Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 11 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Tiền tài như phấn thổ?
Tiền tài như phấn thổ
Nghĩa trọng tợ thiên kim
Con le le mấy thuở chết chìm
Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi?
Khi còn nhỏ, tôi thường nghe mẹ hát như vậy. Phấn thổ tức là bụi đất. Cứ theo câu "trọng nghĩa khinh tài" mà giải, tiền bạc quả thật là đáng xem thường.
Thời gian qua đi, tôi lớn lên và nhìn thấy cuộc đời dường như không giống câu ca dao mẹ hát. Chúng ta vẫn được dạy rằng đồng tiền dễ làm tha hóa con người, rằng hãy tránh xa những người xem đồng tiền là trọng. Nhưng tôi chưa từng thấy ai kiềm tiền bằng trí lực của mình một cách chính đáng mà không xem trọng đồng tiền, dù họ giàu hay nghèo. Người ta nói đồng tiền là nguồn gốc của tội lỗi, nhưng nếu đúng như vậy thì tại sao nhà thờ và nhà chùa vẫn tiếp nhận nó như một thứ lễ vật?
Chúng ta thường có cái nhìn ngưỡng mộ khi nghe ai đó nói rằng: "Tôi không quan tâm đến tiền bạc", nhưng rồi tôi đọc được câu này của Oscar Wilde: "Khi còn trẻ, tôi thường nghĩ rằng tiền bạc là thứ quan trọng nhất trong đời sống, bây giờ khi tôi già, tôi biết là đúng như vậy".
Tôi đã sống qua nhiều năm tháng mới nhận ra bản chất của đồng tiền, và tôi ước gì khi tôi mới mười bảy tuổi, có ai đó nói cho tôi biết ý nghĩa đích thực của tiền, thứ mà chúng ta sẽ chạm đến mỗi ngày trong suốt cuộc đời, thậm chí có thể nhiều gấp nhiều lần chạm vào bàn tay người mình thương yêu.
Tôi thực sự ưa thích cách nhìn về đồng tiền của nhân vật Francisco de Anconia trong tiểu thuyết Atlas Shrugged (Ayn Rand). Nhà tư bản công nghiệp này nói rẳng: "Tiền bạc đòi hỏi anh nhận ra rằng con người phải làm việc để đạt được lợi ích chứ không phải để chịu tổn hại... Những người thật sự ham mê tiền bạc nỗ lực làm việc để kiếm được tiển, và họ biết rằng mình xứng đáng có được nó".
Phải chăng chúng ta nên trả lại cho tiền khuôn mặt giản dị của nó: Một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương xứng. Đừng khoác cho nó uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm. Cái làm con người sa ngã không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là những tham vọng không chính đáng của chính bản thân ta: Có được những thứ không phải của mình, sở hữu những thứ vượt quá công sức của mình, danh tiếng mà mình không xứng đáng, vật chất mà mình chưa đủ khả năng mua...
Mẹ tôi dạy rằng hãy luôn xài ít hơn số tiền mình kiếm được. Trong khi phần đông chúng ta thường xài nhiều hơn số tiền mình làm ra. Một người bạn của tôi tâm sự rằng đôi khi cô thấy mình là kẻ ngốc, vì sung sướng nhét một đống Credit Card(1) trong ví để rồi mua những thứ mình không cần, bằng số tiền mình không có (mà vay qua credit card), cốt chỉ để chứng tỏ với những người không quen. Sau đó è cổ ra cày trả nợ. Có phải là vô nghĩa hay không? Đó cũng là sự khác nhau giữa Credit Card và Debit Card(2). Tôi ghi nhớ kinh nghiệm đau thương của cô nên quyết định làm Debit Card thay vì Credit Card. Có nhiều xài nhiều, có ít xài ít, không có thì đi "window shopping"(3) cho vui vậy thôi. Ngân hàng chắc buồn nhưng tôi thì ngủ yên.
