K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

14 tháng 6 2018

Ngôn ngữ - tiếng nói là công cụ để giao tiếp, để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của con người. Ngôn ngữ - cách ăn nói là thước đo tri thức, nhân cách của mỗi chúng ta. Vì thế, nhân dân ta luôn luôn nhắc nhở nhau:

"Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

"Lời nói chẳng mất tiền mua" vì nó là ngôn ngữ cộng đồng, là tài sản chung của cả dân tộc. Hồ Chủ tịch có nói: "Tiếng Việt là của quý lâu đời của nhân dân ta". Ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến lúc cất tiếng chào đời, rồi trưởng thành khôn lớn, tiếng mẹ đẻ luôn luôn gắn liền với tâm hồn và cuộc sống của mỗi con người. Câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua" chứa đựng một lời khuyên, một sự nhắc nhở: phải biết trân trọng và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

"Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" - "Lựa lời" nghĩa là biết cân nhắc, chọn từ ngữ, tìm cách diễn đạt chính xác nhất, tế nhị nhất, phản ánh đúng tư tưởng tình cảm của mình lúc nói. Nói như thế nào "cho vừa lòng nhau", nhân dân ta muốn lưu ý đến tính hiệu quả trong giao tiếp, phải văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí và đúng lễ nghĩa, đạo lí.

Tóm lại, câu tục ngữ nêu lên một kinh nghiệm quý báu về cách ứng xử, giao tiếp nhằm giáo dục mọi người cách ăn nói văn minh lịch sự, không được thô lỗ, cục cằn.

Bài học mà câu tục ngữ nêu lên là đúng đắn và sâu sắc cho tất cả mọi người. Tại sao phải "lựa lời" lúc nói năng?

Nói phải đúng: đúng sự vật, đúng hiện tượng, khách quan, đúng tư tưởng tình cảm ý nghĩ của mình, phải ăn nói đúng nơi, đúng lúc. Không được ăn nói tuỳ tiện, ăn nói thiếu suy nghĩ. Muốn nói đúng phải "lựa lời” cân nhắc ngôn từ, lựa chọn cách diễn đạt sao cho tế nhị, dễ hiểu, cảm hóa lòng người.

Nói phải văn minh, lịch sự nên phải "lựa lời mủ nói". Ngôn ngữ phản ánh vốn sống, sự hiểu biết, trình độ học vấn của mỗi người. Kẻ dốt nát, thô lậu thường ăn nói thô lỗ, tục tằn. Ngôn ngữ là thước đo đạo đức của mọi người. Ông bà ta quan niệm lời ăn tiếng nói luôn luôn gắn liền với lễ nghĩa, đạo lí. Trong gia đình, ngoài xã hội, có kẻ trên người dưới, có người già người trẻ, có quan hệ thân, sơ... "kính thưa, dạ, vâng..." là những điều cần biết trong lúc nói năng, ứng xử.

Giao tiếp phải biết "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", nghĩa là ăn nói văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí, phải coi trọng tâm lí, tình cảm người đang đối thoại với mình. Tính hiệu quả lúc nói cần được đặc biệt quan tâm. An nói phải lễ phép, khiêm nhường và chín chắn. "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" không có nghĩa là ăn nói mơn trớn, xu nịnh, giả dối để mua chuộc, lừa bịp người đối thoại. Kẻ ăn nói xu nịnh, giả dối là vô đạo đức, kém nhân cách, bị người đời kinh bỉ.

Suy rộng câu tục ngữ trên, ta thấy rõ hơn bao giờ hết, nhân dân ta rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ cho ta lời khuyên quý báu về cách ăn nói:

- "Học ăn, học nói, học gói, học mở".

- "Gọi dạ, bảo vâng".

"Đất tốt trồng cây rườm rà,

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng".

"Đất xấu trồng cây khẳng khiu,

Những người thô tục nói điều phàm phu".

Trong giao tiếp, chúng ta phải biết nói lời hay ý đẹp. Tuổi học trò phải biết ăn nói trung thực, khiêm tốn, lễ phép; không được đặt điều, nói năng giả dối, xảo trá; phải tránh cách nói hoa hòe hoa sói, ngọt xớt, đãi bôi. Ai ai cũng nên nhớ: "Mật ngọt chết ruồi".

Nói với ai? Nói điều gì? Nói để làm gì? Nói như thế nào? Đó là những câu hỏi mà con người khôn ngoan, chín chắn luôn luôn tự nêu ra làm định hướng trong giao tiếp, ứng xử.

Từ cuộc sống gia đình, học đường vào cuộc sống xã hội lộng lớn, trong quan hệ xã hội làm ăn của nền kinh tế thị trường, nghệ thuật "ăn nói" càng trở nên vô cùng quan trọng. Do đó, tuổi trẻ chúng ta phải học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, học tập ca dao, tục ngữ, học cách diễn đạt, cách chọn từ, đặt câu của các nhà văn trong tác phẩm văn học. Cái gốc ngôn ngữ của mỗi người là đạo đức, kinh nghiệm và trình độ văn hoá. Cho nên phải biết học: "Học ăn học nói, học gói học mở".

Tóm lại, câu tục ngữ trên đã cho em một kinh nghiệm quý báu, một bài học sâu sắc về cách ăn nói, ứng xử, giao tiếp. Quan hệ giữa con người với con người là bạn. Chúng ta phải học cách ăn nói lễ phép, văn minh lịch sự; phải xa lánh những kẻ ăn nói tục tĩu, thô lỗ. Nhiệm vụ của mỗi người cần phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.



14 tháng 6 2018

Tiên học lễ, hậu học văn
Từ xưa, lễ nghi đã trở thành bài học đầu đời, khi mỗi con người cất tiếng nói , việc đầu tiên là học lễ nghi. Trong lễ nghi bao gồm cả cách giao tiếp với mọi người xung quanh. Và câu tục ngữ “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là một trong những câu nói có ý nghĩa lớn lao trong việc dăn dạy con người cách ứng xử giao tiếp.

Khi trưởng thành, chúng ta được ông bà cha mẹ dạy chào người lớn là ngoan, lên 15 tuổi ta đủ nhận thức được rằng chào hỏi người khác là phép xã giao , phép lịch sự tối thiểu mà mỗi con người cần có. Như vậy lời nói đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành cách ứng xử của con người. Lời nói chính là công cụ, phương tiên để con người giao tiếp với nhau, thể hiện và biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc bằng ngôn từ. Lời nói không thể mua được bằng vật chất bởi nó không phải thứ ta không thể chạm vào bằng tay, nhìn bằng mắt mà chỉ có thể nghe bằng tai. Cả câu tục ngữ là một bài học nhận thức cho ta biết tầm quan trọng của lời nói , dăn dạy chúng ta về cách ứng xử và giao tiếp trong cuộc sống.

Vì sao ý nghĩa câu tục ngữ trên lại là một lời khuyên đúng đắn? Bởi trong thực tế, lời nói là công cụ cần thiết của con người trong mọi tình huống , hoàn cảnh nào. Có thể đó là lời chào hỏi, lời cảm ơn , lời mời.. Không những thế lời nói tốt đẹp, cách thể hiện ngôn từ khéo léo giúp con người được lòng tất cả mọi người, đôi lúc có lợi cho bản thân mình. Lời nói khéo léo còn thể hiện bản thân là một con người có học, tế nhị và tinh tế. Và khi ta biết cách giao tiếp, ngôn ngữ trở nên hữu dụng và đẹp đẽ biết nhường nào. Khi ta nhắc đến lịch sử, ta nhớ về sứ giả lỗi lạc một thời Mạc Đĩnh Chi, người có ngoại hình thấp bé, không ưa nhìn nhưng nhờ tài ăn nói của ông, ông được vua và các quan nước giặc nể phục không thôi. Như vậy, lời nói là thứ không mua được bằng tiền những khi có nó, ta có thể dùng nó đê kiếm tiền, Giống như những người bán hàng, sở hữu thuật ăn nói khéo léo thuyết phục được khách hàng mua sản phẩm , đó chính là nghệ thuật bán hàng. Và khi người khác giúp đỡ ta, ta cất tiếng cảm ơn, thì lúc này lời nói chính là thước đo giá trị nhân phẩm của mỗi người.

Vậy ta nên làm những gì để khéo léo trong cách cư xử? Trước hết ta nên rèn luyện vốn ngôn ngữ của bản thân, để nó trở nên phong phú hơn, giàu có hơn. Điều quan trọng nhất là phải lễ phép với người lớn tuổi hơn mình. Sau đó con người mới có thể học cách giao tiếp, cách ăn nói với người xung quanh. Thiết nghĩ để chúng ta có thể cư xử một cách khôn khéo thì không nên quá bồng bột nổi cáu trước một vấn đề nào đó chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, ta cần phê phán những kẻ không biết ăn nói, luôn nói trúng không, ngại đối ngoại giao tiếp. Hay những kẻ nói nhiều, nói dài nhưng nói dại, hay phát ngôn một cách bừa bãi thiếu tế nhị. Ông cha ta xưa cũng có câu: “ uốn lưỡi bẩy lần hãy nói” cũng dăn dậy chúng ta về cách cư sử trong cuộc sống.

Trong thực tế cuộc sống cho thấy, chính văn hóa hành vi trong giao tiếp sẽ nói lên thật nhiều sự thanh lịch đích thực của một con người. Câu nói là một bài học ứng xử quý giá mà mỗi con người luôn phải nỗ lức học hỏi , tiếp thu một cách chân thành.

14 tháng 6 2018

Vì những văn bản đó đều xác lập cho người nghe, người đọc một tư tưởng, quan điểm. Văn bản đều có luận điểm rõ ràng, lí lẽ, dẫn chứng. Những tư tưởng, quan điểm hướng tới giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, xã hội.

15 tháng 6 2018

Thấy được tư tưởng yêu nước, tinh thần chống xâm lăng và lòng tự hào dân tộc của cha ông ta qua những áng văn chính luận nổi tiếng, từ những văn bản thời trung đại như "Chiếu dời đô" của Lí Công Uẩn, "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, "Nước Đại Việt ta" của Nguyễn Trãi,... Những nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức lập luận chặt chẽ, sắc sảo với giọng văn đanh thép, hùng hồn.

14 tháng 6 2018

Một ngày kia, khi hai nguồn thi cảm “lòng thương người” và “tình hoài cổ” gặp nhau, giữa cảnh mưa bụi lất phất bay, hoa đào chớm nở sắc hồng, nhưng những câu đối đỏ đã dần dần vắng bóng trong ngày Tết, Vũ Đình Liên đã bất giác viết lên một kiệt tác: “Ông đồ”! Bài thơ được viết bằng nỗi cảm khái trước thời thế ấm lạnh nhân tình. Bởi vậy, hai mươi dòng thơ ngũ ngôn, không hề non lép một chữ nào. Tất cả đều ngậm ngùi trước “di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”. Và nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã thật tinh tế khi nhận xét: “Bài thơ là sự gặp gỡ giữa hai nguồn thi cảm: lòng thương người và tình hoài cổ!”
Nhận định trên của Hoài Thanh đã thể hiện một cách nhìn sâu sắc về nguồn cảm hứng trong thi ca của Vũ Đình Liên. Lúc này, trên thi đàn “Thơ mới”, phần đông cáo thi sĩ đang thở than sướt mướt với tình yêu tuyệt vọng, với mối sầu cô đơn, với chuyện tình yêu đôi lứa lãng mạn. Thì Vũ Đình Liên lại không đi theo lối mòn quen thuộc ấy, với “thiên chức” của người nghệ sĩ, Vũ Đình Liên đã viết lên thi phẩm “Ông đồ” với sự gặp gỡ, giao thoa giữa hai nguồn cảm xúc: “lòng thương người” và “tình hoài cổ”. Đó là thương một lớp người tri thức Nho học bị bỏ rơi bên lề đường nơi phố vắng rêu phong “ngày xưa” hòa quyện với nỗi nhung nhớ, tiếc nuối khôn nguôi một thời vắng bóng; một thời hoàng kim, một thời vàng son đã một đi không trở lại. Nơi đó ông đồ được coi trọng hơn, được mọi người biết đến. Nhưng hai nguồn thi cảm này không những không mâu thuẫn, tách bạch nhau,… mà chúng luôn hòa hợp như một nốt nhạc chủ đạo, như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt nguồn mạch cảm xúc của bài thơ. Đọc “Ông đồ”, ta như cảm nhận được tất cả nỗi lo lắng mơ hồ, cảm nhận tâm sự bơ vơ của Vũ Đình Liên và cao hơn hết là một tình người lơn lao ôm trùm cả không gian và thời gian. Nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng, nhà thơ đưa ta vào thế giới của riêng mình – nơi “lòng thương người” và “tình hoài cổ” được bắt nguồn_đó chính là trái tim nhân đạo, giàu tình yêu thương của Vũ Đình Liên.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Cùng với màu thắm của đào, màu đỏ của giấy, màu đen của mực tàu và sự đông vui tấp nập của phố phường, hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu trong bức tranh khung cảnh ngày Tết.
Và ông đồ đã thành trung tâm của sự ngợi ca và chiêm ngưỡng:
“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tai
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”
Lúc bấy giờ, ông đồ đang được người đời trọng vọng, cần nhờ vả đến. Với tài năng của ông, họ “tấm tắc ngợi khen tài”, ba phụ âm “t” cùng xuất hiện trong một câu thơ như một tràng pháo tay giòn giã để ngợi khen sự tài hoa đó của ông. Cái tài “thảo những nét” giống như “phượng múa rồng bay” của ông dưới một bàn tay nghệ thuật khéo léo đã làm rạng danh cho nên Hán học. Cái tài của ông đã được tặng cho mọi người làm quà đón xuân, đón Tết. Nhưng dầu sao, trong tiếng cười vẫn không làm sao che giấu được nỗi ngậm ngùi. Chữ Nho vốn được xem là chữ “Thánh hiền”, chữ Nho được ông đồ viết là sự tụ hội, giao thoa giữa cái tài và cả cái tâm của người cầm bút. Vậy mà giờ đây, thứ chữ ấy chỉ cần quẳng chút tiền “ra thuê” là có!
Bút long dần được thay thế bằng bút sắt. Chữ Nho được thay thế dần bằng chữ Quốc ngữ. Trên cái trục xưa nay của cấu tứ, câu thơ như mang nỗi ngậm ngùi, ta như nếm được cái vị đắng của buồn, vị chát chua sầu:
“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Họ nay đâu? Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành còn đây, câu đối đỏ đâu rôi! Nếp cũ đổi thay. Chữ Nho như đã trở thành hang ế không ai ưa chuộng nữa. Trong xu thế chung không thể cưỡng lại ấy, tình cảnh ông đồ trở nên ngao ngán đáng thương. Hẳn là vì “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mà bây giờ nỗi sầu lo ủ dột lan thấm lên cả đồ vật:
“Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu”
Chúng là hình ảnh của chủ nhân hết thờ của chúng. Tàn tạ, lạc lõng, tiêu điều. Thiên hạ náo nức đón xuân, đón cả luồng gió mới do Tây học mang lại. Thành trì luân lí ngàn năm đã đổ. Người ta cứ ngóng cổ cố tìm mò ngắm trời cao đất rộng ngoài kia, tìm những cái hiện đại. Chữ mới dễ học và thực dụng, văn chương mới hấp dẫn đã cuốn họ đi xa, bỏ lại những người như ông đồ bên dòng đời cuộn chảy. Ông đồ đã trở thành người thừa trong dòng chảy nhân sinh. Cả một nỗi buồn thời thế, Vũ Đình Liên đã xây dựng một biểu tượng về một nỗi tàn phai của cả một nền văn hóa.
Ta cứ cháy, cứ đuổi theo nền văn hóa phương Tây, với những cái mới để rồi khi ngoảnh đầu nhìn lại, bóng ông đồ dần xa khuất làm ta nhớ nhung tiếc nuối:
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa”
Trong khổ thơ đầu, chính trong màu hoa đào mênh mang hoài cảm ông đồ xuất hiện. Ta có thể tưởng tượng sự có mặt của một cây cổ thụ ngàn năm bị bật gốc sau một cơn bão lớn như hình ảnh của ông đồ. Lúc ấy, cây đổ, ngọn gục. Từ trên chót vót của thứ bậc xã hội, ông đồ, hình bóng tượng trưng cho giai cấp “kẻ sĩ”, rơi xuống bên vệ đường, trở thành người vất vưởng, hoài nhớ giá trị cũ suy tàn, bỡ ngỡ với phong hội mới. Thì cũng với màu hoa đào bài thơ được khép lại. Thông điệp mùa xuân đã gửi đến rồi. Ông đồ đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi và ông cũng đã trở thành “ông đồ xưa”. Nhưng dường như trong tâm khảm lòng minh, hình ảnh ông đồ già không thể vắng bóng trong bức tranh xuân của Vũ Đình Liên.
Cuộc đời đổi thay. Con người cũng vì vậy mà thay đổi. Rồi những người như ông đồ bị bỏ rơi bên lề cuộc sống.
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giây
Ngoài trời mưa bụi bay”
ở khổ thơ này, cái lực của ngòi bút, cái tâm của một con người hợp lại đủ sức lay động những trái tim thờ ơ, vô tình với một sự chung cục, một sự chung cục thầm lặng và thương tâm. Người trong cuộc, bên phố đông, lặng nghe mình lụi tàn. Người người ngược xuôi như nước nhưng chẳng còn ai để ý đến cái bóng mờ nhạy, tàn tạ ấy. Ông đã bị lãng quên ngay cả khi còn hiện hữu. Ông chẳng qua chỉ còn là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn.” Cái lúc “lá vàng rơi trên giấy” đã xuất hiện ba cái “tàn”: sự “tàn” úa của lá xuân rơi trên sự héo “tàn” của giấy, và tất cả đều được nhìn dưới đôi mắt của một kẻ “tàn”. Cái lúc “ngoài trời mưa bụi bay” cũng đã xuất hiện hai cơn mưa: cơn mưa ngoại cảnh hao vắng và cơn mưa tâm cảnh hắt hiu não nề…. Đúng là “văn tả ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ” (Vũ Quần Phương). Vũ Đình Liên đã có những chi tiết thật “đắt”: nơi ông đồ là nơ bút mực, nơi trời đất là chỗ gió mưa, nơi xã hội đương thời là sự thờ ơ của người đời. Lá rơi không nghe tiếng. Mưa bụi chẳng ướt ai. Thế mà giờ đây đọc lại, ta vẫn tái tê thấm thía nỗi đau lặng lẽ của một chiếc lá vàng rơi trên giấy thẫm tàn phai. Thế mới biết sức sống của một bài thơ không chỉ ở ngôn từ. Chính tấm lòng thương cảm trân trọng, tinh tế của tác giả đã làm ấm những dòng chữ lạnh với thời gian. Thơ dường như gần máu hơn với mực. Có phải thế mà “Ồng đồ” sống được lâu trong lòng độc giả và thi ca Việt Nam?
“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Vũ Đình Liên đang sống vào cái buổi giao thời, khi xã hội Việt Nam đang có một sự rung chuyển lớn, quay mặt với cái cũ không nỡ, làm ngơ với cái mới sao đành!
Ông đồ đã cố kiên nhẫn “vẫn ngồi đấy”, nhưng năm nay ông đã không còn kiên nhẫn được nữa: “không thấy ông đồ xưa”. Ông đã cố bám lấy xã hội hiện đại, những con người chạy theo hiện đại, ta đã nhìn thấy sự cố sức của ông, đã thấy ông chới với, nhưng chúng ta không hề làm gì, để đến bây giờ quay đầu nhìn lại mới biết ông đã bị buông rơi tự bao giờ. Bóng dáng ông đâu phải là bóng dáng của một người, của một nghề, mà là bóng dáng của cả một thời đại, bóng dáng kí ức của tâm hồn ta. Ta nhớ nhung da diết khôn nguôi về một thời vàng son của một quá khứ, kỉ niệm đẹp đã mãi một đi không trở lại của một thời đại hay của chính lòng mình. Chúng ta nhìn nhau hỏi hay tự hỏi mình? Chúng ta hỏi hay nhớ nhung, hay nuối tiếc? Thi pháp này đã được Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương sử dụng tài tình. Vũ Đình Liên đã kế thừa và phát huy thi pháp này qua bài thơ mới: “Ông đồ”! Hẳn không phải ngẫu nhiên để nói về những người vừa đó của một thời cũng vừa mới qua, nhà thơ gợi ằng một chữ “hồn”. Đây knhững là cách gợi rất Việt Nam mà còn chỉ ra được một cách chính xác đến lạ lung những cái “đã qua mà không mất”, nó vẫn còn mãi.
Nén tâm nhang đã thắp – hoài niệm mênh mang. Ông đồ trở thành những người muôn năm cũ. Tất cả đều gặp nhau ở chữ “hoài”, thấm thía nỗi sầu nhân thế. Ta nao nao nhớ đến nỗi buồn của một vị thi sĩ xưa:
“Ai người trước đã qua?
Ai người sau chưa để?
Nghĩ trời đất vô cùng
Một mình tuôn giọt lệ”
Lòng chợt tri ân câu thơ chân mộc của tác giả “Ông đồ” gửi tới họa sĩ Bùi Xuân Phái:
“Người bảo tranh anh vẫn cứ sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương”
Chính “cứ thương thương” đó của nhà thơ đã tạo ra cái thần cho người ta nhớ mãi. Ngay trong thơ mới của mình, ông vẫn chạm thương thời của người. Hoài Thanh cho biết “Ông đồ” là một “nghĩa cử” của lớp trẻ tân học đối với cực học đã hết thời cũng đúng thôi.
Thơ vốn hàm súc nhưng đạt đến độ như “Ông đồ” thì thật đáng phục. Giữa cái thời lí tưởng tràn bờ, khuôn khổ lung lay, nhà thơ mới Vũ Đình Liên đã chọn cho mình thể thơ năm chữ, thả dài bốn khổ. Chỉ một trăm chữ, không cầu kì, cũng không tân kì mà “Ông đồ” ra đời từng câu, từng câu… thong thả như hoa quỳnh nở. Từng nét nhụy uốn cong xòe ra tỏa hương…buồn!? Ở đây, chữ “thương” đã quá rõ, còn chữ “hoài”…. Thì hẳn cũng xuất phát từ chữ “thương” ấy, xuất phát từ trái tim bao la nhân tình ấy:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Âm hưởng nốt nhạc cuối cứ mien man day dứt, khiến người nghe cứ thẫn thờ. Thời của một đời rồi sẽ qua. Ai cũng vậy, những qua đi không hẳn là đã mất tiêu, vô nghĩa. Hôm nay đã phôi pha từ hôm qua và cả ngày mai cũng sẽ từ hôm qua. Ông đồ đã trở về thế giới của ông, về với thời xa vắng. Người xưa thành ông cha, cái cũ thành di tích. Nét đẹp và sức mạnh của phương Đông ở bên trong và từ thăm thẳm. Nói đến “văn hóa”, không thể không nói đến “cội nguồn”, nói đến hôm nay không thể phủ nhận “hôm qua”. Ẩn khuất hay lan tỏa, ngàn xưa hay ngày xưa vẫn là một mảng đậm đà trong tâm hồn dân tộc Việt Nam.
Tết vẫn đến. Hoa đào vẫn nở. Dòng song vẫn trôi chảy. Năm tháng cứ qua đi, bụi thời gian sẽ dần phủ mờ lên tất cả. Chỉ có dòng đời đổi thay. Nhưng với Vũ Đình Liên, với “long thương người” và “tình hoài cổ” của mình, ông đã tự hỏi:
“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Câu thơ gợi nỗi niềm tiếc nuối khôn nguôi hay gợi long trắc ẩn nhân tình?

14 tháng 6 2018

Ông đồ rơi vào tình cảnh một nghệ sĩ hết công chúng, một cô gái hết nhan sắc. Còn duyên kể đón người đưa, Hết duyên đi sớm về trưa một mình. Ông đồ vẫn ngồi đấy mà không ai hay. Cái hiện thực ngoài đời là thế và chỉ có thế, nó là sự ế hàng. Nhưng ở thơ, cùng với cái hiện thực ấy còn là nỗi lòng tác giả nên giấy đỏ như nhạt đi và nghiên mực hóa sầu tủi, Hay nhất là cộng hưởng vào nỗi sầu thảm này là cảnh mưa phùn gió bấc. Hiện thực trong thơ là hiện thực của nỗi lòng, nỗi lòng đang vui như những năm ông đồ "đắt khách" nào có thấy gió mưa. Gió thổi lá bay, lá vàng cuốimùa rơi trên mặt giấy, nó rơi và nằm tại đấy vì mặt giấy chưa được dùng ỉến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt cái lá ấy đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối bất động của ông đồ rồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời mà cảnh hiện ra như vẽ, không chỉ bóng dáng ông đồ mà cả cái tiêu điều của xã hội qua mắt của ông đồ. Tác giả đã có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ không ai hay. Thể thơ năm chữ vốn có sức biểu hiện những chuyện dâu bể, hoài niệm, đã tỏ ra rất đắc địa, nhịp điệu khơi gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm. Màn mưa bụi khép lại đoạn thơ thật ảm đạm, lạnh, buồn, vắng. Như vậy cũng chỉ với tám câu, bốn mươi chữ, đủ nói hết những bước chót của một thời tàn. Sự đối chiếu chi tiết ở đoạn này tới đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta cái ấn tượng thảng thốt, xót xa của sự biến thiên.

14 tháng 6 2018

Đây là hai câu thơ trích trong bài : Bài thơ tình ở Quảng Châu của Tế Hanh.

+ Lá phong được so sánh với mối tình đượm lửa <=> cho thấy được tâm trạng, sự nhớ về một mối tình tha thiết, nồng nàn mà có lẽ là rất đẹp, đầy lưu luyến của ông với một người phụ nữ ở Tây Hồ , Hàng Châu.

+ Hoa cúc vàng so sánh với nỗi nhớ của ông <=> một nỗi nhớ da diết, không nguôi đối với người và trời thu Hà Nội .

+ Mùa thu Tây Hồ khi ấy thêm đẹp như mối tình đượm buồn của Tế Hanh

13 tháng 6 2018

Cuộc hội thoại nói về việc : '' cho đi và nhận lại "

Trong cuộc sống, mỗi một một người phải biết cho đi và họ sẽ nhận được những gì tốt đẹp nhất . Chúng ta xung quanh có rất nhiều thứ có thể cho đi và nhận lại. Triết lý sống trong bài là một ví dụ tiêu biểu cho việc cho đi và nhận lại. Cho và nhận là những qui luật của tự nhiên và xã hội loài người. Trong xã hội, vấn đề này cần được nhận thức rõ ràng: Không cho thì không thể nào nhận được

19 tháng 6 2018

NGHỊ LUẬN VỀ CHO ĐI NHẬN LẠI :

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…” Trong cuộc sống luôn cần có những tấm lòng biết yêu thương và sẻ chia, phải biết cho đi thì mới có thể nhận lại được. Thê nhưng trong cuộc sống hiện đại, dường như con người càng trở nên khép mình, thờ ơ, thiếu quan tâm đến những người xung quanh hơn.

