề: Tình người (trong cuộc sống).
+ Khía cạnh cần làm rõ: Sức mạnh của tình người (Người viết cần làm rõ: Tình người trong cuộc sống đã giúp đỡ, mang đến cho con người, cộng đồng điều gì?)
- Dung lượng: 200 chữ (khoảng 2/3 trang giấy thi), tránh viết quá dài, không triển khai như một bài văn thu nhỏ (gồm giải thích, bàn luận, chứng minh, phản đề, bài học nhận thức,...), không ngẫu nhiên xuống dòng và lùi đầu dòng.
2. Gợi ý cách viết
- Mở đoạn: Dẫn dắt bằng một câu hỏi/ hình ảnh/ hiện tượng cụ thể,...
- Thân đoạn:
+ Giải thích (thật ngắn gọn): Có thể dùng từ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc một hình ảnh cụ thể, một hình ảnh tượng trưng,...
+ Bàn luận: Triển khai nội dung các ý.
+ Chứng minh: Đưa ra những dẫn chứng cụ thể có sức ảnh hưởng lớn và liên quan mật thiết đến nội dung vấn đề.
- Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề (Có thể dùng câu nói ý nghĩa/ hình ảnh ẩn ý).
3. Một số lưu ý để đoạn văn nghị luận xã hội hấp dẫn
- Không nên quá khuôn mẫu (mục đích của đoạn văn là làm rõ một khía cạnh của vấn đề, nên chỉ cần xoáy sâu vào nội dung đề hỏi; không nhất thiết phải theo một cấu trúc nhất định để tránh khuôn mẫu).
- Thêm một số câu nói/ hình ảnh tượng trưng cho bài viết thêm phong phú, không đơn điệu, một màu.
- Cần mở rộng nội dung bàn luận, không nên an toàn với những ý quá cơ bản (có thể mở rộng các dẫn chứng ngoài nước, và không nên lấy dẫn chứng quá “thuộc mặt”, quá xa, quá cũ).
- Thể hiện rõ quan điểm cá nhân trong bài viết về vấn đề (ca ngợi/ đồng tình/ phản đối/ trăn trở,...).
- Thông điệp và bài học: Thể hiện một cách chân thành, hướng đến những phương hướng hành động thiết thực.
4. Một số dạng đề thường gặp
- Dạng 1: Ý nghĩa
+ Trong đề bài có các từ khóa như: Vai trò, ý nghĩa, tác dụng, lợi ích, sự cần thiết, tại sao phải,...
+ Ví dụ: Tại sao phải từ bỏ những thói quen xấu?
- Dạng 2: Hậu quả
+ Trong đề bài có các từ khóa như: Sẽ như thế nào, tác hại, hậu quả, ảnh hưởng,...
+ Ví dụ: Sự thụ động của bản thân sẽ có hậu quả như thế nào?
+ Khi gặp dạng đề này, người viết cần trình bày những mặt tiêu cực của vấn đề mang lại.
- Dạng 3: Giải pháp
+ Trong đề bài có các từ khóa như: Cách để, làm thế nào, làm sao để, điều cần làm,...
+ Ví dụ: Theo anh/ chị, làm thế nào để suy nghĩ tích cực?
+ Khi gặp dạng đề này, người viết cần nêu được những giải pháp, cách thức xử lí vấn đề.
- Dạng 4: Nguyên nhân
+ Trong đề bài có các từ khóa như: Nguyên nhân, vì sao, tại sao, lí do nào, đâu là lí do,...
+ Ví dụ: Anh chị hãy trình bày nguyên nhân của thói quen trì hoãn.
+ Khi gặp dạng đề này, người viết cần nêu nguyên nhân khách quan và chủ quan của vấn đề.
- Dạng 5: Thực trạng
+ Trong đề bài có các từ khóa như: Thực trạng, đang diễn ra như thế nào, bộ mặt, hiện nay như thế nào, tình trạng,...
+ Ví dụ: Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tình trạng bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội hiện nay.
+ Khi gặp dạng đề này, người viết cần nêu thực trạng của vấn đề.
5. Một số đoạn văn tham khảo
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi".
