K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

pt Về Nhà Đi Con-Nguyễn Nga Trời bất chợt đổ cơn mưa ầm ào, mặc kệ, H’Nhiên vẫn ngồi trên ban công, nơi căn gác vươn hẳn ra phía bên ngoài, giữa màn mưa trắng xóa, chẳng buồn bước xuống đi vào trong. Những ngày qua thật dài và mệt mỏi, bao nhiêu cái rủi cứ kéo nhau đến khiến H’Nhiên mệt đầu, thêm trận mưa này thì có nhằm nhò gì. H’Nhiên bước xuống đi vào phòng trọ khi trời...
Đọc tiếp

pt Về Nhà Đi Con-Nguyễn Nga

Trời bất chợt đổ cơn mưa ầm ào, mặc kệ, H’Nhiên vẫn ngồi trên ban công, nơi căn gác vươn hẳn ra phía bên ngoài, giữa màn mưa trắng xóa, chẳng buồn bước xuống đi vào trong. Những ngày qua thật dài và mệt mỏi, bao nhiêu cái rủi cứ kéo nhau đến khiến H’Nhiên mệt đầu, thêm trận mưa này thì có nhằm nhò gì.

H’Nhiên bước xuống đi vào phòng trọ khi trời đã tối mịt, những ngọn đèn bên đường đã sáng từ rất lâu. Sài Gòn mùa này những cơn mưa vồn vã kéo ngập các con đường, khiến những hàng xe kẹt dài vì chết máy. 4 năm trước, khi quyết tâm ở lại, đối với cô, Sài Gòn là miền đất hứa, là khát khao thoát khỏi những con đường đất đỏ đặc quánh ở buôn mỗi mùa mưa, là ước mong được ở nhà cao tầng, đi xe hơi và mặc những bộ đồ đẹp, đeo giày cao gót. Sài Gòn khi ấy trong suy nghĩ của cô gái mới lớn thật lộng lẫy, tráng lệ, hơn xa cái góc phố bé tẹo ở thị xã nhỏ cách nhà vài chục cây số. Thế là cô gái khi ấy quyết tâm cắp ba lô lên đi theo tiếng gọi của con tim, tiếng gọi của ước mơ.

Nhà văn trẻ H’Xíu Hmok ở Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk

H’Nhiên vẫn nhớ ngày cô rời nhà, leo lên chuyến xe khách buổi sáng muộn. Đoạn đường từ nhà ra bến xe, cha chở cô trên chiếc xe Dream cũ, cọc cạch, chậm chạp. Cả đoạn đường dài, 2 cha con nói với nhau rất ít, cảm giác vài chục cây số như kéo dài đến vô tận. Khác với tâm trạng háo hức của cô gái mới lớn trên hành trình đi tìm kiếm mơ ước với công việc ở công ty mà cô đã trúng tuyển, người cha già đầy ắp sự lo lắng xen lẫn nỗi buồn phải xa con gái. Ông lo con gái ông một mình nơi đất khách gặp phải những khó khăn vất vả mà không có cha mẹ bên cạnh để chở che, hỗ trợ. Ông buồn vì những tháng ngày tới, ngôi nhà dài dưới chân đồi sẽ vắng bóng cô con gái suốt ngày ríu rít như chim sẻ, cặm cụi, tỉ mẩn góc nọ, góc kia trong vườn nhà. H’Nhiên đi rồi, bếp lửa sẽ bớt đỏ vì thiếu củi, chái nhà dài sẽ không còn rộn ràng vì thiếu tiếng chày của H’Nhiên. Những bầu nước sẽ không còn đầy vì thiếu người đi lấy, những cây cỏ dại sẽ mọc khắp vườn khi thiếu tay người cày cuốc. Nhưng buồn nhất là, 2 vợ chồng già sẽ không được nhìn thấy con gái mỗi ngày, không nghe giọng con cười nói mỗi ngày. Nhưng biết sao được, buôn làng không giữ được chân H’Nhiên, bếp lửa, bến nước, cối chày không giữ được lòng H’Nhiên, nên cha mẹ đành chiều lòng cô con gái bé bỏng tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Những ngày đầu nơi thành phố, H’Nhiên háo hức với bao sự lạ lẫm, hào nhoáng của nơi ở mới. Cô chuyển vào ở cùng phòng trọ với An- cô bạn từ hồi học cấp 3 trường nội trú. Lúc biết tin mình trúng tuyển, H’Nhiên đã liên lạc với An để nhờ tìm phòng trọ. An bảo sao không ở cùng nhau cho vui, tuy phòng trọ hơi xa chỗ H’Nhiên làm việc, nhưng được cái giá rẻ, lại tiện đường xe bus- loại phương tiện công cộng phổ biến giá rẻ ở đây, như vậy có thể tiết kiệm thêm chi phí. Thấy có lý nên H Nhiên liền đồng ý, háo hức hẳn lên. Dù sao thì có người quen ở nơi xa lạ này, cảm giác cũng yên tâm hơn rất nhiều.

Guồng quay thời gian cứ thế trôi đi, những sự xa hoa, hào nhoáng ban đầu dần tan đi, mở ra một hiện thực trần trụi của cuộc sống. H’Nhiên bắt đầu nhận ra những khó khăn qua mỗi ngày. Không giống những người bạn ở quê có thể thoải mái chia sẻ với nhau những câu chuyện không đầu không cuối, cũng chẳng phải là đám bạn thân có thể lê la tám chuyện và hồn nhiên cùng ăn cùng chơi như hồi ở trường nội trú. Áp lực công việc khiến cô gái thiếu kinh nghiệm gần như nghẹt thở. Sếp khắt khe, bắt lỗi từng chi tiết. Bạn bè đồng nghiệp trước mặt thì xởi lởi nói cười, nhưng sau lưng lại chia bè kết phái, đặt điều nói xấu người khác. H’Nhiên cảm thấy bị cô lập, cô đơn trong chính công ty mà cô từng đặt nhiều kỳ vọng. Ở phòng trọ cô cũng chỉ lủi thủi một mình, thời gian làm việc của cô và An không giống nhau nên 2 người cũng hiếm có thời gian rảnh để cùng nhau làm một việc gì đó. Không chỉ làm việc ở công ty, An còn tranh thủ làm thêm. Nhờ có ngoại hình và khuôn mặt xinh xắn, An đi làm PG cho một số nhãn hàng, công việc bận rộn. H’Nhiên ban đầu cũng đi làm thêm với bạn nhưng không thể bắt nhịp với môi trường và không gian ấy nên chỉ sau thời gian ngắn thì cô đành nghỉ làm thêm. Những khi rảnh rỗi, thú vui duy nhất của H’Nhiên chỉ có thể là lên mạng hoặc đi dạo ở siêu thị. Những ngày nghỉ tết có lẽ là quãng thời gian vui nhất của H’Nhiên. Cô trở về với gia đình, xà vào lòng mẹ, dúi đầu vào người mẹ như ngày còn nhỏ. Buổi sáng tỉnh dậy, hít hà mùi đất dưới sàn nhà, mùi khói bếp mà cha dậy sớm nhen lên để đun nồi nước. Nghe tiếng con gà tre gáy te te trước sân.

H’Nhiên cảm thấy tâm trạng phấn chấn. Cô cảm nhận được niềm vui của cha mẹ mỗi lần cô trở về. Cha bận rộn vào ra, luống cuống làm những công việc thường nhật. Thỉnh thoảng ông ngồi trầm ngâm, nghĩ gì xa xôi lắm. Mẹ bảo, cha dạo này già rồi nên hay nghĩ ngợi. Hôm trước ông còn bàn hay bán bớt đàn bò đi, lấy tiền đó dựng cái quán tạp hóa trước cửa rồi gọi con về bán buôn. Nhà có đứa con gái mà đi xa quá, căn nhà trống trải, ông cảm thấy buồn. Cô nghe trong lời kể của mẹ có điều gì buồn man mác, khiến lòng cô đau nhói. Nhưng cô vẫn cứng miệng, con vẫn muốn ở lại Sài Gòn thêm vài năm nữa, con chưa muốn về đâu. Giờ về mọi người lại chê cười, còn chẳng khác gì kẻ thất bại, đợi đến lúc con có chút tiền làm vốn, cảm thấy chán rồi con sẽ về mà. Thật ra H’Nhiên biết, cha cô đang lo một nỗi lo khác, chính là chuyện gia đình riêng của cô sau này. Người Êđê của cô theo chế độ mẫu hệ, con gái lớn sẽ cưới chồng về ở với cha mẹ, đẻ ra những đứa con và đặt theo họ mình. Huống chi cha mẹ chỉ có mình cô, mọi thứ trong ngồi nhà này không dành cho cô thì còn cho ai. Nhưng cô thì cứ bôn ba xứ người, rồi lỡ khi gặp và ưng anh chàng nào đó người Yoăn thì lại đi làm dâu người ta, coi như cha mẹ mất con gái. Thế nên cô biết cha bận lòng lắm. Ướm gần ướm xa thì cũng chỉ mong cô ở gần nhà, lấy chồng người mình mà thôi.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Thương con nên cha mẹ chỉ đành ngậm ngùi chiều lòng con gái. Hết thời gian nghỉ tết, cô lại lật đật khăn gói xuống lại thành phố. Trong nhà không có gì ngoài những thứ tự trồng được, vài đòn bánh tét gói từ hôm 30, ít cá suối phơi khô, bao gạo và vài loại rau củ. Bấy nhiêu thứ được cha mẹ phụ cô gói kỹ, bỏ thùng xốp, ì ạch gửi ra nhà xe. Cô ôm chặt mẹ để tạm biệt, thấy cha lén quay đi, lau vội khóe mắt. Dặn con gái đi làm mạnh khỏe, giữ gìn sức khỏe bản thân thật tốt, phải tự giác nấu ăn và ăn uống đúng giờ. Với cha, cô vẫn là cô con gái bé bỏng, cần được bảo bọc, dặn dò. Chuyến xe lăn bánh, rời xa con đường buôn xanh rì, tiến vào thị xã tấp nập rồi thẳng hướng vào thành phố.

***

Những ngày Sài Gòn bị ốm, đó là khi mọi thứ trở nên vắng lặng, những con đường vắng bóng người, những hàng dây cảnh báo nguy hiểm dăng ngang dọc khắp nơi. Nơi tập hợp dân tứ xứ như Sài Gòn trải qua những ngày nặng nề bởi dịch bệnh. Người ta hạn chế ra khỏi nhà, mọi người đều làm việc từ xa. Công ty cô phải cắt giảm nhân sự bởi rất nhiều đơn hàng và hợp đồng bị hủy, khiến nguồn thu sụt giảm nghiêm trọng. Công việc giảm sút, yêu cầu lại càng ngặt nghèo, mọi nhân viên phải sản xuất và sinh hoạt tại chỗ, trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn. H’Nhiên như vừa bị vấp té, cảm giác đau ở đâu không rõ nữa, chỉ thấy mình trống trải, bơ vơ, ngột ngạt, bức bí và bị ‘bỏ rơi’ giữa Sài Gòn. H’Nhiên thất thểu bước ra khỏi cánh cửa công ty, bị khựng lại bởi cảnh vắng lặng, yên ả trước mặt. Nơi này bây giờ trở nên lạ lẫm, nhợt nhạt, khác xa với nơi sáng rực và lấp lánh sắc màu của cuộc sống cô từng tưởng tượng ra. H’Nhiên cảm thấy nhớ da diết những triền đồi lộng gió, những khúc suối trong vắt mát rượi mà cô vẫn cùng mẹ đi qua mỗi lần đi lên rẫy. Cô định bước ra công viên gần đó để đi dạo thì bị chặn ngay đầu cổng, người cán bộ an ninh tại chốt kiểm soát hỏi lý do cô ra ngoài, có giấy tờ gì để chứng minh không. Không có giấy tờ, cũng không có lý do chính đáng, cô bị nhắc nhở và buộc phải quay lại phòng.

Những ngày trôi qua càng thêm ngột ngạt, con hẻm nơi cô trọ bị giăng dây vì xuất hiện ca bệnh. Cha mẹ lo lắng, những cuộc điện thoại cứ thế kéo dài mỗi ngày. Mẹ sụt sùi khóc, còn cha thì mắt tối đục một màu buồn.

– Con không sao. Ở đây con vẫn ổn. Hàng ngày vẫn có người mang rau, gạo, dầu ăn nước mắm gửi cho con, để ở trước cửa ấy. Cha mẹ đừng lo.

– Mẹ nghe nói ở đó giờ nhiều người mắc bệnh lắm hả con, hay con về đi, về nhà với cha mẹ, về buôn làng mình đi con.

– Giờ con chưa về được, mọi người đang phải phong tỏa, ai ở đâu thì ở yên đó mà cha mẹ.

– Cha mẹ nghe nói sắp có đoàn đi đón người dân về đó, con xem có đăng ký được không thì về đi con.

– Con không biết có đăng ký về được không, con sẽ hỏi xem sao…

– …

Tắt điện thoại, H’Nhiên trầm ngâm, không biết đang suy nghĩ gì. Gần 4 năm xa nhà, chưa bao giờ cô cảm nhận đường về nhà lại xa và gian nan đến vậy. Nếu như là trước kia, chỉ cần xếp đồ vào ba lô, nhảy lên xe bus ra bến xe, rồi từ đó bắt đại một chiếc xe dù, ngủ một giấc là đến thị xã gần nhà. Nhưng những ngày này, ngay cả việc đi bộ ra đầu hẻm cũng trở nên xa vời, cả không gian thu gọn lại chỉ bằng 10 mét vuông với 4 bức tường chật chội. Chưa bao giờ, cảm giác muốn trở về, muốn về nhà lại mãnh liệt nhưng đầy bất lực như lúc này. H Nhiên ngồi đó, vô hồn nhìn 4 bức tường, tâm trí lại đang thả mình đi đâu đó, tìm kiếm một nơi nào đó trong mát, yên bình.

* * *

H Nhiên mừng rỡ tắt điện thoại, lật đật sắp xếp tất cả mọi thứ vào chiếc vali. Đây là cuộc điện thoại cô mong chờ nhất suốt 3 tháng qua, chỉ vẻn vẹn nội dung đoàn đón công dân của tỉnh Đắk Lắk đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu trở về địa phương đã xuất phát, sáng mai sẽ có mặt ở bến xe để đón công dân trở về. Mời chị có mặt lúc… tại… để làm thủ tục theo quy định trước khi trở về địa phương theo nội dung đã đăng ký. H’Nhiên luống cuống, muốn gom lại tất cả mọi thứ, trút hết vào vali để mang về. Nhưng nghĩ lại thì quá nhiều thứ không cần thiết, lại lôi ra sắp xếp thêm một lượt nữa. Trong khoảnh khắc này, đường về nhà đã rất gần, vài trăm cây số mà như chỉ một quả đồi, đi bộ một chút là đến. Đêm đó, H’Nhiên gần như không ngủ được, đôi mắt cứ nhắm rồi lại mở, mong sao trời sáng thật nhanh.

H’Nhiên có mặt tại điểm tập trung từ sáng sớm, làm đầy đủ thủ tục, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm nhanh trước khi mặc đồ bảo hộ rồi lên xe. Những nhân viên y tế, tình nguyện viên hỗ trợ rất chu đáo, nhiệt tình. Dù phía sau lớp bảo hộ, những đôi mắt có phần mệt mỏi, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, dưới cằm, nhưng họ làm công việc của mình một cách tỉ mỉ, cẩn thận, ân cần và dịu dàng. Bước lên xe, hành trình về nhà gần thêm 1 bước nữa. Cô thiếp đi trong dòng suy tưởng, những hình ảnh nơi buôn làng đang hiện ra trước mặt. Con suối chảy vắt qua buôn là nơi cô và lũ bạn hay rủ nhau ra bơi lội mỗi mùa hè hay sau giờ học. Cánh đồng rộng gần đó là nơi gặm có ưa thích của đàn bò mà cha cô vẫn cặm cụi dắt đi mỗi buổi sáng sớm. Cây sung sát bờ suối là chỗ ngồi yêu thích của cô và đám bạn sau mỗi lần lên thăm rẫy và ngày nghỉ….

Rồi cô bừng tỉnh bởi tiếng loa thông báo tập trung mọi người tại trạm dừng nghỉ chuyển tiếp. H’Nhiên nhận ra mình đã về tới cửa ngõ quê hương. Nơi cô dừng chân chính là khuôn viên ngôi trường nội trú mà cô từng gắn bó suốt thời học cấp 3. Những ngày này, trường đang được trưng dụng làm nơi tiếp đón và chuyển tiếp công dân trở về từ các tỉnh thành vùng có dịch. Đỡ lấy phần cháo nóng hổi và chai sữa bắp do tình nguyện viên đưa đến từng người để hỗ trợ, H’Nhiên bỗng cảm thấy khóe mắt mình cay cay. Tất cả mọi người trong bộ đồ bảo hộ trắng, khuôn mặt với ánh mắt lấp lánh sau lớp kính chắn trong suốt, đang nỗ lực hỗ trợ cô và những người dân trên hành trình trở về quê hương. Họ đang cố gắng dành cho những người hồi hương cảm giác ấm áp, an toàn nhất, dù bản thân họ đã thấm mệt vì nhiều ngày thiếu ngủ và chưa được nghỉ ngơi. Giây phút này, thứ tình cảm gọi là tình người, tình đoàn kết dường như dâng trào mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nó khiến cho mọi vất vả, khó khăn của hành trình trở về dường như được xóa tan, chỉ còn lại sự biết ơn và niềm hạnh phúc khi được về nhà. Theo sự hướng dẫn của các tình nguyện viên, H’Nhiên tìm được chiếc xe của trung chuyển sẽ chở cô và đoàn người về thị xã, rồi từ đây mọi người sẽ tiếp tục tuân thủ cách ly thêm một thời gian để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho những người thân trong gia đình. Cha H’Nhiên đã chuẩn bị sẵn cho cô một nơi riêng để ở tạm trong những ngày cách ly theo quy định. Chỉ thêm bước này nữa thôi, hành trình hồi hương sẽ khép lại một cách trọn vẹn, an toàn.

Sớm nay, H’Nhiên tỉnh giấc bởi tiếng gà gáy trong vườn. Dạo một vòng quanh chòi, cô ngẩng lên hít thật sâu mùi nắng mai buổi sớm, không khí thoáng đãng thơm mùi hoa cỏ và đẫm ánh mặt trời. Nhìn ra cái ao nhỏ cha đào gần đó, thấp thoáng bóng đàn cá đớp nước tung tăng bơi lội. Giây phút này, H’Nhiên cảm thấy yên bình quá. Chợt nhớ lại câu nói của cha hôm nào đó vang trong điện thoại. Về nhà đi con, về với buôn làng, về với bến nước buôn mình. Giữa những bộn bề ngoài kia, nếu cảm thấy mệt mỏi quá, thì nhà vẫn luôn là nơi yên bình và ấm áp nhất.

0
27 tháng 4 2024

Tham khảo:

Là một công dân của tỉnh Quảng Ngãi, tôi cảm thấy tự hào với di sản văn hóa phong phú của địa phương. Để bảo tồn và phát triển văn hóa này, tôi tham gia vào các hoạt động cộng đồng như tổ chức các buổi triển lãm, diễn ra văn hóa, và giáo dục cộng đồng về giá trị truyền thống. Tôi cũng ủng hộ việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa và tham gia vào các dự án phục hồi và bảo quản các cổng thông tin văn hóa của Quảng Ngãi. Đồng thời, tôi luôn khuyến khích các thế hệ trẻ hiểu và trân trọng văn hóa địa phương để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của tỉnh.

27 tháng 4 2024

tra loi ho cai

 

27 tháng 4 2024

dễ thể thơ 4 chữ

 

27 tháng 4 2024

Kể tên 1 lễ hội thôi cũng đc ạ!

 

27 tháng 4 2024

TK:

- Người H'rê ở làng Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) có truyền thống làm lúa nước nên các sinh hoạt tín ngưỡng đa phần gắn liền với chu kỳ vòng đời của cây lúa. Hằng năm, người dân làng Vi Ô Lắc thường tổ chức nhiều lễ hội liên quan đến cây lúa.

- Với đồng bào H’rê ở làng Vi Ô Lắc, cây lúa nước có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân, bởi đây không chỉ là nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống mọi người mà còn là nguồn thu nhập chính của mỗi gia đình. Vì thế, những nghi lễ liên quan đến vòng đời cây lúa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây