Đỗ Đức Dũng
Giới thiệu về bản thân
Trong cuộc đời của mỗi con người, ngoài cha mẹ là những bậc sinh thành thì thầy cô giáo cũng chính là người cha, người mẹ thứ hai của mỗi chúng ta. Người xưa có câu: Một người thầy thực sự đặc biệt thì rất hiểu biết và nhìn thấy tương lai trong đôi mắt của mọi học trò. Và cô giáo của em cũng chính người truyền cho chúng em biết bao cảm hứng tích cực để hoàn thiện bản thân để trưởng thanh hơn mỗi ngày.
Cô giáo của em tên là Lan Anh, cô vừa chủ nhiệm vừa dạy văn em năm lớp 3. Cô mới ra trường hai năm nên rất trẻ và xinh đẹp. Cô không quá cao nhưng dáng người gọn gàng, xinh xắn. Mái tóc ngắn ngang vai được nhuộm màu hạt dẻ làm nổi bật thêm làn da trắng hồng của cô. Đôi mắt đen huyền cùng nụ cười vô cùng ấm áp, chiếc răng khểnh vô cùng duyên dáng càng làm nổi bật nụ cười của cô. Là giáo viên nên cô cũng không quá cầu kỳ trong trang phục, mỗi ngày đến lớp cô mang những chiếc váy dài ngang gối cùng áo sơ mi thanh lịch. Những ngày đầu tuần, cô mang áo dài tím nhìn rất dịu dàng và nữ tính. Nhìn cô mang áo dài đứng lớp, chúng em ai cũng trầm trồ bởi vẻ đẹp ấy. Những ngày hoạt động ngoại khoá, cô lại chọn cho mình chiếc áo phông cùng quần jeans năng động. Bởi vậy mà mọi người ai cũng nhận xét là cô rất tinh tế trong cách ăn mặc.
Mỗi tiết dạy của cô luôn chứa đựng những điều hấp dẫn và thú vị. Từ một đứa rất khó chịu với Văn học em trở nên thích thú và luôn chờ đợi mỗi tiết dạy của cô. Chính cô là người đã truyền lửa đam mê học Văn cho em. Nhìn cách dạy, cách truyền đạt trong mỗi lời thơ, câu chuyện, em cảm nhận được sức trẻ và sự nhiệt huyết của cô. Cô luôn bảo với lớp rằng: "Văn học là nhân học, mỗi bài văn luôn chứa đựng những giá trị và bài học trong cuộc sống". Với những người đồng nghiệp của mình, cô luôn hoà đồng và giúp đỡ mọi người, sự thân thiện ấy khiến các thầy cô trong trường đều bị chinh phục và yêu thương cô nhiều hơn.
Một kỉ niệm với cô mà em không thể nào quên đó là vào ngày tổng kết kì 1 của năm. Sau khi trao tặng quà và tuyên dương cho các bạn có thành tích trong học kỳ vừa qua, cô gọi em lên và tặng cho em một món quà. Đó là một bộ quần áo mới tinh, lúc này, phân vân và do dự, em cúi mặt xuống, thưa cô:
- Dạ cô, con có đóng góp được gì cho lớp đâu mà được nhận quà ạ?
Cô mỉm cười hiền dịu rồi xoa đầu em bảo:
- Là thành viên của lớp ai cũng đóng góp phần mình vào tập thể con ạ. Cô rất hiểu suy nghĩ của con bây giờ, nhưng cô tin là con đã cố gắng rất nhiều trong kỳ học vừa qua. Qua tìm hiểu, cô biết được những khó khăn mà gia đình con đang trải qua, nhưng rồi nếu ta biết cố gắng, mọi người cùng yêu thương thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn con nhé.
Rồi cô tiếp lời:
- Con ạ, cô và cả lớp cùng gom góp, tặng còn bộ quần áo mang ngày đầu năm mới. Món quà tuy nhỏ nhưng là tấm lòng của mọi người. Còn hãy vui vẻ và nhận nó con nhé!
Em hạnh phúc và xúc động khi được sống trong sự yêu thương và ấm áp mà mọi người dành cho mình. Có lẽ, suốt cuộc đời này, những nghĩ suy và cảm xúc lúc ấy em sẽ chẳng bao giờ quên được.
Em đã từng nghĩ rằng sẽ chẳng có ai yêu thương mình như ba mẹ, người thân. Nhưng cho đến khi được tiếp xúc với người cô yêu quý ấy em mới nhận ra được tình yêu thương đến từ những điều bình dị quanh ta, những người gần gũi quanh mình.
Cô Lan Anh thân thương ơi! Với con, cô là người cô tuyệt vời nhất trong đời. Con hy vọng rằng một ngày con sẽ được gặp lại cô, được nói với cô một lời rằng: "Con luôn nhớ về cô".
Trong tác phẩm “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của Huỳnh Như Phương, nhân vật dì Bảy đã được khắc họa với nhiều phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Nội dung của tác phẩm kể về cuộc đời của nhân vật chính - dì Bảy. Dượng Bảy và dì Bảy cưới nhau được một tháng, thì dượng phải lên đường ra Bắc tập kết. Ra miền Bắc rồi vào lại miền Nam chiến đấu, dượng Bảy vẫn liên lạc với gia đình. Dượng Bảy ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến vào Sài Gòn. Ngày hòa bình, dì Bảy đã qua tuổi bốn mươi. Vẫn có người đàn ông để ý đến dì, nhưng lòng dì không còn rung động. Dì Bảy năm nay tròn tám mươi tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết.
Có thể thấy rằng, nhân vật dì Bảy mang những vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam - giàu đức hy sinh, tấm lòng thủy chung son sắc. Dượng Bảy và dì Bảy chỉ mới kết hôn được một tháng, đây là giai đoạn tình cảm vợ chồng vẫn còn mặn nồng, gắn bó. Dù vậy, dì Bảy vẫn chấp nhận để chồng tập kết ra bắc, đôi người đôi ngả. Ở đây, có thể thấy được sự hy sinh của dì xuất phát từ tấm lòng yêu quê hương, đất nước. Dì đã đặt lợi ích của đất nước lên trên hạnh phúc của cá nhân. Điều đó khiến người đọc thêm cảm phục trước tấm lòng của nhân vật này.
Không chỉ vậy, dì Bảy còn là một người phụ nữ hết mực thủy chung. Trong những năm xa cách, dì Bảy luôn giữ liên lạc với dượng Bảy, đợi chờ chồng trở về. Mỗi khi nhận được thư của chồng, dì lại cảm thấy hạnh phúc, hy vọng đến ngày được đoàn tụ. Hình ảnh khiến cho người đọc cảm thấy ấn tượng nhất đó chính là mỗi ngày, sau khi đi làm đồng về, dì lại ngồi trên bộ phản gõ ngoài hiên nhìn ra con ngõ, nơi ngày xưa dượng Bảy cùng đồng đội đến nhà xin trú quân. Dượng Bảy đã hy sinh, ngày hòa bình lặp lại, dì đã bốn mươi tuổi, nhưng vẫn có người đàn ông để ý đến dì. Dù vậy, lòng dì Bảy đã không còn rung động. Dì đã giữ tấm lòng thủy chung như vậy cho đến hết đời.
Có thể thấy rằng, dì Bảy chỉ là một trong rất nhiều người phụ nữ Việt Nam thuở còn chiến tranh. Từ đó, chúng ta thấy rằng sự hy sinh thầm lặng, cao cảcủa những người phụ nữ trong các cuộc kháng chiến thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Từ đó, mỗi người cần có thái độ tôn trọng, biết ơn những người phụ nữ như dì Bảy.
Qua nhân vật dì Bảy trong Người ngồi đợi trước hiên nhà, tôi đã học được thêm bài học quý giá về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, tôi cũng cảm thấy vô cùng yêu mến và cảm phục nhân vật dì Bảy.