Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề số 4 (Tự luận) SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (6 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau:
Mùa hè năm đó là mùa hè quê ngoại.
Cuối năm lớp chín, tôi học bù đầu, người xanh như tàu lá. Ngày nào mẹ tôi cũng mua bí đỏ về nấu canh cho tôi ăn. Mẹ bảo bí đỏ bổ óc, ăn vào học bài sẽ mau thuộc. Trước nay, tôi vốn thích món này. Bí đỏ nấu với đậu phộng thêm vài cọng rau om, ngon hết biết. Nhưng ngày nào cũng phải buộc ăn món đó, tôi đâm ngán. Hơn nữa, dù dạ dày tôi bấy giờ tuyền một màu đỏ, trí nhớ tôi vẫn chẳng khá lên chút nào. Tôi học trước quên sau, học sau quên trước. Vì vậy tôi phải học gấp đôi những đứa khác.
Tối, tôi thức khuya lơ khuya lắc. Sáng, tôi dậy từ lúc trời còn tờ mờ. Mắt tôi lúc nào cũng đỏ kè. Ba tôi bảo:
– Nhất định đầu thằng Chương bị hở một chỗ nào đó. Chữ nghĩa đổ vô bao nhiêu rớt ra bấy nhiêu. Thế nào sang năm cũng phải hàn lại.
Mẹ tôi khác ba tôi. Mẹ không phải là đàn ông. Mẹ không nỡ bông phèng trước thân hình còm nhom của tôi. Mẹ xích lại gần tôi, đưa tay nắn nắn khớp xương đang lồi ra trên vai tôi, bùi ngùi nói:
– Mày học hành sao mà càng ngày mày càng giống con mắm vậy Chương ơi!
Giọng mẹ tôi như một lời than. Tôi mỉm cười trấn an mẹ:
– Mẹ đừng lo! Qua kì thi này, con lại mập lên cho mẹ coi!
Không hiểu mẹ có tin lời tôi không mà tôi thấy mắt mẹ rưng rưng. Thấy mẹ buồn, tôi cũng buồn lây. Nhưng tôi chẳng biết cách nào an ủi mẹ. Tôi đành phải nín thở nuốt trọn một tô canh bí đỏ cho mẹ vui lòng. Dù sao, công của tôi không phải là công cốc. Những ngày thức khuya dậy sớm đã không phản bội lại tôi. Kì thi cuối năm, tôi xếp hạng khá cao. Ba tôi hào hứng thông báo:
– Sang năm ba sẽ mua cho con một chiếc xe đạp.
Mẹ tôi chẳng hứa hẹn gì. Mẹ chỉ “thưởng” tôi một cái cốc trên trán:
– Cha mày! Từ nay lo mà ăn ngủ cho lại sức nghe chưa!
Ba tôi vui. Mẹ tôi vui. Nhưng tôi mới là người vui nhất. Tôi đàng hoàng chia tay với những tô canh bí đỏ mà không sợ mẹ tôi thở dài. Dù sao thì cũng cảm ơn mày, cơn ác mộng của tao, nhưng bây giờ xin tạm biệt nhé! Tôi cúi đầu nói thầm với trái bí cuối cùng đang nằm lăn lóc trong góc bếp trước khi vung tay cốc cho nó một phát.
(Trích Hạ đỏ, Nguyễn Nhật Ánh, Nxb Trẻ, 2019)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của truyện là gì?
Câu 2. Xác định ngôi kể trong truyện.
Câu 3. Chủ đề của văn bản là gì?
Câu 4. Xác định từ ngữ địa phương trong câu văn “Bí đỏ nấu với đậu phộng thêm vài cọng rau om, ngon hết biết.”. Tìm một từ ngữ toàn dân tương ứng.
Câu 5. Chi tiết “Thấy mẹ buồn, tôi cũng buồn lây. Nhưng tôi chẳng biết cách nào an ủi mẹ. Tôi đành phải nín thở nuốt trọn một tô canh bí đỏ cho mẹ vui lòng.” gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm của nhân vật tôi dành cho mẹ?
