Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Mở rộng cấu trúc câu SVIP
I. Lý thuyết
1. Khái niệm
- Khái niệm:
Khi tạo lập văn bản, để đạt được hiệu quả tối đa trong việc truyền đạt thông tin (Thông tin khách quan hay thông tin tình thái, thông tin thẩm mỹ), người ta thường điều chỉnh những câu định viết hoặc đã viết bằng cách làm mở rộng cấu trúc của chúng. Trong việc mở rộng cấu trúc câu, vấn đề bổ sung hay mở rộng một thành phần câu nào đó lại là những điều thường được quan tâm đầu tiên.
2. Nhận biết một số hình thức mở rộng cấu trúc câu
Việc mở rộng cấu trúc câu thường được thể hiện qua một số hình thức sau:
- Bổ sung thành phần câu, thường là trạng ngữ hoặc thành phần biệt lập. Ví dụ:
(1) Từ câu “Đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi về tư duy đối với vùng đất quan trọng này, từ “sống chung với lũ” mang nặng hàm ý chấp nhận và chịu đựng sang “chào đón” lũ.” (Lê Anh Tuấn, Miền châu thổ sông Cửu Long cần chuyển đổi từ sống chung sang chào đón lũ) có thể mở rộng thành câu: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, đã đến lúc Việt Nam cần thay đổi về tư duy đối với vùng đất quan trọng này, từ “sống chung với lũ” mang nặng hàm ý chấp nhận và chịu đựng sang “chào đón" lũ”.
Câu mở rộng đã bổ sung thành phần trạng ngữ vào câu gốc để làm rõ hơn lí do cần phải “thay đổi về tư duy” đối với vấn đề.
(2) Từ câu “Để viết được một truyện như vậy, ngoài tình cảm yêu mến dành cho các bạn trẻ, tác giả còn phải thực sự am hiểu tâm lí tuổi mới lớn.” có thể mở rộng thành câu: “Để viết được một truyện như vậy, ngoài tình cảm yêu mến dành cho các bạn trẻ, tác giả còn phải thực sự am hiểu tâm lí tuổi mới lớn - lứa tuổi đã bắt đầu bớt hồn nhiên bởi sự xuất hiện những rắc rối rất cần được quan tâm giải quyết”.
Câu mở rộng đã bổ sung thành phần biệt lập (phụ chú) để làm rõ thêm “tâm lí tuổi mới lớn”.
- Mở rộng thành phần câu: Ngoài những hình thức mở rộng thành phần câu bằng cụm từ chính phụ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) đã được thực hành ở lớp 7, thành phần câu có thể được mở rộng bằng cụm chủ ngữ - vị ngữ. So sánh các câu trong mỗi cặp câu sau:
(1) a. Cuốn sách rất hay.
b. Cuốn sách mà anh cho tôi mượn rất hay.
(2) a. Hôm qua, tôi rất vui vì được gặp lại một người bạn cũ.
b. Hôm qua, tôi rất vui vì được gặp lại một người bạn cũ mà tôi đã có nhiều năm gắn bó.
Nhận xét: Câu (b) trong ví dụ (1) có chủ ngữ được mở rộng bằng cụm chủ ngữ - vị ngữ (anh cho tôi mượn), còn câu (b) trong ví dụ (2) có bổ ngữ được mở rộng bằng cụm chủ ngữ - vị ngữ (tôi đã có nhiều năm gắn bó). Việc mở rộng thành phần câu như vậy giúp câu cung cấp được thông tin cụ thể hơn. Câu (b) trong ví dụ (1) cho biết cuốn sách nào được nói đến. Câu (b) trong ví dụ (2) cho biết người bạn cũ đó có mối quan hệ như thế nào đối với nhân vật “tôi”.
II. Thực hành
1. Cho biết tác dụng của việc dùng trạng ngữ trong những câu sau.
a. Giữa những cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc mênh mông, Yên Tử cao 1 068 m, vút lên chon von tựa một vọng gác.
(Theo Thi Sảnh, Yên Tử, núi thiêng)
=> Tác dụng: Trạng ngữ đã làm cho đối tượng chính được nói tới trở nên nổi bật, do nó ngầm chứa sự so sánh các đối tượng với nhau.
b. Sau khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời và đi liền với nó, hệ thống chùa tháp uy nghi mọc lên chi chít, thì Yên Tử càng thêm quyến rũ du khách bốn phương.
(Theo Thi Sảnh, Yên Tử, núi thiêng)
2. So sánh hai câu sau và cho biết câu b (câu mở rộng thành phần) được bổ sung thông tin gì so với câu a.
a. Sáng tác của ông, dù được viết theo thể loại nào, cũng đều giàu chất suy tưởng, trí tuệ.
b. Sáng tác của ông, dù là thơ cách luật (lục bát, bảy chữ, năm chữ, tứ tuyệt,...) hay thơ tự do, tất cả đều giàu chất suy tưởng, trí tuệ.
=> So sánh: Ở câu b, cụm từ mang nghĩa phiếm chỉ (thể loại nào) trong câu a đã được triển khai cụ thể hơn bằng một đoạn khá dài (dù là thơ cách luật (lục bát, bảy chữ, năm chữ, tứ tuyệt,...) hay thơ tự do). Theo đó, người đọc vừa có thể hiểu được những thể loại mà nhà thơ đã sử dụng, vừa được củng cố thêm hiểu biết về cách phân chia các thể thơ thành hai nhóm: Cách luật và tự do.
3. Mở rộng cấu trúc các câu sau bằng trạng ngữ hoặc thành phần biệt lập phù hợp và cho biết tác dụng của việc mở rộng này.
a. Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành.
(Theo Thi Sảnh, Yên Tử, núi thiêng)
=> Mở rộng: Ta có thể mở rộng bằng cách thêm thành phần biệt lập: Yên Tử thật sự trở thành nơi trung tâm náo nhiệt của Phật giáo Trúc Lâm chỉ từ khi vua Trần Nhân Tông - một trong những vị vua anh minh nhất của lịch sử Việt Nam - đến Yên Tử tu hành.
b. Nhiều ngôn ngữ trên thế giới có nguy cơ biến mất.
c. Các nền giáo dục trên thế giới cần phải thay đổi nội dung và phương pháp giáo dục.
4. Dùng cụm chủ ngữ - vị ngữ để mở rộng một thành phần câu trong mỗi câu sau.
a. Cuốn truyện trinh thám có nhiều tình huống nghẹt thở.
=> Cuốn truyện trinh thám mà cậu cho tớ mượn buổi trước có rất nhiều tình huống nghẹt thở. (Mở rộng thành phần chủ ngữ)
b. Tương truyền, dãy Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi.
c. Nhiều người mong ước được một lần đến thăm Yên Tử.
=> Nhiều người mong ước được một lần đến thăm Yên Tử nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc. (Mở rộng thành phần bổ ngữ)
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây