Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đánh giá giữa học kì I (đề tham khảo) SVIP
A. ĐỌC
I. Đọc thành tiếng và trả lời câu hỏi
VƯỜN MẶT TRỜI, QUẢ MẶT TRĂNG
(Trích)
Sớm mai trong veo nắng rọi
Nhìn cây tôi chợt bàng hoàng
Bao nhiêu mặt trời chói lọi
Chín mềm trong lá rất thơm.
Ngẩng lên vườn chôm chôm đỏ
Trái xoè những tia mặt trời
Cành cao trĩu lời mời mọc
Đung đưa chùm quả tươi ngời.
Chợt nhớ bao mùa táo ngọt
Quả vàng mát đất ngoại ô
Dịu như mặt trăng mềm mại
Ríu rít tiếng cười trẻ thơ.
Một mình đi trong vườn táo
Một mình dưới tán chôm chôm
Mặt trời, mặt trăng huyền ảo
Mặt đất dâng đầy hương thơm.
Mỗi bước một lời cảm tạ
Với trời, với đất, với cây
Với người ngày đêm vất vả
Cho mình quả chín cầm tay.
(Phan Thị Thanh Nhàn)
1. Vườn cây trái được tác giả so sánh với những hình ảnh nào? Nêu tác dụng của những hình ảnh so sánh đó.
2. Những từ ngữ nào cho thấy đối với con người, vườn cây trái rất thân thiện, đáng yêu?
3. Tác giả đã có cảm nghĩ thế nào khi đi trong vườn cây? Vì sao?
Tham khảo: Đi trong vườn cây, tác giả có cảm tưởng như mình lạc vào một thế giới huyền ảo với rất nhiều mặt trời, mặt trăng, còn mặt đất thì dâng đầy hương thơm của trái chín. Đi trong vườn cây với những trái chín thơm hương, nhà thơ thầm nói lời cảm ơn với đất, với trời, với cây và đặc biệt với những người trồng cây ngày đêm vất vả.
II. Đọc - hiểu
CÁNH ĐỒNG VÀNG
(Trích)
Tôi thả trâu ngoài bờ đê. Một mình lên ngọn đê ngồi ngắm cánh đồng. Cánh đồng vàng rực trong nắng chiều hanh hao. Cả đồng lúa đang chín tới. Hình như chúng chen lẫn nhau mà chín.
- Đừng có chen! Đừng có chen! - Những bông lúa kêu lên. Và những bông lúa khác thúc giục:
- Chín nhanh lên! Chín nhanh lên!
Tôi lắng nghe tiếng cánh đồng xôn xao. Mới đây thôi, đồng lúa phơi một màu vàng chanh, còn bây giờ nó đã rực lên một màu vàng cam rồi. Mặt trời từ từ trôi về phía những dãy núi mờ xa.
Mặt trời càng xuống thấp, cánh đồng lúa càng dâng lên. Màu vàng dâng lên, trải ra mỗi lúc một rộng, giống như toàn bộ cánh đồng là một hồ nước mênh mông màu vàng chói. Cánh đồng bập bềnh, bập bềnh.
Mặt trời vẫn lặn chậm rãi xuống chân trời. Tôi có cảm giác mặt trời sẽ rơi xuống cánh đồng vàng. Tôi thấy mình bập bềnh trên con thuyền giữa biển màu vàng.
- Nhanh lên! Chín nhanh lên!
- Đừng có chen! Đừng có chen!
- Ai ngồi trên đê cao? Chín nhanh lên!
Tôi nghe lúa thì thầm. Tôi cũng thì thầm đáp lời chúng:
- Tôi ngồi trên đê cao. Tôi cũng đang chín với các bạn đây.
Và tôi thấy mình đang chín thật sự. Màu áo xanh của tôi đã nhuốm vàng từ bao giờ, màu vàng lấp lánh ánh hoàng hôn. Hoà nhập vào hạnh phúc lớn lao của người khác, bản thân ta sẽ hạnh phúc. Hoà nhập với cánh đồng, tôi có niềm vui của lúa chín vàng.
(Theo Nguyễn Trọng Tạo)
1. Bạn nhỏ ngắm cánh đồng vào thời gian nào trong ngày?
2. Cánh đồng lúa hiện ra như thế nào qua cảm nhận của bạn nhỏ khi ngồi trên đê?
- Về màu sắc
- Về âm thanh
- Về sự chuyển động, phát triển
Khi ngồi trên đê ngắm cánh đồng lúa, bạn nhỏ cảm nhận được màu vàng rực của lúa chín trong nắng chiều hanh hao, cảm thấy cả cánh đồng lúa đang chuyển động, đang chen lấn nhau mà chín, như nghe thấy tiếng những bông lúa nói với nhau, giục nhau chín nhanh lên.
3. Tìm trong bài những từ ngữ tả màu sắc của cánh đồng lúa.
4. Trong bài, cây lúa được nhân hoá bằng những cách nào?
Cây lúa trong bài được nhân hóa bằng cách:
(1) Sử dụng những từ ngữ chỉ hoạt động của người để kể, tả về cây lúa: chen lấn nhau, kêu lên, thúc giục, thì thầm,...
(2) Trò chuyện với cây lúa như trò chuyện với người.
- Ai ngồi trên đê cao? Chín nhanh lên!
Tôi nghe lúa thì thầm. Tôi cũng thì thầm đáp lời chúng:
- Tôi ngồi trên đê cao. Tôi cũng đang chín với các bạn đây.
5. Nêu tác dụng của biện pháp nhân hoá trong việc miêu tả đồng lúa đang chín.
Tham khảo: Biện pháp tu từ nhân hóa góp phần làm cho cánh đồng lúa trở nên gần gũi, thân thiết với con người (bạn nhỏ trong bài), chúng có sức sống mạnh mẽ, đang náo nức lớn lên, trưởng thành, dâng cho người những bông lúa trĩu hạt, cho mùa vàng bội thu.
6. Theo em, vì sao bạn nhỏ cảm thấy mình bập bềnh trên con thuyền giữa biển màu vàng?
Tham khảo: Bạn nhỏ cảm thấy mình bập bềnh trên con thuyền giữa biển màu vàng là vì: khi mặt trời xuống thấp, cánh đồng lúa như dâng lên, trải ra mỗi lúc một rộng, giống như toàn bộ cánh đồng là một hồ nước mênh mông màu vàng chói. Cánh đồng bập bềnh, bập bềnh. Trong khung cảnh đó, bạn nhỏ thấy mình như ngồi trên con thuyền giữa biển màu vàng.
7. Qua cách quan sát, cảm nhận về cánh đồng lúa đang chín, em thấy bạn nhỏ là người thế nào?
Tham khảo: Qua cách quan sát, cảm nhận về cánh đồng lúa đang chín, em thấy bạn nhỏ là người có cảm nhận tinh tế, có trí tưởng tượng phong phú và yêu thiên nhiên, yêu quê hương của mình.
8. Em hiểu thế nào về câu “Hoà nhập vào hạnh phúc lớn lao của người khác, bản thân ta sẽ hạnh phúc."?
9. Tìm nghĩa của từ chín trong mỗi câu dưới đây:
a. Hòa nhập với cánh đồng, tôi có niềm vui của lúa chín vàng. | (1) (thức ăn) được nấu nướng kĩ, đến độ ăn được |
b. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. | (2) (quả) ở vào gian đoạn phát triển đầy đủ nhất, thường có màu đỏ hoặc vàng, có hương thơm, vị ngon |
c. Ăn chín, uống sôi. | (3) thành thục, am hiểu đầy đủ mọi khía cạnh |
10. Đặt câu với từ chín theo 1 trong 3 nghĩa nêu ở bài tập 9.
Tham khảo: Mít đã chín thơm lừng cả góc vườn.
B. VIẾT
Chọn 1 trong 2 đề dưới đây:
Đề 1: Viết bài văn kể sáng tạo một câu chuyện đã học ở chủ điểm Thế giới tuổi thơ.
Đề 2: Viết bài văn tả một cảnh đẹp ở một nơi em đã từng đến hoặc nhìn thấy qua tranh ảnh, ti vi,...
Hướng dẫn:
Đề 1:
* Mở bài: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả,... (Nếu đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện, em cần giới thiệu mình là nhân vật nào).
* Thân bài: Kể lại câu chuyện theo trình tự hợp lí, trong đó có chi tiết được kể sáng tạo theo 1 trong 3 cách:
- Sáng tạo thêm chi tiết (có thể lựa chọn sáng tạo một hoặc nhiều chi tiết).
- Thay đổi cách kết thúc theo tưởng tượng của em.
- Đóng vai nhân vật để kể lại câu chuyện (chú ý cách xưng hô, cách thể hiện lời nói, suy nghĩ, cảm xúc phù hợp với nhân vật).
* Kết bài: Nêu suy nghĩ, cảm xúc,... về câu chuyện hoặc nêu kết thúc của câu chuyện dưới góc nhìn của nhân vật (nếu đóng vai kể chuyện).
Đề 2:
* Mở bài: Nêu những ý giới thiệu bao quát về phong cảnh theo cách mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
* Thân bài: Liệt kê nội dung miêu tả theo một trong các trình tự:
- Theo không gian: Tả lần lượt từng phần hoặc từng vẻ đẹp của phong cảnh theo trình tự từ gần tới xa, từ thấp lên cao, từ trái sang phải,..
- Theo thời gian: Tả sự biến đổi hoặc đặc điểm của phong cảnh trong những thời gian khác nhau (các buổi trong ngày, các mùa trong năm,...).
- Theo không gian kết hợp với thời gian: Tả sự thay đổi của từng sự vật, hiện tượng... trong những thời điểm khác nhau.
Lưu ý:
- Đặc điểm của phong cảnh cần được cảm nhận bằng nhiều giác quan.
- Tập trung miêu tả những sự vật, hiện tượng,... nổi bật.
* Kết bài: Nêu suy nghĩ, nhận xét hoặc tình cảm, cảm xúc đối với phong cảnh được miêu tả theo cách kết bài mở rộng hoặc không mở rộng.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây