Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 12 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Quê hương
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...
***
Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...
***
Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
- Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...
Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn, roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
- Giang Nam -
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên. Chỉ ra dấu hiệu nhận diện thể thơ đó.
Câu 2. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?
Câu 3. Trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, "cô bé nhà bên" được gợi tả qua những chi tiết, hình ảnh nào? Em có cảm nhận gì về cô gái đó?
Câu 4. Xác định và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ có trong khổ thơ cuối của bài thơ.
Câu 5. Hai dòng thơ cuối: Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi gợi cho em những cảm xúc, suy nghĩ gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
- Thể thơ: Tự do.
- Dấu hiệu: Số chữ trong một dòng, số dòng trong một khổ và cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ linh hoạt.
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là: Sự yêu mến, cảm phục xen lẫn xót xa trước hình ảnh cô du kích bé nhỏ, hồn nhiên mà yêu nước, can trường.
Câu 3.
- Trong dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, "cô bé nhà bên" được gợi tả qua những chi tiết, hình ảnh: cười khúc khích, vào du kích, mắt đen tròn, thẹn thùng nép sau cánh cửa, bàn tay nhỏ nhắn.
- Cảm nhận về cô gái: Cô gái xinh xắn, hồn nhiên, vô tư, vui tươi, đầy nữ tính nhưng cũng rất dũng cảm, can trường.
Câu 4.
- HS lựa chọn biện pháp tu từ:
+ Liệt kê: có chim có bướm, có những ngày trốn học bị đòn, roi.
+ Điệp ngữ: yêu quê hương.
+ Hoán dụ: trong từng nắm đất có một phần xương thịt của em tôi (biểu thị cho sự hi sinh, gìn giữ từng tấc đất quê hương của những con người đã nằm xuống).
- HS phân tích tác dụng của biện pháp tu từ dựa vào những gợi ý sau:
+ Về nghệ thuật: Biện pháp tu từ giúp cho lời thơ trở nên sinh động như thế nào?
+ Về nội dung: Biện pháp tu từ góp phần diễn tả nội dung nào? Thể hiện thái độ, tình cảm gì của người viết?
Câu 5.
- HS bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân về hai dòng thơ cuối.
- Ví dụ: Nếu như trước đó, nhân vật trữ tình yêu thiên nhiên chỉ bởi vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, thân thuộc của quê hương thì nay lại yêu quê hương vì ở đó còn có một phần công lao, xương máu của "cô bé nhà bên". Ở nhân vật trữ tình có sự thay đổi này là vì anh yêu và trân trọng những đóng góp mà cô gái đã làm cho quê hương, đất nước. Có thể thấy, hai dòng thơ như lời nhắn nhủ chúng ta rằng hãy yêu và trân trọng, hãy tiếp tục giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước như thế hệ ông cha ta đã làm để hôm nay, ta được sống trong bình yên, hạnh phúc.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Quê hương của Giang Nam.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen phân biệt vùng miền trên mạng xã hội.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Quê hương của Giang Nam.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung:
++ Cảm hứng chủ đạo: Sự yêu mến, cảm phục xen lẫn xót xa trước hình ảnh cô du kích bé nhỏ, hồn nhiên, mà can trường, mạnh mẽ.
++ Ý nghĩa: Qua bài thơ, tác giả thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc, nồng đượm; đồng thời ngợi ca và bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã cống hiến, hi sinh vì Tổ quốc.
+ Về nghệ thuật:
++ Kết cấu bài thơ được tổ chức theo trình tự thời gian: thuở còn thơ, cách mạng bùng lên, hòa bình tôi trở về đây, hôm nay nhận được tin em. Kết cấu bài thơ theo dòng tự sự của nhân vật trữ tình về cô bé nhà bên từ thuở thơ ấu đến hiện tại để rồi bày tỏ niềm xót xa trước sự hi sinh của cô, bày tỏ tình yêu và sự gắn bó với Tổ quốc.
++ Kết hợp sử dụng nhiều biện pháp tu từ vừa giúp cho nội dung bài thơ cô đọng, hàm súc, sâu sắc; vừa tạo nên những hình ảnh thơ đặc sắc, hấp dẫn người đọc.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục người khác từ bỏ thói quen phân biệt vùng miền trên mạng xã hội.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích từ khóa: Là hành vi lợi dụng những đặc điểm riêng biệt của một dân tộc, một khu vực, hay một địa phương để xúc phạm, bôi xấu một cá nhân hay một tập thể nào đó.
+ Thực trạng:
++ Trước đây ít phổ biến, chỉ được thể hiện qua lời nói, hành động, thái độ khi tiếp xúc trực tiếp ngoài đời.
++ Ngày nay phổ biến hơn vì sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.
+ Biểu hiện: Sử dụng từ ngữ, hình tượng, biểu tượng đặc trưng của một vùng miền nào đó nhằm mục đích công kích trên mạng xã hội. Ví dụ: Lá cờ ba sọc (Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa), những cụm từ "Parky" - Bắc kỳ; "Namki"/ "Namkiki" - Nam kỳ,... Một điều đáng buồn là những hình ảnh, từ ngữ trên lại được sử dụng bởi rất nhiều người dùng mạng xã hội.
+ Hệ quả:
++ Gây ảnh hưởng đến tâm lý của những người bị công kích.
++ Gây ảnh hưởng tới khối đại đoàn kết dân tộc.
+ Nguyên nhân: Sự thiếu hiểu biết, sự hiếu thắng.
+ Giải pháp:
++ Cảnh cáo, xử phạt nghiêm minh những đối tượng có hành vi công kích, phân biệt vùng miền trên mạng xã hội.
++ Chú trọng giáo dục tình đoàn kết, lòng bao dung để thắt chặt tình đoàn kết giữa các khu vực, vùng miền.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.