Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề luyện viết đoạn văn nghị luận phân tích một tác phẩm truyện SVIP
(2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Đạm Tiên trong đoạn trích sau.
Bài đọc:
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
Vương Quan mới dẫn gần xa:
“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi(1).
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa, hiếm gì yến anh.
Phận hồng nhan có mong manh(2),
Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương(3).
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình(4) vừa ghé tới nơi,
Thì đà trâm gãy, bình rơi(5) bao giờ.
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử(6) xe châu(7),
Vùi nông một nấm(8), mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn, ác tà(9),
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!"
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa(10):
"Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Chú thích:
(1) Ca nhi: Gái hát, cũng như ta nói ả đào.
(2) Phận hồng nhan có mong manh: Ý nói số phận mong manh của người con gái đẹp.
(3) Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương: Ý nói đang giữa tuổi xuân thì người đẹp chết.
(4) Thuyền tình: Người khách viễn phương đến tìm Đạm Tiên.
(5) Trâm gãy, bình rơi: Ý nói người đã chết, lấy ý tứ từ câu thơ Đường: Nhất phiến tình chu phương đáo ngạn / Bình trâm hoa chiết dĩ đa thì (Một lá thuyền tình vừa tới bến / Bình rơi hoa gãy đã từ lâu).
(6) Nếp tử: Áo quan làm bằng gỗ tử.
(7) Xe châu: Linh xa có treo rèm châu, ý nói linh xa lịch sự sang trọng.
(8) Vùi nông một nấm: Ý chỉ một nấm mồ thấp, sát mặt đất.
(9) Thỏ lặn, ác tà: Thỏ đại diện cho Mặt Trăng, ác là con quạ, cùng nghĩa với chữ "ô", chỉ Mặt Trời.
(10) Châu sa: Ý chỉ nước mắt rơi xuống. Sách xưa chép rằng: Xưa có giống người ở giữa biển gọi là Giao nhân - một thứ cá hình người. Giống người này khóc thì nước mắt đọng lại, kết thành hạt ngọc.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Đạm Tiên trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Nhân vật Đạm Tiên xuất hiện gián tiếp qua lời kể của Vương Quan:
++ Nghề nghiệp: ca nhi.
++ Ngoại hình: Xinh đẹp: Nổi danh tài sắc.
=> Xinh đẹp, tài năng nên được nhiều người quan tâm, tìm đến.
++ Số phận: Yểu mệnh, chết sớm: Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương. Dù vậy, nàng vẫn được người khách phương xa yêu mến, lo toan hậu sự chu đáo: Sắm sanh nếp tử xe châu. Nhưng thời gian dần trôi, vì không người thân thích, nấm mồ của Đạm Tiên không được chăm nom, săn sóc nên dần trở nên Sè sè nấm đất bên đàng, / Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
+ HS nhận xét, đánh giá về nhân vật: Số phận của Đạm Tiên thật nhỏ bé, đáng thương. Vốn là người con gái tài năng, xinh đẹp, nàng phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc, êm ấm. Nhưng thật là số phận trêu ngươi, Đạm Tiên qua đời khi mới nửa chừng xuân. Sau khi nàng mất, hoàn cảnh của nàng lại càng khiến người ta chạnh lòng thêm nữa vì mộ phần của nàng không ai đoái hoài, săn sóc, mặc vậy úa tàn theo năm tháng.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
(2 điểm) Viết đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Đức trong truyện ngắn Thằng gù của Hạ Huyền.
Bài đọc:
THẰNG GÙ
Làng tôi có một đứa trẻ bị tật nguyền. Nó tên là Đức, một cái tên hẳn hoi nhưng tất cả bọn trẻ chúng tôi đều gọi tên nó là thằng Gù. Lên mười tuổi mà thằng Gù vẫn chưa đi học, chẳng hiểu do mặc cảm hay do điều gì khác. Nhiều hôm từ trong phòng học (phòng học của chúng tôi ở tầng hai), tôi thấy thằng Gù chăn trâu ngoài cánh đồng. Cái hình người gấp khúc, chỗ đỉnh gù cao hơn chỏm đầu khiến tôi nhận ngay ra nó. Nó và con trâu giống như hai chấm đen nổi lên giữa màu xanh rười rượi của cánh đồng. Nó đứng nhìn về phía trường học. Tiếng đọc bài đồng thanh của chúng tôi vang vang lan tỏa ra xung quanh. Chắc nó nghe được tiếng đọc bài. Cái chấm đen gấp khúc, bé nhỏ dường như bất động. Chỉ có con trâu thỉnh thoảng lại vươn cổ lên kêu “nghé ọ” một hồi dài.
Thằng Gù lảng tránh tất cả các trò chơi của chúng tôi. Những tiếng trêu chọc: “Ê, con lạc đà châu Phi.”, “Tránh ra chúng mày ơi cho bà còng đi chợ.” làm nó càng cúi gập người xuống, mắt dí vào bụng. Nó im lặng len lét vòng qua chỗ chúng tôi đang chơi đùa. Có lần, nó bỏ chạy. Bọn trẻ cười ré khi thấy cái hình gấp khúc đó cứ như lăn về phía trước. Chao ôi, thằng Gù...
[...] Một buổi chiều mưa vừa dứt, nắng mới tưng tửng hé sáng vạt đồi, chúng tôi chợt nghe tiếng đàn ghi ta vang lên từ chiếc loa nén nào đó. Có người hát rong về làng. Đây quả là cả một sự kiện đối với cái làng đang mê mệt, thiếp lặng đi sau những trận mưa ròng rã này. Chúng tôi ùa ra xem. Người lớn, trẻ con, vòng trong, vòng ngoài lố nhố vây quanh đoàn người hát rong. Tôi gọi là đoàn vì họ có tới ba người. Hai đứa trẻ và một người đàn ông mang kính đen, đeo cây đàn ghi ta trước bụng, Trong hai đứa trẻ, có một đứa giống hệt thằng bé tật nguyền của làng tôi. Nó cũng bị gù.
Nó biểu diễn nhiều trò. Buồn cười nhất là trò trồng cây chuối. Không phải nó trồng cây chuối bằng tay và đầu như lũ trẻ chúng tôi thường làm. Nó trồng bằng cái lưng gù. Đoạn gấp giữa đỉnh gù và đầu thành cái đế đỡ đôi chân khẳng khiu của nó dựng đứng. Mỗi lần nó trồng cây chuối mọi người lại cười ồ. Có người hứng chí vỗ tay hét: “Trồng lại đi, thế thế...”. Nghe tiếng hô, thằng gù đỏ căng mặt mày, lên gân tì cái lưng gù xuống đất cố duỗi thẳng đôi chân. Phải trồng cây chuối nhiều lần nên trán nó ướt nhầy mồ hôi. Đã thế tiếng hô “Làm lại đi.” vẫn thúc giục không ngớt.
Giữa lúc đó thì nó chen chân vào. Thằng Gù của làng tôi. Tiếng cười rộ: “À, hai thằng gù. Đức ơi, mày trồng thêm cây chuối nữa đi.”. Tôi nín thở nhìn theo nó. Nó chen vào làm gì, cho tiền những người hát rong chăng? Tiếng ghi ta điện vẫn bập bùng, rấm rứt. Nó từ từ đi đến bên “cây chuối” người. Đỡ thằng bé gù đứng thẳng lại, nó bỗng quắc mắt nhìn vòng người vây quanh. Bất ngờ nó thét:
- Thế mà cười được à? Đồ độc ác!
Sau tiếng thét của nó, đám đông bừng tỉnh. Tiếng cười tắt lặng. Người đàn ông đang gảy đàn cũng dừng tay sững sờ. Tất cả các cặp mắt dồn về nó. Khuôn mặt thằng Đức đẫm lệ. Nó móc túi áo ngực lôi ra những đồng tiền được gấp cẩn thận đặt vào lòng mũ của người hát rong. Đôi vai nó rung rung thổn thức. Cái vòng người đang vây quanh tự nhiên gãy vỡ. Đứt từng quãng. Không ai bảo ai, từng người một lặng lẽ tan dần. Tất cả bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng cúi gằm mặt xuống. Tiếng sấm ì ùng từ dãy núi dội đến. Hình như trời lại sắp mưa.
(Theo Hạ Huyền, Con gái người lính đảo, NXB Giáo dục, 2003)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm)
Bảo đảm yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
Phân tích nhân vật Đức trong truyện ngắn Thằng gù của Hạ Huyền
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu (1,0 điểm)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:
+ Đức là một cậu bé bất hạnh, đáng thương:
++ Có cơ thể tật nguyền nên thường xuyên bị lũ trẻ trong làng trêu chọc, giễu cợt.
++ Lên 10 tuổi rồi mà vẫn chưa đi học. Khi bạn bè được đi học, cậu bé phải chăn trâu ngoài cánh đồng.
++ Không có bạn bè.
+ Đức cũng là một cậu bé mạnh mẽ, giàu tình yêu thương:
++ Chứng kiến cậu bé gù trong đoàn hát rong phải làm lụng vất vả để kiếm sống, mà không nhận được sự đồng cảm của mọi người, Đức đã đứng ra để bảo vệ cậu bé ấy.
++ Chẳng những vậy, em còn biết chia sẻ những đồng tiền quý giá của mình cho người bất hạnh.
=> Qua lời kể của nhân vật "tôi", nhân vật Đức hiện lên một cách chân thực, sinh động. Dù em có một cơ thể không được lành lặn như bao người, nhưng em lại có một tấm lòng đồng cảm sâu sắc, một tâm hồn thuần khiết, sáng ngời, tuyệt đẹp.
d. Diễn đạt (0,25 điểm)
Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo (0,25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
(2 điểm) Viết đoạn văn phân tích đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn “Tặng một vầng trăng sáng” của nhà văn Lâm Thanh Huyền.
Bài đọc:
TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG SÁNG
Một vị thiền sư ẩn tu trong am tranh trên núi, một hôm nhân buổi tối đi dạo trong rừng, dưới ánh trăng vằng vằng, đột nhiên ngài ngộ ra trí tuệ của mình.
Ngài vui mừng trở về nơi ở, nhìn thấy am tranh của mình bị kẻ cắp lục lọi, kẻ cắp tìm không ra của cải gì, lúc sắp sửa bỏ đi thì gặp thiền sư ở cổng. Thì ra, sợ kẻ trộm giật mình, thiền sư từ nãy đến giờ cứ đứng đợi ở cổng. Ngài chắc chắn kẻ trộm không tìm được bất cứ đồ đạc gì đáng giá, liền cởi chiếc áo ngoài của mình cầm sẵn trong tay.
Kẻ cắp đang trong lúc kinh ngạc bối rối thì thiền sư nói:
- Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!
Vừa nói, ngài vừa khoác chiếc áo lên người kẻ cắp. Hắn ta lúng túng không biết làm thế nào, cúi đầu chuồn thẳng. Nhìn theo bóng kẻ cắp đi dưới ánh trăng vằng vặc, rồi mất hút trong rừng núi, thiền sư không khỏi cảm thương rồi khảng khái thốt lên:
- Hỡi con người đáng thương kia, ta chỉ mong được tặng cậu một vầng trăng sáng.
Sau khi tiễn đưa kẻ cắp bằng mắt, thiền sư đi vào am tranh ngồi thiền, ngài nhìn trăng sáng ngoài cửa sổ rọi vào khoảng không trong nhà.
Hôm sau, dưới sự vuốt ve dịu dàng, ấm áp của ánh trăng, từ trong buồng thiền sâu thẳm, ngài mở mắt ra nhìn thấy chiếc áo ngoài mà ngài đã khoác lên người kẻ cắp được gấp gọn gàng tử tế đặt ở cửa. Vô cùng sung sướng, thiền sư lẩm bẩm nói:
- Cuối cùng ta đã tặng cậu ấy một vầng trăng sáng.
(Lâm Thanh Huyền, Truyện cực ngắn, NXB Quân Đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr.7-8)
Chú thích: Tác giả Lâm Thanh Huyền (1953 - 2019). Ông là nhà văn, nhà thơ có nhiều giải thưởng văn học. Đặc điểm trong văn của ông là sự dung hợp, lĩnh hội giữa tôn giáo và văn học. Ngôn ngữ trong sáng, giàu đẹp, kinh nghiệm sống phong phú, thấm nhuần tinh thần Phật Giáo với những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0,25 điểm)
Bảo đảm yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, phối hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,25 điểm)
Phân tích đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn “Tặng một vầng trăng sáng” của nhà văn Lâm Thanh Huyền.
c. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu (1,0 điểm)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận phù hợp, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng trên cơ sở đảm bảo những nội dung sau:
+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận.
+ Nghệ thuật xây dựng cốt truyện lôi cuốn: Tên trộm đến trộm đồ của thiền sư. Vị thiền sư cho hắn cái áo duy nhất của mình giữa nơi lạnh giá. Hôm sau, tên trộm trả lại áo, gấp rất ngay ngắn. Các sự kiện tiếp nối hấp dẫn bởi cách hành xử khác thường của nhân vật tham gia vào cốt truyện, từ đó làm bật lên ý nghĩa của truyện.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật chính của truyện là thiền sư. Thiền sư thiện tính, thấu hiểu lòng người, coi trọng con người. Hành động khác biệt đối với kẻ cắp: "sợ kẻ cắp giật mình, ông đứng đợi ngoài cổng"; nói với kẻ trộm: "Từ đường rừng núi xa xôi, cậu đến thăm tôi, dù thế nào đi nữa cũng không thể để cậu ra về tay không! Đêm lạnh, cậu hãy mang theo chiếc áo này!".
+ Nghệ thuật xây dựng tình huống: Thiền sư đi dạo khi trở về gặp tên trộm vào am trộm đồ nhưng sư dùng sự khoan dung để đối đãi với tên trộm. Tình huống nhân văn, làm bật vẻ đẹp tâm hồn từ bi của nhà sư.
--> Ngôn ngữ trong sáng, giàu đẹp, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật. Sự kết hợp giữa các phương thức tự sự, biểu cảm, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động, hấp dẫn. Cốt truyện hấp dẫn, tạo tình huống ấn tượng. Giọng điệu cảm thương sâu lắng, thấm nhuần tinh thần Phật giáo.
d. Diễn đạt (0,25 điểm)
Bảo đảm chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
đ. Sáng tạo (0,25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.
(2 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Nguyễn Sinh trong đoạn trích trên.
Bài đọc:
(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn Sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ côi cha, nhà nghèo nên học hành dang dở. Chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mai mối đến hỏi. Nguyễn Sinh nhờ mẹ bảo người mai mối đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)
(1) Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:
- Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?
Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái.
(2) Nguyễn Sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.
(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424 - 426)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Nguyễn Sinh trong đoạn trích trên.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Khái quát: Quê quán ở Thanh Trì, có diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh và giọng hát ngọt ngào.
+ Vì bị bố cô gái từ chối hôn sự nên chàng quyết chí ra đi lập nghiệp. Điều này cho thấy Nguyễn Sinh rất có chí khí và lòng tự trọng.
+ Sau khi sửa soạn đủ số của cải để chuẩn bị cho việc cưới xin, chàng liền quay về để hỏi cưới người con gái năm ấy. Chi tiết này thể hiện tấm lòng thủy chung mà Nguyễn Sinh dành cho cô gái ấy.
+ Khi biết tin nàng đã qua đời, chàng xúc động, đau đớn vô cùng. Cảm kích mối tình của nàng, chàng đã thề sẽ không lấy ai nữa. Điều này cho thấy chàng là người trọng tình, trọng nghĩa.
=> Nhận xét: Nguyễn Sinh là một chàng trai không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp cả về nhân cách.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
(2 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật cô gái trong đoạn trích trên.
Bài đọc:
(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn Sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ côi cha, nhà nghèo nên học hành dang dở. Chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mai mối đến hỏi. Nguyễn Sinh nhờ mẹ bảo người mai mối đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)
(1) Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:
- Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?
Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái.
(2) Nguyễn Sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.
(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424 - 426)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật cô gái trong đoạn trích trên.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Vì say đắm giọng hát và vẻ ngoài của chàng trai nên cô gái đã đem lòng yêu mến chàng mà không chê xuất thân chàng thấp kém, gia cảnh chàng nghèo khó. Điều này cho thấy nàng là người trọng tình hơn là danh lợi. Nàng đã cho người hầu đem khăn tay đến tặng chàng trai. Hành động này của nàng thể hiện sự chủ động trong tình yêu - một hành động mà những người con gái trong xã hội phong kiến không dám làm.
+ Vì khoảng cách địa vị nên cha cô gái đã thẳng thừng từ chối chàng trai, thậm chí còn dùng những lời lẽ không hay để mắng bà mối. Nàng biết chuyện cũng không dám làm gì hay bày tỏ cùng ai, lâu dần sinh bệnh mà chết. Giữa hai người đàn ông, một người là người nàng yêu mến, còn một người là cha, nàng không biết nên chọn lựa ai hay giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, chỉ có thể âm thầm chịu đựng nỗi đau đớn dằn vặt trong tim.
=> Dù có chủ động trong tình yêu nhưng nàng vẫn không thoát khỏi những định kiến trong xã hội lúc bấy giờ: Môn đăng hộ đối, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nàng cũng như những cô gái khác thời phong kiến khi không được làm chủ chính cuộc đời mình. Chính vì nỗi bất lực, bế tắc này mà nàng mới sinh bệnh và ra đi khi tuổi đời vẫn còn rất trẻ.
+ Khối đá nhỏ trong cơ thể nàng chính là minh chứng cho tấm lòng thủy chung mà nàng dành cho Nguyễn Sinh. Tình yêu của nàng đã hóa thành khối đá, nó biểu tượng cho nỗi nhớ, nỗi mong mỏi được gặp lại chàng trai trong suốt những thàng ngày nàng sống trong đau khổ, dằn vặt.
=> Nhận xét: Cô gái có một số phận đáng thương, không được làm chủ cuộc đời mình và có một kết cục đầy bi kịch.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.