Chúng ta vẫn thường được dạy, là người không nên nói dối. Tất nhiên đó là những lời nói dối ảnh hưởng xấu đến người khác hay những lời đơm đặt, thêu dệt nhằm lừa gạt người khác. Còn bác sĩ nói dối bệnh nhân về căn bệnh hiểm nghèo của người đó để họ lạc quan; hay ta dệt nên câu chuyện rằng cha mẹ tha phương cầu thực để trẻ mồ côi không phải tủi hổ... đó là những lời nói dối ngọt ngào, đáng trân trọng, vì nó trao cho những người "yếu đuối" niềm tin và hy vọng. Riêng em, lời nói dối ngọt ngào nhất chính là câu nói, "Mẹ vẫn ổn". Mẹ ơi, đến bao giờ lời nói ấy mới thành sự thật đây? Nó ngọt đến nỗi khiến con tin nó chỉ có trong cổ tích!
Lời nói dối ngọt ngào, có hoàn toàn là ngọt ngào? Nó không hẳn chỉ có vị ngọt, đôi khi còn chứa vị mặn của nước mắt. Nước mắt của sự đồng cảm, cảm động, cảm thông, thấu hiểu... Thế mới thấy chỉ một lời nói dối nhưng "ngọt ngào" lại đưa con người đến "thiên đàng" cảm xúc. Vì nó là những lời nói không phải để dối gạt ai, mà để lừa dối cảm xúc tiêu cực của con người. Sự thật không phải bao giờ cũng tốt đẹp và dễ chấp nhận, chỉ cần chúng ta nhìn thoáng hơn, biết suy nghĩ cho người khác và đồng cảm với họ thì đã có thể đưa ra lời nói dối ngọt ngào. Hay nói cách khác, lời nói dối ngọt ngào ở đây chính là những lời nói sai sự thật nhưng có thiện ý là để người nghe không bị sốc hay đau buồn về một sự việc nào đó. Nó ngọt ngào ở chỗ, chúng ta trao cho nhau những tình cảm chân thành và niềm động viên, an ủi trong cuộc sống đầy trắc trở này.
Mẹ thường bảo con: Con nít con nôi không được nói dối. Vậy người lớn thì được sao hở mẹ? Nếu không thì sao mẹ cứ nói dối con hoài. Mẹ nói là mẹ vẫn ổn, nhưng mẹ có ổn bao giờ. Khi con chưa ra đời, mẹ đã vất vả tận chín tháng mười ngày. Lúc sinh con, nỗi vất vả đã lên đến đỉnh điểm thành nỗi đau "vượt cạn". Sau khi sinh con, mẹ lại càng vất vả hơn. Mẹ lặng lẽ lau những giọt mồ hôi ngoài đồng. Mẹ gồng gánh trên vai những đứa trẻ. Mẹ không ngại đi sớm về khuya để mưu sinh. Ấy vậy mà có bao giờ mẹ than mệt đâu. Con hỏi mẹ, mẹ có mệt không. Mẹ mỉm cười nhẹ nhàng, mẹ vẫn ổn. Mẹ chỉ là đang cố gắng ổn. Con vẫn thấy vết chân chim ngày một hiện lên trên đôi mắt đượm buồn. Con chợt thấy mái tóc mẹ dần thưa, dòng mây trắng phủ lên tóc mẹ ngày một dày. Đã mấy lần con để ý điều đấy? Đã lần nào con nhìn ngắm mẹ chưa? Nỗi vất vả, hy sinh vẫn hằng lên da thịt mẹ hằng ngày, con nào để ý đâu. Gồng quay cuộc sống vẫn cuốn mẹ vào trong, mà mẹ vẫn không quên nhìn ngắm con trưởng thành. Mẹ nói dối con đủ điều, nhưng sao điều nào cũng ngọt ngào khiến con tự trách mình quá vô tâm. Mẹ nói rằng mẹ sẽ sống trăm sống ngàn tuổi bên con. Thực ra mẹ đang chống chọi từng ngày với đủ thứ bệnh già, nào là xương khớp, đau cơ, nhức mỏi... nhưng chắc rằng mẹ chẳng bao giờ nói ra. Mẹ nói rằng con là đứa con ngoan nhất trên đời. Nhưng con biết rằng chỉ là mẹ không chấp nhất những lỗi lầm của con. Nhiều khi con vô tư đến vô tâm, nhưng mẹ luôn rộng lòng tha thứ. Mẹ ơi, có giờ khắc nào mẹ sống cho mẹ chưa? Một đời dài lắm, nhưng mẹ chưa bao giờ tìm thấy bến đỗ bình yên. Cuộc đời là của mẹ, nhưng người đi trên đường đời ấy lại là con, và mẹ lặng lẽ dõi theo, bảo vệ, chở che. Con cảm ơn lời nói dối quá đỗi ngọt ngào của mẹ, để con nhận ra nhiều điều và trưởng thành hơn.
Lời nói dối ngọt ngào đẹp như thế đấy, ấy vậy mà có những người lợi dụng lời nói để dối gạt mọi người để mua vui hay mưu cầu lợi ích cá nhân. Hãy nhìn "cậu bé chăn cừu" mà rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Nếu cậu ấy không nói dối nhiều lần thì có lẽ người dân đã tin tưởng và giúp đàn cừu của cậu thoát khỏi bầy sói. Thực tế có không ít kẻ lừa đảo không ngần ngại xưng "công an", "cán bộ"... để lừa tiền nhân dân. Họ tự biến mình thành nô lệ của đồng tiền và mặc nhiên "cống nạp" cho nó thứ thiêng liêng nhất của con người, đó là trái tim. Những lời nói dối ấy đáng bị lên án và bài trừ để xã hội ngập tràn yêu thương!
Nói dối không phải lúc nào cũng xấu, và lời nói dối ngọt ngào không phải lúc nào cũng "mật ngọt chết ruồi". Nó có thể là bài học dạy cho bạn biết cách quan tâm người khác và thấu cảm, sẻ chia. Hãy nói theo cách trái tim mách bảo!
Bình luận (0)