"Tôi như trẻ nhỏ, ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỉ tàn phai
Tôi như trẻ nhỏ, tìm nơi nương tựa mà sao vẫn cứ lạc loài"
( Trịnh Công Sơn).
Có những ngày tôi đã lặng lẽ và tồn tại nhạt nhòa như thế. Nhưng cũng nhờ nó mà tôi hiểu hơn về giá trị của sự sống và tình yêu thương trong cuộc đời. Tôi nhận ra mình may mắn vì đã yêu và được yêu thương. Và tình yêu đó giúp cho tôi được sống đúng nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là tồn tại. Càng trải nghiệm tôi càng thấm thía nhiều hơn câu nói của Mẹ Teresa "Chúng ta cảm thấy điều chúng ta làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu giọt nước ấy".
Trong câu nói của mẹ Teresa sử dụng hàm ý ẩn dụ vô cùng sâu sắc. Đại dương ở đây chính là biển người mênh mông cùng nhau sinh sống trên hành tinh của chúng ta. “Giọt nước” chính là mỗi cá nhân nhỏ trong biển người rộng lớn ấy. Chính vì vậy nên đôi khi con người mang những mặc cảm tự ti về chính bản thân mình sinh ra tâm lý ngần ngại muốn cống hiến và đóng góp cho xã hội. Mẹ Teresa hiểu được sự trăn trở ấy trong lòng người và đưa ra lời khuyên một cách thấm thía “Đại dương sẽ ít hơn chỉ bởi thiếu giọt nước ấy”. Biển người là một cộng đồng rộng lớn được kiến tạo từ sức mạnh của mỗi cá nhân. Nếu càng nhiều người nghĩ những điều bản thân làm là vô dụng không đủ sức thay đổi thế giới này thì còn đâu những giá trị tốt đẹp được lan tỏa trong cuộc sống. Câu nói như một lời động viên chân thành mỗi người hãy cứ tỏa sáng và đóng góp giá trị tốt đẹp bản thân mình có. Chính những điều nhỏ bé ấy là sức mạnh để thay đổi thế giới rộng lớn.
Tôi chắc chắn ai cũng từng có một lần tự đặt câu hỏi “Tôi là ai trong thế giới này?”. Bởi đứng trước những con người có tầm ảnh hưởng trong xã hội với thành tựu đáng nể, chúng ta chỉ là những con người bình thường không có năng lực nổi trội. Từ đó sinh ra cảm giác tự ti về việc mình đang làm liệu có mang lại giá trị gì cho xã hội hay chỉ là một gánh nặng cho người khác. Chính suy nghĩ ấy đã khiến một bộ phận bạn trẻ “ngại hành động”. Họ đã quên mất rằng “Những điều lớn lao được tạo nên từ rất nhiều điều nhỏ nhặt”. Những con người nhỏ bé, ở nhiều nơi nhỏ bé, làm nhiều điều nhỏ bé… Những điều ấy có thể thay đổi cả bộ mặt của thế giới. Bên cạnh tâm lý tự ti về những điều mình cống hiến còn có một nguyên nhân khác chính là “tâm lý đám đông”. Ai cũng cho rằng mình không hành động thì người khác cũng sẽ làm phần của mình. Lầm tưởng ấy đã khiến bao nhiêu người mắc căn bệnh “vô cảm” thờ ơ với mọi thứ và chưa bao giờ gửi gắm yêu thương đến bất cứ chốn nào. Khi ấy tâm hồn ta sẽ là một biển Chết, trong lòng chỉ có sự nguội lạnh cảm xúc và suy nghĩ ích kỷ cho bản thân.
Một việc tốt hôm nay bạn làm sẽ là phép màu cứu rỗi cho một tâm hồn đang tổn thương hoặc thay đổi số phận của rất nhiều người. Hãy thử tưởng tượng “phép nhân yêu thương” ấy được thực hiện bởi nhiều người nhỏ bé ở khắp nơi trên thế giới thì bao nhiêu mảnh đời được xoa dịu và thoát những nỗi đau số phận vô tình san sớt. Mẹ Teresa chính là một người “bình thường” tại điểm xuất phát nhưng chính tình yêu thương không biên giới đã khiến Mẹ trở thành một người vĩ đại. Mẹ bắt đầu hành trình lan tỏa những giá trị cộng đồng tốt đẹp từ Ấn Độ sau đó là mọi nơi trên thế giới. Nhờ những đóng góp của Mẹ đã cứu vớt bao số phận khổ đau có cơ hội được đến trường, thắp lên ước mơ về cuộc sống hạnh phúc đủ đầy. Có lẽ rất khó để chúng ta có thể làm được như Mẹ nhưng mỗi ngày chúng ta đóng góp những điều nhỏ nhặt nhất gom tất cả chúng lại, ta sẽ thấy tấm áo hạnh phúc đã ôm trọn cho những mảnh đời bất hạnh và cả chính tâm hồn của chúng ta.
Câu nói của mẹ Teresa thật sâu sắc và tôi được tri nhận rất nhiều điều quý giá. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ làm nhiều việc tốt hơn nữa để cống hiện cho xã hội những giá trị tốt đẹp.