Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 18. Tập tính động vật SVIP
I. Khái niệm và vai trò của tập tính
1. Khái niệm
Tập tính là những hành động của động vật trả lời lại kích thích từ môi trường trong và ngoài, đảm bảo cho động vật tồn tại và phát triển.
Động vật thể hiện tập tính khi bị kích thích.
Kích thích bên trong | Kích thích bên ngoài | |
Ý nghĩa | Cho biết điều gì đang xảy ra bên trong cơ thể | Cho biết tin về môi trường xung quanh |
Ví dụ | Tín hiệu đói → Cần bổ sung năng lượng → Hành động kiếm ăn | Tiếng động/ mùi kẻ săn mồi → Hành động cảnh giác và chạy trốn |
2. Vai trò của tập tính
- Làm tăng khả năng sinh tồn của động vật. Ví dụ: hươu nai chạy trốn để giữ mạng khi gặp hổ.
- Đảm bảo cho sự thành công sinh sản. Ví dụ: hươu đực “giao đấu” để chọn ra con khỏe hơn sẽ được giao phối với con cái và sinh ra các con mạnh khỏe hơn, khả năng sống sót cao hơn.
- Cơ chế cân bằng nội môi, duy trì môi trường trong ổn định. Ví dụ: thằn lằn phơi nắng để thu nhiệt khi thời tiết lạnh.
II. Tập tính bẩm sinh và tập tính học được
Dựa vào nguồn gốc, có thể chia thành hai loại: tập tính bẩm sinh và tập tính học được.
Tập tính bẩm sinh | Tập tính học được | |
Nguồn gốc | Là bản năng, sinh ra đã có | Hình thành trong quá trình sống của cá thể |
Do di truyền từ bố mẹ | Thông qua học tập và rút kinh nghiệm | |
Cơ sở | Là chuỗi các hành động có trình tự trong hệ thần kinh được gene quy định sẵn từ khi sinh ra | Là một hay chuỗi các hành động diễn ra bởi quá trình điều kiện hóa trong hệ thần kinh, tạo ra các liên kết thần kinh mới giữa các neuron |
Đặc điểm | Bền vững, khó thay đổi | Có thể hình thành mới hoặc thay đổi khi cần thiết để đáp ứng với thay đổi từ môi trường |
Di truyền được | Không di truyền được | |
Ví dụ | Nhện giăng tơ; chim làm tổ; dã tràng xe cát; gà con đẻ ra luôn đi theo mẹ;... | Chó biết bắt tay để xin ăn; đàn chim bồ câu ở thành phố không bay đi khi có người qua lại; quạ gắp đá bỏ vào chai để uống nước;... |
Nhiều tập tính động vật có cả nguồn gốc bẩm sinh và học tập. VD: tập tính làm tổ ở chim là do bẩm sinh, trang trí tổ bằng các đồ vật màu sắc một phần là do học tập từ đồng loại.
III. Một số dạng tập tính phổ biến ở động vật
1. Tập tính kiếm ăn
- Là tập tính quan trọng hàng đầu.
- Lợi ích: thu được chất dinh dưỡng.
- Bất lợi: tiêu tốn năng lượng, nguy cơ bị thương hoặc bị ăn thịt.
2. Tập tính bảo vệ lãnh thổ
- Là cá thể/ nhóm động vật kiểm soát một khu vực sống nhất định chống lại các cá thể khác.
- Mục đích: bảo vệ nguồn thức ăn, nơi ở và sinh sản.
- Phạm vi bảo vệ lãnh thổ mỗi loài khác nhau.
3. Tập tính sinh sản
- Hầu hết mang tính bản năng.
- Gồm nhiều tập tính khác nhau: tìm kiếm bạn tình, làm tổ, ấp trứng, chăm sóc và bảo vệ con non,...
4. Tập tính di cư
- Là di chuyển một phần hoặc cả quần thể động vật từ vùng này đến một vùng xác định khác. Ví dụ: cá, rùa biển, côn trùng, chim và một số loài thú.
- Di cư có thể hai chiều (đi và về) hoặc di cư một chiều (đi đến nơi ở mới).
- Một số loài có chu kì di cư hai chiều theo chu kì mùa. Khi di cư, động vật trên cạn định hướng nhờ vị trí mặt trời, trăng, sao, địa hình; chim định hướng nhờ từ tường trái đất; cá định hướng nhờ hướng dòng chảy và thành phần nước.
- Nguyên nhân: do khan hiếm thức ăn, thời tiết lạnh giá, tập tính kiếm ăn và sinh sản,...
5. Tập tính xã hội
- Là tập tính sống theo bầy đàn. Ví dụ: ong, kiến, một số loài cá, chim, hươu, nai, sư tử,...
- Gồm nhiều tập tính: thứ bậc, hợp tác, vị tha,...
IV. Pheromone
Là chất hóa học do động vật sản sinh và giải phóng vào môi trường sống, gây ra đáp ứng khác nhau ở các cá thể cùng loài.
Các loài khác nhau có cấu tạo phân tử pheromone khác nhau. Chỉ cá thể cùng loài mới có thụ thể tiếp nhận tương ứng. Vì vậy pheromone mang thông tin đặc trưng cho loài.
1. Pheromne gây ra các tập tính liên quan đến sinh sản
Ví dụ: tuyến ở cuối bụng bướm tằm cái tiết pheromone vào không khí để thu hút con đực tới giao phối. Bướm tằm đực có thể tiếp nhận qua các thụ thể trên anten (râu) cách đến vài km.
2. Pheromne gây ra các tập tính không liên quan đến sinh sản
Ví dụ: khi cá trê bị thương, da cá tiết ra một chất cảnh báo vào môi trường nước tạo ra đáp ứng hoảng sợ ở những con khác. Chúng sẽ cảnh giác hơn và tụ tập tại nơi chúng cảm thấy an toàn hơn.
V. Một số hình thức học tập ở động vật
1. Quen nhờn
- Hình thức học tập đơn giản nhất.
- Động vật phớt lờ, không đáp ứng kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần nếu không kèm theo sự nguy hiểm.
- Ví dụ: chuột thường chạy khi thấy mèo, nhưng khi thấy nhiều lần mà mèo không bắt hay vồ lấy, chuột dần không sợ mèo nữa.
2. In vết
- Hình thức học tập nhanh trong thời gian phát triển rất ngắn được gọi là giai đoạn then chốt (giai đoạn quyết định).
- Con non có thể "in" vào não hình dạng bố mẹ hay hành vi cơ bản của loài.
- Ví dụ: chim non mới nở có tính bám và đi theo các vật chuyển động mà chúng nhìn thấy lần đầu tiên - thường là chim mẹ.
3. Học cách nhận biết không gian và bản đồ nhận thức
- Động vật ghi nhớ về đặc điểm không gian của môi trường ở các vị trí mốc như tổ, thức ăn. Từ đó chúng xây dựng mối quan hệ giữa các vật thể trong không gian và giữa các vị trí mốc đó thành bản đồ nhận thức. Nhờ đó động vật định vị được vị trí một cách linh hoạt và hiệu quả.
- Ví dụ: chim bồ câu có khả năng nhớ đường, được dùng để liên lạc đưa thư.
4. Học liên hệ
Điều kiện hóa đáp ứng | Điều kiện hóa hành động | |
Cách thức hình thành | Là kiểu học liên kết (liên kết thần kinh giữa một kích thích một tập tính/ hành vi) | |
Liên kết thần kinh giữa hành vi/ tập tính có sẵn với một kích thích bất kỳ đặc trưng (lặp lại). | Liên kết thần kinh giữa hành vi với kích thích là phần thưởng hoặc hình phạt (hay "thử" và "sai"). | |
Kết quả | Khi có kích thích đặc trưng, tập tính/hành vi đó liền xảy ra. | Động vật chủ động lặp lại hành vi đó để nhận thưởng/ né tránh hành vi để tránh hình phạt. |
Ví dụ | Thí nghiệm của I.P.Pavlov: Khi đói và nhìn thấy thức ăn, chó sẽ tiết nước bọt. Kết hợp đồng thời tiếng còi và hành động cho chó ăn cùng lúc, lặp lại nhiều lần. Sau nhiều lần như thế, khi có tiếng còi, mặc dù không cho con chó đó ăn nhưng nó vẫn tiết nước bọt. |
Thí nghiệm của B.F.Skinner: Cho chuột vào hộp, sàn hộp có lưới điện và trong hộp có một bàn đạp. Khi chuột di chuyển, vô tình đến 1 góc hộp thì bị điện giật, vô tình đạp vào bàn đạp thì có đồ ăn rơi ra. Sau vài lần như vậy, chuột không lại gần góc hộp đó và chủ động đạp vào bàn đạp. |
5. Học xã hội
- Học bằng cách quan sát và bắt chước hành vi động vật khác.
- Ví dụ: tinh tinh con bắt chước con trưởng thành chải lông, bắt rận cho nhau.
6. Nhận thức và giải quyết vấn đề
- Hình thức học phức tạp nhất, liên quan đến khả năng nhận biết và xử lí thông tin giải quyết những trở ngại gặp phải.
- Ví dụ: quạ muốn uống nước trong lọ biết sử dụng vật nặng thả vào lọ để nước dâng lên.
VI. Cơ chế học tập ở người
Mục tiêu: đạt được sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng, giá trị, thái độ và hành vi.
Cơ sở thần kinh: học tập làm tăng cường liên kết thần kinh trong vỏ não → Thay đổi synapse, gây hoạt hóa gene và tổng hợp protein.
Các giai đoạn:
- Giai đoạn tiếp nhận và xử lí thông tin: não sẽ tiếp nhận và chuyển hóa thông tin để hình thành nên nhận thức, kiến thức, kỹ năng, giá trị, thái độ và hành vi của người học.
- Giai đoạn tăng cường và củng cố: tập trung trí não để ghi nhớ và sắp xếp thông tin theo trật tự.
VII. Ứng dụng
- Giải trí
- An ninh, quốc phòng
- Nông nghiệp
VIII. Quan sát và mô tả tập tính
1. Cách tiến hành
Bước 1: Chọn loài động vật quan sát
- Chọn ít nhất 2 loài phổ biến, dễ tìm, ưa hoạt động trong tự nhiên hoặc nuôi nhốt.
- Ví dụ: Côn trùng (gián, ong, bướm, kiến, nhện, ruồi,...); Lưỡng cư (cóc, ếch); Bò sát (thằn lằn); Thú (gà, vịt, chó, mèo, trâu, bò,...).
Bước 2: Quan sát và mô tả tập tính
- Quan sát và mô tả một số tập tính: kiếm ăn, tự vệ, bảo vệ lãnh thổ, sinh sản hoặc tập tính xã hội.
- Tìm hiểu nguyên nhân gây ra tập tính đó.
- Tìm hiểu lợi ích khi động vật thực hiện tập tính.
- Ghi chép lại (ngày, giờ, địa điểm quan sát) các hành vi mà động vật thể hiện do kích thích từ môi trường ngoài hoặc từ bên trong (đói, khát,…).
2. Thu hoạch
Viết báo cáo kết quả theo các nội dung sau:
Tên động vật | Tập tính quan sát và mô tả | Nguyên nhân gây ra tập tính | Lợi ích của tập tính |
? | ? | ? | ? |
Lưu ý:
- Tránh sự hiện diện của con người làm động vật không thể hiện tập tính.
- Không tiến hành quan sát trên động vật nghi nhiễm bệnh, có độc tố, động vật hung dữ không được nuôi nhốt trong khu vực bảo vệ an toàn.
- Không sử dụng các động vật trong tự nhiên mới bắt nhốt để quan sát tập tính.
- Cẩn thận khi nghiên cứu tập tính ở động vật ở ao, hồ,…
1. Tập tính là những hành động của động vật trả lời lại kích thích từ môi trường, đảm bảo cho động vật thích nghi để sinh tồn và phát triển.
2. Tập tính làm tăng khả năng sinh tồn, tăng thành đạt sinh sản và cân bằng nội môi.
3. Tập tính bẩm sinh là tập tính sinh ra đã có, di truyền từ bố mẹ, đặc trưng cho loài. Tập tính học được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm.
4. Một số dạng tập tính: kiếm ăn, bảo vệ lãnh thổ, di cư, sinh sản, tập tính xã hội.
5. Pheromone là tín hiệu hóa học giao tiếp của các cá thể cùng loài.
6. Một số hình thức học tập: quen nhờn, in vết, học nhận biết không gian, học liên hệ, học xã hội và học giải quyết vấn đề.
7. Tập tính động vật được áp dụng trong một số lĩnh vực của đời sống như giải trí, săn bắn, an ninh, quốc phòng, nông nghiệp.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây