K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

29 tháng 5 2020

- Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng được thể hiện trong các văn kiện:

+ Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (12/12/1946).

+ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh (19/12/1946).

+ Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh (9/1947).

- Nội dung của đường lối kháng chiến là: Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế.

+ Kháng chiến toàn dân: xuất phát từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ tư tưởng “chiến tranh nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Có lực lượng toàn dân, tham gia mới thực hiện được kháng chiến toàn diện và tự lực cánh sinh.

+ Kháng chiến toàn diện: do địch đánh ta toàn diện nên ta phải chống lại chúng toàn diện. Cuộc kháng chiến của ta bao gồm cuộc đấu tranh trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế… nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp. Đồng thời, ta vừa “kháng chiến” vừa “kiến quốc”, tức là xây dựng chế độ mới nên phải kháng chiến toàn diện.

+ Kháng chiến lâu dài: so sánh lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch, địch mạnh hơn ta về nhiều mặt, ta chỉ hơn địch về tinh thần và có chính nghĩa. Do đó, phải có thời gian để chuyển hóa lực lượng làm cho địch yếu dần, phát triển lực lượng của ta, tiến lên đánh bạo kẻ thù.

+ Kháng chiến tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế: mặc dù ta rất coi trọng những thuận lợi và sự giúp đỡ của bên ngoài, nhưng bao giờ cũng theo đúng phương châm kháng chiến của ta là tự lực cánh sinh, vì bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng phải do sự nghiệp của bản thân quần chúng, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ thêm vào.

28 tháng 5 2020

Bởi vì:

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Kỷ nguyên mới đánh dấu bước nhảy vọt của đất nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng lãnh đạo một nhà nước độc lập.

Sau cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định; toàn dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc. Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nước Việt Nam của người Việt Nam. Người Việt Nam thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình. Thời đại dân tộc Việt Nam đứng trước thế giới với tư cách một đất nước, một quốc gia độc lập, ngang hàng và hội nhập với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Từ Cách mạng tháng Tám, những tiếng Việt Nam - Hồ Chí Minh đã gắn liền với nhau và trở thành quen thuộc, thiêng liêng trong trái tim những người chính trực trên thế giới.

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người trịnh trọng tuyên bố trước thế giới: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Cùng với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, sự sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là sự đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Đó là một nhà nước kiểu mới gắn bó mật thiết với nhân dân, mang tính nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Dân tộc Việt Nam đã được độc lập, thống nhất, có chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, có quân đội chính quy, có địa vị hợp pháp trên trường quốc tế. Trong quá trình phát triển của dân tộc, đó là bước nhảy vọt vĩ đại nhất, một đóng góp có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn.

Đối với lịch sử dân tộc ta, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là sự mở đầu cho những giai đoạn phát triển thắng lợi tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

14 tháng 10 2020

Câu 2)

Chiến dịch Biên Giới là chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, khai thông biên giới, mở rộng và củng cố căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đây là chiến dịch do Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức, chỉ huy; Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Đây cũng là chiến dịch duy nhất đích thân Chủ tịch nước - Hồ Chí Minh ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo. Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu vô cùng quyết liệt, anh dũng và mưu trí của quân và dân ta (16-9/14-10-1950), Chiến dịch tiến công Biên Giới Thu-Đông 1950 đã giành được thắng lợi to lớn.


1. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới mang tầm chiến lược, tạo bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.


Sau thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, thực dân Pháp đẩy mạnh việc củng cố hành lang Đông - Tây, đồng thời thực hiện kế hoạch mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, củng cố tuyến phòng thủ biên giới Đông Bắc. Yêu cầu chiến lược của ta lúc này là phá tan âm mưu phong tỏa biên giới phía bắc của địch, mở đường giao lưu giữa nước ta với các nước anh em để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế. Chiến dịch Biên Giới Thu - Đông 1950 mở ra và giành được thắng lợi đã biến quyết tâm chiến lược trên đây thành hiện thực. Chiến thắng đó có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm chiến lược; là kết tinh sức mạnh tổng hợp của cả nước, thành quả của quân và dân ta suốt cả chặng đường 5 năm (1945-1950) chiến đấu trong vòng vây bốn bề của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Trong chiến dịch này, ta đã thực hiện thắng lợi trọn vẹn mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra là giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ thị xã Cao Bằng đến thị trấn Đình Lập (Lạng Sơn), một địa bàn chiến lược xung yếu, tạo nên một thế trận mới vững chắc. Căn cứ địa Việt Bắc-Thủ đô kháng chiến của cả nước được mở rộng và củng cố, trở thành vùng tự do an toàn. Đường giao thông quốc tế được mở rộng nối liền căn cứ địa Việt Bắc với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, qua đó đến Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu. Thế bị bao vây, cô lập của cuộc kháng chiến được khắc phục. Sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” của ta có điều kiện thuận lợi để tiếp nhận sự viện trợ về vật chất, vũ khí, trang bị quân sự và học hỏi kỹ, chiến thuật của quân đội các nước anh em, tiếp thu lý luận, kinh nghiệm xây dựng xã hội mới theo nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Thắng lợi này “làm cho toàn dân và toàn quân ta từ Nam chí Bắc vô cùng phấn khởi, tinh thần của quân và dân ta tăng lên một cách nhảy vọt. Mọi người qua thắng lợi đó đều thấy Đảng, Chính phủ, dân tộc mình, quân đội mình và chính mình đã lớn mạnh lên nhiều, rằng kháng chiến lâu dài không phải là vô hạn độ, triển vọng thắng lợi đã nhích lại gần chúng ta hơn trước nhiều, địch đã phải chịu thất bại chua cay và không thể huênh hoang như trước nữa”!(1)

Với thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới, cuộc kháng chiến của ta chuyển mạnh từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn.

Biên Giới Thu - Đông 1950, đối với phía Pháp là một thất bại cay đắng. Giới cầm quyền và tướng lĩnh Pháp cũng phải thừa nhận rằng, thất bại của quân đội Pháp ở biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn trong Thu - Đông 1950 có ảnh hưởng quyết định đối với nửa cuối cuộc chiến tranh, tình thế cuộc chiến đã thay đổi theo hướng bất lợi cho quân Pháp. Trong số các đơn vị bị loại khỏi vòng chiến đấu, có 5 tiểu đoàn cơ động chiến lược, chiếm 55% lực lượng cơ động chiến lược của địch ở Bắc Bộ (5/9 tiểu đoàn), 41% lực lượng toàn Đông Dương (5/12 tiểu đoàn). Thất bại đó gây hiệu ứng dây chuyền, quân Pháp không chỉ phải rút khỏi toàn bộ Liên khu Biên giới Đông Bắc, mà còn phải rút khỏi các vùng quan trọng khác như Lào Cai, Hòa Bình, Thái Nguyên v.v..; thậm chí phía Pháp phải báo động toàn vùng Bắc Bộ và bàn tính đến chuyện rút lui chiến lược về cố thủ từ miền Trung trở vào.

Thất bại đó đã làm phá sản âm mưu “khóa chặt biên giới Việt - Trung” hòng cô lập cách mạng Việt Nam với các nước anh em; tuyến phòng thủ Liên khu Biên giới Đông Bắc bị xóa bỏ, “hành lang Đông-Tây” bị chọc thủng, chủ trương phòng thủ Đông Dương theo “Kế hoạch Rơ-ve” của Pháp tiêu tan.

Sau thất bại ở Biên Giới, quân Pháp lâm vào tình thế khó khăn, mất quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc Bộ. Tâm lý lo lắng về thất bại trên chiến trường không chỉ diễn ra trong đội quân viễn chinh Pháp mà ngày càng lan tràn đến giới cầm quyền chính trị và quân sự Pháp. Tại nước Pháp, phong trào đấu tranh chống “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của thực dân Pháp ở Đông Dương ngày càng dâng lên mạnh mẽ. Nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Pháp lên tiếng công kích Chính phủ theo đuổi cuộc chiến tranh phi nghĩa, hao người, tốn của ở Đông Dương. Cao ủy, Tổng chỉ huy và các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương mâu thuẫn và tranh cãi quyết liệt về vấn đề tập trung hay phân tán lực lượng để chiếm giữ đất đai, bình định vùng chiếm đóng, giữa giữ đất, giành dân với thu hẹp phạm vi chiếm đóng để bảo toàn lực lượng.

Lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, trót “đâm lao phải theo lao”, thực dân Pháp phải tăng thêm quân cho chiến trường Đông Dương, triệu hồi Cao ủy Phi-nhông (Pignon) và Tổng chỉ huy, tướng Các-păng-chi-ê (Carpentier) về nước và cử tướng Đờ Lát-đờ Tát-xi-nhi (De Latre de Tassigny) sang Đông Dương kiêm luôn cả chức Cao ủy lẫn Tổng chỉ huy. Không những thế, Pháp phải cầu viện Mỹ về vũ khí và phương tiện chiến tranh và chính vì vậy, Pháp phải thỏa hiệp, nhượng bộ quyền lợi cho Mỹ, để Mỹ can thiệp sâu vào Đông Dương, điều mà Pháp không muốn nhưng buộc phải làm.

Có thể nói, Chiến dịch Biên Giới mở ra và giành được thắng lợi đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp thiết về chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ ta giành, giữ và phát huy quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc Bộ, liên tục tiến công địch, đánh tiêu diệt với quy mô ngày càng lớn và giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, tạo được thế trận mới.


Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc trước lều dựng tạm trên đường đi chiến dịch Biên Giới 1950.

2. Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sau 6 năm kể từ ngày thành lập (22-12-1944) đến Thu - Đông năm 1950, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng trên mọi phương diện và đã giành được nhiều chiến công xuất sắc. Chiến thắng Biên Giới đánh dấu một bước tiến nhảy vọt của Quân đội ta về nhiều mặt, đặc biệt là về nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật. Từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ, đến chiến dịch Biên Giới, lần đầu tiên ta mở chiến dịch tiến công quy mô lớn, tập trung tới 4,5 vạn người, kể cả bộ đội và dân, trong thời gian gần một tháng. Đây là chiến dịch lớn, hiệp đồng một số binh chủng, tiến công vào hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài gần 100km. Trong chỉ đạo, ta đã đề ra phương châm tác chiến chiến dịch đúng, lựa chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, kiên quyết và khéo léo tập trung ưu thế binh, hỏa lực, tạo thế trận đánh hiểm, có cách đánh sáng tạo và có hiệu quả. Chiến dịch Biên Giới là một điển hình về đánh vận động, truy kích, nghệ thuật đánh điểm, diệt viện và đánh tiêu diệt trong nghệ thuật tác chiến của quân đội ta. Thành công đó đánh dấu bước trưởng thành của quân đội, chứng tỏ trình độ chỉ huy, kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ta có sự tiến bộ vượt bậc. Bộ đội ta đã tác chiến tập trung với quy mô lớn hơn so với trước, tiêu diệt được tiểu đoàn địch trong công sự vững chắc và binh đoàn địch trong đánh vận động. Ta đã giữ quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch, chuyển hóa thế trận tốt, xử lý tình huống tập trung, chia cắt tiêu diệt từng bộ phận dẫn tới tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch trên toàn chiến trường. Bên cạnh đó, trong điều kiện phải chiến đấu dài ngày, tình huống diễn biến mau lẹ, chiến dịch diễn ra trên địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhưng công tác bảo đảm hậu cần, bảo đảm vũ khí đạn dược, thông tin liên lạc, cứu chữa và chăm sóc thương bệnh binh, v.v.., vẫn được đảm bảo.

Không chỉ bó hẹp trên chiến trường biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 cho thấy sự chỉ đạo tác chiến đã phát triển lên tầm cao mới. Khi bộ đội ta tiến công địch ở mặt trận chính Cao Bằng, Lạng Sơn thì LLVT và nhân dân địa phương từ Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, cả Liên khu 3, Bình Trị Thiên, Nam Trung bộ đến Nam Bộ đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tiến công địch, “chia lửa” với hướng tiến công chính, buộc chúng phải căng kéo, dàn mỏng lực lượng đối phó ở khắp nơi.

Chính kẻ địch cũng thừa nhận Quân đội nhân dân Việt Nam đến cuối năm 1950 đã “có một phương châm tác chiến vững vàng, điều khiển các trận đánh kế tiếp nhau, gắn bó với nhau một cách mạch lạc và làm cho quân Pháp không kịp thở trên một chính diện rộng lớn từ Đông Khê đến Thất Khê”(2). Trong quá trình Chiến dịch Biên Giới, bộ đội ta đã “thực sự làm chủ tình thế, thay đổi bố trí ban đầu rất nhanh, hướng sự cố gắng vào sự bao vây tiêu diệt quân Pháp”(3). Với cuộc chiến đấu trên đường số 4, Cao Bằng - Lạng Sơn trong Thu - Đông 1950, bộ đội ta “tỏ ra là một quân đội hiện đại, căn cứ vào hình thức tác chiến cũng như sức mạnh trong chiến đấu”(4).

Sau chiến thắng Biên Giới, phát huy thế chủ động chiến lược giành được trên chiến trường chính Bắc Bộ, Bộ Tổng tư lệnh tập trung các trung đoàn chủ lực, thành lập 3 đại đoàn bộ binh (312, 316, 320) và Đại đoàn công pháo 351; liên tiếp tổ chức, chỉ huy các chiến dịch tiến công quy mô lớn ở trung du và đồng bằng, miền núi Bắc Bộ. Đáng kể là: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (25-12-1950/18-1-1951), tiến công địch ở trung du Bắc Bộ, từ Đông Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên đến Tây sông Cầu; Chiến dịch Hoàng Hoa Thám (23-3/7-4-1951), tiến công vào tuyến phòng thủ của Pháp trên đường số 18 từ Phả Lại đến Uông Bí; Chiến dịch Quang Trung (28-5/20-6-1951) tiến công vào phòng tuyến sông Đáy của quân Pháp từ Nam Phủ Lý (Hà Nam) đến Yên Mô (Ninh Bình); Chiến dịch Lý Thường Kiệt (29-9/31-10-1951), tiến công địch ở Nghĩa Lộ (Yên Bái); Chiến dịch Hòa Bình cuối 1951 đầu 1952, tiến công địch ở khu vực thị xã Hòa Bình - Sông Đà - Đường số 6, v.v.., đồng thời đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trên khắp chiến trường Bắc, Trung, Nam và toàn Đông Dương.


Bác Hồ trên đường đi chỉ đạo chiến dịch Biên Giới.


Chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 thực sự là bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta, tạo nền tảng, cơ sở để LLVT ta cùng toàn Đảng, toàn dân giành được thắng lợi to lớn hơn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc kháng chiến, mà quan trọng là trong Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ.


Sau những năm chiến đấu giữa vòng vây của quân thù, Chiến dịch Biên Giới mở ra và giành thắng lợi đã góp phần quyết định đưa sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta bước sang một giai đoạn mới. Nói cách khác, chiến thắng Biên Giới Thu - Đông 1950 mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu bước thất bại chiến lược của địch; là bước ngoặt, mang lại thế và lực mới cho cuộc kháng chiến, đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội ta. Đảng ta khẳng định: “Đi qua Chiến dịch Biên Giới và Chiến dịch Trung Du, quân đội ta đã tiến bộ vượt bậc trên con đường từ du kích chiến, chuyển sang chính quy chiến. Do vận động chiến đã được đẩy mạnh, sự quan trọng của vận động chiến trên chiến trường Bắc Bộ đã được đưa lên ngang hàng với du kích chiến”(5).


Thắng lợi của Chiến dịch Biên Giới đã chứng minh tính đúng đắn đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính mà Đảng ta đã vạch ra ngay từ đầu cuộc kháng chiến. Với tinh thần “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, trong suốt những năm “chiến đấu trong vòng vây”, chúng ta đã nỗ lực xây thế và lực cho cuộc kháng chiến, xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh, đủ sức tiến hành và giành thắng lợi trong những trận đánh lớn làm xoay chuyển cục diện tình hình có lợi cho ta. Bài học về phát huy nội lực, xây dựng thực lực kháng chiến, xây dựng quân đội để làm nên chiến thắng Biên Giới vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Biên Giới (1950/2010) diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là dịp chúng ta ôn lại chiến công vẻ vang của dân tộc, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, những người con của đất nước đã cống hiến máu xương, tuổi xuân, công sức, trí tuệ cho sự toàn thắng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

27 tháng 5 2020

Hiệp định Genève 1954 (tiếng Việt: Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954) là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ để khôi phục hòa bình ở Đông Dương.Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.