Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề thi tham khảo cuối học kì 1 (Đề số 9) SVIP
(6 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 6:
Tôi về, đi tìm ngoại
Tôi về, đi tìm ngoại
Rừng lặng tiếng ve kêu
Căn nhà tranh vách lá
Vẫn đứng im thở đều.
Tôi về, đi tìm ngoại
Chái bếp chẳng thơm tro
Chén đũa nằm trong rá
Chẳng tiếng khua lần mò.
Tôi về, đi tìm ngoại
Lu nước đã lưng lưng
Mùa mưa về lâu quá
Cây khô khóc giữa rừng.
Tôi về, đi tìm ngoại
Buồng chuối ngự còn xanh
Căn buồng còn đóng cửa
Ngoại tôi đương giấc lành.
Tôi về, đi tìm ngoại
Khóc cho đã nửa đời
Tôi về, trong lòng ngoại
Tôi tìm được biển khơi.
Tôi về, đi tìm ngoại
Mới đó đã mươi năm
Ngoại nằm kia, nơi đó
Nơi giấc mơ tôi nằm.
(Trích Thưa ngoại con mới về, Lam)
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong văn bản.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng xuyên suốt bài thơ.
Câu 4. Em hiểu như thế nào về khổ thơ thứ năm?
Câu 5. Qua bài thơ, em rút ra được bài học gì?
Câu 6. Hãy chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ của em về nội dung của bài thơ trên bằng một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 dòng).
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Thơ năm chữ.
Câu 2.
Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.
Câu 3.
– HS xác định được biện pháp tu từ được sử dụng xuyên suốt trong bài thơ: Lặp cấu trúc Tôi về, đi tìm ngoại.
– HS phân tích được tác dụng của biện pháp tu từ:
+ Tạo ra nhịp điệu lặp đi lặp lại trong bài thơ.
+ Thể hiện sự mong mỏi, khát khao được gặp lại bà của nhân vật trữ tình.
+ Gợi nên nỗi niềm bâng khuâng, xúc động của nhân vật trữ tình khi bà đã ra đi mãi.
Câu 4.
– HS nêu được cảm nhận, suy nghĩ về khổ thơ thứ năm:
+ Bươn chải nửa đời người, vượt qua bao chông gai, phải chịu đựng biết bao nỗi buồn, cho đến khi về với bà, người cháu mới có thể bộc lộ những cảm xúc thật của chính mình, mới giải tỏa hết được những uất ức, phiền muộn tích tụ bao năm.
+ Chỉ khi về bên bà, người cháu mới cảm nhận được sự an yên, mới được đắm mình trong tình thương ấm áp, ngập tràn. Bởi tình thương của bà là vô bờ bến.
Câu 5.
– HS rút ra được bài học cho bản thân. Ví dụ:
+ Biết yêu thương, quan tâm bà hơn.
+ Cần dành nhiều thời gian bên bà hơn.
+ Hãy trân trọng những phút giây còn có bà ở bên.
Câu 6.
– HS bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình về nội dung của bài thơ, sau đây là một số gợi ý:
+ Bài thơ kể về cuộc hành trình trở về, đi tìm bà ngoại của người cháu:
++ Không gian yên ắng, tĩnh mịch, thiếu đi sự săn sóc của bà: Chái bếp chẳng thơm tro; Chén đũa nằm trong rá/ Chẳng tiếng khua lần mò; Lu nước đã lưng lưng;… Những sự vật từng gắn bó với bà vẫn còn đó nhưng bà thì không còn nữa. Vì thế mà cảnh vật hiện lên dẫu thân quen, bình dị nhưng lại có chút hoang vắng, lạnh lẽo, phiền muộn: Cây khô khóc giữa rừng.
++ Bà chính là điểm tựa tinh thần của cháu: Bươn chải bao năm, người cháu với bao phiền muộn khi tìm về với bà, khi nằm trong lòng bà, người cháu mới có thể bộc lộ cảm xúc thật của mình, giải tỏa mọi phiền muộn.
++ Chiêm nghiệm của cháu về bà: Bà rời xa cháu thấm thoát đã mươi năm, nhưng bà vẫn luôn hiện hữu trong cuộc đời cháu. Bà nằm nơi giấc mơ của cháu là một hình ảnh đắt giá trong bài thơ, cho thấy bà sẽ luôn hiện hữu trong tâm tưởng của cháu. Chi tiết này thể hiện tình yêu sâu sắc mà người cháu dành cho bà của mình.
=> Bài thơ thể hiện nỗi nhớ và tình yêu da diết, mãnh liệt mà người cháu dành cho bà.
(4 điểm) Viết bài văn thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một hoạt động hay trò chơi của địa phương em.
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được bố cục của bài viết: Bài văn với bố cục 3 phần.
b. Xác định đúng chủ đề của bài viết: Thuyết minh về một số quy tắc, luật lệ cho một hoạt động hay trò chơi của địa phương em.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn:
* Mở bài: Giới thiệu về hoạt động hay trò chơi.
* Thân bài:
+ Giới thiệu chi tiết các quy tắc, luật lễ của hoạt động hay trò chơi theo một trật tự nhất định.
++ Đó là hoạt động hay trò chơi gì? Diễn ra ở đâu?
++ Mục đích của hoạt động hay trò chơi ấy là gì? Đối tượng tham gia là ai?
++ Trình tự tiến hành hoạt động hay trò chơi ấy như thế nào?
++ Có những quy định gì về hoạt động hay trờ chơi ấy?
* Kết bài: Nêu giá trị và ý nghĩ của hoạt động hay trò chơi.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Thuyết minh được về một số quy tắc, luật lệ cho một hoạt động hay trò chơi của địa phương.
– Trình bày rõ các ý trong bài viết.
– Sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt để trình bày bài viết. đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc; có cách diễn đạt mới mẻ.