Những câu hát quen thuộc trong bài hát nổi tiếng "Để gió cuốn đi" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gợi lên trong lòng mỗi người về việc lan toả tình yêu thương. Đó là hành động kết nối những tấm lòng, mang hơi ấm của tình người đến với tất cả chúng ta, nhờ sự lan toả đó mà cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, chúng ta sống trong một cộng đồng chung và tình yêu thương là chất keo gắn kết mọi người. Lan toả tình yêu thương làm cho mối quan hệ giữa người với người gần gũi và tốt đẹp hơn, không chỉ thể hiện nhân cách đáng quý của mỗi cá nhân mà còn góp phần hình thành một xã hội văn minh, phát triển. Cuộc sống luôn có khó khăn và con người không phải bao giờ cũng có thể tự mình vượt qua thách thức cho nên sức mạnh của sự lan toả tình yêu thương là giúp đỡ người khác, hỗ trợ lẫn nhau bước ra khỏi những biến cố cuộc đời. Chúng ta đã phải đối mặt với dịch Covid-19, sự lây lan của vi-rút làm cho cuộc sống bị đảo lộn và con người chịu nhiều tổn thương. Trong hoàn cảnh đó, việc lan tỏa yêu thương càng thể hiện sức mạnh của nó, mọi người sẵn lòng đưa tay ra cho người cần mình, những cây ATM gạo, ATM oxy liên tiếp được mở ra để hỗ trợ người nghèo; những bữa cơm không đồng để không ai bị bỏ đói,... và sự hi sinh thầm lặng của những người tuyến đầu khiến cho ta cảm nhận rõ hơn về sức mạnh của tình thương. Chúng ta không chỉ cùng nhau vượt lên khó khăn mà còn cho thấy một cộng đồng gắn kết, một dân tộc giàu truyền thống tương thân tương ái. Cuộc sống hiện đại với guồng quay xô bồ, đôi lúc con người không có thời gian để quan tâm, sẻ chia với người khác, vô tình khiến trái tim mình trở nên lạnh nhạt hay sự phổ biến của mạng xã hội khiến chúng ta quên đi giá trị thực sự của đời sống, bối cảnh này càng yêu cầu chúng ta ý thức được sức mạnh của việc lan toả tình yêu thương để từ đó không ngừng trao đi tấm lòng, nhận lại hạnh phúc. Vậy tại sao mỗi người lại không chọn cho mình một cuộc sống chan chứa tình thương?
(Trần Thùy Dương)
Cổ nhân có câu: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" (Trước tiên thì phải nhìn nhận về mình, sau đó mới nói đến người khác). Đây có lẽ luôn là cách sống, ứng xử mà mỗi con người cần có. Con người bên cạnh tư cách cá thể độc lập, chúng ta vẫn luôn giữ một vai trò trong một cộng đồng, xã hội. Chính vì thế chúng ta không thể tránh khỏi sự ảnh hưởng của người khác lên cuộc sống của chính mình. Với sợi dây liên kết vô hình nhưng bền chặt ấy, chúng ta dường như hình thành suy nghĩ "do kẻ khác" . Đó là khi ta gặp khó khăn hay thất bại, ta làm sai hay mắc lỗi,.. ở bất cứ khoảnh khắc nào ta cũng có thể đẩy những nguyên nhân, lý do lên những người khác. Chúng ta xem nhẹ vai trò của bản thân mình trong mọi việc và khiến bản thân trở thành người bị hại. Những lời xin lỗi chân thành dường như biến mất giữa đời vì ta nghĩ lỗi tại kẻ khác. Ta chẳng khi nào biết mình sai, biết nguyên nhân của những thất bại ở đâu vì ta luôn nghĩ mình là kẻ đúng. Những người xung quanh trở thành một nguyên do tất yếu cho bất kỳ câu chuyện nào, họ mặc nhiên trở thành cái cớ để ta oán trách. Một loạt những suy nghĩ "vì", "tại", "do" trở thành suy nghĩ phổ biến. Và rồi chính những suy nghĩ ấy trở thành nếp sống đầy tại hại, khi ta sống mà chẳng hề biết nhìn nhận về bản thân, chẳng biết rút cho mình những kinh nghiệm mà chỉ biết cách đổ lỗi cho kẻ khác. Cậu bé chăn cừu oán trách chẳng ai giúp mình mà chẳng hề nghĩ đến lời nói dối gây mất lòng tin lúc trước. Một cô gái giữa đại dịch bùng phát không khai báo thành thật, nhưng lại đổ lỗi để che lấp đi ý thức kém của bản thân. Chúng ta đổ lỗi cho Covid đã làm chúng ta điêu đứng, nhưng hãy nhìn mà xem vẫn rất nhiều doanh nghiệp đứng vững. Có lẽ mỗi chúng ta cần biết nhìn lại, nhìn sâu vào những điều bản thân đã làm. Chúng ta cần đặt câu hỏi "Vì sao?" cho chính bản thân mình để tìm nguyên nhân trong chính suy nghĩ hay hành động. Trước khi nhấn người xung quanh vào vũng lầy của lỗi lầm, hãy thử suy xét về mình, hãy thử kiểm điểm bản thân. Khi ấy ta mới biết chính mình đã sai ở đâu và thay đổi lỗi sai ấy. Con người cần trực diện với chính mình, "đừng đổ lỗi cho người khác cùng đừng đổ thừa cho số phận".
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây