Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Phong trào đấu tranh theo khuynh hướng vô sản (1919 - 1930) SVIP
1. Phong trào công nhân (1919 - 1929)
a. Phong trào công nhân (1919 - 1925)
* Diễn biến:
- Năm 1920: tổ chức Công hội bí mật được Tôn Đức Thắng thành lập ở Sài Gòn.
- Năm 1922: công nhân Sở công thương Bắc Kì đấu tranh nghỉ ngày chủ nhật có lương.
- Năm 1924: các cuộc đấu tranh của công nhân dệt, xay xát, rượu ở Nam Định, Hải Dương.
- Năm 1925: cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son tại cảng Sài Gòn bãi công. Lần đầu tiên trong cuộc đấu tranh này xuất hiện ý thức giai cấp, có tổ chức, có lãnh đạo, đấu tranh không chỉ có mục đích kinh tế mà còn vì mục tiêu chính trị, cuộc đấu tranh thể hiện tinh thần quốc tế vô sản. Đánh dấu phong trào công nhân Việt Nam bước đầu chuyển từ tự phát sang tự giác.
* Đặc điểm:
- Nổ ra lẻ tẻ, chưa có sự phối hợp với nhau.
- Diễn ra trên quy mô nhỏ.
- Mục tiêu đấu tranh nặng về kinh tế.
- Trình độ giác ngộ thấp, mang tính tự phát.
- Thiếu một tổ chức lãnh đạo.
- Là một bộ phận của phong trào yêu nước.
b. Phong trào công nhân (1926 - 1929)
* Diễn biến:
- 1926 - 1927: nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân Việt Nam.
- Năm 1928: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chủ trương "vô sản hóa", từ đó thúc đẩy phong trào công nhân phát triển, trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước.
- Năm 1929: sự ra đời của các tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn).
* Đặc điểm:
- Có sự liên kết giữa các phong trào.
- Quy mô đấu tranh lớn, nổ ra liên tục khắp Bắc, Trung, Nam.
- Mục tiêu đấu tranh được nâng cao, kết hợp đòi quyền lợi kinh tế với chính trị.
- Trình độ giác ngộ chính trị được nâng cao.
- Đấu tranh dưới sự lãnh đạo của các tổ chức yêu nước, cách mạng.
- Trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước.
2. Hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc (1919 - 1930)
a. Hoạt động yêu nước của Nguyễn Ái Quốc (1919 - 1930)
- Năm 1919: Nguyễn Ái Quốc gửi "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" đến Hội nghị Vecxai đòi quyền tự do, dân chủ, bình đẳng và quyền tự do cho nhân dân Việt Nam. Mặc dù không được Hội nghị chấp nhận nhưng sự kiện này có tiếng vang lớn đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa.
- Tháng 7/1920: Nguyễn Ái Quốc đọc "Sơ thảo luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa". Luận cương giúp Người tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác - con đường cách mạng vô sản".
- Tháng 12/1920: tại Đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu sự chuyển biến quyết định trong tư tưởng nhận thức và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc và Người trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, từ lập trường yêu nước trở thành Đảng viên đảng Cộng sản.
- Năm 1921: được sự giúp đỡ của các chiến sĩ cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những người yêu nước của các thuộc địa Pháp sống tại Pháp để thành lập "Hội Liên hiệp thuộc địa" nhằm đoàn kết các dân tộc thuộc địa đấu tranh chống kẻ thù chung để giành độc lập.
- Năm 1922: Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo "Người cùng khổ", viết bài cho báo "Nhân đạo" nhằm tố cáo tội ác của thực dân, tuyên truyền đấu tranh cách mạng.
- Tháng 6/1923: Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân. Trong hội nghị này, Người được bầu vào Ban chấp hành và ủy viên Đoàn chủ tịch.
- Năm 1924: Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp tuyên truyền, giáo dục lí luận, xây dựng tổ chức cách mạng, giải phóng dân tộc cho nhân dân Việt Nam.
- Tháng 6/1925: Nguyễn Ái Quốc đã tham gia thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Mục đích của hội là tổ chức, đoàn kết, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đổ đế quốc và tay sai.
- Tháng 7/1925: Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Người trình bày quan điểm về vị trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa. Đây chính là bước chuẩn bị quan trọng về chính trị tư tưởng cho sự thành lập Đảng sau này.
- Từ 1927 đến 1929: Nguyễn Ái Quốc sang Xiêm hoạt động.
- Năm 1930: Nguyễn Ái Quốc triệu tập, chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản.
b. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc với cách mạng Việt Nam (1919 - 1930)
- Xác định được con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam: Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tìm thấy con đường cứu nước mới, đúng đắn cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản, giải quyết được cuộc khủng hoảng về đường lối yêu nước và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX.
+ Chuẩn bị điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (về tư tưởng - chính trị: truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc về nước qua các bài báo, mở lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ...; về tổ chức: thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên).
+ Triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất.
+ Soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Độc lập, tự do là tư tưởng chủ yếu của Cương lĩnh.
- Gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, tranh thủ được sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Pháp, Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và phong trào giải phóng dân tộc với cách mạng Việt Nam.
3. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
a. Sự ra đời
- Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Trung Quốc, liên lạc với một số nhà yêu nước Việt Nam tại Quảng Châu, mở các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ.
- Tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, giác ngộ một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã để đào tạo và lập ra Cộng sản đoàn.
- Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc cùng Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lưu Quốc Long, Trương Văn Vĩnh... thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, đấu tranh lật đổ chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc. Hội có 5 cấp là Tổng bộ, Kì bộ, Tỉnh bộ, Huyện bộ và chi bộ ở cả trong và ngoài nước. Hệ thống tổ chức của Hội ở trong nước ngày càng phát triển, hoàn chỉnh.
b. Hoạt động
- Mở các lớp đào tạo cán bộ: từ năm 1925 đến năm 1927 Hội đã mở được 10 khóa học.
- Xuất bản tờ báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Ngày 21/6/1925, xuất bản số báo Thanh niên đầu tiên.
- Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện ở Quảng Châu đã được tập hợp và in thành cuốn "Đường kách mệnh" (năm 1927). Đây là tác phẩm lí luận cách mạng đầu tiên chỉ ra chiến lược và sách lược của cách mạng dân tộc ở Việt Nam.
- Thực hiện chủ trương "vô sản hóa" (1928) đưa hội viên vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sống và lao động với công nhân để tuyên truyền, vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
c. Vai trò
- Đây mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một tổ chức chính trị theo khuynh hướng vô sản.
- Đây là bước chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng cộng sản. Hội là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đây là một sáng tạo quan trọng trong công cuộc tuyên truyền và tổ chức cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
a. Hoàn cảnh lịch sử
- Đến năm 1929 phong trào yêu nước ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự lãnh đạo thống nhất của một chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân.
- Trong khi đó, ở Việt Nam tồn tại 3 tổ chức cộng sản riêng rẽ, tranh giành lực lượng của nhau, làm ảnh hưởng đến phong trào yêu nước. Yêu cầu đặt ra là phải thống nhất ba tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất.
- Trước tình hình ấy, Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đặc viên của Quốc tế Cộng sản đã triệu tập Hội nghị đại biểu các tổ chức cộng sản tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc từ ngày 3 đến 7/2/1930.
b. Diễn biến Hội nghị
- Nguyễn Ái Quốc phê phán những quan điểm sai lầm của các tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu chương trình Hội nghị.
- Các đại biểu nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có tầm vóc của một Đại hội thành lập Đảng.
- Ngày 24/2/1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, tổ chức này được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
c. Ý nghĩa của việc thành lập Đảng
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của quá trình vận động hợp quy luật, là sự kiện tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp ở Việt Nam trong thời đại mới, là sản phẩm kết hợp của 3 nhân tố: chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.
- Đảng ra đời chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức để lãnh đạo phong trào cách mạng của đất nước.
- Đảng ra đời kết thúc thời kì khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
- Đảng ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời chính là sự chuẩn bị tất yếu, đầu tiên cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây