Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu văn bản nghị luận văn học SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Nghĩ thêm về chi tiết cái bóng trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương
ThS Đinh Văn Thiện
(1) Truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” được Nguyễn Dữ viết lại với rất nhiều sáng tạo từ một cốt truyện dân gian. Truyện kể về một người chồng vì ghen tuông quá mức, dẫn tới những hành động mù quáng, làm tan nát cả một gia đình yên ấm, lẽ ra sẽ rất hạnh phúc. Hành động ghen tuông của người chồng đã đẩy người vợ đến chỗ uất ức quá phải nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để chứng tỏ sự trong trắng thuỷ chung của mình. Từ góc độ đề tài, truyện không có gì mới mẻ. Tuy nhiên truyện vẫn rất hấp dẫn bởi đã xây dựng được một tình huống rất độc đáo. Đó là tình huống, sau bao nhiêu năm chinh chiến ngoài biên ải theo lệnh của triều đình, người chồng may mắn thoát chết trở về, những mong được ôm ấp đứa con của mình trong tình cha con đằm thắm, nào ngờ chính đứa con lại nói: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia, chỉ nín thin thít”. Đứa con còn kể tiếp: “Trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Người vợ nói thế nào người chồng cũng không tin. Hàng xóm phân giải mọi điều về sự hiếu thảo, thuỷ chung của người vợ ở nhà, người chồng cũng chỉ cho là người vợ do khéo mồm khéo miệng mà được hàng xóm bao che. Tình huống ấy buộc người đọc phải theo dõi câu chuyện đến tận cùng xem kết cục là vì sao lại như vậy. Vì chuyện ghen tuông xưa nay vẫn có đến một ngàn lẻ một cách lí giải khác nhau, làm sao cắt nghĩa hết được! Người chồng chỉ sáng mắt ra khi chính đứa con chỉ vào cái bóng của anh ta nói: “Cha Đản đấy”.
(2) Tuy nhiên, để tình huống ấy diễn ra một cách tự nhiên, hợp lí, người kể chuyện đã khéo léo cài đặt sẵn một chi tiết hết sức tự nhiên, một chi tiết lấy ra từ chính đời sống thường ngày. Đó là chi tiết lấy từ “trò chơi soi bóng trên tường”. Ngày xưa chưa có tivi, đến cả “rối hình" cũng không có, tối tối con cái thường quây quần quanh cha mẹ, ông bà, chơi trò soi bóng trên tường, nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu, mỡ. Trò chơi này hết sức thú vị, vì từ hai bàn tay người chơi có thể tạo ra bao nhiêu hình thù vừa quen thuộc vừa kì lạ khác nhau, dựa vào tài khéo léo, óc tưởng tượng của cả người chơi và người xem. Trong trò chơi này ai cũng là người chơi, ai cũng là người xem nên có cái vui nhộn của không khí dân chủ và bình đẳng. Người vợ, vì chồng vắng nhà dằng dặc như thế, tối tối cũng chỉ còn biết chơi đùa với con bằng trò chơi ấy. Có lẽ vì muốn con luôn cảm thấy người cha vẫn có mặt ở nhà, và để tự an ủi mình, thấy mình với chồng vẫn luôn bên nhau như hình với bóng, nên người vợ đã chỉ vào cái bóng của mình mà nói với con rằng đó là cha của Đản - tên của đứa con. Gia đình, vì thế, lúc nào cũng cảm thấy sum vầy đông đủ, sự trống trải đã được khỏa lấp bằng hình ảnh của cái bóng êm đềm.
(3) Từ một trò chơi dân dã, hết sức phổ biến, người kể chuyện đã đẩy lên thành một cái cớ để xây dựng thành một tình huống truyện độc đáo. Đó chính là sự tài hoa, sâu sắc của người kể chuyện. Cái bóng chỉ là cái cớ để xây dựng tình huống, là một chi tiết nghệ thuật, sao chúng ta lại gọi nó là “cái bóng oan khiên"? Đừng gán cho nó cái giá trị tư tưởng vốn không phải của nó mà quên mất cái đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của người xưa. Trò chơi ấy cũng còn cho thấy tấm lòng của người vợ nhớ chồng da diết nhường nào, thương con đến nhường nào. Người vợ làm sao có thể nghĩ tới việc sau này đứa con sẽ nói với người cha của nó những câu như ta đã thấy để tránh né câu chuyện vui đùa mà tình nghĩa và xúc động kia. Vì thế làm sao ta lại có thể phán xét rằng chính người vợ cũng có lỗi về cái chết của nàng một khi biết tính chồng hay đa nghi lại còn đùa với con như vậy. Lỗi và tội ở đây là cái sự ghen tuông đến mù quáng như một căn bệnh truyền đời của nhân loại.
(4) Cũng chính vì mục đích sâu xa là lên án một cách gay gắt, quyết liệt thói ghen tuông (chứ không phải để lên án chiến tranh phong kiến loạn lạc, như một số nhận xét thường thấy) mà Nguyễn Dữ đã viết thêm đoạn kết (không có trong văn bản truyện cổ dân gian) có tính chất “thần kỳ”. Đoạn kết ấy không phải chỉ để câu chuyện thêm hấp dẫn! Đó là một kết thúc “mở” có ý nghĩa trả lại cho Vũ Nương sự trong sạch của một tấm lòng thuỷ chung, trong sáng, đồng thời thể hiện một thái độ bao dung đối với sai lầm của người chồng và của chính nàng mà thôi.
(5) Truyện đã không để Vũ Nương về với chồng con. Điều đó buộc người đọc phải suy nghĩ sâu hơn về bài học mà truyện đặt ra. Người bị oan, cuộc đời có thể giải oan giúp họ. Còn hậu quả của những sai lầm do chính con người gây ra thì khôn lường và không phải bao giờ cũng khắc phục được. Đoạn kết của truyện đã xoáy vào lòng người đọc nỗi xót xa bởi cảnh đứa trẻ mất mẹ, suốt đời trong cảnh mồ côi, chỉ do thói ghen tuông của người cha...
(Văn học và Tuổi trẻ, số 7 (190), năm 2009)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2. Theo người viết, truyện Chuyện người con gái Nam Xương hấp dẫn bởi tình huống truyện độc đáo nào?
Câu 3. Mục đích của việc người viết nhắc đến tình huống truyện ở phần mở đầu văn bản là gì?
Câu 4. Chỉ ra một chi tiết được trình bày khách quan và một chi tiết được trình bày chủ quan trong đoạn (2). Nhận xét về mối quan hệ giữa cách trình bày khách quan và cách trình bày chủ quan đó trong văn bản.
Câu 5. Từ văn bản, cho biết vì sao người viết lại cho rằng chi tiết cái bóng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Luận đề: Ý nghĩa của chi tiết cái bóng trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương.
Câu 2. (1.0 điểm)
- Tình huống truyện độc đáo: Người chồng sau bao năm đi lính theo lệnh của triều đình, may mắn thoát chết trở về, những mong được ôm ấp đứa con thì đứa con lại kể về người cha của mình ở nhà, khiến cho Trương Sinh nghi ngờ vợ.
- Chi tiết cái bóng chính là yếu tố quan trọng làm nên tình huống đầy bi kịch này.
Câu 3. (0.5 điểm)
Mục đích của việc người viết nhắc đến tình huống truyện ở phần mở đầu văn bản là để dẫn dắt, tạo đòn bẩy cho việc tập trung phân tích chi tiết cái bóng.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Chi tiết khách quan: Ngày xưa chưa có tivi, đến cả “rối hình" cũng không có, tối tối con cái thường quây quần quanh cha mẹ, ông bà, chơi trò soi bóng trên tường, nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu, mỡ.
