Một thời say mê tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Victor Hugo, ta ấn tượng mãi với chi tiết giám mục Myriel đã nói dối với cảnh sát nhằm đỡ tội cho Jean Valjean vì đã ăn cắp bộ đồ bạc quý giá trong nhà thờ. Chính hành động vị tha đó của vị giám mục đã đánh động tâm can Jean để rồi sau này anh hoàn lương trở thành ông thị trưởng ngay thẳng, nhân hậu và chính trực. Quả thật, sự vị tha mang một thứ ánh sáng ấm áp và diệu kì. Bản giao hưởng về lòng vị tha vẫn ngất ngây như không bao giờ dứt, khi một lần nữa được cất lên qua câu chuyện xưa "Vị thiền sư và chú tiểu".

Câu chuyện ngắn kể về một chú tiểu trong một lần ham chơi mà làm trái qui định của nhà chùa, vượt tường trốn ra ngoài. Đến lúc chú quay trở lại, chú kinh ngạc khi phát hiện ra dưới chân mình không phải là cái ghế mà là vai thầy mình. Lúc này, chú tiểu rất bàng hoàng và sợ hãi, chuẩn bị để nghe những lời trách mắng và hình phạt từ thầy mình. Nhưng thật bất ngờ, người thầy không những không trách cứ, quở trách gì mà chỉ ôn tồn nói lời yêu thương, lo lắng “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Đọc câu chuyện, ta thấy được vị thiền sư hiện lên với lòng khoan dung, độ lượng và tâm lý bởi ông hiểu được rằng một lời nói quan tâm, tha thứ có tác động đến tâm can con người hơn bất cứ lời trách mắng, roi vọt nào. Chính cử chỉ nhân đạo đấy khiến chú tiểu suốt cuộc đời không bao giờ quên được bài học tối hôm ấy, để chú nhận ra sai lầm của mình và không tái phạm lại lẫn nữa. Câu chuyện đã khẳng định một bài học nhân sinh sâu sắc về sức mạnh cúa sự bao dung nếu được đặt đúng chỗ có tác dụng khích lệ to lớn hơn sự trừng phạt, giúp con người tự nhận thức những sai lầm của chính mình để hướng tới những điều tốt đẹp. Đây là một thông điệp đúng đắn, là chân lý giản dị của mọi thời.

Ai ai cũng một lần mắc phải những sai lầm với bản thân và với người khác. Đó có thể là do suy nghĩ chưa chín chắn, hành động nông nổi, bồng bột hoặc do hoàn cảnh khách quan, bị đẩy vào đường cùng tuyệt lộ. Khi con người sống chan hoà, bao dung với nhau , mối quan hệ trong xã hội sẽ tốt đẹp, ít sự thù hằn, ganh ghét hơn. Biết khoan dung, ta sẽ mở cho người khác một đường về cho chính họ. Lòng khoan dung thể hiện niềm tin,sẽ cảm hoá được lỗi lầm và là động lực thúc đẩy, khuyến khích họ tự nhận ra sai lầm và sửa chữa. Như Frank William Abagnale, Jr. là một cố vấn an ninh người Mỹ, nổi tiếng vì quá khứ bất hảo từng siêu lừa đảo trẻ tuổi nhất nước Mỹ. Nhưng cuối cùng Frank vẫn bị tóm khi đang lẩn trốn tại New York vào năm ông 21 tuổi và nhận mức án 12 năm trong tù. Sau 5 năm, Frank nhận được ân xá để rồi ông hoàn lương và dùng kinh nghiệm của mình chấn chỉnh các hệ thống kiểm tra an ninh của các tổ chức tài chính và chính phủ khắp thế giới. Vậy là từ một kẻ lừa đảo thông minh, tinh vi và khét tiếng bậc nhất nước Mỹ, Frank đã thành công hoàn lương, không chỉ vậy lại còn trở thành nhân vật có ích cho xã hội và đóng góp cho cộng đồng. Đây chẳng phải là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của sự bao dung, tha thứ hay sao? 

Bao dung không chỉ đơn thuần khiến cho người khác cảm thấy được an ủi, tha thứ, mà còn là bài thuốc cho chính tinh thần chúng ta. Nếu ta cứ mãi ôm giữ ngọn lửa oán hận trong lòng và muốn trả thù thì trước khi ngọn lửa ấy chưa kịp chuyển sang người đó, thì nó đã thiêu đốt chính bản thân ta trước rồi.Sự oán hận và thù ghét sẽ chỉ khiến tâm hồn ta càng thêm dày vò, đau khổ thậm chí còn đánh mất những gì quý giá nhất đang hiện hữu xung quanh ta. Chỉ có hóa giải thù hận bằng tấm lòng độ lượng, khoan dung mới khiến tâm hồn ta thanh thản và tràn ngập niềm vui.Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu không thể để nỗi đau và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù”. Tha thứ cho người khác không phải là cho họ mà còn là cho chính ta, để ta mạnh mẽ tiếp tục hướng tới tương lai phía trước.

Bao dung là lối sống đẹp mà mỗi chúng ta cần trang bị cho tâm hồn mình. Nhưng sự bao dung cũng cần đặt đúng lúc, đúng chỗ. Bởi có những sai lầm quá lớn mà người ta phải trả giá bằng cả một cuộc đời. Bao dung cũng là một nghệ thuật và cũng cần sự sắc xảo,lí trí. Bởi sự bao dung không bao giờ đồng nghĩa với việc bao che mù quáng cho những điều sai trái, để các xấu, cái ác mặc sức nhởn nhơ, hoành hành. Như Matin Luther King từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt".

Để hoàn thiện phẩm chất và nhân cách, mỗi chúng ta cũng cần phải lấy câu chuyện trên làm bài học cho bản thân mình. Ta hãy học cách chấp nhận, cảm thông cho những khuyết điểm và thiếu sót của người khác, luôn lắng nghe, thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của họ để có cái nhìn khách quan và rộng mở. Nhưng đồng thời ta cũng cần tự giác kiểm điểm những thiếu sót của bản thân để sửa đổi.Để từ đó ta sống bình tâm và thanh thản, trái tim và tâm hồn ta ngày càng rộng mở hơn.