Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 1 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:
Chợ nổi – nét văn hóa sông nước miền Tây
1. Những khu chợ sầm uất trên sông
Miền Tây có nhiều chợ nổi. Tiêu biểu, có thể kể chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Phụng Hiệp – Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Thạnh Trị – Sóc Trăng), chợ nổi Sông Trẹm (Thới Bình – Cà Mau), sông Vĩnh Thuận (Miệt Thứ – Cà Mau),...
Chợ nổi Ngã Bảy - Hậu Giang
(Nguồn ảnh: Vietnam Travellog)
Người buôn bán trên chợ nổi nhóm họp bằng xuồng. Ngày xưa là xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà hiếm khi có va quệt xảy ra.
Tuy là chợ họp trên sông, nhưng các chủng hàng, mặt hàng rất phong phú. Nhiều nhất vẫn là các loại trái cây, rồi đến các loại rau củ, bông kiểng, hàng thủ công gia dụng, hàng thực phẩm, động vật,... Ở đây, lớn như cái xuồng, cái ghe, nhỏ như cây kim, sợi chỉ đều có bán.
2. Những cách rao mời độc đáo
Để tiện lợi cho việc giao thương, người bán hàng trên chợ nổi có những lối rao hàng (còn gọi là “bẹo hàng”) dân dã, giản tiện mà thú vị.
Đặc biệt là lối rao hàng bằng “cây bẹo”. Người bán hàng dùng một cây sào tre dài, cắm dựng đứng trên ghe xuồng, rồi treo cao các thứ hàng hoá – chủ yếu là trái cây, rau củ – giúp khách nhìn thấy từ xa, bơi xuồng đến, tìm đúng thứ cần mua. Buổi sáng, đến chợ nổi thấy nhô lên vô số những cây bẹo như những cột “ăng-ten” kì lạ di động giữa sông: “cây bẹo” này treo vài ba trái khóm, “cây bẹo” kia treo lủng lẳng những củ sắn, củ khoai; những cây bẹo khác lại treo dính chùm các loại trái cây vườn: chôm chôm, nhãn, bòn bon, vú sữa,... Khi cần “bẹo” nhiều mặt hàng hơn, thì họ buộc thêm một cây sào ngang trên hai cây sào dựng đứng và treo buộc nhiều thức hàng trên cây sào ngang ấy. Lại có những chiếc ghe mà “cây bẹo” treo tấm lá lợp nhà: dấu hiệu cho biết người chủ muốn rao bán chính chiếc ghe đó, tấm lá lợp có ý nghĩa giống như một cái biển rao bán nhà.
Đó là những cách thu hút khách bằng mắt. Lại có những cách thu hút khách bằng tai. Các ghe bán hàng dạo chế ra cách “bẹo” hàng bằng âm thanh lạ tai của những chiếc kèn: Có kèn bấm bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có kèn đạp bằng chân (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc). Riêng các cô gái bán đồ ăn thức uống thì thường “bẹo hàng” bằng lời rao: Ai ăn chè đậu đen, nước dừa đường cát hôn...? Ai ăn bánh bò hôn...? Những tiếng rao mời mọc nơi chợ nổi, nghe sao mà lảnh lót, thiết tha!
(Theo Chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long của Nhậm Hùng NXB Trẻ, 2009, tr. 36 – 55 và Chợ nổi – nét văn hoá sống trước tiền Tây, Đài truyền hình Cần Thơ, https://canthotv.vn/cho-noi-va-van-hoa-song-nuoc-mien-tay/)
Câu 1. Xác định kiểu văn bản của ngữ liệu trên.
Câu 2. Liệt kê một số hình ảnh, chi tiết cho thấy cách giao thương, mua bán thú vị trên chợ nổi.
Câu 3. Nêu tác dụng của việc sử dụng tên các địa danh trong văn bản trên.
Câu 4. Nêu tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong văn bản trên.
Câu 5. Anh/Chị có suy nghĩ gì về vai trò của chợ nổi đối với đời sống của người dân miền Tây?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Văn bản thông tin.
Câu 2. Một số hình ảnh, chi tiết cho thấy cách giao thương, mua bán thú vị trên chợ nổi.
Các ghe bán hàng dạo chế ra cách “bẹo” hàng bằng âm thanh lạ tai của những chiếc kèn: Có kèn bấm bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có kèn đạp bằng chân (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc).
Riêng các cô gái bán đồ ăn thức uống thì thường “bẹo hàng” bằng lời rao: Ai ăn chè đậu đen, nước dừa đường cát hôn...? Ai ăn bánh bò hôn...? Những tiếng rao mời mọc nơi chợ nổi, nghe sao mà lảnh lót, thiết tha!
Câu 3. Việc sử dụng tên các địa danh giúp thông tin trở nên phong phú, xác thực và sinh động.
Câu 4. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản trên giúp tăng tính xác thực và trực quan cho thông tin.
Gợi ý: Chợ nổi có vai trò về mặt kinh tế và tinh thần đối với đời sống người dân miền Tây:
- Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
- Thể hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của miền Tây.
Như vậy, chợ nổi có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống của người dân miền Tây.
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu ý nghĩa của tính sáng tạo đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Câu 2. Viết bài văn trình bày cảm nhận về con người Nam Bộ qua nhân vật Phi và ông Sáu Đèo trong truyện Biển người mênh mông (Nguyễn Ngọc Tư).
Biển người mênh mông
Nguyễn Ngọc Tư
[...] Hồi ngoại Phi còn sống, thấy tóc anh ra hơi liếm ót bà đã cằn nhằn: "Cái thằng, tóc tai gì mà xấp xãi, hệt du côn". [...] Phi không cãi nữa, cầm mấy ngàn chạy đi, lát sau đem cái đầu tóc mới về.
Phi sinh ra đã không có ba, năm tuổi rưỡi, má Phi cũng theo chồng ra chợ sống. Phi ở với bà ngoại. [...]
Phi mười, mười lăm tuổi đã biết rất nhiều chuyện. Thì ra, đã không còn cách nào khác, má mới bỏ Phi lại. Sau giải phóng, ba Phi về, xa nhau biền biệt chín năm trời, về nhà thấy vợ mình có đứa con trai chưa đầy sáu tuổi, ông chết lặng. Cũng như nhiều người ở Rạch Vàm Mấm này, ông ngờ rằng má Phi chắc không phải bị tên đồn trưởng ấy làm nhục, hắn lui tới ve vãn hoài, lâu ngày phải có tình ý gì với nhau, nếu không thì giữ cái thai ấy làm gì, sinh ra thằng Phi làm gì. Ngoại Phi bảo: "Tụi bây còn thương thì mai mốt ra tỉnh nhận công tác, rủ nhau mà đi, để thằng Phi lại cho má".
[...] Hết cấp hai, Phi lên thị xã mướn nhà trọ học, một năm mấy lần lại nhờ má đi họp phụ huynh. [...] Ba Phi thì hội họp, công tác liên miên, Phi ít gặp. Ông thay đổi nhiều, tướng tá, diện mạo, tác phong nhưng gặp Phi, cái nhìn vẫn như xưa, lạnh lẽo, chua chát, lại như giễu cợt, đắng cay. [...] Hết lớp Mười, Phi vừa học vừa tìm việc làm thêm. [...]
Rồi ngoại Phi nằm xuống dưới ba tấc đất. Còn một mình, anh đâm ra lôi thôi, ba mươi ba tuổi rồi mà sống lôi thôi. [...] Má anh lâu lâu lại, hỏi anh đủ tiền xài không, bà có nhìn anh nhưng không quan tâm lắm chuyện ăn mặc, tóc tai. Ngoài ngoại ra, chỉ có ông già Sáu Đèo nhắc anh chuyện đó.
Ông già Sáu mới dọn lại thuê một căn chung vách với nhà Phi. Ông cũng nghèo, lúc chuyển đến đồ đạc chỉ gói gọn bốn cái thùng các tông. [...]. Ông chỉ tay vô cái lồng trùm vải xanh, trong đó có con bìm bịp. [...]
[...] Ông kể, hồi trẻ, ông toàn sống trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng lang thang xứ nầy xứ nọ. [...] Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm. Phi hỏi: "Vậy bác Sáu gái đâu rồi?". [...] Ông già Sáu mếu máo chỉ về phía tim: "Cổ đi rồi. Sống khổ quá nên cổ bỏ qua. Cổ lên bờ, không từ giã gì hết, bữa đó đúng là qua bậy, qua nhậu xỉn quá trời, rồi cũng có cự cãi mấy câu, cảnh nhà không con nên sanh buồn bực trong lòng, qua có hơi nặng lời, cổ khóc. Lúc thức dậy thì cổ đã đi rồi. Qua đã tìm gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, lội gần rã cặp giò rồi mà chưa thấy. Kiếm để làm gì hả? Để xin lỗi chớ làm gì bây giờ.". [...]
Rồi một bữa, ông bày ra bữa rượu để từ giã Phi: "Cha, để coi, chỗ nào chưa đi thì đi, còn sống thì còn tìm. Qua nhờ chú em một chuyện, chú em nuôi dùm qua con quỷ sứ nầy. Qua yếu rồi, sợ có lúc giữa đường lăn ra chết, để con "trời vật" nầy lại không ai lo. Qua tin tưởng chú em nhiều, đừng phụ lòng qua nghen.".
[...] Ông đi rồi, chỉ còn lại Phi và con bìm bịp.
[...] Từ đấy, ông già Sáu Đèo chưa một lần trở lại.
(Theo isach.infor)
Chú thích:
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976, quê ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, là cây bút mang đậm dấu ấn Nam Bộ. Nguyễn Ngọc Tư đã thu hút sự chú ý của bạn đọc ngay từ những trang viết đầu tay, đồng thời được giới chuyên môn và các nhà phê bình văn học đánh giá cao.
Qua: từ người lớn tuổi dùng để tự xưng một cách thân mật khi nói với người vai dưới.
Biểu: bảo.
Bầy hầy: bừa bãi, luộm thuộm.
Ót: gáy.
Đương thúng: đan thúng.
Rầy: mắng.
Ròng: (nước thủy triều) rút xuống.
Tía: cha.
Cổ: cô ấy.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
- Yêu cầu về hình thức: đoạn văn.
- Yêu cầu về dung lượng: 200 chữ.
Học sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của tính sáng tạo đối với thế hệ trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Gợi ý: Tính sáng tạo có ý nghĩa như sau:
+ Giúp mỗi cá nhân phát huy được thế mạnh của bản thân.
+ Giúp mỗi cá nhân giải quyết vấn đề một cách tốt nhất.
+ Tạo ra những sản phẩm hữu ích cho nhân loại.
+ Góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu văn bản.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: nghị luận văn học.
b. Xác định đúng yêu cầu của đề: cảm nhận về vẻ đẹp con người Nam Bộ trong truyện Biển người mênh mông qua nhân vật Phi và ông Sáu Đèo.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Gợi ý:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.
- Nêu và phân tích cảm nhận về con người Nam Bộ qua nhân vật Phi và ông Sáu Đèo:
+ Những con người nhỏ bé, bất hạnh, lưu lạc:
Phi: không có cha, là kết quả cưỡng bức của tên đồn trưởng với mẹ Phi; không được người mà Phi gọi là cha thừa nhận; năm tuổi rưỡi đã thui thủi ở với bà ngoại; người mẹ vô tâm; chỉ có bà ngoại quan tâm, nhưng rồi bà mất, kể từ đó sống tạm bợ, lôi thôi.
Ông Sáu Đèo: không con cái, làm bạn với con chim bìm bịp; vợ bỏ đi đã lâu; ông Sáu Đèo nay đây mai đó ở tuổi xế chiều.
+ Những con người kiếm tìm, khao khát hạnh phúc:
Phi khao khát tình cảm của cha, mẹ, tình thân. Cuộc đời anh cũng là một hành trình âm thầm tìm kiếm tình thân. Cuộc gặp gỡ với ông Sáu Đèo đã sưởi ấm tâm hồn anh bởi sự quan tâm của ông dành cho Phi.
Ông Sáu Đèo với hành trình tìm kiếm người vợ của mình: ông đã đi tìm vợ suốt gần bốn mươi năm, dời nhà cả thảy ba mươi ba bận, bỏ cả sông nước vốn gắn bó như máu thịt, lên bờ để nói lời xin lỗi vợ.
=> Trên hành trình tìm kiếm khát khao hạnh phúc đó, con người Nam Bộ cho ta thấy tình yêu và sự gắn bó sâu nặng với quê hương xứ sở, tình cảm thủy chung son sắt, tấm lòng yêu thương, vị tha,...
+ Nghệ thuật thể hiện nhân vật con người Nam Bộ trong truyện: cốt truyện đơn giản, không có sự kiện gì đặc biệt; ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ; giọng điệu buồn thương, ngậm ngùi,...
- Khái quát chủ đề, ý nghĩa của truyện thông qua hình tượng con người Nam Bộ:
+ Đem đến cho người đọc cảm nhận về những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh, trôi nổi, lưu lạc, những khát khao tìm kiếm hạnh phúc âm thầm, mãnh liệt.
+ Khơi gợi sự đồng cảm của người đọc, cho độc giả cảm nhận được giá trị quý báu của tình thân. Đồng thời cảnh báo về những thờ ơ, hời hợt của con người có thể đang góp phần làm nên cái "biển người mênh mông" trong cuộc sống.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.