Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề thi cuối kì II - Số 01 SVIP
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
HÃY LÀ NGƯỜI VÔ LÝ
Một trong những câu nói tôi thích nhất của George Bernard Shaw là: “Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân. Vì vậy, mọi tiến bộ đều tùy thuộc vào người vô lý.” Hãy suy nghĩ về ý tưởng này trong chốc lát. Đó là một ý tưởng lớn.
Tất nhiên, bạn cần thực tế và ứng xử khôn khéo khi làm việc trong môi trường của mình. Tôi đồng ý rằng việc áp dụng các quan niệm phổ biến với người khác cũng quan trọng. Những rủi ro ngu ngốc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhưng như đã nói, đừng nên sợ hãi trước thất bại hay thất vọng để rồi không dám ước mơ.
Đừng lúc nào cũng tỏ ra có lý và thực dụng, quá nhạy cảm đến nỗi bạn từ chối không chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi nó đến. Hãy đẩy xa giới hạn của những gì bạn nghĩ mình có thể thực hiện. Đừng quên rằng những kẻ chỉ trích luôn cười nhạo tầm nhìn của nhiều nhà tư tưởng can trường, nhiều nhà khai phá nổi tiếng. Đừng để ý đến những lời chỉ trích. Luôn ghi nhớ rằng những tiến bộ vượt bậc mà con người đạt tới đều nhờ nỗ lực can trường của một người nào đó từng bị chỉ trích rằng ý tưởng của họ là viễn vông, không thể trở thành hiện thực. Thế giới cần nhiều người biết ước mơ. Cần người vô lý biết đấu tranh chống lại những gì thông thường. Cần người chống lại sự cám dỗ của tính tự mãn và dám hành động theo cách họ vẫn luôn thực hiện. Bạn có thể là một trong những người ấy. Từ ngày hôm nay.
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma,
NXB Trẻ, 2014, Tr. 29)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau chỗ nào?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là người vô lí?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm: “thế giới cần nhiều người biết ước mơ” không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2. Theo đoạn trích, người có lí và người vô lí khác nhau ở chỗ:
“Người có lý điều chỉnh bản thân theo thế giới; người vô lý kiên định điều chỉnh thế giới theo bản thân.”
Tức là người có lí thuận theo những điều hiển nhiên đã được thế giới công nhận, còn người vô lí thì ngược lại.
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, người vô lí được hiểu là người biết phản biện, nghi ngờ những kiến thức sẵn có, biết đẩy xa những giới hạn, biết lật lại những cái mặc định, đương nhiên, biết dũng cảm, can trường khai phá cái mới dù bị chỉ trích, cười nhạo viển vông…
Câu 4.
Thí sinh nêu ý kiến của mình về quan điểm “thế giới cần nhiều người biết ước mơ”và lí giải được quan điểm đó. Có thể triển khai theo hướng:
- Đồng tình vì:
+ Người biết ước mơ dám suy nghĩ đến những điều không tưởng.
+ Người biết ước mơ lớn tưởng như viển vông nhưng có năng lực, ý chí có thể đạt đến những thành tựu…
- Đồng tình nhưng bổ sung ý kiến:
+ Về cơ bản, ai cũng cần mơ ước nhưng nếu là mơ ước viển vông sẽ phí thời gian, ảo tưởng sức mạnh.
- Nếu thí sinh trả lời không đồng tình, nhưng giải thích hợp lí vẫn cho điểm.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của hình tượng người chiến sĩ cộng sản trong hai đoạn thơ sau:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không; Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng. (Chiều tối – Hồ Chí Minh) |
“Tôi đã là con của vạn nhà Là em của vạn kiếp phôi pha Là anh của vạn đầu em nhỏ Không áo cơm cù bất cù bơ…” (Từ ấy – Tố Hữu) |
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm)
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, song hành hoặc móc xích.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh chọn lựa các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ các ý sau:
- Giải thích vấn đề:
+ Giới hạn: Những phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua.
+ Nhận thức thông thường: sự tiếp thu, am hiểu kiến thức thường có, thường thấy, không có gì đặc biệt.
Vấn đề nghị luận là: bàn luận về ý nghĩa, vai trò của việc vượt lên những nhận thức phổ biến, theo đám đông, theo lối mòn tư duy.
- Bàn luận: về ý nghĩa của việc phá vỡ những giới hạn nhận thức thông thường trong cuộc sống.
+ Với cá nhân: việc phá vỡ giới hạn về nhận thức thông thường, phổ biến như bao người khác sẽ giúp chúng ta thoát khỏi lối mòn nhận thức, phát huy hết trí tuệ bản thân, vượt qua thử thách để thành công
+ Với cộng đồng: phá vỡ giới hạn nhận thức thông thường mang đến những phát minh mới, những thành tựu tiến bộ, thậm chí những bước ngoặt cho nhân loại.
+ Tuy nhiên, phá vỡ giới hạn không có nghĩa là con người sống gấp, sống vội, bỏ qua những giới hạn đạo đức, đốt cháy mình. Tự phá vỡ giới hạn chỉ có ý nghĩa khi cái giới hạn đó chật hẹp, đi ngược với xu thế tiến bộ. Mặt khác, khả năng của mỗi con người là khác nhau, biết giới hạn, biết tự bằng lòng với những gì mình đã có, đang có là cách để con người đạt được bình an và hạnh phúc.
- Bài học: Để làm được điều đó đòi hỏi con người phải không ngừng học hỏi, khám phá, phải quyết tâm đẩy xa các giới hạn nhận thức, phải biết chấp nhận sự chỉ trích, cười nhạo,…
Câu 2: (7.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ “Chiều tối” – Hồ Chí Minh và khổ cuối bài thơ “Từ ấy” – Tố Hữu.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
- Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Chiều tối (2.0 điểm)
+ Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm, tâm hồn nhà cách mạng vẫn hòa hợp, cảm thông cùng thiên nhiên, có sự gần gũi, tương đồng giữa ngoại cảnh và tâm cảnh; có tình yêu thương mênh mông dành cho sự sống trên đời.
+ Vượt lên trên cảnh ngộ đau khổ, Hồ Chí Minh luôn có phong thái ung dung, bản lĩnh kiên cường, là người chiến sĩ cộng sản hoàn toàn tự do về tinh thần.
+ Đằng sau bức tranh cuộc sống của người lao động, tâm hồn người chiến sĩ luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.
+ Vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của Hồ Chí Minh không trực tiếp bộc lộ mà thông qua cách cảm , cách nhìn cuộc sống và con người của nhân vật trữ tình. Bút pháp tả cảnh ngụ tình vừa cổ điển vừa hiện đại.
- Hình tượng người chiến sĩ cộng sản trong khổ cuối bài thơ Từ ấy
+ Bài thơ ra đời vào thời điểm Tố Hữu được kết nạp Đảng, vì thế sau khi thể hiện niềm vui sướng say mê lí tưởng của Đảng (khổ 1) và có những sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức (khổ 2) thì đến khổ 3, người chiến sĩ ấy có những chuyển biến trong tình cảm.
+ Hình tượng người chiến sĩ hòa nhập vào quần chúng lao khổ để trở thành một thành viên của đại gia đình quần chúng.
+ Đằng sau sự gắn bó, hòa nhập với cộng đồng là tấm lòng xót thương, chia sẻ của người chiến sĩ, đồng thời cho thấy sự căm giận với những bất công ngang trái. Hai yếu tố đó trở thành động lực hành động, đấu tranh của người chiến sĩ.
- Sư tương đồng và khác biệt:
+ Tương đồng: Hai bài thơ là sản phẩm của những người biết sống hiến dâng hết mình cho lí tưởng cách mạng. Bức chân dung về họ là vẻ đẹp của người chiến sĩ – thi sĩ: có bản lĩnh, ý chí vững vàng, trái tim nồng hậu.
+ Khác biệt: Vẻ đẹp tâm hồn, bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Chiều tối biểu hiện ở cách nhìn cuộc sống trong sự vận động, trong quá trình hoạt động cách mạng đầy gian khổ, còn trong Từ ấy là sự sự vận động tâm trạng của tâm hồn thanh niên lần đầu gặp lí tưởng nên có cái trẻ trung, sôi nổi, cảm hứng lãng mạn tràn đầy.