Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Phần 1 SVIP
TÁC GIA NGUYỄN DU - CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
I. Tiểu sử
1. Giai đoạn ấu thơ
- Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh ra ở Thăng Long.
- Dòng họ, gia đình Nguyễn Du vừa có truyền thống khoa bảng, đỗ đạt làm quan vừa có truyền thống văn hoá, văn học. Họ Nguyễn ở Tiên Điền là dòng họ có danh vọng lớn đương thời, nhiều người thành đạt trên con đường khoa bảng và công danh:
+ Cha Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), đỗ tiến sĩ, làm quan to trong triều đình nhà Lê.
+ Mẹ ông tên là Trần Thị Tần, người Bắc Ninh, có tài hát xướng.
+ Anh cùng cha khác mẹ của ông là Nguyễn Khản, đỗ tiến sĩ, làm quan to trong phủ Chúa, giỏi văn chương Nôm và say mê sáng tác âm nhạc. Sau khi cha mẹ ông qua đời, Nguyễn Du đã được anh trai nuôi nấng.
2. Giai đoạn trưởng thành
- Thời đại của Nguyễn Du là thời đại có những biến cố lịch sử to lớn. Đây là giai đoạn sụp đổ của triều đình vua Lê - chúa Trịnh, là thời kì bão táp của phong trào nông dân khởi nghĩa mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Tuy nhiên, triều đại Tây Sơn quá ngắn ngủi, triều Nguyễn được vua Gia Long (Nguyễn Ánh) thiết lập và tiếp đến là công cuộc hưng thịnh trở lại của vương triều nhà Nguyễn.
- Nguyễn Du sớm phải trải qua những tháng ngày đau thương li tán. Từ cậu công tử đại quý tộc “màn lan trướng huệ” trở thành kẻ phiêu bạt trong cảnh “mười năm gió bụi”; khi là người ẩn cư tại quê nhà, lúc làm quan cho triều đình nhà Nguyễn, từng được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.
- Triều Nguyễn, năm 1820, Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi, lại cử Nguyễn Du làm Chánh sứ nhưng chưa kịp khởi hành thì ông lâm bệnh nặng và qua đời.
II. Sự nghiệp văn học
1. Phong cách nghệ thuật
1.1. Nhà thơ với cái nhìn hiện thực sâu sắc
- Nguyễn Du viết từ “những điều trông thấy” nên tác phẩm của ông phản ánh chân thực xã hội đương thời.
- Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du ghi lại một cách trung thực những cảnh tượng khi đi qua nhiều miền quê Việt Nam hay trong hành trình đi sứ trên đất Trung Quốc. Nhà thơ thường hướng ngòi bút vào đối tượng miêu tả là những số phận cơ cực, hẩm hiu (ông già mù hát rong, người mẹ dắt con đi ăn xin,...) hoặc những con người sắc tài mà bi kịch (người phụ nữ gảy đàn đất Long Thành, nàng Tiểu Thanh,...).
- Với cái nhìn hiện thực sắc sảo, Nguyễn Du đã nhận ra những bất công của xã hội và ghi lại những cảnh đời trái ngược: ông già mù hát rong “Ngót trống canh mồm khô cổ ráo/ Được quăng cho năm sáu đồng tiền” (Thái Bình mại ca giả – Người hát rong ở thành Thái Bình) trong khi đoàn đi sứ “Cơm canh thừa mứa đổ chìm đáy sông”; giữa lúc bốn mẹ con người ăn xin “nửa ngày bụng vẫn không”, cảnh chết đói như đã nhìn thấy trước thì ở trạm đón tiếp Tây Hà (Trung Quốc): “Vây cá hầm gân hươu/ Lợn dê mâm đầy ngút / Quan lớn không gắp qua” (Sở kiến hành – Những điều trông thấy) để rồi thức ăn thừa đổ đi. Bức tranh về cảnh đời bất công là sự lên án, tố cáo một xã hội vô nhân đạo.
- Nguyễn Du đã viết về một xã hội bất công, nơi những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người, chà đạp lên những số phận bị áp bức, đau khổ:
+ Trong Truyện Kiều, tầng lớp quan lại, nhỏ như sai nha ở địa phương, lớn đến mức mang “phương diện quốc gia” như Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến đều mang bản chất tham lam, tàn bạo. Bọn sai nha bất kể lời vu oan của kẻ bán tơ, đã kéo đến nhà Kiều, đánh đập người vô tội rồi “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Hồ Tôn Hiến mở tiệc mừng công sau cái chết oan khốc của Từ Hải, thưởng thức tiếng đàn “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay” của Kiều, với bộ dạng “mặt sắt cũng ngây vì tình”.
+ Những phường lưu manh trong xã hội như “quân buôn người” họ Mã, trùm nhà chứa Tú Bà đã đẩy Thuý Kiều vào cuộc sống lầu xanh khổ đau, tủi nhục. Kẻ vô lại như Sở Khanh đã bất chấp Kiều đang trong hoàn cảnh đáng thương, tìm cách lừa gạt, hãm hại nàng.
- Viết về thế lực của đồng tiền, nếu các tác giả trước đây chủ yếu nói về việc đồng tiền đã làm sai lệch cán cân công lí, thì nay Nguyễn Du còn phơi bày một thực tế là đồng tiền đã chà đạp lên cuộc sống, nhân phẩm của con người: bọn sai nha vì tiền mà đẩy một gia đình vào bi kịch li tán; sắc đẹp, nhân phẩm của Kiều trở thành món hàng “Thoắt mua về, thoắt bán đi”.
→ Cái nhìn hiện thực sâu sắc của Nguyễn Du còn thể hiện ở chỗ ông đã thấy được những thế lực tàn bạo trong xã hội chính là nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của người dân vô tội.
1.2. Nhà nhân đạo chủ nghĩa
- Với niềm cảm thương sâu sắc, Nguyễn Du hướng về những số phận đau khổ, bất hạnh. Đó là những người phụ nữ sắc tài mà mệnh bạc như người ca nữ đất La Thành, người gảy đàn đất Long Thành, nàng Tiểu Thanh đất Tây Hồ (Trung Quốc). Đó là những người nghèo khổ mà tác giả bắt gặp trên đường đi sứ: ông già mù hát rong, bốn mẹ con người ăn xin có thể “chết lặn nơi ngòi rãnh” bất cứ lúc nào....
- Viết về những con người có tài năng, có khí tiết thanh cao, Nguyễn Du vừa thể hiện niềm cảm thương, vừa trân trọng, ngưỡng mộ. Ông viết về Khuất Nguyên: “Ba năm cố quốc đoạ đầy / Sở từ muôn thuở bậc thầy văn chương” (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu, bài 1 – Qua Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu), về Đỗ Phủ: “Nghìn thuở văn chương đáng bậc thầy”, “Hay thơ há bởi cực nhường này” (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ - Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương),...
- Nguyễn Du cảm nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với những số phận tài hoa mà bi kịch: “Cái án phong lưu khách tự mang”, do vậy, từ lòng thương người, Nguyễn Du trở về với niềm tự thương. Ông tự thương mình khi “Dựng nghiệp, mưu sinh luống lỡ làng” (Tạp thi, bài 1), khi cô đơn, không tri âm tri kỉ giữa cuộc đời, giữa thời gian vô định: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?” (Độc Tiểu Thanh kí – Đọc Tiểu Thanh kí). Tự thương mình ở Nguyễn Du cũng là tự ý thức về cá nhân một cách sâu sắc.
- Nguyễn Du thể hiện tiếng nói đồng cảm với bi kịch, đồng tình với những khát vọng chân chính của con người trong tình yêu (giải phóng tình yêu khỏi những ràng buộc, kìm kẹp phi lí của thời đại; đề cao những khát vọng yêu đương chính đáng, chân thành, nhân bản…) và cuộc sống (khát vọng đấu tranh cho công lí, thực thi lẽ phải, khát vọng sống dù bị áp bức, đau khổ…).
1.3. Thiên tài nghệ thuật
- Đại thi hào Nguyễn Du có những đóng góp nghệ thuật hết sức to lớn đối với sự phát triển của văn học dân tộc ở cả thơ chữ Hán và chữ Nôm.
- Thơ chữ Hán của Nguyễn Du là những tuyệt tác văn chương, phần lớn được viết theo thể Đường luật với đủ các tiểu loại: nếu xét về số câu trong bài thì có tứ tuyệt (tuyệt cú), bát cú, trường thiên; nếu xét về số chữ trong câu thì có ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn. Bút pháp nghệ thuật phong phú, đa dạng: trữ tình, tự sự, hiện thực, trào phúng. Tính chất hàm súc, cô đọng, “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời), nghệ thuật đối,... vốn là đặc điểm, thế mạnh của thơ Đường luật được nhà thơ phát huy ở mức cao nhất. Chất trữ tình quyện hoà chất triết lí đem đến sự thâm trầm, sâu sắc trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du.
- Đối với thơ ca chữ Nôm, Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất cho thành tựu phát triển đạt mức hoàn thiện của ngôn ngữ tiếng Việt cũng như kết tinh đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Truyện Kiều của Nguyễn Du hội tụ những thành tựu lớn trên nhiều bình diện nghệ thuật: cách tổ chức cốt truyện, xây dựng nhân vật, nghệ thuật tự sự và trữ tình, ngôn ngữ và thể thơ...Việc chuyển thể loại từ tiểu thuyết chương hồi (tiếp thu Kim Vân Kiều truyện) sang truyện thơ Nôm khi sáng tác Truyện Kiều đã giúp Nguyễn Du kết hợp được thế mạnh của cả tự sự và trữ tình. Tiếng Việt trong Truyện Kiều rất giàu, rất đẹp, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ văn học dân gian với ngôn ngữ bác học kết tinh từ sách vở. Kiệt tác Truyện Kiều thuộc số không nhiều tác phẩm của quá khứ mà ngôn ngữ vẫn được sử dụng trong đời sống hiện đại, ở mọi hoàn cảnh giao tiếp, ở mọi tầng lớp khác nhau.
- Những đóng góp của Nguyễn Du không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với văn hoá, văn học Việt Nam mà còn mang tầm vóc quốc tế. Năm 2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) chọn Nguyễn Du là nhân vật văn hoá được thế giới vinh danh và năm 2015, toàn thế giới kỉ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào.
2. Các tác phẩm tiêu biểu
2.1. Sáng tác chữ Hán
*Giá trị chung của thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du vừa lưu giữ thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp của một nghệ sĩ lớn, vừa có khả năng khái quát hiện thực rất cao và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, ba tập thơ còn phản chiếu chân dung con người và quá trình vận động trong tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Đó là hành trình đi từ hiểu mình, thương mình đến thấu hiểu con người và thương đời. Từ ý thức sâu sắc về nỗi đau riêng của một người, một thời, Nguyễn Du đã mở rộng tầm nhìn, mở rộng cõi lòng để đón nhận, chia sẻ, suy ngẫm, lí giải những vấn đề thiết yếu của cõi nhân sinh – quyền sống cho con người, số phận của tài hoa, cái đẹp,...
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây