Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 0 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 27. Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông SVIP
I. Giao thông vận tải
1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải
a. Vai trò
Giao thông vận tải có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia.
- Thúc đẩy hoạt động sản xuất và là cầu nối giúp các ngành kinh tế phát triển. Giao thông vận tải được ví như mạch máu của nền kinh tế, giúp quá trình sản xuất và tiêu thụ được liên tục.
- Phục vụ nhu cầu đi lại của toàn xã hội, là cầu nối giữa các địa phương, là phương tiện giúp các nước giao lưu và hội nhập, giải quyết việc làm cho người lao động,...
- Tạo ra sự liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, làm cho khoảng cách địa lí rút ngắn lại.
b. Đặc điểm
- Đối tượng chính là con người và những sản phẩm vật chất do con người tạo ra.
- Sản phẩm là sự chuyên chở người và hàng hoá từ nơi này đến nơi khác.
- Sử dụng nhiều nguyên, nhiên vật liệu từ các ngành kinh tế khác.
- Có sự phân bố đặc thù, theo mạng lưới với các tuyến và đầu mối giao thông.
c. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải
Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành giao thông vận tải bao gồm vị trí, lãnh thổ; tự nhiên và kinh tế - xã hội.
Nhân tố | Ảnh hưởng | |
Vị trí, lãnh thổ |
- Sự phân bố các loại hình giao thông vận tải. - Sự hình thành mạng lưới giao thông vận tải. |
|
Tự nhiên | Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên |
- Sự phân bố của các loại hình giao thông vận tải và vai trò khác nhau của các loại hình. - Sự hoạt động của các phương tiện vận tải. |
Kinh tế - xã hội | Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế |
- Là khách hàng của giao thông vận tải, thúc đẩy giao thông vận tải phát triển. - Trang bị cơ sở vật chất kĩ thuật cho ngành giao thông vận tải. - Quy định các loại hình vận tải, khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hoá. |
Dân cư, lao động |
- Khách hàng của giao thông vận tải. - Sự phát triển và phân bố các luồng vận tải hành khách, xuất hiện các loại hình vận tải đặc biệt. |
|
Vốn đầu tư |
- Sự phát triển mạng lưới, phương tiện thúc đẩy giao thông vận tải. - Thực hiện các dự án giao thông vận tải hiện đại. |
|
Khoa học - công nghệ |
- Tăng tốc độ vận chuyển, hiện đại hoá và nâng cao chất lượng các phương tiện vận tải. - Ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lí. |
2. Tình hình phát triển và phân bố
Các loại đường trong giao thông vận tải phổ biến hiện nay là đường ô tô, đường sắt, đường sông, hồ và đường biển.
Vai trò | Đặc điểm | Tình hình phát triển và phân bố | |
Đường ô tô |
- Chiếm ưu thế trong các loại hình giao thông vận tải. - Có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và phục vụ dân sinh nhờ khả năng đi đến mọi nơi, tới được các vùng cao với điều kiện đường sá khó khăn. |
- Ưu thế nổi bật: + Thuận tiện và cơ động, phù hợp với cự li vận tải trung bình và ngắn, có khả năng phối hợp hoạt động với các loại hình vận tải khác. + Mạng lưới ngày càng mở rộng, chất lượng và phương tiện ngày càng hiện đại, thân thiện với môi trường. - Hạn chế: + Khối lượng chuyên chở không lớn như vận tải đường sắt, đường thủy. + Tiêu thụ nhiều nhiên liệu. + Gây ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn và tai nạn giao thông,... |
- Tổng chiều dài trên thế giới không ngừng tăng do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách và phục vụ du lịch, từ 27803,8 nghìn km (năm 2000) lên 38016,5 nghìn km ( năm 2019), trong đó đứng đầu là châu Á, tiếp theo là châu Mỹ, châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương. - Những nước có chiều dài đường ô tô lớn năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, Liên bang Nga,... |
Đường sắt |
- Ra đời từ sự phối hợp đường ray với máy hơi nước đã mở ra kỉ nguyên mới trong lịch sử giao thông vận tải thế giới. - Ngày càng phát triển dưới nhiều loại hình như đường sắt trên mặt đất, đường sắt trên cao, đường sắt dưới lòng đất (ngầm),... nhờ những đổi mới về sức kéo, toa xe, đường ray và công nghệ. |
- Ưu thế: + Vận chuyển được hàng hóa nặng trên những tuyến đường dài với tốc độ khá nhanh và ổn định. + Giá rẻ hơn vận tải ô tô. + Mức độ an toàn và sự tiện nghi cao. + Ít gây tai nạn. - Hạn chế: Chỉ hoạt động được trên những tuyến đường cố định, có đặt đường ray. |
- Tổng chiều dài toàn thế giới tăng lên từ 1011,7 nghìn km (năm 2000) tăng lên 1321,9 nghìn km (năm 2019). - Phân bố không đồng đều theo châu lục và các quốc gia: + Chiều dài lớn nhất tại châu Mỹ, tiếp theo là châu Á và châu Âu. + Châu Phi và châu Đại Dương có chiều dài nhỏ nhất. + Những nước có chiều dài đường sắt lớn năm 2019 là: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ca-na-đa, Ấn Độ,... |
Đường sông, hồ |
Xuất hiện từ rất sớm, là phương tiện vận tải hàng hóa và người trên các tuyến đường thủy nội địa. |
- Con người đã cải tạo sông, hồ, đào kênh nối liền các lưu vực vận tải với nhau để tăng cường khả năng vận tải. - Chủ yếu dựa vào mạng lưới sông, hồ tự nhiên. |
- Những hệ thống sông, hồ có khả năng giao thông lớn là: sông Đa-nuýp, Rai-nơ, Von-ga,... (châu Âu); sông Mê Công, Dương Tử,... (châu Á); sông Mi-xi-xi-pi, Ngũ Hồ,... (châu Mỹ). - Nhiều sông, hồ được nối thông với nhau nhờ các kênh đào, tiêu biểu như kênh đào Von-ga-đôn (Liên bang Nga) nối liền hai con sông Von-ga và sông Đông, kênh đào Oe-len (Ca-na-đa) nối hồ Ôn-ta-ri-ô ở phía bắc với hồ Ô-rê ở phía nam,... |
Đường biển |
- Là phương thức vận tải hàng hóa chủ yếu trên các tuyến đường biển nội địa và quốc tế (vận tải viễn dương). - Góp phần mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các vùng, các nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
|
- Ưu thế: + Chuyên chở hàng hóa nặng (than, kim loại,...), chất lỏng (dầu mỏ và sản phẩm của dầu mỏ),... trên quãng đường dài. + Giá cước vận chuyển rẻ hơn các loại hình vận tải khác. + Mức độ an toàn khá cao. - Hạn chế: + Phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên (gió, bão,...). + Tốc độ vận tải tương đối chậm. + Gây ô nhiễm môi trường biển, đại dương (sự cố tràn dầu). |
- Đảm nhiệm 3/5 khối lượng luân chuyển hàng hóa của tất cả các phương tiện vận tải trên thế giới, trong đó có dầu mỏ và sản phẩm của dầu mỏ. - Hiện nay, trên thế giới phát triển mạnh việc chuyên chở dầu bằng container, đảm bảo an toàn và bốc dỡ hàng hóa nhanh hơn. - Từ năm 2005 trở về trước, Rốt-téc-đam (Hà Lan) là cảng lớn nhất thế giới, hiện nay tuy không nằm trong bảng xếp hạng 10 cảng dẫn đầu nhưng vẫn giữ vị trí then chốt trên tuyến đường biển Tây Âu - Bắc Mỹ. |
Đường hàng không |
- Có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giao lưu giữa các vùng của mỗi nước và các nước trên thế giới, là cầu nối quan trọng giữa các nền kinh tế trên toàn cầu, thúc đẩy phát triển du lịch. - Có vai trò đối với an ninh quốc phòng. |
- Ưu thế: + Có tốc độ vận tải cao, thời gian vận chuyển ngắn. + Ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. - Hạn chế: Cước phí vận tải đắt, trọng lượng vận tải thấp. |
Năm 2019: - Toàn thế giới có trên 15 nghìn sân bay, trong đó tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. - Các sân bay quốc tế tăng lên không ngừng về cả số lượng sân bay và số lượt hành khách vận chuyển: từ 30 sân bay với 25 triệu lượt hành khách (năm 2000) lên 92 sân bay (năm 2019). - Đã vận chuyển trên 4,2 tỉ lượt hành khách, trong đó khoảng 40% là khách du lịch quốc tế. - Các tuyến hàng không nhộn nhịp nhất là tuyến vượt Đại Tây Dương nối châu Âu với Bắc Mỹ và Nam Mỹ, các tuyến nối Hoa Kỳ với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. |
II. Bưu chính viễn thông
Bưu chính viễn thông là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, trong đó, bưu chính liên quan đến vận chuyển thư từ, bưu phẩm, điện báo, điện tín,... còn viễn thông liên quan đến vận chuyển tin tức.
1. Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông
a. Vai trò
Hoạt động bưu chính viễn thông không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, được coi là thước đo trình độ phát triển và văn minh của các nước.
- Tạo ra những điều kiện cần thiết cho các hoạt động kinh tế phát triển; tác động đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thay đổi cách thức tổ chức nền kinh tế.
- Góp phần thực hiện giao lưu giữa các vùng lãnh thổ, thúc đẩy quá trình phát triển toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế.
- Tác động tích cực đến phát triển xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần và đảm bảo an ninh quốc gia.
b. Đặc điểm
- Tạo ra mạng lưới bưu chính và mạng lưới truyền thông tin đến mọi nơi trong nước và các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất, phục vụ nhu cầu sản xuất và xã hội.
- Bưu chính nhận, vận chuyển và chuyển phát bằng các phương thức khác nhau qua mạng bưu chính; viễn thông sử dụng các thiết bị kết hợp với vệ tinh và internet cung ứng dịch vụ từ xa không cần sự tiếp xúc trực tiếp giữa người cung ứng với người tiêu dùng dịch vụ.
