Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 1 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Khán “Thiên gia thi” hữu cảm
Phiên âm
Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ,
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong;
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết,
Thi gia dã yếu hội xung phong.
Dịch nghĩa
Thơ xưa nghiêng về yêu cảnh đẹp thiên nhiên,
Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió;
Trong thơ thời nay nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Nguyễn Ái Quốc, in trong Nhật kí trong tù, NXB Văn học, 1988)
Chú thích:
– Thiên gia thi: Là một tuyển tập thơ gồm hàng trăm bài thơ đặc sắc của nhiều nhà thơ cổ Trung Quốc. Ngày xưa, những người theo học chữ Hán thường xem Thiên gia thi là một cuốn sách mẫu mực về nghệ thuật thơ ca với thi tứ sắc sảo, sâu xa, với lời thơ tuyệt hảo.
– Hoàn cảnh sáng tác:
+ Hoàn cảnh rộng: Đất nước kiệt quệ vì ảnh hưởng từ Thế chiến 2, xã hội Việt Nam mang tính chất thực dân nửa phong kiến đang suy thoái trầm trọng, tình hình chính trị, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp. Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị cho quá trình cứu nước 1939 – 1945 nên việc chuẩn bị lực lượng mọi mặt được đẩy mạnh.
+ Hoàn cảnh hẹp: Khi bị giam trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ có được cuốn Thiên gia thi và sau khi đã đọc kỹ tập thơ, Bác không chỉ dừng lại ở chỗ thưởng thức nó mà còn nói lên những cảm nghĩ của mình về tập thơ, về thơ ca xưa và về chức năng của thơ ca hiện đại. Đó là lý do ra đời của bài thơ Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (tạm dịch: Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”).
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Xác định luật của bài thơ.
Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ mà em ấn tượng trong bài thơ.
Câu 4. Theo em, vì sao tác giả lại cho rằng “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết, / Thi gia dã yếu hội xung phong.”?
Câu 5. Nhận xét về cấu tứ của bài thơ.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
Câu 2.
Căn cứ vào chữ thứ hai của dòng thơ thứ nhất là chữ “thi” – luật bằng, suy ra bài thơ được triển khai theo luật bằng
Câu 3.
– HS chỉ ra được mổt biện pháp tu từ trong văn bản: Phép đối, phép liệt kê.
– HS nêu tác dụng của một biện pháp tu từ mà các em ấn tượng.
– Ví dụ: Biện pháp tu từ liệt kê được thể hiện qua việc tác giả chỉ ra những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên được đưa vào thơ cổ: Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong. Phép liệt kê được sử dụng ở đây có tác dụng làm rõ cho quan điểm Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ mà tác giả đưa ra trước đó.
Câu 4.
– HS diễn giải cách hiểu về hai dòng thơ và có sự lí giải hợp lí. Ở đây, HS cần bám vào hoàn cảnh sáng tác của bài thơ, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ để thấy rằng sự thay đổi về nội dung sáng tác theo quan điểm của Bác là tất yếu.
Câu 5.
– HS dựa vào bố cục, mạch cảm xúc của bài thơ để rút ra nhận xét về cấu tứ của bài thơ:
+ Bố cục: Bao gồm 2 phần: Hai câu đầu nói về thơ xưa, hai câu sau nói về thơ nay.
+ Mạch cảm xúc: Hai câu thơ đầu thể hiện sự trân trọng đối với vẻ đẹp thơ xưa, hai câu sau thể hiện sự cởi mở, khuyến khích sự đổi mới về nội dung thơ ca, tư duy sáng tác trong thời đại mới.
=> Bài thơ có kết cấu chặt chẽ, vừa tương phản, đối lập, vừa hài hòa, thống nhất. Đặt thơ xưa với thơ nay trong sự đối lập, tác giả không nhằm hạ thấp thơ xưa, trái lại Người rất trân trọng, yêu thích thơ xưa, nhưng Người không đồng tình với quan điểm sáng tác đó. Nên Người đã nêu lên quan niệm nghệ thuật của mình về thơ nay – cần có “chất thép” ở trong thơ, để thơ ca trở thành một thứ vũ khí sắc bén, còn anh chị em sáng tác sẽ là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ.
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ở giới trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích bài thơ ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung:
++ Hai dòng thơ đầu: Nhận định của tác giả về thơ xưa: Thơ xưa chuộng miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên: Núi, sông, khói, hoa, tuyết, trăng, gió. Phác họa cảnh đẹp thiên nhiên, miêu tả khoảnh khắc giao hòa giữa con người với thiên nhiên chính là một trong những nét đặc sắc của cổ thi Trung Quốc. Tác giả yêu thơ ca, trân trọng vẻ đẹp mà cổ thi mang lại nhưng Người không đồng tình với cái khuôn sáng tác đó trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Dựa trên hiện thực lúc đó, Người đã nêu lên quan điểm mới về thơ nay.
++ Hai dòng thơ cuối: Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, trong thơ ca, người nghệ sĩ cần lồng vào đó “chất thép”, tức là thả vào đó tinh thần chiến đấu, cống hiến mạnh mẽ cho đất nước, phục vụ cách mạng. Và những người nghệ sĩ lúc này cũng cần có ý thức “xung phong” trên mặt trận văn học, nghệ thuật đấu tranh với quân thù, góp phần đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.
+ Về nghệ thuật:
++ Ngôn ngữ hàm súc, trang trọng.
++ Sử dụng phép đối linh hoạt, vừa tạo nên sự đối sánh giữa thơ xưa và thơ nay vừa thể hiện sự hài hòa, thống nhất, khẳng định được ý nghĩa, sự tất yếu của việc thay đổi về tư duy sáng tác thơ ca lúc bấy giờ.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ của em về ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ở giới trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Thực trạng: Hiện nay, giới trẻ ngày càng có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
– Biểu hiện:
+ Biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, lễ hội làng,…
+ Biết giữ gìn và ưu tiên sử dụng những sản phẩm thủ công truyền thống: Gốm sứ, mây tre đan, lụa tơ tằm,…
+ Có ý thức tái hiện, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc qua các phương tiện truyền thông. (Ví dụ: Tiktoker Tuyết Mai đã quay nhiều video ngắn giới thiệu về trang phục ở các triều đại của dân tộc ta nhằm giúp cho các bạn trẻ Việt Nam thêm hiểu, thêm yêu trang phục truyền thống, thêm trân trọng văn hóa truyền thống của dân tộc.)
+ …
– Ý nghĩa:
+ Giúp giới trẻ hiểu rõ cội nguồn, lịch sử của dân tộc, từ đó nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm đối với dân tộc.
+ Lan tỏa, nâng cao tinh thần yêu nước trong mỗi cá nhân.
+ Góp phần giữ gìn những nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập nhiều thách thức.
+ Tô đậm bản sắc riêng của dân tộc trên trường quốc tế.
+ Tạo ấn tượng đẹp đẽ, độc đáo trong lòng bạn bè quốc tế.
– Bàn luận: Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một bộ phận các bạn trẻ có xu hướng sính ngoại, chê bai những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
– Nguyên nhân:
+ Thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống: Nhiều bạn trẻ vì ảnh hưởng của môi trường sống mà thiếu hiểu biết về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, vì thế mà thiếu sự trân trọng đối với những nét đẹp văn hóa đó.
+ Sùng bái văn hóa ngoại lai, coi nhẹ văn hóa dân tộc: Tình trạng này là hệ quả của quá trình hội nhập quốc tế và sự du nhập của văn hóa ngoại lai.
+ Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông khiến giới trẻ bị cuốn hút, không còn hứng thú với các hoạt động, sự kiện văn hóa truyền thống của dân tộc.
+ Chương trình giáo dục chưa thực sự chú trọng đến việc giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
– Giải pháp:
+ Gia đình cần chú trọng giáo dục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho con ngay từ khi còn nhỏ, tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương.
+ Nhà trường cần chú trọng giáo dục về những nét đẹp văn hóa truyền thống nhiều hơn, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về văn hóa.
+ Xã hội cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá về văn hóa truyền thống trên các phương tiện truyền thống; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi địa phương, dân tộc.
+ Mỗi bạn trẻ cần có ý thức tự giác tìm hiểu, học hỏi về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá những giá trị đó.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.