Cho và nhận – đó là một mối quan hệ nhân quả. Cho mang ý nghĩa của sự sẻ chia, giúp đỡ. Đó có thể là những việc nhỏ nhặt như dắt một bà cụ qua đường, bẻ chiếc bánh mì làm đôi cho người bạn nghèo cùng lớp, … Nhận là những gì ta được đền đáp lại. Từ xưa, khi còn thuở ấu thơ, ta vẫn thường được nghe các mẹ, các bà kể câu chuyện về những cô Tấm, nàng Lọ Lem hiền lành được ông Bụt, bà Tiên giúp đỡ khi gặp họa nạn. Đó chẳng phải là cho đi và nhận lại đấy sao?

Nhiều khi, bản thân cho đi nhiều điều nhưng lại không biết được rằng mình đã được nhận lại từ người khác từ lúc nào. Có một câu chuyện kể rằng một cô gái đi trên đường bất chợt gặp một người ăn xin. Thương cho ông lão đã già mà vẫn phải sống cơ cực, nghèo khổ, cô muốn gửi cho ông mọt chút gì đó để cho ông đỡ vất vả. Tuy nhiên khi lục lọi khắp người, cô lại không tìm thấy gì để có thể cho ông lão. Cảm thấy áy náy, cô lại gần và cầm tay ông lão, xin lỗi ông vì không có gì cho ông. Nhưng thật bất ngờ, ông cụ đã nói rằng: “ Cháu đã cho ông rất nhiều rồi”. “Hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”, và thứ mà cô gái đã trao cho ông lão, có lẽ ở đây ai cũng hiểu, đó chính là niềm hạnh phúc, là hơi ấm của tình người. Tình thương của cô đã giúp cho ổng lão cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống. CHính bản thân cô cũng phần nào cảm thấy ấm lòng vì thấy việc mình làm phần nào cũng đem lại giá trị cho người khác. Cái sự nhận lại này đôi khi không phải là trong phút chốc mà có được. Trồng cây phải lâu năm thì mới có được ngày hái quả, sẽ có một lúc nào đó khi gặp khó khăn, bạn sẽ gặp được sự giúp đỡ của những người mà có khi chính bản thân mình không quen biết.

Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều người sẵn sang giúp đỡ mà không hề đòi hỏi sự báo đáp. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân. Hoặc thậm chí, khi nhìn thấy những người đang cần sự giúp đỡ của mình, thì điều đầu tiên họ nghĩ là tính toán xem làm thế nào để có lợi cho mình. Họ không quan tâm đến những người xung quanh, chỉ biết giữ lấy của riêng mình. Gieo nhân nào gặt quả nấy, khi gặp khó khăn, họ sẽ bị người khác quay lưng vì trước kia chính họ đã sống quá thờ ơ với mọi người.

Khi ta trao yêu thương cũng là lúc ta nhận lại hạnh phúc, xây dựng và nuôi dưỡng cho tâm hồn giàu đẹp. Cho và nhận – tưởng chừng như là những khái niệm đơn giản nhưng để hiểu và làm được thì không hề dễ dàng. Cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự sẻ chia, kết nối giữa con người với con người. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Nếu là con chim, chiếc lá,

Thì con chim phải hót ,chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả,

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

13 tháng 6 2018

Có lẽ rằng, cả cuộc đời mình không ai quên được công lao như trời biển của mẹ, mẹ là tất cả, mẹ là mãi mãi. Hy sinh thật nhiều cho con. Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đã thể hiện qua bài Mẹ trong đó có khổ thơ làm rung động lòng hồn người:
"Con là lửa ấm quanh đời mẹ mãi
Con là trái xanh mùa gieo vãi
Mẹ nâng niu. Nhưng giặc Mỹ đến nhà
Nắng đã chiều...vẫn muốn hắt tia xa!"

Chỉ bằng một khổ thơ, Phạm Ngọc Cảnh đã bộc lộ cảm xúc của mình. Người mẹ Việt Nam anh hùng kính yêu

Mẹ bao giờ cũng thương con. Vâng! Đúng vậy. Đoạn thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh: "con là lửa ấm", "con là trái xanh". Lửa ấm càng cháy bùng lên nỗi thương con của mẹ, nó nóng chảy vào trái tim cùng nhịp đập. Là "trái xanh" khi đã trưởng thành khôn lớn, đi "gieo vãi" những mầm non cho đời tươi đẹp hơn. Chỉ như vậy thôi cũng đủ thấy tình mẹ cao cả biết nhường nào. Đoạn thơ còn sử dụng hình ảnh ẩn dụ "nắng đã chiều" so sánh ngầm với người mẹ đã già nhưng vẫn muốn nâng niu, chăm sóc người con. Thật đáng khâm phục đức hy sinh to lớn của người mẹ nói chung và người mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng. Từng đêm mẹ vẫn ngồi đây, để con được những giấc ngủ say, ngủ thật yên bình trong những giấc mơ đêm về. Tình yêu thương bao la mẹ dành tất cả cho người con. Mẹ luôn sát bên, dù cho những năm tháng tảo tần, nuôi lớn con nên người, con sẽ mãi ko quên ơn mẹ yêu...

Khổ thơ trên nói lên một người mẹ Việt Nam anh hùng, thật dũng cảm, tình mẹ thật thiêng liêng...Ai trong chúng ta cũng phải thốt lên rằng: Con yêu mẹ nhiều lắm,mẹ ơi!

13 tháng 6 2018

+ So sánh từ ''con'' với ''lửa ấm '' và với ''trái xanh ''đã cho ta thấy sự quan trọng , cần thiết của 1 đứa con trong cuộc đời của mỗi người mẹ và đứa con đó chính là tất cả để tạo nên cuộc sống của những người mẹ .

+Biện pháp tu từ ''ẩn dụ'': ''nắng đã chiều''nói về hình ảnh của môt bà mẹ tuổi cao sức yếu , ''vẫn muốn hắt hiu xa '' chính là tấm lòng vì nước vì dân của bà mẹ mà động viên con trai chuẩn bị lên đường để đi đánh và giết giặc cứu nước .

+ Từ "nhưng" được kết hợp với dấu chấm ngắt câu giữa dòng thơ thứ ba để tạo thành hai ý của đoạn thơ . - Con là "lửa ấm", là "trái xanh', là cuộc sống của mẹ,... mmmẹ luôn nâng niu gìn giữ. - Khi mà giặc Mỹ sang xâm chiếm đất nước ta, tuy tuổi cao sức yếu nhưng người mẹ vẫn muốn đóng góp một phần sức lực cho cuộc chiến đấu bảo vệ dân tộc bằng cách động viên con trai ra đi trận giết giặc cứu nước .Từ đó , cho ta thấy lòng yêu nước, sự hi sinh lớn lao của mẹ.Và ca ngợi các bà mẹ anh hùng Việt Nam đã luôn luôn hết lòng hi sinh vì Tổ quốc.
13 tháng 6 2018

Những tháng năm xa quê,giông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả,nhưng trong tâm tư tôi những dòng sông mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy,những dòng kinh biêng vẫn lặng lờ trôi.Tôi yêu những cánh đồng bao la vàng rực ngày mùa,mù mịt khói rạ,thương vị mía lùi và trắng xóa sương mù sau Tết.Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thẳm cảnh khuya.Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì,nghiêng nghiêng bên miền núi

15 tháng 6 2018

Hồi tưởng quá khứ và suy nghĩ về hiện tại về vấn đề gì? Đề này chung bạn cho rõ đề hơn nhé

14 tháng 6 2018

Mỗi con người tồn tại trên quả đất đều đang nhận về mình rất nhiều, từ tia nắng ấm áp của ngày mới đến giọt nước ngọt mát lành, từ khí trời trong veo đến cơn gió dịu nhẹ. Chúng ta nhận nhiều từ tự nhiên và cũng nhận nhiều từ những người khác. Nhưng đến khi cho đi, thì lại rất khó khăn.
Con người bản năng luôn nghĩ đến mình trước nhất, như lời một bài hát “cuộc đời khi có cho không, rồi khi túng thiếu, hỏi người có đòi được không?”. Dân gian xưa thậm chí còn nhắc nhở nhau đừng vội giúp đỡ kẻ khác, vì con người là giống bội bạc, “cứu vật, vật trả ân – cứu nhân, nhân trả oán”. Hay tư tưởng “người không vì mình, trời tru đất diệt” nên cả đời chỉ vì bản thân mình.
Nhưng tôi tin rằng lúc thốt lên lời cay đắng như vậy chắc ông bà ta cũng chỉ giận lẫy nhất thời thôi, vì rồi ông bà lại nhắn nhủ nhau phải biết sống vì người khác, phải “thương người như thể thương thân”, phải biết cho đi, “làm phúc cũng như làm giàu”.
Tại sao chúng ta lại phải biết quảng đại, chia sẻ, cho đi?
Bởi vì “không có ai nghèo vì cho đi cả” (Anne Frank). Ngày chúng ta cất tiếng khóc chào đời để đến trái đất này, chúng ta chỉ là một đứa bé không có gì. Ngày nhắm mắt ra đi, chúng ta cũng vậy. Kể cả nếu người được ta giúp có vô ơn, bội bạc thì ta cũng chẳng nên phiền muộn, hãy xem như ta có thêm bài học, để sau này ta biết phân biệt được đâu thật sự là người ta nên giúp, cần giúp (street smart). Đã làm từ thiện thì không tính toán chi cho đầu óc nó hẹp hòi. Một khi đã chọn tin một nơi để gửi tiền, gửi công, gửi sức vào, thì không nên theo dõi “họ dùng tiền có đúng mục đích không, chạy theo dò xét, nghi ngờ”. Bạn có quyền từ chối. Một khi đã làm rồi, thì phải có lòng tin. Hãy “quên” khi “cho” để được an nhiên, vui vẻ. Đó là sự hào sảng mà người đẳng cấp mới có.
Tới đây, tôi xin chuyển hướng kể lại một câu chuyện đọc được hồi bé
Có một tên cướp đi vào một ngôi làng nọ. Nó ẩn vào nhà vị bác sĩ duy nhất trong làng, (người mà nó tin rằng rất giàu có), dự định đến khuya sẽ nắm đầu ông bác sĩ và bắt ông nói ra chỗ cất những của cải quý giá, rồi sẽ giết ông để giữ bí mật. Đêm ấy, đột nhiên có điện thoại từ người thân của một đứa trẻ đang bệnh rất nặng từ làng bên cạnh cầu cứu bác sĩ. Lúc ấy là vào mùa đông, trời đổ tuyết rất lớn, mưa gió bão bùng, làng đứa trẻ bị bệnh lại cách xa một quả núi, đi đến đó nhiều nguy hiểm trên đường, mà trời đã quá khuya, trong khi ông đã có một ngày quá mệt mỏi.
Gác điện thoại, ông bác sĩ thở dài đi đến giường nghỉ. Nhưng rồi ông lẩm bẩm mình không đi bây giờ lỡ đứa trẻ có thể chết thì làm sao. Vậy là lấy lại tinh thần, ông mặc thêm áo, cầm theo cây đèn bão. Rồi ông mở cửa, ra đi. Dáng ông liêu xiêu trong gió tuyết. Sáng hôm sau khi ông bác sĩ trở về, tên cướp đón ông ngay trước cửa nhà, sụp xuống dưới chân ông: “Ông có biết tôi chờ ông suốt từ đêm qua tới giờ không?”
“Xin ông vào nhà để tôi khám bệnh cho ông.” – Bác sĩ đáp lại.
Tên cướp nói: “Không phải thế. Tôi là một tên cướp. Đêm qua tôi đã ẩn nấp trong nhà ông. Tôi muốn bắt ông khai ra chỗ giấu của cải và sẽ giết ông. Nhưng hôm qua giữa trời gió tuyết ông đã bất chấp nguy hiểm đi chữa bệnh cho người ta. Tôi đã rất xấu hổ vì định làm hại một người như ông. Khi ông ra đi trong đêm, ông không chỉ cứu đứa trẻ làng bên kia, mà còn cứu chính bản thân ông. Và ông biết không, ông còn cứu cả tôi nữa”.
Thật may cho ông bác sĩ và ông Thượng vì cả tên cướp trong câu chuyện trên và anh thanh niên được kể trong đề bài đều “không thể đối xử với tình thương bằng lòng tham của mình”. Sự may mắn ấy của một con người không phải đến một cách tình cờ mà nó được tích lũy bởi lòng chân thành và tình thương của họ. Tình yêu thương thì có thể lay động cả đất trời.
Chúng ta bất kể giàu nghèo, sang hèn đều gắn kết với nhau chính nhờ sự cho đi. Sự cho đi của những Bill Gates, Warren Buffet thường vĩ đại và có thể thay đổi thế giới. Chúng ta có thể không (hoặc chưa) làm được những điều lớn lao như họ, nhưng chúng ta vẫn có thể cho đi bằng những điều nhỏ bé hằng ngày. Đó có thể đơn giản là nụ cười với người bán hàng, một lời cám ơn chân thành với người lao công trên phố, là biết chia sẻ công việc nhà, là biết xếp hàng, biết bỏ rác vào thùng, biết xách hộ cái giỏ nặng của phụ nữ mang bầu, biết nhường ghế cho một cụ già trên xe buýt…Những khi có thể, chúng ta nên làm những việc rất nhỏ, vậy thôi. Nếu tất cả mọi người đều biết sống cho đi, ắt hẳn tất cả sẽ nhận lại thiên đường, ngay giữa thế gian này.
Người ta sẽ nói tôi trẻ con. Đời cứ đâu phải màu hồng. Nhưng tôi thì nghĩ khác. Bút màu trong tay, ai cũng có quyền tự tô màu cho cuộc đời của riêng họ.
Kết thúc bài viết, tôi xin kể về câu chuyện hai cái hồ ở Palestine.
“Người ta bảo ở bên Palestine có hai biển hồ. Biển thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi mà người uống cũng bị bệnh. Không một ai muốn sống ở gần đó. Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút khách du lịch nhiều nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, con người có thể uống được mà cá cũng có thể sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở nơi đây. Vườn cây ở đây tốt tươi nhờ nguồn nước này…
Nhưng điều kỳ lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muôn thú và con người.
Một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười . Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng.
Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ cho riêng mình .“Sự sống” trong họ rồi cũng chết dần chết mòn như nước trong lòng biển chết”.

14 tháng 6 2018

GỢI Ý :

a) Hình thức: Trình bày thành đoạn văn nghị luận, sử dụng một số thao tác như giải bài .
thích, chứng minh, phân tích, tổng hợp không mắc những lỗi cơ bản về dùng từ, chính tả, diễn đạt trong sáng.
b) Nội dung: Bàn về thái độ sống thân thiện, biết chia sẻ, biết cho đi sự ấm áp, ánh sáng, nụ cười, tình yêu… mới nhận được niềm vui và hạnh phúc.
- Đó là quan niệm sống tốt đẹp, như câu thơ của Tố Hữu từng viết “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Hay châm ngôn nước ngoài có câu “Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta còn vương mãi mùi hương”.
- Phê phán thái độ sống ích kỉ, vụ lợi.

13 tháng 6 2018

-Hình ảnh trường làng Mĩ Lý trước khi đi học: Rất đỗi quen thuộc, và bình thường.

sau khi đi học: Cảm thấy có sự thay đổi lớn vì chính ngày hôm đó nhân vật "Tôi" đi học.

- Lớp học ngày đầu tiên rất xa lạ, dù chưa bao giờ bước vào lớp đó nhưng nhân vật "Tôi" cẩm thấy có một cái gì đó rất gần, rất quen thuộc, rất thân thương với mình.

14 tháng 6 2018

Viết về những gương thiếu nhi Việt Nam anh hùng, bài thơ Lượm của Tố Hữu là một tác phẩm đặc sắc nhất của nền thi ca kháng chiến.

Sau khi miêu tả vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn trong sáng đáng yêu của Lượm, nhà thơ đã viết nên những vần thơ tuyệt đẹp ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh và phầm chất anh hùng của chú đội viên liên lạc.

Hình ảnh Lượm bỗng "cao lớn" phi thường:

Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề: "Thượng khẩn"

Sợ chi hiểm nghèo?.

Giữa mặt trận đạn bay vèo vèo, chú liên lạc đã xông lên vượt qua, vụt qua. Hai chữ vụt qua thể hiện động tác chiến đấu nhanh nhẹn, quả cảm vô cùng. Không thể do dự và chậm trễ khi đang mang trên mình bức thư thượng khẩn. Vì nó là mệnh lệnh chiến đấu. Câu thơ sợ chi hiểm nghèo? vang lên như một lời thách thức, như một lời thề chiến đấu coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Người chiến sĩ nhỏ khác nào "một tiên đồng" đang dạo chơi trên đồng lúa trỗ đòng đòng. Từ láy "nhấp nhô" gợi tả một tư thế hồn nhiên, bình tĩnh của chú liên lạc trên đường băng qua mặt trận đầy khói lửa:

Đường quê vắng vẻ

Lúa trỗ đòng đòng

Ca lô chú bé

Nhấp nhô trên đồng....

Nhà thơ như đang "nín thở" dõi theo. Và Lượm đã ngã xuống. Câu thơ có lửa và máu, có lời than và nỗi đau. Hai câu cảm thán liên tiếp như tiếng nấc đau đớn cất lên:

Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi, Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng máu tươi!.

Lượm đã chiến đấu vì quê hương. Lượm đã hy sinh vì quê hương. Lượm đã tử thương nhưng tay chú còn nắm chặt bông lúa. Lượm đã ngã xuống nhưng hồn chú vẫn bay giữa đồng lúa thơm ngạt ngào mùi sữa:

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng.

Đây là những câu thơ hay nhất nói về sự hy sinh của người chiến sĩ trên chiến trường. Tố Hữu đã sáng tạo nên một không gian nghệ thuật có hương lúa quyện hồn chiến sĩ vừa thân thuộc vừa bình dị, vừa bát ngát thiêng liêng. Chú đội viên liên lạc đã ngã xuống trong tư thế người anh hùng tuổi thiếu niên!.

Phần cuối bài thơ, Tố Hữu nhắc lại tám câu thơ ở đoạn đầu. Cấu trúc ấy được thi pháp gọi là "đầu - cuối tương ứng" hoặc kết cấu vòng tròn. Trong bài thơ này, cấu trúc ấy có một giá trị thẩm mĩ đặc sắc. Chú đội viên liên lạc đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận, nhưng tinh thần yêu nước, chí khí dũng cảm và tên tuổi người anh hùng tuổi thiếu niên vẫn bất tử, sống mãi trong lòng nhân dân ta. Có cái chết hoá thành bất tử, đó là sự hy sinh oanh liệt của Lượm. Tấm gương anh hùng của Lượm sáng mãi ngàn thu.

18 tháng 6 2018

Nhà thơ Tố Hữu sáng tác bài Lượm vào năm 1949, in trong tập thơ Việt Bắc. Bài thơ đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình ảnh Lượm, một em bé thiếu nhi hy sinh vì nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lượm là bài thơ tự sự - trữ tình kể về cuộc đời ngắn ngủi nhưng rất anh dũng của chu bé liên lạc, hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời, dũng cảm đã ngã xuống để bảo vệ sự bình yên cho chính mảnh đất quê hương mình. Hình ảnh nhân vật Lượm xuyên suốt trong bài thơ.

Trong năm khổ thơ đầu, bằng cái nhìn trìu mến thân thương, tác giả đã miêu tả một chú bé rất đáng yêu:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

Ca nô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng...

