Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Sinh sản ở động vật SVIP
I. Sinh sản vô tính ở động vật
1. Phân đôi
- Là hình thức sinh sản mà một cá thể mẹ phân đôi thành hai cá thể có kích thước gần bằng nhau.
- Gặp ở nhiều loài động vật thuộc ngành Ruột khoang như hải quỳ, san hô.
2. Nảy chồi
- Là hình thức sinh sản mà chồi mọc ra từ cơ thể mẹ, lớn dần lên, sau đó tách ra thành cơ thể mới.
- Hình thức này có ở Bọt biển, Ruột khoang.
3. Phân mảnh
- Là hình thức sinh sản mà cơ thể mới phát triển từ mảnh tách ra từ cơ thể mẹ.
- Hình thức này gặp ở Giun dẹp, Bọt biển, sao biển.
4. Trinh sinh
- Là hình thức sinh sản, trong đó cơ thể mới phát triển từ trứng không được thụ tinh.
- Hình thức này gặp ở các loài chân đốt như ong, kiến, rệp. Một số loài cá, lưỡng cư, bò sát cũng sinh sản theo cách này.
- Sinh sản theo kiểu trinh sinh thường xen kẽ với sinh sản hữu tính.
II. Sinh sản hữu tính ở động vật
1. Các hình thức sinh sản hữu tính
a) Đẻ trứng
- Trứng được con cái đẻ vào môi trường nước, con đực xuất tinh dịch lên trứng để thụ tinh (gọi là thụ tinh ngoài). Con non nở ra từ trứng phát triển thành con trưởng thành.
- Trứng thụ tinh với tinh trùng bên trong cơ thể con cái (gọi là thụ tinh trong), tiếp đó con cái đẻ trứng đã thụ tinh vào môi trường sống. Con non nở ra từ trứng phát triển thành con trưởng thành.
b) Đẻ trứng thai (noãn thai sinh)
- Trứng thụ tinh với tinh trùng tạo thành hợp tử trong cơ thể con cái. Hợp tử được giữ lại và phát triển trong ống dẫn trứng của con cái nhờ chất dinh dưỡng dự trữ trong noãn hoàng. Đến một thời điểm nhất định, con non được mẹ đẻ ra.
c) đẻ con (thai sinh)
- Trứng thụ tinh với tinh trùng tạo thành hợp tử trong cơ thể con cái. Hợp tử phát triển trong tử cung nhờ lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ qua nhau thai. Đến một thời điểm nhất định, con non được mẹ đẻ ra.
2. Quá trình sinh sản hữu tính ở người
a) Hình thành tinh trùng và trứng
- Quá trình sinh tinh: Tinh trùng hình thành trong ống sinh tinh của hai tinh hoàn, bắt đầu từ tinh nguyên bào, trải qua quá trình nguyên phân và giảm phân.
- Thời gian sản sinh tinh trùng, tính từ tinh nguyên bào đến khi tạo thành tinh trùng mất khoảng 64 ngày. Hai tinh hoàn có khả năng sinh sản khoảng 120 triệu tinh trùng mỗi ngày.
- Quá trình sinh trứng: Diễn ra trong hai buồng trứng của nữ giới. Buồng trứng của trẻ sơ sinh gái đã có khoảng 400 000 noãn bào bậc 1 nằm trong các nang trứng sơ cấp. Tuy nhiên, chỉ khoảng 300 - 400 noãn bào bậc 1 phát triển thành tế bào trứng trưởng thành trong suốt cuộc đời phụ nữ.
- Các tế bào trứng phát triển trong các nang trứng của buồng trứng. Mỗi nang trứng được cấu tạo từ một tế bào trứng (noãn bào), nhiều tế bào hạt và tế bào vỏ nang. Bắt đầu từ tuổi dậy thì cho đến khi mãn kinh, cứ khoảng 28 ngày thì có một nang trứng chín và trứng rụng.
- Quá trình sinh trứng diễn ra theo trình tự được mô tả trong hình.
b) Thụ tinh
- Thụ tinh là sự kết hợp giữa tinh trùng đơn bội (n) và tế bào trứng đơn bội (n) tạo thành hợp tử lưỡng bội (2n).
- Khi tinh trùng gắn vào thụ thể trên màng sinh chất của tế bào trứng thì gây ra phản ứng vỏ, ngăn không cho các tinh trùng khác xâm nhập vào tế bào trứng.
- Thụ tinh diễn ra trong ống dẫn trứng, tại 1/3 ống dẫn trứng tính từ loa vòi trứng.
c) Phát triển phôi thai
- Sau khi trứng thụ tinh với tinh trùng tạo thành hợp tử. Hợp tử phân bào liên tiếp trên đường di chuyển về phía tử cung và làm tổ.
- Trong 8 tuần đầu, các tế bào hợp tử phân chia và phân hoá tạo thành mô và cơ quan nên gọi là giai đoạn phôi.
- Sau giai đoạn phôi là giai đoạn hoàn thiện các cơ quan nên gọi là giai đoạn thai.
- Giai đoạn phôi thai diễn ra trong cơ thể người mẹ kéo dài khoảng 9 tháng 10 ngày và được nuôi dưỡng nhờ máu mẹ qua nhau thai.
d) Đẻ con
- Sau khoảng 9 tháng 10 ngày phát triển trong tử cung người mẹ, con sẽ được sinh ra.
- Oxytocin kích thích tử cung co bóp, đồng thời kích thích nhau thai tiết ra prostagladin. Prostagladin hỗ trợ oxytocin làm tử cung co bóp mạnh hơn, đẩy thai nhi ra ngoài.
3. Cơ chế điều hoà sinh sản
a) Cơ chế điều hoà sinh tinh
- Các hormone do vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra đi theo đường máu đến tinh hoàn, kích thích tinh hoàn sinh tinh trùng.
- Cơ chế điều hoà sinh tinh được kiểm soát nhờ liên hệ ngược. Nồng độ testosterone trong máu tăng lên sẽ gây ức chế lên vùng dưới đồi và tuyến yên, làm giảm tiết GnRH, FSH và LH.
b) Cơ chế điều hoà sinh trứng
- Các hormone do vùng dưới đồi và tuyến yên tiết ra đi theo đường máu đến buồng trứng, kích thích nang trứng phát triển và làm nang trứng chín và trứng rụng.
- Cơ chế điều hoà sinh trưởng được kiểm soát nhờ liên hệ ngược. Nồng độ progesterone và estrogen trong máu tăng lên gây ức chế vùng dưới đồi và tuyến yên, làm giảm tiết GnRH, FSH, LH.
c) Ảnh hưởng của thần kinh và môi trường sống đến quá trình sinh tinh và sinh trứng
- Căng thẳng thần kinh kéo dài như sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, gây rối loạn sản xuất hormone, làm giảm sản sinh tinh trùng và rối loạn chu kì trứng chín và rụng.
- Thiếu ăn, suy dinh dưỡng, chế độ ăn uống không hợp lí, bệnh béo phì gây rối loạn chuyển hoá làm giảm sản sinh tinh trùng và rối loạn chu kì trứng chín và rụng.
- Lối sống ít vận động, thường xuyên mặc quần lót chật làm giảm khả năng sinh tinh trùng.
- Nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma tuý gây rối loạn chuyển hoá làm giảm sản sinh tinh trùng, chu kì kinh nguyệt không đều.
III. Ứng dụng
1. Một số biện phát điều khiển số con ở động vật
a) Thụ tinh nhân tạo
- Thụ tinh nhân tạo bên trong cơ thể: là phương pháp bơm tinh trùng đã được chọn lọc vào buồng tử cung vào thời điểm nang trứng chín và trứng rụng tạo điều kiện cho quá trình thụ tinh hiệu quả. Hợp tử tạo ra phát triển thành phôi thai trong tử cung.
- Thụ tinh nhân tạo bên ngoài cơ thể
b) Thay đổi yếu tố môi trường
- Thay đổi thời gian chiếu sáng trong 24 giờ đối với gà nuôi nhốt làm cho gà đẻ nhiều hơn một trứng/ngày.
- Bổ sung chất khoáng vào thức ăn làm tăng đẻ trứng ở vịt.
c) Nuôi cấy phôi
- Tiêm hormone thúc đẩy sự chín và rụng nhiều trứng cùng một lúc rồi lấy các trứng đó ra ngoài, cho trứng thụ tinh nhân tạo để thu được nhiều hợp tử. Giữ các hợp tử trong môi trường thích hợp bên ngoài cơ thể để các hợp tử phát triển thành phôi. Cấy các phôi này vào tử cung của một hoặc nhiều động vật cái để cho nhiều cá thể con.
- Ở giai đoạn phôi hai, bốn hoặc tám tế bào, người ta tách các tế bào phôi thành từng tế bào riêng rẽ. Nuôi các tế bào phôi đó trong môi trường thích hợp để phát triển thành phôi mới, sau đó cấy riêng từng phôi mới vào tử cung của các động vật cái.
2. Một số biện pháp điều khiển giới tính ở động vật
- Sử dụng các kĩ thuật như lọc, li tâm, điện di để tách tinh trùng thành hai loại, một loại có nhiễm sắc thể giới tính X và loại kia có nhiễm sắc thể giới tính Y.
- Nuôi cá rô phi bột bằng 17-methyltestosterone phối hợp vitamin C sẽ tạo ra 90% cá rô phi đực. Cá rô phi đực cho kích thước lớn, nhiều thịt và lớn nhanh hơn.
- Chiếu tia tử ngoại lên tằm sẽ tạo ra nhiều tằm đực hơn, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế do tằm đực cho nhiều tơ hơn so với tằm cái.
3. Một số thành tựu thụ tinh trong ống nghiệm
- Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp cho trứng và tinh trùng thụ tinh trong ống nghiệm để tạo ra phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung của phụ nữ để làm tổ và phát triển thành thai nhi.
4. Sinh đẻ có kế hoạch ở người và các biện pháp tránh thai
a) Sinh đẻ có kế hoạch là gì?
- Với đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của nước ta hiện nay, mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con. Thống kê cho thấy phụ nữ đẻ nhiều con thường có cơ tử cung chùng nhão, dễ bị sa tử cung, dễ mắc bệnh phụ khoa, tỉ lệ tử vong ở mẹ tăng theo tuổi và số lần đẻ.
- Phụ nữ không nên đẻ sớm: Trước 18 tuổi, tử cung chưa phát triển hoàn chỉnh về cấu tạo và chức năng nên phôi thai phát triển không thuận lợi, khi sinh con dễ bị rách cổ tử cung, vỡ tử cung, viêm tử cung, tỉ lệ đẻ khó...
- Phụ nữ không nên đẻ muộn: Phụ nữ sinh con sau 35 tuổi được coi là đẻ muộn.
- Phụ nữ không nên đẻ dày: Khoảng cách sinh con kế tiếp nhau không nên dưới 3 năm.
b) Các biện pháp tránh thai
- Sử dụng biện pháp tránh thai giúp phụ nữ tránh được việc phá thai hoặc sinh con ngoài ý muốn, đồng thời giúp giữ gìn sức khoẻ và hạnh phúc gia đình.
1. Các hình thức sinh sản vô tính là phân đôi, nảy chồi, phân mảnh và trinh sinh.
2. Các hình thức sinh sản hữu tính là đẻ trứng, đẻ trứng thai và thai sinh.
3. Quá trình sinh sản hữu tính ở người gồm các giai đoạn: hình thành giao tử, thụ tinh, phát triển phôi thai và đẻ con.
4. Thụ tinh là sự kết hợp giữa một trứng đơn bội và một tinh trùng đơn bội tạo thành hợp tử lưỡng bội.
5. Hệ nội tiết đóng vai trò chính trong hệ điều hoà sinh sản ở động vật.
6. Các biện pháp điều khiển sinh sản ở động vật thông qua sử dụng hormone, chất kích thích tổng hợp, thay đổi yếu tố môi trường, nuôi cấy phôi, thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm,...
7. Sinh đẻ có kế hoạch là điều chỉnh số con, thời điểm sinh con và khoảng cách sinh con sao cho phù hợp với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
8. Sử dụng các biện pháp tránh thai tránh được việc phá thai và sinh con ngoài ý muốn.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây