Nhà mình hình như là giống cái, nên đẻ sai. Nhà trước nhà sau sẵn rồi, lâu lâu ba mình lại nối thêm vài ba căn nữa, nào là nhà kho, mái che sàn nước, chái nấu bếp củi… Cây có sẵn trong vườn làm nên kèo cột, tận dụng những tấm tôn cũ, chỉ lá lợp mái hay dừng vách đôi khi phải mua,… ba dựng lên những chái nhà nho nhỏ đầy ngẫu hứng. Chúng giản dị, nhẹ nhõm, không tham vọng, Chỗ này để cất những vật dụng lâu không dùng tới, chỗ kia cánh phụ nữ hay ngồi rửa rau làm cá nên cần che chắn nắng mưa, chỗ kia nữa để nấu nướng cho hết mớ củi vụn, bẹ dừa khô… nằm lổn nhổn ở vườn sau. Nhưng những chái nhà không tồn tại đơn điệu như tên gọi, bước vào kho là vấp chân vào kỉ niệm; sàn nước ban trưa gió lộng là chỗ mấy má con ưa ngồi hong tóc, nhổ những sợi bạc, hoặc bày ra đĩa xoài chua, cóc chua chấm muối ớt. Và nơi đặt mấy cái cà ràng khói ám má mình giăng cái võng dù tranh thủ ngã lưng trong lúc chờ cơm sôi, chờ khoai chín trong nồi.
Ngó thấy má nằm trong khói bếp cay mù chắc là ba thấy áy náy, thấy ngứa ngáy chân tay. Bên hè lại mọc lên căn nhà hai mái lợp lá dày, bốn bề trống trơn không phên vách. Ba nói “ Làm chỗ này cho má mầy giăng võng nằm chơi”. Món quà ba dành cho má nhưng ai đấy đều mê. Nhà có năm người mà treo gần chục cái võng, chia nhau nằm không hết, để võng trống cho gió thốc thấu quăng quật tơi bời.
Trước cả nhà chỉ gặp nhau ở mâm cơm, giờ buổi chạng vạng trong nhà võng cũng đông đủ mặt. Muỗi cỏ bay dìu dặt, ba quạt cái mẻ ung. Nằm giữa đám khói thơm thơm phảng phất từ mấy gộc củi mục, trong tiếng võng kêu cót két cọt kẹt, trong gió hiu hiu, mưa liu riu, chỉ thiếu tiếng ai đó ầu ơ là đủ bộ sướng rồi.
(Trích Một gian nhớ đầy – In trong tập Bánh trái mùa xưa, Nguyễn Ngọc Tư, NXB Hội Nhà Văn
Thông điệp mà tác giá muốn gửi đến người đọc qua đoạn trích là gì?