Trong bài hát This is the Life của Al Yankovic có một câu rất hay: "So if money can't buy happiness, I guess I'll have to rent it" (Nếu tiền không thể mua được hạnh phúc, chắc tôi phải thuê thôi). Nhưng tôi tin rằng cái gì người ta có bán thì tiền đều có thể mua được. Chắc chắn như vậy. "Tiền không mua được hạnh phúc" chẳng phải vì tiền không có đủ sức mạnh mà vì không ai bán hạnh phúc. Giả sử tôi có đủ tiền để trả cho hạnh phúc của bạn, và nếu bạn thực sự hạnh phúc, bạn có bán nó cho tôi không? Người ta dám bán cả các ngôi sao trên trời nhưng tôi tin không ai bán hạnh phúc nếu như họ có nó.
Ngoại trừ trong các quảng cáo. Tôi thấy trên Internet người ta bán một căn nhà vách đất ở miền nông thôn
nước Pháp với lời rao: "Chúng tôi bán hạnh phúc, và bạn đan được miễn phí ngôi nhà". Thật tài tình. Đó là lý do khiến chúng ta gần như phát điên lên vì shopping. Áo quần, xe cộ, đồ hi-tech... Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đôi khi ta không biết chắc mình đang mua cái gì. Có khi nào bạn trả tiền cho một chiếc mũ bảo hiểm và nghĩ rằng mình đã mua được sự an toàn tuyệt đối không? Chúng ta vẫn nghe nhắc rằng: "Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không mua được gia đình; mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; mua được sách nhưng không mua được tri thức; mua được chức tước nhưng không mua được sự kính trọng...". Đó là những lời thực sự đáng ghi nhớ.
Một người quen của tôi có cái bình sứ do tổ tiên để lại, vẫn dùng để cắm hoa trên bàn thờ. Một hôm có người hỏi mua, anh mừng quá bán luôn. Sau anh mới biết cái bình đáng giá gấp 30 lần số tiền anh được trả. Quả đắng ấy anh nuốt mãi không trôi.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những giá trị khác. Giả sử người ta có thể mua bán tình yêu, tình bạn, danh dự... Hãy cho tôi biết đổi tình bạn lấy một cái nhà là lợi hay thiệt? Nếu đổi tình yêu lấy danh tiếng? Hay hạnh phúc gia đình lấy địa vị xã hội? Đổi mối tình chân thật lấy một bóng sắc thoáng qua? Đổi sự tôn trọng lấy những lời tung hô? Đổi sự chính trực để lấy vài trăm triệu đồng thì khôn ngoan hay là không? Hạnh phúc của người yêu ta với hạnh phúc của người ta yêu, bên nào nhẹ hơn, bên nào thì nặng? Câu trả lời có thể khác nhau với mỗi người, nhưng có một sự thật là việc đánh giá sai giá trị của "món hàng" không những khiến ta bị thiệt hại mà còn khiến người khác nhìn ta như một kẻ thiếu khôn ngoan. Nhiều bi kịch xảy ra chỉ vì người ta đánh giá sai các giá trị khi đổi chác, những tiếc nuối, xót xa, hối hận, giày vò cũng bắt đầu từ đó. Vậy thì hãy sai bản chấc rằng ta đánh giá đúng giá trị của những gì mình muốn mua, hoặc bán. Để sau một cuộc đối chắc thứ có được vẫn tương xứng với những gì mà ta đã trao đi.
"Tiền tài như phấn thổ"
Tôi hỏi mẹ sao cứ hát hoài câu đó, vì tôi không thể coi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình như bụi đất được. Mẹ tôi trả lời rằng câu hát ấy không có ý nói tiền là thứ đáng coi khinh. Nó chỉ nhắc ta nhớ rằng: Đồng tiền có thể bị mất giá, nên những gì tiền mua được cũng có thể bị mất giá. Những tờ tiền có thể tan thành bụi đất, và những thứ mua được bằng tiền cũng vậy.
(Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân, NXB Thế giới, 2022, tr.148 - 153)
Chú thích:
(1) Credit Card: Loại thẻ tín dụng dùng trước trả sau.
(2) Debit Card: Loại thẻ tín dụng có bao nhiêu tiền chỉ dùng được bấy nhiêu.
(3) Window shopping: Đi xem hàng chứ không mua.
Câu 1. Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào?
Câu 2. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Mục đích của tác giả qua văn bản trên là gì?
Câu 4. Nhận xét về cách lập luận, dẫn dắt của tác giả trong văn bản.
Câu 5. Em có suy nghĩ như thế nào về đoạn văn sau: Phải chăng chúng ta nên trả lại cho tiền khuôn mặt giản dị của nó: Một công cụ dùng để trao đổi các giá trị tương xứng. Đừng khoác cho nó uy lực mà nó không có, cũng đừng gán cho nó tội lỗi mà nó không phạm. Cái làm con người sa ngã không phải là sức mạnh của đồng tiền, mà là những tham vọng không chính đáng của chính bản thân ta: Có được những thứ không phải của mình, sở hữu những thứ vượt quá công sức của mình, danh tiếng mà mình không xứng đáng, vật chất mà mình chưa đủ khả năng mua...?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nghị luận (nghị luận xã hội).
Câu 2.
Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Nghị luận, tự sự, biểu cảm.
Câu 3.
Mục đích của tác giả qua văn bản trên là: Đưa ra những quan điểm khác nhau về đồng tiền, từ đó bàn luận về ý nghĩa đích thực của đồng tiền nhằm giúp cho bạn đọc có được một cái nhìn mới, toàn diện hơn về đồng tiền và phá bỏ những quan niệm lối mòn trước đây.
Câu 4.
Nhận xét về cách lập luận, dẫn dắt của tác giả trong văn bản:
- Cách lập luận của tác giả rất xác đáng và giàu sức thuyết phục vì tác giả đã sử dụng những quan điểm, dẫn chứng rất gần gũi trong cuộc sống thường nhật để làm sáng tỏ cho quan điểm của mình: trả lại cho tiền khuôn mặt giản dị của nó.
- Cách dấn dắt của tác giả rất độc đáo khi sử dụng những câu chuyện nhỏ, rất quen thuộc, đời thường để dẫn dắt bạn đọc đi theo mạch lập luận. Chính điều này giúp văn bản không bị khô khan và hấp dẫn bạn đọc hơn.
Câu 5.
- Đoạn văn bàn luận về ý nghĩa đích thực của đồng tiền là giúp con người thuận tiện hơn trong việc trao đổi những vật có gí trị tương xứng.
- Thế nhưng trước giờ chính chúng ta đã đặt ra những quan niệm sai lầm về đồng tiền, rằng đồng tiền làm tha hóa con người, đồng tiền mua được tất cả. Điều này đòi hỏi con người cần có cái nhìn đúng đắn hơn, toàn diện hơn về ý nghĩa đích thực của đồng tiền. (HS bàn luận thêm theo quan điểm cá nhân, có đưa ra những lí giải logic, hợp lí để câu trả lời thêm sâu sắc.)
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm "Có tiền là có tất cả".
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Thế gian biến đổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thế gian biến đổi
Thế gian biến cải vũng nên đồi,
Mặn nhạt chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử,
Hết cơm, hết bạn, hết ông tôi.
Xưa nay đều trọng người chân thật,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi buôi.
Ở thế mới hay người bạc ác,
Giàu thì tìm đến, khó thì lui.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm "Có tiền là có tất cả".
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Thực trạng: Ngày nay, quan điểm "Có tiền là có tất cả" xuất hiện ngày một nhiều. Thậm chí, nó còn trở thành câu cửa miệng trong giao tiếp của nhiều người Việt. (HS trích dẫn số liệu, lấy dẫn chứng cụ thể để bài viết thêm sâu sắc.)
+ Phân tích:
++ Tiền giúp cuộc sống của con người đủ đầy, hiện đại hơn.
++ Tiền giúp con người được trải nghiệm nhiều dịch vụ tốt, có cơ hội học tập tốt hơn.
++ Tuy nhiên, nếu chỉ có tiền không thì ta không thể mua được những giá trị về mặt tinh thần chân thành của con người như tình yêu, hạnh phúc, sức khỏe... Bởi những giá trị này đòi hỏi con người phải bỏ thời gian, công sức ra để trải nghiệm, vun đắp và cảm nhận.
+ Nguyên nhân:
++ Cái nhìn sai lệch về ý nghĩa của đồng tiền, tuyệt đối hóa vai trò, sức mạnh của đồng tiền khi cho rằng đồng tiền có thể chi phối tới mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống.
++ Sự phát triển quá nhanh về mặt kinh tế, xã hội, hình thành lối sống thực dụng, đặt nặng giá trị của vật chất hơn tinh thần.
+ Hệ quả: Làm mất đi những giá trị nhân văn trong đời sống của con người.
+ Giải pháp: Giải pháp cần thiết trước mắt là mỗi cá nhân cần có cái nhìn đúng đắn, toàn diện hơn về ý nghĩa của đồng tiền. Có như vậy, chúng ta mới có thể góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, hướng mọi người đến cuộc sống an lành, hạnh phúc hơn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật trong bài thơ Thế gian biến đổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
+ Về nội dung:
++ Hai câu đề: Tác giả mượn sự biến đổi hoàn toàn của tự nhiên (vũng nên đồi) để nói về quy luật đổi thay khốc liệt của xã hội, cuộc đời. Và để cụ thể hơn cái cảnh biến đổi ấy, tác giả thêm vào sáu tính từ chỉ vị giác, được sắp xếp theo những cặp đối lập (trong một câu thơ lại đứng gần nhau) tạo nên sự tác động lẫn nhau. Hơn thế, từ lẫn ở giữa câu thơ có tác dụng gợi nên cảm giác lẫn lộn, khó phân biệt được đối với giác quan của con người.
++ Hai câu thơ thực tái hiện chân thực quan niệm sống của con người trong thời đại đảo điên, đồng tiền chi phối: Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi. Hai câu thơ đối nhau cả cả về thanh điệu lẫn về ý nghĩa, phản ánh thế sự rối ren khi tiền bạc thay thế cho tình người, của cải thay thế cho đạo đức.
++ Hai câu thơ luận bàn về thói đời mà Nguyễn Bỉnh Khiêm từng chứng kiến: Xưa nay đều trọng người chân thật,/ Ai nấy nào ưa kẻ đãi buôi. Qua đó, tác giả muốn cảnh tỉnh, giáo dục người đời bằng những câu thơ giáo huấn, bằng cái đẹp, lẽ phải và đạo đức; giúp con người nhận thức rõ cái xấu xa, băng hoại. Cụm từ xưa nay kết hợp cùng từ ai nấy chính là lời xác nhận về mặt thời gian và không gian, có tác dụng khẳng định đạo lí trọng người chân thực và ghét kẻ đãi buôi của nhân dân ta.
++ Ở hai câu kết, tác giả xác định cho ta rõ thêm về kẻ đãi buôi là người cùng phường với người bạc ác. Qua hành động Giàu thì tìm đến, khó tìm lui, ta có thể đoán định được bản chất con người: Những kẻ thực dụng, ích kỉ, sống chỉ vì lợi ích của bản thân.
=> Ý nghĩa văn bản: Bàn luận về thói đời xấu xa, phê phán những kẻ thực dụng, ích kỉ; nêu cao đạo lí của nhân dân để giáo dục mọi người.
– Về nghệ thuật: Tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt biện pháp đối, qua đó làm nổi bật bản chất của sự vật, giúp cho nội dung của bài thơ thêm sâu sắc.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.