Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 3 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:
Sau cánh rừng, sau cù lao, biển cả
Một ánh đèn sáng đến nơi con
Và lòng con yêu mến, xót thương hơn
Khi con nghĩ đến cuộc đời của mẹ
Khi con nhớ đến căn nhà nhỏ bé
Mẹ một mình đang dõi theo con
[...]
Đời mẹ như bến vắng bên sông
Nơi đón nhận những con thuyền tránh gió
Như cây tự quên mình trong quả
Quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây
Như trời xanh nhẫn nại sau mây
Con đường nhỏ dẫn về bao tổ ấm
Con muốn có lời gì đằm thắm
Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay.
(Ý Nhi, Kính gửi mẹ, thivien.net)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.
Câu 2. Hình ảnh đời mẹ được so sánh với những sự vật, hiện tượng nào?
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Câu 4. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung hai dòng thơ sau?
Con muốn có lời gì đằm thắm
Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay.
Câu 5. Anh/Chị rút ra bài học gì cho bản thân từ đoạn trích trên?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2. Hình ảnh đời mẹ được so sánh với bến vắng bên sông, cây tự quên mình trong quả, trời xanh nhẫn nại sau mây.
Câu 3:
– Biện pháp tu từ ẩn dụ:
+ Quả chín: ẩn dụ cho sự khôn lớn, thành công của con cái.
+ cây: ẩn dụ cho hình ảnh người mẹ.
Quả chín rồi ai dễ nhớ ơn cây: khi lớn khôn, trưởng thành, mấy ai còn nhớ tới công lao chăm sóc, dưỡng dục của mẹ.
– Tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ:
+ Giúp cho câu thơ trở nên gợi hình, gợi cảm hơn.
+ Khẳng định công lao to lớn của mẹ; đưa ra bức thông điệp về việc hãy biết ơn người mẹ đã sinh ra ta, nuôi nấng ta khôn lớn.
Câu 4. Hai dòng thơ Con muốn có lời gì đằm thắm/ Ru tuổi già của mẹ tháng năm nay khẳng định tình cảm yêu thương, trân trọng, quan tâm, lo lắng của người con đối với người mẹ.
Câu 5. Thí sinh rút ra bài học cho bản thân từ đoạn trích. Tham khảo: cần biết ơn công lao trời bể của mẹ, cần quan tâm, yêu thương mẹ mỗi ngày.
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về nhân vật cô Tâm trong truyện ngắn Cô hàng xén (Thạch Lam) sau:
Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau. Cô thấy chắc dạ và ấm cúng trong lòng, bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong trí khi cô qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn.
Qua cái cổng gạch cũ, cô vào hẳn trong làng. Ngõ tối hơn, đất mấp mô vì trâu bước, nhưng cô thuộc đường lối lắm. Chân cô dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt. Ði ngang các nhà quen, cô thấy ánh sáng đèn chiếu qua rào, và tiếng những người quen thuộc ở trong đưa ra.
Cô Tâm lại nghĩ đến mình, mẹ già đang mong đợi và các em đang nóng ruột vì quà. Gói kẹo bỏng cô đã gói cẩn thận để ở dưới thúng, mỗi đứa sẽ được hai cái. Chắc hẳn chúng sẽ vui mừng lắm.
[...] Tâm đã bước xa rồi, hàng tre vi vút thêm, trời lại lấm tấm mưa lạnh rơi xuống mặt. Cô đi qua nhà bà cụ Nhiêu rồi về đến ngõ. Cánh cửa gỗ chưa đóng. Cô xoay đầu đòn gánh đẩy cửa rồi bước vào. Tất cả cái tối tăm rét mướt, và cánh đồng hoang vắng cô để lại ở ngoài. Ðây là nhà rồi. Mùi phân trâu nồng ấm sặc ngay vào cổ; thoáng qua, cô nghe tiếng chân trâu đập trong chuồng. Con vá thấy động sủa lên, rồi chạy lại vấp vào chân quấn quít. Trong nhà mấy đứa em reo:
– A, á. Chị Tâm đã về.
Tâm mỉm cười xoa đầu em. Cô sung sướng vì thấy mẹ săn sóc, các em mến yêu. Bao nhiêu nỗi mệt nhọc cô thấy tiêu tán cả. Những lúc này khiến cô quên hết cả bao nhiêu nỗi e ngại khó khăn. Cô thấy vui vẻ và nẩy nở trong thâm tâm những ý muốn tốt đẹp cho gia đình. Bà Tú lại âu yếm giục:
– Con ăn cơm đi, không đói. Thôi, hãy để đấy rồi bảo con sen nó cất cho có được không.
Tâm đáp: "vâng"; nhưng cô vẫn chưa lại ngồi ăn ngay. Cô còn thu xếp hàng đã; hai cái hộp gỗ vuông đựng các thức hàng, và những gói buộc kỹ trong thúng. Tất cả vốn liếng quý báu, bởi nhờ nó, cô kiếm lời nuôi các em, giúp đỡ cha mẹ từ ngày trong nhà sút đi và ông Tú ở trên tỉnh dọn về đã ba bốn năm nay rồi. Ruộng nương chỉ còn hơn mẫu, cấy đủ thóc ăn, và căn nhà gạch cũ này là nhà thờ, chung cả họ. Ông Tú độ mắt kém cũng thôi không dạy học nữa.
Bữa cơm ngon lành quá, Tâm ngồi ăn dưới con mắt hiền từ và thương mến của mẹ. Các em cô quây quần cả chung quanh, hỏi chuyện chợ búa của chị. Tâm ngắm nghía các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Cô hỏi han sách vở của thằng Lân và thằng Ái, học lớp ba ở trường làng. Ngày trước, thời còn sung túc, cô cũng đã cắp sách đi học và về nhà lại được ông Tú dạy thêm chữ nho. Nhưng đã lâu, cô rời bỏ quyển sách, để bước chân vào cuộc đời rộng rãi hơn, khó khăn và chặt chẽ. Buôn bán bây giờ mỗi ngày một chật vật, bởi cô vốn ít. Tất cả gánh hàng của Tâm chỉ đáng giá hai chục bạc.
Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen của quê hương và của đất mầu khiến Tâm thấy dễ chịu và thêm can đảm.
[...]
(Thạch Lam, Cô hàng xén, NXB Văn học, 2014, tr.171-187)
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về niềm tin vào bản thân của giới trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng:
– Yêu cầu về hình thức: đoạn văn.
– Dung lượng: 200 chữ.
Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về nhân vật cô Tâm trong truyện Cô hàng xén (Thạch Lam).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Cô Tâm là một người vất vả, phải gồng gánh để nuôi cả gia đình.
+ Cô Tâm là một người con có hiếu với cha mẹ, là một người chị
+ Nghệ thuật khắc họa nhân vật: cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ giàu chất thơ,...
– Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp với đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: bày tỏ ý kiến về niềm tin vào bản thân của giới trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và quan điểm của bản thân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích vấn đề nghị luận.
– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Niềm tin vào bản thân có vai trò vô cùng quan trọng, nó là động lực, là kim chỉ nam giúp con người tiến lên phía trước.
+ Tin vào bản thân, mỗi người sẽ tự tin phát huy thế mạnh của mình, mở rộng các mối quan hệ.
+ Nếu không có niềm tin vào bản thân, con người sẽ suốt đời sống trong e dè, sợ hãi, khó đạt được mục tiêu của mình.
– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.