Nhắc đến Lượm, người đọc nhớ đến hai khổ thơ này, bởi đây là hai khổ thơ đầy ấn tượng về một chú bé liên lạc nhỏ nhắn, xinh xinh, nhanh nhẹn hồn nhiên, nhí nhảnh vui tươi. Những từ láy loát choắt, xinh xinh, thoăn thoát, nghênh nghềnh được dùng rất gợi hình gợi cảm, cùng với thể thơ bốn chữ và nhịp thơ nhanh, tạo âm hưởng vui tươi, nhí nhảnh rất phù hợp với một chú bé như Lượm. Một hình ảnh so sánh đẹp như con chim chích - nhảy trên đường vàng... gợi lên trước mắt chúng ta một chú bé hồn nhiên yêu đời. Thật thú vị! Nhà thơ Lê Đức Thọ cũng có bài thơ Em bé liên lạc, ông cũng hình dung em như một con chim non vui tươi ở những câu kết:

Ngày mai trên quãng đường trắng

Có em bé lại dẫn đường bên anh.

Miệng cười chân bước nhanh nhanh,

Như con chim nhỏ trên cành vui tươi.

Có lẽ không còn hình ảnh nào có thể thay thế cho được hình ảnh con chim nhỏ và chỉ có hình ảnh này mới thể hiện được vẻ đẹp trẻ thơ của chú bé liên lạc. Bao trùm lên tất cả là cái tình của nhà thơ, cái nhìn trìu mến, thân thương của tác giả đối với chú bé. Phải yêu quí Lượm lắm thì mới miêu tả Lượm hay đến như vậy!

Người đọc yêu biết bao cái cười híp mí, má đỏ bồ quân của chú, nhưng càng yêu hơn niềm vui được tham gia kháng chiến của chú bé:

Cháu đi liên lạc Vui lắm chú à Ở đồn Mang Cá Thích hơn ở nhà!

Nhà thơ miêu tả Lượm vui như con chim sổ lồng. Cái ý đi làm liên lạc thích hơn ở nhà, đúng là niềm vui của con chim sổ lồng. Đó là niềm vui chung của cả thế hệ trẻ sau Cách mạng tháng Tám, chứ không riêng gì của chú bé Lượm

Đáng yêu hơn là tiếng chào: Thôi chào đồng chí vừa tinh nghịch dí dỏm, lại vừa đứng đắn nghiêm trang, bởi em đã tham gia kháng chiến như mọi người, như chú của em vậy. Trong tiếng chào ấy ta thấy vang lên một niềm tự hào kiêu hãnh rất trẻ con, và rất đáng yêu-của Lượm.

Ấn tượng của cuộc gặp gỡ vẫn còn giữ nguyên vẹn nét đẹp đẽ, vui tươi, ấm áp trong lòng tác giả, thì bỗng nhiên có tin Lượm hy sinh. Câu thơ bốn tiếng được ngắt làm hai dòng, bị gãy đôi như một tiếng nấc:

Ra thế

Lượm ơi!

Đó là nỗi sửng sốt, xúc động đến nghẹn ngào. Và nhà thơ hình dung ngay ra cảnh tượng chú bé hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ:

Một hôm nào đó

Như bao hôm nào

Chú đồng chí nhỏ

Bỏ thư vào bao

Vụt qua mặt trận

Đạn bay vèo vèo

Thư đề “thượng khẩn”

Sợ chi hiểm nghèo?

Để rồi lại nghẹn ngào gọi em một lần nữa:

Bỗng lòe chớp đỏ

Thôi rồi Lượm ơi!

Chú đồng chí nhỏ

Một dòng máu tươi!

Lượm đã hy sinh anh dũng như một chiến sĩ thực thụ ở trên, nhà thơ còn gọi em bằng cháu, và ở đây khi kể lại cảnh Lượm hy sinh. Tố Hữu đã gọi chú bàng những lời xưng hô trang trọng: Chú đồng chí nhỏ và có tới hai lần gọi như thế. Việc làm của em, sự hy sinh cao đẹp của em khiến em xứng đáng được nhà thơ gọi như thế. Phải chăng đó là lòng cảm phục của một cán bộ cách mạng đối với một em thiếu nhi anh hùng.

Nhưng rồi cuối cùng, tình cảm công dân ấy lại quay về tình chú - cháu. Nhà thơ lại gọi Lượm bằng tiếng cháu thân thương khi miêu tả cái chết đẹp đẽ cua em giữa đồng lúa quê hương:

Cháu nằm trên lúa

Tay nắm chặt bông

Lúa thơm mùi sữa

Hồn bay giữa đồng...

Cánh đồng quê hương như vòng nôi, như vòng tay của mẹ, ấm êm dịu dàng đón em vào lòng. Em chết mà tay vẫn nắm chặt bông lúa, quê hương và hương lúa vẫn bao bọc quanh em như ru em vào giấc ngủ đẹp của tuổi thơ anh hùng. Em chết mà hồn bay giữa đồng, vừa thiêng liêng vừa gần gũi biết bao! Không yêu mến, xót thương, cảm phục Lượm thì không thể miêu tả một cái chết hồn nhiên và lãng mạn đến như thế! Đó là cái chết của những thiên thần nhỏ bé. Thiên thần nhỏ bé ấy đã bay đi để lại bao tiếc thương cho chúng ta, như Tố Hữu đã nghẹn ngào, đau xót gọi em lần thứ ba bằng một câu thơ day dứt:

Lượm ơi còn không?

Câu thơ đứng riêng thành một khổ thơ, như một câu hỏi xoáy sâu vào lòng người đọc. Nếu không có cái tình với Lượm thì nhà thơ làm sao lại day dứt thế được!

Câu hỏi ngân vang ấy, tưởng chừng như không có câu trả lời, nhưng chính tác giả đã trả lời bằng hai khổ thơ cuối khép lại bài thơ:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm huýt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường vàng.

Hai khổ thơ cuối láy lại khổ thơ thứ hai và khổ thơ thứ ba như một điệp khúc để khẳng định Lượm vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước, sống mãi trong lòng tác giả. Bài thơ hết nhưng ý thơ lại mở ra vẫn còn tiếp nối mãi trong lòng người đọc hình ảnh một chú bé liên lạc hồn nhiên mà dũng cảm, đáng yêu và đáng cảm phục. Lượm vẫn còn công mãi trong lòng chúng ta như bài ca bất diệt về tuổi thơ trong sáng đã hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc.

Với thể thơ bốn chữ, một thể thơ dân gian truyền thống phù hợp với lối kể chuyện có nhịp kể nhanh. Với cách ngắt đôi câu thơ đột ngột, và nghệ thuật tách câu thơ thành một khổ thơ riêng rất độc đáo, kết hợp với cách sử dụng câu hỏi tu từ, câu cảm thán... Lượm thật sự là một bài thơ hay, cảm động về một tấm gương bé bỏng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.