Câu 6. Từ nội dung, thông điệp của văn bản, em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 – 7 câu) trình bày quan điểm của mình về ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2. Ngôi kể thứ nhất.
Câu 3. Chủ đề của văn bản là tình cảm gia đình sâu sắc được thể hiện rõ thông qua những hành động yêu thương, quan tâm nhau khi nhân vật tôi ôn thi cuối năm lớp chín.
Câu 4.
– Từ ngữ địa phương: Đậu phộng.
– Từ toàn dân: Lạc.
Câu 5. Chi tiết “Thấy mẹ buồn, tôi cũng buồn lây. Nhưng tôi chẳng biết cách nào an ủi mẹ. Tôi đành phải nín thở nuốt trọn một tô canh bí đỏ cho mẹ vui lòng.” cho thấy nhân vật tôi yêu thương, thấu hiểu người mẹ của mình. Bên cạnh đó, nhân vật tôi lúc nào cũng mong muốn làm cho mẹ được vui, dù đã ngán món bí đỏ nhưng để mẹ không lo lắng, “tôi” vẫn ăn nó.
Câu 6.
Học sinh trình bày quan điểm về ý nghĩa của tình cảm gia đình đối với mỗi con người.
– Đảm bảo hình thức của đoạn văn.
– Trình bày được quan điểm cá nhân về vấn đề:
+ Tình cảm gia đình giúp kết nối các thế hệ, tạo ra sự gắn bó bền chặt của những người yêu thương nhau/ cùng chung huyết thống với nhau.
+ Gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho mỗi người để họ cố gắng vượt qua những khó khăn.
+ Khi nhận được tình yêu thương của những người trong gia đình, ta nhận ra rằng phải biết sống có trách nhiệm, biết yêu thương, chia sẻ,…
+ …
(Học sinh đưa ra những bằng chứng phù hợp, thuyết phục)
II. PHẦN VIẾT (4 ĐIỂM)
Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) phân tích bài thơ “Chốn quê” của tác giả Nguyễn Khuyến.
Chốn quê
Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,
Bao giờ cho biết khỏi đường lo?
(Nguyễn Khuyến)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Phân tích thơ.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu bài thơ, tác giả, nhận định chung về tác phẩm.
* Thân bài:
– Nội dung, chủ đề: Toàn bài thơ là nỗi lòng của Nguyễn Khuyến về cuộc sống khốn khổ trăm đường của nhân dân. Ông thương cảm, xót xa cho những cảnh bất hạnh quần quật quanh năm mà đói nghèo vẫn đeo bám. Đến với bài thơ “Chốn quê” của Nguyễn Khuyến chúng ta thấy một màu sắc rất riêng. Ông khai thác trên nền đề tài vốn đã cũ để thổi vào đó luồng gió mới. Cũng là cảnh khổ, cái đói nghèo, cái sự khốn cùng của nhân dân nhưng lại được Nguyễn Khuyến diễn tả một cách nhẹ nhàng, thấm thía.
– Đặc sắc nghệ thuật:
+ Thể thơ thất ngôn bát cú luật Đường phù hợp trong việc bày tỏ tình cảm, cảm xúc.
+ Sự kết hợp của các biện pháp tu từ như điệp ngữ, phép đối giúp thể hiện tâm trạng của nhà thơ về cuộc sống khó khăn. Đặc biệt là trong việc bày tỏ sự đau khổ, mất mát, chịu đựng và sự bất công.
+ Từ ngữ, hình ảnh xuất hiện trong các câu thơ như "Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua/ Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa" giúp nhà thơ thể hiện tâm trạng buồn rầu, bi quan và tạo nên một không khí u ám, bi thương trong bài thơ.
* Kết bài: Khẳng định lại các giá trị nội dung, nghệ thuật góp phần làm nên thành công của bài thơ.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.