Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 9 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU - NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ DÂN TỘC
Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường nhưng con mắt của chung ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của "Lục Vân Tiên", hiểu "Lục Vân Tiên" khá thiên lệch về nội dung và nghệ thuật còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống thực dân Pháp.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược. Ông vốn là một nhà nho sinh trưởng ở đất Đồng Nai hào phóng, lại sống giữa lúc đất nước lâm nguy, vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi tỏ tâm hồn trong sáng, cao quý lạ thường của tác giả và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!
"Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã!". Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng. Cảnh đất nước cũng như cảnh riêng càng long đong, đen tối, thì khí tiết của người chí sĩ yêu nước càng cao cả, rạng rỡ: "Sự đời thà khuất đôi tròng thịt/ Lòng đạo xin tròn một tấm gương!".
Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì nghĩa lớn. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng: "Học theo ngòi bút chí công/ Trong thơ cho ngụ tấm lòng Xuân thu!" hay: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà."
Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức. Và Nguyễn Đình Chiểu trọng chức trách của mình chừng nào thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa chừng nấy: "Thấy nay cũng nhóm văn chương/ Vóc dê da cọp khôn lường thực hư!" [...]
Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút - tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu - đã diễn tả, thật sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước. Chúng ta hãy đọc lại nhiều đoạn trong bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" [...] Bài văn ấy của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi. Hai bài văn hai cảnh ngộ, hai thời buổi nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...".
Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bây giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ.
(Bài viết vào tháng 7/1963 nhân dịp kỉ niệm 75 ngày mất của Nguyễn Đinh Chiểu, in trong: Tuyển tập Phạm Văn Đồng, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008)
Câu 1. Văn bản trên bàn về vấn đề gì?
Câu 2. Xác định hai câu văn mà người viết đã sử dụng trong bài để nêu nhận xét khái quát, chính xác và sinh động về đặc điểm, giá trị văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu.
Câu 3. Nêu nhận xét về việc lựa chọn và sử dụng bằng chứng của người viết trong văn bản.
Câu 4. Mục đích so sánh hai văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu) và Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) là gì?
Câu 5. Kết thúc văn bản, tác giả viết: "Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ". Hãy liên hệ với thực tiễn hiện nay để đưa ra lí lẽ/ bằng chứng khẳng định sau hơn nửa thế kỉ (tính từ khi tác giả viết bài này - năm 1963), niềm tin, niềm hi vọng của tác giả đã trở thành hiện thực.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Vấn đề nghị luận của văn bản là: tấm lòng yêu nước sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua thơ, văn.
Câu 2.
Hai câu văn trong bài nêu nhận xét khái quát, chính xác và sinh động về đặc điểm, giá trị văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu: "Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường nhưng con mắt của chung ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy."
Câu 3.
- Học sinh có thể nêu lên nhận xét khác nhau nhưng cần phù hợp với việc lựa chọn và sử dụng bằng chứng trong văn bản:
+ Tác giả đã lựa chọn những bằng chứng rất tiêu biểu trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Đình Chiểu làm dẫn chứng.
+ Bằng chứng toàn diện, bao gồm cả thơ và văn.
+ Bằng chứng phù hợp, góp phần làm sáng tỏ cho lí lẽ, luận điểm của văn bản (tập trung làm sáng tỏ tấm lòng yêu nước sâu sắc và quan điểm sống, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu).
Câu 4.
- HS xác định đúng mục đích so sánh hai văn bản:
+ Nêu lên những điểm giống và khác nhau giữa hai văn bản, qua đó tác giả nhấn mạnh dù chiến thắng (Bình Ngô đại cáo) hay bại trận hi sinh (như trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), dân tộc ta, nhân dân ta vẫn rất anh hùng, luôn khát khao hòa bình, sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
+ Khẳng định những đóng góp to lớn, mang sắc thái rất riêng của Nguyễn Đình Chiểu đối với dòng mạch văn thơ yêu nước.
Câu 5.
- HS cần kết nối, liên hệ với thực tiễn:
+ Nhân dân ta đã anh hùng đánh thắng giặc ngoại xâm; đất nước đã hòa bình, thống nhất; muôn dân được sống tự do, độc lập và hạnh phúc.
+ Khát vọng của nhân dân ta và nghĩa quân Cần Giuộc năm ấy, bây giờ đã trở thành hiện thực. Vì vậy, linh hồn của họ sẽ được "hả dạ" (vui vẻ trong lòng).
+ Niềm tin, niềm hi vọng của tác giả Phạm Văn Đồng trong bài viết cách đây hơn nửa thế kỉ cũng đã trở thành hiện thực.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích bài thơ haiku sau đây.
Đẹp cô cùng
nhìn qua cửa giấy rách
ô kìa sông Ngân
(Kobayashi Issa)
Câu 2. (4 điểm)
Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng coi trọng quá mức giá trị của đồng tiền mà có những hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực với người khác. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người thân của em từ bỏ quan niệm: "Có tiền mua tiên cũng được".
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích bài thơ haiku của Kobayashi Isso.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về hình thức:
~ Chú ý phân tích về thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, nhạc điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh thơ.
~ Phân tích hình tượng sông Ngân trong bài thơ: hình ảnh sông Ngân xuất hiện một cách bất ngờ qua cửa giấy rách. Như vậy cái nhìn bị thu hẹp lại chỉ qua một lỗ/ khe/ ô giấy rách. Nhưng điểm đặc biệt chính là sự xuất hiện của sông Ngân khiến cho nhân vật trữ tình cảm thấy ngỡ ngàng, bất ngờ như thể ánh nhìn vừa chạm vào lỗ/ khe/ ô giấy rách ấy, nhân vật đã bị "hớp hồn" bởi vẻ đẹp của sông Ngân.
+ Về nội dung: bài thơ nói lên sự giao hòa, giao cảm của con người với thiên nhiên, qua đó làm nổi bật lên sự hài hòa giữa con người và cảnh vật của một tâm hồn yêu thiên nhiên rất đỗi nhạy cảm và tinh tế.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thuyết phục người thân từ bỏ quan niệm "Có tiền mua tiên cũng được".
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Biểu hiện: sinh viên bỏ tiền thuê người học hộ, thi hộ, mua bằng giả; học sinh có thể dùng tiền để thuê người chép bài, làm bài tập về nhà,...
+ Hệ quả: hình thành thói ỷ lại; không cải thiện được kiến thức, kĩ năng của bản thân; có những hành vi thiếu chuẩn mực với người khác khi thô lỗ, cho rằng chuyện gì cũng có thể giải quyết bằng đồng tiền...
+ Biện pháp khắc phục: khuyên răn để người thân hiểu; tạo ra những sự gắn kết đặc biệt như bữa cơm gia đình, xây dựng những mối quan hệ tích cực để người thân hiểu rằng tình cảm là thứ đáng quý, đáng trân trọng hơn cả tiền bạc,...
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.