- Sử dụng dịch vụ của nhiều ngành, trong đó quan trọng nhất là công nghiệp điện tử - tin học, giao thông vận tải, nghiên cứu và phát triển (R&D), dịch vụ thiết kế,...
c. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố ngành bưu chính viễn thông
Bưu chính viễn thông là ngành không thể thiếu trong cơ sở hạ tầng của quốc gia. Sự phát triển và phân bố của ngành này chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố.
Nhân tố | Ảnh hưởng |
Trình độ phát triển kinh tế | Kinh tế càng phát triển, nhu cầu dịch vụ bưu chính viễn thông ngày càng nhiều, quy mô của ngành càng lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh. |
Khoa học - công nghệ |
- Tạo ra nhiều cách thức chuyển phát và các dịch vụ bưu chính mới (như dịch vụ tài chính bưu chính,...). - Thay đổi và xuất hiện nhiều thiết bị viễn thông hiện đại với tốc độ cao, các phương tiện và phương thức truyền thông tin tới khắp mọi nơi trên thế giới. |
Vốn đầu tư | Ảnh hưởng tới việc mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông. |
Mức sống dân cư, trình độ chuyên môn kĩ thuật của lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng,... | Ảnh hưởng với mức độ tác động khác nhau đến sự phát triển và phân bố của ngành bưu chính viễn thông. |
2. Tình hình phát triển và phân bố
a. Bưu chính
- Dịch vụ bưu chính bao gồm nhận, vận chuyển và chuyển phát thư từ, bưu phẩm, bưu kiện, điện báo, điện tín, chuyển tiền từ nơi gửi (người gửi) đến nơi nhận (người nhận).
- Hoạt động bưu chính ngày càng phát triển, nhiều dịch vụ và cách thức chuyển phát mới đã xuất hiện.
- Bưu chính không thể tách rời xã hội và khách hàng mà ngành phục vụ. Hầu như mọi quốc gia và người dân đều sử dụng dịch vụ bưu chính, trong đó, có khoảng 1,5 tỉ người trên toàn thế giới đang sử dụng dịch vụ tài chính bưu chính.
b. Viễn thông
- Các dịch vụ viễn thông rất đa dạng và phong phú, diễn ra với tốc độ nhanh, công nghệ ngày càng hiện đại, trong đó có công nghệ số, công nghệ thực tế ảo. Các dịch vụ viễn thông quan trọng như: dịch vụ điện thoại, dịch vụ truyền số liệu, truyền tin và internet.
- Dịch vụ viễn thông có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới nhờ vai trò thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu, phát triển thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, tăng cường sự hiểu biết giữa các nước mà dịch vụ viễn thông đóng góp tới 1/5 GDP toàn cầu.
Đặc điểm | Tình hình phát triển | |
Điện thoại |
- Là thiết bị viễn thông dùng để trao đổi thông tin. - Từng chiếc điện thoại cố định (điện thoại bàn) đầu tiên được phát minh vào năm 1876, đến chiếc điện thoại di động (không dây) ra đời năm 1967 và điện thoại thông minh (smartphone) xuất hiện năm 2007 là sự sáng tạo liên tục để tạo ra phương thức trao đổi thông tin mới. |
Hiện nay việc sử dụng điện thoại thông minh ngày càng phổ biến trên thế giới. - Bình quân số máy điện thoại trên 100 dân được coi là một chỉ tiêu đánh giá sự phát triển của ngành bưu chính viễn thông giữa các nước, các vùng và địa phương. - Năm 2000, bình quân số máy điện thoại trên 100 dân là 11,9; đến năm 2019 con số này đã tăng lên 107,7, riêng điện thoại thông minh là 68,9. |
Máy tính cá nhân |
- Là phương tiện được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp con người xử lý thông tin nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức và tài chính. - Kể từ lần đầu xuất hiện vào năm 1974, máy tính cá nhân đã có mặt trong các văn phòng và gia đình, mở ra một kỉ nguyên trực tuyến với khả năng truyền thông toàn cầu, đáp ứng nhu cầu giao lưu buôn bán, học tập và nghiên cứu, du lịch,... |
Năm 2019, toàn thế giới có 1100 triệu chiếc máy tính cá nhân được sử dụng, trở thành phương tiện thiết yếu trong đời sống kinh tế xã hội, bình quân số máy tính cá nhân trên 100 dân là 14,3 máy. |
Internet |
- Bao gồm mạng toàn cầu www và các thiết bị phần cứng (máy tính, mạng truyền dẫn) đã mở ra kỉ nguyên mới cho ngành viễn thông. - Các hoạt động dịch vụ được phát triển mạnh với sự hỗ trợ của mạng internet. |
Số người sử dụng internet ngày càng tăng. Năm 2019, có 4333 triệu người trên toàn thế giới sử dụng, trong đó 80% truy cập bằng thiết bị di động, riêng bằng điện thoại thông minh chiếm tới 52,7%. |
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây