Đọc thầm bài văn sau:
CHÚ CHIM SÂU Một hôm, Chim Sâu vào rừng chơi và được nghe Họa Mi hót. Về tổ, Chim Sâu phụng phịu với bố mẹ: - Bố mẹ ơi! Sao bố mẹ sinh con ra không là Họa Mi mà lại là Chim Sâu? - Bố mẹ là Chim Sâu thì con phải là Chim Sâu chứ! – Chim mẹ trả lời. Chim Sâu con lại hỏi: - Chúng ta có thể trở thành Họa Mi được không ạ? - Tại sao con muốn trở thành Họa Mi? - Vì con muốn có tiếng hót hay để mọi người yêu quí. Chim bố nói: - Người ta yêu quí chim không chỉ riêng có tiếng hót, con ạ! Con hãy cứ là Chim Sâu. Hãy bắt thật nhiều sâu, bảo vệ cây cối hoa màu, con sẽ được mọi người yêu quí. Một thời gian sau, Chim Sâu đã khôn lớn. Một buổi chiều, trời đầy bão giông, Chim Sâu bị gió thổi tạt vào một khung cửa sổ và rơi xuống nền nhà. Một cậu bé chạy tới nâng Chim Sâu lên và đặt Chim Sâu vào một chiếc hộp cứng. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh. Cậu bé đến mở nắp hộp, nhẹ nhàng nâng Chim Sâu trên tay. Ông bố chú bé nói: - Con hãy thả chú chim ra. Loài chim này rất đáng quí vì nó có ích lợi với vườn cây lắm đấy! Chú chim sâu chợt nhớ lại lời chim bố ngày nào “Người ta yêu quí chim không chỉ vì tiếng hót”. Cậu bé vuốt ve Chim Sâu rồi khẽ tung Chim Sâu lên cho chú bay đi. Chú Chim Sâu liền bay tới cành na trong vườn và tìm bắt sâu. Chú vừa nghiêng nghiêng đầu tìm sâu vừa kêu những tiếng “tích tích”. Những tiếng kêu “tích tích” của Chim Sâu khiến chú bé rất thích thú. Sau đó, Chim Sâu làm tổ ở khu vườn ấy. Chú còn rủ thêm nhiều bạn chim tới trú ngụ, cùng nhau bắt sâu bảo vệ cây cối trong vườn. ( Theo Nguyễn Đình Quảng) |
* Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng nhất hoặc thực hiện theo yêu cầu của từng câu hỏi dưới đây:
Câu 1. Vì sao Chim Sâu muốn trở thành Họa Mi?
A. Vì Họa Mi xinh đẹp B. Vì Họa Mi hót hay
C. Vì Họa Mi tốt bụng D. Vì Họa Mi thân thiện
Câu 2. Theo chim Bố, người ta yêu quí loài chim không chỉ vì tiếng hót hay mà còn vì điều gì?
A. Vì chim có hình dáng đẹp.
B. Vì chim có thể bay được rất cao
C. Vì chim biết bắt sâu bảo vệ cây cối, hoa màu
D. Vì chim biết làm tổ trên cao.
Câu 3.Trong cơn bão, chuyện gì đã xảy ra với chim sâu?
A. Chim Sâu bị gió thổi tạt vào một khung cửa sổ, rơi xuống nền nhà.
B. Tổ Chim Sâu bị gió bão thổi rơi xuống đất.
C. Chim Sâu đã khôn lớn và chống chọi được bão tố.
D. Chim Sâu bị gió bão quật gãy cánh.
Câu 4. Sau khi được chú bé thả, Chim Sâu đã làm gì? …………………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Câu 5. Điều gì đã thay đổi suy nghĩ của Chim Sâu?
…………………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Câu 6. Qua câu chuyện này, em rút ra được bài học gì?
…………………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Câu 7. Câu dưới đây thuộc mẫu câu nào?
Con hãy thả chú chim ra.
A. Câu nêu hoạt động B. Câu nêu đặc điểm C. Câu giới thiệu sự vật
Câu 8. Đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm trong câu sau.
Chú Chim Sâu liền bay tới cành na trong vườn và tìm bắt sâu.
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Câu 9. Dấu gạch ngang trong câu sau có tác dụng gì?
Chim Sâu con lại hỏi:
- Chúng ta có thể trở thành Họa Mi được không ạ?
…………………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Câu 10. Đặt một câu tả hoạt động của chim sâu có sử dụng biện pháp nhân hóa.
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Câu 11. Xác định 2 thành phần chính của câu sau.
Những tiếng kêu “tích tích” của Chim Sâu khiến chú bé rất thích thú.
Câu 12. Chuyển câu sử dụng dấu gạch ngang thành câu sử dụng dấu ngoặc kép.
Ông bố chú bé nói:
- Con hãy thả chú chim ra. Loài chim này rất đáng quí vì nó có ích lợi với vườn cây lắm đấy!
…………………………………………………………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………………