Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 1 SVIP
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi.
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Xác định khởi ngữ trong câu sau: Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến.?
Câu 4. Từ nội dung đoạn trích, hãy rút ra bài học có ý nghĩa nhất đối với bản thân.
Bài đọc:
Khi nói đến ước mơ của mỗi người thì điều đầu tiên cần phải xác định đó không phải là những mong ước viển vông mà chính là mục đích con người đặt ra và cố gắng phấn đấu để đạt đến trong cuộc đời mình.
Đồng thời một yếu tố cũng hết sức quan trọng là cần phải xác định cách thức để đạt được mục đích đó, bởi không ai trong cuộc đời này lại không muốn đạt đến một điều gì đó. Sự khác biệt chính là ở phương thức thực hiện, cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người và điều này sẽ quyết định “đẳng cấp” về nhân cách của mỗi người.
Có người đi đến ước mơ của mình bằng cách trung thực và trong sáng thông qua những nỗ lực tự thân tột cùng. Đây là những người có lòng tự trọng cao và biết dựa vào sức của chính mình, tin vào khả năng của chính mình và sự công bằng của xã hội. Đối với họ, mục tiêu chưa chắc là điều họ quan tâm, cái họ quan tâm hơn chính là phương thế để đạt đến mục tiêu trong cuộc sống.
Chính vì vậy họ là những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi”, trở thành công cụ trong tay người khác hay giao phó tương lai của mình cho người khác. Sở dĩ như thế là bởi họ chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến, đồng thời cũng là những người xem phương tiện quan trọng như mục tiêu của cuộc đời mình.
(Lê Minh Tiến, Đẳng cấp về nhân cách, http://tuoitre.vn)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. (0.5 điểm)
Khởi ngữ: họ.
Câu 3. (1.0 điểm)
Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” chỉ tự hào với những gì do chính bản thân họ làm ra và đạt đến vì:
- “Tầm gửi” là lối sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, là những người kém bản lĩnh.
- Những người không bao giờ chấp nhận sống trong thân phận “tầm gửi” là những người có lòng tự trọng, có ý thức về giá trị bản thân, luôn nỗ lực vươn lên để đạt được mục tiêu, ước mơ của bản thân.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Nỗ lực thực hiện ước mơ bằng chính khát vọng và khả năng của bản thân.
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1
Từ nội dung phần Đọc hiểu và hiểu biết xã hội, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về cách thức đạt đến ước mơ của mỗi người.
Câu 2.
Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong đoạn thơ sau:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2.0 điểm)
*Về hình thức: đảm bảo đúng độ dài theo yêu cầu; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi dùng từ, đặt câu. (0.25 điểm)
*Về nội dung: học sinh có thể triển khai theo nhiều cách lập luận khác nhau. (1.25 điểm)
+ Giải thích “ước mơ”.
+ Cách thức đạt đến ước mơ. Có thể triển khai theo hướng: biết xác định ước mơ; kiên trì theo đuổi; nỗ lực hành động; không bị tác động bởi cách nhìn, đánh giá của mọi người xung quanh.
+ Nêu các dẫn chứng để làm rõ cách thức để đạt được ước mơ.
+ Khẳng định vấn đề và liên hệ bản thân, rút ra bài học.
*Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết các câu trong đoạn. (0.25 điểm)
*Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. (0.25 điểm)
Câu 2. (5.0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc của bài văn nghị luận (0.25 điểm)
Mở bài giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận; thân bài thực hiện các yêu cầu của đề bài; kết bài khẳng định vấn đề nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên trong đoạn thơ “Sang thu”.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, cần vận dụng kết hợp các thao tác lập luận; đảm bảo các yêu cầu sau.
*Giới thiệu khái quát về nhà thơ Hữu Thỉnh, bài thơ “Sang thu” và vấn đề nghị luận. (0.5 điểm)
* Phân tích đoạn thơ
- Nội dung: (2.0 điểm)
+ Khổ 1: Bức tranh thiên nhiên gắn với những dấu hiệu ban đầu lúc sang thu. Thiên nhiên hiện lên sinh động qua cảm nhận của các giác quan như thị giác, xúc giác, khứu giác. Hình ảnh, mùi hương xuất hiện mang đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thi nhân ngỡ ngàng, xúc động - “bỗng nhận ra”, “hình như” khi ý thức được về sự chuyển mùa.
+ Khổ 2: Sự chuyển biến của thiên nhiên, tạo vật sang thu trở nên cụ thể, sinh động. Tác giả tập trung khắc họa hình ảnh “dòng sông, cánh chim, đám mây” qua biện pháp nghệ thuật nhân hóa, đối lập và kết hợp với các từ láy. Thiên nhiên buổi sang thu đa chiều đã được cảm nhận bằng sự tinh tế của thi nhân.
- Nghệ thuật: (0.5 điểm)
+ Lựa chọn chi tiết, hình ảnh tiêu biểu, đặc trưng.
+ Nhân hóa, ẩn dụ, liên tưởng, tưởng tượng giàu hình ảnh.
+ Thể thơ ngũ ngôn hàm súc, cô đọng trong diễn tả cảm xúc.
- Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật: (0.5 điểm)
+ Đoạn trích đã làm nổi bật vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên thời điểm sang thu với biến chuyển tinh tế, đa dạng của đất trời và những cảm xúc, suy tư trong con người.
d. Sáng tạo (0.5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có quan điểm riêng, suy nghĩ phù hợp với vấn đề nghị luận; có cách lập luận, diễn đạt mới mẻ, độc đáo.
đ. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.