Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
NÊN BỊ GAI ĐÂM
(1) Núi lửa nào hay mình làm đau trái đất. Sóng thần nào hay mình làm đau những đại dương. Bão tố nào hay mình làm đau những cánh rừng. Đá ghềnh nào hay mình làm tổn thương những dòng suối. Mỏ neo níu giữ con thuyền đâu hay đã làm rách tướp những lòng sông.
(2) Trái rụng đâu hay mình làm đau lòng vườn. Nắng chói đâu hay mình làm đau những giọt sương đậu hờ trên mép lá. Bụi bay đâu hay mình làm đau những làn hương. Con ong đâu hay tiếng đập cánh vụng về làm giật mình nụ hoa út ít. Lá rơi nào hay mình làm tổn thương giấc mơ của cánh chuồn kim thiêm thiếp sau ngọn cỏ góc ao.
(3) Tiếng chuông rền làm tổn thương hoàng hôn. Bước chân mau làm tổn thương những con đường. Gót giày khua làm tổn thương lối ngõ. Nếp áo nhàu làm tổn thương bao ấp iu của gió. Vệt lá lăn làm tổn thương thảm rêu nhung ẩm ướt bên thềm.
(4) Ngòi bút sắc làm đau trang giấy. Nét mực hoen làm đau con chữ gầy. Câu thơ suông làm tổn thương ánh đèn tri kỉ. Giọng ca trơn làm tổn thương điệu nhạc say đắm. Ngón tay bấm bâng quơ làm tổn thương bao âm giai ẩn trong mỗi phím đàn.
(5) Lần lỗi hẹn làm đau điểm hẹn. Cái bắt tay ơ hờ làm đau nhịp tim sâu. Nụ cười tắt mau làm tổn thương những thắc thỏm mong cầu. Tiếng thở dài làm tổn thương ánh nhìn ngân ngấn. Thoáng chau mày làm đau giọt mồ hôi lau vội lúc cuối ngày.
(6) Thế giới cần nâng niu quá đỗi. Ta sống đời lại thô tháp làm sao. Ta làm tổn thương những dòng sông. Ta làm tổn thương những mặt đầm. Ta làm tổn thương những mảnh vườn. Ta làm tổn thương những mùa hoa trái. Ta làm tổn thương những bình minh yên ả. Ta làm tổn thương những canh khuya trong vắng. Ta làm đau những niềm người quá đỗi mong manh…
(7) Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa…
(8) Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: tổn thương là rỉ máu.
(Chu Văn Sơn)
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2 (0.5 điểm): Nêu nội dung của văn bản trên.
Câu 3 (1.0 điểm): Xác định và phân tích một biện pháp tu từ trong đoạn (7).
Câu 4 (1.0 điểm): Trong câu văn: “Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: tổn thương là rỉ máu.” Vì sao tác giả lại nói “Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm”?
Câu 5 (1.0 điểm): Bài học ý nghĩa nhất anh/chị rút ra từ văn bản là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0.5 điểm):
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài là: Nghị luận.
Câu 2 (0.5 điểm):
Nội dung chính: Con người vô tình trước những tổn thương do chính mình tạo ra cho thiên nhiên và người khác, nên đôi khi cũng cần phải đối diện với những tổn thương.
Câu 3 (1.0 điểm):
*Biện pháp tu từ có trong đoạn (7) là điệp cấu trúc: “Những...quen...”.
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh sự bao dung của thiên nhiên với con người.
+ Tạo nhịp điệu và tăng tính liên kết cho đoạn văn.
*Biện pháp tu từ có trong đoạn (7) là nhân hóa: mặt đất tha thứ, đại dương độ lượng, cánh rừng trầm mặc...
- Tác dụng:
+ Làm câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
+ Cho thấy sự bao dung của vạn vật đối với con người.
Câu 4 (1.0 điểm):
Con người quá vô tư trước những tổn thương mà mình gây ra cho người khác, vậy nên bản thân chúng ta cũng cần phải bị thương để hiểu được làm đau người khác là làm đau chính mình. Lúc ấy, ta sẽ biết yêu thương, sẻ chia, hoà vào thế giới này bằng trái tim độ lượng.
Câu 5 (1.0 điểm):
- Bài học: Cần cẩn thận trong cách cư xử với người khác để tránh làm họ tổn thương.
- Ý nghĩa: Để làm được thế, cần chú tâm với những điều đang xảy ra trong cuộc sống, biết đặt mình vào vị trí của người khác.
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề con người nên biết yêu thương vạn vật.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ phân tích đoạn thơ sau để thấy sự biến đổi của quê hương trước và sau chiến tranh.
BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa trăm ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
(Hoàng Cầm)
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề con người nên biết yêu thương vạn vật.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Con người nên biết yêu thương vạn vật.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Yêu thương là tình cảm quý giá của con người, là sự trân trọng, nâng niu và quý mến mà ta dành cho một điều gì đó.
+ Yêu thương vạn vật chính là yêu thương tất cả những sinh linh trên đời này, gồm cả con người và tự nhiên.
+ Nếu xung quanh ta toàn là sự chết thì ta cũng không thể có được sự sống. Vậy nên, biết yêu thương vạn vật cũng là một cách để yêu thương chính mình.
+ Biết yêu thương vạn vật, ta sẽ trở thành người bao dung, vị tha, sống chan hòa ấm áp với mọi người, được yêu quý. Ngược lại, ta sẽ trở thành một kẻ tồi tệ, vô tâm và ích kỉ.
+ Đây cũng là một cách để giữ gìn môi trường sống của ta cho các thế hệ tương lai.
+ Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết các câu trong văn bản.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ phân tích đoạn thơ trích từ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm để thấy sự biến đổi của quê hương trước và sau chiến tranh.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn thơ trích từ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm để thấy sự biến đổi của quê hương trước và sau chiến tranh.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1.5 điểm)
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Quê hương trước chiến tranh là một quê hương xinh đẹp, tươi sáng với những nét đẹp văn hóa, phong tục. Quê hương ấy dần hiện lên trong kí ức nhà thơ với rất nhiều hình ảnh đẹp:
+ "Lúa nếp thơm nồng: Là biểu tượng của cuộc sống ấm no.
+ "Tranh Đông Hồ": Là biểu tượng của đời sống tinh thần phong phú, tươi vui.
=> Hương vị thơm nồng nàn của lúa nếp ẩn dụ tình cảm yêu mến quê hương, nét họa tươi trong ẩn dụ vẻ sáng bừng của nền văn hóa dân tộc: Những nét đẹp của quê hương sông Đuống là nguồn mạch cho tình cảm sâu nặng của nhà thơ.
- Quê hương sau chiến tranh bị tàn phá:
+ Giặc phá hủy, cướp bóc, giết hại tàn ác cả con người lẫn con vật: "Chó ngộ một đàn"; "Ruộng ta khô"; "Nhà ta cháy"...
+ Nhưng điều kinh hoàng hơn cả là sự mất mát sâu xa hơn, ai có thể lường trước được? Đàn lợn âm dương, Đám cưới chuột (hai bức tranh nổi tiếng của Đông Hồ) trở thành biểu tượng cho sự hủy hoại nguồn gốc và sự sống của cha ông.
=> Quá khứ thanh bình đối lập với hiện tại đổ nát, đau thương.
=> Đoạn thơ vừa tố cáo tội ác của giặc, vừa thể hiện tình yêu quê hương tha thiết và nỗi xót xa cho những mất mát ở quê hương của nhà thơ.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1.0 điểm)
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo (0.5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.