- Chi tiết chủ quan: Có lẽ vì muốn con luôn luôn cảm thấy người cha vẫn có mặt ở nhà, và để tự an ủi mình, thấy mình với chồng vẫn luôn bên nhau như hình với bóng, nên người vợ đã chỉ vào cái bóng của mình mà nói với con rằng đó là cha của Đản - tên của đứa con.
- Mối quan hệ giữa hai cách trình bày trên trong văn bản:
+ Phần trình bày ý kiến khách quan là cơ sở để dẫn dắt tới ý kiến chủ quan của người viết, tạo nên sự thuyết phục cho ý kiến chủ quan.
+ Phần trình bày ý kiến chủ quan giúp người viết thể hiện rõ được ý kiến, quan điểm của mình trong quá trình đọc hiểu tác phẩm, góp phần làm rõ luận đề của bài viết, tạo nên sự thống nhất giữa nhan đề và nội dung bài viết, tạo nên sức thuyết phục lớn đối với người đọc.
Câu 5. (1.0 điểm)
Người viết cho rằng chi tiết cái bóng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc vì:
- Nó bắt nguồn từ một trò chơi dân gian, hết sức phổ biến, gần gũi với nhân dân.
- Nó thể hiện tình yêu của Vũ Nương dành cho con, cho chồng.
=> Người kể chuyện đã khéo léo đẩy một trò chơi dân gian lên làm một cái cớ để xây dựng một tình huống truyện độc đáo, góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề, tư tưởng của tác phẩm - lên án thói ghen tuông mù quáng như một căn bệnh truyền đời của nhân loại.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài – Bi kịch về cái đẹp bị bức tử
Đoàn Minh Tâm
(1) Trong các nhà văn Việt Nam, Nguyễn Huy Tưởng là tác giả có thiên hướng rõ rệt về đề tài lịch sử. Các tác phẩm của ông về đề tài này tái hiện những cột mốc lịch sử quan trọng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiểu thuyết "Đêm hội Long Trì" viết về những ngày đất nước chìm trong đêm tối đau thương bởi sự hèn yếu và nhiễu nhương bởi tay một người đàn bà có nhan sắc khuynh thành làm chúa Trịnh mê đắm đến mụ mị và đứa em trời đánh của mình: Tuyên phi Đặng Thị Huệ cùng “cậu trời” Đặng Mậu Lân. Tác phẩm "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" đưa các bạn đọc (nhất là các em thiếu nhi) ngược dòng thời gian về với triều đại nhà Trần, với người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản hiên ngang, tay bóp nát quả cam, tay phất cao lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” xin đức thượng hoàng cho cầm quân đánh giặc. Tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô lại là khúc tráng ca ngợi ca người Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trong ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp vào mùa đông năm 1946. Còn với vở bi kịch "Vũ Như Tô", nhà văn Nguyễn Huy Tưởng lại khai thác bối cảnh Thăng Long trong những năm quằn quại dưới sự bạo tàn của Lê Tương Dực thông qua hình ảnh Cửu Trùng Đài “huy hoàng giữa cõi trần lao lực” và người nghệ sĩ “tranh tinh xảo với hóa công”: Vũ Như Tô. Thông qua vở kịch này, Nguyễn Huy Tưởng muốn đề cập đến người nghệ sĩ và bi kịch của họ, bi kịch cái đẹp bị lợi dụng. Bi kịch ấy được tập trung cao nhất trong hồi V - hồi kết của vở kịch: "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài".
(2) Xuyên xuốt vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài như một hiện thân của cái đẹp. Người nghệ sĩ mong muốn tạo tác nên một tác phẩm nghệ thuật vĩnh cửu nhằm “tô điểm cho đất nước, đem hết tài ra xây cho giống nòi một tòa đài hoa lệ, thách cả những công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Đó là cái đẹp thuần khiết của nghệ thuật, nhằm phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước, có giá trị tôn vinh người Việt. Nhưng đáng tiếc, cái đẹp mà Vũ Như Tô mong muốn ấy đã bị lợi dụng và hoen ố bởi những dục vọng thấp hèn và toan tính chính trị của người đời. Trong các hồi trước, chúng ta thấy cái đẹp đã lần lượt phải chịu những oan khuất như bị tha hóa (Lê Tương Dực chỉ coi Cửu Trùng Đài là chốn an chơi hưởng lạc chứ không phải là công trình nghệ thuật để lại cho muôn đời sau như mong muốn của Vũ Như Tô), hiểu lầm (Nhân dân coi Cửu Trùng Đài là cội nguồn gây nên đau khổ của họ chứ không phải là chính sách hà khắc của triều đình phong kiến đương thời) và lợi dụng (Trịnh Duy Sản dùng Cửu Trùng Đài như công cụ thỗi bùng lên những uất ức trong lòng dân chúng, tạo nên một thời thế hỗn loạn để thuận tiện cho âm mưu giết vua đoạt quyền của mình). Đến hồi kết Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, khi tất cả những bức xúc, những mâu thuẫn không thể điều hòa được ấy được dồn nén và bung ra một cách mạnh mẽ nhất, tất yếu cái đẹp phải gánh chịu số phận nghiệt ngã đó là sự bức tử. Chỉ trong hồi cuối này, chúng ta thấy thông qua hàng loạt những thủ pháp kịch độc đáo, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dụng công lột tả năm lần cái đẹp bị bức tử một cách đầy cay đắng.
(3) Thứ nhất, bức tử về quan niệm. Cửu Trùng Đài trong con mắt quân khởi loạn không phải là công trình thế kỷ, trường tồn cùng hóa công và Vũ Như Tô không phải là “nguyên khí của quốc gia” để phải trân trọng, kính phục. Với bọn chúng và tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động, Cửu Trùng Đài và Vũ Như Tô chỉ là những thứ, những kẻ làm “hao hụt công khố, để dân gian lầm than”, khiến cho “mấy nghìn người chết... mẹ mất con, vợ mất chồng”. Sự bức tử về quan niệm này là kết quả của sự tích tụ, dồn nén những oan khuất mà cái đẹp phải chịu trong các hồi trước như chúng tôi đã đề cập ở trên. Và khi tất cả những quá trình ấy được đẩy lên đến ranh giới cuối cùng thì việc cái đẹp bị bức tử cũng là điều tất yếu. Cái chết của cái đẹp đã giúp nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nêu bật lên tầm quan trọng của việc điều hòa giữa việc phục vụ đời sống dân sinh và khát vọng vươn lên chiếm giữ đỉnh cao bằng mọi giá của nghệ thuật. Nếu thiên về dân sinh, nghệ thuật sẽ không còn là chính mình. Nhưng nếu chỉ biết đến bản thân mình, nghệ thuật rất có thể lại là hóa thân của cái ác.
(4) Thứ hai, bức tử về sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Tấm lòng biệt nhãn liên tài mà Đan Thiềm dành cho Vũ Như Tô đã bị các cung nữ, Kim Phượng và quân khởi loạn vu khống gán ghép cho tội “tư thông” - một tội danh xúc phạm nặng nề đến nhân cách con người. Hành động cầu xin tha mạng cho Vũ Như Tô vì “Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm" của Đan Thiềm bị coi là lời xin của con “dâm phụ” cho kẻ “gian phu”. Thật đau đớn và chua xót cho một tấm lòng “vì thiên hạ” mà chịu nỗi oan tày đình như thế. Nếu Đan Thiềm - trong giây phút tính mạng bản thân gặp nguy hiểm - mà “trở mặt” hùa về phe cung nữ và Kim Phượng thì chắc nàng đã không bị vu khống cho tội danh ghê gớm như vậy. Rõ ràng ở đây mọi sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu với cái đẹp đã bị loại trừ một cách tàn bạo, không chút thương tiếc.
(5) Thứ ba, bức tử về sự thanh minh. Cho đến tận phút giây nguy nan nhất, Vũ Như Tô vẫn muốn đến gặp An Hòa Hầu để “phân trần, để giảng giải” về tầm quan trọng của Cửu Trùng Đài. Vũ Như Tô tin tưởng rằng Nguyễn Hoằng Dụ thấu hiểu và cho mình hoàn thành nốt “Cửu Trùng Đài, dựng một kì công muôn thuở”. Nhưng đáp lại những lời đề nghị tha thiết, đầy chân thành ấy là những tràng cười ầm lên, là những lời xỉ vả và những cái tát vào miệng Vũ Như Tô của quân khởi loạn. Ở đây, cái đẹp đã bị tước đi quyền thanh minh cho bản thân mình.
(6) Thứ tư, bức tử về vật chất. Cửu Trùng Đài, hiện thân của cái đẹp sau cùng đã thành đống tro tàn trước mệnh lệnh phóng hỏa của An Hòa Hầu. Công trình hứa hẹn là kì công của con người đã thành tro bụi trước sự bạo tàn trong vui vẻ đáng ngạc nhiên của con người. Sự sụp đổ của Cửu Trùng Đài là sự biến mất vĩnh viễn sự hiện hữu của cái đẹp. Cửu Trùng Đài giờ chỉ được lưu giữ trong ký ức, trong nỗi hoài niệm của những con người nhận ra được giá trị đích thực của cái đẹp.
(7) Thứ năm, bức tử về con người nghệ sĩ. Bị hiểu lầm về mục đích xây dựng Cửu Trùng Đài, người tri âm tri kỷ cũng mất, không có cơ hội thanh minh, và quan trọng nhất là công trình thể hiện ước mơ, hoài bão của cả đời người bị thiêu rụi... sau tất cả những sự chà đạp, những tổn thương ấy, việc người nghệ sĩ Vũ Như Tô bị hay mong muốn đưa ra pháp trường cũng là điều dễ hiểu. Cái chết của Vũ Như Tô là nỗi đau cuối cùng và lớn nhất về cái đẹp bị bức tử một cách toàn diện.
(8) "Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm.". Lời đề tựa của vở kịch giúp chúng ta thấy ấm lòng. Hóa ra, cái đẹp dẫu phải chịu sự bức tử ghê gớm đến nhường nào thì vẫn mãi trường tồn. Người đương thời không hiểu thì hậu thế sẽ hiểu. Lê Tương Dực, An Hòa Hầu và người dân Thăng Long không hiểu Vũ Như Tô thì Nguyễn Huy Tưởng và thế hệ ngày nay hiểu ông, trân trọng tài năng và tâm huyết của ông đối với sự nghiệp điểm tô non sông nước nhà. Dẫu thế nào đi chăng nữa, cái đẹp cuối cùng sẽ hoàn thành sứ mệnh cao cả “cứu rỗi thế giới” như lời văn hào Dostoevsky. Đây có lẽ mới là thông điệp chính của vở bi kịch "Vũ Như Tô".
(Đăng trên tạp chí Tao Đàn, ngày 26/04/2020)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2. Mục đích của người viết qua văn bản này là gì?
Câu 3. Nhận xét về hệ thống luận điểm của văn bản.
Câu 4. Dẫn ra một chi tiết thể hiện cách trình bày khách quan và một chi tiết thể hiện cách trình bày chủ quan trong đoạn văn (4). Nêu tác dụng của hai cách trình bày đó trong văn bản.
Câu 5. Theo em, Vũ Như Tô đáng thương hay đáng trách? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Luận đề: Bi kịch về cái đẹp bị bức tử.
Câu 2. (0.5 điểm)
Mục đích của người viết qua văn bản là phân tích, làm rõ những mâu thuẫn trong vở kịch Vũ Như Tô nhằm làm nổi bật lên bi kịch của cái đẹp bị bức tử.
Câu 3. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra những luận điểm chính trong văn bản:
+ Luận điểm 1: Bức tử về quan niệm.
+ Luận điểm 2: Bức tử về sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.
+ Luận điểm 3: Bức tử về sự thanh minh.
+ Luận điểm 4: Bức tử về vật chất.
+ Luận điểm 5: Bức tử về con người nghệ sĩ.
- HS nhận xét về hệ thống luận điểm: Hệ thống luận điểm được triển khai rất rõ ràng, mạch lạc, cụ thể góp phần làm sáng tỏ luận đề của văn bản.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Chi tiết trình bày khách quan: Tấm lòng biệt nhãn liên tài mà Đan Thiềm dành cho Vũ Như Tô đã bị các cung nữ, Kim Phượng và quân khởi loạn vu khống gán ghép cho tội “tư thông” - một tội danh xúc phạm nặng nề đến nhân cách con người. Hành động cầu xin tha mạng cho Vũ Như Tô vì “Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm" của Đan Thiềm bị coi là lời xin của con “dâm phụ” cho kẻ “gian phu”.; Hành động cầu xin tha mạng cho Vũ Như Tô vì “Nước ta còn cần nhiều thợ tài để tô điểm" của Đan Thiềm bị coi là lời xin của con “dâm phụ” cho kẻ “gian phu”.
- Chi tiết trình bày chủ quan: Thật đau đớn và chua xót cho một tấm lòng “vì thiên hạ” mà chịu nỗi oan tày đình như thế. Nếu Đan Thiềm - trong giây phút tính mạng bản thân gặp nguy hiểm - mà “trở mặt” hùa về phe cung nữ và Kim Phượng thì chắc nàng đã không bị vu khống cho tội danh ghê gớm như vậy.; Rõ ràng ở đây mọi sự chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu với cái đẹp đã bị loại trừ một cách tàn bạo, không chút thương tiếc.
- Tác dụng của hai cách trình bày trong văn bản:
+ Phần trình bày ý kiến khách quan là cơ sở để dẫn dắt tới ý kiến chủ quan của người viết, tạo nên sự thuyết phục cho ý kiến chủ quan.
+ Phần trình bày ý kiến chủ quan giúp người viết thể hiện rõ được ý kiến, quan điểm của mình trong quá trình đọc hiểu tác phẩm, góp phần làm rõ luận đề của bài viết, tạo nên sự thống nhất giữa nhan đề và nội dung bài viết, tạo nên sức thuyết phục lớn đối với người đọc.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS bằng cảm nhận, trải nghiệm cá nhân đưa ra câu trả lời và có lí giải hợp lí.
- Ví dụ: Ở đây, chúng ta có thể thấy Vũ Như Tô đáng thương hơn là đáng trách. Quan niệm nghệ thuật của ông vốn rất trong sáng, thanh cao nhưng chỉ vì tên bạo chúa, hôn quân Lê Tương Dực mà ông buộc phải xây dựng Cửu Trùng Đài. Thế nhưng, vì quá tập trung vào Cửu Trùng Đài - ước mơ, hoài bão ông theo đuổi mà Vũ Như Tô đã không lường trước được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và đời sống đã bị đẩy đến mức cao trào như thế. Nhân dân nhìn Đan Thiềm như một con "dâm phụ", nhìn Vũ Như Tô như một kẻ làm "hao hụt công khố, để dân gian lầm than", nhìn Cửu Trùng Đài như khởi nguồn của mọi tai ương đối với bách tính. Mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống là mâu thuẫn muôn thuở, khó có thể giải quyết triệt để. Chính vì thế, Vũ Như Tô ở đây cũng là một kẻ đáng thương khi ôm khát vọng lớn lao, cao đẹp nhưng lại bị đặt nhầm chỗ, nhầm thời. Để rồi hiện thân của cái đẹp, người nghệ sĩ và cả người biết yêu cái đẹp đều bị bức tử và phải chấm dứt bằng cái chết.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Như mọi công dân chân chính khác, trong cái "Vất vả và gian lao" đằng đẵng của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Cái "tôi" của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường, đã hòa vào cái "ta" của "dòng sông xanh" trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái "ta", "chúng ta", tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.
Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỉ (1976 - 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nếu Nguyễn Duy "giật mình" trước "đột ngột vầng trăng tròn" thì Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe một tiếng chim hót, khi chợt thấy một bông hoa? Mùa xuân, vầng trăng, tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu... Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái "tôi" với cái "ta"? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? "Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến.". Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trọng hơn? ... Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản "hòa ca" đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một "nốt trầm". Nhưng "nốt trầm" ấy vẫn phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản "hòa ca" có "nhạc luật" chứ đâu phải là "hòa tan": một cách vô vị, nhạt nhẽo?
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, lời giãi bày chân thành, giản dị, Hoàng Dân, in trong Văn học và Tuổi trẻ, số 1 (323), năm 2015)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định câu văn mang luận điểm của đoạn trích.
Câu 2. Trong đoạn trích, người viết đã lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh nào của khổ thơ để phân tích?
Câu 3. Việc người viết dẫn ra hoàn cảnh ra đời của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Duy được thể hiện trong bài Ánh trăng có ý nghĩa gì?
Câu 4. Phân tích hiệu quả của việc kết hợp sử dụng nhiều biện pháp tu từ trong câu văn sau: Mùa xuân, vầng trăng, tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu...
Câu 5. Đọc kĩ đoạn văn được in đậm và cho biết người dẫn đã đưa ra kiến giải cá nhân nào về việc tiếp nhận khổ thơ thứ tư trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Em có đồng tình với quan điểm của nhà thơ không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Câu văn mang luận điểm của đoạn trích: Như mọi công dân chân chính khác, trong cái "Vất vả và gian lao" đằng đẵng của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống.
Câu 2. (0.5 điểm)
Trong đoạn trích, người viết đã lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh: ta, con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm để phân tích.
Câu 3. (1.0 điểm)
Việc người viết dẫn ra hoàn cảnh ra đời của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Duy được thể hiện trong bài Ánh trăng có ý nghĩa:
- Tạo cơ sở để đưa ra lí giải của người viết về thông điệp mà nhà thơ gửi gắm về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân và cộng đồng. Đó mới là lẽ sống đẹp vĩnh cửu, là lẽ sống cống hiến cho cuộc đời chung, đặc biệt là khi con người phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.
- Giúp cho người đọc thấy được sự đồng điệu về tâm hồn giữa hai nhà thơ: Lẽ sống trên cho thấy sự đồng điệu giữa Thanh Hải và Nguyễn Duy trong cùng một bối cảnh của xã hội, chỉ là mỗi nhà thơ có một cách thể hiện khác nhau.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Trong câu văn sau: Mùa xuân, vầng trăng, tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu... người viết đã kết hợp sử dụng biện pháp tu từ liệt kê (Mùa xuân, vầng trăng, tiếng chim hót, bông hoa nở - những tín hiệu thuộc về thiên nhiên, cuộc sống) và lặp cấu trúc đó là ... vĩnh cửu (kết cấu câu khẳng định).
- Tác dụng: Nhấn mạnh, khẳng định những giá trị vĩnh cửu, cái đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên, cuộc sống và sức tác động của nó đến tâm hồn người nghệ sĩ.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS xác định kiến giải mà người viết đưa ra: Kiến giải về thông điệp được gửi gắm trong khổ thơ. Người viết cho rằng nhà thơ Thanh Hải đã gửi lời nhắn nhủ tới bạn đọc về lẽ sống, cống hiến cho cuộc đời chung những bản sắc riêng, dù là nhỏ bé; sự cống hiến của mỗi người trong cuộc đời đều có giá trị và không thể so sánh. Tất cả sự cống hiến ấy, dù nhỏ bé thì cũng đều đáng được trân trọng và công nhận.
- HS đưa ra quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình và có lí giải hợp lí.