Ngược lại dòng thời gian, nhà thơ vĩ đại Ấn Độ Rabindranath Tagore đã cũng từng có lần chiêm nghiệm:
“Ngày tử thần gõ cửa nhà anh
Anh sẽ có món chi làm tặng vật
Trước vị khách đến thăm tôi sẽ đặt
Cái ly tràn đầy cuộc sống của tôi dâng”.
“ Sống dài hay sống ngắn không quan trọng, quan trọng là bạn đã sống như thế nào” ( Cố nghệ sĩ Giang Còi ). Vậy bạn đã sống như thế nào? Sống một cuộc đời u ám, ích kỷ, luôn cố gom nhặt từng điều tốt về cho riêng mình, hay sống như “ con chim, chiếc lá” , “chim phải hót, chiếc lá phải xanh”? Vì “ Sinh ra trên đời là một việc hết sức đơn giản nhưng sống trên đời lại là một việc rất khó” ( Đ. Rpixarit) mà nhà thơ Tagore, đã dùng tài năng thơ ca, tình yêu, chiêm nghiệm của mình mà đúc kết thành tập “ Thơ dâng” dâng hiến cho đời, trong đó có bài “ Lời Dâng” đầy xúc cảm. Bài thơ đã mượn hình ảnh bông hoa tươi trẻ để nói lên niềm khao khát, tinh thần được hiến dâng của không chỉ riêng ông, mà còn là thông điệp gửi tới hậu thế nhân chúng ta. Những bông “ hoa nhỏ bé” trước khi “ rũ cánh và rơi vào cát bụi “, bông hoa ấy đã sẵn sàng “ hiến dâng” cho đời cho dù “ sắc chẳng thắm tươi hương không ngào ngạt “. Một bông hoa, không nhất thiết phải đẹp, nhưng nếu có lòng hiến dâng, nó sẽ đẹp vì cứu rỗi một mảnh đất cằn cỗi nào đó. Bài ca “ Thơ dâng” đã đưa ta trôi trên những dòng suy nghĩ.Tại sao phải sống cống hiến? Như mỗi mùa hè ve thay áo, thì xã hội, đất nước ta cũng mỗi ngày cần những con người nguyện hiến dâng tài năng, sức lực, nhiệt huyết của họ để xây dựng chiếc áo mới đấy. Chính vì vậy, cống hiến là phương thức xây dựng đất nước, làm cuộc sống thêm muôn màu, hội nhập với cuộc tế. Không chỉ để xây dựng nét đẹp tinh thần, vật chất , cống hiến còn có thể là cống hiến tình yêu thương giữa người với người , cống hiến chất xám, hay còn là cống hiến nhiệt huyết tuổi trẻ. Cống hiến còn thể hiện đạo đức, tinh thần của mỗi con người, thay vì ích kỷ, hẹp hòi, không có tinh thần chung. Cống hiến không phải là công cụ để đánh bóng tên tuổi, nhưng cống hiến là sợi chỉ đỏ liên kết tình cảm gắn chặt hơn giữa thế nhân với chúng ta, bởi lẽ “ Thước đo của giá trị đời người không phải là thời gian mà là sự cống hiến” ( Thượng nghị sĩ Mỹ Peter Marshall ). Chính nhà thơ Tố Hữu suốt cuộc đời sự nghiệp không chỉ cống hiến bản thân, tình yêu cho con đường bảo vệ tổ quốc, ông còn là nhà thơ dâng hiến hết mình, từ “ vần thơ” đến “ nắm tro” đều nguyện vì cuộc đời mà hiến.Vậy thì, “ cống hiến” như thế nào cho đúng? Ông cha ta có câu “ Của cho không bằng cách cho”. Cống hiến phải bằng cả tấm lòng, đúng cách, không khoa trương, lợi dụng để đánh bóng tên tuổi. Cống hiến có thể được lan toả , nhưng không có nghĩa là phơi bày lòng tốt “ giả tạo” của mình, cống hiến cũng phải đúng nơi, đúng trang phục ,lời nói. Mới đây, nhân vật Đạt Villa đã đăng tải công khai hình ảnh mình cùng một nhóm thiện nguyện đi làm từ thiện tại vùng cao, thay vì như Youtuber Quang Linh ăn mặc đơn giản, tối màu, thì nhóm thiện nguyện này lại mặc đồ trắng sang chảnh, quay video đùa cợt, chỉ đạo trong khi làm từ thiện. Điều đó cho thấy rằng, hiến dâng không đúng cách sẽ làm mất đi giá trị nguyên bản thực sự của nó. Không đơn thuần là vậy, cống hiến còn phải lựa chọn đúng môi trường. Nhiều người cho rằng, họ không đủ điều kiện, tài năng để xây dựng, hiến dâng cho xã hội. Thế nhưng, cũng như Einstein đã nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Cống hiến cũng như vậy, bạn không phù hợp để xây dựng tương lai đất nước bằng của cải? Hãy xây dựng gia đình bạn thật tốt. Bạn không đủ tài năng để cống hiến thơ ca, nghệ thuật? Hãy dùng lòng tốt để cống hiến. Hãy cứ sống như thể ta đã được ban tặng “ sự sống” để trả lại ơn cho đời. Hãy cống hiến như thể “ ta chỉ có một ngày để sống” bởi “Con người hạnh phúc nhất và thành công nhất khi cống hiến vì một mục đích nằm ngoài sự thỏa mãn ích kỷ cá nhân”( Benjamin Spock). Nếu như ngày hôm nay là ngày cuối cùng bạn có mặt trên đời, thì bạn sẽ làm gì?
“ Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi lại đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho “
( Tạm biệt – Tố Hữu )
CRE: Nguyễn Ý nhi - Chuyên văn PBC