Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 1 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
CA SỢI CHỈ
Mẹ tôi là một đoá hoa,
Thân tôi trong sạch, tôi là cái bông.
Xưa tôi yếu ớt vô cùng,
Ai vò cũng đứt, ai rung cũng rời.
Khi tôi đã thành chỉ rồi,
Cũng còn yếu lắm, ăn ngồi không ngon,
Mạnh gì sợi chỉ con con,
Khôn thiêng biết có vuông tròn cho chăng!
Càng dài lại càng mỏng manh,
Thế gian ai sợ chi anh chỉ xoàng!
Nhờ tôi có nhiều đồng bang,
Họp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.
Dệt nên tấm vải mỹ miều,
Đã bền hơn lụa, lại điều hơn da.
Đố ai bứt xé cho ra,
Đó là lực lượng, đó là vẻ vang.
Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.
Yêu nhau xin nhớ lời nhau,
Việt Minh hội ấy mau mau phải vào.
(Thơ Hồ Chí Minh, Cảnh Nguyên và Hồ Văn Sơn biên soạn, trang 73)
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ.
Câu 2 (0.5 điểm): Nhân vật “tôi” trong bài thơ đã trở thành sợi chỉ từ vật gì?
Câu 3 (1.0 điểm): Xác định và phân tích một biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Nhờ tôi có nhiều đồng bang,
Họp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.
Dệt nên tấm vải mỹ miều,
Đã bền hơn lụa, lại điều hơn da.
Đố ai bứt xé cho ra,
Đó là lực lượng, đó là vẻ vang.
Câu 4 (1.0 điểm): Sợi chỉ có những đặc tính nào? Theo anh/chị, sức mạnh của sợi chỉ nằm ở đâu?
Câu 5 (1.0 điểm): Bài học ý nghĩa nhất anh/chị rút ra từ bài thơ là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0.5 điểm):
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài là: Biểu cảm.
Câu 2 (0.5 điểm):
Nhân vật “tôi” trong bài thơ đã trở thành sợi chỉ từ: Cái bông.
Câu 3 (1.0 điểm):
*Biện pháp tu từ có trong đoạn thơ là nhân hóa, sợi chỉ cũng có ý thức, có bạn bè:
Nhờ tôi có nhiều đồng bang,
Họp nhau sợi dọc, sợi ngang rất nhiều.
- Tác dụng:
+ Làm câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
+ Thể hiện rằng khi hợp lại, những sợi chỉ có thể có sức mạnh phi thường.
=> Tình đoàn kết.
*Biện pháp tu từ có trong đoạn thơ là so sánh:
Dệt nên tấm vải mỹ miều,
Đã bền hơn lụa, lại điều hơn da.
- Tác dụng:
+ Làm câu thơ trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
+ Nhấn mạnh vẻ đẹp và sự vững bền của tình đoàn kết.
Câu 4 (1.0 điểm):
- Đặc tính của sợi chỉ: Mỏng manh nhưng dẻo dai, có thể hợp lại với các sợi chỉ khác để tạo nên cái đẹp và sự bền vững.
- Sức mạnh chủ yếu của sợi chỉ nằm ở việc có thể kết hợp với các sợi chỉ khác để tạo nên một mảnh vải đẹp, đó là sức mạnh của sự đoàn kết.
Câu 5 (1.0 điểm):
- Bài học: Sức mạnh của tình đoàn kết tạo ra những thắng lợi vẻ vang.
- Ý nghĩa: Phải biết yêu đồng bào, yêu dân tộc, biết nhường nhịn và cùng nỗ lực để đạt đến thành công.
Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích bài thơ Ca sợi chỉ của Hồ Chí Minh.
Câu 2 (4.0 điểm): Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của sự đoàn kết.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích bài thơ Ca sợi chỉ của Hồ Chí Minh.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích bài thơ Ca sợi chỉ.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
- Hình ảnh trung tâm là hình ảnh sợi chỉ: Ban đầu, sợi chỉ chỉ là cái bông mong manh, yếu ớt, dễ đứt, dễ tổn thương. Khi đã trở thành sợi chỉ, nó vẫn ít có khả năng tồn tại độc lập. Tuy nhiên, sợi chỉ có sức mạnh của sự liên kết. Đây chính là ẩn dụ cho sự đoàn kết.
- Hồ Chí Minh ca ngợi vai trò của sự đoàn kết trong đời sống. Bác gửi thông điệp đến con cháu Hồng Bàng rằng để đất nước phát triển thì cần đoàn kết và yêu thương nhau.
- Bài thơ khuyến khích mọi người tham gia vào Việt Minh để xây dựng đất nước.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết các câu trong văn bản.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của sự đoàn kết.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vai trò của sự đoàn kết.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1.5 điểm)
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Đoàn kết không chỉ là tập hợp lực lượng thành một khối thống nhất mà phải thống nhất về tư tưởng, hành động, mục tiêu cụ thể.
+ Đoàn kết là các thành viên phải tương trợ, giúp sức lẫn nhau cùng nhau giải quyết các khó khăn, thử thách để đi đến thành công.
+ Đoàn kết là sức mạnh to lớn, chất keo gắn kết con người tạo nên sức mạnh vượt trội.
+ Tinh thần đoàn kết giúp cho con người cảm thấy bản thân mình không bị lạc lõng, luôn có động lực để phấn đấu tới những điều tốt đẹp hơn.
+ Tinh thần đoàn kết giống như một tấm lá chắn lớn giúp con người vững bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1.0 điểm)
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo (0.5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.