Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì II - Đề số 2, NV 11, Cánh Diều SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Hai lần chết
Dung là con thứ bốn. Vì vậy khi nàng ra đời, không được cha mẹ hoan nghênh lắm. Thực ra, không phải cha mẹ nàng hất hủi con, vẫn coi người con như một cái phúc trời ban cho, nhưng lúc bấy giờ cha mẹ nàng đã nghèo rồi. Với ba người con trước, hai trai, một gái, cha mẹ Dung đã thấy khó nhọc, vất vả làm lụng mới lo đàn con đủ ăn, và hai con trai được đi học. Sau Dung lại còn con bé út nữa, nên cảnh nhà càng thêm túng bấn.
[…] Cha mẹ Dung cũng không nghĩ đến sự bắt nàng đi học như anh chị nàng, có lẽ vì nghĩ rằng lo cho hai người cũng đã đủ.
Dung càng lớn càng gầy gò đi. Suốt ngày nàng chỉ chạy đánh khăng đánh đáo với lũ trẻ con nhà "hạ lưu"(1) cha nàng gọi thế những người nghèo khổ trú ngụ ở chung quanh xóm chợ. Nhiều khi đi đâu về trông thấy, cha nàng gọi về, đánh cho mấy roi mây và cấm từ đấy không được chơi với lũ trẻ ấy. Những trận đòn xong, Dung lại mon men chơi với lũ trẻ, và thấy hình như cha nàng cũng chỉ cấm lấy lệ chứ không thiết gì đến, nàng lại vững tâm nhập vào bọn hạ lưu đó, suốt ngày dông dài ở ngoài chợ.
Một đôi khi, mẹ nàng kịp về đến nhà trông thấy nàng quần áo lôi thôi lếch thếch và chân tay lấm, bùn, chỉ chép miệng thở dài nói:
- Con này rồi sau đến hỏng mất thôi.
Rồi bà lại quay đi buôn bán như thường, sau khi đã để lại cho chồng một món tiền tiêu pha trong nhà, và sau khi anh chị Dung mỗi người đã nũng nịu đòi được một hào để ăn quà.
Dung thấy thế cũng chẳng ganh tị, vì nàng xưa nay đối với các anh chị cũng không thân thiết lắm. Những khi nàng đang chơi thấy đói, nàng lại chạy về xin u già bát cơm nguội hay thức ăn gì khác thế nào u già cũng đã để phần rồi chạy nhảy như một con vật non không biết lo nghĩ gì.
Những sự ấy đã làm cho Dung có một cái tính an phận và nhẫn nại lạ lùng. Ngày trong nhà có tết nhất, các anh chị và em nàng được mặc quần áo mới vui chơi, còn nàng vẫn cứ phải áo cũ làm lụng dưới bếp, Dung cũng không ca thán hay kêu ca gì. Mà nàng biết kêu ca cũng không được. Nhiều lần nàng đã nghe thấy u già nói mẹ nàng may cho cái áo, thì mẹ nàng trả lời:
- May cho con nặc nô ấy làm gì. Để nó làm rách nát ra à?
Còn nói với cha thì Dung biết là vô công hiệu, vì cha nàng không dám tự ý làm cái gì bao giờ cả.
[…] Thế là Dung đi lấy chồng.
Nàng đi lấy chồng cũng bỡ ngỡ và lạ lùng như người nhà quê lên tỉnh. Dung coi đi lấy chồng như một dịp đi chơi xa, một dịp rời bỏ được cái gia đình lạnh lẽo và cái xóm chợ quen mắt quá của nàng. Đi lấy chồng đối với nàng là hưởng một sự mới.
Vì thế, khi bước chân lên ô tô về nhà chồng, Dung không buồn bã khóc lóc gì cả. Nàng còn chú ý đến những sự lạ mắt lạ tai của nhà giai, không nghe thấy những lời chúc hơi mát mẻ và ganh tị của hai chị và em bé nàng nữa.
Về đến nhà chồng, Dung mới biết chồng là một anh học trò lớp nhì, vừa lẫn thẩn vừa ngu đần. Nàng đã bé mà chồng nàng lại còn bé choắt hơn. Nhưng bà mẹ chồng với các em chồng nàng thì to lớn ác nghiệt lắm.
Qua ngày nhị hỉ, Dung đã tháo bỏ đôi vòng trả mẹ chồng, ăn mặc nâu sồng như khi còn ở nhà, rồi theo các em chồng ra đồng làm ruộng. Nhà chồng nàng giàu, nhưng bà mẹ chồng rất keo kiệt, không chịu nuôi người làm mà bắt con dâu làm.
Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.
Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:
- Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.
Rồi bà kể thêm:
- Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.
Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.
Một hôm tình cờ cả nhà đi vắng, Dung vội ăn cắp mấy đồng bạc trinh lẻn ra ga lấy vé tàu về quê. Đến nơi, mẹ nàng ngạc nhiên hỏi:
- Kìa, con về bao giờ thế? Đi có một mình thôi à?
Dung sợ hãi không dám nói rằng trốn về, phải tìm cớ nói dối. Nhưng đến chiều tối, nàng lo sợ quá, biết rằng thế nào ngày mai mẹ chồng nàng cũng xuống tìm. Nàng đánh bạo kể hết tình đầu cho cha mẹ nghe, những nỗi hành hạ nàng phải chịu, và xin cho phép nàng ở lại nhà.
Cha nàng hút một điếu thuốc trong cái ống điếu khảm bạc, rồi trầm ngâm như nghĩ ngợi. Còn mẹ nàng thì đùng đùng nổi giận mắng lấy mắng để:
- Lấy chồng mà còn đòi ở nhà. Sao cô ngu thế. Cô phải biết cô làm ăn thế đã thấm vào đâu mà phải kể. Ngày trước tôi về nhà này còn khó nhọc bằng mười chứ chả được như cô bây giờ đâu, cô ạ.
Sớm mai, bà mẹ chồng Dung xuống. Vừa thấy thông gia, bà đã nói mát:
- Nhà tôi không có phúc nuôi nổi dâu ấy. Thôi thì con bà lại xin trả bà chứ không dám giữ.
Mẹ Dung cãi lại:
- Ô hay, sao bà ăn nói lạ. Bây giờ nó đã là dâu con bà, tôi không biết đến. Mặc bà muốn xử thế nào thì xử. Chỉ biết nó không phải là con tôi nữa mà thôi.
Bà nọ nhường bà kia, rút cục Dung được lệnh của mẹ phải sửa soạn để đi với mẹ chồng.
Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hy vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.
Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy dòng nước chảy. Trí nàng sắc lại khi ước lạnh đập vào mặt, nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.
Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.
- Tỉnh rồi, tỉnh rồi, không lo sợ gì nữa. Bây giờ chỉ đắp chăn cho ấm rồi sắc nước gừng đặc cho uống là khỏi.
Dung dần dần nhớ lại. Khi nàng mở mắt nhìn, thấy mình nằm trong buồng, người u già cầm cây đèn con đứng đầu giường nhìn nàng mỉm cười một cách buồn rầu:
- Cô đã tỉnh hẳn chưa?
Dung gật:
- Tỉnh rồi.
Một lát, nàng lại hỏi:
- Tôi làm sao thế nhỉ... Bà cả đâu u? Bà ấy về chưa?
U già để tay lên trán Dung, không trả lời câu hỏi:
- Cô hãy còn mệt. Ngủ đi.
Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:
- Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được. Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?
Dung buồn bã trả lời:
- Con xin về.
Khi theo bà ra ga, Dung thấy người hai bên đường nhìn nàng bàn tán thì thào. Nàng biết người ta tò mò chú ý đến nàng.
Trông thấy dòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.
Dung thấy một cảm giác chán nản và lạnh lẽo. Khi bà cả lần ruột tượng gọi nàng lại đưa tiền lấy vé, Dung phải vội quay mặt đi để giấu mấy giọt nước mắt.
(Thạch Lam)
Chú thích: Hạ lưu: Tầng lớp thấp kém trong xã hội. Cha Dung gọi thế là vì ông có xuất thân là con cháu nhà quan. Khi ông cụ cố mất đi, cơ nghiệp ăn tiêu dần, cảnh nhà ông cũng dần trở nên sa sút, chỉ còn cái danh không.
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản trên.
Câu 2. Đề tài của văn bản này là gì?
Câu 3. Nhận xét về sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật trong văn bản.
Câu 4. Em hiểu như thế nào về đoạn trích: Trông thấy dòng sông chảy xa xa, Dung ngậm ngùi nghĩ đến cái chết của mình. Lần này về nhà chồng, nàng mới hẳn là chết đuối, chết không còn mong có ai cứu vớt nàng ra nữa.?
Câu 5. Qua văn bản, tác giả gửi gắm tư tưởng, tình cảm nào đối với số phận đáng thương của nhân vật Dung?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: Truyện ngắn.
Câu 2.
Đề tài: Cái chết.
Câu 3.
– HS xác định được lời của người kể chuyện và lời của nhân vật trong văn bản:
+ Lời nhân vật là những lời nói thể hiện suy nghĩ, cá tính của nhân vật, chủ yếu là nhân vật Dung. Những lời nói của nhân vật trong văn bản được trình bày bằng cách xuống dòng và đặt sau dấu gạch ngang.
+ Lời người kể chuyện là những câu văn giới thiệu về nhân vật, dẫn dắt câu chuyện, miêu tả bối cảnh trong văn bản.
– Nhận xét: Lời người kể chuyện và lời nhân vật có sự phối hợp hài hòa với nhau.
Câu 4.
– HS diễn giải cách hiểu về đoạn trích, có lí giải hợp lí. Tuy nhiên, HS cần đảm bảo những ý chính sau:
+ Cái chết đầu tiên mà Dung tìm đến chính là cái chết về thể xác để có thể chấm dứt cuộc đời đầy khổ đau.
+ Thế nhưng, nàng lại được cứu sống, nên khi chấp thuận việc về nhà với mẹ chồng, nàng mới thấy mình chết – chết về mặt tinh thần. Đây mới là cái chết thật sự đối với một con người. Cái chết khi còn đang sống chính là một bi kịch đối với Dung, khi cuộc sống khốn khổ của nàng làm lụi tàn tâm hồn của một cô gái trẻ.
Câu 5.
– HS dựa vào nội dung của văn bản để xác định tư tưởng, tình cảm của tác giả đối với số phận của nhân vật Dung. Ở đây, HS cần chỉ ra được sự đồng cảm, xót thương mà Thạch Lam dành cho nhân vật Dung và đưa ra được lí giải hợp lí.
Câu 1. (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Dung ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về việc việc cha mẹ áp đặt con cái trong hôn nhân.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Dung ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Là con thứ tư trong một gia đình đông con, nghèo túng nên không được hoan nghênh, cũng không được cha mẹ chú trọng việc học hành.
+ Là cô gái hiểu chuyện: Khi mẹ cho anh chị tiền ăn quà, may quần áo tết còn Dung không có gì, nàng cũng không một lời than trách, kêu than.
=> Sống trong hoàn cảnh thiếu tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ.
=> Chính vì lối sống này mà Dung dần trở nên an phận, bị áp đặt về hôn nhân.
+ Khi đi lấy chồng:
++ Sống với gia đình chồng không có tình yêu thương, hay bị ghẻ lạnh, chửi mắng, đối xử tàn tệ.
++ Viết thư về cho gia đình nhưng không nhận được hồi đáp. => Càng cô đơn, tủi thân.
++ Trốn về quê, mẹ đẻ không can thiệp, nói giúp còn lạnh lùng giao trả nàng lại cho mẹ chồng.
=> Hoàn cảnh bế tắc, bất lực, tìm đến cái chết để giải thoát. Kết cục là rơi vào cái chết về tinh thần.
=> HS rút ra nhận xét, nêu cảm nhận cá nhân về nhân vật.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: trình bày suy nghĩ của em về việc cha mẹ áp đặt con cái trong hôn nhân.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích: “Áp đặt trong hôn nhân” được hiểu là việc cha mẹ dùng quyền lực, uy tín hoặc các hình thức ép buộc (ví dụ: Cấm đoán, gây áp lực tâm lý, cắt viện trợ tài chính...) để con cái kết hôn với người mà họ lựa chọn, bất chấp ý muốn của con.
– Thực trạng: Trong thời hiện đại, tình trạng này dù đã ít hơn so với thời trung đại, song vẫn còn xảy ra ở nhiều làng quê.
– Nguyên nhân:
+ Ảnh hưởng bởi tư tưởng truyền thống “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”: Quan niệm này coi con cái là tài sản của cha mẹ, cha mẹ có quyền quyết định mọi việc trong cuộc đời con, kể cả hôn nhân.
+ Lo lắng cho tương lai của con cái: Cha mẹ mong muốn con cái có một cuộc sống ổn định, sung túc nên lựa chọn người bạn đời theo tiêu chí vật chất, địa vị xã hội mà bỏ qua tình cảm của con.
+ Áp lực từ gia đình, dòng họ, xã hội: Đôi khi, cha mẹ bị áp lực từ những người xung quanh về việc dựng vợ gả chồng cho con, dẫn đến việc vội vàng và áp đặt.
+ Sự khác biệt về quan điểm giữa các thế hệ: Khoảng cách thế hệ có thể dẫn đến sự khác biệt trong quan điểm về tình yêu, hôn nhân và giá trị sống.
– Hậu quả:
+ Gây ra những cuộc hôn nhân không hạnh phúc, thậm chí đổ vỡ: Khi hai người không có tình yêu và sự tự nguyện đến với nhau, cuộc sống hôn nhân sẽ đầy mâu thuẫn, căng thẳng, dẫn đến ly hôn.
+ Ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của con cái: Con cái cảm thấy bị tổn thương, mất niềm tin vào cha mẹ, sống trong sự bất mãn, thậm chí bị trầm cảm.
+ Làm rạn nứt tình cảm gia đình: Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên xa cách, lạnh nhạt, mất đi sự tin tưởng và yêu thương.
+ Ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con cái: Con cái trở nên thụ động, thiếu quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm về cuộc đời mình.
– Giải pháp:
+ Cha mẹ cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của con cái, đặc biệt là trong vấn đề hôn nhân.
+ Cha mẹ nên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con cái, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra lời khuyên một cách khách quan.
+ Con cái cần mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình với cha mẹ, đồng thời cũng cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cha mẹ một cách cầu thị.
+ Xây dựng mối quan hệ gia đình dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng và yêu thương.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.